Pt.4
"Không có bất thường nào trong não của chị cả."
Tôi ngơ ngác trước thông báo từ bác sĩ.
"Kết quả chụp cho thấy rõ điều đó. Chính xác thì," Anh ngắt giữa chừng, lại tiếp tục ngay: "Chị đã gặp phải vấn đề gì?"
Tôi đưa tay sờ sau đầu. Nó vẫn nằm đây mà.
Một hồi im lặng, anh cũng bảo: "Có chuyện gì vậy?" Rồi với vẻ chán nản thoáng qua, anh vờ nhìn tài liệu: "Ngoài việc cho rằng có dị vật trong não, chị còn gặp bất tiện gì sau tai nạn nữa không?"
Tôi đành qua quýt về tình trạng của mình: "Tôi bị ảo giác."
Bác sĩ ngạc nhiên: "Ảo giác như thế nào?"
Tôi dần kể ra nương theo những câu hỏi của bác sĩ. Cuối cùng, anh thành thật rằng anh không khuyến khích làm những kiểm tra vô bổ cho tôi ở đây. Thay vào đó, anh đề xuất một phòng khám khác và vị bác sĩ nọ, có thể giúp ích.
Tôi lập tức tìm đến chỗ nam bác sĩ giới thiệu sau khi ra khỏi bệnh viện. Khoảng giữa giờ chiều, tôi rốt cuộc gặp được vị bác sĩ anh đề cập. Bác sĩ có hốc mắt sâu và mái tóc hoa râm. Với nụ cười hiền hòa thường trực trên gương mặt cùng lối chuyện trò ân cần, ông mang một vẻ tự nhiên mà đáng tin cậy. Tuy lộn xộn, tôi cố gắng giãi bày chi tiết vấn đề của mình: ảo tưởng, bầu trời và mảnh vỡ vô hình mắc lại trong đầu. Tôi thể hiện sự hợp tác, nhưng đồng thời cũng nhận ra bản thân làm vậy vì đang bồn chồn quá. Bác sĩ cũng phát hiện, xếp lịch hẹn lại tôi rất sớm.
Các buổi trị liệu diễn ra một cách mẫu mực đến quái lạ. Những liệu pháp để khai phá nội tâm từ quá khứ không thực sự đi đến đâu. Thuốc giúp tình trạng ảo giác thuyên giảm đáng kể thời gian đầu. Sẽ chẳng mấy khi tôi còn thấy quá khứ, nhưng bầu trời, vẫn cứ nứt ra... Dùng thuốc trở nên quá mệt mỏi với tôi. Nó gợi nhắc tôi về thời điểm sau sinh. Những cảm giác mơ hồ cứ vòng lại trong gang tấc rồi phút chốc đã ở xa đến mức chẳng thấy tăm hơi. Sự mệt mỏi ấy... dường như đã ngấm vào từng viên thuốc. Thời gian đầu qua đi, tôi lại thấy chồng mình ở khu chung cư. Bác sĩ điều chỉnh thuốc cho tôi. Tôi mất dần kiên nhẫn. Khi ý nghĩ nghi ngờ lóe lên, ông ngỏ lời về việc bổ sung phương pháp điều trị.
Suốt quá trình, kéo dài hơn tám tháng. Dựa vào mức độ căng thẳng và lo âu của tôi, thôi miên là một trong những phương pháp đã được áp dụng. Những lần đầu thực hiện đều khá thuận lợi và thư giãn. Nhưng ở buổi thứ năm, quá trình thôi miên bị ngắt đoạn. Nước mắt bất chợt tuôn trào. Tôi cảm tưởng mình vừa trải qua một mớ hỗn độn xoắn vặn với nhau không rõ hình dạng và tôi chỉ còn một lựa chọn là khóc. Như thể ai đó vừa tìm thấy tôi khi tôi cố chấp nấp vào chỗ chết. Buổi thứ sáu cách đó chỉ khoảng nửa tuần.
Tôi mở cánh cửa rồi rời khỏi phòng, về nhà, mỗi bước đi, đều như đang trẻ lại. Lòng tôi khấp khởi, vẫn luôn khấp khởi trên đường, tôi bắt đầu đánh chân. Phía trên vẳng đến tiếng chim ríu rít. Tôi không ngước lên, nhưng âm thanh khi gió lùa qua các tán cây mang đến cho tâm trí cả sự mát lành với màu xanh lá mạ và một thứ màu vừa nhợt nhạt vừa cháy bỏng của những vạt nắng thấp thoáng. Tim tôi đập dồn, đôi chân nóng lên một cách nồng nhiệt vì các động tác chạy nhảy. Tôi tháo giày, nhanh nhảu đâm thẳng vào bếp, ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế trước bàn ăn.
"Về sao không thưa?" Mẹ tôi nói, ngữ điệu trêu đùa.
Bà đang xoay lưng về phía tôi. Từ đằng sau, chỉ thấy được dây đeo của chiếc tạp dề làm từ vải hoa và búi tóc tròn tròn di chuyển theo từng cử động. Cứ mỗi lần nấu ăn, bà ấy đều sẽ đeo tạp dề, chưa một lần nào quên. Bởi bà luôn mặc đồ tây, dù ở bất kỳ đâu. Bà có hàng chục bộ y hệt nhau như vậy. Phải tận lúc nghỉ hưu, tôi mới thấy bà thôi mặc chúng.
A... Đây là năm tôi bảy tuổi.
Tôi đang là đứa cao nhất lớp. Từ khi tôi biết chuyện, tôi đã luôn là đứa cao lớn nhất. Thời ấy, trước nhà tôi có một cây trứng cá, là chỗ mẹ tôi hay đo chiều cao cho tôi. Bà sẽ dùng mũi dao rạch một đường lên thân cây. Cứ mỗi lần đo lại, tôi đều sẽ cao thêm hai cm. Và các lần đo ấy rất gần nhau. Trong nhà tôi có nhiều cột, nhưng bà ấy luôn đo cho tôi ngoài sân. Thi thoảng được dịp hàng xóm hỏi thăm, bà sẽ tiếp chuyện với nụ cười và đôi mắt to sáng đầy hãnh diện.
Tôi chưa bao giờ quên gương mặt ấy của bà.
Sau kỳ nghỉ Tết năm học lớp bốn, tôi hành kinh lần đầu tiên trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Mẹ tôi tối sầm mặt lúc chở tôi về. Bà ấy vẫn rất tử tế hướng dẫn cho tôi những chuyện này. Nhưng sự lạnh nhạt bắt đầu hiện diện vài ngày sau, khi tôi trở thành một trong những chủ đề bàn tán của mấy bà nội trợ quanh xóm. Tôi cũng bị đám nhóc ở trường chọc ghẹo và xa lánh, kết thúc năm đó trong cô đơn, hằn học. Tôi rất cô đơn. Tôi rất cô đơn. Chuyện nghĩ lại với tâm trí phụ nữ ba sáu ba bảy, thật chẳng có gì... Nhưng đứa trẻ non chín tuổi thì cầu mong được cứu rỗi. Tôi mong bà sẽ cứu rỗi tôi.
Kể từ lúc đó, tôi tiếp tục lớn rất nhanh, hơn bao giờ hết. Chưa đầy năm, tôi cao lên mười lăm cm. Bà ấy đo cho tôi thêm một lần với cây cột trong nhà. Nên những vết rạch cách đều nhau hai cm ngoài sân đã dừng hẳn lại. Vào kỳ hai năm lớp năm, tôi cũng đã dừng lại như thế... Khi tôi chuyển cấp, học đến lớp bảy, bạn bè bắt đầu cao hơn tôi. Khoảng thời gian đó, tôi cứ thấp thỏm không yên. Và một hôm trước chủ nhật, tôi lấy hết can đảm nói dối:
"Bố mẹ... Cô giáo bảo con cần phải đi khám."
"Bị gì?" Bố tôi hỏi.
Tôi lặng thinh. Ông nhìn tôi một hồi, cúi đầu ăn tiếp, nói khẽ: "Vậy thì để mẹ dắt đi giúp nhé."
Tôi lén nhìn sang mẹ. Bà cũng nhìn tôi, miệng đang nhai, không có vẻ gì tức giận hay phiền hà.
**
*
"Không có bất thường gì với bé cả."
Tôi hoảng sợ tột độ khi nghe thông báo ấy.
"Có thể cháu dậy thì hơi sớm một tí nên sẽ nhỏ con hơn so với các bạn phát triển bình thường. Tuổi này là tuổi các bạn đang dậy thì này." Nữ bác sĩ nhỏ nhẹ.
Mẹ tôi dẫn tôi xuống cầu thang để ra khỏi bệnh viện. Bà ấy đi trước, bước rất nhanh. Tôi phải chạy bước nhỏ để đuổi kịp và không tài nào trông thấy sắc mặt bà. Có lẽ bà đã biết tôi nói dối.
"Đợi ở đây." Bà ấy dặn, chất giọng vẫn nhẹ nhàng nhưng thái độ lạnh nhạt.
Tôi gật đầu rồi đứng trước cổng bệnh viện lâu rất lâu. Người qua lại thi thoảng hỏi thăm. Nỗi bất an tràn ngập trong tôi, tôi bắt đầu tiến về hướng mẹ tôi đã đi. Tôi cứ đi thẳng, đến khi phải rẽ thì rẽ bừa. Những con đường dần trở nên hoang vắng hơn. Làn đường rộng rẽ thành hàng trăm ngã biến thành làn đường hẹp chạy bọc chân núi. Vách đá dốc phía trên chi chít những cây. Bầu trời hôm ấy... Bầu trời hôm ấy thoắt ẩn thoắt hiện đằng sau lớp mây tầng tích lởm chởm. Từng cụm mây nhỏ như những con bồ câu chực chờ tung bay khỏi bầu trời.
Tận đầu giờ chiều, mẹ tôi mới gọi tôi, bà quát:
"Đi đâu rồi?"
Tôi bật khóc: "Con không biết."
"Mày bước về đây!"
Đó là lần đầu tiên bà ấy giận dữ nhường ấy. Là lần đầu tiên bà ăn nói cộc cằn với tôi bằng lối xưng hô như vậy. Từ ngày đó trở đi, bà cũng đã đổi cách xưng hô với tôi...
Tôi cố gắng tìm đường, vừa bước đi vừa khóc lớn, mong ai đó nghe thấy mình. Tôi run rẩy gọi điện cho mẹ lần nữa, miệng bù lu bu loa và đã khóc đến nấc nghẹn:
"Con không tìm được đường. Con bị lạc rồi."
Đầu dây bên kia không cất lời. Tôi cứ khóc. Rốt cuộc nghe được tiếng rít vào qua điện thoại. Bà gằn giọng:
"Nín!"
Phải rồi... Bà ấy ghét những đứa ốm yếu, bạc nhược và sướt mướt.
"Mày có thôi đi không! Đừng giả vờ nữa. Tự tìm đường về đây!"
"Mẹ đi tìm con được không? Con sẽ đứng yên đây đợi."
"Đừng có đứng yên mà cố tìm cho ra đường quay về đây."
Tôi ngồi bệt xuống đường, ngắt điện thoại và rống khóc. Đến lúc ngửa mặt lên... dưới vòm cây sải rộng, màu đen thăm thẳm của từng nhánh mỏng đang bấu lên bầu trời, khi chiếc lá nhỏ cuối cùng lìa cành, bầu trời trông như... đã nứt ra.
Đúng rồi... Bầu trời đã nứt ra...
Tôi quay trở lại nhà dưới một bầu trời rạn nứt. Tôi còn gắng sống để làm gì nữa chứ? Tại sao tất cả những chuyện này lại xảy ra với tôi? Tôi thấy tôi ba sáu ba bảy tuổi tuyệt vọng đứng đó, nhìn bóng lưng mẹ tôi đang nấu ăn trong căn hộ của mình. Cô ấy nói, cô ấy ổn. Tôi biết cô ấy thực sự tin điều đó. Nhưng ánh mắt cô đen tối, đau khổ, cô độc. Và vì ta không thể trông thấy mắt của mình, nên chỉ đánh lừa được chính bản thân.
"Vì mày đang trông như thể mày không biết tại sao mình phải gánh chịu nỗi đau đó. Chứ không phải là không đau khổ."
Cô ấy lặng người, cơn tức tối dần hiển hiện trên gương mặt, cô nói với ngữ điệu bị gượng ép cho giống với thứ giọng đanh thép của bà:
"Đừng tỏ ra mình hiểu!"
Bà ngạc nhiên ngoái lại. Đăm đăm nhìn về phía trước, cô vẫn tiếp tục:
"Bà không có tư cách gì để ép tôi phải đau khổ! Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện lo lắng cho tôi. Bà là người bỏ mặc tôi."
"Tôi bị điên rồi. Dạo này, bầu trời thậm chí không chịu tối và tôi còn chẳng thể ngủ một giấc đàng hoàng. Mọi thứ đều là ảo tưởng của tôi. Bà nghĩ rằng bà sẽ lo lắng cho tôi trong bao lâu? Không phải là tôi đang tự tưởng tượng ra à? Bà đột nhiên lại quan tâm tôi thế này thật à?"
Không phải. Đó không phải điều tôi mong muốn. Liệu tôi đã thực sự nói những lời này ra thành tiếng hay không? Tôi trở nên lo lắng. Tôi không muốn bà ấy bỏ mặc tôi.
"Con khốn." Bà buồn bã.
Tôi không muốn nghe điều ấy. Tôi không muốn cô ấy nghe nó. Đối với một người trưởng thành, câu mắng của bà vẫn quá tàn nhẫn.
***
**
*
Lúc tỉnh khỏi trạng thái thôi miên, nước mắt đã giàn giụa khắp mặt...
Tôi gượng người dậy. Tôi luôn cảm thấy mình cần phải làm thế ngay lập tức, nhưng hôm nay, trái tim tôi nặng trĩu. Tôi nhớ về con tôi, về sự dằn vặt sau tất cả. Đứa trẻ còi cọc thấp bé, hay ốm vặt. Đứa trẻ cao lên một cách khó nhọc, chưa bao giờ đo đủ đơn vị xentimet. Đứa trẻ không qua khỏi bệnh tật mặc cho tiêm bao nhiêu mũi, truyền bao nhiêu chất. Một cơn đau chạy lan khắp thân thể. Tôi cắn chặt hàm, gập người trên chiếc ghế giường thẫm xanh.
"Sao có thể như vậy?" Tôi thều thào, những tiếng phát ra run bần bật khi tôi cố hé mở hàm răng bị nghiến chặt.
"Tưởng tượng rằng có một người bạn đến với cuộc đời đầy cô độc của ông..."
Cơ thể tôi chỉ còn như một mớ xác vụn hư hại và sụp đổ. Gương mặt là thứ duy nhất sống sót để thổn thức. Tôi cố chôn nó vào hai lòng bàn tay. Nước mắt nóng đang cào mặt tôi thành dòng.
"Trái tim tôi đau, như bị cắt thành trăm nghìn mảnh."
"Khi nghe tin con bé sẽ không thể được chữa khỏi, đến khi nhìn con bé nằm bất động trong cỗ quan tài bé nhỏ. Khi con bé chẳng lớn nổi nữa... Tôi đã sốt sắng đến mất ăn mất ngủ." Tôi lo rằng đứa bé ấy sẽ không thể lớn lên. Một nỗi lo mạnh mẽ hơn cả chính tôi... "Làm sao có thể nói với tôi rằng đó không phải sự thật? Rằng tôi chỉ xót thương cho bản thân mình..."
Rồi tôi khóc, trong câm lặng. Không rõ thời gian trôi qua bao lâu, bên vai bỗng ấm lên. Ông ấy chạm vào người tôi. Cái chạm này truyền đến một nỗi buồn vô hạn từ thực tại. Tôi tỏ tường... sau đầu tôi, trong đầu tôi, giờ chỉ có một khoảng trống, như bụng tôi ngày người ta kéo đứa bé ra.
"Cô có thể khóc thành tiếng."
Nhưng tôi đã quên mất cách để khóc thành tiếng.
Giá mà tôi vẫn còn là một đứa trẻ, đứng dưới vòm cây đã in dấu lên nền trời và khiến một loạt những con bồ câu mất hút vào từng khe nứt. Giá mà tôi vẫn có thể òa khóc nức nở khi bầu trời vỡ ra như hồi ấy...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top