nhoc nicolas
BÀI HỌC
Khi ở nhà biết rằng tôi đứng bét lớp môn số học, thì trong nhà xảy ra một chuyện khủng khiếp! Cứ như là lỗi tại tôi mà thằng Clotaire bị ốm và phải nghỉ học vào ngày kiểm tra môn số học! Đúng thế chứ còn sao nữa, suy cho cùng thì cũng phải có ai đó đứng bét lớp thay cho nó khi nó nghỉ học chứ!
Bố quát tháo ầm ĩ, bố đã bảo rằng tôi đã chuẩn bị cho mình một tương lai mới sáng sủa làm sao, ối chao ôi, rằng để đạt được một kết quả như vậy thì đúng là chẳng khó nhọc gì, nhưng tất nhiên tôi chỉ nghĩ đến chuyện chơi thôi, không bao giờ biết tự nhủ rằng một ngày nào đó bố sẽ không thể ở bên cạnh tôi để chu cấp cho mọi nhu cầu của tôi được nữa, rằng hồi bằng tuổi tôi bố lúc nào cũng đứng đầu lớp và bố của bố kinh khủng tự hào về bố, rằng bố đang tự hỏi không biết có nên đưa tôi vào học nghề ngay trong một xưởng thợ nào đó, thay vì tiếp tục cho tôi đến trường học; tôi nói với bố rằng tôi thấy học nghề cũng khá hay.
Thế là bố bắt đầu hét lên hàng đống thứ độc địa, còn mẹ thì bảo mẹ tin chắc tôi sẽ cố gắng để đạt được kết quả tốt hơn ở trường.
-Không, bố nói. Nếu thế thì dễ dàng quá; nó không thể thoát nạn dễ như vậy được. Anh sẽ tìm thầy giáo đến dạy nó tại nhà, cho dù có đắt một chút cũng được, nhưng anh không muốn nghe người ta bảo con trai của anh là một đứa ngu ngốc. Thứ năm hàng tuần, thay vì đi xem những thứ vớ vẩn ở rạp chiếu phim, nó sẽ ở nhà học thêm môn số học. Như thế sẽ tốt hơn nhiều cho nó.
Thế là tôi bật khóc, tôi gào lên và bắt đầu đá chân lung tung; tôi bảo rằng chẳng ai yêu tôi cả, rằng tôi sẽ giết tất cả mọi người rồi sau đó sẽ tự giết mình, và bố bảo tôi có mốn bị tét đít không; thế là tôi dỗi, và mẹ bảo rằng những buổi tối như thế này sẽ làm mẹ già đi mất nhiều tuổi,và cả nhà cùng xuống ăn tối. Bữa đó có món khoai tây rán. Tuyệt vời.
Ngày hôm sau, bố nói với mẹ rằng ông Barlier - một trong những người bạn làm cùng cơ quan với bố - đã giới thiệu cho bố một gia sư là con trai của một người họ hàng với ông ấy và xem ra là một người giỏi môn số học kinh khủng
-Cậu ấy là sinh viên, đây là lần đầu tiên cậu ấy đi dạy thêm, nhưng như vậy tốt hơn, cậu ấy sẽ có đầu óc mới mẻ và cậu ấy sẽ không bị trì trệ bởi những cách học cũ kỹ. Hơn nữa, giá cả cũng rất phải chăng.
Tôi thử khóc một chút xem thế nào, nhưng bố trợn mắt lên nhìn tôi và mẹ bảo nếu tôi tiếp tục giở trò như tối qua thì mẹ sẽ bỏ đi khỏi nhà. Thế là tôi không nói gì nữa cả, nhưng tôi dỗi rất ác cho đến tận món tráng miệng (bánh kem!)
Thế rồi, đến chiều thứ năm, có ai đó bấm chuông, mẹ ra mở cửa và đưa vào nhà một anh to béo đeo kính dày cộp, trông rất giống thằng Agnan, nhưng mà già hơn, tuy là không nhiều lắm
-Tên cháu là Cazalès, anh ấy nói. Cháu đến để dạy thêm.
-Tốt lắm, tốt lắm, mẹ nói. Cô là mẹ của Nicolas, còn đây là Nicolas, học trò của cháu. Nicolas ! Ra đây chào thầy của con đi.
Anh Cazalès và tôi bắt tay nhưng không siết chặt, bàn tay của anh Cazalès ướt đầm. Tôi hơi sợ một chút rồi mẹ bảo tôi đưa anh Cazalès lên phòng tôi để anh ta dạy tôi học. Chúng tôi vào phòng và ngồi trước bàn học của tôi
-Ờ... anh Cazalès nói. Các em làm gì ở trường?
-À, chúng em chơi trò Lancelot, tôi trả lời.
-Lancelot ư ? anh Cazalès hỏi.
-Vâng, cho tới tận tuần trước, chúng em vẫn còn chơi trò đuổi bóng, tôi giải thích, nhưng thầy Nước Lèo - tức thầy giám thị của bọn em - đã tịch thu mất quả bóng và bọn em không được phép mang thêm quả bóng nào đến trường cho đến hết học kỳ này. Thế còn, để chơi trò Lancelot một đứa cần bò ra đất để làm ngựa, và một đứa khác ngồi lên trên, tức là kỵ sỹ. Rồi các kỵ sỹ đánh nhau cách đấm vào mũi; chính thằng Eudus đã nghĩ ra trò này, mà Eudus thì...
-Em quay lại ngồi vào đây! Anh Cazalès nói và nhìn tôi bằng đôi mắt trợn tròn sau cặp kính.
Thế là tôi quay về chỗ ngồi, và anh Cazalès nói với tôi là anh không hỏi chúng tôi làm gì trong giờ ra chơi mà muốn hỏi trong giờ số học. Điều này làm tôi hơi bực, tôi không nghĩ chúng tôi sẽ phải ngồi vào học ngay lập tức như vậy.
-Bọn em học phân số, tôi nói.
-Tốt, anh Cazalès nói, đưa vở cho anh xem nào.
Tôi đưa vở cho anh ấy xem và anh Cazalès nhìn vào quyển vở. Anh nhìn tôi, rồi tháo đôi kính ra, lấy khăn chùi mắt kính và lại nhìn vào quyển vở một lần nữa.
-Cái dòng chữ to đùng màu đỏ là do cô giáo viết vào đấy ạ, tôi giải thích.
-Phải, anh Cazalès nói, Nào, chúng ta bắt đầu. Phân số là gì?
Vì tôi chẳng trả lời gì cả, anh Cazalès lại nói:
-Là một số....
-Là một số, tôi nói
-Thể hiện một hoặc nhiều...
-Thể hiện một hoặc nhiều, tôi nói.
-Phần của một đơn vị...
-Phần của một đơn vị, tôi nói
-Được chia ra như thế nào? anh Cazalès hỏi tôi.
-Em không biết, tôi trả lời.
-Được chia ra đều nhau!
-Được chia ra đều nhau, tôi nói.
Anh Cazalès lau trán
-Xem nào, để lấy một vài ví dụ thực tế. Nếu như em có một chiếc bánh ga tô, hoặc một quả táo... Không, để cho dễ hơn, em có một trò chơi gì ở đây không?
Thế là chúng tôi mở tủ, có rất nhiều đồ chơi rơi ra, và anh Cazalès lấy những viên bi, anh để những viên bi xuống đất và rồi chúng tôi ngồi luôn xuống thảm.
-Ở đây có tám viên bi, anh Cazalès nói. Chúng ta sẽ giả sử rằng tám viên bi này sẽ thành một đơn vị. Anh lấy ba viên bi. Hãy cho anh biết phân số nào tượng trưng cho ba viên bi này so với một đơn vị... phân số đó là...
-Phân số đó là, tôi đáp.
Anh Cazalès lại bỏ kính ra lau và tôi nhìn thấy tay anh hơi run run. Lúc này thì đúng là anh làm tôi nhớ thằng Agnan, nó cũng run run mỗi khi tháo kính ra lau, vì lúc nào nó cũng sợ bị ai đó đánh trước khi nó kịp đeo kính vào.
-Thử lấy một ví dụ khác xem, anh Cazalès nói. Chúng ta sẽ lắp mười mẩu thanh ray vào nhau...
Lúc đó, tôi lắp mười thanh ray lại thành một đường tròn, và tôi hỏi anh ta tôi có được phéo để đầu tàu và một toa chở hàng lên trên không, đó là toa cuối cùng mà tôi còn giữ được kể từ khi thằng Alceste giẫm lên các toa chở khách. Alceste là một đứa rất nặng.
-Tùy em, anh Cazalès nói. Mười thanh ray này làm thành mười phần của đường tròn. Bây giờ, nếu anh lấy đi một thanh ray...
-Thế thì đoàn tàu sẽ bị trật bánh, tôi nói.
-Nhưng anh không nói chuyện với em về đoàn tàu! anh Cazalès hét lên. Chúng ta không ngồi đây để chơi trò tàu hỏa! Anh sẽ bỏ cái đoàn tàu này ra!
Anh ta có vẻ vô cùng tức giận và tôi bắt đầu khóc.
-Tôi không phản đối việc hai anh em chơi với nhau, nhưng ít nhất cũng đừng cãi nhau chứ!
Đó là câu nói của bố. Bố bước vào phòng và anh Cazalès nhìn bố bằng đôi mắt tròn xoe, hai tay vẫn còn cầm đầu tàu và toa chở hàng.
-Nhưng cháu... cháu... anh Cazalès lắp bắp.
Tôi cứ tưởng anh ta cũng sắp khóc đến nơi, nhưng rồi anh ta nói: "Ôi! Thôi cũng được!" Rồi anh ấy đứng lên và bỏ đi mất.
Anh Cazalès chẳng bao giờ quay lại nữa. Bố đã cãi nhau với ông Barlier, nhưng với tôi mọi chuyện đã khá hơn nhiều: Clotaire đã khỏi ốm và tôi chẳng còn xếp hạng bét trong lớp nữa☺
Những kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp
Chúng tôi có khách đến ăn, vào tối nay. Hôm qua khi trở về nhà, bố có vẻ rất vui, bố nói với mẹ rằng trên đường bố đã tình cờ gặp lại người bạn cũ tên là Léon Labière, mà hàng năm nay rồi bố chưa gặp.
"Léon, bố giải thích, là một anh bạn từ thuở bé, bọn anh đã đi học cùng với nhau. Có chung không biết bao những kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp! Anh đã mời anh ấy đến ăn vào tối mai".
Bạn của bố sẽ đến lúc tám giờ, nhưng đến bảy giờ chúng tôi đã sẵn sàng. Mẹ tắm rửa sạch sẽ cho tôi, mẹ mặc cho tôi bộ quần áo màu xanh nước biển và chải tóc cho tôi bằng rất nhiều sáp, nếu không, mớ tóc phía sau gáy tôi nhất định sẽ chẳng chịu nằm yên. Còn bố thì dặn dò tôi đủ mọi thứ, bố bảo tôi phải thật ngoan, khi ngồi vào bàn tôi không được nói leo và tôi phải chăm chú nghe ông Léon bạn bố vì theo bố, đó là một người kinh khủng, rất thành công trong cuộc sống, và điều đó đã thể hiện rõ ngay từ khi còn đi học, và những người giống như ông ấy bây giờ chẳng còn nhiều, và đúng lúc đó có người nhấn chuông cửa.
Bố đi ra mở cửa và một ông to béo mặt đỏ gay bước vào.
- Léon! bố kêu lên. "Anh bạn cũ!", ông đó thốt lên, thế rồi hai người bắt đầu vỗ vai nhau tới tấp, nhưng họ có vẻ rất phấn khởi, chứ không giống kiểu vỗ vai của bố với ông Blédurt, một người hàng xóm của chúng tôi rất thích trêu tức bố.
Sau khi vỗ vai nhau, bố quay vào nhà và chỉ mẹ lúc ấy đang cười rất tươi và vừa từ bếp đi ra.
- Đây là vợ tớ, Léon ạ. Em yêu, đây là bạn anh, Léon Labière.
Mẹ chìa tay ra và ông Labière vừa bắt tay mẹ vừa nói rằng ông ta rất hân hạnh. Thế rồi bố ra hiệu cho tôi tiến lên và nói:
- Còn đây là Nicolas, con trai tớ.
Ông Labière có vẻ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, ông trố cả hai mắt ra, miệng huýt sáo và rồi ông nói:
- Chà, một anh chàng lớn đùng! Ra dáng đàn ông ghê! Cháu đã đi học chưa?
Rồi ông ta đưa tay xoa đầu tôi, luồn tay vào mớ tóc của tôi để pha trò. Tôi nhận thấy điều này có vẻ làm cho mẹ không vừa lòng, nhất là khi ông Labière nhìn bàn tay và hỏi:
- Các cậu đổ cái gì lên đầu chú nhóc thế này?
- C ậu thấy nó có giống tớ không? bố hỏi rất nhanh trước khi mẹ ịp trả lời.
- Ờ, ông Labière đáp, trông giống cậu như đúc, có điều tóc nhiều hơn và bụng đỡ phệ hơn, rồi ông Labière bắt đầu cười rất to.
Bố cũng cười, nhưng không to bằng, rồi mẹ nói chúng tôi sẽ bắt đầu dùng khai vị.
Chúng tôi ngồi vào phòng khách và mẹ mang rượu khai vị ra; tôi không được uống rượu khai vị, nhưng mẹ cho phép tôi ăn ô-liu và bánh quy mặn nên tôi rất thích. Bố nâng ly lên và nói:
- Vì những kỷ niệm chung, nào Léon, anh bạn cũ.
- Anh bạn cũ, ông Labière nói và vỗ thật mạnh vào lưng bố khiến bố đánh rơi ly của mình xuống thảm.
- Không sao đâu, mẹ nói.
- Phải, sẽ khô ngay thôi mà, ông Labière nói, rồi ông ta nhấp một ngụm trong ly và nói với bố:
- Tớ thấy cứ kỳ kỳ thế nào khi thấy cậu trong vai một ông bố già đạo mạo.
Bố rót thêm rượu vào ly của mình và ngồi nhích ra một tẹo, để tránh những cú vỗ, bố hơi bị sặc một chút và nói:
- Thôi nào, anh bạn, đừng có nói quá lên như thế, chúng ta cùng tuổi với nhau mà.
- Ồ không, ông Labière nói, cậu không nhớ trong lớp cậu là đứa nhiều tuổi hơn cả à!
- Chúng ta ngồi vào bàn chứ? mẹ hỏi.
Chúng tôi ra bàn ăn và ông Labière ngồi đối diện tôi nói:
- Thế nào cậu bé, sao cháu không nói gì cả? Chẳng ai nghe tiếng cháu cả!
- Bác phải hỏi thì cháu mới được phép nói, tôi trả lời.
Điều đó làm ông Labière cười một thôi một hồi, khiến ông ta đỏ hết mặt mày, còn đỏ hơn cả lúc trước và ông ta vỗ rất nhiều và mạnh, nhưng lần này là lên bàn, khiến những chiếc ly va vào nhau kêu lanh canh. Khi cười xong, ông Labière nói với bố rằng tôi đã được dạy dỗ rất chu đáo; bố nói rằ ng cũng bình thường thôi.
- Thế nhưng, nếu như tớ nhớ không nhầm,thì trước đây cậu thật là kinh khủng, ông Labière nói.
- Cậu ăn bánh mì đi, bố trả lời.
Mẹ mang món đầu tiên tới và chúng tôi bắt đầu ăn.
- Thế nào, Nicolas, ông Labière hỏi, rồi ông nuốt thức ăn trong miệng và nói tiếp, ở lớp cháu học có giỏi không?
Vì được hỏi, nên tôi có thể trả lời: "thường thôi ạ", tôi nói với ông Labière.
- Bởi vì bố cháu hồi xưa rất trứ danh! Cậu có nhớ không, anh bạn?
Bố vừa kịp tránh cú vỗ. Trông bố chẳng vui vẻ chút nào, còn với ông Labière, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến việc cười đùa.
- Cậu có nhớ cái lần cậu đã đổ cả lọ mực vào túi áo của Ernest không?
Bố nhìn ông Labière, rồi lại nhìn tôi, rồi nói:
- Lọ mực à? Ernest ư? Không làm gì có chuyện đó.
- Có đấy! ông Labière nói, thậm chí cậu còn bị phạt nghỉ học mất bốn ngày! Cũng giống như chuyện cái hình vẽ trên bảng đen ấy, cậu nhớ không?...
- Các anh có dùng thêm một lát giăm-bông nữa không? mẹ nói.
- Thế nào hả bố, cái chuyện hình vẽ trên bảng đen ấy? tôi hỏi bố.
Bố bắt đầu hét lên, bố đập tay xuống bàn và bảo tôi rằng bố đã yêu cầu tôi phải ngồi ngoan trong bữa ăn và không được phép hỏi gì.
- Câu chuyện về tấm bảng đen, là bố cháu đã vẽ hình biếm hoạ cô giáo lên trên bảng, và cô bước vào lớp đúng vào lúc bố cháu sắp vẽ xong! Thế là cô đã cho bố cháu liền ba điểm không!
Tôi thấy chuyện này rất buồn cười,nhưng tôi nhìn mặt bố và biết rằng tốt nhất không nên cười ngay bây giờ.Tôi quyết định kìm lại để cười sau, khi tôi chỉ có một mình ở trên phòng, nhưng mà kìm cười thì chẳng dễ tẹo nào.
mẹ mang món thịt quay tới và bố bắt đầu cắt thịt thành miếng nhỏ.
- Tám lần bảy là bao nhiêu? ông Labière hỏi tôi.
- Năm mươi sáu, thưa bác, tôi trả lời (chúng tôi vừa mới học ở trường sáng nay, may ghê!)
- Hoan hô! ông Labière kêu lên, cháu làm bác ngạc nhiên ghê, vì bố cháu, với môn số học thì...
Bố lại hét lên, nhưng lần này là vì bố vừa cắt phải ngón tay, thay vì cắt vào miếng thịt.bố mút ngón tay, trong khi ông Labière, ông này đúng là một người raast vui tính, thì cười rất nhiều và nói với bố rằng bố chẳng khéo léo hơn hồi còn đi học là mấy, cũng giống như cái lần ở trường, với quả bóng và cái ô cửa sổ trong lớp học. tôi không dám hỏi chuyện quả bóng và cái ô cửa sổ lớp học như thế nào, nhưng theo tôi, chắc bố đã làm vỡ kính của cái ô cửa sổ lớp học ấy.
Mẹ mang món tráng miệng tới rất nhanh, ông Labière vẫn còn thịt quay trong đĩa, thì, bum! Bánh nhân sơ-ri cũng vừa tới.
- Chúng tôi xin lỗi, mẹ nói, nhưng cháu bé phải đi ngủ sớm.
- Đúng vậy, bố nói, con hãy ăn tráng miệng nhanh lên, Nicolas, rồi lên giường ngay. Ngày mai con còn phải đi học.
- Cái cửa sổ ấy, có phải nó bị vỡ không, hả bố? toi hỏi.
Tôi đã sai khi hỏi điều đó, vì bố đã tức giận đỏ hết mặt mũi, bố bảo tôi nuốt ngay miếng bánh nếu như tôi không muốn bị phạt.
- còn phải nói nó bị vỡ thế nào nữa chứ, cáicửa sổ ấy! Thậm chí bố cháu còn bị lĩnh ngay một con không về điểm hạnh kiểm, ông Labière nói với tôi!
- Ấp! Lên giường thôi! bố la lên.
Bố rời khỏi bàn, bế xốc tôi lên và tung tôi lên trên không và nói: "Ấp-là".
Tôi vẫn còn đang ăn dở miếng bánh, đúng loại mà tôi thích, nhân sê-ri, nhưng khi bố giở trò với tôi, thì miếng bánh liền rơi ra. Thậm chí nó còn rơi dính lên áo vest của bố, nhưng bố vội vàng muốn tôi đi ngủ tới mức bố chẳng nói gì cả.
Mãi sau, tôi nghe tiếng bố và mẹ đi lên phòng.
- Chà, mẹ nói, các anh đúng là có khối kỷ niệm dịu êm và tươi đẹp!
- Được rồi, được rồi, bố nói, hình như không vui vẻ gì lắm, anh nghĩ chắc anh cũng sẽ chẳng gặp lại cái gã Léon này ngay đâu!
Còn tôi, tôi thấy thật là tiếc nếu như không gặp lại ông Labière, tôi thấy ông ấy cũng hay đấy chứ.
Nhất là hôm nay, tôi mang một con không về nhà, nhưng bố chẳng hề nói gì cả.
doremon9 vẫn chưa có mặt trong diễn đàn Trả Lời Với Trích Dẫn
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top