nho giáo
Nho giáo (儒教), còn được gọi là Khổng giáo (孔教), là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Đức Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở các nước châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên (Bắc Hàn),Hàn Quốc (Nam Hàn) và Việt Nam. Những người thực hành theo các tín điều của Nho giáo được gọi là các nhà Nho hay Nho sĩ hay nho sinh. Hiện tại có khoảng 150 triệu người theo Nho giáo tại châu Á.
Mục lục
Quá trình hình thành và phát triển
Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, Nho giáo, Nho gia (đạo Nho) là một thuật ngữ bắt đầu từ chữ Nho, theo Hán tự từ “Nho” gồm từ “Nhân” (người) đứng gần chữ “Nhu”. Nho gia còn được gọi là nhà Nho người đã học sách thánh hiền được thiên hạ cần để dạy bảo người đời ăn ở hợp luân thường, đạo lý…Nhìn chung “Nho” là một danh hiệu chỉ người có học thức, biết lễ nghĩa.
Cơ sở của Nho giáo được hình thành từ thời Tây Chu, đặc biệt với sự đóng góp của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Đức Khổng Tử (sinh năm 551 trước công nguyên) phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng đó. Chính vì thế mà người đời sau coi ngài là người sáng lập ra Nho giáo.
Cũng giống như nhiều nhà tư tưởng khác trên thế giới như Phật Thích Ca, Chúa Jesus, Thánh Alla... người đời sau không thể nắm bắt các tư tưởng của Đức Khổng Tử một cách trực tiếp mà chỉ được biết các tư tưởng của ngài bằng các ghi chép do các học trò của ngài để lại. Khó khăn nữa là thời kỳ "đốt sách, chôn Nho" của nhà Tần, vào khoảng hai trăm năm sau khi Đức Khổng Tử qua đời, khiến cho việc tìm hiểu tư tưởng gốc của Đức Khổng Tử càng khó khăn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đời sau vẫn cố gắng tìm hiểu và hệ thống các tư tưởng và cuộc đời của ngài.
Tại Trung Quốc, Nho giáo được độc tôn từ thời Hán Vũ Đế, trở thành hệ tư tưởng chính thống của Trung Hoa trong hơn 2.000 năm. Nho giáo cũng rất phát triển ở các nước châu Á như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Đến thế kỷ 20, với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, Nho giáo mất vị thế độc tôn, thậm chí bị bài trừ ở ngay tại Trung Quốc trong thập niên 1960-1970.
Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 21, với sự vươn dậy về kinh tế nhưng đồng thời là sự mai một về đạo đức tại Trung Quốc, những giá trị của Nho giáo về tu dưỡng, giáo dục con người dần được tôn vinh trở lại. Chương trình Bách gia Giảng đường của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã khởi xướng phong trào đọc lại Luận ngữ nhằm phục hồi đạo đức truyền thống. Ban Quốc học Đại học Thanh Hoa tính học phí 26.000 nhân dân tệ cho một khóa học về đạo đức Nho gia, Đại học Phục Đán thu mỗi người 38.000 nhân dân tệ, và khóa học cổ văn ngoài giờ cho trẻ em cũng có học phí rất cao. Từ 2004 cho tới năm 2020, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch thành lập hơn 1.000 Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới để quảng bá văn hóa truyền thống Trung Hoa.[1][2]
Nho giáo nguyên thủy
Thời Xuân Thu, Đức Khổng Tử đã san định, hiệu đính và giải thích bộ Lục kinh gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc. Về sau Kinh Nhạc bị thất lạc nên chỉ còn năm bộ kinh thường được gọi là Ngũ kinh. Sau khi Đức Khổng Tử mất, học trò của ngài tập hợp các lời dạy để soạn ra cuốn Luận ngữ. Học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử là Tăng Sâm, còn gọi là Tăng Tử, dựa vào lời thầy mà soạn ra Đại học. Sau đó, cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, còn gọi là Tử Tư viết ra cuốn Trung Dung. Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đưa ra các tư tưởng mà sau này học trò của ông chép thành sách Mạnh Tử. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử hình thành nên Nho giáo nguyên thủy, còn gọi là Nho giáo tiền Tần (trước đời Tần), Khổng giáo hay "tư tưởng Khổng-Mạnh". Từ đây mới hình thành hai khái niệm, Nho giáo và Nho gia. Nho gia mang tính học thuật, nội dung của nó còn được gọi là Nho học; còn Nho giáo mang tính tôn giáo. Ở Nho giáo, Văn Miếu trở thành thánh đường và Khổng Tử trở thành giáo chủ, giáo lý chính là các tín điều mà các nhà Nho cần phải thực hành.
Nội dung cơ bản của Nho học
Tổ chức xã hội
Nho giáo là một học thuyết chính trị nhằm tổ chức xã hội. Để tổ chức xã hội có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải đào tạo cho được người cai trị kiểu mẫu - người lý tưởng này gọi là quân tử. (quân là kẻ làm vua, quân tử là chỉ tầng lớp trên trong xã hội, phân biệt với "tiểu nhân", những người thấp kém về điạ vị xã hội; sau Khổng Tử dùng từ "quân tử" để chỉ phẩm chất đạo đức: "Quân tử sở tính Nhân nghĩa lễ trí" phân biệt với "tiểu nhân" là những người thiếu đạo đức). Để trở thành người quân tử, con người ta trước hết phải "tự đào tạo", phải "tu thân". Sau khi tu thân xong, người quân tử phải có bổn phận phải "hành đạo" (Đạo không đơn giản chỉ là đạo lí. Đạo ở đây là con đường để hoàn thiện chính mình, hoà hợp đất trời trở về bản ngã “bổn thiện”).
Trong cuốn Đại Học (Một trong Tứ thư, những cuốn sách chính của Nho giáo) có ghi chép: “Khi bản thân tu luyện, gia tộc hài hòa. Khi gia tộc hài hòa, đất nước mới được thịnh trị. Khi đất nước được thịnh trị, khắp nơi sẽ thái bình. Từ bậc quân vương cho đến kẻ dân thường trăm họ, tất cả phải coi tu luyện bản thân là điều quan trọng nhất”. Thuyết về quản lý thế giới và làm lợi cho dân của Nho giáo là một phần của văn hóa Trung Quốc truyền thống vốn rất sâu sắc. Nó đã tự thiết lập cho mình những lý tưởng về đạo đức và hệ thống tiêu chuẩn giá trị mà đã đặt định ra nền tảng cho cả xã hội Trung Quốc trong hàng ngàn năm. Nó giúp gìn giữ các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội ở một mức khá cao.
Dân tộc Trung Hoa đã nhiều lần bị ngoại tộc (Mông Cổ, Mãn Thanh...) xâm chiếm, nhưng văn hiến của họ thì không gươm giáo nào hủy hoại được, ngược lại còn đồng hóa luôn những kẻ đã chinh phục họ, ấy là nhờ một phần lớn ở những tư tưởng sâu xa của Nho giáo đã trui rèn nên một tầng lớp Nho sĩ thông thuộc kinh sử và giàu phẩm chất đạo đức.
Nhờ Nho giáo, người Trung Quốc không ai không xem trọng giáo dục. Khi nhà Hán lập quốc, chính sách của quốc gia có tám chữ “Dựng nước an dân, giáo dục làm đầu”. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, hoàn toàn dùng giáo dục. Do vậy Trung Hoa trải qua hơn 2.000 năm, dù thịnh suy mỗi lúc khác nhau, nhưng đất nước của họ vẫn không hề lụn bại, trong khi các đế chế khác như La Mã, Ba Tư... cứ lần lượt xuất hiện rồi sụp đổ. Việc này ngay đến người ngoại quốc cũng khen ngợi. Không phải chính trị, không phải vũ lực của Trung Quốc, cũng không phải là kinh tế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, mà chính văn hiến của Trung Quốc mới là vũ khí mạnh nhất của họ, giúp đất nước họ trường tồn. Mà gây dựng nên nền văn hiến đó, công đầu thuộc về Nho giáo.
Xã hội hiện đại ngày nay, càng vǎn minh, con người dường như càng ít quan tâm đến đạo đức, ít quan tâm đến nhau. Học nhiều tri thức không có nghĩa là có đạo đức. Tri thức rất cần cho phát triển nhân loại nhưng thiếu đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn, nhân loại sẽ suy đồi. Khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh trong thế kỷ 20, nên đời sống vật chất cải thiện rất nhiều. Nhưng đời sống vật chất càng tiến bộ, thì nền đạo đức và quan hệ giữa người với người càng xấu đi, nhất là làm cho mọi người mất niềm tin với nhau. Nho giáo từ hơn 2.500 năm trước đã thấy rõ được điều này.
Tu thân
Khổng Tử dạy: "Con người nếu không hiếu cha mẹ, không kính tổ tiên thì bất cứ việc xấu nào họ cũng dám làm. Một người hiếu cha mẹ, kính tổ tiên thì không những là lời nói việc làm mà khởi tâm động niệm họ đều nghĩ rằng, nếu như việc này ta làm mà không đúng pháp thì có lỗi với cha mẹ, làm nhục tổ tiên thì họ sẽ không dám làm."
Đức Khổng Tử nêu lên ngũ luân với thuyết chính danh và chữ “Nhân” để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội.
Ngũ thường: ngũ là năm, thường là hằng có. Người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, không nên để rối loạn. Ngũ thường gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Nhân: Là lòng từ thiện. Khổng Tử nói: Khi ở nhà giữ gìn dung mạo khiêm cung; khi ra làm việc thi hành một cách kính cẩn; khi giao thiệp với người, giữ lòng trung thành. Dẫu đi tới các đoàn rợ phương đông và phương bắc, cũng chẳng bỏ ba đức hạnh cung, kính và trung ấy, như vậy là người có đức nhân
Nghĩa: Là việc nên làm hay là cách xử sự phải đường hoàng, hào hiệp. Hành vi của con người phải tuân theo tính chính đáng, chú trọng quy tắc, tiêu chuẩn, trọng tâm là nghĩa vụ và trách nhiệm. Trước khi làm gì phải xem xét hành vi đó có hướng đến điều “thiện” hay không, có thể hiện tiêu chuẩn đạo nghĩa, ý thức trách nhiệm với cộng đồng hay không.
Lễ: Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người, mở rộng ra là việc tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Một cách căn bản, chính nghi lễ và nghi thức làm cho cuộc sống quân bình. Lễ làm bền vững nền văn hiến của một nước, lễ mà ại hoại thì văn hiến cũng tiêu tan. Khổng Tử nói: "Cung kính mà thiếu lễ thì làm thân mình lao nhọc. Cẩn thận mà thiếu lễ thì trở thành nhút nhát. Dũng cảm mà thiếu lễ sẽ trở thành rối loạn. Ngay thẳng mà thiếu lễ sẽ trở nên thô lỗ”.
Trí: Óc khôn ngoan, sáng suốt. Cảm giác đúng và sai. Biết tiên liệu, tính toán để hành động hợp đạo lý.
Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy. Chữ tín vốn nằm trong 4 điều trên, sau này được tách ra để thành Ngũ thường. Tín là thước đo, là sự phản ánh 4 giá trị trên.
Nhân, theo nội dung sách Luận ngữ, là sự phô bày rất thực tiễn và ngoại tại các phẩm tính của con người. Khổng Tử chia loài người thành ba hạng:
Thánh nhân: Bậc hiền giả, người thể hiện và chuyển giao minh triết.
Quân tử: Người cao nhã, kẻ phấn đấu để làm điều chân chính.
Tiểu nhân: Kẻ “hèn mọn”, hành động không màng tới đạo đức.
Khổng Tử nói: "Người quân tử sợ ba điều: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời, nên không sợ, (mà còn) khinh nhờn bậc đại nhân, giễu cợt lời nói của thánh nhân. Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không ung dung”.
Trong tu thân, sự học là rất quan trọng. Khổng Tử nói: “Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình”. “Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu, muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kỳ, muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa, muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh, muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn, muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất”.
Muốn trở lại người có "lễ" thì phải học mà học thì phải thông qua chữ Văn. "Văn" ấy có thể đã thành vǎn và cũng rất có thể đang ở dạng truyền ngôn, bất thành văn. Do đó vai trò của người thầy là rất quan trọng, đặc biệt là ở tư cách đạo đức. Quan niệm này khác với lối giáo dục hiện đại: Người lên lớp chỉ truyền đạt mỗi kiến thức, còn đạo đức của học sinh thì ít được quan tâm (đã có luật pháp chuyên trị). Học sinh đến lớp chỉ có mỗi thao tác là tiếp thu kiến thức (dù qua kiến thức thì họ cũng ít nhiều học được đạo đức).
Nhận xét
Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét: "Đạo Nho quy định nhất cử nhất động của cá nhân trong gia đình và xã hội để giữ tình cảm được trung hoà. Trẻ em năm, sáu tuổi đã phải vào khuôn phép nghiêm ngặt, phải nén bản tính ham chạy nhảy, la hét, mà đứng ngay ngắn nghe chuyện đạo lý của người lớn. Tám tuổi, đã phải khăn áo chỉnh tề đứng chắp tay bên bàn thờ những ngày giỗ tết... Nhiều nhà nho có được một tư cách cao, một nhân phẩm quý phần lớn là nhờ được đào luyện trong khuôn khổ lễ nghi ấy."
Thời nay chúng ta hiểu tâm lý trẻ em một cách khác, không uốn nắn tre non mà để cho nó tự nhiên phát triển; trẻ được tự do, có khi phóng túng, tha hồ đùa giỡn, hét la. Nhiều khi những cử chỉ hỗn xược, những lời vô lễ của chúng lại được khen là tinh ranh, là ngây thơ. Trẻ muốn gì được nấy, thành những bạo chúa tí hon trong nhà. Ở trường, người ta chỉ chú trọng đến trí dục, cốt dạy thanh niên biết nhiều khoa học. Luân lý thành một môn phụ thuộc và giáo sư luân lý bị học sinh chê là cổ hủ.
Vậy nhà và trường đều không đào luyện tư cách thanh niên, nên phần đông nhà trí thức bây giờ xét về nhân phẩm kém xa các nhà Nho. Họ họp thành một bọn trưởng giả hãnh tiến, không phải là hạng thượng lưu được quốc dân trọng vọng như các cụ cử, cụ nghè thời trước. Ai cũng nhận thấy nhiều ông tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư tư cách không bằng một chú thợ, một anh bếp."
Trong tác phẩm Sử Trung Quốc, ông nhận xét: "Khổng Tử chủ trương vua phải là người có tài, đức; nhưng thời ông, sự truyền tử đã có từ lâu đời, không thể bỏ được; ông chỉ có thể cải thiện chế độ, đào tạo những kẻ sĩ có tài, để giúp quý tộc và lần lần thay họ mà trị nước. Những kẻ sĩ đó đều được tuyển trong dân chúng, và từ nhà Hán, nhà Đường trở đi, chế độ quân chủ Trung Hoa có tính cách sĩ trị, không còn giai cấp quý tộc cha truyền con nối nắm hết các chức vụ lớn ở trong triều, ngoài quận nữa. Đó là một tiến bộ rất lớn, người phương Tây phải khen. Ông lại giảm bớt quyền chuyên chế của vua bằng cách đề cao nhiệm vụ, tư cách của sử quan, gián quan; dạy cho vua, quan, kẻ sĩ và thường dân rằng vua phải thương dân như con, phải tôn trọng nguyện vọng của dân...; phải chăm lo cho dân đủ ăn, tài sản trong nước phải quân bình, đừng có kẻ nghèo quá, kẻ giàu quá. Suốt thời quân chủ, ông vua sáng lập một triều đại nào cũng nghĩ ngay đến vấn đề quân điền, chia đất cho dân cày trước hết. Sau cùng Khổng Tử có tinh thần nhân bản rất cao. Ông hiếu hoàn trọng trung dung, rất ghét sự tàn bạo, và đa số các vua chúa Trung Hoa theo ông."
Có những ý kiến chỉ trích Khổng giáo là lỗi thời, kìm hãm xã hội. Nhưng học giả Nguyễn Văn Ngọc nhận xét: "Các học giả Pháp, Mĩ và cả Nga nữa, nay đều thấy tác dụng của Khổng giáo đối với sự phát triển kinh tế của nước Nhật. Đối với người Nhật hay đối với một số nước mà họ gọi là “Hán hóa” khác thì truyền thống đã không cản trở sự phát triển, trái lại các nước ấy đã biết biến truyền thống lễ giáo thành một thứ “mùn” để ươm trồng lên đó những cây cố tươi tốt... Liệu sau này chúng ta có sửa đổi gì được cái định kiến ngốc nghếch của chúng ta về Hán học, và nói chung về nền văn minh phương Đông mà vì “bụt chùa nhà không thiêng”, chúng ta quá coi thường. Những câu chuyện thường ngày mà chúng ta hằng quan tâm đồng thời cũng là những vấn đề đạo đức muôn thuở, những lễ giáo cổ xưa của nhân loại lại giúp ta suy ngẫm chuyện đời nay."[3]
Will Durant thì khen ngợi chế độ giáo dục đạo đức sĩ phu mà Khổng Tử chủ trương. Ông viết: “Một xã hội mà nghĩ rằng phải thử dùng vào việc trị nước những người được đào tạo bằng triết học và cổ điển học, nội điều đó cũng đáng phục rồi. Chế độ ấy và tất cả nền văn minh làm cơ bản cho nó ngày nay bị lật đổ, tiêu diệt vì sức mạnh khốc liệt của sự tiến triển và của lịch sử, điều đó đáng kể là một tai họa cho nhân loại... giá Platon biết được chế độ đó chắc phải thích lắm.”[4]
Ở Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam có khoảng trên 1 triệu tín đồ theo Nho Giáo, chiếm khoảng 6% so với các tôn giáo khác và đứng thứ 4 về tỉ lệ tôn giáo (Sau Phật Giáo Đại Thừa, Công Giáo và Cơ Đốc Giáo). Nho Giáo ở Việt Nam cũng để lại rất lớn trong quá trình giáo dục và lịch sử dựng nước ở các triều đình phong kiến thời trung đại.
Lịch sử Việt Nam ghi lại tên tuổi của nhiều bậc nhà Nho tài đức: Chu Văn An (1293-1370); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1595), Nguyễn Thiếp (1723-1804)... học trò của họ, dẫu có thành đạt đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng không bỏ rơi lễ nghĩa, đạo đức với thầy. Chuyện kể rằng, một hôm Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, về thăm thầy (Chu Văn An), dọc đường qua khu chơ đang họp, ông để lính thét dân dẹp đường, làm huyên náo. Biết được sự việc, Chu Văn An giận không cho Phạm Sư Mạnh gặp mặt. Vị quan lớn triều đình đã phải quỳ xin cả buổi thầy mới tha lỗi. Nho giáo đã tạo nên những người thầy can trực, đạo đức, như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước.
Một số mặt tiến bộ của Nho giáo thời điểm này[5]:
Tạo được truyền thống ham học, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống coi trọng người có học. Từ đó các kiến thức học tập được tích lũy, có điều kiện để duy trì và phát triển. Ngoài ra còn tạo cho con người biết đạo ăn ở, biết quan tâm đến người khác, biết sống có văn hóa và đạo đức.
Tạo được cơ chế tuyển dụng người tài qua thi cử. Bất cả xuất thân ra sao (nông dân, người thợ, lính tráng...) nếu học giỏi đỗ đạt thì có thể ra làm quan giúp nước (ở phương Tây thời kỳ này, chức tước chỉ được chuyển giao nội bộ trong các gia đình quý tộc, dân thường hầu như không với đến). Từ đó tạo nên một tâm lý xã hội: “Không tham ruộng cả ao liền, tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ”. Nhiều thanh niên, trai tráng lấy việc học tập, thi cử làm mục tiêu cao nhất trong cuộc đời mình. Xã hội nhờ vậy coi trọng sự học tập cần cù.
Tuy nhiên Nho giáo còn có những mặt hạn chế mà mỗi thời đại trong lịch sử Việt Nam đều có sự nhìn nhận và kế thừa. Về nội dung học tập, Nho giáo chỉ nói đến “trí dục” và “đức dục” mà không xét đến mặt “thể dục” là mặt cũng rất cần cho sự phát triển toàn diện của con người. Những kiến thức về giới tự nhiên và về sản xuất vật chất không được Nho giáo đề cập (bởi ở thời của Khổng Tử, khoa học kỹ thuật và nền sản xuất chưa phát triển). Do vậy, người học tuy thấm nhuần tư tưởng Nho học về đạo đức, tinh thông cổ văn, nhưng những kiến thức về khoa học tự nhiên, các hoạt động thực tiễn và khả năng thực hành thì lại không phát triển.
Tóm lại, cả hai mặt tiến bộ và hạn chế của Nho giáo đều để lại dấu ấn trên những con người Nho sĩ. Có người thì mặt tốt nhiều hơn mặt xấu, có người thì ngược lại. Sự tốt xấu đó là kết quả của hoàn cảnh khách quan cũng như yếu tố chủ quan của mỗi người quyết định.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top