Chương 1 - Gặp Gỡ

Thăng Long những năm cuối thế kỉ 14...

Đàn ai văng vẳng đâu đây, hình như phát ra từ hướng nhà ông phú hộ họ Nguyễn. Giai điệu nghe thật vui tai, như hơi thở của mùa xuân khiến cho lòng người cảm thấy phơi phới. Nếu không nhờ có tiếng đàn nhị đó cất lên, có lẽ vị công tử mặc áo tía kia sẽ vẫn cứ mãi trầm tư giữa cảnh hồ xanh bóng liễu mây trời, mà quên thưởng thức vẻ đẹp của nó.

- Hay quá! - Chàng thầm nhủ, giãn lại cơ mày, ngả người dựa vào cây muồng hoa đào đang nở rộ, thưởng thức thanh âm.

Nhà ông phú hộ họ Nguyễn sống bằng nghề buôn vải. Vải của ông có thể coi là hàng thượng hạng ở đất kinh kỳ này vì tất cả các khâu từ lựa chọn giống tằm, đến công đoạn nhuộm màu cho vải đều là gia đình tự làm theo công thức bí truyền của tổ tiên. Chính thế mà các sản phẩm của nhà ông luôn chất lượng, mềm mịn, họa tiết lại đẹp và không bao giờ bị lặp lại, được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là phu nhân các nhà quý tộc và quan nhân. Thế nên công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Nếu không phải là phú hộ giàu nhất kinh đô thì cũng thuộc hàng danh giá, được nhiều người biết đến, nể trọng. Nếu ai mà được gả hay làm rể nhà họ Nguyễn thì không còn mong cầu gì hơn!

Nói đến gia đình, thì họ Nguyễn có 2 chàng quý tử và 3 cô con gái. Bốn người đã yên bề gia thất với các công tôn quý nữ. Chỉ còn mỗi cô út đang tuổi trăng tròn có lẻ (16 tuổi), mai mối khắp nơi nhưng nàng ta vẫn chưa ưng mối nào, cứ luôn viện cớ muốn phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ mà không chịu xuất giá. Ép mãi không được ông phú hộ đành gia hạn sau một năm, dù ưng hay không cũng phải cưới.

Cũng phải nói thêm về cô út cho tỏ tường về nàng ta. Theo như lời các bà mối, nàng là người nhỏ nhắn, xinh xắn với đôi mắt sáng. Mặc dù dáng vẻ hiền dịu nhưng tính cách lại bướng bỉnh, cố chấp. Chẳng thế mà năm lần bảy lượt ép nàng xuất giá, nàng nhất quyết không chịu, cha nàng cũng chẳng thể làm gì ngoài nhường nhịn con. Dù sao tài năng của nàng cũng góp phần vào sự thành công của tiệm vải. Những bông hoa cách điệu, đôi chim phượng quấn quýt, họa tiết lạ mắt đều là do nàng thiết kế và thêu nên. Ngoài ra nàng còn có tài đánh đàn nhị. Khi các tiểu thư con nhà quyền quý khác học đàn tranh, chỉ mình nàng chơi nhị. Tiếng nhị lúc réo rắt tươi vui lúc lại ai oán xót xa như tiếng ai khóc than. Mẹ nàng có lần mắng: "Đàn nhị chỉ mấy kẻ tứ cố vô thân mới chơi để xin của bố thí ở người. Có gì hay ho mà con thích chứ?" Nàng cười không nói. Có lẽ chính nàng cũng chẳng hiểu vì sao.

Tiếng đàn chợt tắt. Chàng trai ngồi thẳng người dậy, ngoái nhìn bức tường cao trước mặt. Chàng biết đây là nhà phú hộ họ Nguyễn, cũng biết người đàn là vị tam tiểu thư kiêu kỳ. Ở đất kinh kỳ này, ai lại không biết chứ. Chỉ là chàng không biết mặt nàng thế nào thôi. Và chàng đang tiếc sao bỗng dưng nàng ta lại ngừng giữa chừng khúc nhạc như vậy. Chàng thở dài, lại tựa vào cây nhìn ngắm cảnh vật. Một lúc lâu sau, đột nhiên có tiếng lạch cạch, cót két. Tò mò, chàng ngoái lại nhìn, thấy một cái đầu thò ra từ bức tường. Một thằng nhóc với khuôn mặt khả ái. Đôi mắt sáng đang liếc nhìn xung quanh. Thấy phố xá có vẻ vắng tanh, nó nhổm người ngồi trên tường, dùng hết sức bình sinh kéo cái thang lên rồi loay hoay chuyển cái thang ra phía bên ngoài để trèo xuống. Mấy động tác đơn giản vậy thôi nhưng thằng bé làm rất luống cuống. Nhìn qua vóc dáng và khuôn mặt, chàng bắt đầu thấy ngờ ngợ. Không phải là Nguyễn tiểu thư đấy chứ? Nghĩ đến đây không hiểu sao chàng muốn phá lên cười, nhưng kịp kìm lại để không khiến cô nương giả trai kia giật mình mà té ngã. Thật là thú vị! Từ xưa đến nay các tiểu thư danh giá luôn được kìm giữ trong nhà không cho ra ngoài. Điều đó đã thành một truyền thống không ai dám trái. Vậy mà nàng ta dám phá lệ muốn trốn đi chơi, lại còn giả trai nữa. Vóc dáng như thế thì lừa được ai? Bỗng dưng chàng nổi máu trêu hoa ghẹo nguyệt, muốn đùa với nàng một chút cho vui. Đâu phải lúc nào cũng có dịp được gặp cô nương kiêu kỳ nổi tiếng kinh thành chứ.

Về phần nàng, vừa đặt chân xuống đường, nàng liền nghĩ cách để giấu cái thang đi. Gần hồ có khá nhiều bụi cây, nàng tính sẽ giấu thang ở đấy. Sau đó nàng sẽ đi ngắm phố xá, ra chợ hưởng chút không khí náo nhiệt, nàng còn muốn ngó quanh mấy tiệm vải cạnh tranh xem cửa hàng người ta làm ăn ra làm sao, à còn phải nghe đoàn hát từ phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) đến nữa chứ. Bản đồ người hầu vẽ trong tay đây rồi, ta sẽ không lạc đâu! Nàng suy nghĩ trong háo hức mà không để ý sau lưng có một nam nhân đang tiến tới.

- Ăn trộm! Ta bắt được quả tang nhá!

Nàng giật mình quay lại, ánh mắt hốt hoảng nhìn người lạ trước mặt. Một thanh niên ưu tú, cao ráo trong trang phục màu tía đang nhìn nàng cười. Điệu cười thật sở khanh. Vừa mới ra đường đã gặp rắc rối rồi. Thật là...

- Giữa thanh thiên bạch nhật mà lại vác thang đi trộm nhà người. Thật không biết nên nói ngươi gan dạ hay si ngốc đây?

- Ngươi... ngươi nói cái gì đấy? Ta không phải là trộm! - Nàng thanh minh.

- Vậy ngươi đang làm gì với cái thang và tường nhà phú hộ vậy?

- Ta... ta - nàng luống cuống - Ta đang sửa tường cho nhà ông ấy! - May quá! Kịp nghĩ ra được một lý do hợp lý rồi! Nàng mừng thầm.

Chàng trai muốn cười lắm rồi, nhưng vẫn cố nhịn. Nàng đang mặc trang phục của thư sinh vậy mà lại chọn cái nghề quá ư là phàm phu. Hơn nữa vẻ mặt của nàng ta biến đổi linh hoạt quá! Từ hốt hoảng sang lo âu sợ sệt rồi đột nhiên đôi mắt mở to, mừng rỡ khi nghĩ ra được cách giải thích hợp lý cho hành động của nàng. Dường như mọi tâm trạng của nàng đều lộ hết trên khuôn mặt. Thật đáng yêu!

- Sửa ư? Ta thấy tường tốt thế này cơ mà. Có gì mà phải sửa?

- Có! Phải sửa mà! Ngươi không có con mắt nhà nghề nên không thấy đâu! - Nàng bạo miệng.

Ồ! Lại còn con mắt nhà nghề cơ đấy? Ai dạy cái miệng nàng ta nhanh nhảu vậy?

- Thế cơ à? Thực ra ta cũng có đôi chút con mắt nhà nghề đấy! Ta chẳng thấy gì cả. Nói thật đi! Không ta đưa đi báo quan bây giờ!

Nàng hoảng loạn thật sự rồi. Số đen quá! Vừa mới trèo qua đã gặp phải kỳ đà. Chẳng nhẽ chưa đi chơi đã bị bắt về? Nàng không phục. Bao công sức mới lựa được hôm nay cha đi vắng, mẹ bận chăm cháu để nàng rảnh rang thảnh thơi trốn đi. Vậy mà... Không thể để thế được! Nàng ngước lên nhìn thẳng vào mắt hắn, dõng dạc nói:

- Vì ta sửa xong rồi! Sửa rồi thì còn gì nữa đâu mà cho ngươi nhìn.

Chàng giật mình. Vẻ mặt trừng trừng đầy khí thế của nàng khiến chàng bật cười thành tiếng. Chàng cười nhanh thôi nhưng cũng đủ khiến nàng nhìn bằng ánh mắt khó hiểu.

- Ngươi cười cái gì vậy? Có gì mà cười? - Nàng lo lắng quát, sợ rằng bản thân đã bị lộ mới khiến hắn cười như vậy.

- À ta cười vì không ngờ người nhỏ nhắn như ngươi mà cũng có thể đi làm thợ hồ. Khiến ta cảm thấy hổ thẹn với bản thân mình quá!

Nàng chột dạ. Nhưng ngay tức khắc phản ứng lại:

- Nhỏ thì sao chứ? Đừng có mà khinh thường những người nhỏ bé. Ta... ta khỏe lắm đấy!

- Hahaha! Rồi rồi! Ngươi khỏe! Khỏe lắm! - Vừa nói chàng vừa nghĩ đến bộ dạng luống cuống của nàng lúc nãy khi nhấc cái thang, khiến trận cười lại càng khó dứt.

Bực bội vì điệu cười của chàng trai, nàng quay ngoắt bỏ đi. Nàng cần phải nhanh chóng đến được những nơi cần đến, nếu không nàng sẽ chẳng còn cơ hội nữa. Kì hạn một năm sắp hết. Nàng phải xuất giá rồi. Chồng tương lai của nàng là một quan nhân làm ở bộ Hộ. Chức quan không phải là to nhưng hắn là người có chí, nhất định sau này sẽ thành công. Cha nàng phải mai mối mãi mới được đám tốt này. Ông không muốn trì hoãn thêm nên quyết định 3 tháng nữa sẽ cử hành hôn lễ. Nàng không còn thời gian nữa rồi!

Đang đi nàng bỗng cảm thấy có gì đó sau lưng. Hình như có kẻ đang đi theo nàng. Nàng vội bước nhanh. Kẻ đó cũng bước nhanh. Nàng dừng lại. Hắn cũng dừng. Đường thì vắng tanh. Tuy có hơi sợ nhưng nàng tự nhủ với lòng, giữa ban ngày thế này hắn sẽ không dám làm gì nàng đâu. Thế nhưng cũng cần phải cắt cái đuôi này đi. Nàng xoay người lại, định đối chất với kẻ đi phía sau thì đụng phải người hắn.

- Là ngươi? - Nàng bất mãn hỏi.

- Huynh đài! Cho ta xin lỗi! Lúc nãy đã nghi nhầm cho huynh. - Chàng mỉm cười nói.

- Ngươi theo ta vì điều này?

- Đúng vậy.

- Vậy được rồi. Ta tha lỗi cho ngươi. Giờ ngươi đi đi.

- Đi không vậy sao? Ta thấy không ổn chút nào. Ta đã buông lời xúc phạm, nói huynh là một tên trộm. Ta thiết nghĩ phải mời huynh đài một ly rượu để tạ tội!

- Rượu??? - Nàng hốt hoảng nhưng rồi trấn tĩnh lại ngay. - Xin lỗi ta không uống được rượu. Ngươi không cần phải tạ tội gì hết!

- Thế thì ly trà vậy! Ta thấy áy náy lắm! Kinh thành có trà quán Quế Hương nổi tiếng chắc huynh cũng biết. Ta hãy qua đó tiện nghe hát luôn. Ta mời huynh.

- Hát ư? Có phải đoàn hát đến từ phủ Từ Sơn không? - Nàng vui mừng hỏi.

- Huynh thích đoàn hát đó ư? - Chàng trai hỏi. Thấy vẻ mặt hào hứng của nàng, chàng cũng đoán biết được câu trả lời. - Vậy đúng rồi đấy.

Nàng reo lên. Vẻ rạng rỡ đó của nàng làm tan biến hết mọi ưu phiền của chàng. Đúng ra là từ lúc gặp nàng, những sầu lo đã biến đi tự lúc nào không hay, thế vào đó là cảm giác yên bình, vui vẻ. Cứ vậy đi! Hãy cứ để nàng giả trai và ta sẽ đi theo hộ tống nàng đến những nơi nàng muốn.

Trà quán Quế Hương nằm ở phía đông nam hồ Dâm Đàm (Hồ Tây), khá gần với tử cấm thành và nơi ở của các quan lại. Chính vì thế mà quán trà này được xây dựng bề thế như một dinh thự nhà quan, lại thêm phong cảnh non nước hữu tình khiến Quế Hương càng ngày càng đông những vị khách quý. Cung cách và dịch vụ của quán cũng vì vậy mà trở thành đẳng cấp. Từng cái ghế, cái bàn, từng chén trà, cái đĩa đều được trạm trổ công phu, trang trí cầu kỳ. Trà thì khỏi phải nói, đều được lựa chọn rất kỹ càng với đủ các hương vị khác nhau. Đứng từ xa, người ta có thể ngửi thấy mùi thơm của các loại trà mà tìm được đường đến quán. Uống trà thì không thể thiếu bánh. Thứ bánh đậu xanh gia truyền có vị ngọt nhẹ và thanh là đặc sản ở đây. Ngoài ra nếu khách hàng thích, những chiếc bánh chỉ dành cho dịp trung thu cũng sẵn sàng phục vụ. Để đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn của tầng lớp cao trong xã hội, quán cũng đầu tư thêm cả khoản nhã nhạc. Những cô đào, thầy đàn đều là những người lão luyện có thâm niên trong nghề. Có thể thấy trà quán Quế Hương là nơi đặc biệt sang trọng ra sao. Và chàng trai áo tía kia hẳn phải là người có gia cảnh như thế nào mới có thể mời cô út nhà họ Nguyễn đi trà quán này, thậm chí còn yêu cầu chủ quán đổi một gánh hát nhà quê thay cho gánh hát chuyên nghiệp của quán.

- Chân huynh! Trà quán này thật là quá lớn! Thực ra huynh không cần thiết phải mời đệ đến một nơi hoa lệ thế này để tạ tội đâu! Vậy là làm khó huynh rồi!

Sau khi đã yên vị chỗ ngồi và ngắm chán chê mọi thứ trong trà quán, Ngọc Lan mới cúi đầu chắp tay hành lễ đúng như cách mà cha nàng hay làm với các đối tác làm ăn. Biểu hiện này của nàng khiến chàng trai suýt bật cười. Suốt cả quãng đường từ hồ Lục Thủy (hồ Gươm) đến trà quán, chàng đã bao phen muốn cười lăn cười bò vì nàng. Đúng là một cô gái lần đầu bước chân ra ngõ. Mắt nàng luôn mở to nhìn mọi thứ xung quanh, miệng lúc nào cũng như muốn ồ lên. Vẻ mặt vô cùng thích thú. Nhưng vì đi với chàng, nên nàng cố giữ vẻ bình tĩnh và điều đó thực sự là khó khăn với nàng mỗi khi hai người đi qua một gánh xiếc, hay bắt gặp một ông thầy bói, và đặc biệt là lúc vô tình đi qua chợ. Nàng cứ phi thẳng vào đấy mà không lường trước được bao nhiêu nhốn nháo có trong đó.

Việc chàng đi cùng nàng, một công tử trong trang phục sang trọng vào một khu chợ đã thu hút ánh nhìn của bao nhiêu người. Ai cũng cố mời mọc chàng mua đồ, còn chàng thì cố gắng giữ nàng trong tầm mắt. Nếu không có chàng thì nàng đã ngã dập mông vì trơn rồi. Thực ra đây cũng là lần đầu chàng đi chợ, nên với chàng nơi đây cũng vô cùng mới lạ. Cả hai đều trầm trồ kinh ngạc khi nhìn kỹ nghệ lọc xương của bà hàng cá, hay nghệ thuật chế biến món ăn ngay tại chỗ của các bà, các chị. Nhiều lần vì mải ngắm nghía mà suýt nữa chàng bị móc túi. Chỉ với chút sức lực, chàng khống chế được ngay tên trộm. Định giải lên quan lớn thì nàng lại chặn lại, cho tên trộm đó chút tiền vì nó chỉ là một đứa bé. Chàng không thích chút nào vì chắc chắn ngay sau đó sẽ có cả đám trẻ con xô ra xin xỏ. Quả đúng thế thật! Chàng phải để lại một xâu tiền và lôi nàng ra khỏi khu chợ khi nàng vẫn còn đang lưu luyến.

- Đừng khách sáo như vậy! Là do ta không phải mà. Đừng bận tậm về giá cả. Hãy cứ thưởng lãm đi. - Ngừng một lát, Chân lại nói tiếp. - Mà em đừng xưng hô huynh đệ nữa. Nghe xa cách lắm. Tuy rằng chúng ta mới gặp nhau, nhưng ta quý em như đứa em của ta vậy. Thậm chí còn hơn thế nữa.

Chân mỉm cười hiền hòa. Không biết tự bao giờ, nụ cười đó đã khiến Lan cảm thấy loạn nhịp. Nàng không dám nhìn thẳng vào mắt Chân. Mí mắt cụp xuống, e lệ. Nàng nhớ lại lúc ở trong chợ, chàng luôn cố gắng bảo bọc lấy nàng. Lúc đầu nàng sợ hãi tưởng chàng có ý gì. Nhưng hóa ra đó là vì chàng không muốn nàng bị lạc và xô xát với người khác. Cũng may nhờ vậy nên lúc bị trơn ngã, chàng kịp đỡ nàng ở đằng sau. Lúc đấy thật là bối rối. Hoàng hoa khuê nữ lại trong vòng tay của nam nhân lạ mặt. Cha nàng mà biết chắc đánh chết nàng mất. Nhưng không hiểu sao nàng lại cảm thấy an tâm vô cùng. Một mùi hương dịu nhẹ toát ra từ người chàng khiến nàng hồi hộp, trống ngực đập thình thịch. Nàng vội đứng thẳng dậy cố tảng lờ chuyện vừa xảy ra. Nghĩ đi nghĩ lại thì bản thân nàng cũng thật may mắn. Ngỡ tưởng chuyến đi này vì chàng sẽ không được suôn sẻ nhưng không ngờ mọi chuyện lại diễn ra tốt đẹp như vậy. Nàng đã có những khoảng thời gian vui chơi rất vui vẻ ở bên ngoài, cho đến lúc chàng đột nhiên nắm lấy tay nàng và kéo nàng ra khỏi chợ. Bàn tay ấm áp và mạnh mẽ ấy... Khuôn mặt nàng chợt ửng hồng. Nàng không hề biết rằng dáng vẻ đáng yêu đó đã in sâu vào tâm trí chàng, cùng với niềm thích thú và yêu mến vô hạn.

Đoàn hát xuất hiện phá tan đi bầu không khí ngượng ngập. Sự háo hức của Lan quay trở về. Nhạc bắt đầu được tấu lên, ca sĩ cất lời. Đâu đó có tiếng rì rầm. Người ta lấy làm lạ khi hôm nay có kép hát mới. Có kẻ bất bình muốn đòi kép hát cũ vì thích cô đào cũ hơn, có người thì muốn thay đổi khẩu vị nên không phàn nàn gì. Tất cả lầm rầm. Chỉ khi bà chủ quán xuất hiện đon đả giải thích và chỉ tay về phía vị quan nhân áo tía đang ngồi trên gác, mọi người mới thôi nói. Sự quái lạ này khơi lên tò mò ở Lan. Vị này là ai? Gia thế ra sao mà người ta chỉ vừa thấy đã e ngại? Qua phục sức có thể đoán đây là một vị quý tộc. Nói năng nho nhã, cử chỉ mẫu mực, là người có học. Khuôn mặt tuy thoảng chút vẻ phong trần, nhưng ta đoán chàng cũng chỉ hơn ta năm sáu tuổi là cùng. Nếu không phải bà chủ gọi chàng là "Trần đại nhân", chắc ta vẫn cho rằng chàng là giám sinh (học sinh của Quốc Tử Giám). Chàng là ai? Sao chàng lại đăm chiêu vậy?

Dường như cảm nhận được ánh mắt của ai đó đang hướng về mình, Chân nhẹ nhàng xoay người lại mỉm cười trêu ghẹo:

- Ta biết là ta đẹp trai. Nếu em muốn ngắm kĩ thì đây.

- Cái gì? - Nàng sực tỉnh, mặt đỏ tía tai ấp úng nói. - Ai... ai nhìn anh chứ! Em... Tôi... tôi là đang nhìn cái khác!

- Em nhìn cái gì vậy? - Chân nhìn về phía sau lưng - Ta đâu có thấy gì ở đó.

- Là... nó bay mất rồi! Không còn gì để nhìn nữa cả.

Chàng cười ha hả xoa đầu Lan rồi quay trở lại tư thế cũ, tay chống cằm nhìn về phía sân khấu. Khuôn mặt chàng trở nên vui tươi hơn so với lúc nãy, có lẽ chàng bắt đầu thưởng thức âm nhạc rồi đấy. Trong khi đó, nàng cảm thấy bối rối, mặt đỏ phừng phừng. Dù đã cố hết sức tập trung vào lời ca tiếng hát của người ca sĩ, nhưng cái xoa đầu đó, nụ cười ánh mắt đó cứ quẩn quanh trong tâm trí nàng. Mà cái người gây ra phiền nhiễu này thì đang ngồi ngay bên cạnh, khiến tim nàng đập thình thịch. Cảm xúc này lại xuất hiện. Nó là gì vậy? Từ trước đến nay, ngoài hai người anh trai và cha ra, chưa có người khác giới nào chạm vào nàng. Mà không phải chỉ một lần mà là ba lần liền. Và lần nào cũng khiến nàng rơi vào hỗn độn: một chút ấm áp, một chút lạ lẫm, một chút vui, một chút thích thú, một chút... xao xuyến? Nàng không biết nên đặt tên cho trạng thái của nàng lúc này là gì nữa. Ôi! Mặt nàng chắc đỏ như quả gấc rồi. Bằng chứng là vẻ mặt của người đó kìa. Anh ta như thể đang cố nhịn cười vậy. Mà vở kịch đang diễn có phải là vở hài đâu. Xấu hổ quá! Thật muốn biến mất khỏi đây!

- Tại sao em lại thích nghe đoàn hát này vậy? - Đột nhiên Chân hỏi, khuôn mặt lộ vẻ tò mò. - Ở kinh thành đâu thiếu gì các ca đoàn giỏi?

- Vì đây là ca đoàn quê mẹ em. Lần đầu em nghe hát là ở Đông Ngàn (thuộc phủ Từ Sơn). - Ngọc Lan mỉm cười, đôi mắt xa xăm như đang nhớ về điều gì. - Lúc đó còn bé, em không nhớ được gì nhiều. Chỉ thấy ấn tượng khúc ca của người ca kĩ ấy hay đến mức mẹ em đứng dậy ngâm nga theo. Thế nên em muốn được nghe lại lần nữa.

- Ra là vậy. Nếu thế ta sẽ gửi ca đoàn đến phủ cho mẹ em thưởng nhạc.

- Không cần đâu. Bà mất lâu rồi.

Ngọc Lan nhìn người ca kỹ đang hát, trả lời. Đúng vậy. Mẹ ruột của nàng đã ra đi vì bạo bệnh từ năm năm trước. Nàng biết thứ bạo bệnh đó là gì. Đó là sự nhớ nhung khôn nguôi của người vợ dành cho người chồng lúc nào cũng đi xa, mấy tháng mới gặp một lần. Là tình yêu của người phụ nữ dành cho người đàn ông đầu gối tay ấp nhưng nay lại đang nằm vui vẻ với một người phụ nữ khác. Nỗi nhớ, hận, thương và bất lực ăn mòn tinh thần khiến bà đổ bệnh. Dù biết phận đàn bà khi được gả vào nhà hào môn thì phải chuẩn bị sẵn tâm lý kiếp chồng chung, nhưng người mẹ yếu đuối của nàng không chịu được điều đó.

Mẹ nàng là vợ cả của Nguyễn lão gia. Bà cũng là con nhà cành vàng lá ngọc. Nhưng thật bất hạnh. Lấy chồng hai ba năm rồi mà vẫn chưa chửa đẻ được gì nên Nguyễn lão gia đã lấy thêm thứ thiếp. Mẹ nàng vô cùng buồn khổ nhưng không dám buông lời trách móc, chỉ im lặng chấp nhận số phận. Bà hai kia thì mắn, sòn sòn mấy năm liền đẻ được bốn đứa nên ông Nguyễn sủng ái lắm. Ông trời thì thương xót muộn màng. Khi bà hai chửa đứa thứ tư thì mẹ nàng biết tin mình có bầu. Bà vui lắm. Bà mong rằng đứa con này sẽ là sợi dây gắn kết lại tình cảm của hai vợ chồng. Nhưng khi nàng ra đời, bà cảm thấy mất hết hi vọng. Chồng bà không mấy khi đến thăm, thỉnh thoảng sai người đến tặng ít đồ. Nhìn con mà lòng bà buồn man mác. Bà lo cho số phận con gái mình về sau có khi nào lại giống như của bà? Nhìn bốn đứa con bà hai chơi đùa cùng cha mà bà thấy chạnh lòng thay cho nàng. Con gái tiệm vải không thể không biết may vá. Ngọc Lan phải biết tạo ra giá trị cho mình. Có thế lão gia mới để tâm đến nó. Và thế là ngay từ bé, nàng đã được mẹ dạy cho từng đường kim mũi chỉ. Nàng cũng có khiếu nên học rất nhanh. Cứ thế gây được sự chú ý đến cha của mình, và dần dần trở thành một người thợ tay nghề cao của xưởng. Nhưng mẹ nàng thì vẫn mãi không lấy lại được tình cảm của cha nàng, để rồi đổ bệnh mà mất. Sau khi bà ra đi, nàng trực tiếp sống dưới sự che chở của mẹ hai. Mẹ hai giờ lên chức nên khá là trịnh thượng, nhưng thực tâm bà không phải là kẻ ác. Chỉ cần ngoan ngoãn nghe lời thì bà ta chẳng làm gì cả. Cũng may Ngọc Lan tuy ương bướng nhưng có tài thêu chỉ đơm hoa, nếu không chắc đã sớm bị gả đi cho rảnh nợ.

"Này kiếp nhân sinh trôi chóng vánh
Riêng tình ta trao vẫn đậm đà
Trách đời phận nữ truân chuyên quá
Nhuyễn ngọc ôn hương vỗ cánh bay

Thu đến đông qua xuân lại lại
Mãn khai hoa cỏ rộ trăm bề
Gặp người nơi ấy chốn xưa cũ
Liệu rằng cố nhân còn nhớ thương?"

- Anh thấy bài hát có hay không? - Ngọc Lan hỏi, vẻ mặt đượm chút buồn. - Đời người con gái giống như chiếc lá vậy. Lá cố gắng bám vào cây, nhưng khi lá không còn xanh nữa thì bị cây phũ bỏ. Lá đành rụng rơi mà không biết rơi đi đâu, đành phó mặc cho gió.

Chân bối rối. Là một quân nhân, chàng không giỏi an ủi đàn bà con gái. Mà câu nói vô tình của chàng lại khiến nàng rơi vào tâm trạng như vậy. Chân cảm thấy áy náy vô cùng. Chàng không biết phải nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn cô gái bé nhỏ trước mặt. Đột nhiên thu vào tầm mắt chàng một bóng người quen thuộc, khuôn mặt Chân trở nên căng thẳng. Chàng đứng bật dậy khiến Ngọc Lan giật mình. Dường như có điều gì không ổn nhưng trông chàng vẫn rất bình tĩnh, từ tốn nói với nàng:

- Thật xin lỗi em! Ta phải để em ở lại đây một mình rồi. Một người bạn của ta hiện đang ở đây. Sẽ thật là thất lễ nếu không qua đó chào hỏi người ta. Đã lâu ta không gặp cậu ấy nên có lẽ cuộc trò chuyện của chúng ta sẽ hơi lâu. Mong em lượng thứ. Hãy cứ tiếp tục thưởng thức âm nhạc.

Chàng hành lễ và ngay lập tức bỏ đi rất gấp gáp. Nàng không kịp phản ứng gì, chỉ có thể nhìn bóng chàng rời đi. Thực ra chàng chỉ đi vòng sang phía hành lang mé bên phải mà thôi. Đến cuối dãy thì chàng gặp bạn của mình. Đó là một người đàn ông trung niên. Khuôn mặt có chút dữ tợn. Còn Chân thì có vẻ mặt khoan khoái với nụ cười luôn nở trên môi. Trước khi bước vào căn phòng cuối hành lang, chàng quay ra mỉm cười với nàng. Cũng không sao. Chàng đi ta thấy dễ thở hơn đấy! Lúc nãy, Ngọc Lan để ý Chân nhìn nàng chằm chằm. Nàng đã phải rất vất vả để tảng lờ ánh mất ấy đi. Đến giờ vẫn còn cảm thấy nóng trong người.

- Thế mà cũng là hát sao? Thế này danh tiếng của Quế Hương sẽ bị tiêu tan hết đấy, cô Dương! - giọng nói trong trẻo cất lên.

- Chỉ hôm nay thôi, con chịu khó đi! Có phải là cô thay đoàn hát này thế chỗ các con đâu? Mà là đại nhân muốn, chúng ta không thể không nghe theo. - giọng này đúng là của bà chủ Quế Hương rồi. Bọn họ đang nói gì vậy?

- Thẩm mỹ âm nhạc của Trần đại nhân thay đổi rồi hay sao mà lại đi thích cái bọn nhà quê này? Từ hát đến đàn, thậm chí cả đào đều ở mức trung bình. Chẳng có gì nổi bật cả!

- Con bé này. Công bằng chút đi! Bọn họ hát cũng được mà. Ở quê lên mà hát thế là tốt rồi! Đừng vì được Trần đại nhân yêu mến mà khinh người đâu nhá! Cô không thích vậy đâu.

- Được yêu mến mà ngài chẳng rước con về gì cả. Đã nói là làm thiếp con cũng chấp nhận mà. Người như ngài được làm phận thiếp nâng khăn sửa túi cho ngài với con cũng hạnh phúc lắm rồi.

- Ôi cô biết con thích ngài nhưng hãy xét lại thân phận của mình đi. Ả đào mà lại muốn với đến nhà thượng tướng quân sao? - giọng bà chủ quán thấm vẻ xót xa.

Thượng tướng quân? Họ Trần. Tên Chân. Không lẽ... không lẽ chàng ta là Long Tiệp Phụng Thần Nội vệ Thượng tướng quân Trần Khát Chân?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top