nhatkyhai28-38

Nhật ký ký ức sinh viên của giai lớn

Mạnh dạn ủn cửa bước vào. Quái lạ, ủn đến 2 phát mà cánh cửa vẫn nhún nhún không mở ra cho. Cúi xuống kiểm tra xem nó bị kẹt cái gì thì thấy sau lớp kính mờ là bóng dáng anh sếp thân yêu. Gớm, hai cái “lồng bàn” nhấp nhấp nhổm nhổm, chẳng hiểu ông anh đang làm gì. Quyết định… đẩy cửa thật mạnh rồi buông tay, sếp suýt cắm đầu xuống đất, may nhờ cái “hậu” nở quá nên giữ lại được. Mình phọt cả cười. Sếp quặm mặt lại:

- Dở à?

Thì ra anh sếp đang chổng mông lên… nhỏ keo 502 dán đế giày. Chẳng hiểu ông anh sáng nay mải chạy theo gái hay chạy cái gì mà bung được cả đế giày mới tài chứ.

Quan tâm hỏi:

- Giày anh bị sao thế?

Sếp nhấm nhẳng:

- Sáng nay dậy, con cún hàng xóm nhìn quả đầu mới này (vừa nói sếp vừa gõ gõ lên đầu) không nhận ra anh. Thế là lúc anh vừa mở cửa đi ra thì nó đuổi, chạy bán sống bán chết, may mà nhà ấy ra gỡ thế bí kịp.

Nhìn mái tóc mới... cạo của sếp mà mình giật cả mình. Mãi tóc bồng bềnh lãng tử đã biến mất, không còn dấu hiệu của tóc. Tự lý giải rằng có lẽ do sếp không chịu nổi giá nước, giá dầu gội, giá nhổ tóc sâu... giữa thời bão giá này.

Ngày… tháng… năm…

Giai bé khẩn khoản nhờ mình đi tìm nhà trọ cho gái bé hôm trước. Thằng ranh lại dại gái thế chứ, chả được như anh nó, khôn gái đến nỗi giờ vẫn còn… Chẹp chẹp… Lại còn thanh minh thanh nga không phải em dại gái, rồi là chỉ là trách nhiệm với bạn bè. Gớm, cái thằng...

Nhìn cái mặt làm nũng của giai bé có muốn từ chối cũng không được, tức cả mình.

Ngày… tháng… năm…

Tìm được một dãy phòng trọ, đưa giai bé đến duyệt. Nó lắc đầu quầy quậy, chê nào là phòng bẩn, nào là công trình phụ phải dùng chung, nào là vân vân các loại. Quạc cho nó một trận. Thằng này từ bé đã được nuông chiều, chả bao giờ phải lo nghĩ, cái gì cũng đòi hỏi quá mức. Chỉ khổ cái thằng anh.

Nhớ hồi mình đi nhập học. Cũng đùm đùm bọc bọc nhưng cố mãi cũng chỉ được một cái ba lô và một cái túi du lịch (biết là hồi ấy nhà còn nghèo, nhưng vẫn ức). Làm thủ tục nhập học xong thì lên nhận phòng ký túc xá. 2 phòng, 16 thằng người to vật vã như những... con cá mắm mà cũng chỉ có độc một cái nhà vệ sinh và một nhà tắm, giường tầng luôn trong trạng thái lắc lư... Ấy thế mà đã thấy hạnh phúc lắm rồi...

Sau này, chuyển ra ở trọ bên ngoài lại càng thấy đời sinh viên sống trong ký túc xá là hạnh phúc. Giờ thì hết rồi, hết cả đời ký túc xá và hết cả đời sinh viên. Còn đâu những buổi 5 giờ sáng, các thầy quản sinh réo loa ầm ầm gọi dậy bắt đi tập thể dục trong khi sinh viên thì túm tụm vào nhà vệ sinh để... trốn? Còn đâu những phút đau tim vì cắm sục đun nước vụng, tai ngóng tiếng bước chân của ban quản lý ký túc xá? Còn đâu những ngày cuối tháng mì tôm chiến trường kỳ? Còn đâu thảm cảnh nhét bông vào mũi để đi ngủ vì... nhà vệ sinh bị tắc? Còn đâu những ngày trèo rào và luồn lách qua những góc tối để vào được ký túc trong những ngày lỡ đi chơi về muộn? Còn đâu cảnh cả chục thằng đi uống rượu thịt chó rồi lăn ra ngủ đến tận hết... giờ học ngày hôm sau? Còn đâu nét hoành tráng khi cả phòng đi... tán gái tập thể? Còn đâu hình ảnh cả mấy dãy nhà ký túc xá đều chong đèn thâu đêm trong những kỳ thi?

Giờ còn đâu nữa???

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký nghỉ lễ

Ngày... tháng... năm...

Nghỉ lễ cộng với nghỉ cuối tuần nên tha hồ sướng. Nhưng sướng gì thì sướng, không cái sướng nào bằng cái sướng được ngủ nướng, ngủ no nê, ngủ đã đời.

Cơn say còn đang tiếp diễn thì nghe tiếng gõ cửa rất mạnh, tiếng gõ cửa này, bình thường chỉ được nghe khi mấy bác trong tổ dân phố đi thu tiền vệ sinh các kiểu, hay là hàng xóm chạy sang phàn nàn chuyện gì đó, cùng lắm là đến mấy em tiếp thị siêu khuyến mãi. Kệ. Tung chân gác lên bụng giai bé, úp mặt xuống gối. Đến oải.

"Cốc cốc... cộc cộc...", tiếng gõ cửa vẫn không buông tha. Đâu ra người lì thế không biết, người ta đã không muốn tiếp thì phải biết đường mà... Bực cả mình, vừa nghĩ vừa với tay gỡ 3 tầng chốt cửa và mở hai ổ khóa. Ánh nắng chiếu thẳng vào mắt, trước khi nhắm tịt mắt lại vì chói đã kịp nhận ra đó là... nhị vị phụ huynh. Nuốt trọn vẹn cục tức vào bụng cho tiêu hóa luôn.

Thật đúng là gừng càng già càng cay, nhìn cái kiểu dò xét từng ngóc ngách, xó xỉnh trong nhà của hai bậc tiền bối thì ai cũng biết là hai cụ đang "thanh tra" nơi ăn chốn ở của hai thằng mình. Ừ thì đã đành là thế, nhưng thà hai cụ nói luôn là bố mẹ lên xem hai anh em ăn ở thế nào thì đã thành một nhẽ, đằng này thì luôn mồm nói: "Bố mẹ lên đây chơi ngày lễ, hai cậu ấm làm hướng dẫn viên nhé" trong khi đó tay mẹ thì nhặt từng cái áo, cái quần của mình lên... ngửi, còn bố thì đi lắc rồi sờ, nồi nắn từ cái ổ cắm, đèn, quạt, cho đến cái giường, cái tủ, chả thèm để ý đến cái mặt nghệt như ngỗng "..." của hai thằng con.

Ngày... tháng... năm...

Cả ngày lễ hôm qua, thiên hạ đưa nhau đi chơi ầm ầm thì bố mẹ cứ nhất định ở nhà dọn dẹp và sửa chữa đồ đạc cho hai thằng con. Đúng là bố mẹ, hic, lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ.

Đến sáng nay, mới 6 giờ, bố đã từ trên giường phi xuống, đá đít giai bé gọi dậy. Thật là may vì nếu đó không phải là giai bé thì không ai biết chuyện gì đã xảy ra, mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại là "Giai lớn là chúa hay gắt ngủ" mà.

Trước lúc khởi hành, bố hí hửng thông báo: "Hôm nay bố sẽ làm hướng dẫn viên. Cả nhà, lên đường!"

À, tự nhiên mình nhớ ra "Giai Cực Đại" (tức bố) có một cái thú du lịch rất... khác người là không bao giờ đi đến những nơi người ta thường đến. Hôm nay chắc cũng chả khác được.

Bố đưa cả nhà ra cầu, cửa ngõ vào thành phố:

- Đây là điểm đặt chân đầu tiên của bố ở thành phố này. Bố đi xe khách đển bến xe đằng kia kìa, rồi nhảy xuống, lên xe điện nhé...

Cứ thế, bố dẫn cả nhà lòng vòng bở hơi tai mới đến trường đại học - nơi ngày xưa bố trau dồi kiến thức chuyên môn và kiến thức về... tình yêu. Bố vừa bắt đầu kể về chuyện tình yêu giữa bố và cô bạn hoa khôi ở trường bên thì mẹ đã mở to mắt, miệng hé mở thành dấu hỏi chấm vô cùng duyên dáng. Mẹ cứ giữ nguyên trạng thái ấy cho đến khi câu chuyện tình yêu của bố bước sang một bước ngoặt...

- Bước ngoặt gì thế? - Mẹ hỏi, có vẻ hồi hộp lắm.

- Anh đi lấy vợ.

- Thế là thế nào? Sao lại có cô hoa khôi nào ở đây? Sao mình... mình... anh... mình... yêu nhau lâu lắm cơ mà? Chẳng lẽ...

Bố tủm tỉm cười:

- Ừ, thế rồi anh cưới vợ, là em đấy. Còn cô hoa khôi ấy... sau này cũng có một gia đình rất hạnh phúc, cô ấy còn sinh được hai cậu con trai...

- Anh còn liên lạc với cô ta cơ à?

- Ơ kìa em. Thì đương nhiên rồi.

- Anh... - Mẹ chực khóc.

- Đương nhiên rồi, cô ấy... về làm vợ anh và sinh con cho anh cơ mà. Cả đời này anh chỉ có mỗi cô ấy thôi, hoa khôi chân ngắn ạ.

Hậu quả bố phải gánh chịu từ của câu chuyện đau tim ấy là một cú lườm xuyên lục địa được xoa dịu bằng nụ cười hạnh phúc của mẹ cùng điệu cười khả ố của hai giai choắt.

...

Phố phường hôm nay quang đãng đến lạ, chẳng thấy tắc đường mà cũng chẳng thấy rác rưởi bề bộn. Ước gì ngày nào cũng là ngày lễ.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký tái ngộ

Chiều tối. Giai bé lụi cụi cắm cơm, luộc rau ăn nốt chỗ thức ăn còn lại. Ngán ngẩm nghĩ đến ngày mai cơm nước lại chuệch choạc.

Tối. Lướt web đọc lại vụ án kinh hoàng mới xảy ra ở tỉnh bên cạnh. Đang đắm đuối vào mấy lời kể thì thằng ranh con ở đâu bước khẽ đến và thổi phù vào mang tai. Sởn cả da gà, tóc gáy dựng ngược lên, hãi đến nỗi không đủ sức đấm nó nữa.

Đêm. Thấy mình đi đến một tiệm vàng, bà chủ vồn vã đeo đủ các thứ linh tinh lên cho mình: nào kiềng, vào dây chuyền, nào lắc, nào nhẫn, nào xích, nào hoa tai, lại còn dúi cả mấy tấm vàng miếng vào túi mình nữa. Đời phút chốc lên tiên.

Vàng nặng quá, mỏi chân, ngồi dựa vào một góc nhà. Thiu thiu ngủ. Chợt thấy ai đó kề dao... Hoảng quá, vùng chạy... Thấy mình rơi vào một khoảng không và... bịch, người mình rơi xuống sàn một xà lim, một tấm lưới quăng lên mình...

Nghe tiếng ai đó càu nhàu. Ú ớ mở mắt ra, thấy mình đang nằm xụi lơ dưới đất, 2 trong số 4 cái dây buộc màn đứt phựt. Giai bé đang ngon giấc, bị cái màn rơi xuống phá tan giấc ngủ đâm ra cáu bẳn. Nó lầu bầu ngồi dậy. Biết lỗi, mình lủi thủi dậy nối dây, mắc màn lại tử tế và trân trọng mời giai bé thượng sàng. Xấu hổ ghê. Cũng chỉ tại 2 đêm vừa rồi nằm đất, để giường cho bố mẹ ngủ, giờ thành quen cứ tưởng muốn quẫy sao thì quẫy.

Ngày... tháng... năm...

Mở mắt ra cũng đã sát đến giờ đi làm. Uể oải ngồi dậy, đánh răng rửa mặt. Vẫn còn ám ảnh giấc mơ đêm qua.

Đi ra con đường quen thuộc. Dụi mắt mấy cái mới dám tin vào mắt mình: dòng người đông nghịt phía trước, đúng là đi làm lại sau mấy ngày nghỉ có khác, lại còn khai giảng nữa chứ. Nhọc nhằn nhích từng bước một, ơn trời là giá xăng đã giảm đi đến tận 500 đồng 1 lít chứ không thì vượt qua cái quãng đường này được chắc cũng phải tốn thêm đến 200 đồng chứ không ít, 10 lần cái 200 đồng ấy cũng đủ một cốc trà đá chứ ít ỏi gì cho cam.

Tòa nhà làm việc hôm nay mới sơn lại, nom vui mắt đáo để. Chẳng hiểu ông nào nghĩ ra cái trò vẽ hình lên toàn bộ bên hông tòa nhà. Há mồm ra ngắm trong lúc phi vào hầm để xe, đến lúc quay lại, suýt đâm vào đít cái xe ga phía trước. Nhìn quen quen, hình như chưa gặp bao giờ.

Chủ nhân chiếc xe bé loắt choắt, quay ngoắt lại, mồm định lẩm bẩm. Nhìn lạ lạ mà lại quen quen, hình như đã gặp bao giờ.

Vào thang máy, Loắt Choắt nhìn mình chăm chăm. Đôi mắt ấy... Chết, nhớ ra rồi, là tên "thái giám". Nhưng sao khác thế nhỉ? Hôm trước nhìn... bặm trợn lắm mà nhể? Hôm í, nam tính hơn đàn ông nhiều.

Muốn mở lời mà lại không biết nói gì. Phải chi mình ba hoa bốc phét được như giai bé thì tốt quá. Hai vành tai nóng bừng... Thấy mình ngượng, "thái giám" lên tiếng:

- Hi anh! Anh làm ở đây ạ? (Chuối không để đâu hết, không làm ở đây thì lên đây làm gì?)

- Ừ. Nhân viên mới à?

- Vâng.

Cửa thang máy mở ra, "thái giám" ra cùng mình. Hỏng hết bánh kẹo rồi, đích thị đây là cô nhân viên mới chân dài của phòng mình rồi. Ối giời ơi, sao lại trớ trêu vậy giời? Chân này phải gọi là siêu... đoản mới đúng.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký: Sự thật về "thái giám"

Bà chị trong phòng chạy ra, kéo cánh cửa cái rầm: "Tránh... Tránh...". Giật cả mình, né người sang một bên, phải cái bà chị này mới có 39 tuổi mà đã đạt đến sát ngưỡng... 93 kg nên cú né của mình gần như là vô tác dụng. Bà chị đẩy mạnh mình ra trước khi lao thẳng theo hướng nhà vệ sinh, duyên không tả nổi, thế mà vẫn có ông rước đi cho.

Vẩn vơ nghĩ đến "thái giám", cô này biến đi đâu được nhỉ? Ra khỏi thang máy chỉ có thể đi thẳng, hoặc rẽ phải, hoặc rẽ trái...

"Hự... Á... Ối... Huỵch..."

Một tràng dài những âm thanh khủng khiếp phát ra từ cửa nhà vệ sinh. Cả phòng ngơ ngác nhìn nhau rồi cùng ùa ra... hóng. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ... tất cả mọi con mắt đều dồn cả vào... cửa nhà vệ sinh nữ: Bà chị 93 kg nhà mình đang nằm úp mặt xuống đất, bên dưới tấm thân đẫy đà ấy có cái gì loe ngoe như là cẳng chân cẳng tay ai đó. Một chị chạy đến, xốc nách bà chị 93 kg dậy, vật thể nhỏ bé bên dưới cũng lóp ngóp bò dậy: "thái giám" - chính là hắn. Thấy vừa buồn cười vừa tội nghiệp, chả lẽ cô nàng không biết câu "lấy thịt đè người sao".

Bà chị về phòng, lẩm bẩm chửi: "Có mắt mà như mù, nó thấy mình chạy thì nó phải tránh ra chứ. Chẳng nhẽ tao thế này mà nó không nhìn thấy à?", vừa nói, bà chị vừa ưỡn người ra đằng trước chứng tỏ kích thước bản thân khiến ai nấy đều phì cười.

Chột dạ khi thấy "thái giám" đi vào phòng của công ty bên cạnh. Hóa ra từ trước đến nay mình vẫn tưởng bở.

Ngày... tháng... năm...

Vẫn chưa gặp lại "thái giám" phát nào. Ấn tượng vẫn rất là bé tí.

Ngày... tháng... năm...

Thấy giai bé lụi cụi chuẩn bị mấy đoạn tăm ngắn ngắn, khoảng 2cm, hỏi để làm gì, cậu chàng trả lời là để... chống buồn ngủ. Nhớ ra ngày mai giai bé đi học chính trị đầu khóa. Thở dài, thằng này bản lĩnh còn thua xa mình. Dám làm thì phải dám chịu chứ. Chống mắt lên, muỗi nó mà đốt cho một cái thì chả biết chừng.

Ngày... tháng... năm...

Gặp anh gì ở công ty bên cạnh, anh này dễ gây ấn tượng đầu tiên bởi vầng trán cao tít tắp lên đến tận... đỉnh đầu, ngoài hai bên tóc mai dài thượt và xoăn tít thì những chỗ còn lại thẳng và suôn như vừa đi ép tóc về. Hỏi ông anh về "thái giám". Ông anh lắc đầu bảo làm gì có nhân viên mới. Quái, rõ ràng là mình thấy. Ông anh thò ngón tay trỏ ra quấn quấn chùm tóc mai rồi à lên một tiếng:

- À, hay là... Hôm trước sếp anh có đứa cháu, định cho vào thực tập nhưng hình như là lại thôi rồi.

Ông anh đổi bên tóc mai, lại à lên một tiếng:

- Hay là... Mà anh cũng chẳng nhớ đâu. Mà chú mày quan tâm đến bọn con gái làm gì, rồi lại khổ ra. Như anh đây, dính vào gái phát, ngày đêm bứt tóc lo nghĩ, ngày đêm xoắn tóc phân bua... Giờ nhìn anh mới thế này, chứ ngày xưa... anh cũng giống người lắm.

Nói rồi ông anh lầm lũi bước đi.

Ngày... tháng... năm...

Bà chị ngồi bàn bên cạnh rú lên:

- Cấm, cấm á?

- Cấm cái gì? Cái gì cấm?

- Xe.

Mấy bà lau chau bâu vào cái màn hình, trên đó là bài báo nói về ý tưởng đề xuất hạn chế xe cá nhân.

Bà chị 93 kg mặt méo xệch nói như phân bua:

- Thế tao lăn đi làm à? Tao thế này đi taxi thì không lọt cửa mà lên xe buýt thì toàn bị đuổi xuống vì chiếm hết chỗ người khác.

Mọi người bàn tán xôn xao. Riêng mình thì chẳng quan tâm mấy, kiểu gì chả phải có cách, không đi thì anh... bay, lo gì.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký vào bệnh viện

Ngày... tháng... năm...

Đang lơ mơ ngủ thì nhận được điện thoại của thằng bạn thân:

- Tao xòe. Đến bệnh viện ngay. Nhớ cầm theo mấy chai, tao mượn.

Thằng này làm nghề đi... hứng, múc nước ở các sông hồ rồi cả nước thải bệnh viện các kiểu về xét nghiệm, phân tích. Chắc hôm nay đến viện lấy mẫu nhưng vội quá quên chai đây mà. Cái thằng... đoảng vị thật. Tìm khắp mọi ngóc ngách trong nhà mới moi được 5 cái vỏ chai nước lọc loại nửa lít, chắc ngần này đủ. Súc rửa cẩn thận, nhét túi nilon mang đến bệnh viện cho thằng bé.

Đến nơi, gọi điện, nó bảo lên ngay phòng bệnh, gấp lắm rồi. Quái, lấy mẫu gì mà ở trên ấy nhỉ? Mình tức tốc đi lên. Thấy thằng bạn nằm chình ình trên giường, chân bó bột trắng phớ, cái túi vỏ chai trên tay mình rơi bịch xuống.

- Mày sao thế?

- Xòe xe chứ sao. Tiền đâu, đưa đây tao nhét. Loạng quạng đi thế nào mà lao xừ nó vào cái hố ga vỡ nắp. May mà nay đội mũ che cả hàm chứ không thì chắc giờ răng vẫn ở lại... gặm nắp hố ga rồi. Tiền đâu? Đưa đây "dấm dúi" tí, nãy chưa có gì, đứa y tá nó chích cho mấy mũi cứ gọi là mũi nào ra mũi ấy.

Nhớ rõ cái mồm mình lúc ấy há ngoác ra, tưởng như nuốt trọn cả cái túi vỏ chai kia. Thằng lắm chuyện, tiền thì nói luôn là tiền lại còn chai với lọ.

Vội quay ra cây ATM rút tiền đưa cho thằng bạn. Quay vào, xé đại một tờ giấy trắng trong quyển nhật ký ghi những điều thằng bạn căn dặn, nào là "cửa" này "cửa" nọ, nào là thủ tục này, "hủ tục" khác, đau cả đầu. Cái thằng, có bảo hiểm rồi mà cứ vẽ chuyện.

*

*  *

Lời nhật ký:

Giữa phòng bệnh đông nghịt, Giai Lớn lôi mình ra, chói mắt quá. Đây là điều chưa từng xảy ra vì từ trước đến nay, Giai chỉ lôi mình ra vào buổi tối, khi chỉ còn Giai trong phòng. Giai mở toang mình ra rồi mạnh tay xé "soạt" một cái, đau điếng. Chờ mãi chẳng thấy Giai cất mình vào túi. Lạnh quá, mình thấy người ta ăn, người ta đi lại, người ta thở dài, rồi người ta cười nói. Mãi mà chẳng thấy Giai đâu.

Lâu lắm... Mình thấy sợ.

Rồi mình nghe thấy có tiếng chổi loẹt xoẹt quét sàn...

Đột nhiên, một bàn tay ấm ấm cầm mình lên, xoay lên xoay xuống ngắm nghía. Rồi mình bị quẳng vào một cái túi xách, mùi mồ hôi nồng nồng, chua chua...

*

*  *

Ngày... tháng... năm...

Chiều nay dọn phòng ở khoa Ngoại, thấy quyển sổ cũ của ai đánh rơi, mình nhặt lên. Quyển sổ cũ nhưng có vẻ được giữ gìn rất cẩn thận. Chẳng có thông tin gì về chủ nhân cả. Tò mò, mình mở ra xem, thì ra đây là một cuốn nhật ký. Chắc chẳng có gì quan trọng. Mình sẽ giữ lại. Có cảm giác gì đó rất thú vị.

Ngày... tháng... năm...

Nay có một bệnh nhân bị đau bụng. Hình như thế. Mình thấy anh chàng vật vã, lăn lộn khi được người nhà chuyển đến viện. Mặt anh ta tái mét, mồ hôi chảy ròng ròng, nghĩ mà xót. Thấy một người vội vã bế anh ta vào phòng cấp cứu. Oái oăm thật, đây là giờ nghỉ trưa. Mà bác sĩ thì...

Anh bệnh nhân run người từng chặp, quằn quại trên giường cấp cứu, anh người nhà chạy như con thoi tìm bác sĩ. Đến cuối hành lang, anh ta nhìn thấy một bóng áo trắng. Mình nhìn không rõ lắm nhưng hình như đó là ông bác sĩ khoa Da liễu thì phải. Tò mò quá. Mình chạy đến, nép vào gốc cây, hóng. Anh người nhà khẩn khoản:

- Bác sĩ ơi, vào xem hộ em với. Bạn em nó đau quá, bác sĩ xem hộ em. Em sợ nó...

- Nó làm sao? Nãy tôi nhìn rồi, có vài nốt muỗi đốt, không phải ghẻ, không phải viêm da, không phải da liễu, không phải việc của tôi.

- Thế anh làm ơn chỉ cho em bác sĩ... Trời ơi, cứu bạn em với!

Nhìn anh bạn như muốn khóc, mình xót cả ruột. Quái, ông bác sĩ trực đi đâu ấy nhỉ? Kia rồi, có ông bác sĩ khoa Nội đi ngang qua, mình vội chạy đến, bảo trong phòng cấp cứu có người đang đau lắm. Ông này đi về phía khoa cấp cứu, mình thở phào nhẹ nhõm, vội chạy theo thể hiện tinh thần trách nhiệm cái.

Ông này vào phòng, nhìn mặt bệnh nhân 1 cái, nhìn bụng bệnh nhân 1 cái, nhìn cái... túi đồ 1 cái, quay ra, nhìn anh bạn đi cùng 1 cái nữa. Cả thảy là 4 cái. Rồi, ông bác sĩ phán một câu xanh rờn:

- Có gì nghiêm trọng đâu. Cứ... từ... từ... ừ...

Uầy, người ta đau tưởng chết đến nơi rồi mà vẫn từ từ.

Anh bạn tức quá, túm cổ áo ông bác sĩ:

- Thích... chết... từ... từ... từ... đâu?

Ông bác sĩ tái mặt, mình sợ quá, thò tay ra định bấm điện thoại gọi cảnh sát. Nhưng mình nghe thấy tiếng anh bệnh nhân:

- Không... cần... nữa... đâu... Cứ... từ... từ... cũng... được...

Mọi người quay ra, mình đứng ở cửa cũng thò cổ vào: Ọe, anh chàng đã... miệng nôn trôn tháo ngay tại trận, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Mình chạy vội. Theo sau mình là ông bác sĩ khoa Nội cũng đang cắm đầu chạy thoát thân. Anh bạn khóc dở mếu dở.

Chợt thấy ông trưởng khoa Nội chạy đến, hốt hoảng:

- Đâu? Đâu? Bệnh nhân đâu?

Mình quay lại, chỉ về phía phòng cấp cứu. Ông trưởng khoa lao đến, bất chấp bẩn thỉu, ông chạy đến chỗ người bệnh đang nằm, người xanh như tàu lá chuối.

Thăm khám một hồi, ông trưởng khoa kết luận: Viêm dạ dày cấp. Ông lên phác đồ điều trị rồi chuyển qua cho cô y tá thực thi. Mình thở phào nhẹ nhõm. Quên mất, mình còn đứng lại đây thì cái đống "sản phẩm" kia... Cắm đầu chạy, dù sao thì hôm nay mình cũng trực ở khoa Ngoại, chả liên quan gì đến vệ sinh bên này.

Thầm trách anh bệnh nhân có học mà chẳng có khôn, có đau bụng thì cũng nên tránh đau vào giờ nghỉ trưa của người ta ra chứ?

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký: CSGT cũng choáng

Ngày... tháng... năm...

Hôm nay không phải đến viện, loanh quanh dọn dẹp phòng cho thằng con trai. Với người chuyên nghiệp như mình cũng hết cả buổi sáng mới đánh vật xong. Con mình thật có tài, nhất là tài bày bừa.

2 giờ chiều. Ăn uống dọn dẹp xong, mệt phờ. Ngả lưng ra ghế sa-lon, chợp mắt một tí.

2 giờ 30, điện thoại đổ chuông. Mệt quá, chẳng muốn nghe nữa. Chuông vẫn đổ, với tay ra cầm lấy điện thoại, hóa ra con trai gọi về:

- Mẹ lên phòng, lấy cho con bộ giấy tờ xe ra rồi mang ra ngã tư luôn nhé.

Hóa ra thằng nhãi bị bắt xe. May mà sáng nay mẹ vừa dọn phòng cho mày thì mới biết nó đang ở đâu chứ giờ mới đi tìm thì mày cứ chịu khó ở đấy đến... mai nhé con.

Ngã tư vắng hoe, thằng cu đang đứng, miệng cười bải lải với anh cảnh sát trẻ măng. Mình đi đến, đưa giấy tờ cho cu con rồi nhỏ nhẹ nói với anh cảnh sát:

- Thôi anh ạ, em nó có lỗi gì thì anh cho cô xin, cô về dạy bảo em nó sau.

- Anh ấy đã vượt đèn đỏ, không xin đường khi rẽ và không mang theo giấy tờ xe. Anh ấy phải chịu mức phạt là...

- Em nó trót dại, anh cứ coi như đây là một bài học để em nó rút kinh nghiệm lần sau.

- Vâng, cháu thấy như vậy cũng hợp lý. Vậy chỗ tiền phạt này coi như là tiền học phí con cô phải đóng, cô ạ.

Vừa ký xong biên bản thì từ phía đường bên kia, một chiếc xe chở 3 thanh niên đầu trần đã vượt đèn đỏ và đang lao về phía bên này. Anh cảnh sát nhanh chóng chạy ra, giơ gậy ra hiệu dừng xe. Chiếc xe chạy chầm chậm, mình thấy rõ 3 gương mặt đỏ như mặt trời, tròng mắt có vẻ dại dại... Chiếc xe vẫn chưa chịu dừng. Anh cảnh sát giơ tay lên chào, gã cầm lái phẩy tay:

- Xe anh đông rồi, không chở thêm được đâu. Chú vẫy xe khác nhé.

Nói rồi gã định vít tay ga phóng đi luôn. Anh cảnh sát sau giây phút choáng váng đã kịp định thần và giữ chiếc xe cùng 3 gã say lại xử lý.

Ngày... tháng... năm...

Thấy nhà hàng xóm dọn dẹp hết đồ đạc ở tầng 1 chuyển lên tầng hai. Dò hỏi mới biết là định mở lớp trông trẻ. Quái, nhà này làm gì có ai học sư phạm mầm non ra mà mở lớp với cả dựng trường? Từ trước đến nay nhà ấy hết kinh doanh hạt giống lại chuyển ra bỏ mối chó, mèo, rồi sau lại chuyển qua bán cơm phở, gần đây lại mở quán trà đá, thế mà mở lớp mầm non được thì kể cũng tài quá.

Ừ, nhưng ngẫm đi nghĩ lại thấy thế cũng phải, quanh đây toàn là công nhân trẻ, ngày đêm vùi đầu ở công xưởng thì hẳn là phải gửi con cho yên tâm rồi. Tiện cả đôi đường.

Ngày... tháng... năm...

Lớp mầm non đi vào hoạt động, từ sáng sớm, các cháu bé đã được bố mẹ đưa đến nhập học nườm nượp. Biết đâu nhà này chuyển sang làm cái này lại ngon.

Ngày... tháng... năm...

Hai vợ chồng lên xe về quê giỗ cụ. Giả vờ say xe, mình gật gù rồi ngả hẳn vào vai anh xã. Lâu lắm rồi mình mới dám ngả đầu dựa vào ông chồng cục cằn này chứ bình thường thì đúng là có các vàng mình cũng chịu. Nhiều khi tủi thân, cứ phải gục đầu vào vai... ghế.

Ra khỏi thành phố, nhà xe bắt thêm được khối khách nữa. Xe chật lèn, người đứng, người ngồi lô nhô chóng cả mặt. Mùi bụi, mùi khói, mùi xăng, mùi nước hoa, mùi hôi nách, mùi hôi chân, mùi hành lý... hòa trộn vào nhau tạo nên một cái mùi rất chi là khó ngửi. Báo hại mình từ chỗ giả say xe chuyển sang say xe thật từ lúc nào chẳng biết. Loáng thoáng nghe tiếng anh xã lầu bầu: "Bảo đi xe máy thì không chịu. Cứ sợ chết cơ."

Xe chạy đến một quãng vắng, mình đang mơ màng ngủ... Bỗng thấy xe đi chậm dần rồi dừng lại bên vệ đường. Mấy anh cảnh sát tiến tới. Như một cái máy, phụ xe đi xuống, tay cầm quyển sổ nhàu nát. Tò mò, cố nén cơn say, mình thò cổ ra hóng. Chẳng nghe thấy cái gì. Trong xe, mấy người khách hỏi bác tài:

- Chuyện gì thế bác?

- Xe mình bị sao thế bác?

- Có phải ở lại đây lâu không bác?

- Bao giờ thì đi được bác?

- ...

- Không sao đâu. Lần nào đi qua đây chả phải dừng lại.

Bác tài thở dài một cái, nhìn ra đường, vẻ như uất ức lắm. Anh xã như không chịu được nữa, lẩm bẩm văng tục một câu rồi chì chiết:

- Bắt lắm khách vào, đi nhanh lắm vào. Bị tuýt còi là còn nhẹ. Đi tử tế thì ai rỗi hơi.

Mình vẫn chăm chú nhìn ra chỗ anh phụ xe đang "làm việc". Bỗng thấy một anh cảnh sát khác ở đâu chạy đến, thì thầm vào tai anh cảnh sát đang tác nghiệp kia. Mặt anh kia chợt biến sắc, đoạn anh đi về phía chiếc xe đang dựng ở vệ đường, vơ vơ cái gì đó rồi... chạy một mạch ra phía lùm cây.

Anh phụ xe trở lại, vẫy nhắc tài xế nổ máy đi tiếp. Nhìn qua gương chiếu hậu, hinh như có xe của thanh tra đang tiến về chỗ mình vừa đứng. Phù...

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký: Về quê

Tổng thời gian dừng lại xử lý có dễ đến 8 phút rưỡi, ngần ấy cũng chỉ đủ để dọn một buồng bệnh chứ mấy.

Xe đi vào đoạn đường cao tốc, chắc thế vì thấy xe nào cũng phóng vun vút, có điều mình để ý mãi mà không thấy cái biển hạn chế tốc độ dưới. Chắc mắt mũi hỏng rồi. Chạnh lòng nghĩ đến cái tuổi già. Dựa vào người chồng, nghe tiếng tim anh đập thình thịch. Chạnh lòng tập 2 vì thấy anh xã vẫn còn sung sức lắm.

Êm ái quá, mình lâng lâng chìm vào giấc ngủ giữa một không gian ngập tràn hương... hắc... Bỗng thấy chiếc xe rung lắc dữ dội, mình mệt quá, không thể ngóc đầu lên được, báo hại cái đầu cứ nảy lên nảy xuống trên vai chồng mãi, đôi vai gầy giơ xương... Thấy anh xã mở miệng định nói gì đó nhưng vì đường xóc quá, hai hàm răng cứ va vào nhau. Mình xót quá, xót cái răng sâu... dù gì thì cũng mới trám lại, tốn bằng cả mấy cân thịt cho con chứ ít ỏi gì.

Sau vài giây, xe đi êm ái trở lại. Rồi bất chợt nó lại chồm lên... Cứ thế vài lần, bà con trên xe la oai oái, túi ni-lon được trưng dụng tối đa. Anh phụ xe xót của:

- Đường sá làm như "...", tốn bao nhiêu là túi ni-lon của ông, muốn giữ vệ sinh môi trường cũng chả được.

Giọng đàn ông từ cuối xe vang lên đầy văn hoa:

- Ổ gà cũng như tiền dự án: cái này lõm thì tất nhiên cái kia cũng phải lõm thôi. Hức...

Người đàn ông đang nói thì bánh xe lại sụt xuống một cái ổ gà khác. Ông này biết điều, im luôn, chắc suýt cắn vào lưỡi.

Mình lại lơ mơ ngủ, đôi lúc bờ vai xương xẩu của chồng lại nảy lên, thúc vào đầu đau điếng.

Sau 3 tiếng đánh vật trên cái chuồng lợn di động, cuối cùng cũng gần về đến nhà. Xa xa thấp thoáng bóng mấy rặng tre, cảm giác yên bình đến lạ...

Mình xuống xe, người lắc lư như vừa chơi đu quay về. Anh xã thấy thế thì lấy làm buồn cười, bèn lấy tay đẩy khẽ mình một cái, mình lao đi, đến lúc sắp đâm vào một ông xe ôm thì anh xã đã tóm ngay lại. Đấy, cái thói ghen tuông lồ lộ ngay ra đấy. Thế mà cứ hễ nói đến thì chối đây đẩy.

Mấy anh xe ôm xúm lại:

- Anh chị về đâu? Em chở về. Trời nắng thế này.

- Thằng này xích ra, từ sáng đến giờ anh chưa có chuyến nào. Anh chị về đâu? Xích ra cái thằng kia.

Anh xã mình khoát tay:

- Nhà gần, đi bộ cho lại sức.

Đường sá vắng bóng thanh niên. Mọi năm về, thấy đông lắm mà nhỉ? Quái, đi bộ ngót một cây số, thấy toàn ông già bà cả với lũ trẻ con lít nhít. Vươn tầm nhìn ra cánh đồng lúa: chỉ lác đác vài thửa được cấy, còn lại thì bỏ trống. Hụt hẫng khôn tả.

Đem nỗi thắc mắc về hỏi mẹ chồng, mẹ thở dài đánh thượt:

- Đi công ty hết rồi.

- Sao lại bỏ ruộng mà đi làm công nhân chứ. Ở nhà ruộng vườn đầy ra, chăm chỉ làm thì tha hồ sống. Bám vào công ty, rồi xem, tiền vào chẳng đủ tền ra. - Anh xã hậm hực.

- Ừ thì biết sao được. Đi công ty, mỗi tháng được 1 - 2 triệu, còn thấy đồng tiền. Bám vào sào ruộng, ừ thì đủ ăn đấy, nhưng mỗi lần có công có việc lại chẳng có đồng tiền nào trong tay.

- Rồi ở nhà bố ốm, mẹ đau, con khóc. Lúc ấy kêu ai? - Anh xã thở dài.

Mắt mẹ buồn buồn:

- Vợ chồng thằng cháu cả nhà bác trưởng cũng mới đi công ty tháng trước.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký: Làng... đô thị

Ngày... tháng... năm...

Mai là giỗ cụ, cả nhà rồng rắn sang nhà bác trưởng ở xã bên. Khiếp, đường sá xã bên ấy "đẹp" dữ: chỗ này được được xới tung lên, chỗ khác thì lổn nhổn những đá hộc, đoạn khác nữa thì đá dăm phủ xốp mặt đường. Nhìn tay lái thằng cháu lạng lách rất có nghề trên con đường đang làm dở dang ấy, thầm nghĩ: dùng đường này làm sân thi lấy bằng lái xe thì... chuẩn quá. Làng đang phát triển, làng đang xây dựng có khác, chắc trong tương lai sẽ trơn láng mịn màng như da em bé đây. Khấp khởi mừng thầm cho tương lai xán lạn của quê hương dù đôi lúc vẫn thót tim vì tay lái thằng cháu bỗng bất chợt... ngoằn ngoèo.

Càng đi vào làng càng thấy dân làng này sướng quá, có một vị trí đắc địa ở gần đường lớn, làng được nhều chủ đầu tư ưu ái, họ rót hầu bao vào ầm ầm, xây dựng đủ thứ nhà máy. Khối hộ từ đó mà bỗng nhiên trở thành tỉ phú... tiền lẻ.

Biết bác trưởng là người thích nghe nịnh, mình bèn đem chuyện mở khu công nghiệp ở làng ra tán. Chẳng dè bị cả họ phủ đầu: "Nghiệp nghiệp cái nghiệt ấy". Chả hiểu ra làm sao nữa.

Đang bàn chuyện cỗ bàn thì nghe "xịch" một tiếng giữa sân, tất cả nháo nhác nhìn ra. Mình suýt không nhận ra đó là thằng út nhà bác trưởng vì nhìn nó như một dị nhân: thằng bé cho cái áo gi-lê bò rất oách xà lách đi cặp với chiếc quần đùi ôm sát người, những lọn tóc bảy sắc cầu vồng lấp ló chui ra qua những lỗ hở trên chiếc mũ bảo hiểm xe đạp và chễm chệ ngồi trên chiếc xe máy to vật "mết-in hàng tàu", chân xỏ đôi dép tổ ong rách. Tóm lại nhìn thằng cháu rất đúng với dáng "dân chơi nửa mùa". Bác trưởng thấy con về thì rút dép ra nhử nhử:

- Mày có biến ngay về phòng rồi mặc quần áo vào không? Nhìn như cái thằng ở trại tâm thần ra.

Thằng bé đi lên phòng vẻ không bằng lòng:

- Mốt thời thượng đấy. Bố chẳng biết gì cả.

- A, thằng này láo.

Thằng bé đi khỏi, bác trưởng thở dài đánh thượt một cái:

- Khổ, từ bận có mấy đồng tiền đền bù. Tôi thương cháu, cho nó tiền để được nở mày nở mặt với thiên hạ. Nhưng nở đâu chưa thấy, chỉ toàn thấy lở thôi. Nghe đâu nó còn lập hội gì mà ưu phiền vì nhiều tiền ấy.

Bà mợ chen vào:

- Mày cũng chiều nó không phải lối, tiền đền bù tao đi gửi tiết kiệm rồi, lãi cũng đủ nhai trầu. À đấy, thế mấy con trâu thì nhà mày tính thế nào?

- Con cứ để đấy thôi, tự chăn, sau này bán thịt. Ngặt cái ở gần đây chả còn cỏ giả gì cho nó ăn nữa, con đang tính có khi phải trồng ít cỏ trên sân thượng cho chúng nó ăn mất thôi.

- Dở, sân thượng để mà lắp bàn bóng bàn chứ.

Mẹ mình có vẻ nóng ruột:

- Thôi tối rồi, có bàn chuyện cỗ bàn gì giỗ cụ thì bàn đi.

- Ôi dào, sao cứ phải lo. Cậu trưởng, ý cậu thế nào?

- Con cũng nói sơ với vợ chồng thằng cả rồi. Chúng nó bảo giờ bày vẽ chỉ tổ nhọc người ra. Tụi trẻ thì đi công ty cả, chả nhẽ lại để ấy cụ già ra mổ lợn? Vợ chồng nó đang tính lên phố thuê người ta làm cỗ, nhìn sang như cỗ cưới í. Các cụ thấy thế nào?

- Vớ vẩn, cả năm mới có một ngày giỗ cụ, vất vả gì mà không tập trung được.

- Khổ, vất lắm chứ. Chẳng thà cụ cứ để người ta làm cỗ, còn cụ cứ đủng đỉnh ngồi đây, con bật máy tính cho các cụ chơi game, thế chẳng sướng hơn sao?

- Loạn. Bây tưởng bây có tiền mà muốn làm gì thì làm à? Tao cần miếng ăn chắc?

- Ơ cụ...

Người bàn xuôi, kẻ bàn ngược. Trước uy của các bậc tiền bối, ý kiến nhàn - tiện - tốn của bác trưởng xem chừng cũng phải lung lay.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký: Thằng cháu sinh viên

Ngày... tháng... năm...

Đã lên đây được mấy ngày nhưng hình ảnh của ngôi làng nhà bác trưởng vẫn cứ ám ảnh mình. Một làng quê đô thị nửa vời, một làng quê với những nét văn hóa truyền thống bị đè bẹp...

Ngày... tháng... năm...

Sáng. Vừa dọn xong dãy phòng bệnh tầng 2 thì có điện thoại. Là cậu thứ con bà áp út ở phái dưới. Cái ngữ này gọi điện thì không xin xỏ cũng là nhờ vả. Ngán ngẩm nhấc máy lên. Xời, biết ngay mà, nào là cháu bác nó mới lên nhập học, có gì bác chỉ bảo thêm cho cháu, nào là bác ra xem nơi ăn chốn ở của cháu nó thế nào, nào là thỉnh thoảng bác cho cháu nó đi thăm thú nơi này nơi khác... vân vân các loại. Nếu hôm nay không có mấy ông nhà báo về làm phóng sự về văn hóa bệnh viện thì mình đã văng tục rồi. May phúc, mới kịp mở mồm ra, chưa kịp văng thì đã thấy cái ống kính đang chĩa về phía mình. Hú hồn. Nhưng cũng tiếc, mất một cơ hội lên báo.

Tối. Đem nỗi ấm ức về dồn lên đầu chồng, tưởng được chia sẻ, ai ngờ anh xã lại hào hứng: "Hay, chủ nhật này ra chơi với cháu.". Người đâu mà oái oăm, với vợ con thì cục súc mà với người ngoài thì... Lại còn trách mình tính đàn bà nhỏ nhen, chấp vặt. Ừ thì đây đàn bà đấy, không là đàn bà mà lại chịu lấy ông chắc.

Ngày... tháng... năm...

Đi làm về, người ngợm mỏi nhừ, mồ hôi ra dính dính, bức bối, khó chịu. Thế mà nhìn vào nhà là muốn nổi điên: Trời thì nóng hầm hập mà ông chồng giở chứng lôi đủ thứ linh tinh ra bày ngổn ngang khắp nhà, nhìn chỉ muốn song phi cho một phát bắn ra bãi rác.

Thấy mình, anh xã cười hề hề... (cái điệu cười mà ngày xưa mình chết dí chết dị đây mà):

- Anh lục thử xem có cái gì còn dùng được thì mai mang cho cháu.

Xúc động. Ngày xưa cũng cái kiểu chăm chút như thế này... Phải cái hồi ấy chàng còn ngô nghê đến nỗi cứ nghĩ ân cần chu đáo thế là đủ... cưới vợ. Tiếc là hồi ấy mình cũng... tưởng thế.

Ngày... tháng... năm...

Chỗ thằng cháu ở là một dãy phòng trọ chật hẹp. Chủ nhà bắt chẹt bọn trẻ con thật, cứ cái cần to thì lại thu nhỏ, cái cần nhỏ thì lại mở to: ngõ bé, cổng bé, cửa bé, phòng bé, gi gỉ gì gi cái gì cũng bé tí, được mỗi cái... lỗ hổng trên trần nhà là to.

Hỏi sao không vào ký túc xá mà ở thì thằng cháu lắc đầu quầy quậy bảo: "Vào ký túc như đi tù ấy bác ạ". Biết ngay mà, bọn ranh bây giờ cứ ở đâu thoải mái thì nó thích, cứ bị quản lý là y như rằng... muốn "tạo phản". Được rồi, thích tự do thì tự do, để xem mày bản lĩnh đến đâu. Mày mà tự chủ được bản thân thì tốt, nhược bằng mày hư hỏng, mày sa ngã thì cứ liệu hồn. Bác là bác không chết thay cho mày được đâu con ạ.

Lục đục đi ra ngoài sắm sửa thêm cho thằng cháu ít đồ. Bực mình với bố nó bao nhiêu thì lại thấy thương nó bấy nhiêu. Rõ khổ, mới 5 tuổi đầu đã mồ côi mẹ, bố thì đoảng nên từ lúc ấy đến giờ nó thiếu sự quan tâm nhiều lắm. Được cái thằng bé có vẻ biết điều nên từ tấm bé đến giờ bố nó chưa phải đi gặp riêng thầy giáo lần nào. Nhận đồ, thằng cháu rưng rưng: "Cháu cảm ơn bác, thế là mai lại có cái để... đem bán rồi. Chỗ này khéo phải đến mấy cây vàng í nhở bác nhở?". Thằng này dẻo mồm thật.

Ngày... tháng... năm...

Con trai thẽ thọt khoe có bạn gái. Mình thấy... biêng biêng. Mừng vui lẫn lộn.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký: Cô gái "hiện đại"

Đây không phải là lần đầu tiên con trai khoe là có bạn gái, dẫu chẳng mấy bận tâm nhưng cũng thấy hồi hộp lạ.

Ngày... tháng... năm...

Con trai bảo sẽ đưa bạn gái về ra mắt. Mình chẳng quá háo hức như lần đầu tiên. Đưa bạn gái về mà lần nào cũng: "Khi nào con bảo đây là vợ sắp cưới thì mẹ hẵng "soi" nhé, còn bạn gái thì... kệ". Khôn lỏi quá vậy sao con trai?

Ngày... tháng... năm...

Lựa ngày lành tháng tốt. Con trai xịch xe trước cửa, một bóng hồng bước xuống. Mình há mồm ra ngắm, anh xã ngay đơ người ra nhìn... Đúng là một bóng hồng, hồng từ đỉnh đầu cho đến gót chân. Nếu bóng hồng ấy mà không cất tiếng chào ngọt như tiếng... xé vải chắc mình chẳng tỉnh giấc được.

Cô gái tung tẩy đi vào, chiếc váy hồng ngắn ngủn, bồng bềnh đánh võng trước mặt khiến mình phải bịt vội mắt anh xã lại. Thằng cu con có vẻ hào hứng lắm. Ức chế.

Thấy mẹ có vẻ không ưng, cu con vội kéo mình lại bảo: "Nhìn thế thôi nhưng đảm đang lắm đấy mẹ. Tí nữa mẹ khỏi phải đi chợ, cứ để cô ấy thể hiện.", cậu chàng nháy mắt đầy tinh quái.

Mình vào nhà, cô gái nhanh mồm:

- Bác ạ, lần đầu cháu đến chơi nhà, không biết bác thích gì nên cháu mua tạm cái này biếu hai bác. Cái này cháu nghe quảng cáo là có khả năng cải lão hoàn đồng. Bác dùng cái này xong, đi chơi với con với cháu thì không ai biết đâu là con đâu ạ.

Ợ, con ranh con, vừa bước chân vào nhà người ta mà đã dám hỗn thế à? Ngữ này mà về làm dâu con trong nhà thì đúng là không biết ai là mẹ ai là con.

Mình chẳng có hứng nói chuyện nữa. Cô gái xem chừng cũng không biết phải mở mồm vợ chồng mình ra thế nào, đành ngó nghiêng nhà cửa một hồi:

- Nhà mình sàn lát gỗ, ốp tường gỗ nhiều thế này mà...

- ... mà cháy thì đượm lắm hả cháu? - Anh xã cũng ức chế.

- Ơ, cháu không, cháu... ý cháu là nếu nhà mình có bị thu hồi đất rồi đẩy ra sa mạc mà sống thì vẫn mát ạ.

Ôi, con trai tôi. Khéo chọn quá con ơi!

Lại một lúc im lặng, cô gái xin phép đi rửa mặt. Chợt nghe "tiếng xé vải" vang lên trong toilet:

- Chết chửa. Nhà thì nhiều đàn ông mà lại để cái vòi rỉ nước ra thế này.

Anh xã vuốt vuốt ngực, cố dồn cục tức xuống. Con giai có vẻ hơi sượng bèn đứng dậy, đi về phía toilet. Tiếng cô gái lại lanh lảnh:

- Sao giờ anh mới vào? Chạy đi kiếm cho em cái mỏ lết ra đây em vặn lại. Khiếp quá. Thế này mà ở được thì đến chịu.

Con trai lật đật đi ra, những giọt nước lấm chấm trên vầng trán.

Anh xã thở dài rồi đứng dậy tiến đến, mình cũng đi theo. Nếu không nhớ đến tông hồng toàn tập thì mình đã không nhận ra cô gái kia rồi: mớ tóc bồng bềnh hồi nãy đã được túm ngược lên đỉnh đầu, chiếc tay áo thướt tha cũng được xắn lên tận... vai, để lộ mấy vết muỗi chích. Riêng cái váy, quá may mắn vì nó ngắn chứ không thì chắc cô ả cũng xắn lên nốt rồi. Mình quả là bái phục cái sự đảm đang và lắm duyên của cô nàng.

Con trai mặt buồn rượi nói nhỏ: "Thôi mẹ, cô ấy cởi mở và nhiệt tình thế còn gì. Không sao đâu, con gái mà biết mấy thứ việc sửa chữa này cũng tốt mà.". Nó và về đây thì không những làm mẹ tao mà còn làm được cả bố tao ấy con ạ.

Loay hoay đến hơn tiếng đồng hồ trong toilet, cô gái kia mới vặn... gần xong con ốc bị lỏng ở cái vòi. Mình phục lăn trước cách tiêu tốn thời gian ấy. Anh xã ngán ngẩm ráo một câu:

- Gần trưa rồi, mẹ nó xem cơm canh mời cháu nó ăn nhỉ? Chắc nãy giờ cũng mệt rồi.

Nghe thấy thế, cô gái vội chạy ra, dúi cái mỏ lết vào tay con trai: "Anh làm nốt nhé!", rồi cô ả chạy lại khoác tay mình thân mật: "Bác cho cháu đi chợ cùng nhé".

Ức chế lắm rồi nhưng chả lẽ lại từ chối. Đoạn đường đến chợ ngắn là thế mà nay bỗng dài thượt.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký: Ôi, gái trẻ!

Vừa đi, cô gái vừa nhanh nhảu:

- Bác ơi làm nem đi, cháu thích ăn nem lắm mà cháu cũng biết làm nữa.

Chà chà, tưởng cô này chỉ thích vặn ốc vít, không khéo lại đảm đang thật cũng nên. Vừa vào cổng chợ, cô nàng dáo dác nhìn quanh rồi đi nhanh về phía khu bán đồ... đông lạnh. Lật đật chạy theo, đến nơi mới biết nàng ta đang lăm lăm nhét hộp nem cuộn sẵn cho vào túi. Đã hiểu, thì ra cái việc nàng ta biết làm nem cũng chỉ dừng lại ở mức thả miếng nem vào chảo dầu. Hi vọng tan biến.

Đưa cô gái ra chợ, thật sự mình chẳng biết giấu mặt vào đâu. Đến phân biệt các loại cá với nhau nàng cũng không biết. Nàng ta thú nhận: "Cháu chỉ phân biệt được cá biển với cá đồng thôi". Não cả ruột.

Buổi nấu cơm trưa cũng là cả một cực hình. Sau 10 phút chóng mặt, hết chịu nổi, mình phải tế nhị đẩy cô ta ra phòng khách, anh xã đang ngồi xem ti vi liền đứng dậy ra sân... tỉa cây.

Mãi đến chiều cô gái mới chịu ra về. Chồng mình "mát mẻ":

- Ừ cháu về nhé. Khi nào ống nước nhà bác rỉ thì cháu lại sang nhé.

Cô nàng cười toét miệng, chắc chẳng hiểu gì.

Ngày... tháng... năm...

Trưa, bà bác sĩ Răng - Hàm - Mặt đi ăn về liền ngồi ở ngay dãy ghế trước cửa phòng giặt, có vẻ ủ ê lắm. Mình lại gần, ngồi sang bên cạnh hỏi han. Bà chị chỉ thở dài:

- Con với cháu, mệt lắm cô ơi.

Nói xong bà chị đứng dậy đi về phòng. Tự trách mình vô duyên.

Ngày... tháng... năm...

Nhà bên cạnh lại ầm ầm tiếng cãi nhau. Chẳng phải tò mò chuyện riêng nhà người ta đâu nhưng tiếng cãi nhau to quá, nó cứ đập vào màng nhĩ, không nghe cũng không được. Mà cái nhà ấy... chậc... Cũng chỉ tại cô con dâu thì năng động quá mà bà mẹ chồng thì lại cổ hủ quá thể.

Mình nhớ như in hồi anh con trai nhà ấy lấy vợ, một cô vợ xinh xắn, thành đạt. Thời gian đầu bà mẹ chồng chiều con dâu như chiều vong, đi đâu cũng khoe kiểu "tôi phải đi tu 7 kiếp thì mới được cô con dâu như thế".

Thế mà rồi... Được đâu vài tháng, bà mẹ chồng bắt đầu thôi khoe con dâu, thay vào đó là những cuộc buôn chuyện trường kỳ trong tổ hưu trí, nào là nó lười, đã lười lại còn vụng, đã vụng lại còn lắm lý lẽ, đã lắm lý lẽ lại còn làm... con, đã làm con lại còn làm sếp, đã làm sếp lại còn là phụ nữ, đã là phụ nữ lại còn lười, đã lười lại còn vụng, đã vụng lại còn... Báo hại bà từ ngày chưa có con dâu thì nhà cửa đâu vào đấy, có con dâu vào, ngay lập tức nhà bà phải thuê ô-sin vì với bà, có con dâu đồng nghĩa với việc mẹ chồng không phải nhúng tay vào bất cứ việc gì nữa, còn cô con dâu, với niềm tự hào là một trưởng phòng, cô cũng chẳng đụng tay vào việc nhà...

Bây giờ mỗi lần nhắc đến chuyện tu 7 kiếp, bà mẹ chồng ấy chỉ thở dài: "Ừ, tôi tu 7 kiếp nhưng chắc kiếp nào cũng... phá giới".

Chậc, tự nhiên nghĩ đến mà buồn. Buồn cho cả một thế hệ.

Giật mình nhìn đồng hồ, chết chửa, thế mà đã đến giờ nấu cơm. Mình muốn có con dâu quá, để nó san sẻ việc nhà, để nó bắt chấy bắt rận cho... Rùng mình nhớ đến bóng hồng hôm trước...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: