Những kinh văn và bài tụng mới
Những kinh văn và bài tụng mới
Kinh Sự Thật Ðích Thực
Kẻ nào còn ôm ấp tư kiến, xem nhận thức của mình là cao nhất thế gian, cho rằng 'kiến giải này là tối thượng' và công kích mọi nhận thức khác, kẻ ấy còn được xem là chưa thoát khỏi vòng tranh chấp.
Khi thấy, nghe hoặc cảm nhận được một điều gì rồi nghĩ rằng điều đó là cái duy nhất có thể đem lại lợi lạc và tiện nghi cho cá nhân và đoàn thể mình, người ta dễ có khuynh hướng bám víu vào điều ấy rồi cho rằng tất cả mọi kẻ khác so với mình đều là thua kém.
Bị lệ thuộc vào chủ thuyết mình đang theo và xem thường tất cả những kiến giải khác, điều này được kẻ trí nhận thức là một sự ràng buộc, là một sự đánh mất tự do. Kẻ hành giả đứng đắn không nên vội tin vào những gì mình nghe, thấy và cảm nhận, kể cả những cấm giới và lễ nghi.
Vị hành giả chân chính không có nhu yếu tạo ra một chủ thuyết mới cho thế gian, hoặc bằng kiến thức đã thu nhặt được, hoặc bằng những cấm giới và lễ lược đã được học hỏi, không tự cho mình là 'hơn người', 'thua người' hay 'bằng người'.
Bậc thức giả là kẻ đã buông bỏ ý niệm về 'ta' và không còn giữ thái độ nắm bắt. Vị ấy không bị lệ thuộc vào bất cứ một cái gì, kể cả kiến thức, không đứng về phía nào khi có một cuộc tranh chấp và không còn duy trì một tư kiến hoặc một giáo điều nào nữa cả.
Vị ấy hoàn toàn không còn tìm cầu và nắm bắt, hoặc cái này hay cái kia, hoặc trong đời này hay trong đời khác. Vị ấy đã chấm dứt mọi tư kiến và không còn đi tìm sự nương náu hoặc an ủi và vỗ về trong bất cứ một chủ thuyết nào.
Bậc thức giả chân chính là người không còn tư kiến đối với những gì mình thấy, nghe và cảm nhận. Làm sao còn có thể phê phán hoặc nắm bắt được bằng khái niệm một bậc hành giả thanh tịnh đã từ bỏ mọi tư kiến?
Bậc ấy quả không còn nhu yếu thiết lập một giáo điều hoặc chọn lựa một ý thức hệ. Mọi giáo điều và ý thức hệ đều đã bị bậc ấy buông bỏ. Kẻ cao sĩ không hề bị cấm giới và lễ nghi ràng buộc. Kẻ ấy đang đi từng bước vững chãi đến bờ giải thoát và không bao giờ còn trở lại chốn trầm luân.
Kinh Nghĩa Lý Siêu Việt về Không
Ðây là những điều tôi được nghe một thời hồi Bụt còn cư trú với những người thuộc bộ tộc Kuru trong làng Kalmasadamya. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các vị khất sĩ: "Bây giờ tôi muốn nói cho các thầy nghe về một giáo pháp mà nghĩa lý cũng như khí vị được xem như là tốt đẹp từ chặng đầu, qua chặng giữa, tới chặng cuối; một giáo pháp thuần nhất và thanh tịnh có thể giúp các thầy thực tập được cuộc sống phạm hạnh thanh tịnh của người tu. Các thầy hãy lắng tai nghe và chiêm nghiệm cho khéo léo, tôi sẽ nói.
"Này các thầy, thế nào gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không? Khi con mắt phát sanh, nó không từ đâu tới cả, và khi hoại diệt, nó không đi về đâu cả. Như vậy con mắt phát sanh không phải như một thực thể chắc thật, và khi đã phát sanh thì phải hoại diệt sau đó. Có nghiệp, có báo mà không có tác giả. Uẩn này diệt thì nhường chỗ cho uẩn khác tiếp tục, nhìn kỹ thì các pháp chỉ là những cái giả danh mà thôi. Ðối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý, sự thật cũng như thế. Chúng không phải là những thực tại chắc thật mà chỉ là những giả danh.
"Thế nào là giả danh. Giả danh nghĩa là vì cái này có nên cái kia có, vì cái này sanh nên cái kia sanh. Như vô minh mà có hành, do hành mà có thức, v.v..., cho đến khi cả khối khổ đau phát hiện. Giả danh cũng có nghĩa là vì cái này không nên cái kia không, vì cái này diệt nên cái kia diệt. Như do vô minh diệt mà hành diệt, do hành diệt mà thức diệt, v.v..., cho đến khi cả khối khổ đau hoại diệt.
"Này các thầy, đó gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không."
Bụt nói kinh này xong, các thầy nghe Bụt lòng rất hoan hỷ, đem áp dụng liền lời dạy của Ngài vào sự thực tập.
(Tạp A Hàm, Kinh số 335)
Kinh Bốn Loại Thức Ăn
Ðây là những điều tôi đã được nghe vào một thời mà Bụt còn đang ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc gần thành Xá Vệ. Hôm ấy, Bụt bảo các thầy khất sĩ: "Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Bốn loại thức ăn ấy là gì? Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là ý tư thực và thứ tư là thức thực.
"Này các vị khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về đoàn thực như thế nào? Ví dụ có một cặp vợ chồng kia có một đứa con trai nhỏ, thường chăm sóc nuôi dưỡng nó với rất nhiều thương yêu, một hôm muốn đem con (đến xứ khác sanh sống) đi qua một vùng sa mạc đầy nguy hiểm và tai nạn. Giữa đường hết lương thực, sa vào tình trạng đói khát cùng cực, không có cách nào giải quyết, họ mới bàn với nhau: "Chúng ta chỉ có một đứa con mà chúng ta thương yêu hết mực. Nếu ăn thịt nó thì ta sẽ sống sót và vượt qua khỏi cơn hiểm nạn này, còn nếu không thì cả ba người sẽ cùng chết". Bàn tánh như vậy xong, họ giết đứa con, xót thương rơi lệ và gắng gượng ăn thịt con để sống còn mà vượt qua miền sa mạc.
"Này các thầy, các thầy có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia ăn thịt con vì muốn thưởng thức hương vị của thịt ấy hoặc vì muốn cho thân thể họ có nhiều chất bổ dưỡng mà trở thành xinh đẹp thêm?
"Các thầy khất sĩ đáp: "Bạch đức Thế Tôn, không". Bụt lại hỏi: "Có phải cặp vợ chồng ấy bị bắt buộc ăn thịt con để có thể sống sót mà vượt qua khỏi chặng đường hiểm nguy và hoang vắng?" Các thầy khất sĩ đáp: "Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy."
Bụt dạy: "Này các thầy, mỗi khi tiếp nhận đoàn thực, ta phải tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới được cái thấy và cái hiểu rạch ròi (đoạn tri) về đoàn thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về đoàn thực rồi thì tâm vướng mắc vào ái dục sẽ được tiêu tán. Tâm vướng mắc đã được tiêu tán thì không còn một kiết sử nào về năm đối tượng ái dục mà không tiêu tán trong con người của vị thánh đệ tử có tu có học. Còn kết sử trói buộc thì mới còn phải trở lại trong cõi đời này.
"Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về xúc thực như thế nào? Ví dụ có một con bò bị lột da và đi đâu con bò ấy cũng bị các loài côn trùng sống trong đất cát, bụi bặm và cây cỏ bám vào và rúc rỉa. Nằm trên đất thì nó bị các loài côn trùng ở đất bám vào mà ăn, đi xuống dưới nước thì nó bị các loài côn trùng ở dưới nước bám vào mà ăn, đứng ở trong không nó cũng bị các loài côn trùng trong hư không bám vào mà ăn, nằm xuống hay đứng lên nó cũng cảm thấy bức xúc, đau đớn nơi thân thể. Này các thầy, khi tiếp nhận xúc thực, ta cũng phải thực tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực rồi thì ta hết còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ. Không còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ thì các vị thánh đệ tử có học có tu đâu còn phải dụng công gì nữa, bởi vì tất cả những gì cần làm đã được làm xong.
"Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về ý tư thực như thế nào? Ví dụ có một đô thị hay một thôn làng gần bên bốc cháy, cháy cho đến khi không còn thấy khói lửa. Lúc bấy giờ có một trang sĩ phu thông minh, có trí tuệ, không muốn đi về phía khổ đau chỉ muốn đi về phía an lạc, không muốn đi về nẻo chết, chỉ muốn hướng về nẻo sống. Người ấy nghĩ rằng: nơi chốn kia có cháy lớn, tuy không còn khói, không còn ngọn lửa nhưng nếu ta không tránh mà lại đi vào trong chốn ấy thì chắc chắn sẽ chết, không còn nghi ngờ gì nữa. Suy tư như thế, người kia quyết định bỏ đô thị hoặc thôn làng ấy mà đi. Về ý tư thực, vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực rồi thì ba loại tham ái sẽ được đoạn trừ. Ba loại tham ái đoạn trừ rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải lao tác gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong.
"Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ quán chiếu về thức thực như thế nào? Ví dụ quân lính canh tuần của vị quốc vương kia vừa bắt được một tên đạo tặc, trói người ấy lại và điệu tới nơi vua. Vì tội trộm cướp, kẻ đạo tặc bị phạt bằng cách để cho người ta đâm qua thân hình mình ba trăm mũi giáo, đau đớn khổ sở suốt cả đêm ngày. Về thức thực vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực rồi thì cũng sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải dụng công gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong."
Bụt nói kinh này xong, các vị khất sĩ đều hoan hỷ phụng hành.
Ái Ngữ Lắng Nghe
Con đã trở về
Quỳ dưới đài sen quý
Nhìn lên con quan chiêm và ngưỡng mộ
Nét tâm linh rạng rỡ
Tỏa chiếu trên vầng trán Thế Tôn
Thế Tôn là ánh sáng bình minh
Là không gian bao la bát ngát
Là hành tinh vững chãi
Chuyên chở chúng con
Trong cuộc hành trình
Từ thế giới u minh
Trở về cõi viên dung vô ngại. (C)
Từ vô lượng kiếp xa xưa
Chúng con đã gây lầm lỗi
Ðã tạo nhiều khổ đau
Mỗi chúng con đều ôm đầy nội kết
Có khi không nhìn được mặt nhau
Không còn khả năng lắng nghe
Không còn nói được với nhau những lời hòa ái
Sự truyền thông giữa chúng con
Ðã trở nên khó khăn vì bao chướng ngại
Khổ đau không có đường giải tỏa
Hiểu và thương càng ngày càng vắng mặt
Tình trạng nặng nề bế tắc
Làm tắt lịm mọi niềm vui
Nay con xin đem đầu lạy xuống
Với tâm dạ chí thành
Nguyện vâng lời chỉ dạy đức Thế Tôn
Bắt đầu thực tập pháp lắng nghe
Và nói lời ái ngữ
Theo pháp môn lợi hành và đồng sự
Ðể mau chóng tái lập được truyền thông. (C)
Xin chuyên cần thực tập
Hộ trì thân tâm
Bằng hơi thở chánh niệm
Bằng bước chân ý thức
Ðể có khả năng nhận diện
Ðể có khả năng ôm ấp
Những giận hờn và bực bội trong tâm
Ðể có thể ngồi lắng nghe
Với tất cả tâm từ bi
Và để người kia có dịp nói ra
Những khổ đau uất ức
Xin tập ngồi lắng nghe
Với niềm cảm thương thao thức
Ðể giúp cho người kia bớt khổ
Con xin hứa với Bụt
Là dù người kia có nói
Những điều không phù hợp với sự thực
Dù lời nói người kia
Có hàm ý buộc tội và trách móc
Con cũng sẽ chăm chú ngồi nghe.
Con sẽ biết đợi chờ
Cho đến khi thuận lợi
Mới tìm ra phương cách
Ðể nói cho người kia nghe
Những gì đã thật sự xảy ra
Ðể người kia có dịp
Ðiều chỉnh nhận thức mình.
Con nguyện sẽ thực tập
Dùng ngôn từ hòa ái
Ðể giúp người đối diện
Có thể nghe và hiểu
Những gì con muốn nói
Mỗi khi trong lòng bực bội
Con sẽ chỉ tập thở
Tập đi thiền hành
Và nhất thiết tránh việc luận tranh
Con nguyện con chỉ nói
Mỗi khi con làm chủ được tâm mình. (C)
Con xin đức Thế Tôn
Ðức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Ðại Trí
Ðức Bồ Tát Phổ Hiền Ðại Hạnh
Và đức Bồ Tát Quán m Ðại Bi
Gia hộ và soi sáng cho con
Ðể con mau chóng thành công
Trên con đường thực tập.
Kệ Thỉnh Chuông Đại Hồng
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn.
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sanh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về.
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Xa xôi tăm tối cũng đều nghe
Những ai lạc bước mau dừng lại
Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.
Nghe tiếng chuông
Lòng nhẹ buông
Tâm tĩnh lặng
Hết sầu thương
Tập buông thả
Thôi vấn vương
Lắng nghe thấu
Tận nguồn cơn
Học nhìn lại
Hiểu và thương.
Chuông đại hồng mới vọng
Tiếng kệ xướng đã vang
Trên vọng tới thiên đường
Dưới thông về địa phủ.
1. Nam Mô Bụt Tỳ Lô Giá Na, Pháp Thân Thanh Tịnh.
2. Nam Mô Bụt Lô Xá Na, Báo Thân Viên Mãn
3. Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni, Hóa Thân ngàn muôn ức.
4. Nam Mô Bụt A Di Ðà cõi nước Tịnh Ðộ.
5. Nam Mô Bụt Di Lặc hạ sanh trong tương lai.
6. Nam Mô Bụt Dược Sư Lưu Ly.
7. Nam Mô Bụt Bất Ðộng cõi nước Diệu Hỷ.
8. Nam Mô Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi.
9. Nam Mô Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền.
10. Nam Mô Bồ Tát Đại Bi Quan Thế m.
11. Nam Mô Bồ Tát Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương.
Nguyện ngày an lành đêm an lành
Ngày đêm sáu thời đều an lành
An lành trong mỗi giây mỗi phút
Cầu ơn Tam Bảo luôn che chở.
Bốn loài sinh lên đất Tịnh
Ba cõi thác hóa tòa Sen
Hằng sa ngạ quỷ chứng Tam Hiền
Vạn loại hữu tình lên Thập Ðịa.
Tám nạn ba đường đều thoát khỏi
Bốn ân ba cõi thấm hồng ân
Thế giới khắp nơi không chiến tranh
Gió hòa mưa thuận dân an lạc.
Ðại chúng chuyên tu càng tinh tiến
Mười địa đi lên không khó khăn
Tăng thân an lạc sống tươi vui
Mọi giới quy y thêm phước tuệ.
Nguyện chúc đạo Bụt sáng thêm
Pháp môn càng ngày càng tỏ rạng
Gió hòa mưa thuận
Ðất nước bình an.
Khắp nơi thành thị nông thôn
Mọi giới biết noi theo đường tu tập.
Thiên nhiên được bảo vệ an lành
Xã hội được tự do bình đẳng.
Xin thổi ngọn gió từ bi thanh lương vào thế gian nóng bức
Ðem mặt trời trí tuệ rạng rỡ về ngự giữa không gian âm u.
Khắp nơi đạo giải thoát được tuyên dương
Mưa pháp thấm nhuần chúng sanh đều lợi lạc.
Hiện tiền đại chúng tu tập tinh chuyên
Biết thương yêu nhau như ruột thịt
Chuyển hóa nội tâm trang nghiêm Tịnh Ðộ.
Nguyện noi gương Phổ Hiền và Quán Tự Tại
Cùng các bậc Bồ Tát Ma Ha Tát
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
12. Lạy đức Bồ Tát Quán Thế m, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ.
13. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến.
14. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu.
15. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói.
16. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.
17. Nam Mô đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế m.
18. Nam Mô đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế m.
19. Nam Mô đức Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế m.
20. Lạy đức Bồ Tát Ðịa Tạng, chúng con xin học theo hạnh Ngài, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự, để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát.
21. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng.
22. Xin nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai đang không còn lối thoát, những ai bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người.
23. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế.
24. Chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt.
25. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Ðất, để có thể trở thành trung kiên và không kỳ thị như Ðất.
26. Và cũng được như Ðất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con.
27. Nam Mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương.
28. Nam Mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương.
29. Nam Mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương.
Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
Ðã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.
Ðã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.
Ðã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập.
Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Ðề.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài.
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.
Nghe tiếng chuông
Lòng nhẹ buông
Tâm tĩnh lặng
Hết sầu thương
Tập buông thả
Thôi vấn vương
Lắng nghe thấu
Tận nguồn cơn
Học nhìn lại
Hiểu và thương.
Thỉnh chuông pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Ðệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sanh mọi miền.
Pháp môn xin nguyện học
n nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên.
Văn thỉnh linh
Hào quang chiếu rạng nơi tăm tối
Bụt đã phân thân xuống đạo tràng
Xin độ hương linh về cõi Tịnh
Ngồi sen chín phẩm đến Tây Phương...
Nam mô Bồ Tát Tiến Vãng Sanh.
Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh
Nhất tâm triệu thỉnh:
Chúng sanh độ hết mới chứng bồ đề
Ðịa ngục chưa không nguyền chưa dừng nghỉ
Nam mô đức Bồ Tát Ðại Nguyện Ðịa Tạng Vương giáo chủ cõi U Minh
Xin đừng quên lời thề nguyện năm xưa
Có mặt nơi này hướng dẫn hương linh cùng các loại cô hồn
về đây nơi chốn đàn trai tham gia pháp hội...
Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh
Nhất tâm triệu thỉnh:
Ðại sĩ Quan m thật tuyệt vời
Cánh tay cứu độ hiện ngàn nơi
Không đâu cầu thỉnh mà không ứng
Biển khổ thuyền giong cứu độ người
Nam mô đức Bồ Tát Ðại Bi Quán Thế m
bậc đại từ cứu khổ cứu nạn thường xuyên hạnh lắng nghe
Xin đừng quên lời thề nguyện năm xưa
Có mặt nơi này hướng dẫn hương linh cùng các loại cô hồn
về đây nơi chốn đàn trai tham gia pháp hội...
Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh
Nhất tâm triệu thỉnh:
Biển khổ mênh mông nghiệp đã mang
Hôn mê chưa tỉnh giấc kê vàng
Hãy mau trì niệm hồng danh Bụt
Rời bỏ bờ mê, bến giác sang.
Một nén danh hương
Một phen triệu thỉnh...
Phục vị: các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ quá cố
trong bảy đời qua
cùng với thân nhân quyến thuộc
và tất cả cô hồn nam nữ khắp nơi
nguyện nhờ ơn đức Bụt, Pháp và Tăng
nương tựa chơn Ngôn
giờ phút này đây
trở về phó hội
tham dự đàn chay
nghe kinh chuyển hóa
hưởng nguồn Cam lộ.
Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh
Nhất tâm triệu thỉnh:
Ác vàng vừa lặn
Thỏ ngọc đã lên
Dù cốt nhục cũng phân ly
Mặt mũi xưa đâu còn thấy?
Hai nén danh hương
Hai phen triệu thỉnh...
Phục vị: các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ quá cố
trong bảy đời qua
cùng với thân nhân quyến thuộc
và tất cả cô hồn nam nữ khắp nơi
nguyện nhờ ơn đức Bụt, Pháp và Tăng
nương tựa chơn Ngôn
giờ phút này đây
trở về phó hội
tham dự đàn chay
nghe kinh chuyển hóa
hưởng nguồn Cam lộ.
Hương hoa thỉnh, hương hoa thỉnh
Nhất tâm triệu thỉnh:
Hình hài chỉ như mộng
Kiếp sống mãi vô thường
Nương sức Từ Tam Bảo
Mở được lối thanh lương.
Ba nén danh hương
Ba phen triệu thỉnh...
Phục vị: các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ quá cố
trong bảy đời qua
cùng với thân nhân quyến thuộc
và tất cả cô hồn nam nữ khắp nơi
nguyện nhờ ơn đức Bụt, Pháp và Tăng
nương tựa chơn Ngôn
giờ phút này đây
trở về phó hội
tham dự đàn chay
nghe kinh chuyển hóa
hưởng nguồn Cam lộ.
Tuyên đọc chơn Ngôn xin triệu thỉnh
Hương linh đã tỉnh và đã nghe
Sức thiêng Tam Bảo nguyện gia trì
Tất cả giờ đây về pháp hội
Hương linh nghe triệu, nghe triệu thỉnh đến ngay đây.
Triệu thỉnh, hương linh đã đến đây
Tiếp nhận hương hoa phẩm cúng dường
Hãy xin ngồi lại lắng nghe kinh
Lắng nghe kinh, Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (3 lần)
Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thụ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
tinh thông giáo nghĩa huyền vi.
Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Ða
Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
Tức diệu pháp Trí Ðộ
Bỗng soi thấy năm uẩn
Ðều không có tự tánh.
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn.
"Nghe đây, Xá Lợi Tử :
Sắc chẳng khác gì không
Không chẳng khác gì sắc
Sắc chính thực là không
Không chính thực là sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả.
Xá Lợi Tử, nghe đây:
Thể mọi pháp đều không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành, thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ
Thiệt, thân, ý - sáu căn
Không có sắc, thanh, hương
Vị, xúc, pháp - sáu trần
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không khổ, tập, diệt, đạo
Không trí cũng không đắc.
Vì không có sở đắc
Nên khi vị Bồ Tát
Nương diệu pháp Trí Ðộ
Bát Nhã Ba La Mật
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi mộng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Ðạt Niết Bàn tuyệt đối.
Chư Bụt trong ba đời
Y diệu pháp Trí Ðộ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Là chân lý bất vọng
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú trí độ
Bát Nhã Ba La Mật".
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:
Gate
Gate
Paragate
Parasamgate
Bodhi
Svaha. (3 lần)
Tổ chức đàn trai
Thầy A Nan khởi xướng
Ðại sĩ Quan m
Tiêu Diện mang hình tướng
Niệm Bụt nhất tâm
Ðọc chơn Ngôn cứu khổ
Vạn loại cô hồn
Ðều được cùng siêu độ.
Chẩn tế đàn khai
Mọi loài xin mời tới
Uổng tử vong thân
Hồn về đây đủ loại
Tám nạn ba đường
Hiểm nguy đều thoát khỏi
Nương bóng Từ Bi
Ngồi yên nghe pháp thoại.
Bụt A Di Ðà
Không quên lời thề cũ
Sanh chúng mê lầm
Ðắm chìm trong biển khổ
Duỗi cánh tay vàng
Giong thuyền Từ cứu độ
Vớt hết muôn loài
Ðưa về nơi tịnh thổ.
Nam mô Bụt và Bồ Tát trên hội Liên Trì. (3 lần)
Quán niệm trước buổi họp
(Một phép thực tập ở Làng Mai, được vị chủ tọa đọc lên trước các buổi họp chúng hay các buổi họp giáo thọ để đại chúng cùng thực tập trong suốt buổi họp)
"Lạy Bụt, lạy Tổ, chúng con xin nguyện họp buổi họp hôm nay trong tinh thần Ý Hòa Đồng Duyệt và Kiến Hòa Đồng Giải. Nguyện sử dụng ái ngữ và đế thính để buổi họp đưa lại kết quả tốt đẹp nhất làm phẩm vật cúng dường Tam Bảo. Chúng con nguyện không ngần ngại chia sẻ cái thấy và tuệ giác của chúng con, nhưng chúng con cũng nguyện sẽ không mở lời nếu chúng con nhận thấy trong tâm còn có tâm hành bực bội. Chúng con quyết tâm không để cho sự căng thẳng xảy ra trong buổi họp, và lỡ nếu trong số chúng con có người nhận thấy có sự căng thẳng, chúng con xin lập tức ngừng lại để sám hối tại chỗ và trả lại cho đại chúng không khí Ý Hòa Đồng Duyệt."
Quán niệm trước buổi soi sáng
(Một phép thực tập ở Làng Mai, được đọc lên trước mỗi buổi soi sáng để đại chúng cùng thực tập)
Lạy Bụt, lạy Tổ, hôm nay chúng con thực tập soi sáng cho các sư anh/sư chị và sư em của chúng con. Chúng con biết tất cả chúng con đều là những thành phần của cùng một tăng thân, tất cả chúng con đều là xương thịt của cùng một tăng thân. Vì vậy chúng con ý thức rằng soi sáng cho bất cứ ai trong tăng thân cũng là tự soi sáng cho chính mình. Chúng con nguyện sẽ đem hết tình thương và sự hiểu biết của chúng con để thực tập công việc soi sáng. Chúng con nguyện tất cả những gì chúng con nói ra đều phát sinh từ thiện ý muốn đi tới một cái thấy chính xác về đối tượng soi sáng và cống hiến cho đương sự những đề nghị thực tập thực tế để có thể đưa tới những chuyển hóa tốt đẹp cho đối tượng soi sáng. Chúng con nguyện cố gắng không để cho sự buồn giận và những thành kiến làm sai lệch cái thấy của chúng con. Chúng con nguyện bất cứ một lời nào của chúng con cũng đều phát xuất từ tình thương. Chúng con biết trong khi soi sáng cho một thành phần của tăng thân, chúng con cũng đang soi sáng cho bản thân chúng con, vì vậy việc thực tập soi sáng cũng đem lợi lạc cho bản thân của mỗi chúng con. Lạy Bụt và Chư Tổ gia hộ cho chúng con để buổi thực tập soi sáng này được thành công viên mãn.
Mười Bốn Bài Kệ Chỉ Quán
Như chim có hai cánh
Thiền tập có chỉ, quán
Hai cánh chim nương nhau
Chỉ và quán song hành
Chỉ là tập dừng lại
Ðể nhận diện, tiếp xúc
Nuôi dưỡng và trị liệu
Lắng dịu và chú tâm
Quán là tập nhìn sâu
Vào bản chất năm uẩn
Làm phát khởi tuệ giác
Chuyển hóa mọi sầu đau
Hơi thở và bước chân
Chế tác nguồn chánh niệm
Ðể nhận diện, tiếp xúc
Với sự sống mầu nhiệm
Làm lắng dịu thân, tâm
Nuôi dưỡng và trị liệu
Hộ trì được sáu căn
Và duy trì chánh định
Nhìn sâu vào thực tại
Thấy tự tánh các pháp
Quán giúp ta buông bỏ
Mọi tìm cầu sợ hãi
An trú trong hiện tại
Chuyển hóa các tập khí
Làm phát sanh tuệ giác
Giải thoát mọi phiền não
Vô thường là vô ngã
Vô ngã là duyên sanh
Là không, là giả danh
Là trung đạo, tương tức
Không, vô tướng, vô tác
Giải tỏa mọi sầu đau
Trong nhật dụng công phu
Không kẹt vào lý giải
Niết bàn là vô đắc
Ðốn, tiệm không phải hai
Chứng đạt sống thảnh thơi
Ngay trong giờ hiện tại
Các thiền kinh căn bản
Như An Ban, Niệm Xứ
Chỉ đường đi nước bước
Chuyển hóa thân và tâm
Các kinh luận Ðại Thừa
Mở thêm nhiều cửa lớn
Giúp ta thấy chiều sâu
Của dòng thiền Nguyên Thỉ
Như Lai và Tổ Sư
Thiền chẳng nên cách biệt
Bốn đế phải nương nhau
Làm nền tảng truyền thừa
Có tăng thân yểm trợ
Thực tập dễ thành công
Chí nguyện lớn độ sanh
Lên đường mau thành tựu.
Lời cảnh giác và khích lệ của thiền sư Quy Sơn
Ý thức Vô thường
Vì nghiệp duyên còn đó nên mới có hình hài, mà đã có hình hài thì tránh sao khỏi được hệ lụy? Tập hợp do di thể của cha mẹ, nương vào các điều kiện khác mà hình thành, thân thể này tuy được bốn yếu tố là đất, nước, không khí và sức nóng hộ trì, nhưng vì những yếu tố này lại lắm khi xung khắc với nhau cho nên trong chúng ta không ai thoát khỏi được cái vô thường, cái già và cái bệnh. Sự vật sớm còn tối mất, có thể chỉ một giây phút sau là đời này đã chuyển sang đời khác, khác gì hạt sương xuân, khác gì tia nắng sớm? Cây mọc bờ nước, giây leo miệng giếng, thân này cũng thế, đâu có thể có mặt lâu dài? Ngày tháng đi mau, mỗi giây phút chỉ ngắn như một sát na, đời trước cách đời sau chỉ là một hơi thở, vậy thì tại sao ta lại ngồi yên để cho cuộc đời trôi qua một cách oan uổng đáng tiếc như thế?
Tránh lề thói hưởng thụ
Xuống tóc, theo thầy học đạo, là đã không còn cơ hội được phụng dưỡng mẹ cha, gần gũi thân quyến, tiếp nối nghiệp nhà và góp công bình trị đất nước, thì đáng lý một mặt ta phải chuyên cần tu niệm, một mặt ta phải từ khước việc tranh đua, quyết tâm buông bỏ những thói đời phàm tục để thực hiện cho được việc xuất ly sanh tử. Vậy thì tại sao vừa được thọ giới đã vội vàng tự xưng là đại đức cao tăng? Khi tiếp nhận thức cúng dường của đàn việt và sử dụng vật liệu của thường trú, tại sao ta không quán chiếu những thức ấy từ đâu đến, mà cứ nói ngang rằng mình là thầy tu thì có quyền nhận của cúng dường? Ăn xong lại túm năm tụm ba nói chuyện ồn ào, câu chuyện lại toàn là những câu chuyện phiếm ngoài đời. Những kẻ ấy không biết rằng vui chơi cách đó chỉ là để chuốc lấy cái khổ về sau. Những người như thế có thể đã từng nhiều kiếp chạy theo trần cảnh mà chưa từng có cơ hội quán chiếu trở lại. Thời gian thấm thoát, vướng vào sự thọ hưởng tín thí, bao nhiêu năm tháng đã qua rồi mà những vị ấy vẫn chưa có khả năng từ bỏ, cứ tiếp tục chất chứa của tiền để bảo trì cái hình hài huyễn mộng mà thôi.
Đức Thế Tôn đã từng khuyên bảo các vị xuất gia là muốn đi tới trên đường đạo nghiệp và trang nghiêm pháp thân thì phải biết sống một cuộc sống tam thường bất túc, nghĩa là trong ba cái ăn, mặc và ở đừng bao giờ đầy đủ quá. Phần đông cứ bị đam mê trong lề thói hưởng thụ ấy mà không để ý đến chuyện ngày tháng qua mau, khi giật mình tỉnh dậy thì đầu mình đã bạc. Kẻ mới học chưa có cơ hội tìm thấy hướng đi thì phải hết lòng học hỏi rộng rãi với các bậc đi trước có nhiều kinh nghiệm, đừng làm như thể đi xuất gia là chỉ vì miếng cơm manh áo.
Giới là căn bản
Giới và luật đã được Bụt sáng chế để soi sáng cho tình trạng mê muội của trí óc con người. Các giới tướng và uy nghi rõ ràng và trong sạch như băng tuyết. Ta hãy ghi nhớ nguyên tắc chỉ trì tác phạm. Dừng lại được mà không làm điều sai quấy tức là trì giới. Không kềm chế được, cứ đi tới để làm gãy đổ tất cả tức là phạm giới. Cái tâm đẹp đẽ ban đầu của người xuất gia phải được trân quý giữ gìn. Những chương nói về giới tướng và uy nghi rất rõ ràng và đầy đủ chi tiết, nếu thực tập theo ta sẽ chấm dứt được mọi tình trạng bê bối. Nếu không học hỏi và hành trì giới luật thì làm sao mong hiểu được giáo nghĩa thượng thừa?
Sơ tâm cần nuôi dưỡng
Để cho đời mình trôi qua oan uổng, đó là một điều đáng tiếc, sau này có hối cũng không thể nào còn kịp. Giáo pháp chưa từng để vào lòng, thì chánh đạo nhiệm mầu do đâu mà khế ngộ được? Có nhiều vị tuổi đời đã cao, tuổi đạo cũng lớn, mà kiến giải thì rỗng không, trong khi tâm ý lại đầy tự phụ. Vì không biết nương nhờ vào các bậc thiện tri thức nên người ta cứ tưởng rằng mình là người giỏi, và từ từ sinh ra xấc láo và ngạo ngược. Trong khi đó, nếu giáo pháp không tinh tường và giới luật không rành rẽ thì những người này làm sao biết được cách thức điều phục thân và tâm của họ? Không có cơ hội tiếp xúc và cung kính các bậc cao đức, người ta chỉ thích tụ họp với nhau để ăn chơi và nói chuyện phiếm như những kẻ phàm phu tục tử ngoài đời. Khua bát lớn tiếng, ăn rồi bỏ dậy trước, các vị ấy quả không có phong thái của thầy tu. Đứng ngồi vụt chạc, họ làm động niệm những vị xuất gia khác. Phép tắc tối thiểu cũng không theo, uy nghi tối thiểu cũng không hành, thì làm sao mà họ có thể đào tạo được một thế hệ tương lai? Những kẻ mới tu sống gần họ không biết nhìn vào đâu để làm mẫu mực. Vậy mà khi được nhắc nhở thì liền trả lời: tôi là vị tăng sĩ cư trú ở núi rừng. Chưa từng thực sự được học hỏi về những pháp môn hành trì của Bụt chỉ bày nên họ vẫn còn y nguyên thô tháo. Sở dĩ những vị ấy có những cái nhìn sai lạc như thế cũng vì từ buổi ban đầu, sơ tâm của họ không được đặt vào nơi có thể nuôi dưỡng. Người xuất gia nếu cứ để cho tập khí tham nhiễm lôi kéo đi theo thói đời thì dần dà phong thái sẽ trở nên quê kệch, và cũng sẽ mau chóng trở nên già cỗi và hủ lậu. Có ai tìm tới để cầu được hướng dẫn thì mình ù ù cạc cạc như đang đối diện với một bức tường. Các thế hệ hậu lai có muốn tới tham vấn thì cũng không có khả năng tiếp dẫn họ. Nếu có mở lời đàm thuyết thì cũng không phù hợp với kinh điển giáo pháp. Và khi bị giới trẻ từ khước không nghe theo thì các vị lại lên án họ là hậu sinh vô lễ, rồi nổi giận đùng đùng mà la át người ta.
Phải nên liệu trước
Một sáng mai nào đó nằm hấp hối trên giường bệnh, trong khi đủ các thứ đau khổ xúm lại bao vây, ràng buộc và bức bách, tâm tư tràn đầy lo lắng và hoảng sợ, những kẻ ấy sẽ thấy con đường trước mặt họ hoàn toàn mờ mịt và họ không biết mình sẽ đi về đâu. Giờ đây mới biết hối hận, nhưng đến lúc chết khát mới có ý đào giếng thì làm sao cho kịp? Hận rằng mình đã không biết tu tập từ những ngày trước, tuổi đã già mà lỗi lầm trong quá khứ đã chất chứa quá nhiều, trong giờ phút lâm chung khi năm uẩn và tứ đại đang tan rã mau chóng, họ thấy trong lòng dâng đầy những nỗi khiếp sợ hãi hùng. Rồi lưới thủng chim bay, tâm thức bị nghiệp lực kéo đi, như con nợ bị những người chủ nợ tới đòi, nghiệp nào nặng thì mình bị lôi theo nghiệp ấy. Lưỡi hái vô thường không chịu trì hoãn một giây lát nào, mạng sống không thể kéo dài thêm một khoảnh khắc, thời gian nhất định không thể chờ ta. Ba cõi luân hồi chưa thoát, chẳng biết còn phải ra vào sanh tử đến bao nhiêu vạn lần.
Nổ lực tinh tiến
Nghĩ đến đây tôi cảm thấy quá thương tâm, nên không thể nín thinh mà không mở lời nhắc nhủ. Chúng ta đã không may sinh vào cuối thời tượng pháp, cách Bụt lâu đời; cái học hiểu về Phật pháp thì sơ sài mà người tu đạo phần nhiều lại lười biếng. Cũng vì thấy thế cho nên tôi không ngại cái thấy còn nhỏ bé của tôi mà can đảm lên tiếng để khuyên nhủ các thế hệ tương lai. Nếu chúng ta không bỏ được cái thói kiêu căng thì làm sao có cơ hội cho thân tâm ta chuyển hóa?
Mục đích của người xuất gia là cất bước bước lên cho được bến bờ giải thoát, vì vậy mà cả về hai phương diện tâm ý và hình dung, người xuất gia không giống với người trần tục. Người xuất gia phải nối tiếp và làm rạng rỡ cho được giòng giống của thánh tăng, nhiếp phục được quần ma, báo đền được bốn ân và cứu độ cho ba cõi. Nếu không sống được theo chí nguyện ấy thì ta chỉ là những kẻ lạm xen vào tăng đoàn, hành động và ngôn ngữ đều hoang sơ, hoàn toàn cô phụ tấm lòng của đàn na thí chủ. Nhìn lại nơi điểm khởi hành năm cũ, thì ta đã bước thêm được bước nào đâu? Nếu sống cho qua ngày thì hoảng hốt một đời, còn lấy gì để trông mong và nương tựa?
Tuy nhiên, nhìn lại, ta thấy ta vẫn còn hình tướng đẹp đẽ của người xuất gia; chắc chắn là trong quá khứ ta đã gieo rắc nhân lành cho nên hôm nay mới có được quả báo tốt đẹp ấy. Vậy thì tại sao ta còn ngồi yên khoanh tay, không biết trân quý thì giờ để cho tháng năm trôi qua như vậy? Nếu không nổ lực tinh tiến trên đường tu học thì làm sao một ngày kia đạo quả có thể viên thành? Nếu kiếp này mà trôi qua oan uổng thì kiếp sau sẽ được thừa hưởng gì?
Gần gũi bạn lành
Từ bỏ người thân, quyết lòng mặc áo tu, chủ ý của ta là vượt lên một chân trời cao rộng nào đó. Nếu biết tâm niệm điều này mỗi giây mỗi phút thì làm sao ta có thể để cho ngày tháng trôi qua? Kỳ vọng sẽ làm trụ cột cho Phật pháp, làm gương mẫu cho thế hệ mai sau, nuôi dưỡng tâm ý ấy hàng ngày mà chưa chắc đã thực hiện được một phần nào chí nguyện của mình. Nói ra lời nào thì lời ấy cũng phải phù hợp với kinh giáo, đàm luận chuyện gì cũng phải dựa vào sự nghiên cứu và kinh nghiệm của cổ nhân. Phong thái ta phải đĩnh đạc, chí khí ta phải cao siêu. Cần đi đâu xa thì phải nương tựa vào bạn hiền, để có thể luôn luôn thanh lọc những điều ta nghe, ta thấy. Khi cư trú cũng phải nương tựa vào bạn tốt để ngày nào cũng được học hỏi thêm những điều chưa được am tường. Người ta nói rằng cha mẹ tuy sinh ra ta nhưng chính bạn hữu lại là kẻ tác thành cho ta. Sống gần gũi với các bậc thiện tri thức thì cũng như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng cũng có nhuần thấm. Còn nếu chơi với kẻ xấu thì cái thấy càng ngày càng sai lạc, sớm chiều vì vậy cứ tiếp tục tạo ra nghiệp xấu. Kết quả có cần chờ lâu đâu. Nó đến ngay trước mắt. Sau này một khi đã mất thân người thì muôn kiếp sẽ khó mà lấy lại.
Khẩn thiết dụng tâm
Lời nói ngay thẳng thường không êm tai, sao ta không có khả năng khắc ghi vào tâm khảm? Nếu tiếp nhận được chánh kiến, ta sẽ có thể rửa tâm, vun đức, ẩn tích, mai danh, rèn luyện tinh thần, chấm dứt mọi huyên náo vô ích. Nếu có chủ tâm tham thiền học đạo để hạ thủ công phu, thì phải vượt lên khỏi những pháp môn phương tiện để tâm tư có thể khế hợp với những tông chỉ thâm huyền. Nếu muốn tham cứu những tinh yếu của thoại đầu, phăng tìm chỗ thâm áo, tỏ ngộ chỗ chân nguyên, thì phải tham học rộng rãi với các bậc đi trước nhiều kinh nghiệm, và sống gần gũi với các bậc thiện tri thức. Những tông chỉ huyền diệu của Thiền tông rất khó nắm bắt, muốn đạt cho được thì phải khẩn thiết dụng tâm. Khẩn thiết dụng tâm mới mong đốn ngộ được cốt tủy bên trong và từ từ bước lên nấc thang khai ngộ. Đây là con đường phá hủy được cả hai mươi lăm lãnh vực hiện hữu hàm chứa trong ba cõi và đưa tới cái thấy là tất cả các pháp trong ta và ngoài ta đều không có bản chất chân thực, tất cả đều là giả danh, do tâm biến hiện. Khi ấy ta sẽ không còn đem tâm chạy theo với cảnh. Tâm không theo cảnh thì cảnh làm sao có thể ràng buộc được tâm? Ta cứ để cho các pháp tự nhiên diễn biến trong tự tánh chân thực của chúng mà không còn bị kẹt vào các ý niệm thường tại và đoạn diệt. Lúc ấy tai ta tuy còn nghe, mắt ta tuy còn thấy, tuy thanh sắc vẫn xẩy ra mà đứng về cả hai phía tích môn và bản môn tâm ta vẫn thản nhiên và bình thường, ứng dụng đầy đủ. Có được cái thấy ấy rồi thì dù ngồi yên hay là hành động ta cũng thong dong. Có như thế thì mới bõ công khoác áo người tu, vì bây giờ ta đã có khả năng bắt đầu đền đáp được bốn ân và cứu độ được ba cõi. Nếu kiếp này như vậy mà kiếp khác cũng tiếp tục được như vậy, không bị thối chuyển, thì quả vị toàn giác là cái nhất định có thể mong cầu. Lúc bấy giờ ta sẽ đóng vai người khách quý lui tới trong ba cõi, khi vào khi ra đều có thể làm khuôn phép cho tất cả mọi người. Phép tu thiền rất là huyền diệu. Nếu tâm chí quyết liệt, chắc chắn ta sẽ thành công.
Trai giới tinh chuyên
Nhưng nếu căn cơ của ta chưa cho phép ta vượt thoát sinh tử theo con đường đốn ngộ như thế thì ta phải để tâm học hỏi giáo pháp, nghiên tầm kinh điển, nắm cho được tinh yếu của giáo điển để có thể giảng dạy, truyền bá cho các thế hệ tương lai mà báo đáp một phần ơn đức của Bụt. Đừng để thì giờ uổng phí, mà phải lấy công hạnh nghiên cứu và truyền dạy làm lẽ sống của đời mình. Một khi đã biết hành xử và đi đứng trong uy nghi, thì ta đã có thể xứng đáng được gọi là pháp khí của tăng thân rồi. Hãy nhìn thử những dây sắn và dây bìm quấn theo thân cây tùng, cây bách mà leo lên: có khi chúng leo lên cao được cả ngàn sải. Phải nương vào lý tưởng cao đẹp và các bậc đại nhân thì ta mới có thể trở nên người hữu dụng mà làm lợi ích cho thế gian. Phải hết lòng thực tập việc trì trai giữ giới, đừng khinh thường một chi tiết nào của giới luật và uy nghi mà phạm vào những lầm lỗi và thiếu sót. Nếu thực tập nghiêm chỉnh được phép trì trai giữ giới thì từ đời này sang đời khác nhân quả tốt lành sẽ được tiếp nối một cách nhiệm mầu.
Nuôi hoài bão lớn
Ta không có quyền để tháng ngày đi qua luống uổng: phải trân quý thời gian và phải hết lòng mong mỏi tiến lên trên con đường của sự nghiệp giác ngộ. Đừng lạm dụng của tín thí, đừng cô phụ bốn ơn, đừng tích lũy cho nhiều để cho tâm tư bị tài lợi bít lấp. Nếu không thì đời ta sẽ u trệ, và nhìn ta kẻ khác sẽ chê cười. Người xưa đã khích lệ: ''kẻ kia đã là đấng trượng phu thì tại sao ta lại không?'' Đừng nên có mặc cảm tự ti mà chùn bước và chịu thua. Nếu ta không có thái độ của bậc trượng phu thì thật uổng phí cho cuộc đời của một kẻ xuất gia, rốt cuộc một kiếp đi qua mà không có ích lợi gì cho ai cả.
Tôi rất mong các bạn phát tâm cho dũng mãnh, ôm hoài bão thật cao xa, khi hành xử thì mô phỏng các bậc cao nhân, đừng đi theo lề thói của những kẻ hư hèn. Ngay trong đời này, bạn phải tự nắm lấy vận mệnh của bạn, đừng giao phó vận mệnh của mình cho ai hết. Hãy học chấm dứt tà ý, an định tâm tư, đừng chạy theo trần cảnh. Tâm ta vốn là tự tại, đối tượng đích thực của chân tâm là niết bàn, chỉ vì lâu ngày bế tắc cho nên ta không thấy rõ được đó thôi.
Nắm quyền tự chủ
Xin các bạn hãy đọc lại kỹ những lời tôi đang nói đây để thường ngày cùng nhau nhắc nhở. Phải nắm lấy quyền tự chủ, ta đừng nên để cho tập khí kéo lôi. Đừng đợi đến lúc nghiệp lực đến lôi kéo ta đi, vì lúc ấy ta sẽ không thể trốn tránh và chống cự lại nó. m mà hòa thì thanh sẽ thuận, hình mà thẳng thì bóng sẽ ngay; nhân quả rõ ràng, ta không thể không lo xa. Kinh dạy: nghiệp đã tạo ra thì sẽ còn đó, dù trăm ngàn kiếp vẫn còn. Nếu ta không biết chuyển hóa thì đến khi nó đã chín muồi ta phải nhận lãnh quả báo. Nên nhớ rằng khổ đau trong ba cõi là những hình phạt có công dụng ràng buộc và sát hại ta, vì vậy ta phải tu tập cho siêng năng, nhất định đừng để tháng ngày trôi qua oan uổng.
Cùng đi với nhau
Các bạn ơi, chỉ vì thấy quá rõ những tai ương và hoạn nạn do hướng đi lỗi lầm đưa tới, cho nên tôi mới nói lên những lời khuyến khích hành trì này. Xin nguyện trăm kiếp ngàn đời về sau, bất cứ ở đâu tôi cũng sẽ được cùng quý vị làm người bạn đồng hành trên con đường hành trì Phật pháp. Có bài Minh sau đây để cùng nhau nhắc nhở:
Thân huyễn, nhà mộng,
hư hao bóng sắc
quá khứ không cùng
tương lai không chắc
hiện đây ẩn kia
ra vào cực nhọc
chưa khỏi ba vòng
chừng nào chấm dứt?
Tham luyến thế gian
ấm, duyên là chất
từ sinh tới chết
có gì nắm bắt?
Chỉ vì vô minh
nên bị mê hoặc
hãy quý tháng ngày
vô thường bất trắc
đời này luống qua
đời sau bế tắc
từ mê sang mê
cũng vì sáu giặc
qua lại sáu đường
ba cõi lăn lóc.
Sớm tìm minh sư
gần bậc cao đức
quán chiếu thân tâm
diệt trừ gai góc
Thế gian hư huyễn
trần lao áp bức
quán chiếu các pháp
vượt lên cho được
tâm cảnh đều quên
chẳng còn thao thức
Sáu căn an nhiên
nằm ngồi tĩnh mặc
tâm đã không sinh
muôn pháp đều dứt!
Table of Contents
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Những chỉ dẫn cần thiết
Công phu sáng thứ hai
Kinh Kim Cương – Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não
Kinh Thương Yêu
Chuyển Niệm
Đảnh Lễ
Quy Nguyện
Quay Về Nương Tựa
Công phu chiều thứ hai
Kinh Mười Nguyện Phổ Hiền
Kinh Diệt Trừ Phiền Giận
Quán Nguyện
Kệ Vô Thường
Công phu sáng thứ ba
Kinh Quán Niệm Hơi Thở
Hướng Về Kính Lạy
Quay Về Nương Tựa
Công phu chiều thứ ba
Kinh Sức Mạnh Quan m
Kinh Tám Ðiều Giác Ngộ Của Các Bậc Ðại Nhân
Bài Tụng Hạnh Phúc
Công phu sáng thứ tư
Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm
Hướng Về Tam Bảo
Công phu chiều thứ tư
Kinh Trung Ðạo Nhân Duyên
Kinh Soi Gương
Ngày Đêm An Lành
Tùy Hỷ Hồi Hướng
Công phu sáng thứ năm
Kinh Người Biết Sống Một Mình
Kinh Bát Nhã Hành
Ðiều Phục Cơn Giận
Công phu chiều thứ năm
Kinh Ba Cửa Giải Thoát
Kinh A Nậu La Độ
Khơi Suối Yêu Thương
Công phu sáng thứ sáu
Kinh Người Bắt Rắn
Thiên Long Hộ Pháp
Công phu chiều thứ sáu
Kinh A Di Ðà
Niệm Bụt và Đi Nhiễu
Phát Nguyện
Chơn Ngôn Quyết Ðịnh Vãng Sanh
Công phu sáng thứ bảy
Kinh Ðộ Người Hấp Hối
Hiện Pháp Lạc Trú
Công phu chiều thứ bảy
Kinh Phước Ðức
Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Ða
Sám Hối và Phát Nguyện
Công phu sáng chủ nhật
Kinh Tuổi Trẻ Và Hạnh Phúc
Kinh Hải Ðảo Tự Thân
Tưới Tẩm Hạt Giống Tốt
Nhận Diện Và Quán Chiếu Hạt Giống Sợ Hãi
Công phu chiều chủ nhật
Sám Nguyện
Trì Chú Diệt Tội
Kệ Sám Hối
Bốn Phép Tùy Niệm
Phòng Hộ Chuyển Hóa
Nghi thức
Nghi thức chúc tán rằm và mồng một
Nghi thức chúc tán Tổ Sư
Nghi thức cúng ngọ
Nghi thức thọ trai
Nghi thức truyền 10 Giới Sadi
Nghi thức tụng 10 Giới Sadi
Phụ lục
Kệ tán
Sám Quy Mạng
Thi kệ nhật dụng
Chỉ dẫn thực tập 3 lạy
Thực tập 3 lạy
Thực tập 5 lạy
Nguồn gốc các kinh
Những kinh văn và bài tụng mới
Kinh Sự Thật Ðích Thực
Kinh Nghĩa Lý Siêu Việt về Không
Kinh Bốn Loại Thức Ăn
Ái Ngữ Lắng Nghe
Kệ Thỉnh Chuông Đại Hồng
Văn thỉnh linh
Quán niệm trước buổi họp
Quán niệm trước buổi soi sáng
Mười Bốn Bài Kệ Chỉ Quán
Lời cảnh giác và khích lệ của thiền sư Quy Sơn
Ý thức Vô thường
Tránh lề thói hưởng thụ
Giới là căn bản
Sơ tâm cần nuôi dưỡng
Phải nên liệu trước
Nổ lực tinh tiến
Gần gũi bạn lành
Khẩn thiết dụng tâm
Trai giới tinh chuyên
Nuôi hoài bão lớn
Nắm quyền tự chủ
Cùng đi với nhau
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top