Công phu sáng thứ bảy

Công phu sáng thứ bảy



Tĩnh Tọa – 20 tới 30 phút


Kinh Hành Im Lặng – một vòng


Kệ Mở Kinh


Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)


Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm


Cơ duyên may được thọ trì


Xin nguyện đi vào biển tuệ


Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)


Trì Tụng


Hướng về Bụt và Thánh Chúng trên hội Kỳ Viên (3 lần) (C)






Kinh Ðộ Người Hấp Hối (C)



Ðây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn cư trú tại tu viện Cấp Cô Ðộc trong vườn cây Kỳ Ðà gần thành Xá Vệ.


Một hôm trưởng giả Cấp Cô Ðộc bị bệnh nặng. Ðại đức Xá Lợi Phất được báo tin, liền tìm đại đức A Nan và nói:


"Sư đệ nên cùng ta đi thăm cư sĩ Cấp Cô Ðộc."


Ðại đức A Nan khoác áo, cầm bát cùng đi vào thành Xá Vệ để khất thực với đại đức Xá Lợi Phất. Hai vị tuần tự đi từng nhà cho đến khi tới nhà trưởng giả Cấp Cô Ðộc thì ghé vào thăm. Ngồi trên ghế, đại đức Xá Lợi Phất hỏi trưởng giả Cấp Cô Ðộc:


"Bệnh tình của cư sĩ thế nào? Có tăng có giảm gì không? Những đau đớn trong cơ thể cư sĩ có từ từ bớt đi chút nào không hay là lại gia tăng?"


Trưởng giả Cấp Cô Ðộc trả lời:


"Thưa các đại đức, bệnh tình của con không thấy thuyên giảm. Những đau đớn trong cơ thể đã không bớt mà còn càng lúc càng tăng."


Đại đức Xá Lợi Phất bảo:


"Bây giờ đây cư sĩ nên cùng với chúng tôi thực tập quán niệm về Bụt, về Pháp và về Tăng. Chúng ta hãy quán niệm như sau:


- Bụt là Như Lai, là bậc giác ngộ chân chánh và cao tột. Người là bậc Minh Hạnh Túc, Người là bậc Thiện Thệ, Người là bậc Thế Gian Giải, Người là bậc Vô Thượng Sĩ, Người là bậc Ðiều Ngự Trượng Phu, Người là bậc Thầy của Trời và người, Người là Bụt, Người là đức Thế Tôn. (C)


- Pháp là giáo lý do Như Lai chỉ dạy, rất thâm diệu, rất đáng tôn kính, rất đáng quý trọng, không có đạo lý nào sánh bằng. Pháp đó là con đường thực tập của các bậc hiền thánh. (C)


- Tăng là đoàn thể tu học dưới quyền chỉ dẫn của Như Lai, trên thuận dưới hòa, không có tranh chấp, pháp nào cũng tu tập thành tựu. Ðoàn thể tôn nghiêm thánh thiện này thành tựu được Giới, thành tựu được Ðịnh, thành tựu được Tuệ, thành tựu được Giải Thoát. Tăng là phước điền vô thượng của thế gian." (C)


"Này cư sĩ, thực tập quán niệm như thế về Bụt, về Pháp và về Tăng thì công đức không thể nghĩ lường được. Quán niệm như thế thì tiêu diệt được tội chướng và phiền não, thu hoạch được những kết quả ngọt ngào tươi mát như cam lộ. Vị thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào biết quán niệm về Tam Bảo thì chắc chắn sẽ không bao giờ đọa vào ba con đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, trái lại sẽ được sanh ra trong những hoàn cảnh tốt ở cõi trời và cõi người. (C)


"Bây giờ đây chúng ta hãy quán niệm như sau về sáu giác quan:


- Con mắt này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào con mắt này.


- Cái tai này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái tai này.


- Cái mũi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái mũi này.


- Cái lưỡi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái lưỡi này.


- Thân thể này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào thân thể này.


- Ý căn này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào ý căn này. (C)


"Cư sĩ quán niệm tiếp như sau về sáu đối tượng giác quan:


- Những hình sắc này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những hình sắc này.


- Những âm thanh này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những âm thanh này.


- Những mùi hương này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những mùi hương này.


- Những vị nếm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những vị nếm này.


- Những xúc chạm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những xúc chạm này.


- Những ý tưởng này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những ý tưởng này. (C)


"Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu thức:


- Cái thấy này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái thấy này.


- Cái nghe này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nghe này.


- Cái ngửi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ngửi này.


- Cái nếm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nếm này.


- Cái xúc chạm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái xúc chạm này.


- Cái ý thức này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ý thức này. (C)


"Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu yếu tố trong cơ thể:


- Yếu tố đất không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố đất.


- Yếu tố nước không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố nước.


- Yếu tố lửa không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố lửa.


- Yếu tố gió không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố gió.


- Yếu tố không gian không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố không gian.


- Yếu tố tâm thức không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố tâm thức. (C)


"Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về năm uẩn:


- Hình sắc không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi hình sắc.


- Cảm thọ không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi cảm thọ.


- Tri giác không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tri giác.


- Tâm hành không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tâm hành.


- Nhận thức không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi nhận thức. (C)


"Cư sĩ hãy quán niệm như sau về thời gian:


- Quá khứ không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi quá khứ.


- Hiện tại không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi hiện tại.


- Tương lai không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tương lai. (C)


"Này cư sĩ! Các pháp đều do nhân duyên sanh khởi và do nhân duyên mà hoại diệt; thật ra tự tánh của các pháp là không sanh cũng không diệt, không tới cũng không đi. Khi con mắt phát sanh, nó phát sanh, không từ đâu tới cả; khi con mắt hoại diệt, nó hoại diệt, không đi về đâu cả. Con mắt không phải là không trước khi phát sanh, con mắt không phải là có trước khi hoại diệt. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hội tụ mà thành. Nhân duyên đầy đủ thì con mắt có mặt, nhân duyên thiếu vắng thì con mắt vắng mặt. Ðiều này cũng đúng với tai, mũi, lưỡi, thân và ý; hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm và ý tưởng; cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, xúc chạm và ý thức, và cũng đúng với sáu yếu tố, năm uẩn và thời gian.


"Trong năm uẩn không có gì có thể được gọi là ta, là người, là thọ mạng. Không thấy được sự thực đó tức là vô minh. Vì vô minh mà có vọng động, vì có vọng động mà có vọng thức, vì vọng thức mà có sự phân biệt chủ thể và đối tượng nhận thức, vì có chủ thể và đối tượng nhận thức mà có sự phân biệt sáu căn và sáu trần, vì có sự phân biệt sáu căn và sáu trần mà có xúc chạm, vì có xúc chạm mà có cảm thọ, vì có cảm thọ mà có tham ái, vì có tham ái mà có vướng mắc, vì có vướng mắc mà có hiện hữu rồi sanh tử, khổ não và u sầu không thể kể xiết.


"Cư sĩ! Ông đã quán niệm để thấy được rằng mọi pháp đều do nhân duyên mà phát hiện và không có tự tánh riêng biệt. Ðó gọi là phép quán niệm về KHÔNG, một phép quán niệm cao siêu vào bậc nhất." (C)


Thực tập đến đây, trưởng giả Cấp Cô Ðộc khóc, nước mắt chan hòa. Ðại đức A Nan hỏi ông:


"Cư sĩ, vì sao mà ông khóc? Ông thực tập không thành công sao? Ông có tiếc nuối gì không?"


Trưởng giả Cấp Cô Ðộc trả lời:


"Thưa đại đức A Nan, con không tiếc nuối gì hết, con thực tập rất thành công. Con khóc là vì con cảm động quá. Con có cơ duyên phụng sự Bụt và các bậc cao đức từ lâu rồi mà con chưa từng được nghe một giáo pháp nào vi diệu, mầu nhiệm và quý báu như giáo pháp hôm nay con được đại đức Xá Lợi Phất trao truyền."


Lúc ấy đại đức A Nan bảo trưởng giả Cấp Cô Ðộc:


"Cư sĩ nên biết giáo pháp này các vị khất sĩ và nữ khất sĩ được nghe Bụt giảng dạy rất thường."


Trưởng giả Cấp Cô Ðộc thưa:


"Bạch đại đức A Nan, xin đại đức bạch lại với đức Thế Tôn để giới cư sĩ chúng con cũng có dịp được nghe những giáo pháp vi diệu như giáo pháp này. Có những người cư sĩ không có đủ sức nghe, hiểu và hành trì những giáo pháp như giáo pháp này nhưng cũng có những người cư sĩ có đủ sức nghe, hiểu và hành trì những giáo pháp thâm diệu ấy."


Nghe và thực tập với hai thầy xong, cư sĩ Cấp Cô Ðộc cảm thấy trong người nhẹ nhàng, thanh thoát; ông phát được tâm Vô Thượng. Các đại đức Xá Lợi Phất và A Nan vừa từ giã ra về thì cư sĩ Cấp Cô Ðộc mạng chung và sanh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên. (CC)




Chuyển Niệm


Chúng con hiện tiền tâm thanh tịnh


Thiền tọa kinh hành và tụng kinh


Xin nguyện Tam Bảo và Long Thiên


Yểm trợ đạo tràng cùng bốn chúng


Tám nạn ba đường đều thoát khỏi


Bốn ân ba cõi thấm hồng ân


Thế giới khắp nơi không chiến tranh


Gió hòa mưa thuận dân an lạc


Đại chúng chuyên tu càng tinh tấn


Mười địa đi lên không khó khăn


Tăng thân an lạc sống tươi vui


Mọi giới quy y thêm phước tuệ. (C)


Trí Bụt sáng ngời như trăng tỏ


Thân Bụt thanh tịnh như lưu ly


Bụt ở thế gian thường cứu khổ


Tâm Bụt không đâu không từ bi.


Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni (3 lần) (C)


(Vừa niệm Bụt vừa đi nhiễu)




Đảnh Lễ


Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)


Nhất tâm kính lễ đức Bụt Di Lặc (C)


Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (C)


Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)


Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Thường Bất Khinh (C)


Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam (CC)






Hiện Pháp Lạc Trú



Ðức Thế Tôn từng dạy:


''Quá khứ đã đi qua


Và tương lai chưa tới


Con đừng để tâm chìm đắm


Trong tiếc thương quá khứ


Trong lo lắng tương lai''


Bụt bảo: ''Con có thể


Sống an lạc thảnh thơi


Trong giây phút hiện tại'' (C)


Nay con nghe lời đức Bổn Sư


Buông bỏ ưu sầu lo lắng


Trở về an trú nơi hiện pháp


Học nhận diện


Những điều kiện hạnh phúc


Ðã có mặt trong con


Và có mặt quanh con. (C)


Con được nghe tiếng chim hót


Và tiếng thông reo


Con nhìn thấy núi xanh


Thấy mây bạc trăng vàng


Tịnh Độ đang có mặt


Trong giây phút hiện tiền


Con có thể thích ý rong chơi


Hàng ngày trong cõi Bụt


Mỗi hơi thở mỗi bước chân chánh niệm


Ðưa con về Tịnh Ðộ


Và làm biểu hiện


Những mầu nhiệm Pháp thân. (C)


Con nguyền buông bỏ


Nếp sống hối hả,


Ðua đòi, bận rộn, bon chen


Quyết tâm không chạy theo


Danh vọng, quyền hành


Giàu sang và sắc dục


Bởi vì con đã biết


Những thức ấy không đưa về chân hạnh phúc


Mà sẽ chỉ đem lại cho con


Bao điêu đứng khổ đau.


Nếp sống tri túc


Nếp sống thiểu dục


Con xin nguyện học theo


Ðể có thì giờ sống sâu sắc


Cuộc sống hàng ngày


Trong từng giây từng phút


Ðể thân tâm có cơ duyên trị liệu


Và để hộ trì chăm sóc


Cho những người con đã nguyện thương yêu.


Con nguyền nuôi lớn


Tâm hiểu biết và lòng xót thương


Ðể có khả năng cứu độ


Chúng sanh mười phương


Ðang chìm đắm ngoài kia


Trong biển đời tham dục. (C)


Con cúi xin mười phương chư Bụt


Bảo hộ soi sáng


Và nâng đỡ con


Trên bước đường thực tập


Ðể con có thể hàng ngày


Sống thảnh thơi an lạc


Mà hoàn thành ước nguyện


Của một người đệ tử


Tin cậy và yêu quý


Của đức Như Lai. (CC)




Quay Về Nương Tựa


Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.


Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.


Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)


Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.


Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.


Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)


Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người thể nhận được giác tánh, sớm mở lòng Bồ Đề.


Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.


Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)




Hồi Hướng


Trì tụng kinh thâm diệu


Tạo công đức vô biên


Đệ tử xin hồi hướng


Cho chúng sinh mọi miền. (C)


Pháp môn xin nguyện học


Ơn nghĩa xin nguyện đền


Phiền não xin nguyện đoạn


Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top