Chỉ dẫn thực tập 3 lạy
Chỉ dẫn thực tập 3 lạy
Thực tập ba lạy góp phần xây dựng tăng thân và hoàn cảnh của ta, làm cho ta có hạnh phúc. Thực tập ba lạy này trong ba tháng ta sẽ thấy hoàn cảnh của ta – y báo của ta – thay đổi và hạnh phúc của chúng ta tăng tiến.
Ba lạy được biểu tượng bằng một chữ thập và vòng tròn.
Ta bắt đầu bằng con đường dọc rồi tiếp đến bằng con đường ngang và sau hết là vòng tròn. Khi lạy xuống cái lạy đầu tiên, ta quán chiếu về tổ tiên và con cháu. Khi lạy ta nên lạy mọp xuống, càng sát đất càng tốt. Hai chân và hai tay sát xuống đất, trán cũng dính vào đất. Trong tư thế ấy, ta bắt đầu buông thư tất cả các bắp thịt trong cơ thể. Ta phải buông bỏ hết những gì ta nghĩ là ta, là của ta, để có thể hòa nhập được vào dòng sanh mạng của tổ tiên, trong đó có ta. "Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị Bồ Tát, các vị thánh tăng. Có nhiều vị đã đạt tới mức toàn hảo về trí tuệ cũng như về thương yêu, nhưng cũng có các vị chưa đạt tới mức ấy, cũng còn những yếu kém, những khó khăn, những lên xuống." Bên phía gia đình huyết thống cũng vậy. "Con có những vị tổ tiên rất cao, rất đẹp, nhưng cũng có những vị tổ tiên còn đau khổ, còn lên xuống. Nhìn vào con, con thấy con có những cái rất hay, rất tốt, nhưng con cũng còn có những yếu kém, nhu nhược, những lỗi lầm, những khuyết điểm. Con là ai mà không dám chấp nhận tổ tiên của con, vì vậy con chấp nhận tất cả quí vị là tổ tiên của con, và con hòa đồng với quí vị." Lạy được như vậy, tự nhiên ta hòa giải được với tất cả tổ tiên của ta. Nếu ta giận thầy hay giận cha, giận mẹ, giận anh, giận chị thì cái lạy này là cái lạy để hòa giải với tất cả. Tất cả đều là tổ tiên của mình, trong đó có cha, có mẹ, chú, bác, cô, dì và có cả anh, cả chị nữa. Tất cả những người sanh ra trước mình đều là tổ tiên của mình. Đối với người xuất gia cũng vậy. Người thụ giới trước mình là anh mình hoặc là chị mình, dù người đó ít tuổi hơn. Dù người đó còn dở hơn mình về phương diện học hỏi cũng như về phương diện tu tập, thì người đó vẫn là anh của mình, vẫn là chị của mình, và mình chấp nhận người đó là anh, là chị của mình, chứ mình không nói: người đó giỏi gì hơn tôi mà lại làm anh tôi hay là làm chị tôi? Tổ tiên của ta cũng vậy. Tổ tiên của ta có những vị rất xuất sắc và cũng có những người còn yếu kém, nông nổi, nhưng tất cả đều là tổ tiên của ta và ta phải chấp nhận họ. Cha mẹ và anh chị của ta cũng vậy. Trong họ có những điều rất hay rất tốt nhưng trong họ cũng có những yếu kém. Ta biết rằng ta cũng vậy. Trong ta có những cái hay cái đẹp nhưng cũng có những yếu kém, vì vậy cho nên ta chấp nhận anh ta, ta chấp nhận chị ta. Ta không nói: "Người đó không xứng đáng làm anh tôi, người đó không xứng đáng làm chị tôi, tại vì người đó có hơn tôi gì đâu?" Tổ tiên là tổ tiên thôi. Giỏi hay dở đều là tổ tiên. Cha mẹ là cha mẹ thôi, dù giỏi hay dở cũng là cha mẹ. Trong truyền thống đạo Bụt, người xuất gia được coi là trưởng tử và trưởng nữ của Bụt, tại vì khi phát tâm xuất gia, họ bỏ gia đình, ra nhập vào tăng đoàn và đóng vai trò của người anh và người chị của giáo đoàn. Vì vậy, dù còn nhỏ tuổi, còn học dở, còn yếu kém về giới luật và uy nghi, họ vẫn là anh là chị của ta như thường. "Những người xuất gia đó, tuổi nhỏ hơn tôi, học Phật pháp chưa bằng tôi, tu cũng chưa đến đâu, tại sao họ lại ngồi trước, họ lại ngồi trên, họ làm anh làm chị tôi sao được. Nói như vậy là chưa hiểu được cái ý nghĩa thế nào là tổ tiên, thế nào là người xuất gia, là trưởng tử của Như Lai. Trưởng tử là con lớn. Dù có hư hèn, dù có khuyết giới, người đó cũng vẫn là anh của ta, là chị của ta, tại vì truyền thống là như thế. Họ là trưởng tử của Như Lai, ta có thể giỏi hơn họ, nhưng ta không thể nói rằng họ không phải là sư phụ của ta, sư thúc của ta, sư bá của ta, sư anh của ta, sư chị của ta. Họ là họ. Tại vì họ chưa có điều kiện, chưa có nhân duyên nên họ chưa giỏi đó thôi. Từ đó mà ta đi xuống các em ta, tới các con ta. Những người giận em, ganh với em, những người thấy em mình dở, em mình cứng đầu, em mình khó chịu, em mình hỗn; những người giận con, ghét con, muốn từ con, từ cháu, những người đó phải thực tập cho tinh chuyên cái lạy thứ nhất. "Lạy đức Thế Tôn, ở trong con có những điểm rất gần với sự toàn bích, nhưng bạch đức Thế Tôn, trong con cũng có những yếu kém, những lên xuống, những nội kết và khổ đau, vì vậy con có quyền gì mà không chấp nhận các em của con và các con của con khi các em, các con của con còn có những yếu kém, những lên xuống, cứng đầu và khổ đau. Con chấp nhận tất cả những người ấy là em của con, là con của con, là cháu của con." Trong cái lạy thứ nhất ta phải làm cho được việc này, nghĩa là ta phải thực tập hòa giải được với những người trên ta và với những người dưới ta. Nếu cha mẹ mình đã sanh ra mình và chấp nhận mình là con, thì mình phải chấp nhận cha mẹ là cha mẹ, mình phải chấp nhận anh của mình là anh của mình, chị của mình là chị của mình, và em của mình là em của mình. Ta phải ôm lấy họ hết dù họ có hư hèn, dù họ có ương ngạnh, dù họ có khó khăn, dù họ có khổ đau, tại vì chánh trong ta cũng có những điểm tiêu cực đó. Mình là ai mà không chấp nhận cha mẹ mình, không chấp nhận anh chị của mình. Nếu thầy mình đã sanh ra mình, nếu thầy mình đã chấp nhận mình là học trò thì tại sao mình không chấp nhận người sư chị của mình là chị của mình, người sư anh của mình là anh của mình, người sư em của mình là em của mình. Dù người sư anh, sư chị hay sư em ấy còn có những yếu kém, còn có những lên xuống, còn có những trồi sụt, thì họ vẫn là sư anh của mình, sư chị của mình hay sư em của mình. Mình phải chấp nhận, mình phải hòa giải với người đó và chỉ có con đường ấy mới có thể giúp được những người kia. Cái lạy đầu tiên này ta phải lạy hàng ngày. Nhất là khi ta có vấn đề với cha mẹ, với thầy, với sư huynh, với sư đệ thì ta phải lạy cho thật hết lòng, phải phủ phục năm vóc sát đất.
Lạy thứ hai là cái lạy trong đó ta tiếp xúc với những con người và những chúng sanh có mặt cùng thời với ta, trong thời gian này, trong giờ phút hiện tại. Cũng như trong cái lạy đầu, ta phải mọp xuống sát đất, ta phải làm cho cái ngã của ta hòa nhập với dòng sanh mạng của thế giới trong giây phút hiện tại. Ta có thể hướng tới những vị Bồ Tát, những vị đại nhân đang có mặt trên thế giới, đang có mặt xung quanh ta trong giây phút hiện tại. Ta gọi họ là Bồ Tát hay không là Bồ Tát thì họ vẫn là các vị Bồ Tát. Họ mang danh hiệu Bồ Tát hay không mang danh hiệu Bồ Tát thì họ vẫn là Bồ Tát, tại vì trong họ có yếu tố của sự vững chãi, thảnh thơi và thương yêu. Họ ở khắp nơi. Có thể trong các tổ chức thiện nguyện như Médecins Sans Frontières hay Ecole Sans Frontières có những vị Bồ Tát như vậy. Có những tổ chức thiện nguyện đi làm việc khắp nơi trên thế giới; tình thương, sự vững chãi và sự thảnh thơi của họ đang được sử dụng để làm vơi bớt những khổ đau đang tràn ngập thế giới. Trong số những người đi làm việc cứu trợ, có người có chất liệu của sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc, và vì vậy trong khi làm việc, họ không bị chìm đắm trong biển khổ. Nếu không có chất liệu của an lạc, thảnh thơi và vững chãi thì khi đi làm công việc xã hội, giúp đỡ người ta, mình sẽ bị chìm đắm luôn với người ta, mình sẽ giận hờn, mình sẽ thù hận. Nếu có những người không bị chìm đắm trong biển khổ là tại vì trong họ có những chất liệu vững chãi và thảnh thơi. Ngay ở quanh ta, chúng ta cũng đang có những vị Bồ Tát như vậy. Mở mắt ra là chúng ta có thể tiếp xúc với họ, chúng ta hòa nhập với họ : "Tôi với các vị là một, tôi đang nương vào các vị, và tôi đang được thừa hưởng chất liệu thảnh thơi, vững chãi và an lạc của quý vị." Ta phải hòa nhập với họ nếu không thì ta sẽ yếu lắm. Ta phải dựa vào họ mà đừng cần đi tìm đâu xa tại vì họ có mặt ngay tại đây. Các vị đại nhân đó, các vị Bồ Tát đó không cần phải lớn tuổi, đôi khi họ còn rất nhỏ và ta có thể nhận thấy trong họ chất liệu của sự vững chãi, của sự thảnh thơi, của sự an bình và hạnh phúc mà ta rất cần đến. Trong cái lạy thứ hai này, ta hòa nhập với họ để tiếp nhận năng lượng đó của họ, ta biết rằng họ có mặt đó là may mắn cho ta lắm. Sau khi đã tiếp xúc với họ, ta lại tập tiếp xúc với những loài chúng sanh đang lặn ngụp chìm đắm trong biển khổ. Những người đang đau khổ vì chiến tranh ở Bosnia, những em bé đói ở Uganda, những người đang bị tù đày, những người đang khổ đau, những người đang bị áp bức bóc lột, những em bé lớn lên không được đi học phải đi lượm thức ăn từ những thùng rác... Tất cả những người đó đều là ta cả. Ta phải thấy ta là con ếch đang bơi thảnh thơi trong hồ thu, ta cũng thấy ta là con rắn nước trườn đi để tìm thức ăn và nuốt con ếch đó vào bụng. Con rắn nước cũng cần ăn, cần sống. Trong cuộc đời có những khổ đau như vậy, và tiếp xúc với những khổ đau đó, ta đau niềm đau của tất cả chúng sanh, ta thấy ta là một với họ, nhưng ta không đắm chìm trong biển khổ, tại vì ta đã có chỗ nương tựa, chỗ nương tựa của ta là các vị Bồ Tát, các bậc đại nhân. Những người có hạnh phúc, an lạc và thảnh thơi, ta không cần phải đi tìm ở đâu xa, họ có mặt ngay trong tăng thân. Những người đau khổ cũng vậy, ta không cần phải đi tìm đâu xa, họ nằm ngay ở trong tăng thân. Ta là họ, và khi ta nhận diện được họ rồi, con mắt ta đang nhìn họ đã chứng tỏ rằng ta đã thấy được cái đau khổ của họ. Ta thương xót họ, ta có lòng từ bi với họ và họ sẽ cảm nhận được ngay điều đó. Cái lạy thứ hai đem lại hạnh phúc cho ta ngay trong thời gian ta thực tập. Cái lạy thứ hai cho ta nhận diện được những người có chất liệu vững chãi, thảnh thơi và thương yêu, để chúng ta có thể nương vào họ và đồng nhất với họ. Cái lạy này cũng giúp ta nhận diện những kẻ đang đau khổ vì nhận thức sai lầm của họ, vì những nội kết trong quá khứ, vì những điều không may mắn đã xảy ra trong quá khứ của họ, để ta có thể ôm lấy được họ trong hai vòng tay, để có thể thông cảm và đồng nhất với họ. Ta hành xử với cái nhìn sâu sắc và thái độ từ bi. Chất liệu từ bi từ đâu mà có? Từ bi có được là do ta nhìn sâu và thấy rõ. Cái hiểu và cái thấy đưa tới cái thương. Trong cái lạy thứ hai này, ta nương tựa và hòa nhập với những người mạnh khỏe, an lạc, vững chãi và thảnh thơi nhưng ta cũng hòa đồng với những người có những khó khăn và đau khổ; và chính cái thấy đó giúp ta phát khởi được tâm từ bi. Tâm từ bi một khi phát sanh sẽ được biểu hiện trên ánh mắt, trên bàn tay và bước chân của chúng ta. Và những cái đó bắt đầu giúp được người kia. Giúp được người kia nhưng đồng thời ta cũng giúp được chính ta. Khi có chất liệu từ bi trong lòng, ta bắt đầu có hạnh phúc. Đối tượng của từ bi là người kia. Không biết người kia đã nhận được hạnh phúc nào từ từ bi ấy chưa, nhưng một khi giọt nước cam lộ của từ bi đã được ứa ra từ trái tim ta thì ta được hưởng trước. Người nào không có từ bi thì không có hạnh phúc, đó là điều mà ta đã học được trong đạo Bụt. Chất liệu từ bi càng lớn, hạnh phúc của ta càng lớn.
Lạy thứ ba bao trùm thời gian và không gian. "Lạy xuống, con buông bỏ ý niệm con chỉ là cái hình hài này." Đây là sự thực tập mà thiền sư Tăng Hội gọi là "phóng khí xu mạng". Thường thường ta nghĩ rằng chỉ có cái hình hài này là ta. Một số các phụ nữ ở Pháp vừa mới tổ chức biểu tình để đòi quyền phá thai, trong khi đó một số phụ nữ Pháp khác lại tổ chức một cuộc biểu tình chống lại cuộc biểu tình này. Các phụ nữ đòi quyền phá thai đưa ra lý luận như thế này: thân này là của tôi, tôi phải có chủ quyền trên thân tôi, tôi muốn làm gì thân tôi thì làm. Nhiều người nghe câu đó nghĩ là đúng. Nhưng trong tuệ giác nhà Phật thì cái đó không đúng: thân này không phải chỉ là của ta, thân này là của tổ tiên, của cha mẹ, của con cháu ta, của nhân loại, của vũ trụ. Ta cần phải quán chiếu. Sự an vui của thân này có liên hệ tới sự an vui của thân khác. Trong cái lạy thứ ba, ta thấy rằng ta không phải chỉ là hình hài này, đã được sanh ra ngày ấy, tháng ấy, năm ấy và sẽ không còn nữa từ ngày ấy, tháng ấy, năm ấy. Trong kinh, sự thật này được Bụt nhắc lại nhiều lần: thân này không phải là tôi. Trong cái lạy đầu, nếu thực tập đàng hoàng, ta đã thấy sự thật đó rồi: tổ tiên của con là con, cha mẹ của con là con, anh của con là con, chị của con là con, em của con là con, con của con là con. Tôi lớn hơn cái mà tôi tưởng là tôi. Trong cái lạy này, ta hòa nhập vào trong dòng sanh mạng, ta thấy cái mà ta gọi là ta vượt thoát giới hạn của hình hài này. Cái lạy thứ nhất đã chứa đựng cái lạy thứ ba rồi. "Con lạy xuống và buông bỏ ý niệm hình hài này là tất cả những gì mà con có". "Hình hài này là con, con chỉ là hình hài này", ta phải buông bỏ ý niệm đó. "Con lạy xuống và con thấy rằng sanh mạng của con không phải được giới hạn trong bảy hay tám chục năm. Con đã có mặt từ trước khi con sanh ra và con sẽ tiếp tục có mặt sau khi con chết đi. Thọ mạng của con là vô lượng. Thọ mạng của con không bị vướng vào thời gian." Đó là cái lạy thứ ba, mà tuệ giác của cái lạy thứ ba chẳng qua là do cái lạy thứ nhất và thứ hai đưa tới thôi. Nghe như cái lạy thứ ba khó thực tập hơn hai cái lạy đầu, nhưng kỳ thực nếu ta đã thành công trong cái lạy thứ nhất và cái lạy thứ hai, thì cái lạy thứ ba đã bắt đầu thành công rồi.
Nếu có thể, ta nên thực tập ba cái lạy này mỗi ngày. Thực tập ba cái lạy cho sâu sắc, ta có thể thoát ly được sanh tử.
Thực tập 3 lạy
Lạy thứ nhất
(Xướng)
Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với tổ tiên và con cháu của con trong hai dòng tâm linh và huyết thống. (Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị Bồ Tát, các vị Thánh Tăng và các vị Tổ Sư qua các thời đại, trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã truyền trao cho con những hạt giống bình an, trí tuệ, tình thương và hạnh phúc. Nhờ liệt vị mà con có được một ít vốn liếng của an lạc, tuệ giác và từ bi. Trong dòng tổ tiên tâm linh của con, có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi viên mãn, nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con cúi đầu nhận chịu tất cả là tổ tiên tâm linh của con, vì chính trong con cũng có những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh, trí tuệ và từ bi. Và cũng vì con biết trong con còn có những yếu đuối và khiếm khuyết ấy cho nên con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con, trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi đáng cho con kính ngưỡng nhưng cũng có những người còn đang chật vật, khó khăn và trồi sụp không ngừng trên con đường tu đạo. Điều này cũng đúng về phương diện huyết thống. Con chấp nhận tất cả các vị tổ tiên huyết thống của con về cả hai phía nội ngoại với tất cả những đức độ, công hạnh và khiếm khuyết của các vị, cũng như con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con với những đức độ, tài năng và khiếm khuyết của từng người. Tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống của con, cũng như con cháu tâm linh và huyết thống của con, đều đang có mặt trong con. Con là họ, họ là con, con không có một cái ta riêng biệt; tất cả đều có mặt trong một dòng sinh mệnh đang diễn biến mầu nhiệm.
Lạy thứ hai
(Xướng)
Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với mọi người và mọi loài đang có mặt với con giờ này trong sự sống. (Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con thấy con là sự sống mầu nhiệm đang dàn trải trong không gian. Con thấy con liên hệ mật thiết tới mọi người và mọi loài; tất cả những hạnh phúc và khổ đau của mọi người và mọi loài là những hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con là một với những người sinh ra đã có khuyết tật, hoặc vì chiến tranh, tai nạn hay ốm đau mà trở thành khuyết tật. Con là một với những người đang bị kẹt vào những tình trạng chiến tranh, áp bức và bóc lột. Con là một với những người chưa từng có hạnh phúc trong gia đình, không có gốc rễ, không có bình an trong tâm, đói khát hiểu biết, đói khát thương yêu, đang đi tìm một cái gì đẹp, thật và lành để bám víu vào mà tin tưởng. Con là một với người đang hấp hối, sợ hãi không biết sẽ đi về đâu. Con là em bé sống trong nghèo khổ, tật bệnh, chân tay gầy ốm như những ống sậy, không có tương lai. Con là kẻ đang chế tạo bom đạn để bán cho các nước nghèo khổ.
Con là con ếch bơi trong hồ mà cũng là con rắn nước cần nuôi thân bằng thân ếch nhái. Con là con sâu con kiến mà cũng là con chim đang đi tìm kiếm con kiến con sâu. Con là cây rừng đang bị đốn ngã, là nước sông và không khí đang bị ô nhiễm, mà cũng là người đốn rừng và làm ô nhiễm không khí và nước sông. Con thấy con trong tất cả mọi loài và tất cả mọi loài trong con.
Con là một với những bậc đại nhân đã chứng được vô sinh, có thể nhìn những hiện tượng diệt sinh, hạnh phúc và khổ đau bằng con mắt trầm tĩnh. Con là một với những thiện tri thức hiện đang có mặt rải rác khắp nơi trên thế giới, có đủ bình an, hiểu biết và thương yêu, có khả năng tiếp xúc với những gì nhiệm mầu, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong sự sống, và cũng có thể ôm trọn thế gian này bằng trái tim thương yêu và hai cánh tay hành động của quý vị. Con là người có đủ an lạc và thảnh thơi, có thể hiến tặng sự không sợ hãi và niềm vui sống cho những sinh vật quanh mình. Con thấy con không hề đơn độc. Những bậc đại nhân hiện đang có mặt trên đời; tình thương và niềm vui sống của họ đang nâng đỡ con, không để con đắm chìm trong tuyệt vọng và giúp con sống đời sống của con một cách an vui, trọn vẹn và có ý nghĩa. Con thấy con trong tất cả các vị và tất cả các vị trong con.
Lạy thứ ba
(Xướng)
Năm vóc sát đất, con buông bỏ ý niệm về hình hài và thọ mạng. (Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con thấy được thân tứ đại này không đích thực là con, con không bị giới hạn trong hình hài này. Con là tất cả dòng sinh mạng tâm linh và huyết thống từ ngàn xưa liên tục diễn biến tới ngàn sau. Con là một với tổ tiên của con, con là một với con cháu của con. Con là sự sống biểu hiện dưới vô lượng hình thức. Con là một với mọi người và mọi loài, dù an lạc hay khổ đau, vô úy hay lo lắng. Con đang có mặt khắp nơi trong giờ phút này, và từ quá khứ cho tới tương lai. Sự tan rã của hình hài này không động được tới con, như một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm. Con thấy con là một con sóng trên mặt đại dương, bản thể con là nước trong đại dương. Con thấy con trong tất cả các con sóng khác và tất cả các con sóng khác trong con. Sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương. Pháp thân và tuệ mạng của con không sinh mà cũng không diệt. Con thấy được sự có mặt của con trước khi hình hài này biểu hiện và sau khi hình hài này biến diệt. Con thấy được sự có mặt của con ngoài hình hài này, ngay trong giờ phút hiện tại. Khoảng thời gian tám chín mươi năm không phải là thọ mạng của con. Thọ mạng của con, cũng như của một chiếc lá hay của các vị Bụt Thế Tôn, là vô lượng. Con thấy con vượt thoát ý niệm con là một hình hài biệt lập với mọi biểu hiện khác của sự sống, trong thời gian cũng như trong không gian.
Thực tập 5 lạy
Lạy thứ nhất
(Xướng)
Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con thấy cha mẹ mà xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển hóa. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và của thương yêu mà liệt vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và xương thịt con để mà tiếp nhận. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ, nơi ông bà, tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó; con biết cha mẹ nào, ông bà nào cũng thương yêu, đùm bọc và hộ trì cho con cho cháu, dù khi sinh tiền có lúc gặp phải khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm thương yêu và sự đùm bọc đó. Con thấy cha ông của con, từ Lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ những người khai sáng đất nước, mở rộng cõi bờ, gìn giữ núi sông và un đúc nên nếp sống Việt Nam có thỉ, có chung, có nhân, có hậu. Con là sự tiếp nối của liệt vị. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên của gia đình huyết thống con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con.
Lạy thứ hai
(Xướng)
Trở về kính lạy, Bụt và Tổ Sư, truyền đăng tục diệm, gia đình tâm linh, qua nhiều thế hệ.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con thấy Thầy con, con thấy Sư Ông của con, người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ, biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy, qua thầy của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua các thời đại: các vị Tổ Sư Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Vạn Hạnh, Đại Đăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán; con tiếp xúc được với các vị bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con, đã có từ hai ngàn sáu trăm năm nay. Con biết Bụt là thầy con mà cũng là tổ tiên tâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao tăng, và năng lượng của liệt vị đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu trong con. Con biết Bụt đã giáo hóa cho gia đình huyết thống của con, đã làm đẹp, làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Bụt đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý Trần. Con biết nếu không có Bụt, có tổ, có thầy thì con không biết tu tỉnh và thực tập an lạc cho con và cho gia đình con. Con mở rộng trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm, tuệ giác, tình thương, sự che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ thánh tăng, gia đình tâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế hệ tổ tiên tâm linh của con. Xin Bụt và chư tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượng thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị. Con nguyện tu tập để chuyển hóa và để truyền cho thế hệ tương lai năng lượng của Bụt, của tổ và của thầy.
Lạy thứ ba
(Xướng)
Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, khai sáng đất nước, sông núi khí thiêng, hàng ngày che chở.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con thấy con đang đứng trên đất nước này và tiếp nhận công ơn khai sáng của tiền nhân đất nước này, trước hết là các vua Hùng, rồi các vị lãnh đạo các triều Tiền Lê, Tiền Lý, Ngô, Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn cùng với các thế hệ tổ tiên và với biết bao nhiêu người có tên tuổi và không có tên tuổi đã đem tài trí, kiên nhẫn và chịu đựng để làm cho đất nước này trở nên nơi nương náu của bao nhiêu giống dân đủ các màu da; đã lập nên trường học, nhà thương, xây dựng cầu cống, đường sá, chợ búa; đã thiết lập nhân quyền, luật pháp, phát minh khoa học làm cho mức sống được nâng cao. Con tiếp xúc được với những thế hệ tổ tiên ngày xưa đã sinh sống trên đất nước này và đã biết sống an lành với mọi loài và với thiên nhiên. Con sống ở đây, học hòa hợp với thiên nhiên, với con người, và con cảm thấy năng lượng của đất nước này đi vào trong con, yểm trợ con, chấp nhận con. Con xin nguyện tiếp tục giữ gìn và làm tiếp nối những dòng năng lượng ấy. Con xin nguyện góp phần chuyển hóa những bạo động căm thù và vô minh còn tồn tại trong xã hội này. Xin liệt vị phù hộ độ trì cho chúng con.
Lạy thứ tư
(Xướng)
Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, cho người con thương.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Những nguồn năng lượng vô biên mà con vừa tiếp nhận được, con xin truyền đạt cho cha con, cho mẹ con, cho những người con thương yêu: những người đã từng khổ đau, đã từng lo lắng, đã từng buồn khổ vì con, vì những vụng về và dại dột của con trong quá khứ, và cũng đã từng lo lắng buồn khổ vì hoàn cảnh khó khăn và không may của các vị. Con xin truyền đạt nguồn năng lượng ấy để nguyện cầu và tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho anh chị em của con, cho tâm hồn họ lắng dịu lại, cho khổ đau trong lòng (những) người ấy được chuyển hóa, cho (những) người ấy nở được nụ cười, cho (những) người ấy cảm nhận được niềm vui sống, cho (những) người ấy được nhẹ nhàng trong thân thể và an lạc trong tâm hồn. Con hết lòng cầu mong cho (những) người ấy có hạnh phúc và an lạc. Con biết nếu những người ấy có an lạc thì con cũng có an lạc. Con cảm thấy trong lòng con không có oán hận trách móc những người ấy một mảy may nào. Con lạy tổ tiên, ông bà trong gia đình huyết thống và trong gia đình tâm linh của con phù hộ độ trì cho người con thương, cho những người mà con đã nguyện thương yêu và chăm sóc. Con thấy con không còn là một cái ta riêng biệt mà con đã trở thành một với những người con thương.
Lạy thứ năm
(Xướng)
Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, người làm khổ con.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con mở rộng lòng ra để truyền đi năng lượng hiểu biết và lòng xót thương của con tới những người đã làm con khổ đau và điêu đứng. Con biết người ấy cũng đã đi qua nhiều khổ đau, đã chứa chấp quá nhiều cay đắng và bực bội trong trái tim nên đã làm vung vãi những khổ đau và bực bội của người ấy lên con. Con biết những người ấy không được may mắn, có thể là từ hồi còn bé thơ đã thiếu sự chăm sóc và thương yêu, đã bị cuộc đời dằn vặt và ngược đãi bao nhiêu lần. Con biết những người như người ấy chưa được may mắn được học, được tu, đã chứa chấp những tri giác sai lầm về cuộc đời và về con, nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con xin gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của con truyền năng lượng cho (những) người ấy, để cho trái tim của họ được tiếp nhận giọt nước cam lồ mà nở ra được như một bông hoa. Con chỉ cầu mong cho người ấy được chuyển hóa để người ấy tìm ra được niềm vui sống, để không còn giữ tâm hận thù mà tự làm khổ mình và làm khổ người. Con biết vì những người ấy khổ mà không tự chủ được nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con cũng cầu mong cho tất cả những ai đã làm cho gia đình con khổ, dân tộc con điêu đứng, kể cả những kẻ xâm lăng, cướp nước, những người hải tặc, những kẻ ích kỷ, dối trá và tàn bạo được nhờ ơn Bụt, ơn Tổ, ơn tiền nhân mà cải hóa. Con thấy họ khổ và nỗi khổ ấy đang kéo dài qua nhiều thế hệ và con không muốn giữ tâm niệm sân hận, oán thù. Con không muốn cho họ khổ. Con có gốc rễ nơi tổ tiên, nơi giòng họ huyết thống và giòng họ tâm linh; trái tim con đã nở ra như một đóa hoa, con xin buông bỏ tất cả mọi hiềm hận, một lòng cầu nguyện cho kẻ đã làm khổ con, làm khổ gia đình và dân tộc con được thoát vòng tai nạn và đớn đau, để họ có thể thấy được ánh sáng của niềm vui sống và an lạc như con. Tâm con không còn mang một mảy may trách móc và oán thù. Con xin truyền đạt năng lượng của con cho tất cả những người ấy. Lạy Bụt, lạy tổ, lạy ông bà chứng minh cho con.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top