Nhật ký một mùa

---


Ngày 12 tháng 8, năm 8 tuổi.

Mùa thu.

Thằng bé ấy đứng trên đồi cỏ, nhìn về phía tây ánh tà hồng.

Chiều thu như chiếc lá khẽ rụng.

Mây màu ảm đạm, gió hát ủ ê, lòng người cũng muốn héo.

Không hiểu sao, nó bắt đầu thích mùa thu.


Ngày 23 tháng 8, năm 9 tuổi.

Nó dạo thẩn thơ trên những bãi cỏ, thấy lá vàng rơi leo lắt.

Lá vàng xơ xác, lá vàng khô.

Buổi chiều thật hợp với mùa thu. Nhưng không đẹp khi cây tàn lá rụng.

Nó tự hỏi lá gì mới đẹp dưới chiều thu?


Ngày 29 tháng 7, năm 10 tuổi.

Có một gia đình từ xa xôi chuyển đến, nằm ở cuối con đường của khu dân cư nơi mái nhà còn thưa thớt.

Họ mang theo cây phong.

Xung quanh chỉ có cây phong này là duy nhất, nên mọi người đều quý cây phong. Thoạt đầu họ đến xem rất đông, khiến gia chủ cẩn tính phải theo ra giám sát. Có điều trà lạ khi quen, ít người còn tấm tắc, sự hiếu kỳ như con sóng thôi thúc rồi cũng gặp lúc triều hạ. Khi ấy cây phong lại cô độc dưới ánh chiều vàng, lặng lẽ buông lơi từng chiếc lá đỏ.


Nó muốn đi xem cây phong.

Cây phong một mình rụng lá ở ngõ cụt, người ta quên phong rồi.

Chỉ là trong mắt nó, cây phong thật giống mùa thu.


Ngày 2 tháng 10, năm 10 tuổi.

Nó đứng trước cây phong, ngạc nhiên vì một cô bé. Cây phong không cô độc.

Nó hỏi cô làm gì đó. Cô bảo cô đếm lá phong.

Lá phong rơi, rơi, rơi... nhưng cơ hồ cô không đếm. Chỉ thấy cô nhìn lên cây phong, cho đến khi cây phong không còn lá. Nó hỏi cô đếm được bao nhiêu. Cô bảo, cô không đếm nữa.

Cô chợt hỏi có thích cây phong? Nó lắc đầu, rằng chỉ thích mùa thu.

Cô nhìn nó, nhìn thật lâu, đến khi xung quanh im lặng và phía tây tan tản ráng tà, rồi cúi xuống nhặt một chiếc lá phong đưa về phía đối hữu: thu nhé!

Lá phong đỏ trên tay, cô cũng mặc bộ váy đỏ, đang chầm chậm bước vào nhà.

Phù tang xa xa, ánh chiều nghiêng ngả...


Ngày 5 tháng 10, năm 10 tuổi.

Cô bé dưới gốc cây phong hôm nọ là học sinh mới của lớp nó.

Nhớ lại sự kiêu kỳ của cô, nó bèn ngoảnh mặt ra cửa sổ.

Mọi người kéo đến chào bạn mới, cô lịch sự đáp lại, rất nhã nhặn, rất dễ nghe. Chỉ là dường như đối với cô, bạn bè đặt một mối quan tâm khác. Họ bàn tán về con búp bê xinh xắn, về những chiếc móc khóa dễ thương, một bản nhạc thời thượng hay những thần tượng mới nổi. Sớm nhận ra sự cách biệt, cô dần lặng im.

Không ai rõ cô đang nghĩ gì, quan tâm gì. Chỉ thấy xung quanh cô một khoảng cách nhất định.

Con người thường chỉ muốn quan tâm đến những kẻ cùng chung sở thích.


Họ không muốn thừa nhận sự ích kỷ, họ bèn chắp cánh cho lời ngụy biện, sở thích là mối tơ vương trên bức tượng tâm hồn. Tơ không cùng loại, không thể dệt thành tấm vải. Mà tượng, luôn rất cần y sắc điểm tô.

Lẽ ấy con người tự hiểu, nên để hòa đồng, người đeo thêm chiếc mặt nạ cười với những điều mà số đông thích dù người không ưa.

Ngày hôm đó, ngồi trong lớp, cô bé ấy vẫn trầm mặc.


Ngày 16 tháng 10, năm 10 tuổi.

Nó trông thấy cô – cô bé dưới gốc cây phong – đang ngồi dưới gốc cây cổ thụ trong trường, trên đùi đặt một cuốn sách, dáng điệu chăm chú.

Cách không xa, bạn bè cô nô đùa nhảy dây và chơi bóng đũa. Nó nhìn xung quanh cô một khoảng trống, rồi nhìn lại mình, cảm thấy chua xót cho sự cô độc.


Nó từng thấy bạn bè vây quanh cô hỏi han đủ chuyện, ngày cô mới vào lớp.

Nó từng thấy cô tiếp xúc với giáo viên, lễ phép và chuẩn mực. Trong mắt họ, vẻ nội tâm của cô mang một sự trưởng thành và chín chắn, chỉ là điều đó ở một cô bé lại có gì mất tự nhiên. Họ đối với cô dần ái ngại.

Bạn bè cũng thay đổi cách đối xử, kính nể mà ngại ngùng xa cách.

Nó cũng từng trông thấy cô đứng một mình trong phòng học vắng hoe sau khắc tan trường, nhìn ra cửa sổ, khó xử mà băn khoăn.


Con cừu dù trắng hay đen, chỉ cần bầy đàn của nó khác sắc, cũng sẽ có sự dị biệt.

Cừu sợ hãi sự dị biệt, cừu bèn khoác cho mình bộ lông của đồng bạn.

Nhưng cũng có con cừu, ngây ngốc giữ nguyên.


Ngày 28 tháng 10, năm 10 tuổi.

Nó thấy cô trò chuyện với cụ già bán bánh khoai chiên gần trường.

Chỉ có cụ già nói chuyện với cô, và cũng chỉ có cô mới ngồi nghe cụ nói.

Cụ nói rất dễ nghe, nhưng không ai thân với cụ.

Người ta hay đề phòng kẻ khéo nói, vì những lời hay ý đẹp, dễ thường là bình phong cho một tâm hồn hoàn toàn trái khác.

Thế nhân bản tính đa nghi, và vẫn hay chê bai sự vụng về dù chân thật.

Cô là kẻ khéo nói, nó cũng khéo nói...


Ngày 2 tháng 11, năm 10 tuổi.

Có một con chim bay lạc vào lớp, bối rối tìm lối thoát, đâm đầu vào cửa kính mà chết.

Các bạn nữ có chút hãi hùng, và hầu hết con trai thì cười rộ vì hành động ngu ngốc. Cô giáo không có trong lớp, họ bèn lấy cây thước gỗ gẩy xác con chim đi.

Giờ ra chơi, nó tìm không thấy xác con chim, chỉ thấy đằng sau lớp học, cô bé dưới gốc cây phong, đang ôm gối khóc thầm trước một nấm đất nhỏ.

Kẻ cô đơn thường yêu quý mọi thứ từ nhành cây ngọn cỏ, cho đến con dế con giun, tất thảy sự sống xung quanh mình. Có lẽ căn bản vì họ thấy vui khi ngắm nhìn một tâm hồn khác. Điều đó lấp đầy nỗi trống trải của sự cô đơn.

Cũng có lẽ, có kẻ đang ngắm nhìn một tâm hồn đồng điệu.


Ngày 20 tháng 11, năm 10 tuổi.

Sức học của cô quá khác biệt, trường chuyển cô sang lớp ưu.

Cô giáo có vẻ khá tiếc cho thành tích của lớp. Bạn học cũng không biết nói gì hơn ngoài câu chào tạm biệt đại diện của lớp trưởng, dù rằng họ có chút kém vui, tuy nhiên nhiều hơn là sự xa lạ.

Đến khi mọi người tề tựu ở sân trường dự lễ và tặng hoa, nó trông thấy cô một mình đứng trên bục lớp, trầm ngâm tư vị.

Sân trường nhộn nhịp, trong phòng lặng thinh, chỉ nghe những tiếng sột soạt rất khẽ, cô cầm một tay phấn một tay lau bảng, viết hai chữ rồi xóa ngay, "tạm biệt".


Nhiều người cho rằng, cừu trắng vẫn đẹp hơn cừu đen, và họ chỉ thấy được sự đẹp đẽ của màu trắng.


Cô bước ra khỏi lớp, bắt gặp nó đứng bên cửa, bối rối khẽ cúi đầu chào, rồi theo hướng ngược lại bỏ đi.

Những ngày cô còn ở lớp, nó chưa từng được xướng tên. Bạn bè cũng rất ít khi nhắc đến nó, dẫu có, cũng chỉ gọi bằng biệt danh.

Vừa rồi cô cũng chào nó bằng biệt danh.

Nó nhíu mày, dường như đã bỏ quên điều gì đó, không khỏi tiếc rẻ.


Lễ tan, học sinh nhan nhác ra về, cô giáo sắc mặt tươi như bó hoa trên tay bước vào phòng học trống. Hoa trong bình đã cũ, cô giáo muốn thay hoa, chợt vì một bông hoa khác mới thêm trong bình mà tư lự.


Ngày 29 tháng 11, năm 10 tuổi.

Lớp ưu tách biệt, giờ học cũng khác, nó ít khi nhìn thấy cô bé dưới gốc cây phong.

Hôm nay tan trường, lớp ưu cũng được nghỉ sớm, nó nhìn thấy bố mẹ cô trước cổng trường chờ đón.

Cô khẽ đến bên họ, với một sự trưởng thành chững chạc.

Ẩn sâu trên gương mặt bình hòa của họ một nét tự hào.

Nó chợt hiểu ra con cừu vì sao ngây ngốc.


...

Qua một mùa rụng cánh phượng vỹ.

Nó chưa từng gặp lại cô bé lớp ưu.

...


Ngày 3 tháng 10, năm 11 tuổi.

Nó lại đến ngắm cây phong.

Cây phong không còn lá, chỉ còn dưới đất phủ đầy sau những ngày không mưa, sắc đỏ chưa phai.

Nó gặp lại cô.

Cô đến sau lưng nó, khẽ chạm và khẽ hỏi, phong tàn vẫn muốn ngắm? Nó bảo nó đến ngắm mùa thu...

Cô mơ hồ nói, phong là thu?

Nó cầm chiếc lá ngày đầu cô trao, đưa lên khẽ gật.


Cô bé liếc sang lá phong đỏ, lướt qua ánh mắt có thần một chút ngạc nhiên, chợt nở nụ cười nhẹ trên gương mặt thường tư lự. Cô hỏi tên nó. Nó bèn chỉ lá phong. Cô bỗng tròn mắt nhìn với khóe môi lấp lửng, dường như muốn nhẹm một nụ cười...

Người ta bảo, con người vẫn luôn quan tâm những kẻ cùng chung sở thích.

Cây phong tàn ngày hôm ấy, như mang vẻ ảm đạm của một niềm hạnh phúc an nhiên.


Ngày 1 tháng 9, năm 12 tuổi.

Lại trôi qua một mùa phượng vỹ...

Cây phong rụng muộn.

Nó đứng chờ dưới gốc cây phong, lá rơi lả tả, thấy cô từ xa bước đến, tay ôm ấp một cuốn sổ bằng da nâu, lần đầu tiên vẻ mặt cô thật phấn khích.

Nó đã từng thấy cuốn sổ ấy trong sân trường, dưới một bóng cây, nằm trên tay cô đang cặm cụi viết lách.

Cô kể những câu chuyện của mình vào đấy, ao ước trở thành một nhà văn.

Nó là độc giả đầu tiên cô mời đọc.

Chữ cô có phần nguệch ngoạc, chi chít gạch xóa, nó hơi ngạc nhiên khi tính cách và bề ngoài cô mang một vẻ cẩn trọng.

Có điều để viết ra một câu chuyện khó khăn đến thế nào, chỉ kẻ đồng đạo mới thấu hiểu. Nhưng mà thực sự đọc không ra, nó bèn trả lại với vẻ ngây ngơ của người từ trên rơi xuống. Cô tiu nghỉu như một lá phong đỏ chuyển vàng, xấu hổ nhận lại cuốn sổ, lê bước trở vào nhà.

Nó chợt thấy mình vụng về một cách tội lỗi.


Ngày 13 tháng 9, năm 12 tuổi.

Cô viết lại toàn bộ câu chuyện bằng một sự nắn nót cực kỳ nhẫn nại.

Nhìn hàng chữ thẳng tắp xinh xắn, thể hiện đơn giản không cách điệu khoa trương, nó chợt thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc khó tả. Có lẽ là người ai cũng đều cảm mến cái đẹp, dù tinh tế sắc sảo hay bình dị giản đơn.

Những đoản văn kia cũng thế, đã kéo hồn cậu bé vào trong cơn du mộng, thời gian như vắng đi sự tồn tại, để tâm trí ở lại với nghệ thuật trường cửu, một nỗi văn chương đẹp.

Đẹp, dù còn thơ ngây.

Người ta bảo, văn chương là tâm hồn tác giả.


Nó khẽ liếc qua vẻ mặt bình thản kia ẩn ước nỗi âu lo bồn chồn lẫn sự hồi hộp, cảm thấy tâm hồn kín đáo của cô còn che giấu nhiều điều chưa hiển lộ. Bất giác mà tò mò.

Nó mượn cô cuốn sổ, cô ngạc nhiên bối rối.

Nó bảo sẽ trả vào một ngày không xa, mỉm cười tinh nghịch rồi chạy biến. Thoáng thấy cô có chút hốt hoảng, xịu mặt mà băn khoăn.


Ngày 19 tháng 9, năm 12 tuổi.

Dưới ánh chiều tà và lá phong rụng.

Cô đến chờ sẵn, nhưng bạn hữu không thấy đến như thường lệ.

Năm bước bên cạnh cây phong có một thân cây gỗ bị đốn, trên thân có một cái hốc. Trong cái hốc là cuốn sổ da nâu. Cô ngạc nhiên cầm lấy cuốn sổ.

Cuốn sổ là nhật ký, cô kể về hai đứa trẻ dưới gốc cây phong. Nhưng cô dừng lại khi bắt đầu kể về cậu bé. Cô không biết cậu bé nghĩ gì.

Bên dưới những dòng màu xanh cô viết, thêm những đoạn mực đen. Nó kể tiếp những gì cô không thể kể.

Trái lại, nó cũng không biết cô bé trong nhật ký nghĩ gì.

Nhìn những con chữ nắn nót một cách lộ liễu, mặc dù vẫn xấu tệ, cô bật cười một cách thích thú.

Chỉ là, văn chương tương xứng.


Ngày 23 tháng 9, năm 12 tuổi.

Là ngày mỗi tháng cô hẹn nó cùng ngắm lá phong. Nó hỏi vì sao chọn ngày ấy, cô bảo, 23 là ngày thu phân.

Nó nhíu mày, thu phân như một cái tên mang đến cảm giác khó chịu lạ lùng.

Cô đặt nhật ký vào trong hốc cây gỗ, bảo nó hôm sau mới được lấy.

Hôm nay chỉ ngắm lá phong rơi.

Hoàng hôn buông xuống.

Cây phong dường như kém sắc.


Ngày 23 tháng 9, năm 13 tuổi.

Những lần gặp cô ngày càng ít đi, hầu như chỉ còn dịp ngắm mùa thu rụng. Nó chỉ còn biết nhìn cô trong những đoạn văn hai người song bút qua nhật ký.

Cô được nhiều người kỳ vọng, càng trưởng thành càng được quan tâm, thời gian cho bản thân càng khe khắt.

Nó không muốn nhắc đến điều đó, bởi dường như chính cô cũng không vui.

Hôm ấy cây phong hơi tàn.

Nhật ký nằm lặng lẽ trong hốc cây gỗ. Gió nhẹ thổi qua, cô đưa tay ho khẽ.

Nó chợt nhận ra sắc diện cô có phần tiều tụy.

Chỉ là muốn hỏi, cô lại ra ý đừng bận tâm.

Cả hai người cùng im lặng...


Ngày 23 tháng 9, năm 14 tuổi.

Năm tháng trôi qua, cây phong rụng lá càng nhiều, giấy trắng nhật ký càng ít.

Nó đến trước nhìn vào hốc cây gỗ, nhật ký đã nằm trong đó, nhưng cô không còn đợi dưới gốc cây phong.

Nói nhíu mày, chợt lo âu mà buồn man mác, nhìn lá phong rơi như một sự an ủi.

Ánh xế phía tây, bóng người đổ dài trên đất, lá trên cây rụng cả rồi, mà người không hiểu sao còn dùng dằng chưa đi.

Cô lại đến sau lưng nó, khẽ chạm và khẽ hỏi, phong tàn sao vẫn còn đợi?

Nó bảo nó chờ thu lên.

Cô bật cười khẽ cho câu trả lời ngây ngốc. Rồi không biết nói gì, lại cúi đầu lặng im, chợt nhiên khó xử.

Có tiếng người nhà vọng ra, gọi cô lo lắng, cô bèn bước đến hốc cây gỗ, lấy cuốn nhật ký trao tay bạn song bút. Khẽ cười một cái rồi trở vào.

Nụ cười của cô mang một vẻ âu sầu khôn tả.


Ngày 4 tháng 10, năm 14 tuổi.

Nó mang nhật ký đến dưới cây phong, biết rằng cô không có đó, bèn lặng lẽ lấy nhật ký bỏ vào hốc cây.

Dưới đất phủ đầy lá phong đỏ, trong cuốn nhật ký cũng một lá phong. Lá phong ngày đầu cô trao, nó ép trong nhật ký.

Liếc vào trong thấy ngôi nhà im ắng, nó thở dài bước đi, chợt nhiên ngoái lại, cây phong dường như đang ngày càng héo.


Ngày 23 tháng 9, năm 15 tuổi.

Một mùa phượng vỹ trôi qua, chưa một lần cô lấy cuốn nhật ký.

Bên trong ngôi nhà lặng như tờ, trên sân đầy lá rụng.

Nó chợt nhận ra cô không còn ở nơi đây nữa, thẫn thờ mà nhìn cây phong úa.

Cây phong đã từ khi nào không mọc lá trở lại, lá dưới đất cũng tàn tạ cả rồi.

Chỉ còn cuốn nhật ký nằm lặng trong hốc cây.

Cuốn nhật ký vẫn ở chỗ cũ, nhưng lá phong ép bên trong không còn, hiểu ra từ đầu đã có người tạm biệt.

Có điều mỗi ngày đều đến đây, sự trống vắng đáng ra từ lâu phải nhận thấy, mới biết rằng nhân gian cố chấp.

Nó cũng chỉ là một kẻ trong nhân gian.

Không biết đã ngồi bao lâu, trời chiều lại xế. Mùa thu vẫn luôn ảm đạm.


23 là ngày thu phân...


Ngày 26 tháng 10, năm 15 tuổi.

Nó phát hiện ra những trang giấy cuối cùng nhật ký, một đoản văn tùy bút.

Hàng chữ vẫn thẳng đều xinh xắn, chỉ không biết cô viết đoản văn này từ bao lâu, mà nếu không đọc, không biết rằng trong tâm kẻ viết đoản văn ẩn chứa sự gì, cũng không biết rằng, kẻ viết đoản văn thân mang bạo bệnh.

Nhớ lại những lần gặp cô sức khỏe yếu ớt, chợt nhận ra mọi điều đều phát giác chậm trễ, tự trách mình kém tinh tế.

Chỉ biết nhìn lại đoản văn.

Đoản văn nhẹ nhàng như một nụ cười mỉm, cơ hồ cô muốn dành cho nó một sự trấn an, dù rằng ẩn khuất sâu trong nụ cười kia, một nỗi bi ai thống khổ tột cùng.

Văn chương là tâm hồn tác giả...

Mà kẻ cần trấn an, lại thường rất giỏi trấn an người khác.


Ngày 8 tháng 9, năm 16 tuổi.

Nó có thư báo.


Bạn thân từ ngoại quốc nhắn về, rằng cô ở bên ấy điều trị.

Trong thư đi kèm một chiếc vòng cô gửi tặng, vòng hạt đeo tay xanh ngọc bích.

Nó tự hỏi tại sao không gửi lá phong, hay chiếc vòng mang một hàm ẩn?

Lạingẩn ngơ nhớ rằng, mình vẫn luôn kém tinh tế.


Ngày 4 tháng 10, năm 16 tuổi.


Nó gặp lại cụ già bán bánh khoai chiên.

Mắt cụ đã mờ, cụ không bán nhiều bánh khoai như trước nữa.

Chỉ thấy trên tay cụ cũng một chiếc vòng, người ta gọi là tràng hạt.

Nhìn chiếc vòng vướng trên tay người làm bếp, nó hỏi cụ vì sao đeo vòng.

Cụ bảo, bởi vòng không có kết thúc.

Nó chợt hiểu chiếc vòng cô đưa. Trông lại cụ già mắt không còn tinh mà trí vẫn sáng, không khỏi cảm phục.

Người có tuổi trải trường đời dày dạn, thường ẩn ý cao siêu, mới biết lá ngọn không đậm bằng lá gốc.


Cô từng hỏi nó vì cớ gì ham thích văn chương. Nó lắc đầu không rõ, chỉ nói rằng có rất nhiều người vì yêu thích văn chương, đến với văn chương để tìm hạnh phúc.

Cô trầm ngâm tư lự, bảo rằng cô biết hạnh phúc giản đơn, cô không đi tìm hạnh phúc. Cô tìm sự trường tồn.

Và vòng tròn như một sự trường tồn, hoàn mỹ không gấp khúc. Nó bỗng từ đấy thích hình tròn.

Chỉ không biết, cô tìm vòng tròn nào ở chốn văn chương?


Ngày 15 tháng 10, năm 16 tuổi.

Nó tìm đến dưới cây phong.

Ngày qua tháng lại, cây phong đã lụi tàn.

Nó lấy chiếc vòng treo lên cây phong, bảo rằng phong hãy nhẫn nại.

Chiếc vòng như bùa hộ mệnh, nó tin rằng phong sẽ trường tồn, như hốc cây gỗ kia, đã trăm năm không mục.


Ngày 25 tháng 9, năm 17 tuổi.

Mùa phượng vỹ trôi qua, mùa lá rụng đến.

Bạn thân gửi về một lá phong đỏ, lá phong đã cũ màu, một chiếc lá phong ép.

Bao năm gặp lại, chợt thấy lá phong thê lương.

Bạo bệnh không tìm được thuốc chữa.

Hung tin như cơn sóng dữ xô đổ một góc tinh thần.

Góc nhỏ còn lại, thẫn thờ nằm trong nhật ký.

Đoản văn ngắn, mệnh người cũng ngắn. Cơ hồ vốn là một điềm báo tường minh, chỉ có kẻ cố chấp không cho là vậy, trách chi lên xuống vô thường?


23 là ngày thu phân...


Ngày 29 tháng 9, năm 17 tuổi.

Nó đến tìm cây phong.

Cây phong đã chết, người ta đốn phong rồi, chỉ còn dưới gốc cây phong chiếc vòng lơi lả đứt.


Cô không viết tiếp nhật ký, nhật ký dang dở không hồi kết, chợt hiểu thấu chiếc vòng của văn chương.

Câu chuyện hai đứa trẻ dưới gốc cây phong mới thực sự trường tồn.

Nhưng chỉ e một ngày nhật ký cũ nát.


Ngày 2 tháng 10, năm 17 tuổi.

Dưới ánh hoàng hôn không còn lá phong rụng.

Cuốn nhật ký nằm trên gốc cây phong, cùng vùi trong sắc lửa đỏ, nguyên hóa.

Nó đứng bên ánh tà nhân gian, nhìn một bên phù tang bóng xế, chợt thấy có phần thanh thản.

Nhật ký khép lại.

Mùa thu vẫn luôn ảm đạm.

---Nhật ký một mùa---

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top