C4 - CỬA SỔ NHÀ HÀNG XÓM
- Đến bao giờ tớ mới tìm được tình yêu đích thực cậu nhỉ?
- Chuyện đó hơi khó xác định. Chắc phải chờ một người con gái.
- Con gái?
- Ừ, cô ấy sẽ lôi vai cậu xềnh xệch và chỉ cậu xem tình yêu ở đây, tình yêu ở kia, và tình yêu ở kia nữa.
- Như kiểu một nhà tiên tri phải không. Mà này, cậu đùa tớ hả?
- Hì hì, ý tớ là, cậu sẽ không bao giờ biết mình đang yêu, cho đến khi sống giữa tình yêu ấy. Hiểu chưa?
*****
Lúc nào Khiết Anh cũng như vậy, y như bà già. Nó giống với một cố vấn tâm lý, giải quyết mọi thắc mắc của tôi. Hai nhà gần nhau, khi nào cần giải đáp là tôi lại chạy biến qua hàng xóm, gõ nhẹ vào cửa sổ vài tiếng, thế là Khiết Anh thò đầu ra, khuôn mặt lơ ngơ ngái ngủ. Hè lớp 6, tôi vô tình nghe được một cụm từ khá "người lớn", thế là lại tò mò qua hỏi bạn. Có vẻ Khiết Anh không biết thật:
- Đợi tớ một chút, chắc đâu trong từ điển thôi.
Tiếng dép lẹt quẹt vào nhà. Lát sau, Khiết Anh thò ra, nhìn tôi bằng khuôn mặt đỏ bừng và biểu cảm kì lạ hết sức:
- Thôi cậu ạ, từ này không nói ra được đâu. Kiểu như tên Chúa tể hắc ám ấy.
- Ghê vậy ư? - tới lượt tôi kinh hoàng.
Thế là hôm sau đi học, dù không nói với Khiết Anh, nhưng tôi ngấm ngầm bỏ trong cặp một chiếc đũa. Chúa tể hắc ám, biết đâu hắn sẽ nhảy xổ ra tấn công. Khi đó, tôi sẽ dùng quyền năng (vẫn còn tiềm ẩn) của mình chống lại hắn, bảo vệ Khiết Anh và cả lớp.
Sau này lớn rồi tôi mới biết, Chúa tể hắc ám chắc chắn không thèm chiến đấu với một thằng nhóc đến kiến thức sinh lí cơ bản cũng không biết. Giữ chuyện ấy như kỉ niệm, một bữa cơm cao hứng, tôi kể lại cho cả nhà. Bố vỗ vai tôi, cười khà khà vì thằng con ngốc nghếch:
- Hồi đó con chẳng xem con bé đấy là con gái nhỉ?
Tôi cũng toét miệng ra phụ họa. Cơ mà, cho đến hôm nay, thi thoảng tôi cũng quên mất Khiết Anh là con gái.
*****
- Con gái gì mà đen nhẻm, mắt lúc nào cũng lờ đờ vì đeo kính quá nhiều.
- Cậu tả tớ ghê quá! Nhìn chung cũng được mà - Khiết Anh huơ huơ chân, trên đó, một con mèo bông đang rung rinh hàm râu đắc ý.
- Ừ, dép đẹp đấy.
- Không, tớ nói tớ kia kìa.
- Người ta chỉ khen mình đẹp khi không có ai khác khen thôi - tôi giả vờ đẩy gọng kính tưởng tượng, nhái lại cái giọng giảng giải chậm đều của Khiết Anh.
Hai đứa lăn ra cười ha hả. Khiết Anh chẳng giận vì những chuyện cỏn con thế này đâu. Đã nói rồi, không giống con gái mà. Cấp hai đã trôi qua với những phút giây tưng tửng như thế.
Năm mười bảy tuổi, nhà tôi và Khiết Anh vẫn bên nhau gần khít. Mỗi chiều về cùng nhau, tôi xoay quả bóng rổ trên tay, tự thấy mình phong độ. Tối tối, tôi lại chạy qua gõ cửa căn phòng nhỏ, chờ một khuôn đầu thò ra để hỏi bài. Phòng Khiết Anh không thay đổi nhiều, có chăng, giờ đây tôi đã cao hơn để ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh. Để giảng cho tôi, "giáo viên cận thị" phải ngẩng đầu lên một chút. Một chút thôi, vì Khiết Anh cao nghều.
- Tuổi dậy thì của cậu bị ai lấy cắp mà giờ chẳng xinh thêm tí nào vậy hả?
- Ở bên cậu chứ đâu - Khiết Anh đáp, mắt vẫn chăm chỉ nhìn xuống quyển tập đại số. Có điều, tôi thấy vành tai cô bạn hơi đỏ lên.
- Ây dà, tập trung vào đi, tớ giảng bài này đến ba lần rồi. Hôm nay cậu bị sao vậy?
- Này cậu, An Hòa lớp bên xinh quá phải không? Trông dịu dàng sao ấy - tôi đáp, đồ thị hình sin đạt tới cực đại mơ màng.
- Không biết - Khiết Anh đáp gọn.
Ố ồ, nữ cường nhân, siêu bác học của tôi phán "không biết". Một điều vô cùng hiếm hoi trong lịch sử tình bạn của hai đứa. Nhưng khi ấy, đầu óc tôi đơn giản đến mức đã "phiên mã" và "dịch mã" hai chữ không biết thành ý nghĩa thế này:
- Cậu không biết bạn ấy là phải rồi. Để mai đi học tớ chỉ cho - tôi hào hứng.
*****
Ngày hôm sau, tôi bị thầy nhắc nhở vì không tập trung trong giờ đại số. Việc đó không làm ảnh hưởng mấy đến tâm trạng một thằng nhóc đang mơ màng về bạn nữ lớp kế bên. Chủ đề về An Hòa vẫn được tôi kiên trì tiếp tục mỗi khi chúng tôi có thời gian nói chuyện với nhau. Vào một ngày trời thu xanh ngát, khi tung tẩy quả bóng màu da cam trên tay, tôi run run, nói với giọng xúc động hết mức:
- Hôm qua lúc đi chơi tớ có nói mến An Hòa cậu ạ.
- Trong rạp phim phải không?
- Ừ, sao biết hay vậy - tôi há miệng, hớp một hơi ngạc nhiên đầy trong phổi.
- Chưa hết đâu. Rồi An Hòa trả lời rằng cũng thích cậu lắm chứ gì - Khiết Anh chép miệng. Chưa kịp đợi tôi xác nhận, cô bạn kết luận - Đứa con gái nào ở gần cậu chẳng thế.
Tôi vẫn đắm chìm trong niềm hạnh phúc mới mẻ ấy, cười hân hoan trên cả quãng đường. An Hòa, A Hòa, cái tên mà chỉ cần nhắc đến thôi là tim đã reo lên rồi. Nhưng có vẻ Khiết Anh trầm tư hơn thường lệ. Đến lúc chia tay, tôi gọi:
- Khiết Anh ơi.
Cô bạn ngước cao cặp chân mày dưới gọng kính viền đen.
- Thế chúng tớ là người yêu nhỉ?
- Không - Khiết Anh gắt - chỉ được gọi An Hòa là "nàng thơ" thôi.
- Nàng gì? - tôi ú ớ.
- Nàng thơ. Người yêu nghe thường lắm!
*****
Một tối, sau khi đưa An Hòa về, tôi lại gõ cửa căn phòng của cô bạn nhỏ. Một lúc lâu sau, cánh cửa mới từ từ mở ra, đôi mắt đỏ hoe cho tôi biết:
- Cậu khóc à?
- Ơ, ưm ... không gì cả - tiếng Khiết Anh lạc đi, nghe nghèn nghẹn. Nếu là bình thường, tôi đã cười phá lên vì chất giọng tựa vịt đực này.
Chìa ra hộp ốc móng tay xào sa tế, tôi tử tế bảo:
- Thôi, nín đi rồi ăn. Mê món này nhất còn gì nữa. Mà này, vì sao khóc hả?
Đến giờ tôi nghiệm ra là muốn dỗ một người con gái khóc thì đừng dại dột hỏi "vì sao?". Vì khi ấy, cô ấy sẽ kể lể cho bạn hàng trăm vấn đề mà cuối cùng, bạn sẽ phải hỏi lại "cuối cùng là ... vì sao?". Nhưng Khiết Anh chưa kịp nói gì thì tôi đã tái phạm sai lầm thêm lần nữa:
- Ủa? Vì sao phòng cậu trống trơn vậy?
Lần này, cô bạn khóc đến mức tôi không nghe được gì ngoài những tiếng nấc. Được một lúc thì nguôi đi, Khiết Anh bảo:
- Tớ sắp đi du học rồi. Đúng ra không gấp vậy, nhưng ở "bên đó" có chuyện nên tớ phải thu xếp đi gấp. Chắc một tuần nữa thôi, giấy tờ cũng gần xong hết.
Dường như việc nhắc lại đã trở nên quá sức, nước mắt Khiết Anh lại lã chã rơi. Chịu hết nổi, tôi ôm cô bạn vào lòng, khe khẽ vỗ về đôi vai nhỏ. Đêm hôm ấy, sau rất lâu, tôi không muốn nhắc đến An Hòa. Mà ... cái thứ ốc xào sa tế này khiến mắt tôi cay quá đi mất!
*****
Tuần sau đó, Khiết Anh không đi học. Mọi thứ trong cuộc sống của tôi bị đảo lộn khủng khiếp. Các bài tập trở nên khó dần và thức ăn trong canteen thì dở quá mức. Thấy bóng tôi, cô cấp dưỡng hỏi:
- Lại ô mai nữa hả con?
Tôi cười buồn, thôi cô ạ, hôm nay bạn ấy nghỉ học. Giờ ra về, trái bóng nằm im trong tay tôi, thôi tung tẩy xoay tròn lên xuống.
- Hôm nay Kiên sao vậy? - An Hòa lo lắng.
- À không, không có gì.
Chẳng hiểu vì sao, việc chia sẻ với An Hòa lại trở nên khó khăn. Tôi có cảm giác rằng mình sẽ phải gìn giữ hình tượng "hot boy bóng rổ" trước cô ấy. Vì vậy, khó mà có thể than thở về chuyện hôm nay đi học chả tiếp thu được cóc khô gì, rằng bỗng dưng ghét đi bộ về quá, rằng chả thèm xì xụp vét những miếng nước sốt cuối cùng trong đĩa ốc sa tế ... Những điều trước đây tôi hay kể lể với Khiết Anh, một cách thật lòng và tự nguyện.
- Ngày mai mình đi xem phim nhé - An Hòa đổi chủ đề.
Bỗng dưng, tôi thấy mệt mỏi vì lời đề nghị. Nhưng chẳng có lí do gì để từ chối một cô gái tuyệt vời thế này cả, cho đến khi tới trước cổng, và nhìn sang căn hộ hàng xóm với cửa sổ khép hờ. Tôi rút điện thoại, nhắn 1 tin thông báo hủy hẹn cho An Hòa.
****
- Cuối tuần không đi chơi à? - Khiết Anh hỏi, vẫn đang phân vân về việc nên đem theo gấu bông hay chiếc gối ngủ thân quen.
- Đừng chọn gấu - tôi nói, chẳng ăn nhập lắm. Nhưng Khiết Anh gật gù ra vẻ hiểu rồi.
Có vẻ Khiết Anh chấp nhận việc xa nhà dễ dàng hơn tôi, vì tôi chẳng thể tin được là mình sắp xa người mình yêu quý. Giữ tay cô bạn lại, Khiết Anh tròn mắt ngượng ngùng. Tôi nói một câu, cũng hơi vô duyên, nhưng thói quen thổ lộ lòng mình không ngần ngại đã khiến tôi chẳng thể kìm lòng:
- Khoan kéo vali lại, cậu ... đem tớ đi theo được không?
Dẫu gì, đó cũng là phân cảnh sến sủa cuối cùng. Vì sau đấy hai đứa lại bò ra mà cười. Một lát thôi, nhưng Khiết Anh có vẻ tươi tỉnh và tim tôi cũng bớt nôn nao. Sau khi ăn no nê món bánh nướng và chocolate nóng, tôi no căng, mắt chỉ muốn híp lại. Nhưng Khiết Anh vẫn ngồi, chân đung đưa trên chiếc giường nhỏ:
- Này cậu.
- Chuyện gì thếếế? - câu trả lời bị tiếng ngáp làm cho dài lê thê.
- Phải tự chăm sóc mình thật tốt nhé. Có thế, cậu mới chăm sóc tốt cho "nàng thơ" được. Tớ phát hiện ra cậu có những thói quen rất xấu, tập bỏ dần đi. Trên lớp học phải tập trung vào (...) nhớ đừng gõ cửa to tiếng (...) tớ ...
Những lời dặn dò đều đều của Khiết Anh khiến tôi dần chìm vào giấc ngủ. Cho đến khi cô bạn bực bội đá chân tôi một cái rõ đau, thì tôi mới lọ mọ tỉnh dậy. Nhìn Khiết Anh vừa càu nhàu vừa sụt sịt cánh mũi, thấy thương bạn mình hết sức. Có lẽ, điều khiến Khiết Anh lo lắng nhất khi đi xa, là tôi.
*****
Ngày tiễn Khiết Anh đi, trời không mưa sùi sụt. Chắc vì vậy nên tôi chẳng có dịp để bánh bèo trong bình minh nắng mới. Kéo cô bạn ra một góc, tôi nhắc nhủ:
- Không được quên tớ nha.
Bất chợt cô bạn ngượng ngùng:
- Ừm, thật ra vì tớ sợ nhớ cậu quá nên tớ chả đem theo quà kỉ niệm gì sất.
- Thế thì mang cái này theo đi.
Tôi chìa tay ra, bên trong trống không chẳng có gì. Sau vài phút thinh lặng, Khiết Anh đặt nắm tay nhỏ nhắn của mình vào trong lòng bàn tay tôi, nắm nhẹ. Tôi giật mạnh bàn tay ấy rồi kéo ra phía sau. Khiết Anh trong vòng tay tôi, nhỏ bé. Bỗng nhiên nhận ra cô bạn đã trưởng thành và nữ tính rất nhiều. Lùa tay vào làn tóc mềm mượt, tôi nhắc:
- Về với tớ sớm nhé.
Chiếc máy bay cất cánh, tất cả trở nên mờ dần, trong mắt nhau. Tôi có thể mường tượng ra trên vòm trời cao kia, Khiết Anh đang xoa hai tay nắm vào nhau. Bất giác, tôi cũng nắm chặt tay mình. Thi thoảng cao hứng, tôi lại ghé qua căn phòng nhỏ có cửa sổ gỗ nhỏ, gõ vài tiếng nhẹ nhẹ. Dĩ nhiên, không có khuôn mặt ngái ngủ nào xuất hiện. Nhưng lại chẳng buồn bã nhiều. Phút chốc, tôi nhận ra Khiết Anh ở đây, Khiết Anh ở kia, và Khiết Anh ở kia nữa. Ở tất cả mọi ngõ ngách tồn tại kỉ niệm giữa chúng tôi. Đã có lần Khiết Anh nói rằng khi một cô gái xuất hiện, và tôi thấy mình an yên trong tình cảm với cô gái ấy, điều đó có nghĩa là ...
Ơ mà, là gì ấy nhỉ?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top