I: Ngày tôi chào đời, là ngày vui nhất của gia đình...
Một ngày mùa hè năm 2002...
Phải nói rằng, đó là một mùa hè vàng óng. Người người, nhà nhà đều ra đồng bên những cây lúa đã trổ bông. Khắp các con đường trong làng Hạc Oa, đâu đâu cũng thấy ánh vàng lấp lánh từ những hạt lúa phơi đầy sau khi tuốt. Hồi đó, cả làng chỉ có một chiếc máy tuốt lúa dùng chung cho cả hai thôn, bởi kinh tế chưa đủ khá giả để sắm thêm máy. Suốt từ sáng đến chiều, cảnh người người phơi lúa, nhà nhà phơi lúa trở nên thật đỗi quen thuộc và bình yên.
Trong ngôi nhà của tôi...
Theo lời mẹ tôi kể lại, khi đó tôi đã nằm trong bụng mẹ được khoảng sáu, bảy tháng. Lúc này, hầu hết công việc trong nhà đều có sự giúp đỡ của bố tôi và cả ông bà nội. Nhân tiện, tôi muốn chia sẻ một chút về gia đình mình: Ông nội tôi từng là lính thông tin, từng tham gia chiến đấu ở Xiêng Khoảng (Lào) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau đó trở về làm cán bộ nông nghiệp ở thôn. Nhà tôi còn có một khu vực xát gạo - cũng là nơi làm việc của ông nội tôi, nơi bà con trong thôn thường mang thóc đến để xát thành gạo – vừa để ăn, vừa để bán kiếm thêm thu nhập. Bà nội tôi tuy là một nông dân, nhưng trước kia học rất giỏi, từng là Đại biểu Hội đồng nhân dân xã, rồi sau đó là huyện vào những năm sau 1975. Ông bà nội có bảy người con: bốn gái và ba trai. Tôi là con trai cả của người con trai thứ hai, cũng là người con thứ tư của ông bà.
Bố tôi trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn, vừa học vừa chăn trâu cắt cỏ, nhưng vẫn nỗ lực học tốt và sau đó theo học tại một trường trung cấp kỹ thuật quân đội ở Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp, bố về làm việc tại Nhà máy Z111. Mẹ tôi cũng là công nhân, làm việc trong một nhà máy xuất nhập khẩu thủy sản tại cảng Lễ Môn. Công việc của mẹ khi đó vô cùng vất vả vì tính chất đặc thù về môi trường làm việc và thời gian sáng đi tối về. Từ nhỏ, mẹ tôi đã gặp nhiều khó khăn, một phần vì là con út trong gia đình không mấy khá giả. Điều đó khiến mẹ có rất ít lựa chọn cho tương lai của mình, mặc dù mẹ tôi cũng xuất thân là học sinh lớp chọn Văn của trường Hoằng Hóa 1 (nay là trường Lương Đắc Bằng). Có lẽ vì thế, khi mang thai tôi, mẹ luôn hy vọng rằng cuộc sống của tôi sau này sẽ đỡ vất vả hơn. Dù gian khó thế nào, mẹ vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình, kể cả tôi.
Bố mẹ tôi cưới nhau vào cuối năm 2001, và mẹ tôi trở thành con dâu đầu tiên của ông bà nội. Hay nói cách khác, bố tôi là người con trai đầu tiên trong gia đình cưới vợ. Dù thời điểm đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, cả trong công việc đồng áng lẫn những lo toan riêng của từng thành viên, nhưng gia đình nội ngoại tôi vẫn luôn hòa thuận.
Ông bà nội rất quý mẹ tôi, có lẽ vì mẹ là con dâu đầu tiên trong nhà. Tình cảm ấy càng thêm sâu đậm khi mẹ mang thai con trai đầu lòng – chính là tôi đây. Chú tôi, khi đó là sinh viên năm nhất đại học, cũng thường xuyên đi đi về về giữa Hà Nội và Thanh Hóa để thăm bố mẹ tôi cùng cháu trai sắp chào đời. Bên ngoại cũng không kém phần thân thiết. Ông bà ngoại tôi rất quý bố vì sự chỉn chu trong công việc và nhiệt tình giúp đỡ các công việc bên nhà vợ.
Quay trở lại câu chuyện, khi ấy là một buổi chiều. Mẹ tôi đang ngồi xem TV trong nhà. Hồi đó, truyền hình không có nhiều sự lựa chọn như bây giờ, chỉ có bốn kênh Analog: VTV1, VTV2, VTV3 và TTV Thanh Hóa. Mẹ bảo lúc ấy đang xem một bộ phim gì đó trên TTV Thanh Hóa, có vẻ rất chăm chú. Bỗng nhiên, khi đang xem, tôi – cậu bé nghịch ngợm trong bụng mẹ – lại đạp mạnh một cái. Mẹ giật mình. Đúng lúc đó thì bố tôi về. Bố tôi hỏi:
- Sao em tự nhiên lại giật mình thế? Con lại đạp bụng à?
Mẹ tôi trả lời: "Vâng! Chắc là con nó phản đối bộ phim em đang xem ấy mà, chắc có nội dung gì đó khiến nó sợ hoặc nó thấy không hợp thôi!". Câu trả lời rất chi là "trêu đùa" bố tôi nên bố tôi cũng phì cười. Dù đạp một cú khá là mạnh, nhưng mẹ khi ấy không thấy khó chịu mà còn cười, xoa bụng như muốn dỗ dành tôi. Những lần tôi đạp như thế khiến mẹ vừa mệt nhưng cũng vui, vì mỗi cú đạp là một dấu hiệu cho thấy tôi đang khỏe mạnh, lớn lên từng ngày. Một lúc sau, bố tôi nhìn lên quyển lịch treo tường, thấy đã sắp sang tháng 8, bố tôi nói:
- Nhanh thật đấy, em cũng đã có bầu gần 32 tuần rồi nhỉ?
Mẹ tôi nghe vậy liền gật đầu, ánh mắt thoáng chút mơ màng như đang đếm ngược từng ngày để gặp tôi. Mẹ xoa nhẹ bụng, khẽ nói:
- Vâng, cũng sắp đến lúc rồi. Không biết con trai chúng ta sẽ trông thế nào anh nhỉ?
Bố tôi mỉm cười, tiến lại gần, vừa chỉnh lại tấm lịch treo tường vừa đùa:
- Chắc chắn là đẹp trai giống bố, nhưng tính cách thì hy vọng giống mẹ – dịu dàng, kiên nhẫn. Và hơn hết, là học giỏi như bố mẹ nó nữa.
Cả hai người bật cười, tiếng cười hòa lẫn với tiếng quạt trần đang quay đều đều trong căn nhà. Buổi chiều ấy thật yên bình. Những tia nắng cuối ngày len qua khung cửa, rọi vào bức tường nơi có tấm lịch, như cùng đếm ngược đến ngày tôi ra đời.
Mẹ tôi kể rằng, từ sau hôm đó, bố mẹ bắt đầu chuẩn bị dần cho sự xuất hiện của tôi. Một cái nôi nhỏ được đặt gần giường, vài bộ quần áo trẻ em cũng đã được mua sẵn, cùng những lời dặn dò từ ông bà nội ngoại để chăm sóc trẻ sơ sinh. Không khí trong nhà khi ấy lúc nào cũng ấm áp và đầy hy vọng. Có những đêm, bà nội tôi không ngủ được vì háo hức chờ đợi ngày cháu nội đầu tiên của mình ra đời. Bởi lẽ, trước đó bà nội tôi có toàn cháu ngoại thôi, khi mà cả hai bác gái và hai cô đều lấy chồng khi tầm mười tám đôi mươi, thời điểm này bà nội đã có 9 cháu ngoại: 3 chị gái, 3 anh trai và 3 người còn lại là em trai tôi. Mỗi lần nhắc đến tôi, bà nội lại cười rạng rỡ, đôi mắt ánh lên niềm vui xen lẫn sự mong chờ. Bà bảo với mẹ tôi rằng, cháu trai đầu tiên bên nội sẽ là niềm tự hào lớn, bởi gia đình đã có quá nhiều cháu ngoại, nay mới có cơ hội đón một cháu nội. Những đêm không ngủ được, bà thường ngồi bên hiên nhà, nhìn ra sân dưới ánh trăng mờ, lòng nghĩ đến hình ảnh một cậu bé tinh nghịch chạy quanh sân, gọi bà bằng giọng non nớt. Thỉnh thoảng, bà lại nhẩm tính xem còn bao lâu nữa đến ngày tôi ra đời, rồi quay sang nhắc bố mẹ chuẩn bị thêm những đồ dùng cần thiết. Có lần bà còn lặng lẽ đan một cái chăn len nhỏ. Ở trong nhà thì bà nội tôi lại đan len rất đỉnh, dù sau này khi tôi sinh ra bà đã không còn thói quen đan len nữa. Dù chưa biết mùa tôi sinh có lạnh hay không, nhưng bà nói:
- Làm sẵn thế này, nhỡ mùa đông đến, thằng cu có cái mà đắp.
Tấm chăn len ấy đơn giản, màu nâu nhạt, nhưng từng mũi đan đều chứa đựng tình yêu thương và sự chăm chút của bà. Đối với bà nội, tôi không chỉ là cháu nội đầu tiên, mà còn là niềm hy vọng, là một cột mốc mới trong hành trình của gia đình.
Cuối tháng 8...
Không khí trong gia đình tôi dường như càng náo nhiệt hơn. Thời tiết khi ấy đã chuyển mình sang thu, những cơn gió nhẹ thổi qua làm dịu đi cái oi bức của mùa hè. Trong nhà, mọi thứ đã được chuẩn bị đâu vào đấy: từ cái nôi nhỏ đặt cạnh giường của bố mẹ, đến bộ quần áo trẻ sơ sinh bà nội đích thân lựa chọn.
Mỗi ngày, mọi người trong gia đình từ ông bà nội đến bác trai, chú đến các bác gái, các cô đều hỏi thăm mẹ tôi xem hôm nay con có đạp nhiều không, có mệt hay khó chịu gì không. Bà nội còn cẩn thận nấu những món bổ dưỡng, bảo rằng để mẹ tôi khỏe mạnh, tôi trong bụng cũng sẽ lớn nhanh hơn. Bố tôi thì tranh thủ những lúc rảnh rỗi để sửa lại chiếc xe máy đã gắn liền với những năm tháng bố mẹ yêu nhau cho đến khi thành vợ chồng, chuẩn bị sẵn sàng để chở mẹ ra bệnh viện phụ sản tỉnh khi đến ngày sinh.
Buổi tối, cả nhà thường quây quần nói chuyện, và chủ đề không gì khác ngoài việc tôi sắp ra đời. Mỗi người một dự đoán: tôi sẽ giống bố hay giống mẹ, sẽ là một cậu bé hiền lành hay nghịch ngợm. Chú tôi, từ Hà Nội về thăm nhà, trong một buổi tối nọ còn đùa với bố mẹ tôi:
- Không khéo cháu em lại giống bà nội nhiều nhất, cái gì cũng tháo vát và hay lo toan anh chị ạ!
Câu nói làm cả nhà bật cười, tiếng cười vang lên ấm áp giữa không gian yên bình của một vùng quê thanh tịnh. Rồi đến câu chuyện đặt tên cho tôi nữa. Bố mẹ tôi ban đầu muốn đặt tên tôi là An, để mong tôi có một cuộc đời an nhiên. Nhưng ông bà nội tôi lại muốn đặt tên tôi là Dương, một phần là nghe từ chính một người ông chú trong nhà. Người ông chú ấy đã mất khi tôi còn chưa được một tuổi, nhưng sinh thời ông cũng là một "đại cao thủ" Toán học giải tích và xác suất thống kê. Khi khuyên ông bà nội tôi đặt tên cho tôi là Dương, ông có nói rằng: "Dương, nghĩa là ánh sáng, là sự rộng lớn bao la như mặt trời, như đại dương. Ngoài ra, Dương trong số học là một số lớn hơn 0 nói chung, cũng như những điều tích cực trong cuộc sống. Cái tên này không chỉ mang ý nghĩa về sự mạnh mẽ, kiên cường, mà còn là hy vọng cháu sẽ sống một cuộc đời sáng rực, mở rộng tầm nhìn, không bị bó hẹp trong những khuôn khổ nhỏ bé, và luôn sống tích cực."
Ông bà nội tôi nghe vậy thì rất tâm đắc, bởi ý nghĩa của cái tên không chỉ đẹp mà còn gửi gắm nhiều mong mỏi lớn lao. Bà nội còn bổ sung thêm rằng, cái tên 'Dương' cũng phù hợp với con trai đầu lòng của con trai cả bên nội – phải mang dáng dấp của sự rực rỡ, đủ sức gánh vác trọng trách sau này.
Mẹ tôi, dù vẫn thích cái tên 'An' vì sự giản dị và an yên, nhưng nghe ông bà giải thích thì cũng dần đồng ý. Bố tôi thì chỉ cười, bảo rằng:
- Con nghĩ là tên nào cũng được bố mẹ ạ, miễn là sau này thằng bé lớn lên ngoan ngoãn và sống tử tế.
Vậy là cuối cùng, tôi được đặt tên là Dương – một cái tên đơn giản nhưng chan chứa tình yêu thương và hy vọng từ gia đình. Bố mẹ kể rằng, mỗi lần ai nhắc đến tôi, bà nội tự hào lắm. Bà nói với mọi người trong thôn rằng:
- Thằng cháu nội đầu lòng nhà tôi đấy, tên là Lê Xuân Dương, nghĩa là ánh sáng. Mong sau này nó sẽ học giỏi và làm rạng danh gia đình!
Dù còn chưa ra đời, nhưng cái tên Dương đã gắn bó với tôi, như một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về tình yêu và kỳ vọng của những người thân yêu.
Và điều gì đến cũng phải đến...
4h00 sáng ngày 10/09/2002...
Cả nhà đang chìm trong giấc ngủ thì mẹ tôi đột ngột cảm thấy bụng đau âm ỉ. Mẹ kể rằng cơn đau lúc đầu còn nhẹ, nhưng dần dần trở nên rõ rệt hơn. Biết đã đến lúc, mẹ khẽ gọi bố dậy. Bố tôi lập tức bật dậy, vội vàng chuẩn bị đồ đạc đã được sắp sẵn từ trước: một túi quần áo, khăn tã và cả bình nước ấm.
Ông bà nội cũng bị đánh thức bởi tiếng động. Bà nội hối thúc:
-Mau lên, đi nhanh thôi!
Ngay lập tức, bố tôi lấy chiếc xe mà bố tôi đã sửa xong để chở mẹ đến bệnh viện phụ sản tỉnh. Bố nhẹ nhàng đỡ mẹ lên yên xe, rồi bắt đầu lên xe và lái. Bác trai tôi cùng hai cô và mấy nhà hàng xóm cũng có mặt kịp thời khi đó để hộ tống từ phía sau.
Nhà tôi cách bệnh viện phụ sản tỉnh cũng khá xa. Đoạn đường lúc đầu còn tối, nhưng sau đó khi vào nội thành thì có đèn rọi nên cũng đỡ lo hơn. Mỗi vòng xe đều mang theo sự hồi hộp, lo lắng nhưng cũng tràn đầy niềm hy vọng.
Đến bệnh viện, các bác sĩ nhanh chóng tiếp nhận mẹ tôi. Trong lúc chờ đợi ngoài hành lang, bà nội vừa cầu nguyện, vừa nhẩm lại giờ sinh:
- Sớm thế này, chắc thằng bé sẽ mạnh khỏe, mau lớn. Trẻ sinh vào giờ đẹp thường có số tốt.
Khoảng hai tiếng rưỡi sau, vào lúc 6h30 sáng, tiếng khóc đầu đời của tôi vang lên giữa căn phòng sinh của bệnh viện. Bố mẹ tôi kể rằng đó là một khoảnh khắc không thể nào quên – vừa hồi hộp, vừa xúc động. Một y tá bế tôi từ phòng sinh ra ngoài, khuôn mặt rạng rỡ khi nhìn thấy niềm hạnh phúc của bố mẹ và bà nội. Có lẽ khoảnh khắc đó quá xúc động, đến mức cô y tá – tay vừa bế tôi, vừa lau nước mắt – đã hơi lơ đễnh.
Bố tôi kể lại, lúc đó cô y tá vừa bước đến gần bố mẹ, vừa nói:
- Ôi, cháu dễ thương quá! Chúc mừng gia đình anh chị, bé trai khỏe mạnh, đáng yêu lắm!
Nhưng ngay khi cô đưa tay ra để trao tôi cho mẹ, bất chợt cô hơi loạng choạng. Mẹ tôi hoảng hốt thốt lên:
- Cẩn thận!
Bố tôi nhanh như chớp lao tới, đỡ lấy tôi kịp thời trước khi xảy ra điều gì ngoài ý muốn. Cả nhà đều thót tim, còn cô y tá thì đỏ bừng mặt, vội xin lỗi rối rít:
-Tôi xin lỗi, tôi xúc động quá! May mà không sao...
Mọi người bật cười nhẹ nhàng sau phút căng thẳng. Bà nội trêu:
- Lần đầu bế cháu trai đầu lòng nhà tôi, làm ai cũng hồi hộp cả!
Mẹ tôi, dù vừa trải qua cơn vượt cạn mệt nhoài, vẫn mỉm cười dịu dàng:
- Không sao đâu mẹ, may mà có bố cháu nhanh trí. Đúng là bố tốt, sau này con của con chắc cũng tháo vát như bố nó.
Tình huống bất ngờ ấy không những không làm mất đi niềm vui, mà còn khiến câu chuyện chào đời của tôi trở nên đáng nhớ hơn. Bố mẹ sau này hay nhắc lại với nụ cười: "Con mới chào đời mà đã khiến cả nhà đứng tim! Đúng là mang đến bao cảm xúc ngay từ phút đầu tiên."
Bố mẹ tôi chắc chắn sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đó, ngày 10/09/2002 - ngày tôi chào đời. Ngày tôi chào đời cũng là ngày vui nhất của hai bên nội ngoại. Theo tôi nhớ, có lẽ là lần nhớ hiếm hoi nhất về kỉ niệm đầu đời tôi, các nhà hàng xóm, các bạn bè của bố mẹ, và cả ông bà ngoại cùng các bác, các cậu và dì út bên ngoại cũng lên bệnh viện thăm. Khi mọi người đến, căn phòng nơi hai mẹ con tôi ở trong bệnh viện không còn không khí tĩnh lặng như thường ngày, mà trở nên náo nhiệt hơn. Tiếng cười nói, chúc mừng vang vọng khắp hành lang. Mọi người quây quần xung quanh giường bệnh của mẹ tôi, ngắm nhìn tôi trong chiếc nôi bé xíu. Bà nội mỉm cười mãn nguyện, tự hào giới thiệu tôi với tất cả mọi người:
- Đây là cháu nội đầu lòng của tôi! Thằng bé mạnh khỏe, ngoan ngoãn, mong sau này sẽ học giỏi và làm được việc lớn!
Ông bà ngoại cũng không kém phần tự hào, ôm lấy mẹ tôi và dặn dò, bảo rằng dù sau này tôi có đi đâu, làm gì, vẫn phải nhớ về nguồn cội và luôn cố gắng sống tốt. Các bác, các cậu cùng dì út cũng vậy, ai nấy đều đưa cho mẹ tôi những món quà nhỏ, những lời chúc tốt đẹp dành cho tôi.
Ngày hôm ấy, không chỉ là ngày tôi chào đời, mà còn là ngày mà cả gia đình tôi đón nhận bao nhiêu tình yêu thương và hy vọng từ tất cả mọi người xung quanh. Dù tôi khi ấy còn quá nhỏ để hiểu, nhưng chắc chắn rằng từ sâu trong lòng, tôi sẽ luôn cảm nhận được tình cảm ấy trong suốt cả cuộc đời.
Nhưng, đâu phải con đường nào cũng bằng phẳng... Tôi sau đó cũng đã trải qua một năm "ăn cơm viện nhiều hơn là cơm nhà.". Chi tiết như thế nào, hồi sau sẽ rõ!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top