nhat ki vu em
Ngày 7-7:
6 giờ sáng:
Còn đang cuộn mình quanh cái quạt thì chuông điện thoại đổ dồn. Bực mình, tí nữa cầm cả cái điện thoại ném vào tường, may mà kịp nhận ra số điện thoại của bố:
- Này giai lớn, giai bé vừa lên xe, tầm 9 giờ ra đón bé nhé.
- Oáp... Ớ, sao nó lên sớm thế bố? Oáp...
- Mê ngủ hả con? Mai bé làm thủ tục rồi.
- Oáp... Ợ.
8 rưỡi:
Xin phép sếp đi "gặp khách hàng". Ông sếp nhìn mình dò xét, đoạn nháy mắt bảo: "Nhớ bảo khách hàng phần anh cái tỏi gà nhé". Ợ cái nữa. Sao sếp biết được nhỉ? Quên mất là hồi sáng đã vui mồm nói cho cái loa phóng thanh của phòng biết là hôm nay định chuồn.
9 giờ:
Bến xe đông nghịt. Đi tìm bóng dáng mình dây cây cảnh của cu em. Quái, sao hôm nay bến xe lắm "người dây" thế?
Nghe "bốp" một cái, mình chỉ kịp "hự" lên một tiếng trước khi kịp nhận ra thằng giai bé của bố. Mới có 1 tháng không gặp mà sao giờ nó bạo lực thế.
- Ăn gì chửa?
- Em mới ăn sơ sơ. Sáng dậy mẹ nấu cho mỗi 2 gói mì tôm, chả bõ dính răng, em lại phải vào bếp xực nốt chỗ cơm nguội hôm trước. Vẫn đói. Đưa em đi ăn cái gì đi.
Thằng ranh con cứ bai bải cái miệng, chả nhìn thấy thằng anh đang há hốc mồm lẩm bẩm: "Bữa sáng thiếu thốn của mày bằng nguyên 1 ngày ăn của anh rồi đấy".
10 giờ:
Thả bé về nhà. Mình trở lại cơ quan báo cáo tình hình: "Chỉ có "tỏi" mà không có "gà" sếp ạ".
6 giờ chiều:
Chưa thò mặt vào đến nhà đã thấy mùi mì tôm thơm lừng. Chả thèm nhìn cái mặt mồ hôi nhễ nhại của mình, thằng ranh buông thõng một câu: "Sao anh về muộn thế? Anh nấu cơm đi thôi, em đói lắm rồi. Ở nhà giờ này là ăn xong rồi đấy". Cáu tiết, xông phi cho nó một quả. Một thằng vừa mệt vừa đói, một thằng vừa tọng bát mì tôm kềnh càng... kết quả tất yếu là... Chậc, chẳng qua mình nhường thôi.
11 giờ đêm:
- Anh ơi em đói.
Phát điên với nó mất thôi. Giả vờ ngủ tiếp. Bụng mình vẫn sôi sùng sục.
Ngày 8-7:
7 giờ sáng, còn đang mải ôm hôn gái đẹp thì nghe thấy cái tiếng oang oang của thằng em: "Anh, dậy mau. Em còn đi tập trung". Ú ớ mở mắt ra, thì ra đang nằm mơ, nước dãi đọng thành vũng trên mặt gối. Tiếc chưa kịp hỏi tên gái.
10 giờ lóp ngóp lên công ty:
- Xin lỗi sếp em đến muộn.
- Phiếu đăng ký tổng hợp đây. Cậu đánh dấu ngay vào chỗ "Xin thôi việc" cho tôi.
Chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà mình đánh dấu ngay vào chỗ "Đề nghị xét thưởng". Sếp ngao ngán chắp tay sau đít quay đi.
Ức chế nhất là đang gặp khách hàng thì nhận được điện thoại từ thằng em quý hóa: "Anh ơi, hết mì tôm rồi". Uất.
Chiều, viết đơn xin nghỉ phép 2 ngày để đưa đón, cung phụng giai bé của bố mẹ. Đến oải.
Ngày 9-7:
5 giờ sáng:
Gà ở đâu gáy to thế không biết, xóm này có ai nuôi gà đâu. Váng hết cả đầu. Thấy thằng em mắt nhắm mắt mở vớ lấy điện thoại của nó tắt chuông. Giận không để đâu cho hết, tức mình đạp phăng nó xuống đất, mắt vẫn nhắm nghiền. Tội nghiệp thằng bé, nó lồm cồm bò dậy, ngây thơ hỏi: "Anh í nằm mơ thấy cái gì mà phản ứng dữ dội thế nhỉ?". Không nén được, mình phọt cả cười ra. Mặt thằng bé chuyển sang hằm hằm, nó thụi ngay cho mình một quả vào mạng sườn. Tỉnh hẳn.
Đánh răng rửa mặt xong, húp vội bát mì tôm, hai anh em phóng đến trường thi. Vừa kịp.
7 giờ:
Về đến nhà: trên chiếu là hiện trường của mấy vụ ăn uống, sót lại đây đó là vài bãi phân chuột. Tự nhủ: hôm nào phải sắm cái bẫy.
Đi vào nhà tắm rửa mặt, thấy nguyên chậu quần áo bốc mùi. Muốn khóc quá. Ước gì mình có vợ.
Nản lòng, quay ra góc chiếu, vươn vai một cái...
Reng... Reng... Vớ lấy cái điện thoại: còn 0 phút nữa là đến 10 giờ, nó chạy sai à, mình mới vừa vươn vai đây thôi mà. Toi rồi, còn đi chợ nấu cơm. Đã hứa với bố mẹ là sẽ chăm sóc thằng giai bé cẩn thận. Trời ơi, sao số tôi khổ thế này.
Đi đón thằng em giai, thằng bé tươi tỉnh: "Bài hôm nay em làm ngon". Yên tâm quá!
Về đến nhà, mình hồ hởi: "Mệt không cu? Đói không cu? Nào, ăn luôn nhé. Hôm nay anh đã chuẩn bị một bữa đại tiệc cho cu tầm bổ này".
Thằng bé cảm động ra mặt vì từ trước đến nay đã bao giờ nó thấy thằng anh vào bếp đâu. Nó ngồi xuống, mắt hấp háy chờ đợi...
"Nào... đánh chén đi thôi!", miệng nói, tay mình mở lái lồng bàn. Thái độ thằng em chuyển từ hơn hớn sang hơn... đần. Sao thế nhỉ? Mặc, mình gắp vào bát nó:
- Sao đần mặt ra thế? Ăn đi nhóc. Này, ăn đậu để đậu này.
Một miếng đậu luộc đã nằm trong bát thằng bé. Nó không nói gì.
- Ăn đi, nào, ăn mướp đắng cho mát ruột này. Anh thấy mấy bà bán hàng bảo thế.
Nửa quả mướp đắng luộc đã nằm trong bát. Thằng bé vẫn ngồi im.
- Thế ăn tép nhé? Hay cá rô, món này là đặc sản quê mình đấy. Sao thế? Làm thêm miếng ớt chuông nhé, cái này quê mình không có đâu.
Mồm nói, tay mình gắp liên hồi cho thằng em: một gắp tép luộc, một con cá rô luộc, nửa quả ớt chuông luộc...
- Kìa, mày làm sao thế? - Mình đã thực sự hết kiên nhẫn.
- Anh ơi, toàn những thứ đặc sản mà em chưa thấy ai luộc bao giờ, em... không nuốt nổi.
Cáu quá, cái đồ đã ăn xin lại còn đòi xôi gấc. Nó còn dám chê mình à? Mình quát lên:
- Tao chỉ biết luộc thôi. Mày không ăn thì nhịn.
Thằng bé mếu máo:
- Vâng, để em ăn. Nhưng anh ơi...
- Gì?
- Cho em xin bát cơm.
Toi rồi, mình quên béng không đặt nồi cơm. Cố chống chế:
- Hả? Không có. Thế ăn cơm là phải... có cơm à?
Thằng bé phì cười, bắn cả miếng đậu luộc đang nhai dở vào mặt anh nó.
Bực mình quá, thể hiện đến thế rồi mà vẫn không xong. Hai anh em lại đi úp mì tôm ăn. Đến nản.
1 giờ chiều:
Chở thằng em đến trường thi xong, mình quay về. Nhìn bãi chiến trường còn ngổn ngang. Lại ước gì mình có vợ.
Vươn vai một cái...
Khi nào tỉnh dậy lại viết tiếp trang này...
Chỉ định vươn vai một tí thôi. Chẳng ngờ có một loại tí người ta gọi là tí quả mướp, dài thườn thượt. Mình thấy sảng khoái vô cùng, vươn vai mãi mà cái chuông báo thức vẫn chưa kêu để dậy đi đón cu em. Lại vươn vai tiếp.
...
Chợt nghe tiếng đập cửa ầm ầm: "Anh già, mở cửa cho em".
Tiếng ai như tiếng giai bé? Chậc, có lẽ mình mê sảng thôi. Bữa cơm trưa nay đã vắt kiệt sức lực của mình rồi. Thằng bé còn đang ở trường thi. Mình vẫn mơ màng...
Tiếng đập cửa vẫn không dứt mà nghe có phần dồn dập hơn: "Mở cửa cho em với". Rõ ràng là tiếng giai bé. Lạ nhỉ?
Ú ớ quơ cái điện thoại lên nhìn: màn hình tối thui. Má ơi, nó hết pin từ đời nào rồi. Chợt hiểu, chực khóc, thương giai bé quá. Mình vội vàng mở cửa, định bụng sẽ ôm chầm lấy thằng bé dù cho nó có mướt mát "mồ hôi hám" vì phải đi bộ 5 cây số rưỡi vì cái sự nghiệp ngủ nghê vĩ đại của thằng anh...
Cửa mở. Mình chưa kịp thực hiện cái ý tưởng ngọt ngào kia thì đã nghe sét đánh ngang mày: "Trả tiền taxi cho em nhé!". "Cái gì hả?", mình giơ nắm đấm lên, thằng ranh đã biến mất, trước mặt mình chỉ còn lại ông tài xế đang gõ móng. A cay không chịu được, phen này ông quyết cầu trời cho mày đậu đại học để năm sau không phải thi nữa cho ông đỡ khổ.
Nhìn lên đồng hồ, đã 6 rưỡi có lẻ. Uất ức lắm, nhưng nó chưa thi xong nên chưa thể "đụng đến một cọng tóc" nào của nó cả. Mình đành phải xuống nước lôi nó đi ăn.
Chưa bao giờ mình thấy xấu hổ như hôm nay, vừa bước vào quán, cái thằng tuổi gà ăn như heo ấy đã toang toác:
- Chị ơi chị làm cho anh em một đĩa cơm rang, một đĩa mì xào, một bát phở bò tái... Thêm một đĩa cơm rang cho em nữa nhé.
Chị chủ quán há hốc mồm nhìn mình, còn mình há hốc mồm nhìn thằng em, cái mặt nó vẫn tỉnh bơ.
Đồ ăn được bưng ra, thằng nhóc nhanh nhảu đặt đĩa cơm rang trước mặt mình, chỗ còn lại nó vơ về chỗ nó. Chị chủ quán tủm tỉm cười ra chiều thông cảm. May cho mày là chị này "hơi dừ" rồi, chứ chị í mà tre trẻ xinh xinh thì mày rụng răng với anh rồi nhá.
Tối, thằng em lọ mọ lên mạng, hơn hớn:
- Anh ơi, cái gợi ý giải đề thi này có vẻ giông giống bài nháp của em...
- Gợi ý chứ đã phải đáp án chính thức đâu mà mày hí hửng thế? Cứ vênh mặt lên thế rồi giẫm vỏ chuối trượt lòi mắt ra em ạ. (Nói thế chứ mình cũng thấy mát lòng mát ruột.)
- Kệ nó chứ.
10 rưỡi:
Giục nó đi ngủ, nó còn kỳ kèo để ăn nốt miếng lương khô trong chạn. Mình nghĩ bụng: nuôi thằng này tốn cơm tốn gạo, ăn như heo như lợn mà giờ cân vội vẫn chưa được nửa tạ.
Ngày 10-9:
5 giờ sáng, gà của giai bé gáy inh ỏi. Dậy. Bữa sáng nay đã được cải thiện bằng một quả trứng thả vào nồi mì tôm. Sung sướng vì hôm nay tay nghề nấu nướng không bị chê.
Đưa giai bé đến trường thi, chưa kịp quay đầu xe đã thấy nó hốt hoảng chạy ra:
- Anh có biết phiếu báo thi với chứng minh thư em để ở đâu không?
- Mày giết tao đi... i... i...
Vội quay đầu xe chạy về. Nửa đường, xe hết xăng. Đúng là xui tận mạng. Hấp tấp ghé vào cây xăng gần đó, mở cốp ra: "Ớ... ở... ờ... ơ..." - bộ giấy tờ của cu em đang ngoan ngoãn nằm trong đó. Sực nhớ ra đêm qua, lúc dậy đuổi chuột, mình đã cẩn thận bỏ đống giấy tờ này vào đây đề phòng thằng bé quên mất. Thằng cu ấy, mới có tí tuổi đầu mà đãng trí lắm. Hẳn già như mình thì đã chẳng nói.
Đưa giấy tờ cho nó, mình còn phủ đầu một câu: "Đã bảo phải chuẩn bị đầy đủ vào". Nói xong mình vọt thẳng, chắc thằng bé không nghi ngờ gì.
9 rưỡi:
Vừa ra đến nơi đã thấy nó đứng tán gái ở gốc bàng cổng trường. Á à, thằng này dám qua mặt mình đây. Mình lướt đến, nó nhao ra:
- Anh ơi, em chắc đậu rồi.
Hàng trăm đôi mắt đổ dồn về phía hai anh em. "Anh lạy mày, anh yêu mến hòa bình. Lên xe chạy mau không bị ăn đập đó. Nhìn kia kìa!". Con trâu của mình lướt êm trước những ánh mắt hậm hực pha lẫn ghen tị.
Giấc ngủ trưa êm đềm đến với hai anh em sau sự hi sinh của 4 suất bún chả. Hình như trời bắt đầu mưa. Kệ, quần áo đã giặt đâu mà đòi phơi với cất... Nhớ mang máng hình như chưa gọi điện về cho bố mẹ.
Giai bé vẫn ở đây. Nghĩa là mình chưa thể dừng phím được..
Đang thong dong đi ra sân vận động cùng mấy thằng bạn, bất ngờ một cành cây bị gió quật gãy, rơi xuống, đè lên ngực mình. Khó thở quá, mình lơ mơ nhìn thấy ánh mắt lo lắng của bố mẹ, cái mặt nhăn nhó của thằng em. Khó thở quá! Vĩnh... vĩnh... Yêu mọi người quá! Vĩnh... vĩnh...
Mình mê man đi.
Bỗng cái cành cây khẽ... cựa quậy. Dồn nốt chút hơi tàn, mình mở mắt ra. Ôi, má ơi, 2 cái cành... chân của giai bé đang vắt vẻo trên ngực mình, 2 cái "cành" ấy đang khẽ đưa theo nhịp một bài hát. Hất chân thằng ranh ra, mình gằn giọng: "Êm nhỉ?".
Vậy mà nó còn vênh mặt lên:
- Dậy thôi anh, gà sắp đi ngủ rồi.
Thằng này chém gió, mới có 5 giờ chiều. Bực mình quá!
Vào chỗ vòi nước, hình ảnh quen thuộc của cái chậu bát "đầy có ngọn" đâu rồi? Chả có nhẽ... Suy luận nhanh lạ thường, mình quay lại chỗ thằng em:
- Này nhóc, cái chậu...
- Bát hả, ông lười?
- Ừ. Rửa rồi hả?
- Em không rảnh. Em quăng nó ra sân rồi, để trong nhà ô nhiễm chết.
- Cái gì? Có biết một đống tiền của tao khô... ô... ông? - Mình nhảy dựng lên, chưa kịp thụi cho nó một quả thì đã thấy cái rổ bát đang nằm tắm nắng rất yên lành, sạch sẽ.
Thằng bé dạo này biết điều ghê. Mình phải nghĩ cách để tranh thủ cái biết điều của nó mới được, keke...
Điện thoại chợt kêu: số của bố! Á, quên mất chưa gọi điện thông báo tình hình với nhị vị phụ mẫu.
- A lô bố ạ! Bố ơi tình hình là thằng cu làm bài tạm ổn rồi. Tình hình là con định gọi điện cho bố mẹ ngay lúc ấy nhưng nó quấy quá, tình hình là con phải trông nom giai bé của bố rất là vất vả. Tình hình là...
- Thôi thôi được rồi. Mẹ đây. Mẹ nghe giai bé khoe rồi, không cần anh phải "tình hình là" nữa đâu.
Thôi rồi, thì ra là nó đã kịp hầu chuyện mẹ. Mà cái mồm thằng này thì... có giời mới biết là nó ton hót những gì.
- Cho em ở đó mấy hôm chơi cho thoải mái nhé con. Không phải lo gì ở nhà đâu, bố mẹ mỗi ngày làm thịt một con gà chắc cũng đủ cầm hơi. Thế nhé con. Mà nhớ không được đánh nhau đâu đấy.
Mỗi lời nói của mẹ như cắt từng khúc ruột mình. Lại phải ôm cái của nợ này vài ngày nữa chắc mình chết quá.
Không sao, mình sẽ lên một kế hoạch...
6 giờ tối:
Giai bé đưa cho mình một tờ giấy be bét chữ, dài như tờ sớ. Nó trịnh trọng:
- Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại thành phố nơi anh đang sống có rất nhiều những món ăn ngon bổ rẻ. Vậy anh có thể giúp chúng tôi tìm hiểu nền ẩm thực của mảnh đất này được không?
- Bóc lột người ta vừa thôi nhá.
- Quần anh anh cứ mặc, áo anh anh cứ mặc. Em lột của anh làm gì. Để yên em tiếp tục chương trình: Chúng tôi dự định sẽ làm một phóng sự dài kỳ ở đây, rất mong anh hợp tác.
- Còn lâu nhá.
- Nếu anh không hợp tác với chúng tôi, đoạn băng ghi âm này sẽ là bằng chứng để cấp trên cắt khẩu phần gạo, trứng và hoa quả của anh từ dưới quê nhà. Tùy anh quyết định.
Nếu như mình không nhớ đến cái kế hoạch đang nung nấu trong đầu thì chắc chắn thằng này hôm nay... 'húp cháo". Được, lần này mình nhường nó, gọi là bỏ con săn sắt...
Mới phá được vài món, mò về đến nhà cũng đã 10 rưỡi, chỉ kịp tắm nhẹ một cái trước khi xõa cánh.
Nhớ mang máng ngày mai là chủ nhật..
Cái thằng dở hơi thật, giờ mới là chiều ngày 12 thì viết nhật ký ngày 12 thế quái nào được. Viết ra người ta đọc được lại chả lòi cái đuôi bốc phét ra à. Từ trước mình đã biết đầu óc thằng này có vấn đề nhưng không nghĩ là vấn đề lại nghiêm trọng đến mức không thể bảo hành được như thế.
Ngày 11-7:
Nhớ rằng đêm qua, trước khi xõa cánh thì mình đã lẩm nhẩm rằng nay là chủ nhật. Ngủ tẹt.
Tiếng còi xe cảnh sát vang lên bên tai, nhận ra là tiếng chuông mình cài riêng cho cuộc gọi của sếp. Quái cái ông này, sao chủ nhật rảnh rỗi không nằm ôm vợ mà lại gọi cho mình? Uể oải nhấc máy lên:
- Vâng, sếp!
- Cậu không đi làm hả?
- Ơ hôm nay là... - Chưa kịp nói đến chữ "chủ nhật" thì một luồng điện đã chạy dọc sống lưng: chính xác hôm nay là... thứ hai. Sao mình có thể lú lẫn đến thế được?
- Cậu xin phép nghỉ đến hết tuần. Cậu có muốn nghỉ luôn cả tuần này và nhiều tuần sau nữa không?
Lúc này thì trí nhớ của mình đã hồi phục hẳn, đi kèm với đó là sự láu cá cố hữu:
- Hề, sếp. Em xin nghỉ 2 ngày mà.
- Phải, 2 ngày: thứ bảy và chủ... Ơ... Và thứ hai. Ừ nhỉ.
Chắc ông sếp đang định hù dọa mấy câu, chẳng ngờ lại thành bào chữa cho mình. Hú hồn. Đến lạ, sếp mà cũng có lúc đãng trí quá thể, chỉ có mình là thông minh, hê hê...
Chẳng thấy thằng em đâu. Mình bật dậy: Chậu quần áo tích góp nửa tháng nay đổ kềnh giữa nhà. Phải quệt nhử mắt đến 2 lần mình mới phát hiện ra có một vật thể hình người đang nằm cạnh cái đống quần áo ấy. Mình nhao đến, lay lay. Thằng bé thều thào:
- Anh... bịt giúp em cái... mũi.
Thú thực là suốt ngần ấy năm sống trong cuộc đời, mình chưa thấy ai đang sắp ngạt thở mà lại có nhu cầu bịt mũi cả. Nhìn lại giai bé. Lúc này thì mình đã hiểu:
- Được, để đại ca bịt mũi cho mày. - Nói xong, mình chụp nguyên cái chậu quần áo vào mặt thằng ranh con. Nó vùng ngay dậy.
=> Phát hiện ra quần áo bốc mùi là một công cụ hữu hiệu để cấp cứu người sắp ngất.
...
Hôm nay là ngày đầu tiên mình triển khai "kế hoạch nhỏ" với sự biết điều của giai bé. Gì chứ trong cái kế hoạch nhỏ ấy có nhiều cái to to, trong những cái to to ấy có nhiều cái nho nhỏ... chú mày cứ ở đây, tha hồ mà "biết điều".
Hai anh em súc miệng bằng mấy tô phở tái. Thời buổi giá cả tăng cao, ngần ấy cũng đã đi đứt nửa ngày lương còm cõi. Có vẻ giai bé vẫn thòm thèm. Mình vỗ vai an ủi: "Ăn tạm thế thôi, về nhà có cái này tráng miệng hay cực". Thằng bé ngoan ngoãn gật đầu. Ngoan quá mức cần thiết so với cái món tráng miệng đang đợi nó ở nhà.
9 giờ sáng:
Có mặt ở nhà.
- Nào, bây giờ thì tráng... miệng...
Mình cố kéo dài giọng ra cho giai bé thêm phần thích thú. Được cái thằng bé cứ có hứng là lại... nhắm tít mắt vào, quen mất rồi. Lần này cũng thế, lợi dụng lúc nó nhắm mắt tưởng tượng, mình vào phòng tắm, bê chậu quần áo ra. Thằng bé giãy nảy nhưng thoát làm sao được với cái uy quyền của mình.
11 rưỡi:
Đống quần áo đã được giải quyết xong. Một chầu phở cuốn, phở chiên trả công giai bé chắc cũng không phải là quá hào phóng.
Chiều:
Lại ngon ngọt dỗ được giai bé dọn cho cái ổ của con chuột cống nặng 62kg. Ổ to và bẩn kinh người.
7 giờ tối:
Giai bé vẫn chổng mông lên nhặt nhặt, móc móc. Căn phòng chưa được cải thiện là mấy. Thằng này làm việc chẳng hiệu quả gì cả. Mình hơi thất vọng.
7 gờ 15:
- Đói, sếp ơi.
- Kém tắm thế? Nào, đi ăn.
Đã từ lâu lắm rồi, bữa ăn của giai bé luôn là nỗi khiếp sợ thường trực trong mình. Cái thằng... ăn chẳng biết để nuôi cái gì nữa.
Lòng vòng trên phố mấy vòng cũng hết buổi tối.
Về. Tắm. Ngủ.
Mãi 15 này mới được tạm ứng lương
.. "Mà đúng là bị bỏ rơi thật. Thấy thân hình tàn tạ của mình, giai bé liền vứt ngay mình vào tủ sách cũ. Tại đây mình gặp bết bao nhiêu là bạn cũ: này anh Đô-rê-mon tuột gáy, này anh Tam Quốc chí mọt xuyên táo, này anh Giáo trình toán cao cấp khỏa thân... Thôi thì đủ cả.
Nhưng cái mình mừng nhất là gặp lại người tình trong mộng thuở nào: Em Pờ-lây-Boy. Mình đã từng khao khát em hằng đêm. Cho đến đêm nay ở bên em, dẫu cho mùi hương đã từng ăn sâu vào tâm trí mình nay đã không còn, thay vào đó là mùi ẩm, mùi mốc, mùi phân chuột... thì nỗi khao khát ấy vẫn còn và càng bùng lên dữ dội. Mình hít hơi, chuẩn bị tinh thần. Em chớp mắt...
Chưa kịp hàn huyên tâm sự thì màn đêm đã buông xuống. Hai anh em cậu chủ đã khóa cửa đi chơi. Phòng tối thui. Mình vốn quen với bóng tối nhưng mình không quen với cái nơi bí bách này. Sợ hãi. Mình khẽ huých anh Những người khốn khổ:
- Anh này...
- Suỵt. Đây là lúc nguy hiểm nhất, giặc sắp tràn vào. Chú liệu mà giữ mồm giữ mệng.
Mình chưa kịp hỏi lại thì đã nghe thấy tiếng thét hiệu lệnh của quân địch: "Chít... Chít...". Mình chỉ kịp rú lên: "A, bây giờ thì em đã hiểu...". Tiếng rú ấy chưa tròn câu thì đã nghe đau nhói ở phía góc: Một tên giặc chuột đã phát hiện ra mình và ngay lập tức tấn công.
Mình mê đi, không biết gì nữa..."
*
* *
Ngày hôm qua:
Thật là một ngày may mắn. Lão giai bé dọn dẹp nhà cửa. Biết chuyện, mình đã chuồn đi từ sớm nên thoát thân. Gớm, nom cái thây thằng chuột nhắt mà sợ chết khiếp. Cái thằng liều mạng ấy, mình đã bảo chuồn đi mà nó không tin. Ngu thì chết cứ bệnh tật gì.
Tối:
Trở lại giang sơn cũ, gọn gàng đến mức khó tin.
Có mùi gì thoang thoảng đâu đây, nghe như mùi bánh mì trứng. Hít hít... Đúng mùi bánh mì trứng rồi. Lao vội đến theo tiếng gọi của cái dạ dày, đâm ngay vào một cuốn sổ cũ. Đen thế chứ lại. Ngửi đi ngửi lại, mùi hương quyến rũ ấy đúng là nằm trong cuốn sổ này chứ không phải ở đâu khác. Bới đi bới lại, thấy mỗi mẩu vụn bánh bé tí dính lại trên cái bìa sổ. Điên tiết, đã thế ta nhay cho bằng nát.
Nhai mãi cũng mỏi răng, mình đành tha quyển sổ về ổ để xả stress dần.
Ngày hôm nay:
Ngao ngán mở mắt ra. Sực nhớ đến chiến lợi phẩm hôm qua. Vội bò đến.
Nhớ rồi, cuốn sổ này mình vẫn thấy giai lớn thỉnh thoảng lôi ra ghi ghi chép chép. Sẵn tò mò, mình mở ra xem. Thấy may mắn vì ngày xưa "tác nghiệp" ở trường học nên cũng học mót được cái chữ.
"Ngày... tháng... năm...
...
Ngày... tháng... năm...
..."
Thì ra là nhật ký của giai lớn. Một ý tưởng chợt lóe lên: ta sẽ viết nhật ký tiếp sức cho giai lớn. Ta sẽ kể lại những chuyện từ ngày xửa ngày xưa, những chuyện còn sót lại trong bộ óc đã sắp thành tinh này...
Ngày... tháng... năm...
Mẹ đâu rồi? Mẹ đi kiếm ăn? Hay mẹ đi trốn? Hay mẹ đi tìm bồ? Mình còn chưa mở mắt.
Ánh sáng ở đâu tràn vào ổ. Một tiếng thét vang dội: "Bố ơi, kinh quá!". Cố gắng mở mắt ra để hóng xem cái gì mà kinh thế nhưng không được. Một giọng nói ồm ồm cất lên: "Lũ chuột chết tiệt lại vào đây đẻ rồi. Mẹ nó ra dọn hộ anh cái ngăn kéo cái".
...
Một cảm giác bồng bềnh đến lạ, như đang bay... Hự! Người mình va vào cái gì đó rồi rơi bịch xuống, đau điếng. Một mùi hương quyến rũ lẩn quất đâu đây. Mình đã bị quăng ra bãi rác. Đói. Khát. Cô đơn. Vẫn chưa thấy mẹ đâu. Mình ngửi thấy mùi mồ hồi của các anh chị nhưng không sao biết được họ đang ở đâu.
Đêm buông xuống. Lạnh quá. Đói quá! Mình thiếp đi.
Ngày... tháng... năm...
Mệt mỏi mở mắt ra... Ơ, mở được thật. Cảm giác sung sướng như vừa đặt chân lên đỉnh Everest. Ngơ ngáo nhìn quanh, giật cả mình khi nhìn thấy một bà mặt già như trái cà đang nằm cách đó mấy bước chân. Thú thật là từ lúc mở mắt đến giờ mình chưa thấy con chuột nào xấu xí đến thế. Hãi hùng định lùi ra xa nhưng bà già đã kịp ngoạm cổ mình lôi lại. Không thể tưởng tượng nổi là mình đã hoảng sợ đến mức nào.
Nhưng lạ thay, khi bà già cất tiếng nói, mình nhận ra giọng nói dịu dàng và quá đỗi quen thuộc:
- Mẹ đây con. Đói chưa? Mẹ cho tu ti nhé! Yêu con tôi quá!
Là mẹ, đích thị là mẹ rồi. Hình tượng về người mẹ đẹp như tiên sa cá lặn đã vỡ tan tành. Bài học đầu đời cho mình là cuộc sống không phải rặt một màu hồng.
Ngày... tháng... năm...
Mẹ âu yếm ôm mình và các anh chị vào lòng, nói những lời lẽ yêu thương nhất, dặn dò những điều quan trọng nhất, ru các con bằng những câu hát ngọt ngào nhất... rồi mẹ len lén quay đi lau nước mắt trong khi mấy anh chị em dần chìm vào giấc ngủ.
Ngày... tháng... năm...
Nắng chiếu đến chỗ nằm, mở mắt ra. Các anh chị đã dậy cả, nhìn ai cũng ngơ ngác... Mình nhìn quanh: Mẹ đâu rồi? Mình cũng ngơ ngác...
Đến quá trưa vẫn không thấy mẹ về. Mẹ đã bỏ rơi chúng mình rồi. Buồn và đói. Mấy đứa nhìn nhau, đứa nào cũng nghĩ tại bọn kia mà mẹ giận bỏ đi. Không muốn nhìn mặt nhau nữa, mỗi đứa bỏ đi một hướng. Mình nghêu ngao: "Ta chia tay nhau từ đây..."
Ngày... tháng... năm...
Hôm nay gặp một dị nhân. Trông xa cứ tưởng mẹ vì kẻ này cũng xấu như thế, là đàn bà mà cũng có râu y như mẹ. Khác mỗi cái chị ta có 4 cái nanh dài ngoẵng. Thôi, địch thị là ả chuột lười không chịu mài răng đây mà. Mình tiến đến bắt chuyện:
- Chít... Bác gái già xấu xí kiếm ăn ở đâu mà béo múp míp thế kia?
- Ngoao... Ngoao... Grrr... Nghe cho rõ đây: Điều 1: Cấm gọi phụ nữ là già. Điều 2: Cấm chê phụ nữ béo. Điều 3: Cấm nói phụ nữ xấu. Điều 4: Ta kiếm ăn ở đây này... y...
Chưa nói dứt câu, bà ta đã nhảy bổ tới. Nhìn bộ nanh nhọn hoắt cùng nước dãi chảy ròng ròng, mình suýt té xỉu. Vội lẩn ngay vào đống gạch vụn. Ả quái vật già đứng ngoài cào cấu chán chê rồi cũng phải bỏ đi sau khi đã thả ra tiếng "meo" làm duyên. Lúc này thì mình mới biết đó là mụ mèo, kẻ sát nhân số 1 của loài chuột. Hú hồn hú vía.
Bài học tiếp theo của cuộc đời mà mình phải nhớ là:
1. Cấm chê phụ nữ già.
2. Cấm chê phụ béo.
3. Cấm chê phụ nữ xấu.
4. Cấm bắt chuyện khi chưa biết lai lịch của đối phương.
Riêng đoạn này phải bôi đỏ gạch chân cho rõ mới được. Đã có lọ tương ớt mốc mình mới tha về...
Những bước đầu tiên của cuộc sống tự lập thật vất vả..
Ngày… tháng… năm…
Tự lập thật khó khăn. Mình đã phải làm quen dần với những phức tạp cuộc sống của một con chuột thực sự…
Bãi rác quả là một vùng đất vàng để kiếm ăn. Thượng vàng hạ cám tha hồ lựa chọn. Mình gọi đây là cái siêu thị phúc lợi. Ai muốn ăn gì thì ăn, chẳng bao giờ phải lo thanh toán.
Ngày… tháng… năm…
Khúc xương cá kho ngon dã man, mình nuốt vội nuốt vàng. Đến miếng thứ hai rưỡi thì hóc. Ôi má ơi, miếng xương găm ngay vào cổ họng. Cố gắng khạc nó ra mà không được, cố gắng nuốt nó xuống mà không xong. Cổ họng như bị xé ra, nước mắt nước mũi giàn giụa.
Thằng chim sẻ đậu trên cây trứng cá thấy vậy cười như nắc nẻ. Đã thế nó còn gẩy phao câu đánh rụng cả quả trứng cá chín cho rơi trúng lưng mình. Giật mình chửi nó một tiếng, miếng xương văng ra.
Bài học: Có thể kẻ phá đám ta lại là người cứu ta trong lúc nguy nan.
Ngày… tháng… năm…
Ngửi thấy một mùi rất lạ ở “siêu thị”, thì ra món cải xào nấm. May quá đợt này đang thiếu rau xanh nên táo bón trầm trọng. Xực ngay một miếng… Ọe, mùi gì mà hắc thế? Cố thêm miếng nữa… Sau 2 giây, lưỡi mình tê tê, giần giật, bắt đầu cảm thấy hoa mắt và buồn nôn… Nôn thật, và cả… nữa. Lần đầu tiên trong đời biết thế nào là “miệng nôn trôn tháo”. Thôi, đích thị là ngộ độc thực phẩm rồi. May mà “cho ra” kịp.
Thấy thù mấy người trồng rau quá. Thật là vô nhân đạo! Đồ người ta cho vào miệng, nuốt vào bụng mà nỡ phun thuốc sâu thật nhiều, phun thuốc tăng vọt thật đã tay rồi đem bán ngay, thuốc đọng trên lá còn nóng hôi hổi. Loài người ăn phải, ngộ độc thì đã đành vì người ta còn có thể gọi cấp cứu, nếu kịp thì may ra còn giữ được mạng sống, có ung thư một tí cũng chẳng sao, chứ hạng chuột như mình, ngộ độc nặng thì có mà giời cứu.
Bài học: Nhiều người vì cái lợi của mình mà sẵn sàng hi sinh cái răng của người khác.
Ngày… tháng… năm…
Gặp một em xinh như mộng, lông nàng mượt như tơ, đôi mắt lúng liếng đưa tình và đặc biệt là nom nàng rất có da có thịt chứ không phải hạng “ngồi buồn anh đếm xương sườn” như mình. Khẽ nép vào gốc cây chờ cơ hội để bám gót người đẹp.
Ngủ gật lúc nào không biết, tỉnh dậy đã thấy chỗ còn đó mà người thì… biến hóa khôn lường: Nàng chuột xinh đẹp đã thoắt biến thành mụ gián hôi hám.
Bài học: Nếu không muốn biến cơ hội thành cơ… hôi thì đừng bao giờ rời mắt khỏi khục tiêu.
Ngày… tháng… năm…
Đang trên đường đến “siêu thị” thì thấy nàng đang rảo bước phía trước. Vội vàng bám theo, nàng vẫn không hay biết gì.
Nơi nàng ở là một căn phòng trọ tuềnh toàng nhưng sực nức mùi nước hoa. Tối quá, mình chẳng nhìn thấy gì. Bỗng vấp vào cái gì nghe sột soạt như cái kẹo. Đích thị là kẹo, mùi dâu tây đang bốc lên đây này. Mình cắn thử một cái, xuyên qua lớp vỏ, chả có vị gì, cố cắn xuyên thủng từ bên kia sang bên này, vẫn chẳng có gì cả. Chắc chỉ còn mỗi cái vỏ, tuy có dai hơn vỏ kẹo bình thường một chút thật.
Cửa cạch mở, một đôi trai gái bước vào. Mình vội phi vào gầm giường, may họ không thấy.
Cô gái lên tiếng trước: “Anh nhìn này, chả cất cẩn thận gì cả”. Nói rồi cô cầm cái kẹo mình vừa cắn lên, đi về phía giường, mình giật thót tưởng đã bị lộ.
Nhưng không... Những âm thanh kỳ quái vang lên. Lâu lắm.
Chợt cô gái rú lên:
- Anh nhìn kìa, nó… thủng.
- Chết toi. – Chàng trai hốt hoảng.
Hiểu rồi. Rõ ràng họ đang rất lo lắng. Cảm thấy hình như mình có lỗi trong chuyện này.
Thật là một căn nhà kỳ quái với những con người kỳ quái và chiếc kẹo kỳ quái. Và biết đâu nàng chuột kia cũng là một cô nàng kỳ quái?
Mình len lén chuồn ra ngoài thoát thân, trong đầu hiện lên một bài báo với tựa đề: “Lạ kỳ một cô gái thụ thai nhờ… chuột”
Ngày... tháng... năm...
Đã 3 ngày kể từ cái hôm mình làm thủng "kẹo cao su" nhà người ta. Vẫn chưa ăn uống gì được. Mình thấy sợ mùi dâu tây, sợ những âm thanh kỳ lạ và sợ cả bọn chuột gái... Mình như mê sảng.
Ngày... tháng... năm...
Thằng chuột lang nhà hàng xóm mang sang nửa cây xúc xích gọi là hỏi thăm. Thằng này thật tốt bụng, giàu sang vương giả là thế mà chẳng bỏ rơi bạn bè bao giờ. Từ hôm mình ốm đến nay, nó đã 3 lần tháo lồng chạy sang với mình. Lần thì mang đồ ăn, lần thì mang thuốc.
Nói đến vụ mang thuốc lại nhớ, rình lúc bà chủ quên cài cửa tủ thuốc, nó lẻn vào, tha ngay một lọ thuốc viên nhỏ nhỏ, vàng vàng xanh xanh mang sang cho mình điều trị. Chẳng hiểu nó lấy phải thuốc gì mà đắng ghét, hắc xì. Nhai được nửa viên thì mình ngậm mồm lại không kịp, "cho chó ăn chè" ngay lập tức. Không kìm được, mình chửi nó té tát. Khổ thân thằng chuột lang, cái mặt béo phị của nó tái xanh, ngượng nghịu: "Xin lỗi, tao có biết là thuốc gì đâu. Chỉ biết là thuốc thì tao mang sang...". Đỏ mặt tía tai, mình gắt lên: "Nghe quảng cáo mãi mà không cho vào đầu, phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, biết không hả?". Thằng chuột lang quay mặt đi, thở dài: "Nhưng tao không biết chữ".
Mãi sau này mình mới biết thứ thuốc hôm đó là Berberin, loại thuốc đặc trị... tiêu chảy.
Ngày... tháng... năm...
Mình đã lại sức được phần nào. Mấy ngày ốm đủ để mình tĩnh tâm nghĩ lại lời thằng bạn: "Nhưng tao không biết chữ". Dốt nát thực sự là nguy hiểm, thà chết vì ngu còn hơn là chết vì thiếu hiểu biết. Một ý tưởng chợt lóe lên.
Ngày... tháng... năm...
Thằng chuột lang khệ nệ kéo sang một bắp ngô to vật vã còn đúng hai hàng hạt. Nó chưa kịp mở mồm thì đã bị mình đã vồ ngay lấy:
- Lang, mày muốn đi học không?
- Đi học? Thôi, tao chẳng dám đi đâu, ở trường học chẳng có đồ ăn...
Cái thằng, chắc dạ dày nó lộn lên đầu rồi hay sao mà suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn.
- Được, mày không đi thì tao đi. Nhưng tao cần mày dẫn đường.
- Đường thì tao biết, có lần tao chui vào ba lô của cậu chủ rồi ngủ quên trong đó. Mãi đến lúc cậu ấy đi học thì tao mới biết nhưng không dám chui ra. Được, để tao chỉ đường.
Ngày... tháng... năm...
Đã 4 tháng nay mình sống ở trường, quá nhiều thay đổi. Không chỉ nhận được mặt chữ mà mình còn biết được vô số chuyện hay ho của các cô cậu học trò.
Có một lần, mình đang thiu thiu ngủ trong góc ngăn bàn thì thấy cái gì nhấp nhô phía ngoài, tò mò chạy ra xem. Thì ra là mảnh giấy cậu học trò ngồi bên vừa nhét vào, chắc lại kiểu "bức thư trong ngăn bàn" để gửi cô nhóc ngồi chỗ này đây mà. Trong lúc mình còn đang loay hoay không biết phải quay người thế nào để đọc được lá thư ấy thì bỗng có cái gì âm ấm nhẹ nhàng đặt lên lưng. Giật mình quay lại thì thấy một bàn tay, cùng lúc ấy, tiếng cô học trò thét vang: "Á... Cái gì... nhũn nhũn... Chuột...". Rồi thì tiếng bàn xô, ghế đổ. Mình chạy vội ra ngoài, vẫn kịp thấy cô bé con đang nức nở kể tội cậu bạn trai. Mặt cậu bé nghệt ra đến tội. Đấy cũng là lần đầu tiên mình biết thế nào là da thịt con gái, chẳng hề thú vị như mình vẫn tưởng.
Lần khác, chẳng biết giờ học môn gì, mình nghe rõ ràng tiếng thầy giáo hỏi: "Theo các em, những ai có thể mưu sinh trên bãi rác?". Ký ức cũ lại ùa về... Câu hỏi quá dễ, ngồi trong ngăn bàn, mình vẫy đuôi xin trả lời nhưng thầy giáo không gọi.
Ngày... tháng... năm...
Trời nóng quá, chẳng hiểu mấy ngày nay thầy cô giáo, rồi lũ học trò đi đâu cả. Trường vắng tanh. Chẳng có chuyện gì để hóng hớt. Ngăn bàn cũng chẳng còn đồ ăn. Chỉ thỉnh thoảng bọn ve sầu hùa nhau giễu cợt. Mình thấy buồn.
Ngày... tháng... năm...
Hôm nay trường đông đến lạ. Ngỏng cổ chờ những gương mặt thơ ngây thân quen nhưng không thấy, thay vào đó là những bộ mặt đăm chiêu, nghĩ ngợi. E là có biến, vội phi về một phòng học, nép vào ngăn bàn.
Tiếng thầy giáo trên bục giảng oang oang: "Rất hoan nghênh các em đã đến tham dự kỳ thi tuyển sinh cao đẳng của trường...".
Thi cao đẳng là gì? Mình có biết gì đâu. Thấy háo hức như thể mình đang ngồi khoanh tay lên bàn chứ không phải là đang ru rú trong đây nữa.
Ngày... tháng... năm...
Vẫn là những người hôm qua, họ vào lớp, lặng lẽ, từng người một. Khuôn mặt ai nấy đều căng thẳng đến lạ. Mình thấy không ưa mấy người này.
Trống báo hiệu, họ nhận giấy từ thầy giáo, rồi lặng lẽ viết viết...
Ngồi vào cái bàn chỗ mình đang nghỉ ngơi là một cô gái xinh xắn có hai bím tóc trên... đỉnh đầu. Cô ta cứ mải miết đọc đọc, ghi ghi, bấm bấm... Không nước hoa, không thức ăn, không giấy nọ tờ kia kiểu ruột mèo... tóm lại là tất cả những thứ có thể níu chân mình lại thì cô ta đều không có. Con gái gì mà thật thiếu hấp dẫn. Mình nhẹ nhẹ chuồn qua bàn khác.
Một anh chàng đang ngồi rung đùi, lắc lư theo một điệu nhạc tưởng tượng. Một cô nàng đang nhai ngấu nghiến cái vỏ bút đến nỗi bung cả lò xo. Một thi sĩ đang thả hồn lên cành phượng tàn để làm thơ. Đây đó vài cái tổ quạ mới được tạo hình do động tác vò đầu bứt tai tạo nên... Với mình, không ai có đủ sức hấp dẫn vì đơn giản là chẳng ai mang đồ ăn vào phòng thi cả. Tặc lưỡi: "Thôi, kiếm chỗ mà an giấc". Có vẻ ngăn bàn chỗ cậu sĩ tử to béo đang mải nhắm mắt há mồm kia là một điểm đến tuyệt vời...
Bây giờ thì mình đã hiểu: Thi cao đẳng là cuộc thi của những con người không thích cười và không biết ăn
Ngày... tháng... năm...
Mình ra trường.
Không phải là mình chán cái sự học mà cái chính là vì mình học mà chẳng được ai công nhận: đi học thì không ai cho phát biểu ý kiến, đến giờ kiểm tra cũng không ai cho làm bài thì nói gì đến chuyện chấm điểm, ấy là chưa kể hết năm học mình không được phát giấy khen, không được nhận phần thưởng... Đến lúc ra trường cũng không ai làm lễ tốt nghiệp cho. Mình nản chí quá! Bao nhiêu cố gắng của mình chẳng được ai ghi nhận.
Nhớ lúc ngoe nguẩy đuôi ra đi, thằng Mọt Sách còn vuốt đuôi thêm một câu: "Thằng này mắc bệnh thành tích nặng lắm rồi".
Bỏ ngoài tai lời nói khó chịu ấy của thằng kia. Mình quyết chí ra đi. Ở đời còn nhiều cái đáng học hơn nữa. Với mình chỉ cần biết đọc, biết viết đã là đủ lắm rồi. Mình quay lại đáp trả:
- Chịu khó tập thể dục đi, học nhiều quá đến lúc bị sách nó đè thì cũng không đẩy nó ra được, rồi lại bẹp ruột đấy em ạ.
- Á à, dám rủa nhau à? Này nhá, Krupxkaia đã nói rồi: "Vấn đề đọc sách của trẻ em là một trong các vấn đề quan trọng. Đọc sách đóng vai trò lớn trong cuộc sống của các em. Những sách được đọc trong thời niên thiếu không những có thể lưu lại trong trí nhớ các em suốt đời mà còn có ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai của các em nữa".
- Đây chả cần biết nhiều đến thế, chỉ nghe người ta nói: mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi.
- Hứ, dám đối chọi với ta à? Thế câu ấy là của ai?
- Biết chết liền. - Mình cười khẩy một cái rồi bước đi, để mặc thằng Mọt Sách tức tối uốn éo, lăn lộn trong cuốn sách cũ dày bịch ở góc thư viện. Chắc thằng này cũng chẳng biết ai là tác giả đâu, Goethe chứ ai, nhưng ngu gì mình nói cho nó biết.
Ngày... tháng... năm...
Từ ngày ra trường, mình đâm ra lại thành sống vất vưởng, nay xó này, mai xó kia. Lúc thì loanh quanh ở mấy quán cơm bụi, khi thì quanh ra quán cà phê, nhưng tuyệt nhiên không ghé vào bãi tập kết rác bao giờ. Thấy cuộc sống chòng chành quá!
Ngày... tháng... năm...
Sáng nay dậy sớm, tính chuyện thể dục cái...
Đến trước cửa hàng bán đồ ăn sáng, vừa hay có một cái xe máy dựng đấy, mình nhanh nhẹn leo tót lên đầu xe. Có một cái túi ni-lon. Quá hay! Nhẹ nhàng trườn đến, chỉ một giây sau mình đã nằm gọn trong túi, bên cạnh một ổ bánh mì và túi sữa đậu nành còn nóng hôi hổi. Chưa biết tính nên làm thế nào thì đã thấy cái xe đứng thẳng dậy và... chạy vù đi. Mình nằm im, sợ rúm người.
Tiếng phanh xe làm mình choàng tỉnh, hình như mình bị ngộ độc mùi túi ni-lon. Công nhận bọn túi này độc hại thật. Ngày xưa thằng Chuột Lang chả bị hóc suýt chết cũng vì túi ni-lon còn gì.
Vị chủ nhân xách túi đồ ăn sáng (trong đó có mình) vào nhà. Chủ nhân khoan khoái mở cái túi ra và...
- Ợ... Á... Á... Á... Á... Á...
Cậu chàng hét lên rồi bình tĩnh nhón lấy chóp đuôi mình, quay quay mình lên không trung. Rồi anh ta đắc chí:
- Cho biết thế nào là đi tàu vũ trụ nha em.
Ruột gan mình lộn hết cả lên.
Rồi vù... ù..., cậu chàng quăng mình đi. Đây là lần thứ hai trong đời mình bị đối xử thô bạo đến thế (lần đầu tiên là ngay khi mình còn chưa mở mắt, nhớ mang máng là như vậy). Nhưng mình chẳng để người ta bắt nạt mãi đâu. Hứa đấy!
Mình bị quăng vào cái sọt rác trong góc nhà. Ối cha mẹ ơi, toàn túi ni-lon là túi ni-lon, mà cái nào cái ấy, thơm nức mùi bánh mì và nồng nàn mùi nhựa. Mình như thằng say, ngồi trong cái sọt rác êm ái mà lử đử cả người. Bỗng đâu nghe "sầm" một cái trên đầu, ra là ổ bánh mì hồi nãy. Quá tuyệt vời, trên cả tuyệt vời! Công nhận anh chủ này hiếu khách thật, tấm lòng anh ta thơm thảo thật, y như cái ổ bánh mì trên đầu mình vậy! Chèm chẹp...
Anh chủ (mà mãi sau này mình mới biết anh í tên là Giai Lớn) đáng yêu quá! Này nhé, cao ráo, sáng sủa nhé, tốt lòng tốt dạ nhé, lại còn hơi bị thơm thơm mùi... mồ hôi nữa chứ. Đấy, ngay từ cái nhìn đầu tiên và cái ngửi thứ nhất mình đã thấy "bồ kết" anh này rồi. Phải công nhận là trực giác của mình nhạy bén thật í, hí hí.
Bất chợt, mình nhìn nhanh xuống... phía dưới. Suýt té xỉu vì nhớ ra mình là chuột đực. Nếu thế thì tại sao mình lại yêu được anh kia? 2 tên đực rựa... chẳng có nhẽ mình có vấn đề???
Ngày… tháng… năm…
Mến Giai Lớn, mình quyết định sẽ ở lại đây để chăm sóc cho anh ấy. Được sống và hi sinh cho người mình yêu thương thì còn gì bằng, nhất là khi thùng mì tôm của anh chàng hiếm khi cạn. Thật là tuyệt!
Ngày… tháng… năm…
Đã một tuần nay mình sống ở đây. Hàng ngày được cùng ăn cùng ngủ với Giai Lớn thật là một điều hạnh phúc. Nói là nói vậy chứ thùng mì tôm để đấy, đứa nào đói thì cứ tự động vào lấy mà ăn, chẳng phải mời mọc xin xỏ gì cả. Mà kể cũng lạ, mình đường đường là một quản gia, trông nom nhà cửa 24/7, đáng lẽ Giai Lớn muốn ăn cái gì hay muốn làm gì trong cái nhà này thì cũng đều phải hỏi ý kiến mình chứ nhỉ? Đằng này… Giai ơi, Giai hơi bị vô kỷ luật rồi nhé!
Ngày… tháng… năm…
7 giờ tối rồi mà vẫn chưa thấy Giai Lớn về.
8 giờ, rồi 9 giờ… vẫn chẳng thấy Giai đâu.
10 giờ, bầu đoàn thê tử nhà lão Gián xông ra. Lão ra vẻ quan tâm:
- Chú mày ăn gì chưa? Mà anh hỏi thật, chú mày trai tráng như thế, không vợ con gì… “nó” chả hỏng ra ấy à? Hay… hỏng rồi?
Lão cất tiếng cười hô hố rồi lụt cụt chạy ra chỗ mụ vợ đang lẩm bẩm đếm con.
11h, cửa xịch mở. Dù bị lóa mắt vì ánh đèn xe máy nhưng mình vẫn nhận ra là Giai Lớn. Tí tởn chạy ra định hù cho Giai Lớn bất ngờ, nhưng chưa kịp làm gì thì Giai Lớn đã nhìn thấy mình. “BỐP” – nguyên chiếc giày thể thao của Giai Lớn đập thẳng vào mặt mình. Ngã xụi lơ. Chắc mẩm quả này thì chầu tiên tổ rồi.
Nhưng không, Giai Lớn loạng choạng đi ra, dắt xe vào nhà, cài chốt cửa và thả mình xuống giường làm cái “rầm”. Rồi tiếng ngáy “pho… pho…” bắt đầu cất lên đều đặn.
Nửa đêm, mình chạy ra chỗ Giai Lớn nằm, định tháo nốt chiếc giày còn lại cho Giai. Của nợ thật, giày gì mà lắm dây lắm nhợ, mình mò toét cả mắt mà không biết phải làm sao, đành dùng miếng võ đầy bản năng: Nhay!
Một lúc, cái dây giày cũng phải đứt ra. Mình quá đỗi tự hào về chiến công ấy, nghĩ bụng chắc mai được thưởng to. Mà đã xong đâu, phải tháo được chiếc giày ra khỏi chân kìa. Mình bám chân vào gấu quần Giai Lớn, trong khi đầu và tay cố hết sức để đẩy cái giày ra, toát hết cả mồ hôi. Rồi chiếc giày cũng dần tuột ra…
Nhưng mình không có niềm vui được nhìn thấy thành công, khi chiếc giày vừa tuột ra khỏi chân Giai Lớn thì một luồng xú khí bốc lên nồng nặc. Dù đã có kinh nghiệm hô hấp trong môi trường bãi rác nhưng mình vẫn không thể “thọ” được với cái mùi này. Mình đành buông súng trong tư thế mũi thì bịt chặt mà mõm thì há hốc…
Ngày… tháng… năm…
Lỗ tai mình vẫn còn lùng bùng những câu chửi mắng, toàn thân mình vẫn đau ê ẩm sau cú đá thôi sơn của Giai Lớn sáng sớm nay. Mình đã giúp cởi giầy, vậy mà Giai không những không cảm ơn mà còn lớn tiếng chửi mình là đồ phá hoại. Lần đầu tiên thấy hai đứa không hiểu ý nhau.
Bài học: Say rượu làm người ta không kiểm soát được hành vi, có thể gây sứt mẻ tình cảm và nguy hiểm hơn là có thể dẫn tới đầu độc người khác.
Ngày... tháng... năm...
Giai Lớn mang về một cái hộp các-tông to đùng. Mình ngẩn người ra, nghĩ bụng chắc Giai Lớn mua ổ cho mình để chuộc lại lỗi lầm hôm trước.
Nhưng mình nhầm. Giai lấy dao, rạch một đường lên miếng keo dán mép hộp rồi lôi ra một cái máy màu đen đen. Giai đặt nó lên bàn, mở ra, cái máy mở mép ra y như con ngao bị hấp chín vậy. Tự nhiên mình thấy đói.
Giai Lớn chăm chăm nhìn vào cái máy mới, tí toáy gõ gõ, sờ sờ, bôi bôi rồi tự cười rất thích thú. Tò mò quá!
Từ lúc mang cái máy ấy về, Giai cứ chúi mũi vào đó, chẳng chịu ngoảnh mặt nhìn ai, chẳng chịu ăn uống gì. Mình chạy ra, ngậm chặt lấy cái dây đen lủng lẳng và kéo gọi Giai. Có cái gì tê tê nơi đầu lưỡi, một cảm giác lâng lâng...
Trong khi mắt mình đang đờ đẫn dần ra thì chợt nghe thấy tiếng hét của Giai Lớn:
- Lạy bố!
Tiếng hét to đến nỗi làm mình giật bắn, mình bật cao đến nỗi lưng đập hẳn vào đáy cái ngăn kéo, cái dây đứt ra.
Giai Lớn tiếp tục:
- Bố nhả ra cho con nhờ. Cái máy con mới mua xong...
- ...
- Giời ơi là giời, đứt xừ nó cái dây chuột của ông rồi. Mày chết...
Nói rồi Giai Lớn cúi xuống vơ đại lấy cái dép tông định phang mình, nhưng mình đã chuồn mất. Hú vía thật.
Cũng từ lúc ấy, mình biết thêm một loài chuột mới.
Ngày... tháng... năm...
Mấy ngày nay Giai Lớn như chỉ biết đến cái máy mới, chắc chắn rằng Giai đã thích mê nó đi rồi. Một cơn ghen nổi sóng trong lòng
Ngày… tháng… năm…
Hôm nay Giai Lớn đùng đùng ôm một em chuột khác về, thay chỗ con chuột hôm trước bị mình cắn đứt đuôi. Em này dưới bụng cũng có viên hồng ngọc to đùng như con chuột hôm trước, thỉnh thoảng viên ngọc ấy lại lấp lánh, nhấp nháy dưới tay Giai Lớn. Nhưng mà, em í... Nói chẳng phải chê chứ... chuột gì đâu mà đen trùi trũi. Mình nghĩ bụng chắc em này phải lao động ngoài trời nhiều lắm nên mới bị cháy nắng đến thế. Đã vậy, em í lại còn bị cụt đuôi nữa chứ, rõ là dị hình dị dạng. Thôi, đích thị là Giai đang mang con chuột bị tật nguyền này về để chăm sóc rồi. Sao trên đời lại có người từ bi bác ái như Giai Lớn nhỉ?
Ngày... tháng... năm...
Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua. Tự nhiên hôm nay thế nào mà lại nhớ ra là lâu lắm rồi không viết nhật ký. Cũng chẳng có gì đáng viết ngoại trừ chuyện thỉnh thoảng lão Gián lại lôi cả nhà ra để trêu tức mình. Lão dám chọc mình vì tội ngần này tuổi đầu rồi mà vẫn chăn đơn gối chiếc, chẳng như lão, ít hơn mình cả đống tuổi mà con thì đếm không xuể.
Chậc, chẳng thèm chấp. Cứ thử đem lên bàn cân xem, một mình mình chấp cả đàn cả ổ nhà lão ấy chứ.
Ngày... tháng... năm...
Mới đầu giờ sáng đã thấy Giai Lớn về. Lạ ghê, thường ngày thì Giai đi cả ngày, đến chiều tối mới mò về. Thế mà nay...
Giai Lớn về, dẫn theo một Giai khác, cũng cao như thế, cũng đẹp trai như thế, nhìn chung là rất giống Giai Lớn, có điều Giai này nhìn có vẻ "béo xương" hơn Giai Lớn nhà mình thì phải. Nghe họ nói chuyện thì hình như gã kia tên là Giai Bé, Giai Lé, Giai Té hay Giai Wé gì đó. Chậc, mình cứ gọi là Giai Wé đi (nghe giống giống như câu cảm thán mà mấy nường tuổi teen hay nói mỗi khi nhai phải cái gì đó dai thật là dai ấy).
Về nhà một tí, Giai Lớn đã vội đi ngay. Chỉ còn mình và nhân vật mới.
Thật sự mình thất vọng vì Giai Wé nhìn vẻ ngoài thì giống Giai Lớn là thế mà tính cách thì lại khác xa: trong khi Giai Lớn ưa thích sự tĩnh lặng thì Giai Wé lại thích sự ồn ào, bằng chứng là khi Giai Lớn dắt xe đi thì ngay lập tức, Giai này đã bật nhạc oang oang, nhạc gì mà mới nghe thì giật mình mà nghe lâu lâu thì ù tai tức ngực. Còn nữa, trong khi Giai Lớn thì chỉ thích vần vò mấy thứ máy móc thì Giai Wé lại chăm chú vào đống giấy tờ lôi thôi trải đầy trên giường. Đặc biệt hơn cả là trong khi người Giai Lớn luôn phảng phất mùi "nước hoa tinh dầu mồ hôi" rất đặc trưng thì Giai này lại có mùi gì ngửi gần giống như mùi bánh xà phòng thơm trong tủ nhưng lại nồng nàn hơn...
Nói chung mình chưa thấy một điểm nào của Giai Wé đáng để mình kết thân cả.
Chiều:
Có tiếng xe thân quen của Giai Lớn ở trước cửa. Mình tỉnh giấc, mừng như vớ được vị cứu tinh. Nhưng...
Ngay khi cửa mở ra và Giai Lớn chưa kịp lau mồ hôi trên mặt thì mình đã nghe được câu: "Sao anh về muộn thế? Anh nấu cơm đi thôi, em đói lắm rồi. Ở nhà giờ này là ăn xong rồi đấy" của Giai Wé. Lúc này mình mới thấy mùi mì tôm thoang thoảng đâu đây. Chưa kịp ca khúc ca "tìm đâu xung quanh đây nơi mùi thơm" quen thuộc thì mình đã nghe tiếng gì đánh "huỵch" một cái, rồi vài tiếng "hự", "bốp", rồi những tiếng xuýt xoa vang lên.
Sợ quá, mình bịt tai lại, không kịp nghe thấy tiếng cười giòn tan đầy phấn khích.
Ngày... tháng... năm...
Nhân lúc Giai Wé còn đang mải vật lộn với đống giấy tờ sách vở, mình tranh thủ mò đến kho lương thực, tức thùng mì tôm của Giai Lớn. Thật may vì vẫn còn một gói.
Đang nằm vắt chân chữ ngũ vừa rung đuôi vừa nhai mì tôm rau ráu thì một luồng điện chạy dọc sống lưng: có người đang bước về phía kho lương thực. Vội buông gói mì, mình lẩn vào một góc, nín thở.
Bàn tay Giai Wé khoắng vào trong thùng mì giây lát rồi lôi ra gói mì tôm mình đang gặm dở. Giai Wé rít lên:
- Lại chuột. Anh già ở bẩn quá, chuột nó đến ăn hộ hết mì rồi còn đâu. Bảo sao người cứ như con cá mập khô...
Mình vội bịt mõm nén cười, Giai Lớn mà là con cá mập khô thì Giai này chả khác gì bộ xương giáo cụ ở trường học.
Trong bóng tối, mình vẫn biết Giai Bé đang nhấc điện thoại lên và kêu gào thảm thiết: "Anh ơi, hết mì tôm rồi".
Ngày... tháng... năm...
Mới sáng sớm tinh mơ đã nghe tiếng gà nhà ai kêu nhức cả óc. Rồi thì tiếng "bịch" nghe như tiếng bao cát nhà ai bị đứt dây treo, rồi tiếng đấm đá nhau túi bụi. Mình im re.
Một lúc sau, hai người lên xe nổ máy đi rất nhanh.
Chỉ còn lại mình mình. Ngẫm nghĩ lại, giật mình nhận ra từ khi Giai Wé đến đây, không khí trong nhà thật đáng sợ. Những trận đấm đá, vật lộn diễn ra nhiều hơn cơm bữa, những pha nín thở vì suýt bị sờ gáy, rồi những lần cướp giật đồ ăn của nhau...
Mấy ngày nay, lúc nào mình cũng phải sống trong tâm trạng bất an.
Ngày... tháng... năm...
Từ hôm qua đến nay, hai Giai lúc nào cũng vội vội vàng vàng như bị ma đuổi. Vội ăn rồi lại vội đi ngay.
Chiều:
Lạ thật, lúc sáng vội là thế mà Hai Giai lại có thể dành ra cả buổi chiều chỉ để ngủ.
Tối:
Hai Giai lôi nhau đi từ lúc nhá nhem tối, đến gần nửa đêm mới mò về. May mà lúc tối đã kịp sang nhà hàng xóm xin tạm miếng khoai chứ đợi Hai Giai về cùng ăn có mà chết đói.
Nghe loáng thoáng thấy Giai Wé kêu nhà bẩn, rồi tiếng Giai Lớn bảo dọn dẹp.
Ngày... tháng... năm...
Hôm nay Hai Giai lôi nhà cửa ra dọn dẹp thì phải. Mình phải chuồn gấp thôi kẻo bị tóm sống. Mình thì không sợ chết, không sợ bị ném giầy, chỉ sợ mùi chân của Giai Lớn thôi.
Gặp thằng chuột nhắt, mình bảo nó cùng đi lánh nạn. Nó vênh mặt lên bảo: sợ đói thì sợ chứ sợ gì bị đập, đập thì ta đập lại. Cái thằng ngu ấy, đến lúc tối mình về đã thấy nằm phơi bụng trắng hếu ở gần cổng, khiếp thật.
Mò về ổ, đói quá. Khịt... khịt... có mùi bánh mì trứng. Thì ra là ở cuốn sách cũ của Giai Lớn. Chả có miếng nào đủ to để gọi là miếng. Điên tiết, định nhay cho bằng nát thì thôi nhưng nghĩ thế nào lại tha về ổ. Ừ, mang về làm sách gối đầu cũng tốt.
Ngày... tháng... năm...
Mở cuốn sách chiến lợi phẩm thu được tối qua ra, nhận ra đó là nhật ký của Giai Lớn, mình quyết định sẽ giữ quyển sổ này lại làm của riêng.
"Bịch"... "Hự"... "Hề hề..."
Hai Giai lại đánh nhau rồi. Sống trong không khí này chắc vài hôm nữa là mình phát điên lên mất. Một quyết định đau xót được đưa ra: Mình sẽ tạm đi xa ít bữa, chờ cho Giai Wé đi khỏi, mình sẽ về. Kẹp cuốn nhật ký vào nách, mình dông thẳng
Ngày... tháng... năm...
Đã mấy ngày thoát ra khỏi "ổ quỷ", mình chuyển đồ sang một hòm nho nhỏ. Chẳng hiểu hòm đựng những gì mà khi vào thì lông mình xám rất đẹp đến lúc chui ra thì chỗ đen sì, chỗ xám ngoét, loang lổ, trông chả khác gì con chuột thui dở cả.
Ngày... tháng... năm...
Rảnh rảnh ngồi ngẫm lại câu dạy đời của lão Gián. Có thể lão ấy có lý.
Ngày… tháng… năm…
Nắng lên sau mấy ngày mưa rả rích, tranh thủ ra sân tắm nắng. Bỗng nghe thấy tiếng một ả chuột gái choe chóe ở đâu đó. Thì ra cô nàng thử mát-xa chân bằng… bẫy bán nguyệt, chẳng dè cái lò xo nó lại khỏe quá, thành thử cô nàng bị kẹp dí lại đó, không thể nào rút chân ra được.
Cô nàng tuổi hơi “dừ”, và có vẻ bản chất khá đanh đá, nhưng gặp lúc hoạn nạn cũng nhún mình đôi chút:
- Anh… Anh gì ơi. Anh giúp em tháo cái bẫy này ra cái.
- Anh gì là cái gì? Cô gì ơi, tôi khiếp mấy cái vòng sắt ấy lắm. Cô kẹp chân thì không sao chứ tôi là đàn ông, kẹp… thì chết.
- Anh cứ đùa. Cứu em đi, rồi em hậu tạ cho cái này. – Vừa nói mắt cô nàng vừa chớp chớp dụ dỗ.
Kỳ thực cô ta chẳng cần làm như thế, với lại mình trẻ người non dạ, có hiểu ý nghĩa của cái chớp mắt ấy là gì đâu, chỉ nghĩ đơn giản mình là trang quân tử, thấy người hoạn nạn giữa đường thì lẽ đương nhiên là phải xông tới giúp, thế thôi.
Sau một loạt hệ thống những đòn bẩy, chiếc vòng bán nguyệt cũng hé mở, vừa đủ cho ả chuột rút chân ra. Xong.
Ngày… tháng… năm…
Đến bây giờ mình vẫn chưa thôi trách móc bản thân vì cái gọi là thể hiện bản lĩnh hôm ấy. Mình vẫn nhớ như in nét hớn hở trên khuôn mặt của ả, nhớ như in cảm giác khó chịu khi cô ả lao đến, ôm chầm lấy mình hôn rối rít, và nhớ như in cảm giác “cứng đơ” khi cô ả quyết định sẽ trả ơn cứu mạng bằng cả… cuộc đời.
Thằng bé đã vào tròng. Từ nay, những vết son trong nhật ký bắt đầu phai màu…
Ngày... tháng... năm...
Đã 3 ngày trời có "vợ", mình bị cô ả vắt kiệt sức lực. Trong khi mình còn nằm thở phì phò thì mụ vợ đã ngồi vắt chân cười khanh khách. Thì ra càng già càng dẻo càng dai...
Ngày... tháng... năm...
Vợ khó ở, mình chẳng biết phải làm sao nữa. Muốn đi tìm thuốc cho vợ nhưng không biết làm thế nào, liều thuốc Berberin của thằng bạn chuột lang vẫn làm mình bị dị ứng mỗi khi nghe đến từ "thuốc". Thấy mình tái mét mặt mày, lo lắng thì vợ lại tủm tỉm cười. Nụ cười ấy có nét gì đó nham hiểm...
Đêm, vợ thủ thỉ: "Anh ơi, em có bầu rồi. Mình làm đám cưới anh nhé". Mặt mình nghệt ra, cái gì mà cưới với treo cơ chứ: nhà cửa thì chưa có, việc làm thì thiếu ổn định, nguồn thức ăn cũng chủ yếu là đi chộp giật, vay nợ, giờ mà cưới... Họa có điên. Với lại hình ảnh cô nàng chuột xinh xắn ngày xưa vẫn còn hằn in trong trái tim mình, nói thế để mình tự hiểu rằng còn nhiều em xinh tươi hơn hẳn mụ vợ hiện tại... Mình nói với vợ tất tần tật những mối lo nghĩ của mình, trừ lý do cuối cùng, tất nhiên!
Khó ngủ quá, mình suy nghĩ rất lung...
Ngày... tháng... năm...
Cả đêm qua mình không chợp mắt, giờ thấy váng đầu kinh khủng. Vợ đi sang hàng xóm buôn dưa lê. Chỉ còn một mình mình ở nhà.
Mình nghĩ đến cái thai. Không thể cưới, vì mình cũng đâu có xác định gì với cô này. Chẳng qua ả cứ bám vào thì mình chiều thôi, âu cũng là giúp đỡ người mà. Nhưng giờ ả có bầu rồi, bỏ sao đặng? À, thì ra nguyên nhân là vì cái thai. Vậy thì... vướng đâu ta bỏ đó. Một suy nghĩ tàn nhẫn xuất hiện trong đầu... Mình nghĩ đến liều thốc xổ, tin rằng dùng thốc ấy, thức ăn còn xổ ra ngoài hết nữa là cái thai.
Mình đến tìm thằng chuột lang..
Ngày… tháng… năm…
Mình tìm đến, thằng chuột lang đang nằm phởn phơ uốn râu. Thằng này giờ làm bác sĩ cho tập thể chuột. Chắc tại sau lần đưa Berberin cho mình chữa cảm cúm, hắn đã biết sợ và đầu tư vào nghiên cứu y dược thì phải.
Là chỗ bạn bè thân thiết nên khi mình vừa ngỏ ý nhờ giúp đỡ thì mặc dù biết là việc thất đức nhưng hắn vẫn hồ hởi giúp. Hắn nói giọng uyên bác:
- Cậu đầu óc đơn giản lắm, chả khác gì tớ ngày xưa. Cứ nghĩ nó là thần dược...
- Ừ thì ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần.
- 1 lần thôi ông tướng. Bây giờ thế này, tớ thấy ông bà chủ nhà tớ hay dùng cái này, nghe nọ thầm thì với nhau là nó... kỵ thai lắm. Cậu mang về cho mụ ấy dùng thử coi.
- Hiệu nghiệm không?
- Chắc ăn 99%, ti vi còn quảng cáo thế mà. Cậu ở đây, tớ vào lấy.
Mình ở ngoài sân ngóng đợi, bỗng nghe "rầm" một cái to lắm, rồi tiếng thằng chuột lang chít chít đầy đau khổ. Mình lao vào. Trời, thằng bé đang đứng lắc lư như lên đồng, bên cạnh là cái ngăn kéo bàn đổ lỏng chỏng. Mình lay lay thằng chuột lang, hắn kịp đưa cho mình một cái gói ni-lon trước khi lăn quay ra sàn nhà. Mình nuốt nước mắt cầm gói thuốc quay đi.
Mang thuốc ra đầu ngõ, lôi ra ngắm nghía một hồi, thấy quen quen... A, nhớ rồi, chính nó là cái kẹo mà ngày xưa mình nhai phải. Quái, kẹo chứ có phải thuốc đâu. Nhưng mình rất tin tưởng vào tay nghề và y đức của thằng bạn. Mình thấy buồn nôn quá!
Ngày... tháng... năm...
Mang thuốc về đã mấy ngày mà cứ hễ nhìn thấy cái bụng vợ là mình lại run. Quái thật, cho vợ uống thuốc thôi chứ có phải là làm gì đâu mà phải run, nhể?
Ngày... tháng... năm...
Bên nhà thằng chuột lang vẫn chưa thấy tiếng kèn trống gì, Nghĩ bụng thằng bạn mình tuy hi sinh cao cả như thế nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là con chuột vô danh tiểu tốt. Ai mất công đưa tiễn làm chi. Chép miệng: "Tớ mang ơn cậu!"
Ngày... tháng... năm...
Một cô nàng nõn nà chẳng hiểu ham ăn ham uống thế nào mà trượt chân rơi thẳng xuống trước cửa nhà, nằm quay lơ. Mình vội chạy ra, hô hấp nhân tạo. Cô nàng khẽ ở mắt, thì thầm: "Anh đã cướp mất nụ hôn đầu tiên của em rồi, hí hí...". Nói rồi cô nàng co giò chạy mất. Trong nhà mụ vợ đằng hắng mấy tiếng ra hiệu. Biết ý, mình vội trở về.
Ngày... tháng... năm...
Mình nhớ nàng chuột hôm trước quá. Mình nghĩ đến liều thuốc thằng chuột lang đưa cho.
Chưa biết làm thế nào để vợ chịu dùng thì cô ả đã nũng nịu: "Anh, sao anh không chịu mua cái gì cho em dưỡng thai?".
Một ý nghĩ táo tợn xuất hiện, mình đưa ngay gói thuốc cho cô ả: "Đây nè cưng, thuốc dưỡng thai đó".
Cô ả sung sướng vồ lấy, hít lấy hít để.
- Thơm quá, lại có mùi hoa quả. Cái này chắc bổ dưỡng lắm đây. Dùng sao anh?
- Thì bỏ vào mồm mà nuốt chứ sao, có thế mà cũng phải hỏi.
Cô nàng từ từ xé cái vỏ ni-lon, rồi từ từ đưa vào mồm. Mình nín thở.
"Ực... ức... ắc... ặc... ắc..."
Bất chợt, cô nàng trợn mắt trợn mũi, ho ho khạc khạc. Nói không nói được, thở không thở được. Cô ả giãy giụa. Hai cái chân sau quẫy đạp trong khi chân trước thì cào vào mõm, móc móc khều khều.
Nghĩ bụng chắc là thuốc có tác dụng mạnh nên mới thế. Mình vội chuồn ra khỏi nhà, đi tìm em chuột hôm trước. Hai...za...
Mụ vợ ấy, không bao giờ mình gặp lại nữa. Nghe nói sau lần ấy, mụ thoát chết, vẫn sinh con bình thường nhưng bị dị ứng với những thứ có liên quan đến ni-lon và đàn ông. Mãi sau này mình mới biết thứ thuốc đó là bao cao su, nó chỉ có tác dụng ngừa thai chứ không phải là thuốc... xổ thai, và triệu chứng hôm ấy là do mụ vợ bị... hóc cái bao cao su, có thế thôi. Hú hồn, may mà mình chuồn sớm
Ngày... tháng... năm...
Mấy ngày giời lần theo vết lông rụng của nàng chuột xinh mà vẫn chưa thấy nàng đâu. Chẳng biết là chuột hay ma nữa. Mắt đã mờ, chân đã run và tim đã đập yếu ớt hơn. Không lẽ đây là dấu hiệu của tuổi già?
Không thể thế được. Mình mệt mỏi quá!
Ngày... tháng... năm...
Trời sắp bão, không khí oi bức ngột ngạt. Toàn thân đau nhức. Mình ốm. Tìm tạm một đống củi khô chui bừa vào.
Ngày... tháng... năm...
Cố ngóc đầu dậy mà không được, tủi thân quá. Như ngày xưa còn có thằng chuột lang chạy qua chạy lại, không có bát cháo nóng thì cũng được bắp ngô gặm dở. Nhắc đến thằng chuột lang mà áy náy quá, vì cái thai của vợ mình mà nó phải "ra đi". Không muốn nghĩ tiếp nữa.
Ngày... tháng... năm...
Cố bò ra khỏi ổ, vấp ngay vào một cái thủ cấp, nhìn kỹ thì ra là cái đầu cá. Mắt sáng trưng, gặm lấy gặm để.
Tỉnh hẳn, chân tay không còn run, mắt không còn mờ và dãi không còn chảy nữa. Nghĩ bụng thằng trẻ mà ốm đói thì chẳng khác gì ông già.
Ngày... tháng... năm...
Có mùi hương gì thoang thoảng đâu đây. Mũi hít, chân bò theo hướng mùi hương ấy. Đến một căn phòng to lắm, phải to gấp hàng chục lần căn phòng của Giai Lớn ấy. Trời ơi, cơ man nào là bánh kẹo. Còn gì bằng nữa, đúng là chuột sa chĩnh... kẹo.
Hăm hở đi... kiểm hàng, chợt thấy "bốp" cái ở trên đầu, ngẩng lên, thấy nguyên cái khấu đuôi to đùng của một thằng. Giật mình quay lại, hàm răng trắng ởn của một thằng khác, quay đi quay lại... một thằng khác, rồi một thằng khác nữa. Cứ thế một lúc, mình đếm dễ đến một tá những hàm răng trắng ởn. Mình muốn té xỉu.
Thằng chuột to nhất cất tiếng ồm ồm, để lộ cái sẹo nối từ mép bên này sang mép bên kia sau khi đã chu du qua sau gáy:
- Mày ở băng nào? Ai xui mày mò đến đây?
- Tôi có biết gì đâu. Chỉ là...
- Đây là đại bản doanh của bọn tao, ai cũng biết thế. Riêng mày, hoặc là quá khôn ngoan hặc là cực ngu thì mới dấn thân đến chốn này. Khai mau, ai xui mày tới đây? Băng khác hay bọn cớm?
- Em... em không biết gì mà... - Mình đã lùi vào sát hàm răng một thằng mà không biết.
- Còn cãi à? Anh em, cho nó một bài!
Tức thì mình nghe nhói ở sau gáy. Kịp ợ lên một tiếng rồi lăn đùng xuống đất trước tiếng cười khả ố của bọn đầu gấu.
Thằng chuột bự kia nhích đến, túm râu mình giật giật:
- Ai? Ai xui mày?
- Dạ... là...
- Ai?
- Là... cái bụng ạ.
Câu trả lời thật thà của mình chẳng ngờ lại có tác dụng hữu hiệu đến thế. Cả bọn chuột bò ra cười như chưa bao giờ được cười. Chúng nó xì xầm bàn tán với nhau: "Ôi, một anh hùng thật thà!", "Nom râu dài mà... não ngắn"... Ức lắm nhưng mình chẳng thể làm gì được.
Chợt, một lão chuột già lê bước đi ra. Lão khò khè:
- Đại ca có lệnh đeo cùm cho thằng giặc này và dẫn lên gặp đại ca.
Mình nhếch mép: gông cùm của bọn chuột thì cùng lắm cũng chỉ là cái móc chìa khóa hoặc là cái dây lạt chứ gì.
Nhưng không, từ hai bên cánh, 6 thằng chuột vác 2 cái bẫy lao đến. Chưa kịp phản ứng gì thì đã nghe đau điếng hai bên tai. Muốn quay đầu mà không quay được, đôi tai nhỏ xinh đã bị 2 cái bẫy kẹp chặt lại. Bọn chuột cười hô hố, đoạn chúng mau chóng rút ra một đoạn dây mây quất vào mông bắt mình đi...
Ôi chao, lần đầu tiên biết thế nào là xã hội đen, lần đầu tiên hiểu miếng ăn là miếng nhục.
Nhưng cái nhục ấy chưa bằng cái nhục này:
Khi thằng chuột già cất tiếng: "Thưa đại ca, đã giải thằng phá hoại đến rồi ạ" thì cũng là lúc mình nhận ra kẻ đứng trên cao kia là... thằng chuột lang. Nó chưa chết hay hồn nó đang sống đây?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top