Phần 1: Ngày nhỏ

            Tuổi thơ bạn đã từng: quấn chăn lên người làm công chúa hoàng tử, đã từng tắt đèn ngủ rồi chạy như bay lên giường chỉ vì sợ ông kẹc đuổi theo, hay đã từng tin sái cổ câu chuyện ăn hạt gieo mầm trên cái đầu mình? Và t nghĩ điều chúng ta cần làm là nghe lời người lớn nếu không muốn một ngày nào đó đầu ta trở thành mảnh vườn đầy tiếng chim🤣. Lớn lên một chút, ta thấy điều ấy thật buồn cười và lúc này, bạn sẽ nói "Xời, hồi ấy ngu thật chứ, có vậy cũng tin" khi nhìn lại quá khứ lẫy lừng của mình. Có thể ngu ngốc, nhưng lúc nào nghĩ về chúng chúng ta cũng cười, vì đó là một phần của cuộc đời tươi đẹp, trước khi chúng ta biết nhiều hơn thế giới bên ngoài những câu chuyện cổ tích, và những lời nói của người lớn chẳng còn gieo vào lòng bạn những niềm tin, những mong chờ vu vơ...
           Hồi tôi còn nhỏ xíu, tôi sợ chó nhất. Nó là cái giống gì mà móng vuốt to và nhọn hoắt- giống của con mèo nhưng sẽ chẳng bao giờ chúng cào như mèo, bởi điều kinh khủng hơn nằm ở cái miệng đầy răng nhọn lúc nào cũng há ra chực cắn ai. Lên ba tuổi, tôi vào mẫu giáo. Trường tôi ở cuối làng, và ngày nào ông nội tôi cũng đội chiếc mũ cối trắng bạc phếch màu, nhấc tôi lên ngồi trước yếm xe cào cào cũ- chiếc xe gắn liền với những ngày tháng rong ruổi của ông cháu tôi trên đường đến trường, đến nhà ông Viên đánh tổ tôm. Hồi ấy, tôi sợ chó mà không dám xuống cuối xóm chơi với đứa bạn thân, lúc nào cũng kè kè với ông, ông tôi mắng:" Sao mày dát thế hở con? Nó có làm gì mày đâu. Đi đường chỉ cần không làm gì nó thì bố nó cũng chẳng buồn động đến mày" Tôi tin, mà cũng chẳng tin. Ai mà biết nó có làm gì hay không khi mà nó đang ngứa răng?
         Chiều hôm ấy, học xong tiết nặn đất sét, cô Thoan cho chúng tôi về, và tôi chỉ đợi lúc ấy. Nhưng sao ông tôi lâu thế? Đã bao nhiêu lâu rồi vẫn không đến đón tôi về? Hay là ông đang ở nhà ông  Viên say mê tổ tôm mà quên đón đứa cháu đáng yêu thế này?  Ngày hôm đó là hôm đầu tiên tôi phải ngồi lại lớp gần chót để đợi người đến đón. Tôi thấy nhiều rồi nhưng chưa thử bao giờ. Mấy đứa ở lại vì bố mẹ nó còn bận làm, hôm nao cũng đón muộn. Những lúc ấy tôi nghĩ mà thương chúng nó ghê gớm, vậy mà hôm nay tôi lại phải ngồi đây với chúng nó và đợi chờ dài cả cổ. Mỗi lần có tiếng xe đạp là cả bọn lại nghển ra xem ai đến, và nụ cười của những đứa được đón về trước làm tôi bực lắm lắm. Tôi trách ông tôi sao lại đãng trí đến thế. Tôi ghét phải chờ đợi, nó chỉ tốn thời gian thôi. Cuối cùng, tôi quyết định tự đi về trong con mắt ngưỡng mộ của lũ bạn. Cô giáo đương nhiên không cấm vì nhà gần quá. Tuy nhiên  với đứa trẻ như tôi, nó luôn là đoạn đường chông gai nhất cuộc đời ( cuộc đời mới dài bốn năm của tôi). Và, đời chẳng như là mơ. Lúc ra đi thì oai phong mà đi rồi thì mếu máo- tôi sợ gặp chó. Nhưng tôi biết một điều tôi sẽ không làm: quay lại. Điều ấy chả khác nào làm trò tấu hài cho đỡ buồn trong lúc chờ đợi của đám bạn kia. Tôi bấm bụng đi tiếp.
       Đến giữa làng là xóm cô Nhi: xóm này nổi tiếng là lắm chó và cũng là nỗi lo lắng lớn nhất của tôi. Hay một cái là đàn ông xóm này rủ nhau đi làm ăn xa hết, thành ra ở đây chỉ có bà già, phụ nữ và trẻ con. Chính vì lẽ ấy mà nhà nào nhà nấy đều nuôi mấy con chó to vật, như thể chúng có vai trò một phần giống người đàn ông là đảm bảo sự an toàn. Đó là quyết định sáng suốt, lũ chó đã hoàn thành nhiệm vụ vì chúng nó chả ngán một ai. Tôi đã thấy bác Thuế bị chó cắn chảy máu ròng ròng lúc đi thu tiền điện- đáng thương vô cùng. Vậy là tôi nghiêng người dòm xem, thấy nhà nào cũng khép cổng mới yên tâm đi qua. Tôi đi rón rén như thể mình đi ăn trộm- mặc dù tôi chả có gan làm thế. Bước qua cái ngõ mà như dài cả thế kỉ. Tôi hí hửng, định bụng tí về nhà sẽ khoe với ông tôi về thành tích ấy, rằng tôi đã cố hết sức. Nhưng đời người lắm cái không ngờ,  sắp về đến nhà thì tôi gặp  con chó nhà hàng xóm hôm nào cũng dũi bãi cát ở ngã ba. Nó nhìn tôi. Tôi cũng nhìn nó. Nín thở. Chảy mồ hôi hột. Tôi biết nó đang làm gì- nó chỉ chực đợi tôi cử động là cắn ngay, tôi biết tỏng mà. Hơi sợ nhưng tôi vẫn cố gắng làm như không có gì,
dửng dưng đi qua. Tuyệt vời thật! Nó chẳng đoái hoài gì mà đi luôn. Điều ấy khiến tôi vui dữ dội vì tôi đã làm được. Cũng từ ấy mà niềm tin tôi đặt vào ông nhiều nhất nhà.
                                ****
      Lớn lên một chút, tôi đi học lớp một. Con đường này vẫn vậy, chỉ khác là tôi đi một mình. Ông tôi đã mất ngay khi tôi lên lớp. Cảm xúc ấy tôi không cần nói, ai trải qua cũng biết. Tối đã nhớ ông ghê gớm, khóc nhiều lắm nhưng chẳng làm gì được. Lúc ấy tôi đã đủ lớn để biết rằng người đã ngừng thở sẽ chẳng bao giờ tỉnh dậy đưa tôi đi chơi khắp làng xóm nữa. Đường đến trường cũng có chó, nhưng tôi đã thôi sợ, vì tôi tin điều ông nói luôn là chân lí:" Mình không làm gì nó nó cũng không làm gì mình", phải không ông?
           Không ông ơi, cô giáo đã dạy cháu nhiều điều, ông cũng nhắc nhở cháu nhiều điều, mà chẳng ai bảo cháu khi cháu lớn lên những điều ấy chẳng còn ý nghĩa gì nữa, khiến cho đứa cháu mới lớn đã khổ sở biết bao để thích ứng với những sự thật cuộc sống bên ngoài mái nhà ngói đỏ. Ai bảo chỉ cần mình không làm gì thì cũng chẳng ai làm gì mình? Điều ấy chỉ đúng với đàn chó trong làng mình thôi...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #yui