Hồi 1: Chốn kinh kỳ ma bay tác quái/ Hồ Dâm Đàm tiếng hổ gầm vang
Đại Việt thời nhà Trần, vào đầu những năm Thiệu Phong(*) , xảy ra mất mùa, đói kém liên tiếp. Dân chúng nhiều người trộm cướp, có nơi còn xảy ra nổi loạn, cộng thêm Chiêm Thành gia tăng quấy phá biên thùy phía nam, khiến khắp nơi bất ổn không yên. Bấy giờ, Quan Gia(*) còn nhỏ tuổi, chính sự vẫn do Thượng Hoàng(*) quản lý. Tuy nhiên, Thượng Hoàng tuổi đã cao, mặc dù ngài có tâm an ổn bách tích, bình định nội loạn, nhưng vẫn không thể chu toàn được.
Dân chúng ở các vùng chịu loạn hay gặp thiên tai phải bỏ xứ chạy về nơi khác. Một số lớn bọn họ chạy về Thăng Long, mong tìm chốn an bình nơi kinh kỳ. Thượng Hoàng thương họ nên lệnh sắp xếp một khu cạnh hồ Dâm Đàm(*) cho lưu dân có nơi tạm trú. Dần dần người tới càng đông đã thành một thôn. Mọi người gọi thôn ấy là thôn Tế Độ(*) . Chả mấy mà đã được vài năm. Đến nay là năm Thiệu Phong thứ mười một, bỗng nhiên phát sinh nhiều sự kỳ quái…
Hăm mươi giấc tốt
Hăm mốt nửa đêm
Hăm hai bằng tay
Hăm ba bằng đầu (ca dao)
Trăng hai ba treo trên đầu thôn Tế Độ. Lơ lửng giữa những làn gió nhẹ. Tiếng lá rào rạc đều đều. Ánh sáng trong thôn tắt dần, sau một ngày dài, người người bắt đầu nghỉ ngơi.
Đinh Tráng cũng như vậy, anh vốn là người lộ Nam Sách Giang (nay là Kim Môn, Hải Dương), năm Thiệu Phong thứ tư, do tránh loạn Ngô Bệ(*) mà dắt vợ cùng con trai chạy lên kinh thành. Nhờ đó mà được xếp vào thôn Tế Độ này sinh sống. Cuộc sống dần già ổn định. Không may đầu năm ngoái, vợ anh bệnh nặng qua đời chỉ còn anh và cậu con trai mười tuổi nương nhau mà sống. Hai cha con đều là người hiền lành, thường ngày đi mò cua bắt ốc, lấy cá quanh hồ rồi mang ra chợ bán. Cộng thêm khoản tiền cả nhà tích góp được hồi ở quê cũ nên hai người vẫn đủ sống qua ngày.
Khi cậu con trai vừa chợp mắt, Đinh Tráng ngồi dậy, bước khỏi giường. Thắp tạm một ngọn nến nhỏ, anh ra gian ngoài, kiểm tra lại cửa nẻo trước khi đi ngủ, đó vốn là thói quen bấy lâu từ tính cẩn thận của anh. Bỗng từ gian trong- nơi con anh đang nằm ngủ- có tiếng động lớn phát ra- tiếng nóc nhà bị phá.
Trộm ư?
Đinh Tráng một tay cầm ngọn nến, một tay vớ lấy cây gậy để góc nhà, vội chạy ngay vào. Dưới ánh nến leo lắt, mái nhà lủng một lỗ, còn con anh trên giường thì đang nằm bất động; bên cạnh cậu bé, là một cái đầu người lơ lửng trên không.
Một cái đầu người, dưới phần cổ chỉ có thứ gì đó như một mớ nội tạng, không có tay chân hay phần thân thể nào khác. Mặt nó trắng nhợt như xác chết, tóc xõa lòe xòe, mắt đỏ như máu, không có con ngươi, miệng nhe nanh nhọn, lơ lửng giữa không trung, quái dị vô cùng.
Là Ma Quỷ!
Đinh Tráng lần đầu thấy cảnh kinh dị như vậy nên đứng sững lại một lúc. Nhân đó cái đầu cũng bay vọt lên qua lỗ thủng trên mái. Kèm theo một tràng cười quái đản vang lên. Đinh Tráng gọi con trai:
Con…
Nhưng chưa dứt câu thì thân hình cậu bé đã bay vụt lên qua lỗ hổng trên mãi nhà. Giống như bị một thứ gì vô hình kéo đi vậy.
Là con ma vừa nãy đã bắt người theo nó?
Đinh Tráng kinh hãi vội mở cửa chạy ra nhưng bên ngoài chẳng còn ai khác, cả ma quỷ lẫn con anh đều đã biến mất, chỉ còn nghe thấy tiếng gió lao xao…
Hăm bốn ở đâu
Hăm nhăm ở đấy
Hăm sáu đã vậy
Hăm bảy làm sao
Hăm tám thế nào,
Hăm chin thế ấy.
Ba mươi không trăng.
Khi thôn xóm tắt hết đèn đuốc thì cũng là lúc tối om như mực. Không còn ánh trăng, cũng không có gió, chỉ còn sự yên tĩnh cô liêu.
Trương Linh lại thích sự yên tĩnh này, kể từ lúc phải bôn ba đến đây, đã lâu nàng chưa tìm được nó. Nàng với tay vỗ vỗ cậu em trai đang ngủ bên cạnh mình, thỉnh thoảng cậu bé cục cựa, vỗ lưng vài cái là ngủ ngon lại ngay.
Nàng và em trai vốn là con một nhà khá giả ở trấn Tuyên Quang. Gia đình hòa thuận yên ấm, tính nàng vốn ưa sự yên tĩnh, thích đọc thi ca nên nàng mang một nét đẹp dịu dàng , thuần khiết thấm đẫm trong từng đường nét.
Không may, gặp lúc mất mùa, có toán cướp lớn họp bè đảng tìm các nhà giàu có trong trấn cướp phá, còn giết hại cả nhà nạn nhân. Cả nhà nàng phải dắt díu đi trốn, định chạy lên kinh thành nương náu một thời gian, không may bọn cướp đuổi sát, bố mẹ dặn nàng ôm em trai còn nhỏ chạy trước, còn họ chạy hướng khác dụ chúng đi, thành ra tứ tán hết cả.
Chị em nàng nhằm hướng kinh thành chạy một mạch, dọc đường gặp mấy người cũng đang theo về kinh nên được họ giúp cho theo cùng. Cho đến nay, nàng đã mười sáu tuổi còn cậu em mới lên bảy. Hai chị em vẫn cố bám trụ chờ đợi bố mẹ tìm đến nhưng đã lâu vẫn chưa thấy tung tích gì. Nàng thì càng lớn càng xinh đẹp lại hiền dịu nết na, được chòm xóm trong thôn yêu quý và đùm bọc nhiều nên hai chị em cũng gọi là có chỗ ở và thực phẩm đủ sống qua ngày.
Mấy ngày trước, thôn Tế Độ này xảy ra vụ ma bắt người làm xôn xao cả thôn. Ở trên có cử người điều tra nhưng không tìm ra manh mối gì, có người thì đoán có kẻ bắt cóc trẻ con, cũng có người nói rằng có ma quỷ bắt người ăn thịt. Người bị hại là Đinh Tráng cũng khăng khăng là chính mắt mình đã thấy ma. Quan trên trước mắt cứ hạ lệnh mọi người ban đêm cửa nẻo cẩn thận, đề phòng xung quanh chờ điều tra thêm. Nên tối đến mọi người đều nhốt mình trong nhà, đèn đóm tắt hết, không dám ra ngoài muộn nữa, đến hắt hơi thở mạnh cũng cố nén, thành ra thôn xóm im phăng phắc.
Trương Linh nằm dựa thành giường, nàng có phần tận hưởng bầu không khí yên ắng này, nó làm nàng nhớ đến khoảng thời gian yên bình trước kia ở nhà. Nàng bỗng nhớ đến mấy bài thơ mà bố nàng hay ngâm hồi đó, lúc ấy nàng học thuộc hết thảy khiến cả nhà ngợi khen. Nhưng giờ nàng không thể nhớ rõ chúng nữa rồi.
Nàng thấy cậu em lại cục cựa bên cạnh, bèn đưa tay qua, nhưng khi vỗ vào lại không phải là thân người. Nàng giật mình quờ quạng lại, đó là một thứ tròn tròn, ở trên có tóc, ở dưới có gì mềm mềm lòng thòng xuống, mùi tanh kinh khủng. Nàng bất giác nhận ra đây là thứ gì…
Sáng hôm sau, hàng xóm tìm thấy thi thể nàng, dưới sàn các mảnh quần áo và máu me vương vãi. Nàng nằm trên giường, lõa lồ, phần ổ bụng bị khoét trống rỗng không còn nội tạng, em trai nàng thì không thấy tung tích…
Mồng một lưỡi trai
Vụ ma quỷ hại người trở thành kỳ án kinh dị, quan trên đốc xuất quân lính điều tra cả đêm không phát hiện được gì
Mồng hai lá lúa,
Mở rộng tìm kiếm, đèn đuốc sáng rực thôn, vẫn không tìm thấy hai đứa bé mất tích.
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Đã mấy ngày đêm liền rồi, vẫn chưa truy ra hung thủ, nhiều người đã khẳng định là do ma quỷ đã làm, mà ma quỷ thì bắt làm sao được.
Mồng sáu thực trăng
Ban sáng, có người để ý mấy ngày nay không thấy hai anh em trai song sinh hay đi ăn xin quanh đấy đâu nữa. E rằng cũng bị ma bắt đi rồi. Có ba nhà sư ở chùa Báo Thiên tìm đến xin được lập đàn trừ ma ngay trong đêm.
Trăng đã hé rõ nhưng chân tướng vẫn còn trong màn đêm.
Bốn ngày nữa lại trôi qua
Mười rằm trăng náu.
Có tiếng hổ gầm từ hồ Dâm Đàm vang lên trong đêm. Mọi người không ai dám ra xem. Trong phạm vi kinh thành vốn không còn hổ từ lâu, vậy tiếng hổ gầm ở đâu ra? Có người nói đó là oan hồn Thái sư tiền triều Lê Văn Thịnh thác oán mà thành, do ma quỷ đang thoát khỏi địa phủ nên mới hoành hành ở chốn này vậy.
Ba nhà sư đã lập đàn được năm ngày, nghe nói đủ bảy bảy bốn mươi chín ngày là có thể tiễu trừ ma quỷ.
Qua rằm mười lăm, mọi sự tạm lắng.
Sáng mười sáu, trời nắng to.
Ông trời tay bưng một đĩa vàng
Nghiêng mình trút cả xuống trần gian
Hạt mưa chẳng thấy toàn hạt nắng
Thiêu cháy thân ta đốt tâm can.
Trước cổng thôn Tế Độ có một cây đa rất lớn, chòm lá xum xuê, dưới cây đa có một quán nước, người ta đi ra đi vào thôn hay ngồi đó nghỉ ngơi, phải hôm gặp nắng, người ngồi đấy còn nhiều nữa.
Hôm nay ở quán nước cũng đông lắm, phần vì trời nắng nóng, phần vì có thêm một vị khách. Thôn này vốn ít khi có khách lạ vào, mà người này lại còn rất đặc biệt.
Đó là một người ăn mặc, phong thái giống một học trò. Tóc vấn, đội khăn đen thắt theo lối đường cân, ngoài khoác áo viên lĩnh bằng the cũng màu đen. Trông còn rất trẻ, mặt mày thanh tú, trắng trẻo, nói năng lưu loát, nhẹ nhàng. Dáng người thon gọn. Nếu không có cái giọng đàn ông đặc trưng thì người ta còn tưởng đó là một cô gái mặc đồ của con trai cũng nên. Người này nói mình là một người kể truyện rong, mượn một góc quán mà kể nào truyện Hồng Bàng , truyện Lạc Long Quân, truyện Tản Viên Sơn Thánh… Ban đầu bọn trẻ con xúm lại nghe, sau cả người lớn cũng bị thu hút, chỉ một lúc mà đã đông người ngồi nghe lắm rồi. Trẻ con, thợ cày, đánh cá, thợ mộc, nhà sư,… tụ tập ở đây hết cả. Chuyến này chắc người kia cũng được ăn no vài bữa ra trò đây.
Cách đấy không xa. Cũng có một người đang chăm chú nhìn về phía ấy.
-Ông thấy người kia tới đây bao giờ chưa?
Trần Lãn hỏi người đang đứng cạnh hắn.
Trần Lãn là quan Vệ Úy mới tới đây nhậm chức hôm qua, thay cho người cũ bị bãi chức. Hắn bắt đầu phụ trách một đội lính trong thôn này tiếp tục phá án và đảm bảo trị an.
Hiện hắn đang nằm dài trong một cái lán dựng gần cổng thôn, nhìn ra quán nước. Người hắn hỏi là Đỗ Khiêm Giám, một nha dịch lớn tuổi, thân hình lẫn khuôn mặt không to cao gì mấy nhưng lại có một đôi mắt rất lớn, trông lúc nào cũng như đang trừng mắt nhìn người ta vậy. Người này đã phụ trách hỗ trợ quản lí khu này một thời gian. Trần Lãn là người mới tới, có nhiều điều không rõ tất nhiên phải hỏi đến ông ấy. Tuy Trần Lãn tư cách là cấp trên nhưng lại rất thoải mái,không kể cả vai vế gì cả, lại hợp tính với Đỗ Khiêm Giám, nên cho dù mới gặp hôm qua nhưng hai người đã trò chuyện với nhau thân thuộc lắm.
-Hắn lần đầu tới đây thôi, mấy kẻ hát rong kể truyện cũng thỉnh thoảng lai vãng qua đây ấy mà. - Đỗ Khiêm Giám trả lời.
-Kẻ này không giống những kẻ khác đâu, lúc hắn mới vào đây, tôi có gọi lại tra hỏi lai lịch, ông biết hắn trả lời ra sao không?
-Hắn nói gì thế? - Đỗ Khiêm Giám ngạc nhiên
-Một bài thơ!
-Một bài thơ?
- Học trò kể truyện vốn họ Đoàn
Tên chỉ một chữ ấy là An
Ông nội hai mươi làm Trung Tán
Gia đình kỳ vọng đoạt bảng vàng
Nhưng ôi tuy lòng chăm đèn sách
Tính tình lại vốn thích lang thang
Năm nay mười chín bỏ thi thố
Từ lộ Hồng Châu lên Tràng An
Dọc đường nghe ngóng bao chuyện lạ
Mong thấy tận mắt thỏa tim gan
Được biết thôn đây gặp sự lạ
Chuyến này như thể bắt được vàng
Đó, đúng là một kẻ học trò đầu óc bị chữ nghĩa làm lú lẫn hết cả rồi. Một chuyện kinh dị đối với hắn lại như vật báu, cứ đâm đầu vào. Nghe hắn bảo đang sưu tầm truyện quái lạ trong dân gian để viết thành sách, gọi là Lĩnh Nam Chích Quái gì đó thì phải. Tôi không có hứng thú với mấy cái đó nên kệ hắn ngồi đấy luyên thuyên.
-Nghe hắn kể như thế thì thấy lai lịch người này cũng không thường đâu.
-Ông định nói hắn có thể là cháu của ngài Đoàn Thuấn Thuần* đó à?
-Ở nước ta, tuổi đôi mươi mà đã làm đến Trung Tán, ngoài ngài ấy ra thì còn ai nữa chứ.
-Ha! Dòng dõi quan lớn mà lại chạy đến đây hóng chuyện thì thật nực cười.
-Mỗi người đều có một cách nghĩ, lẽ sống riêng, như tôi đây là thích an phận thủ thường thôi chứ nếu không với bản lĩnh hồi trẻ thì giờ đã làm tướng quân không chừng –Đỗ Khiêm Giám cười nói.
Người này đôi lúc cũng rất hóm hỉnh.
-Cũng đúng, cũng như với tôi thì là chỉ thích nằm cả ngày thôi, như thế thoải mái làm sao. Trần Lãn quay sang phụ họa
Cái tên Lãn người ta gọi hắn cũng không phải là không có lý do.
-Này, hắn đang qua chỗ mình kìa! - Đỗ Khiêm Giám nhắc.
Đúng là Đoàn An đã ngừng kể truyện, đang đi qua phía bọn Trần Lãn. Đám đông cũng đã dần giải tán..
Đoàn An tay chắp theo lễ Xoa Thủ, chào Trần Lãn lần nữa.
-Trời đã sắp xế chiều, chẳng hay Vệ Úy có chấp thuận thỉnh cầu của tôi hồi sáng chăng? Đoàn An hỏi.
-Nếu cậu đã tha thiết gặp ma tới vậy thì cũng được thôi! Trần Lãn vươn vai đứng dậy.
Đoàn An từ lúc vào thôn tới nay đã gần nửa ngày, giờ mới thấy tay Vệ Úy này rời khỏi cái võng trong lán. Khi hắn đứng hẳn dậy mới thấy lộ ra một thân hình cao to, tóc hắn cắt ngắn, mặt lờ đờ uể oải, tuổi chừng hơn hai mươi, người khoác độc một chiếc áo ngắn màu xám bình thường, không thắt đai, để lộ ngực có xăm một con hổ bên trái, quần thì xắn lên, chân đi đất trông rất lôi thôi, hông trái dắt theo một cái túi vải dài quấn thứ gì đó có vẻ là binh khí bên trong, hông phải dắt một tấm thẻ bài của Vệ Úy lộ ra ngoài.
-Nộp năm tiền cho ông chú đứng đằng kia và cậu được ở lại đây một đêm hôm nay.
Trần Lãn chỉ Đỗ Khiêm Giám.
-Nhưng ta nói trước, chỉ được ở một đêm duy nhất, sáng mai thì liệu mà rời khỏi đây. Vả lại nơi đây tình hình phức tạp, nhỡ xảy ra chuyện gì thì cậu tự chịu lấy, đừng trách ta không cảnh báo.
-Nhưng mà…
- Ta không nói hai lời!
Đoàn An cũng đành im lặng.
-Vậy nhé, từ giờ cậu tự lo, không biết con ma ấy có thật hay không, nhưng nó đã giết người rồi, ta hy vọng đêm nay cậu không gặp phải nó.
Trần Lãn ra hiệu cho Đỗ Khiêm Giám ra thu tiền rồi quay gót bỏ đi.
Mười sáu trăng treo
Tiếng trống canh vang lên mấy hồi
Đã vào canh hai. Đèn đóm trong thôn đã tắt hết, chỉ còn một ngọn đèn nhỏ đang thắp ở căn thủy đình sau thôn, cạnh ngọn đèn là Đoàn An đang ngồi nghỉ trên ghế.
Căn thủy đình này hướng ra hồ Dâm Đàm, hôm nay nước lên đã tới mép đình.
Bên trái đình có một cây gạo lớn, trên cây gạo mọc một cành vươn cong xuống như cái móc. Từ chỗ Đoàn An ngồi nhìn ra ngoài hướng về phía mặt trăng là gặp cái cành ấy. Thành ra tạo được cảnh tượng trăng tròn đang bị móc vào cành cây.
Hay thấy cây gạo hoa đỏ trắng
Ai ngờ còn biết nở hoa trăng
Rủi như hôm nay không gặp được ma thì cảnh đẹp này cũng đáng để ở lại. Đoàn An nghĩ, vừa hay nghĩ ra một câu thơ, bèn cúi xuống lôi tờ giấy trong túi ra chép lại.
Lúc ngẩng lên thì bỗng thấy mặt trăng đã mất đi, cái chỗ cành cây móc vào mà vừa nãy còn là mặt trăng giờ đã bị một thứ gì đó che mất. Đoàn An bèn cầm theo đèn, ra khỏi đinh đi lên về phía cây gạo nhìn cho rõ.
Đó là một cái đầu người, tóc xõa xuống, mặt trắng bệch, mắt đỏ như máu, miệng nhe nanh, bên dưới cổ có búi gì thòi xuống như nội tạng vậy.
Không ngờ lại gặp được nó thật. Đoàn An thoáng mừng vì đạt mục đính nhưng cái cảm giác bị đe dọa đến tính mạng đã áp chế chàng ngay lập tức. Cái đầu kia đang tiến về phía chàng, sự kinh hoàng từ thứ đó khiến cơ thể như đông cứng lại. Nó tới quá gần rồi, giờ có chạy cũng không kịp nữa. Mùi tanh của máu xộc hẳn vào mũi. Cả hai đã mặt đối mặt.
Bỗng Đoàn An nghe thấy tiếng hổ gầm ngay sau lưng mình.
Thật là
Cầu được ước thấy may hay rủi?
Ma bay trước mặt hổ sau lưng.
Muốn biết sự thể tiếp theo, xem hồi sau sẽ rõ…
*) chú thích:
Thiệu Phong: Niên hiệu vua Trần Dụ Tông sử dụng từ năm 1341 đến 1357.
Quan Gia: thời Trần mọi người gọi vua là Quan Gia.
Thượng Hoàng: chỉ vua Trần Minh Tông, lúc bấy giờ đang là Thái Thượng Hoàng.
Dâm Đàm: tên gọi hồ Tây dưới thời Lý- Trần.
Tế Độ: Đưa qua bên kia. Chỉ sự dùng phép Phật mà cứu giúp chúng sinh khỏi cảnh cơ cực ở đời. Dùng tên này đặt tên thôn như một cách cảm tạ Thượng Hoàng.
Loạn Ngô Bệ: một cuộc nổi loạn lớn ở lộ Nam Sách Giang (Hải Dương) thời bấy giờ.
Đoàn Thuấn Thuần: Đoàn Nhữ Hài tự Thuấn Thuần là một danh thần thời Trần.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top