Chương 4. KHỞI ĐẦU CỦA KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC CẬN ĐẠI
Chương 4. KHỞI ĐẦU CỦA KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC CẬN ĐẠI
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
Thời Phục Hưng thường được kể là xấp xỉ từ 1450 - 1600, mặc dù nhiều sử gia có thể cho nó bắt đầu sớm hơn. Phục hưng có nghĩa là "tái sinh," và trong thời kỳ này, người ta có khuynh hướng quay trở về với thái độ tra cứu cởi mở của triết học Hy Lạp thời kỳ đầu. Đây là thời kỳ mà ở châu Âu người ta chuyển dần từ quan niệm hướng thần sang quan niệm hướng nhân. Nếu Thượng Đế tồn tại, ngài tồn tại trong thiên nhiên; vì vậy, tìm hiểu thiên nhiên là tìm hiểu Thượng Đế. Hơn nữa, vì Thượng Đế đã ban cho con người khả năng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, thế thì tại sao lại không thể hiện sung mãn tối đa khả năng này? Quan niệm mới cho rằng con người không chỉ có linh hồn mà thôi; họ có các hệ cảm giác đáng tin, vậy tại sao không sử dụng chúng? Và họ có khả năng thụ hưởng, vậy tại sao không hưởng thụ? Bất luận thế nào, vì Thiên Chúa là đấng tài trí vô biên, hẳn ngài phải có lý do khi ban các khả năng này cho con người. Thay vì tập trung chú ý vào lãnh vực thượng giới như các nhà triết học phái Pythagoras, Plato và các Kitô hữu đầu tiên vẫn làm, bây giờ người ta hướng sự chú ý vào con người sống trong thế giới. Tinh thần thời đại này được thấy rõ rệt nhất trong hoạt động của các nhà nhân văn của thời Phục Hưng.
CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN THỜI PHỤC HƯNG
NHỮNG THÁCH THỨC MỚI VỀ QUYỀN BÍNH GIÁO HỘI
ISAAC NEWTON
RENÉ DESCARTES
TỪ VỰNG
Created by AM Word2CHM
CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN THỜI PHỤC HƯNG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 4. KHỞI ĐẦU CỦA KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC CẬN ĐẠI
Các Chủ đề lớn
Thuật ngữ chủ nhân bản luận, áp dụng cho thời Phục Hưng, không có nghĩa là chủ nghĩa nhân đạo. Nghĩa là, nó không nói đến một sự quan tâm sâu sắc về phúc lợi của con người. Nó cũng không phải là nhân nghĩa - đối xử với đồng loại với lòng kính trọng, tế nhị và nhân phẩm. Áp dụng vào thời Phục Hưng, chủ nghĩa nhân văn diễn tả các mối quan tâm đến con người như thể chúng ta đang khám phá ra chính mình lần đầu tiên. Sự quan tâm tập trung vào một lãnh vực rộng lớn các hoạt động đa dạng của con người. Chúng ta suy nghĩ, cư xử, và cảm thấy thế nào? Chúng ta có những khả năng gì? Các quan tâm này và các vấn đề liên hệ với chúng được phản ánh trong bốn chủ đề lớn đặc trưng cho chủ nghĩa nhân văn của thời Phục Hưng:
1. Chủ nghĩa cá nhân. Có sự quan tâm lớn đến các tiềm năng và thành tựu của con người. Niềm tin rằng mỗi cá nhân có khả năng biến đổi thế giới đã tạo ra một tinh thần lạc quan.
2. Tôn giáo cá nhân. Mặc dù mọi nhà nhân văn thời Phục Hưng đều là tín hữu sùng đạo, họ muốn tôn giáo mang tính chất cá nhân hơn, đồng thời ít hình thức và nghi thức bề ngoài hơn. Họ cổ vũ một tôn giáo dựa trên xác tín cá nhân hơn là do sự áp đặt của giáo hội trên dân chúng.
3. Quan tâm sâu xa về quá khứ. Các nhà nhân văn thời Phục Hưng trở nên say mê quá khứ. Các tác phẩm của các thi sĩ, triết gia, và chính trị gia Hy Lạp và La Mã thời cổ nay được đặc biệt quan tâm. Các học giả thời Phục Hưng muốn đọc trực tiếp những gì các tác giả cổ đại đã trực tiếp viết ra, chứ không phải qua chú giải của một người khác. Họ tìm cách tra cứu để tìm ra chính tác của các bản thảo cổ để tránh gặp phải các tác phẩm mạo tác. Các hoạt động này giúp cho các nhà nhân văn Phục Hưng tiếp cận được với vô số quan điểm của quá khứ, và nhiều quan điểm đã được các nhà nhân văn ủng hộ. Ví dụ, người ta khám phá ra rất nhiều điều chưa từng được biết trước đây về triết học Plato, và sự khám phá này đã dấy lên một làn sóng tìm tòi về triết học Plato. Năm 1462, Marsilio Ficino (1433 - 1499) sáng lập một Học viện Plato ở Florence. Ông cố gắng làm cho triết học Plato điều mà các nhà Kinh viện đã làm cho triết học Aristotle. Hầu như mọi thuyết triết học cổ Hy Lạp và La Mã đều có người theo, nhưng triết học Plato có ảnh hưởng đặc biệt. Thậm chí người ta cũng khám phá ra một số tôn giáo cổ xưa nhất của phương Đông, và khám phá này đã kích thích sự quan tâm lớn đến thế giới huyền bí.
4. Chủ nghĩa chống - Aristotle. Nhiều nhà nhân văn tin rằng giáo hội đã đi quá xa trong việc chấp nhận triết học Aristotle. Triết học Aristotle đã đạt một thẩm quyền có thể coi như ngang với Kinh Thánh. Thường người ta trích dẫn các đoạn của Aristotle để đặt bối cảnh cho các tranh luận thần học. Đối với các nhà nhân văn, đây là điều thật lố bịch, bởi vì Aristotle chỉ là một con người, và vì thế có thể sai lầm. Tuy thời Phục Hưng có rất nhiều nhà nhân văn xuất sắc, ở đây chúng ta chỉ có thể đề cập vắn tắt đến một ít người.
Francesco Petrarch
Francesco Petrarch (1304 - 1374) có ảnh hưởng quá lớn khiến nhiều sử gia cho rằng các tác phẩm của ông đánh dấu khởi điểm của thời Phục Hưng. Rõ ràng mọi chủ đề vừa kể trên đây đều có trong tác phẩm của Petrarch. Trên hết, Petrarch quan tâm đến việc giải phóng tinh thần con người khỏi những giới hạn của các truyền thống Trung Cổ, và ông tập trung sự công kích vào triết học Kinh viện. Ông cảm thấy các tác phẩm cổ điển phải được nghiên cứu như là các tác phẩm của những con người chứ không được diễn giải hay tô vẽ bởi những người khác. Ông coi khinh những người sử dụng các tác phẩm cổ điển để bênh vực ý kiến riêng mình, bằng cách nói về họ, "Giống như những kẻ không có khái niệm gì về kiến trúc, nghề của họ thực sự chỉ là nghề quét vôi tường."
Giống như đa số nhà nhân văn thời Phục Hưng, Petrarch thúc đẩy một sự trở về với tôn giáo cá nhân như được thánh Augustine mô tả - một tôn giáo dựa trên Kinh Thánh, đức tin cá nhân, và cảm nghĩ cá nhân. Ông cảm thấy rằng các nhà Kinh viện khi cố gắng làm cho tôn giáo thích ứng với thuyết duy lý của Aristotle, thì đã làm cho tôn giáo trở nên quá trí thức. Ông cũng cho rằng cuộc đời con người ở đời này cũng quan trọng ít là bằng với cuộc đời sau khi chết. Thiên Chúa muốn con người sử dụng các tài năng vô hạn của họ, chứ không ngăn cấm chúng. Bằng cách làm cho các tiềm năng mà Thiên Chúa đã ban cho trở thành hiện thực, chúng ta có thể tích cực thay đổi thế giới nên tốt hơn. Bằng cách tập trung vào các tiềm năng của con người, Petrarch đã giúp kích thích sự bùng nổ niềm hăng say nghệ thuật và văn học, là nét đặc trưng của thời Phục Hưng.
Petrarch không sáng tạo một triết thuyết mới nào; nhưng việc ông thách thức các thẩm quyền tôn giáo và triết học đã giúp cho nhiều người dọn đường cho các cá nhân mình như Copermcus, Kepler, và Galileo. Nói tóm, thái độ hoài nghi của Petrarch đối với mọi hình thức giáo điều đã dọn đường cho khoa học thời cận đại.
Giovanni Pico
Giovanni Pico (1463 - 1494) lý luận rằng Thiên Chúa đã ban cho con người một địa vị độc tôn trong vũ trụ. Các thiên thần là bậc hoàn hảo và vì thế không cần thay đổi, trong khi loài vật lệ thuộc bản năng và không thể thay đổi. Chỉ có con người là loài ở giữa các thiên thần và loài vật mới có khả năng thay đổi. Chúng ta có thể chọn đời sống nhục dục, bản năng, và vì thế trở thành thú vật, hay chúng ta có thể sử dụng lý tính và trí thông minh của mình, và vì thế trở thành giống thiên thần và Thiên Chúa hơn.
Tự do của chúng ta không chỉ cho phép chúng ta chọn lựa giữa nhiều cách sống khác nhau, mà còn cho phép chúng ta chấp nhận hầu như bất kỳ quan điểm nào. Pico nhấn mạnh rằng mọi nền triết học đều có các yếu tố chung: ví dụ, chúng phản ánh lý tính và tính cá nhân của con người. Ông còn lý luận thêm rằng, nếu hiểu đúng, các quan niệm triết học lớn (của Plato và Aristotle) đều chủ yếu hòa hợp với nhau. Vì vậy phải nghiên cứu mọi quan điểm một cách khách quan nhằm mục đích khám phá ra điểm chung của chúng. Pico tìm kiếm sự hòa giải giữa các đối thủ triết học và tôn giáo. Mọi tác phẩm của con người, ông nói, phải được kính trọng.
Martin Luther
Martin Luther (1483 - 1546), là một linh mục dòng Augustine và một nhà nghiên cứu Kinh Thánh, ông rất buồn về tình trạng của giáo hội thời ông. Quan điểm tôn giáo của ông phù hợp với quan điểm của thánh Phaolô và thánh Augustine hơn là với quan điểm của thánh Thomas Aquinas. Tất cả những gì cần biết về con người hay thế giới đều có trong Tân ước. Con người sinh ra trong tội lỗi và chỉ có sự từ bỏ xác thịt tội lỗi mới làm cho linh hồn sẵn sàng được cứu rỗi bởi ân sủng của Thiên Chúa. Các ý hướng của con người được khơi dậy bởi Thiên Chúa hay bởi Satan; loại thứ nhất tạo ra việc lành, loại thứ hai tạo ra tội lỗi. Con người không thể thoát khỏi các hậu quả của tội bằng sự sám hối hay sự tha tội; nếu họ đã phạm tội, họ phải chịu các hậu quả của tội, có thể là án phạt đời đời. Trong tinh thần của nền thần học Augustine, Luther nhấn mạnh về tôn giáo cá nhân sâu đậm, theo đó mỗi người chỉ phải trả lời trước Thiên Chúa, một tôn giáo coi nhẹ nghi thức và các phẩm trật của giáo hội.
Theo truyền thống, Phong Trào Cải Cách (Reformation) bắt đầu năm 1517 khi Luther dán 95 Luận đề của ông (thách thức các tín điều và phẩm trật của giáo hội) tại cửa Nhà thờ lớn ở Wittenberg. Ngoài các điều nêu trên, Luther đặc biệt đả kích giáo hội Công giáo về việc buôn bán ân xá, theo đó các tội nhân được giảm sự đền bù tội lỗi bằng cách đóng một khoản tiền cho các giới chức của giáo hội. Ông giảng rằng chỉ một mình Thiên Chúa là người quyết định điều gì là tội và phải đối xử với tội lỗi như thế nào. Dưới con mắt của Luther, giáo hội đã rời xa các lời giảng dạy của Chúa Giêsu và Kinh Thánh. Chúa Giêsu đã rao giảng vinh quang của đời sống đơn sơ, không xa hoa, không đặc quyền, nhưng giáo hội đã đánh giá cao các điều này và dấn sâu vào quá nhiều nghi thức bề ngoài. Theo Luther, một lý do chính của sự sa sút của giáo hội Công giáo là việc hấp thu triết học Aristotle. Ông đã có những lời lẽ rất gay gắt dành cho Aristotle:
Các trường đại học là gì... nếu không phải là... các trường học các lề thói của dân Hy Lạp và các nếp sống đầy trụy lạc của văn hóa Hy Lạp, ở đó người ta chẳng dạy dỗ gì về Kinh Thánh và đức tin Kitô giáo, nhưng ở đó ông thầy mù Aristotle cai trị còn hơn cả Chúa Kitô... vậy theo tôi, các sách của Aristotle, sách "Vật lý học," "Siêu hình học," "Về Linh hồn. ", "Đạo đức học," mà cho tới nay vẫn được coi là tuyệt vời nay phải vứt hết... (Blucher, 1946, tr. 630)
Khi Luther bị vạ tuyệt thông với giáo hội, sự phản kháng của ông biến thành một một phong trào tôn giáo mới, phong trào Phản thệ giáo (Protestantism, từ gốc protest, nghĩa là phản đối), và Luther trở thành thủ lãnh phong trào này. Giáo phái mới này phủ nhận quyền bính của giáo hoàng và nhấn mạnh rằng mọi cá nhân có quyền cắt nghĩa Kinh Thánh cho mình. Để cổ võ điều này, Luther đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức bản xứ. Giáo hội Công giáo phản ứng các phê bình của Luther bằng cách biến giải thích Kitô giáo về triết học Aristotle thành học thuyết chính thức của giáo hội mà mọi Kitô hữu phải theo. Chẳng mấy chốc, cuộc tranh luận về lối giải thích Kitô giáo nào là đúng đã phân rẽ châu Âu thành hai khối địch thủ.
Phong trào Phản thệ giáo (tiếng Việt nay gọi là Tin Lành) thời kỳ đầu có ít nhất hai khía cạnh tiêu cực. Thứ nhất, nó là một tôn giáo ảm đạm, khắc khổ, thô bạo, và không thương xót. Về hạnh phúc cá nhân, thật khó tưởng tượng được người Tin Lành sống sung sướng hơn người Công Giáo. Thứ hai, Tin Lành nhấn mạnh rằng người ta chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng đức tin mà thôi; tìm cách hiểu Thiên Chúa bằng lý trí hay quan sát thường nghiệm là điên rồ và phải xa tránh. Như thế, nếu người ta chấp nhận lý trí và quan sát thiên nhiên như phương tiện để nhận biết Thiên Chúa là thái độ tiến bộ, thì Tin Lành biểu thị một bước thụt lùi. Tuy nhiên, về mặt tích cực, Tin Lành là một ảnh hưởng giải phóng theo nghĩa nó thách đố quyền bính của giáo hoàng và Anstotle; thay vào đó là niềm tin cho rằng các tình cảm cá nhân có thể cung cấp chân lý duy nhất mà người ta cần cho cuộc sống.
Desiderius Erasmus
Giống như Pico, Desiderius Erasmus (1466 - 1536) chống lại niềm tin cuồng tín về mọi mặt. Erasmus rất giỏi trong việc vạch ra các sai lầm trong các tác phẩm cổ điển, ông tuyên bố rằng bất cứ điều gì do con người làm ra đều không thể hoàn hảo. Ông phơi bày sự vô nghĩa của thuật trừ tà và thuật hóa kim, đồng thời tấn công các hình thức này cũng như các hình thức khác của sự mê tín, và xin dân chúng học những bài học từ nếp sống đơn sơ của Chúa Giêsu thay vì sự phô trương và thái độ cơ hội của hội thánh cơ chế. Ông tin sở dĩ có chiến tranh là vì người ta cuồng tín và nó không là gì khác hơn tội sát nhân, và ông đặc biệt tức giận trước cảnh các giám mục trở nên giàu có nhờ chiến tranh. Là con người có tính chọn lọc và thực tiễn, Erasmus là một nhà quan sát tinh tế về thế giới và các vấn đề của nó. Trong thời Phục Hưng, ông không thể về phe Công giáo hay Tin Lành, và ông bị cả hai phe kết án.
Thời Phục Hưng còn nhiều nhà nhân văn nổi tiếng khác nữa. Một số chứng tỏ tài năng cá nhân về nghệ thuật (Leonardo da Vinci, 1452 - 1519), một số về chính trị (Niccolò Machiavelli, 1469 - 1527), một số về giáo dục (Juan Luis Vives, 1492 - 1540), và số khác về văn học (William Shakespeare (1564 - 1616). Nhưng tất cả đều nhấn mạnh một điều - cá nhân. Bây giờ để được đánh giá bằng hành động thay vì bằng lời nói của họ, họ được coi là những con người có sức mạnh biến đổi tình hình nên tốt đẹp hơn thay vì đơn giản chấp nhận thế giới như nó hiện có hay chỉ hy vọng thế giới sẽ khá hơn lên. Mặc dù các nhà nhân văn thời Phục Hưng không thêm điều gì mới trong triết học hay tâm lý học, niềm tin rằng các cá nhân có thể tác động vào thế giới để cải thiện thế giới là điều có ích cho sự phát triển của khoa học. Trong thời Phục Hưng, nghệ thuật, văn học, và kiến trúc được lợi nhiều, nhưng thời đại của khoa học vẫn còn ở trong tương lai.
Ít nhất phải nói rằng thời Phục Hưng là một thời đại đầy nghịch lý. Một mặt có sự bùng nổ các quan tâm về tiềm năng con người, đi đôi với những thành tựu to lớn về nhân văn. Về phương diện này, thời Phục Hưng giống với thời cổ điển Hy Lạp và La Mã. Mặt khác, nó là một thời kỳ đầy dẫy các cuộc bách hại, mê tín, truy lùng và thiêu sống các phù thủy, sợ hãi, tra tấn, và trừ tà. Mặc dù các nhà chiêm tinh và hóa kim nói chung được coi trọng và nổi tiếng, các cá nhân bất bình thường bị đối xử hết sức dã man. Chiến tranh tàn phá phần lớn nước Pháp và Đức, nạn Dịch Đen cướp mất gần như phân nửa dân số châu Âu, các nạn đói lớn, và bệnh giang mai tràn lan. Nhưng bất kể những mặt tồi tệ này, thời Phục Hưng đã tỏ lộ một sự sáng tạo không thể so sánh. Nó bộc lộ cái tốt nhất cũng như cái xấu nhất của con người - là những chất liệu từ đó phát xuất triết học, khoa học, và tâm lý học thời cận đại.
Created by AM Word2CHM
NHỮNG THÁCH THỨC MỚI VỀ QUYỀN BÍNH GIÁO HỘI
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 4. KHỞI ĐẦU CỦA KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC CẬN ĐẠI
Thời Phục Hưng đi đôi với sự sụp đổ của quyền bính giáo hội. Các giáo điều của giáo hội gồm các chân lý bất di dịch như chỉ có bảy thiên thể trong hệ mặt trời, trái đất là trung tâm của hệ mặt trời, loài người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh ngài, và trái đất có hình dẹt. Dần dần, các "chân lý" này bị thách thức và mỗi sự thách thức thành công lại tập trung sự nghi ngờ vào các "chân lý" khác. Các nhà trí thức của giáo hội cố gắng hết sức để chứng minh rằng các mâu thuẫn chỉ là bề ngoài. Thất bại trong cố gắng này, họ tìm cách đàn áp bằng biện pháp kiểm duyệt, nhưng đã quá muộn; tinh thần thách thức đã lan ra quá rộng. Sự suy sụp của quyền bính giáo hội trực tiếp gắn liền với một tinh thần tra cứu mới lấy việc quan sát thường nghiệm làm thẩm quyền cao nhất thay vì Kinh Thánh, đức tin, hay mặc khải. Dần dần, giáo điều được thay thế bằng chính cái mà nó từng chống đối mạnh nhất - quan sát thiên nhiên trực tiếp mà không cần sự can thiệp của các suy tư thần học. Bước chuyển tiếp này diễn ra tuy vững chắc nhưng chậm chạp và đau đớn. Nhiều nhà trí thức Phục Hưng bị giằng co giữa thần học và khoa học, hoặc do các niềm tin cá nhân hay vì sợ bị giáo hội trả thù. Họ báo cáo các khám phá của họ với rất nhiều sự thận trọng và dè dặt; trong một ít trường hợp, họ yêu cầu các quan sát của họ được giữ kín cho tới sau khi họ mất.
Không có một lý do duy nhất cho sự thức tỉnh tinh thần tra cứu khách quan này; có rất nhiều yếu tố liên quan. Một là quan điểm của Thánh Thomas Aquinas chấp nhận lý trí và việc tìm hiểu thiên nhiên như là một cách để hiểu biết Thiên Chúa. Sau khi bị giáo hội cấm đoán, khắp nơi người ta tập trung vào khả năng của lý trí, kể cả đối với tín điều của giáo hội. Một yếu tố khác là hoạt động của các nhà nhân văn nắm bắt lại được tinh thần tra cứu cởi mở trong các tác phẩm cổ điển. Các nhà nhân văn cũng nhấn mạnh tiềm năng con người tác động trên vũ trụ và cải thiện vũ trụ. Thêm vào đó, các sự kiện sau đây được coi là những nhân tố góp phần vào việc chấp nhận sự nghiên cứu thiên nhiên cách khách quan bởi vì chúng làm suy yếu quyền bính của giáo hội:
- Các cuộc thám hiểm của Marco Polo (khoảng 1254 - 1324)
-Phát minh máy in của Johann Gutenberg (khoảng 1400 - 1468)
- Khám phá châu Mỹ (1492)
- Luther thách thức giáo hội Công giáo (1517)
- Magellan đi vòng quanh thế giới bằng đường biển (khoảng 1480 - 1521).
Tuy nhiên, các sự kiện trên tuy có ảnh hưởng rất lớn, nhưng công trình của một ít nhà vật lý - thiên văn mới là nhân tố mạnh nhất làm lay chuyển giáo điều của giáo hội và ảnh hưởng lớn nhất trong việc mở ra một con đường mới để khám phá các bí mật của thiên nhiên. Con đường mới này gọi là khoa học.
PTOLEMY, COPERNIUS, KEPLER, VÀ GALILEO
Ptolemy
Vào thế kỷ 2, Ptolemy, một người Ai Cập gốc Hy Lạp, đã tóm lược trong cuốn Cú Pháp Toán Học của ông khoa thiên văn toán học và quan sát của thời ông và của thời cổ đại. Hệ Ptolemy bao gồm các niềm tin rằng các thiên thể, kể cả trái đất, có hình cầu, và mặt trời, mặt trăng, và các hành tinh xoay quanh trái đất trên các quỹ đạo hình tròn và với chuyển động đều. Mặc dù hệ này phản ánh các quan niệm của đa số các nhà thiên văn, kể cả Aristotle, vẫn có một những ngoại lệ. Một ngoại lệ là Aristarchus ở Samoa (khoảng 310 - 230 tr. CN.), nhà thiên văn lỗi lạc ở viện bảo tàng Alexandria. Aristarchus tin rằng trái đất quay quanh trục của nó và trái đất và các hành tinh khác xoay quanh mặt trời. Nói khác đi, Aristarchus đã đạt đến các giả thiết cơ bản của hệ Copernicus, gần hai ngàn năm trước Copernicus. Mặc dù có một ít người bất đồng như thế, vũ trụ quan phản ánh trong hệ Ptolemy đã thống trị cho đến thế kỷ 17. Hệ Ptolemy đã thống trị lâu như thế vì ít là ba lý do sau:
1. Nó rất phù hợp với chứng cứ của giác quan (nghĩa là trái đất thực sự có vẻ là tâm cố định của hệ mặt trời)
2. Nó cho phép có các dự báo thiên văn học khá chính xác mà không cần đến các dụng cụ đo lường tân tiến.
3. Về sau, nó phù hợp với thần học Kitô giáo vì nó cho con người một địa vị trung tâm của vũ trụ và như thế nó hợp với cắt nghĩa của Kinh Thánh về việc tạo dựng.
Trong thần học Trung Cổ, các lời dạy của Ptolemy, giống như của Aristotle, trở thành một bộ phận của giáo điều chính thức của giáo hội và vì thế không thể bị thách thức. Thế giới quan dựa trên hệ Ptolemy đã ăn rễ sâu trong triết học, thần học, khoa học và đời sống hằng ngày.
Nicolaus Copernicus
Mãi đến khi một linh mục công giáo La Mã sùng đạo tên là Nicolaus Copernicus (1473 - 1543) xuất bản tác phẩm của ông nhan đề De Revolutionibus - Orbium Coelestium (Bàn về sự quay của các thiên thể), thì hệ Ptolemy mới bị thách thức nghiêm trọng. Copernicus lý luận rất thuyết phục rằng, thay vì mặt trời xoay quanh trái đất (lý thuyết địa tâm), thì trái đất xoay quanh mặt trời (lý thuyết nhật tâm). Copernicus rất ý thức là nhận xét của ông đi ngược hẳn với giáo điều của giáo hội nên ông đã thận trọng yêu cầu tác phẩm của ông chỉ được xuất bản sau khi ông mất. Giordano Bruno (1548 - 1600), ngoài việc chấp nhận lý thuyết nhật tâm của Copernicus, cho rằng còn có những hệ mặt trời khác có sự sống, và ông đã bị đưa lên giàn thiêu vì sự suy tư này của ông. Số phận của Bruno giúp ta hiểu được tại sao các nhà khoa học và triết học thời ấy đã tỏ ra hết sức thận trọng.
Copernicus biết rằng Aristarchus nhiều thế kỷ trước đã từng đề nghị một lý thuyết rất giống với lý thuyết của ông, và ông rất an tâm khi biết điều này. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng lý thuyết nhật tâm là một ý tưởng cách mạng, và ông có lý để mà phải dè chừng. Hơn nữa, ông cũng biết rằng lý thuyết của ông tuy tạo ra sự xáo trộn trong thần học và triết học, nhưng về khoa học nó chẳng thêm được sự chính xác nào. Nghĩa là, các dự báo thiên văn do lý thuyết của ông đưa ra cũng không chính xác hơn các dự báo của hệ Ptolemy. Ngoài ra, mọi hiện tượng được biết về các thiên thể đều có thể cắt nghĩa bằng hệ Ptolemy; không có bí nhiệm nào cần giải thích. Chỉ có một lý do duy nhất để chấp nhận lý thuyết nhật tâm của Copernicus là nó đưa các sự kiện thiên văn đã biết vào trong một trật tự toán học đơn giản và hài hòa hơn. Phải mất một thời gian rất lâu mới có nhiều người theo thuyết nhật tâm của Copernicus. Người đầu tiên trong số này là Kepler, một nhà toán học theo phái Pythagoras - Plato.
Johannes Kepler
Là người Tin Lành, Johannes Kepler (1571 - 1630) không phải đối diện mối nguy từ Tòa án Dị Giáo, mặc dù Luther đã lên án thuyết nhật tâm đi ngược hẳn với các giáo huấn của Kinh Thánh về việc tạo dựng. Có vẻ như có hai lý do khiến Kepler mạo hiểm chấp nhận thuyết Copernicus. Thứ nhất, ông là một người theo thuyết Plato giống như Copernicus trong việc tìm kiếm sự hòa hợp toán học để mô tả vũ trụ. Thứ hai, Kepler là người tôn thờ mặt trời và vì thế ông bị lôi cuốn bởi vị trí trung tâm mà hệ Copernicus dành cho mặt trời. Suốt đời ông, mỗi khi có dịp đưa ra lý do của việc ông chấp nhận thuyết Copernicus, ông luôn luôn nhắc đến ấn tượng về vị trí trung tâm của mặt trời. Áp dụng triết học Pythagoras - Plato của ông, Kepler tin rằng thực tại đích thực là sự hài hòa toán học tồn tại bên kia thế giới hiện tượng. Thế giới khả giác, thế giới các hiện tượng, là một sự phản ánh tháp kém của thế giới toán học chắc chắn và không thay đổi.
Được trang bị bằng một vốn tri thức rộng rãi là sự kết hợp của triết học Plato, thuyết thần bí, và thuyết Copernicus, Kepler không chỉ kiếm sống bằng nghề chiêm tinh (ông tin rằng các thiên thể ảnh hưởng đến số mạng con người), ông còn có những cống hiến to lớn cho khoa thiên văn. Ông triển khai và chứng minh nhiều chi tiết của thuyết Copernicus, nhờ đó ông giúp cho thuyết này được nhiều người chấp nhận hơn. Bằng phương pháp diễn dịch toán học và quan sát, ông khám phá ra rằng quỹ đạo của các hành tinh xung quanh mặt trời có hình ê - líp chứ không phải hình tròn (như Copemicus đã tưởng). Ông nhận thấy tốc độ của các hành tinh thay đổi theo tỉ lệ nghịch với khoảng cách của chúng tới mặt trời, như thế ông đã đi trước khái niệm về lực hấp dẫn của Newton. Sau cùng, ông chứng minh rằng mọi chuyển động khác nhau của các hành tinh có thể được mô tả bằng một phát biểu toán học duy nhất. Tuy nhiên, có lẽ cống hiến quan trọng nhất của Kepler cho khoa học là việc ông nhấn mạnh rằng mọi kết luận toán học đều có thể chứng minh được bằng quan sát thực nghiệm.
Kepler cũng nghiên cứu trực tiếp về thị giác và thấy rằng các vật trong môi trường dọi phóng một ảnh đảo ngược trên võng mạc. Quan sát này ngược với các lý thuyết trước kia cho rằng thị giác là kết quả của sự dọi phóng những bản sao chính xác của các vật trực tiếp trên các bộ phận tiếp nhận cảm giác. Kepler cũng đặt câu hỏi về khả năng tri giác đúng của chúng ta khi ảnh được dọi phóng trên võng mạc bị đảo ngược, nhưng ông bỏ ngỏ câu hỏi này cho những người khác giải đáp.
Galileo
Galileo (1564 - 1642) là một nhà toán học lỗi lạc mà ở tuổi 25 đã được bổ nhiệm làm giáo sư toán học tại Đại học Pisa. Cũng giống như Copernicus và Kepler, ông quan niệm vũ trụ là một bộ máy hoàn hảo mà hoạt động của nó chỉ có thể hiểu được trên cơ sở toán học:
Triết học được viết ra trong cuốn sách vĩ đại luôn rộng mở trước mắt chúng ta - tôi muốn nói vũ trụ - nhưng chúng ta không thể hiểu nó nếu trước tiên chúng ta không học ngôn ngữ và nắm bắt các ký hiệu mà nó dùng để viết ra. Cuốn sách ấy được viết bằng ngôn ngữ toán học, và các ký hiệu là các hình tam giác, hình tròn, và các hình hình học khác, mà không có chúng thì không tài nào hiểu nổi một từ trong đó; không có chúng, người ta sẽ mãi mãi đi lòng vòng vô ích trong một mê cung tăm tối. (Burtt, 1932, tr. 75)
Như Copernicus và Kepler, Galileo thấy nhiệm vụ của ông là cắt nghĩa thực tại toán học tồn tại vượt bên kia thế giới hiện tượng. Với các niềm tin Pythagoras và Plato này, Galileo khởi sự sửa chữa một số quan niệm sai lầm về vũ trụ và về các thiên thể. Ông thách thức quan niệm của Aristotle rằng các vật nặng rơi nhanh hơn các vật nhẹ vì khuynh hướng nội tại của chúng là như thế, bằng cách chứng minh rằng cả hai đều rơi với cùng tốc độ. Ông chấp nhận thuyết nhật tâm của Copernicus và viết một sách để loại bỏ mọi lý luận chống lại thuyết này. Năm 1609 ông chế một kính viễn vọng nhờ đó ông tìm ra các núi trên mặt trăng, các vệt đen trên mặt trời, và sự kiện dải Ngân Hà được làm thành bởi rất nhiều các ngôi sao mà mắt thường không thể thấy được. Ông cũng tìm ra bốn vệ tinh của sao Mộc, và như thế là có ít nhất 11 thiên thể trong hệ mặt trời thay vì chỉ có 7.
Với các nghiên cứu của ông về động lực học của các vật được phóng đi, Galileo chứng minh rằng chuyển động của mọi vật thể trong mọi điều kiện đều bị chi phối bởi một tập hợp các luật toán học duy nhất. Các nghiên cứu của ông cho thấy rằng các khái niệm về "hồn sống" là dư thừa trong việc cắt nghĩa các sự kiện vật lý. Nghĩa là, vì chuyển động của các vật và sự kiện có thể được cắt nghĩa bằng các lực bên ngoài, nên không cần giả định các "chỗ tự nhiên", "đam mê", "cứu cánh", "yếu tính", hay bất cứ thuộc tính nội tại nào.
Về thái độ ông đối với việc thí nghiệm, chúng ta lại thấy Galileo mang các niềm tin của học thuyết Pythagoras - Plato. Theo Plato, khám phá một luật vật lý thì giống như khám phá một mô thể Plato. Quan sát gợi ý rằng có thể có một tương quan lý luận, và một thí nghiệm được thực hiện để hoặc xác nhận hay phủ nhận khả năng này. Tuy nhiên, sau khi một luật đã được tìm ra, thí nghiệm thêm là không cần thiết; diễn dịch toán học được sử dụng để mô tả mọi biểu hiện khả dĩ của định luật. Ngoài ích lợi của các thí nghiệm trong việc kiểm chứng các định luật, Galileo cảm thấy chúng cũng có ích như là những chứng minh để thuyết phục những người hoài nghi về sự tồn tại của một số định luật. Vì vậy, Galileo dựa vào diễn dịch toán học nhiều hơn là dựa vào thí nghiệm. Về vấn đề hiện thực luận chống lại duy danh luận, rõ ràng ông đứng về phe các nhà hiện thực. Các luật (mô thể) tồn tại thực sự, và các luật ấy tác động trên thế giới vật lý. Giống như một nhà triết học Plato chính hiệu, ông nói rằng giác quan chỉ có thể cung cấp một gợi ý về bản chất của thực tại. Cắt nghĩa cuối cùng về thực tại phải dựa theo trật tự hợp lý của sự vật; nghĩa là, cắt nghĩa cuối cùng về thực tại phải là cắt nghĩa toán học.
Thực tại khách quan và chủ quan
Galileo có một sự phân biệt rõ giữa thực tại khách quan và chủ quan. Thực tại khách quan tồn tại độc lập với tri giác của bất cứ ai về nó, và các thuộc tính của nó sau này trong lịch sử được gọi là các tính chất chính. Các tính chất chính gồm lượng, hình thù, kích thước, vị trí, và chuyển động hay đứng yên. Các tính chất chính thì tuyệt đối, khách quan, không thay đổi, và có thể mô tả chính xác bằng toán học. Ngoài các tính chất chính (tạo thành thực tại vật lý), một loại thực tại khác được tạo ra bởi cơ quan cảm giác; thực tại này bao gồm cái mà sau này lịch sử gọi là các tính chất phụ. Các tính chất phụ (tạo thành thực tại chủ quan) chỉ là các kinh nghiệm tâm lý thuần túy và không có đối ứng trong thế giới vật lý. Ví dụ về các tính chất phụ là các kinh nghiệm về màu sắc, âm thanh, nhiệt độ, mùi vị. Theo Galileo, các tính chất phụ thì tương đối, chủ quan, và thay đổi. Từ các tính chất chính, chúng ta có thể có tri thức thật sự; từ các tính chất phụ, chỉ có thể có các ý kiến và ảo tưởng.
Không thể có một khoa học về kinh nghiệm ý thức
Vì các kinh nghiệm ý thức của chúng ta bao gồm quá nhiều tính chất phụ và vì chúng không bao giờ có thể mô tả và hiểu được bằng toán học, nên Galileo tin rằng không thể nghiên cứu về ý thức bằng các phương pháp khách quan của khoa học. Lập trường của Galileo đánh dấu một chuyển biến triết học quan trọng về địa vị của con người trong vũ trụ. Hầu như không có ngoại lệ, mọi nhà triết học và thần học trước Galileo đều dành cho con người một địa vị ưu việt trong vũ trụ. Nếu có được những điều tốt và những điều xấu trong vũ trụ, và nếu có những điều thay đổi và không thay đổi trong vũ trụ, thì tất cả những điều ấy cũng đều tồn tại trong con người. Con người được quan niệm như một tiểu vũ trụ phản ánh đại vũ trụ. Nhưng với Galileo, quan niệm này về con người đã thay đổi. Các kinh nghiệm có tính người nhất - khoái lạc; thất vọng; đam mê; tham vọng; các kinh nghiệm thị giác, thính giác, và khứu giác của chúng ta - bây giờ được coi là ở dưới thế giới thực bên ngoài kinh nghiệm con người.
Tối đa con người chỉ có thể biết được thế giới thiên văn và thế giới các vật chuyển động và ở yên của trái đất. Nhưng sự hiểu biết này không bao giờ có thể đạt được chỉ bằng kinh nghiệm giác quan mà thôi. Nó chỉ có thể đạt được nhờ lý trí lãnh hội các luật toán học tồn tại bên kia kinh nghiệm giác quan. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có một quan niệm về kinh nghiệm ý thức của con người như là phụ thuộc, không thực, và hoàn toàn lệ thuộc giác quan, mà giác quan thì hay sai lầm. Cái có thực, quan trọng, và cao cả là thế giới bên ngoài con người: "Con người bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng như là một khách bàng quan và một hậu quả vô nghĩa của hệ toán học mà hệ toán học này mới là bản thể của thực tại." (Burtt, 1932, tr. 90).
Như thế Galileo đã loại bỏ khỏi khoa học nhiều điều mà chúng ta bây giờ bao gồm trong tâm lý học, và nhiều nhà khoa học tự nhiên ngày nay từ chối chấp nhận tâm lý học như một khoa học cũng vì các lý do giống như Galileo. Đã có nhiều cố gắng kể từ thời Galileo đến nay để định lượng kinh nghiệm tri thức, và vì các cố gắng này đã thành công, điều này chứng tỏ Galileo đã sai trong các kết luận của ông về việc đo lường các tính chất phụ.
Với công trình của Copernicus, Kepler và Galileo, quan niệm duy vật cũ của Democritus được sống lại. Vũ trụ có vẻ bao gồm vật chất mà chuyển động của nó được xác định bởi các lực ở ngoài nó. Thượng Đế đã trở nên ít quan trọng hơn trong việc điều hành vũ trụ, và bây giờ thì ngay cả địa vị của con người cũng bị chất vấn nghiêm trọng. Con người có là một thành phần của vũ trụ tự nhiên không? Nếu có, con người phải được cắt nghĩa bằng khoa học tự nhiên. Hay có gì đặc biệt nơi con người khiến họ là một thành phần độc lập với thế giới tự nhiên? Nếu thế, con người đặc biệt ở chỗ nào, và có những luật đặc biệt nào chi phối hành vi con người? Khoa học mới ủng hộ quan niệm con người là một hiện tượng tự nhiên. Các thành tựu lẫy lừng của Newton đã đẩy quan niệm duy vật về vũ trụ đi xa hơn nữa và cổ võ việc mở rộng quan niệm ấy ra cho con người. Không bao lâu, vũ trụ và mọi sự trong vũ trụ sẽ được quan niệm hoàn toàn là vật chất, giống như một cái máy, trong đó bao gồm cả con người.
Created by AM Word2CHM
ISAAC NEWTON
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 4. KHỞI ĐẦU CỦA KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC CẬN ĐẠI
Isaac Newton (1642 - 1727) sinh cùng năm Galileo qua đời. Như Galileo, Newton quan niệm vũ trụ là một bộ máy phức tạp, hợp lý do Thiên Chúa tạo dựng. Được các khái niệm này hướng dẫn, Newton đã triển khai phép tính vi phân và tích phân (Leibniz cũng khám phá phép tính này đồng thời và độc lập với Newton), khám phá luật vạn vật hấp dẫn, và là người tiên phong trong việc nghiên cứu về quang học. Newton đã tạo ra một quan niệm về vũ trụ sẽ thống trị khoa vật lý và thiên văn trong hơn hai thế kỷ, cho tới khi quan niệm này được Einstein xét lại. Các phương pháp kiểm chứng của ông giống như của Galileo, gồm quan sát, diễn dịch toán học, và thí nghiệm. Newton là một người rất sùng đạo. Ông đã đảo ngược cách nhận thức về Thiên Chúa dựa trên đức tin trước kia. Theo ông, vì Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ, nên nghiên cứu vũ trụ là một cách để hiểu biết Thiên Chúa. Về điều này ông đồng ý với đa số các nhà Kinh viện và với Copernicus và Kepler.
Có lẽ sự cống hiến quan trọng nhất của Newton là luật vạn vật hấp dẫn. Luật này tổng hợp một số khám phá trước kia như quan sát của Kepler rằng các thiên thể có chuyển động hình ê - líp và các đo lường của Galileo về sự tăng tốc của các vật thể rơi. Theo luật hấp dẫn, mọi vật trong vũ trụ đều hấp dẫn lẫn nhau. Lực hấp dẫn tỉ lệ thuận với khối lượng của vật và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa các vật. Định luật duy nhất này có thể cắt nghĩa chuyển động của mọi vật thể ở khắp nơi trong vũ trụ. Mặc dù vũ trụ là một bộ máy do Thiên Chúa tạo dựng, nó hoạt động theo các nguyên lý mà con người có thể khám phá ra, và Newton thấy rằng các nguyên lý này có thể diễn tả chính xác bằng toán học - vì thế ông kết luận "Thiên Chúa là một nhà toán học".
Các nguyên tắc của khoa học Newton
Các nguyên tắc rất mạnh và ảnh hưởng của khoa học Newton có thể tóm tắt như sau:
1. Mặc dù Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, ngài không trực tiếp can thiệp vào các sự kiện của vũ trụ. Vì vậy không cần dựa vào ý muốn của ngài để cắt nghĩa bất cứ sự vật hay sự kiện nào trong vũ trụ.
2. Thế giới vật chất được điều hành bởi các luật vật lý, và không có ngoại lệ cho các luật này.
3. Không có chỗ cho mục đích trong luật vật lý, vì vậy phải loại bỏ các nguyên nhân cùng đích của Aristotle. Nói khác đi, các sự kiện tự nhiên không bao giờ có thể cắt nghĩa bằng cách giả thiết các thuộc tính nội tại nơi chúng cả. Ví dụ: các vật rơi không phải vì chúng có một khuynh hướng rơi nội tại nơi chúng, như Aristotle giả thiết, mà vì có nhiều lực khác nhau tác động trên chúng.
4. Phải chấp nhận dao cạo của Occam. Các cắt nghĩa phải luôn luôn đơn giản tối đa. Trong quyển III của Các Nguyên lý toán học của Triết học tự nhiên (1687), Newton đưa ra lời khuyên sau: "Chúng ta không được chấp nhận các nguyên nhân nào khác của các sự vật tự nhiên ngoài các nguyên nhân cần và đủ để giải thích sự xuất hiện của chúng."
Quan niệm của Newton về vũ trụ là một quan niệm đơn giản tối đa. Mọi sự xảy ra đều có thể cắt nghĩa dưới dạng (a) không gian, gồm các điểm; (b) thời gian, gồm các lực; (c) vật chất, tồn tại trong không gian và có khối lượng; và (d) lực, cái cung cấp sự thay đổi trong chuyển động của vật chất. Newton và những người theo ông tin rằng toàn vũ trụ vật lý có thể cắt nghĩa dựa trên bốn cấu trúc này. Thực vậy, cắt nghĩa về mọi sự kiện tự nhiên có nghĩa là diễn tả nó bằng toán học theo các khía cạnh không gian, thời gian, vật chất, và lực.
5. Các luật vật lý thì tuyệt đối, nhưng sự hiểu biết của chúng ta thì luôn luôn thiếu sót. Vì vậy các nhà khoa học thường phải chấp nhận khả năng xác suất hơn là sự chắc chắn tuyệt đối. Đó là vì sự giới hạn của hiểu biết con người, không phải sự thay đổi trong các luật vật lý.
6. Sự xếp loại không phải là giải thích. Nhận thấy chó hình như có đặc tính đuổi mèo không giải thích tại sao chó có khuynh hướng đuổi mèo. Để hiểu tại sao một vật hành động như nó vẫn làm, cần phải biết các thuộc tính vật lý của vật bị tác động (ví dụ: khối lượng của nó) và bản chất của các lực tác động trên vật ấy. Tóm lại, không được gán một mục đích cho bất cứ loại nào, dù là vật hay các lực tác động trên vật ấy.
Thành công của Copernicus, Kepler, Galileo, và Newton với quan sát thường nghiệm và diễn dịch toán học đã kích thích các nhà nghiên cứu trong mọi lãnh vực và khơi dậy một tinh thần tò mò và thực nghiệm đã tồn tại cho đến nay. Cũng thế, thành công của việc quan niệm vũ trụ là một cái máy sẽ có những hệ quả sâu xa đối với tâm lý học. Khoa học đã trở thành một đường lối chắc chắn để khám phá các bí mật của thiên nhiên, và nó đã được người ta hăng say chấp nhận. Về nhiều phương diện, khoa học đã trở thành một tôn giáo mới.
FRANCIS BACON
Truyền thống đã quen coi Francis Bacon (1561 - 1626) như là người phát ngôn chính của khoa học mới trong cuộc lật đổ các tác giả có uy quyền xưa, đặc biệt Aristotle. Trí óc sâu sắc và văn phong trổi vượt của ông đã khiến nhiều người bị cám dỗ muốn nghĩ ông là tác giả thật của các vở kịch Shakespeare. Ông sống đồng thời với Galileo, trẻ hơn Copernicus gần 100 tuổi, và già hơn Descartes 35 tuổi. Bacon là nhà duy nghiệm triệt để; ông tin rằng chỉ có thể hiểu thiên nhiên bằng cách nghiên cứu nó trực tiếp và khách quan. Các cách mô tả thiên nhiên dựa trên Kinh Thánh, đức tin, hay bất cứ thẩm quyền triết học hay thần học nào chỉ có thể cản trở các cố gắng của người ta để hiểu biết thiên nhiên hoạt động như thế nào mà thôi.
Khoa học Bacon
Tuy Bacon và Galileo sống đồng thời, phương pháp khoa học của hai ông rất khác nhau. Galileo tìm các nguyên lý chung (định luật) có thể được diễn tả bằng toán học từ đó có thể rút ra các kết luận, phương pháp này thực sự cần dùng rất ít thí nghiệm. Theo Galileo, khám phá các luật chi phối vũ trụ vật chất là quan trọng. Một khi các luật ấy đã được tìm ra và diễn tả bằng toán học, ta có thể rút ra được nhiều tính chất biểu hiện của các luật đó (phương pháp này gọi là diễn dịch, bao gồm việc tiên đoán một sự kiện từ một nguyên lý chung); Bacon ngược lại đòi hỏi khoa học phải dựa trên quy nạp. Theo Bacon, khoa học không được bao gồm các lý thuyết, giả thuyết, toán học, và diễn dịch, mà chỉ được bao gồm các sự kiện quan sát. Ông nghĩ rằng bất cứ ai làm nghiên cứu với các thiên kiến đều sẽ có khuynh hướng nhìn thiên nhiên theo các thiên kiến ấy. Nói khác đi, Bacon nghĩ rằng chấp nhận một lý thuyết sẽ dễ ảnh hưởng tới các quan sát của người ta, và ông nêu Aristotle làm ví dụ về một mẫu người tra cứu bị ảnh hưởng bởi thiên kiến. Bacon nói rằng vì Aristotle đã giả thiết các vật trong thiên nhiên bị chi phối bởi các nguyên nhân cùng đích, nên cuộc nghiên cứu của ông xác nhận sự tồn tại của các nguyên nhân cùng đích.
Bacon không tin tưởng thuyết duy lý vì nó dựa quá nhiều vào từ ngữ; ông không tin tưởng toán học vì nó dựa quá nhiều vào ký hiệu. Ông chi tin tưởng sự quan sát và ghi nhận thiên nhiên trực tiếp. Với chủ nghĩa duy nghiệm triệt để này, Bacon cho thấy rõ rằng thẩm quyền cao nhất của khoa học là sự quan sát thực nghiệm. Trong lịch sử thời sau, phương pháp khoa học của Bacon sẽ được gọi là duy chứng luận.
Nhưng Bacon không bác bỏ việc phân loại các quan sát thực nghiệm. Ông không phủ nhận tầm quan trọng của lý trí, nhưng ông tin rằng các khả năng lý trí phải được dùng để hiểu các sự kiện tự nhiên hơn là các nội dung của trí tưởng tượng con người.
Bacon tóm tắt bốn nguồn sai lầm có thể tiềm tàng trong việc tra cứu khoa học bằng bốn "thần tượng" của ông.
- Thần tượng cái hang là các thiên kiến cá nhân phát xuất từ các yếu tố di truyền, kinh nghiệm, giáo dục, và tình cảm của một người. Bất cứ điều gì trong đó đều có thể ảnh hướng đến cách một người nhìn và cắt nghĩa thế giới.
- Thần tượng bộ lạc là các thiên kiến do bản tính con người. Mọi người có chung các khả năng tưởng tượng, ước muốn, và hi vọng, và các thuộc tính con người này có thể và thường thực sự làm sai lạc các tri giác.
- Thần tượng phố chợ là các thiên kiến phát xuất từ việc quá bị ảnh hưởng bởi ý nghĩa được gán cho các từ. Các tên gọi và mô tả có thể ảnh hưởng cách chúng ta hiểu thế giới và làm sai lệch các quan sát của chúng ta.
- Thần tượng nhà hát là các thiên kiến phát xuất từ sự trung thành mù quáng với bất cứ quan điểm triết học hay thần học nào.
Khoa học phải cung cấp thông tin hữu ích
Bacon cũng nghĩ khoa học có thể và phải thay đổi thế giới tốt hơn. Khoa học sẽ cung cấp tri thức để cải tiến kỹ thuật, và cải tiến kỹ thuật sẽ cải thiện thế giới. Để dẫn chứng sức mạnh của tri thức kỹ thuật, Bacon nêu lên các phát minh về máy in, thuốc súng, và la bàn từ trường:
Ba phát minh này đã thay đổi toàn diện bộ mặt và tình trạng của sự vật trên khắp thế giới;phát minh thứ nhất về văn học, thứ hai về chiến tranh, và thứ ba về ngành hàng hải; từ đó đã diễn ra tiếp biết bao nhiêu thay đổi đến nỗi không một đế quốc nào, một bè phái nào, một ngôi sao nào đã có thể ảnh hưởng to lớn đến các công việc của con người bằng các khám phá về máy móc này. (Bacon, 1620, tr. 118). Bằng việc nhấn mạnh rằng các nhà khoa học phải gột sạch khỏi đầu óc họ các thiên kiến, Bacon là người đi trước thời đại. Ông nhận thấy các nhà khoa học cũng là con người, và giống như mọi người, các thiên kiến của họ có thể ảnh hưởng các quan sát của họ. Kuhn (1973) cũng cho thấy cùng điểm này bằng khái niệm của ông về khuôn mẫu; ngày nay, người ta chung chung nhìn nhận rằng mọi nhà khoa học (hay bất cứ ai) đều "nặng lý thuyết." Nghĩa là, lý thuyết của một người ảnh hưởng việc quan sát của người ấy và cách cắt nghĩa điều họ quan sát.
Lịch sử cho thấy phương pháp quy nạp trong khoa học của Bacon phần lớn đã bị lãng quên trong khi phương pháp diễn dịch của Galileo và Newton lại rất ảnh hưởng. Ngược với điều Bacon tin tưởng, khoa học hiệu quả đòi hỏi phải có lý thuyết táo bạo và trắc nghiệm giả thuyết. Một nhà triết lý khoa học nổi tiếng đã nhận xét rằng các khám phá khoa học quan trọng không bao giờ đến từ quy nạp như Bacon từng tin tưởng: "Các ý tưởng táo bạo, các dự đoán không thể cắt nghĩa, và các tư tưởng lý thuyết, là các phương tiện duy nhất để chúng ta giải thích thiên nhiên... là dụng cụ duy nhất để chúng ta lãnh hội thiên nhiên... thí nghiệm là hành động được sắp đặt trước trong đó mỗi bước đều được lý thuyết hướng dẫn." (Popper, 1968, tr. 280).
Đa số các nhà khoa học từ thời Bacon trở đi đều bác bỏ sự lệ thuộc quá đáng của ông vào phương pháp quy nạp, nhưng không phải mọi người. Trong tâm lý học, Skinner và các đồ đệ ông đã chấp nhận triết học phi lý thuyết của Bacon. Trong phương pháp tra cứu khoa học theo Skinner, không có lý thuyết, không giả thuyết, không phân tích toán học, và không thiên kiến. Cũng trong tinh thần Bacon, những người theo Skinner tin rằng mục tiêu chính của khoa học là phải cải thiện thân phận con người.
Bacon là một nhân vật bản lề vì thái độ hoài nghi triệt để của ông đối với mọi nguồn tri thức mà không đến từ sự quan sát thiên nhiên trực tiếp. Ông nhấn mạnh rằng chính thiên nhiên phải là thẩm quyền duy nhất để quyết định các vấn đề tri thức luận. Chúng ta thấy Bacon nhấn mạnh rằng các quan sát phải được thực hiện không dựa vào bất cứ thiên kiến triết học, thần học, hay cá nhân nào. Thuyết hoài nghi về các thông tin nhận được của quá khứ cũng được đại diện bởi nhà triết học lớn đầu tiên của thời đại mới, René Descartes mà chúng ta sẽ bàn đến sau đây.
Created by AM Word2CHM
RENÉ DESCARTES
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 4. KHỞI ĐẦU CỦA KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC CẬN ĐẠI
Sinh trong một gia đình giàu có ở La Haye, Fháp, René Descartes (1596 - 1650) là một con người của thời Phục Hưng thực sự; ông có lúc là lính, nhà toán học, triết gia, nhà khoa học, và nhà tâm lý học. Thêm vào đó, ông còn là một con người của xã hội ham thích cờ bạc, khiêu vũ, và mạo hiểm. Nhưng ông cũng là một con người có đời sống tư riêng thâm sâu, thích nơi vắng vẻ và tránh những tình cảm quá gắn bó với những người khác. Vào lúc danh tiếng ông bắt đầu lên cao, ông sang Hà Lan; trong khi ở đây, ông thay đổi chỗ ở 24 lần mà không để lại cho ai địa chỉ để khỏi bị quấy rầy.
Mẹ của Descartes mất một thời gian ngắn sau khi ông sinh ra. Vì cha ông là một luật gia giàu có và hành nghề ở một nơi xa nhà, nên việc giáo dục của Descartes chủ yếu là do bà nội, một y tá, một anh và một chị trông nom. Descartes là một đứa trẻ rất thông minh. Ông được nhận vào trường La Flèche của các cha Dòng Tên năm ông 10 tuổi; ông tốt nghiệp năm 16 tuổi. Khi ở La Flèche, như bao học sinh khác, ông học các tác phẩm của Plato, Aristotle, và các nhà triết học Kitô giáo thời kỳ đầu. Thời ấy, việc học chủ yếu là chứng minh một cách thuận lý các chân lý mặc khải (triết học Kinh viện). Thời học sinh, Descartes đặc biệt rất giỏi toán, và năm 21 tuổi, ông đã biết tất cả những gì chủ yếu có trong môn học này.
Sau khi tốt nghiệp ở La Flèche, Descartes tự do dạo chơi khắp nơi và trải qua nhiều thú vui của cuộc sống, và sau cùng ông đến ở St. Germain, một khu ngoại ô Paris. Tại đây ông có dịp quan sát một nhóm các pho tượng chạy bằng máy được đặt ở các giếng phun theo lệnh của nữ hoàng để mua vui cho nữ hoàng. Các tượng chứa một hệ thống ống nước mà khi có một người bước lên một tấm ván giấu kín phía sau, thì sẽ tạo ra một chuỗi chuyển động và âm thanh phức tạp. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, ý tưởng về chuyển động phức tạp tạo ra do một chất chảy trong ống sẽ ảnh hưởng lớn đến triết học của Descartes sau này.
Cuộc tìm kiếm chân lý triết học của Descartes
Vào thời Descartes dọn đến ở St. Germain, ông đã trải qua một cơn khủng hoảng tri thức. Ông thấy tất cả những điều ông đã học đều vô ích, đặc biệt triết học. Ông nhận thấy các nhà triết học từng tìm kiếm chân lý hàng nhiều thế kỷ nay nhưng đã không thể nhất trí với nhau về bất cứ điều gì; ông kết luận rằng không có gì trong triết học vượt qua được sự hoài nghi. Nhận thức này làm Descartes hoàn toàn thất vọng. Ông quyết định tốt hơn nên học những điều cho bản thân ông thay vì học từ các "chuyên gia" : "Tôi quyết định không tìm kiếm tri thức nào khác hơn tri thức tôi có thể tìm thấy trong bản thân tôi, hay có lẽ trong cuốn sách vĩ đại của thiên nhiên." (1637).
Phương pháp tự khám phá mình của Descartes mang lại kết quả gần như ngay lập tức. Thường Descartes khám phá nhiều ý tưởng mới của ông trong các suy niệm sâu xa khi nằm trên giường; trong một lần suy niệm này, ông chợt nảy ra một trong các trực giác vĩ đại nhất của ông. Descartes phát minh ra hình học giải tích sau khi quan sát một con ruồi trong phòng. Ông nhận thấy ông có thể mô tả chính xác vị trí của con ruồi vào bất cứ thời điểm nào bằng cách chỉ dùng ba con số: các khoảng cách thẳng đứng từ hai bức tường và từ trần nhà tới con ruồi. Descartes cho thấy hình học có thể tích hợp với đại số học, nhờ đó có thể biểu thị các hiện tượng thiên văn như các quỹ đạo hành tính bằng các con số. Một cách tổng quát hơn, Descartes đã khám phá sự tương ứng chính xác giữa lãnh vực các con số và lãnh vực vật lý học. Tuy phức tạp, các sự kiện trong thiên nhiên bây giờ có thể mô tả bằng các thuật ngữ toán học. Như Copernicus, Kepler, và Galileo trước ông và Newton sau ông, Descartes đã đạt đến kết luận rằng tri thức cao nhất luôn luôn là tri thức toán học. Với sự phát minh hình học giải tích, nay ông đã có thể mô tả và đo lường chính xác cơ bản mọi hiện tượng vật lý đã biết. Bằng cách này, Descartes củng cố thêm khái niệm của phái Pythagoras - Plato về vũ trụ đã từng được Copernicus, Kepler, và Galileo chấp nhận và sắp sửa được Newton triển khai xa hơn.
Tiếp đến, Descartes tìm các lãnh vực khác của tri thức con người mà có thể hiểu được với cùng sự chắc chắn như hình học giải tích. Được kích thích bởi thành công của ông trong toán học, ông tóm tắt bốn quy luật để đạt tri thức chắn chắn trong bất cứ lãnh vực nào:
Luật thứ nhất là không bao giờ chấp nhận điều gì là đúng trừ khi tôi nhận ra nó đúng hiển nhiên như thế: Nghĩa là cẩn thận tránh hết mọi kết luận vội vã và mọi thiên kiến, và không kết luận điều gì trừ khi nó cho trí khôn tôi thấy nó rõ ràng và phân biệt khiến không thể có lý do hay cơ hội để nghi ngờ nó.
Luật thứ hai là phân chia mỗi khó khăn mà tôi gặp thành càng nhiều phần càng tốt, và tùy theo nhu cầu đòi hỏi để có giải pháp dễ dàng hơn.
Luật thứ ba là suy nghĩ một cách có trật tự, bắt đầu với những điều đơn giản và dễ hiểu nhất, rồi từ từ từng bước đạt đến một tri thức phức tạp hơn, thậm chí giải quyết cả các vấn đề mà không cần phải giải quyết.
Luật cuối cùng là luôn luôn lập một bảng liệt kê thật đầy đủ và duyệt lại thật toàn diện, để tôi có thể chắc chắn không bỏ sót điều gì.
Thế là Descartes bắt đầu cuộc tìm kiếm chân lý triết học. Ông tự buộc mình phải hoài nghi mọi sự có thể hoài nghi và sử dụng tất cả những gì là chắc chắn giống như người ta sử dụng các tiên đề trong toán học. Nghĩa là phải sử dụng các điều chắc chắn để từ đó rút ra các điều chắc chắn khác. Sau khi vất vả tìm kiếm, Descartes kết luận rằng chỉ có một điều ông không thể hoài nghi đó là sự kiện ông đang hoài nghi, nhưng hoài nghi là suy nghĩ và suy nghĩ đòi hỏi phải có người đang suy nghĩ. Như thế Descartes đã đạt đến kết luận nổi tiếng của ông Cogito, ergo sum (Tôi suy tư, vậy tôi đang hiện hữu). Bằng cách này, Descartes đã thiết lập được sự chắc chắn của các quy trình tư tưởng của chính ông, và sự chắc chắn này làm cho việc tìm kiếm tri thức bằng nội quan trở thành hợp pháp.
Các ý tưởng bẩm sinh
Descartes còn phân tích xa hơn về nội dung tư tưởng của ông và thấy rằng một số ý tưởng được kinh nghiệm với sự rõ ràng và phân biệt đến nỗi buộc phải chấp nhận chúng là đúng, nhưng chúng không có phần tương ứng trong kinh nghiệm cá nhân của ông. Descartes nghĩ rằng các ý tưởng này là bẩm sinh - nghĩa là, chúng là các thành phần tự nhiên của tinh thần. Ví dụ: ông nhận thấy rằng mặc dù ông không hoàn hảo, nhưng ông vẫn có các ý tưởng hoàn hảo. Vì một điều hoàn hảo không thể bắt nguồn từ một cái gì không hoàn hảo, nên Descartes kết luận rằng ông không thể là tác giả của các ý tưởng như thế: "Giả thuyết duy nhất còn lại là ý tưởng này được đặt vào trong trí khôn tôi bởi một bản tính thực sự hoàn hảo hơn chính tôi, nó có mọi sự hoàn hảo mà tôi có thể tưởng tượng ra và đó là Thượng Đế." (1637). Trong số các ý tưởng bẩm sinh, Descartes kể ra các ý tưởng về sự duy nhất, vô hạn, hoàn hảo, các tiên đề của hình học, và Thượng Đế.
Vì Thượng Đế hiện hữu và hoàn hảo và không thể lừa dối con người, chúng ta có thể tin tưởng vào các dữ liệu do giác quan cung cấp cho chúng ta. Tuy nhiên, dữ liệu giác quan cũng phải rõ ràng và phân biệt để có thể được chấp nhận là hợp pháp. Rõ ràng có nghĩa là dữ liệu được trình bày cho ý thức một cách rõ ràng, và phân biệt có nghĩa là kinh nghiệm ý thức không thể bị nghi ngờ hay chia nhỏ ra để phân tích thêm nữa. Descartes nêu ví dụ về việc nhìn thấy một cái que nhúng một phần trong nước và kết luận rằng nó bị gãy. Thấy cái que có vẻ bị cong là một kinh nghiệm rõ ràng, ý thức, nhưng phân tích thêm, như lấy cái que ra khỏi nước, sẽ cho thấy kinh nghiệm ấy là một ảo ảnh. Như thế Descartes kết luận rằng các quy trình lý trí là hợp pháp và tri thức nhận được do giác quan về thế giới vật lý có thể được chấp nhận bởi vì Thượng Đế không lừa dối chúng ta, nhưng dù sao dữ liệu cảm giác cũng phải được phân tích bằng lý trí để có thể xác nhận tính hợp pháp của nó.
Vì vậy phương pháp của Descartes là trực giác và diễn dịch. Trực giác là quy trình qua đó một trí khôn chăm chú và không thiên kiến đạt tới một ý tưởng rõ ràng và phân biệt, một ý tưởng mà không thể hoài nghi tính hợp pháp của nó. Sau khi một ý tưởng được khám phá, người ta có thể diễn dịch ra từ đó nhiều ý tưởng hợp pháp khác. Một ví dụ có thể là trước tiên đạt tới ý tưởng rằng Thiên Chúa tồn tại rồi sau đó diễn dịch ra rằng chúng ta có thể tin tưởng các dữ liệu của cảm giác bởi vì Thiên Chúa không thể lừa dối chúng ta. Cần ghi nhận rằng phương pháp của Descartes đã phục hồi địa vị cho kinh nghiệm chủ quan thuần túy, vốn đã bị mất do triết học của Galileo. Thực vậy, Descartes thấy rằng mặc dù ông có thể hoài nghi sự tồn tại của mọi sự vật, vật lý (kể cả thân xác của ông) nhưng ông không thể hoài nghi chính sự hiện hữu của chính ông như một hữu thể đang tư duy. Các nguyên lý đệ nhất của triết học Descartes là các nguyên lý nhận thức và ông đạt được chúng bằng trực giác. Cũng không có khái niệm toán học nào chắc chắn hơn Cogito, ergo sum; vì vậy, chúng ta có thể quay sự chú ý vào trong tinh thần (bản ngã, linh hồn, cái tôi) và xem xét các kinh nghiệm chủ quan như suy nghĩ, ý muốn, tri giác, cảm giác, và tưởng tượng. Như thế, mặc dù Descartes là một nhà duy lý (ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy trình tư tưởng lý luận) và một nhà bẩm sinh (ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các ý tưởng bẩm sinh), ông cũng là một nhà hiện tượng luận. Nghĩa là ông dùng nội quan nghiên cứu bản tính của kinh nghiệm hoàn hảo và ý thức. Phương pháp trực giác và diễn dịch của Descartes được tin là hợp pháp khi hướng về thế giới của kinh nghiệm nội tâm cũng như khi hướng về thế giới vật lý bên ngoài.
Mặc dù triết học Descartes chủ yếu dựa trên các quy trình tư duy và hiện tượng luận, ông có một khái niệm hoàn toàn cơ giới về thế giới vật lý, về hành vi của loài vật, và về nhiều hành vi của con người.
Phản xạ
Descartes lấy các bức tượng ở St. Germain làm mô hình để giải thích mọi hành vi động vật và phần lớn hành vi con người (nghĩa là ông cắt nghĩa cả hành vi của các pho tượng và của loài vật theo các nguyên tắc cơ giới). Các cơ quan thụ cảm của cơ thể giống như những tấm ván chịu áp lực, chúng làm khởi động dòng nước qua các đường ống và kích hoạt các pho tượng. Descartes nghĩ đến các dây thần kinh như là những đường ống rỗng chứa các "sợi chỉ cực mỏng" nối kết các cơ quan thụ cảm với não. Các sợi chỉ này được nối vào với các xoang của não, trong đó chứa đầy các sinh hồn. Khái niệm sinh hồn rất phổ biến nơi các triết gia Hy Lạp cổ (Aristotle) và đã được lưu truyền bởi nhà y học thời danh Galen (khoảng 130 - 200). Các nhà triết học và y học này tin rằng sự hiện diện của các khí động vật phân biệt một sinh vật với một vật vô sinh. Descartes mô tả các sinh hồn như là một làn gió nhẹ hay một ngọn lửa mỏng. Các sợi chỉ mỏng trong các dây thần kinh bình thường rất chắc, nhưng khi một sự kiện bên ngoài kích thích một giác quan, các sợi chỉ này co lại chắc hơn nữa và tạo ra các "lỗ hổng" hay "đường dẫn" trong khu tương ứng với nó ở não; thế rồi lỗ hổng nhả để cho các khí động vật thoát ra các cơ thích hợp, làm cho các cơ này dãn ra và gây ra hành vi. Descartes nêu ví dụ về một người đứng gần một ngọn lửa. Nhiệt của ngọn lửa tạo một sức kéo trên các sợi chỉ dẫn tới các xoang trong não có chứa các sinh hồn. Sức kéo làm mở ra một trong các xoang ấy, để cho các khí động vật thoát theo các đường ống rỗng (thần kinh) xuống các cơ, rồi các cơ này dãn ra và kéo chân ra xa ngọn lửa. Đây là mô tả lần đầu tiên về sự kiện mà sau này được gọi là phản xạ. Nghĩa là, một sự kiện môi trường (nhiệt) tự động tạo ra một phản ứng (rút chân lại) do cấu trúc của cơ quan (thần kinh, cơ, và khí động vật).
Khi nói rằng các mối tương tác của cả động vật lẫn con người với môi trường đều là phản xạ, Descartes cho người ta có thể nghiên cứu loài vật để hiểu biết nhiều hơn về hoạt động của cơ thể con người. Ông thực hiện nhiều cuộc mổ xẻ cơ thể động vật và kết luận rằng các nguyên tắc cơ học không chỉ có thể cắt nghĩa các tương tác với môi trường, mà cũng có thể cắt nghĩa sự tiêu hóa, hô hấp, dinh dưỡng và tăng trưởng của cơ thể, tuần hoàn của máu, và cả giấc ngủ và giấc mơ.
Ngay khi Descartes còn sinh thời, đã có những bằng chứng cho thấy phân tích của ông về hành vi phản xạ là không đúng. Có bằng chứng khá chắc chắn là các thần kinh không rỗng; có hai loại thần kinh khác nhau, thần kinh cảm giác chuyển thông tin từ các cơ quan thụ cảm lên não và các thần kinh vận động đưa thông tin từ não tới các cơ... Mặc dù tất cả các quan sát này đặt ra các vấn đề nghiêm trọng cho phân tích của Descartes về hành vi phản xạ, ông không bao giờ từ bỏ lập trường của mình.
Giải thích của Descartes về giấc ngủ và giấc mơ
Giải thích của Descartes về giấc ngủ mở đầu bằng nhận xét rằng trong khi các cơ quan thức, các xoang của não chứa đầy các sinh hồn khiến cho các mô não trong khoang phình ra, từ từ làm rắn chắc các sợi dây nhỏ và làm chúng phản ứng tối đa với các kích thích cảm giác. Trong ngày, lượng sinh hồn trong các khoang não giảm đi, và mô não bao quanh chúng dãn ra, làm cho các sợi dây chùng xuống. Trong điều kiện này, cơ quan không phản ứng nhậy với môi trường, và chúng ta nói chúng ngủ. Có những luồng khí động vật chảy ngẫu nhiên trong các khoang, và thỉnh thoảng các khoang riêng biệt lại được chứa đầy; và các dây nói của chúng trở nên chặt lại. Điều này gây ra các kinh nghiệm ngẫu nhiên, rời rạc, mà chúng ta gọi là các giấc mơ.
Sự tương tác giữa tinh thần - thân xác
Như vừa nói ở trên, Descartes tin rằng mọi hành vi và quy trình bên trong của loài vật có thể được cắt nghĩa theo cơ học, cũng như nhiều hành vi và quy trình nội tâm của con người. Tuy nhiên, có một khác biệt quan trọng giữa con người và loài vật. Chỉ con người có một tinh thần cung cấp ý thức, tự do chọn lựa, và lý tính. Hơn nữa, tinh thần là phi thể chất và thân xác là thể chất - nghĩa là thân xác chiếm chỗ trong không gian nhưng tinh thần thì không. Trong tiến trình đạt đến nguyên lý đầu tiên của triết học của ông - "Tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại," Descartes cảm thấy ông đã khám phá ra sự kiện tinh thần là phi vật chất.
Khi nói rằng tinh thần phi vật chất có thể ảnh hưởng thân xác vật chất, Descartes phải đối diện với vấn đề tinh thần - thân xác vốn đã kéo dài từ xưa. Ông phát biểu rõ ràng rằng con người có một thân xác hoạt động theo các nguyên lý vật lý và một tinh thần không hoạt động theo các nguyên lý vật lý và hai thành phần này tương tác nhau (ảnh hưởng lẫn nhau). Như thế, về vấn đề tinh thần - thân xác, Descartes là một nhà nhị nguyên, và kiểu nhị nguyên của ông là thuyết tương tác (đôi khi gọi là thuyết nhị nguyên Descartes). Tất nhiên câu hỏi phải đặt ra là sự tương tác này diễn ra thế nào.
Vì tinh thần được nghĩ là phi vật chất, nó không thể ở một chỗ nào trong không gian. Descartes cảm thấy tinh thần thấm nhuần toàn thân xác. Ông cho rằng tinh thần ở trong thân xác không giống như người hoa tiêu ở trong chiếc tàu, và ông chứng minh điều này bằng sự kiện rằng các kinh nghiệm giác quan của chúng ta tô điểm cho các kinh nghiệm nhận thức của chúng ta, ví dụ bằng màu sắc, và bằng sự kiện rằng chúng ta cảm thấy một cách ý thức các trạng thái của thân thể như đói, khát, và đau. Không kinh nghiệm nào trong số các kinh nghiệm này có thể có được nếu tinh thần không liên hệ mật thiết với thân xác. Nhưng Descartes đi tìm một chỗ mà tinh thần tác động ảnh hưởng của nó trên thân xác. Ông tìm một cấu trúc trong não vì não chứa các khí động vật. Và cấu trúc này cũng phải thống nhất bởi vì kinh nghiệm ý thức của chúng ta, mặc dù thường phát sinh từ sự kích thích đến từ hai mắt hay hai tai, nhưng kinh nghiệm ấy luôn luôn là duy nhất. Sau cùng, cấu trúc phải có tính chuyên biệt của con người, bởi vì chỉ con người có tinh thần. Descartes chọn tuyến yên bởi vì nó được bao quanh bởi các khí động vật (ngày nay chúng ta gọi là dịch não - tủy sống), nó không có hai bộ phận như các cấu trúc khác của não, và (ông tin sai lầm rằng) nó chỉ có trong não người. Chính qua tuyến yên mà tinh thần muốn thân xác hành động hay ngăn cản hành động. Khi tinh thần muốn một điều gì xảy ra, nó kích thích tuyến yên, rồi tuyến này kích thích các khu thích hợp trong não, làm cho các khí động vật chảy tới các cơ khác nhau và tạo ra hành vi mong muốn.
Descartes rất ý thức về các khó khăn của việc giải thích làm sao một tinh thần vô chất có thể tương tác với một thân xác vật chất. Sau nhiều lần thử cắt nghĩa sự tương tác này, cuối cùng Descartes đi đến kết luận rằng không thể cắt nghĩa nó cách lý luận được. Thay vào đó, ông chọn cách giải quyết là nhìn nhận tinh thần và thân xác là hai thực thể biệt lập nhưng tương tác nhau nhờ công cảm. Ông nói, mọi người đều có các kinh nghiệm vừa thể lý vừa thần và cảm thấy chúng ảnh hưởng lẫn nhau. Thế là nhà triết học duy lý thứ thiệt của chúng ta đã bênh vực một trong các khái niệm triết học cơ bản nhất của ông bằng cách dựa vào kinh nghiệm hằng ngày của con người (Tibbetts, 1975).
Cống hiến của Descartes cho tâm lý học
Descartes đã cố gắng đưa ra một giải thích hoàn toàn cơ giới cho nhiều chức năng thể lý và nhiều hành vi. Phân tích cơ giới của ông về hành vi phản xạ có thể được coi là một sự khai mào cho cả khoa tâm lý học kích thích - phản xạ lẫn tâm lý học hành vi. Ông tập trung chú ý vào não như là trung gian quan trọng của hành vi, và ông xác định mối tương quan tinh thần - thân xác một cách quá rõ ràng khiến cho những người khác có thể ủng hộ hay bác bỏ nó. Các phản ứng chống lại khái niệm của ông về các ý tưởng bẩm sinh quá mạnh đã dẫn đến các lập trường triết học và tâm lý học mới (ví dụ: thuyết duy nghiệm và thuyết duy cảm cận đại). Bằng cách nghiên cứu trực tiếp các cơ thể động vật để hiểu biết nhiều hơn về hoạt động của chúng và nhờ đó hiểu biết về hoạt động của cơ thể con người, ông đã khai sinh cho cả khoa tâm sinh lý và tâm lý học so sánh của thời đại mới. Qua việc làm cho kinh nghiệm thuần túy chủ quan được tôn trọng trở lại, Descartes đã dọn đường cho nghiên cứu khoa học về ý thức. Công trình của ông về xung đột hành vi không tập trung vào sự xung đột giữa hành vi tội lỗi và đạo đức nhưng vào sự khác biệt giữa hành vi động vật và hành vi con người lý trí; ông quan tâm tới loại xung đột mà Freud sau này sẽ nghiên cứu. Sau cùng, vì ông sử dụng nội quan để tìm ra các ý tưởng rõ ràng và phân biệt, Descartes có thể được coi là một nhà hiện tượng luận đầu tiên. Nhà hiện tượng luận nghiên cứu kinh nghiệm toàn diện của ý thức và ý nghĩa mà không cắt xén nó bằng bất cứ cách nào.
Sau Descartes, một số nhà triết học triển khai khía cạnh cơ giới trong lý thuyết của ông và nói rằng con người không là gì khác mà chỉ là các cái máy và khái niệm tinh thần là không cần thiết. Những người khác lại nhấn mạnh khía cạnh nhận thức của triết học Descartes, họ nói rằng ý thức là khía cạnh quan trọng nhất của con người. Bất luận thế nào, những lập trường theo sau Descartes, cách này hay cách khác, đều là một phản ứng đối với triết học của ông; vì vậy, ông thường được coi là ông tổ của triết học thời mới nói chung và của tâm lý học thời mới nói riêng.
Số phận của Descartes
Tuy Descartes có những cố gắng xoa dịu giáo hội, các sách của ông đã bị liệt vào số các sách cấm của giáo hội vì người ta cho rằng chúng dẫn đến chủ nghĩa vô thần. Do đó Descartes đã giảm viết sách và thay vào đó bằng việc truyền đạt cá nhân với từng nhóm nhỏ hay từng cá nhân muốn tìm kiếm tri thức. Một trong số cá nhân đó là hoàng hậu Christina của Thụy Điển. Năm 1650 bà mời Descartes đến hoàng cung dạy bà triết học, và ông nhận lời. Không may, hoàng hậu nài nỉ để được học lúc 5 giờ mỗi sáng, và một hôm Descartes phải đến hoàng cung trước lúc bình minh trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt cua Thụy Điển. Chỉ sau sáu tháng ở Thụy Điển, Descartes bị viêm phổi và qua đời năm 1650.
CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Mô tả bốn chủ đề chính của thuyết nhân văn thời Phục Hưng và nêu ví dụ cho từng phần.
2. Tại sao thời Phục Hưng được gọi là một thời kỳ đầy nghịch lý?
3. Mô tả hệ thống thiên văn Ptolemy và cắt nghĩa tại sao hệ ấy được các nhà thần học Kitô giáo chấp nhận.
4. Dựa trên cơ sở nào Copernicus lý luận rằng lý thuyết nhật tâm của ông phải thay thế lý thuyết địa tâm của Ptolemy?
5. Các công trình của Copernicus, Kepler, và Galileo dựa trên cơ sở các khái niệm triết học nào về vũ trụ? Hãy giải thích.
6. Tóm tắt các hệ quả thần học của thuyết nhận tâm Copernicus.
7. Mâu thuẫn giữa các hệ thống Ptolemy và Copernicus được coi là giống với một cuộc cách mạng khoa học kiểu Kuhn về phương diện nào?
8. Thảo luận các hệ quả của sự phân biệt theo Galileo giữa các tính chất chính và các tính chất phụ đối với khoa tâm lý học.
9. Newton quan niệm thế nào về khoa học?
10. Tóm tắt quan điểm của Bacon về khoa học.
11. Mô tả các thần tượng cái hang, phố chợ, nhà hát, và bộ lạc.
12. Phân biệt giữa các thí nghiệm của Bacon về ánh sáng và về trái cây và cho thấy hai thí nghiệm này liên quan với nhau thế nào.
13. Tóm tắy quan điểm của Descartes về tương quan tinh thần - thân xác.
14. Descartes nghĩ ông có thể chắc chắn về điều gì? Sau khi đạt tới sự chắc chắn này, Descartes đã sử dụng nó thế nào để khai triển triết học của ông?
15. Mô tả tầm quan trọng của trực giác và diễn dịch trong triết học Descartes.
16. Tại sao là thích hợp để coi Descartes là một nhà hiện tượng luận?
17. Bằng cách nào Descartes đạt đến kết luận rằng tinh thần là vô chất và có sự tồn tại độc lập với thân xác?
18. Descartes có những cống hiến nào cho khoa tâm lý học? 19. Nhìn chung, các tác giả trong chương này có thái độ nào đối với tôn giáo?
Created by AM Word2CHM
TỪ VỰNG
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 4. KHỞI ĐẦU CỦA KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC CẬN ĐẠI
Animal spirits - sinh hồn: Là chất mà Descartes và những người khác nghĩ là nằm trong các xoang của não. Khí chất này di chuyển qua đường các dây thần kinh từ não đến các cơ, các cơ này phình ra và kích thích hành vi.
Deduction - Diễn dịch: Phương pháp suy luận theo đó các kết luận phải được rút ra từ một số giả thiết, nguyên lý, hay khái niệm. Ví dụ, nếu có năm người trong một phòng, người ta có thể suy ra rằng cũng có bốn người; hay nếu giả thiết rằng mọi sự trong thiên nhiên đều có một mục đích, người ta có thể kết luận rằng loài người cũng tồn tại vì một mục đích. Diễn dịch đi từ cái chung đến cái riêng, cái tổng quát đến cái đặc thù.
Dualism - Nhị nguyên luận: Thuyết cho rằng một người gồm hai thực thể riêng biệt: một tinh thần, cắt nghĩa các kinh nghiệm tâm linh và lý tính, và một thân xác, hoạt động theo cùng các nguyên lý sinh vật và cơ học giống như cơ thể các loài vật.
Geocentric theory - Thuyết địa tâm: Thuyết của Ptolemy, cho rằng mặt trời và các hành tinh xoay quanh trái đất.
Heliocentric theory - Thuyết nhật tâm: Thuyết của Copernicus, cho rằng các hành tinh, trong đó có trái đất, xoay quanh mặt trời.
Humanism - Thuyết nhân văn: Một quan điểm của thời Phục Hưng, nhấn mạnh bốn chủ đề: chủ nghĩa cá nhân, tương quan cá nhân với Thượng Đế, quan tâm tới sự khôn ngoan cổ đại, và một thái độ tiêu cực đối với triết học Aristotle.
Idols of the cave - Thần tượng cái hang: Thuật ngữ của Bacon để nói về các thiên kiến cá nhân phát sinh từ các đặc tính hay kinh nghiệm riêng của một người.
Idols of the marketplace - Thần tượng phố chợ: Thuật ngữ của Bacon để chỉ về sự sai lầm phát sinh khi người ta chấp nhận các nghĩa của từ ngữ truyền thống được dùng để mô tả sự vật.
Idols of the theater - Thần tượng nhà hát: Thuật ngữ của Bacon để chỉ sự ức chế việc tra cứu khách quan phát sinh khi người ta chấp nhận các giáo điều, truyền thống, hay thẩm quyền của người khác.
Idols of the tribe - Thần tượng bộ lạc: Thuật ngữ của Bacon để chỉ các thiên kiến phát sinh do khuynh hướng tự nhiên của người ta quan niệm một cách chọn lọc về thế giới.
Induction - Quy nạp: Phương pháp suy luận đi từ cái đặc thù tới cái tổng quát. Sau khi quan sát một số lớn các trường hợp cá thể, có thể suy ra một chủ đề hay một nguyên lý chung cho tất cả các trường hợp ấy. Suy luận diễn dịch bắt đầu với một giả thiết, còn suy luận quy nạp thì không. Suy luận quy nạp đi từ cái đặc thù tới cái tổng quát.
Innate ideas - Ý tưởng bẩm sinh: Các ý tưởng, như sự hoàn hảo và các tiên đề của hình học, mà Descartes tin là không thể phát xuất từ kinh nghiệm của một người. Các ý tưởng này, theo Descartes, được Thượng Đế đặt sẵn trong trí khôn con người.
Interactionism - Thuyết tương tác: Kiểu nhị nguyên chấp nhận sự tồn tại riêng biệt của một tinh thần và một thân xác và hai thực thể này ảnh hưởng lẫn nhau.
Intuition - Trực giác: Trong triết học Descartes, quy trình nội quan nhờ đó có thể khám phá ra các ý tưởng rõ ràng và phân biệt.
Phenomenologist - Hiện tượng luận: Nghiên cứu trực quan về bản chất của ý thức. Descartes là một nhà hiện tượng luận.
Positivism - Duy chứng luận: Thuyết cho rằng chỉ các vật hay sự kiện có thể kinh nghiệm trực tiếp mới là đối tượng của nghiên cứu khoa học. Nhà thực chứng chủ động tránh các suy tư siêu hình học.
Primary qualities - Các tính chất chính: Các thuộc tính của các đồ vật. Ví dụ kích thước, hình thù, vị trí, số lượng, và chuyển động hay bất động.
Protestantism - Tin Lành: Phong trào tôn giáo phủ nhận quyền bính của Giáo hoàng và Aristotle. Tin Lành lý luận chống lại phẩm trật và nghi thức của giáo hội và chủ trương một thứ tôn giáo đơn sơ, cá nhân và nội tâm như được mô tả bởi thánh Phaolô và Augustine.
Ptolemaic system - Hệ thống Ptolemy: Quan niệm về hệ mặt trời lấy trái đất làm trung tâm. Trong thời Trung Cổ, hệ thống Ptolemy được chấp nhận phổ biến vì (1) nó phù hợp với kinh nghiệm hằng ngày; (2) nó có thể tiên đoán và cắt nghĩa mọi hiện tượng thiên văn từng được biết đến vào thời ấy; (3) nó đặt con người vào vị trí trung tâm của vũ trụ; và (4) nó phù hợp với mô tả của Kinh Thánh về việc tạo dựng.
Reformation - Phong Trào Cải Cách: Phong trào do Luther và các người khác khởi xướng nhằm cải cách giáo hội Kitô bằng cách làm cho nó mang tính chất Augustine hơn. Phong trào này đã chia Kitô giáo của Tây Âu thành hai khối kình chống nhau, Tin Lành và Công Giáo La Mã.
Renaissance - Thời Phục Hưng: Thời kỳ từ khoảng 1450 đến khoảng 1600 khi có sự hồi sinh của công việc tra cứu cởi mở, khách quan vốn là đặc điểm của các triết gia Hy Lạp cổ.
Secondary qualities - Tính chất phụ: Các thuộc tính bề ngoài của các đồ vật, mà trong thực tế, chỉ tồn tại trong trí khôn người tri giác - ví dụ, các kinh nghiệm về màu sắc, âm thanh, mùi vị, nóng lạnh. Nếu không có người tri giác, các hiện tượng này sẽ ngưng tồn tại.
Created by AM Word2CHM
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top