Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

Sau khi Sparta chiến thắng Nhã Điển trong Chiến Tranh Peloponnesia (431 - 404 trước T.L.), các tiểu quốc Hy Lạp bắt đầu sụp đổ, và dân tộc Hy Lạp ngày càng xuống tinh thần. Trong bối cảnh hậu chiến này, Socrates, Plato, và Aristotle ảnh hưởng mạnh, nhưng một hố ngăn cách bắt đầu mở ra giữa triết học và các nhu cầu tâm lý của dân chúng. Một thời gian ngắn sau khi Aristotle mất (322 tr. T.L.), quân La Mã xâm chiếm lãnh thổ Hy Lạp, làm cho tình hình vốn đã bất ổn lại càng thêm bấp bênh hơn nữa. Vào thời kỳ của sự mâu thuẫn to lớn nơi con người này, các nền triết học phức tạp và trừu tượng càng cảm thấy bấp bênh hơn. Người ta cần có một triết học trần tục hơn, một thứ triết học đề cập đến các vấn đề của cuộc sống hằng ngày. Câu hỏi chính bây giờ không còn là bản chất của thực tại vật lý là gì? Hay Con người có thể biết gì và biết thế nào? Nhưng là câu hỏi Làm thế nào để sống tốt nhất? Hay bản chất của đời sống tốt lành là gì? Hay Điều gì đáng để người ta tin? Để trả lời cho các câu hỏi này, đã xuất hiện các nền triết học của các phái hoài nghi, khuyển nho, khoái lạc, khắc kỷ, và sau cùng, của Kitô giáo.


HOÀI NGHI LUẬN VÀ PHÁI KHUYỂN NHO
THUYẾT EPICURUS VÀ THUYẾT KHẮC KỶ
THUYẾT TÂN - PLATO
NHẤN MẠNH VỀ TINH THẦN
THỜI ĐẠI ĐEN TỐI
HÒA GIẢI ĐỨC TIN VỚI LÝ TRÍ
WILLIAM OCCAM: MỘT BƯỚC NGOẶT
TỪ VỰNG

Created by AM Word2CHM

HOÀI NGHI LUẬN VÀ PHÁI KHUYỂN NHO

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

Cả phái Hoài nghi lẫn khuyển nho đều phê bình các triết học khác, họ cho rằng chúng hoàn toàn sai hay không liên quan gì đến các nhu cầu của con người. Như một giải pháp, phái Hoài nghi đề nghị gạt bỏ mọi sự tin tưởng vào bất cứ điều gì, còn phái khắc kỷ cổ vũ việc xa tránh xã hội.

Hoài nghi luận

Pyrrho (khoảng 365 - 275 tr. CN.) sáng lập trường phái hoài nghi dựa trên sự nghi ngờ về các cái được gọi là yếu tính hay chân lý phổ quát. Như ta đã thấy, nhiều nhà triết học Hy Lạp (Pythagoras, Plato, và Aristotle) hoài nghi về việc các thông tin của giác quan có khả năng dẫn đến tri thức. Họ tin rằng hoặc phải tránh các thông tin như thế trong việc tìm tri thức, hay chỉ dùng nó như một điểm khởi hành. Pyrrho mở rộng thuyết Hoài nghi sang lãnh vực đạo đức và lý trí. Theo ông, không có lý do hợp lý nào để chọn một lối hành động thay vì một lối khác. Thay vì để tránh bị dằn vặt vì những vấn đề ấy, ông dạy rằng người ta chỉ cần tuân theo phong tục của bất cứ quốc gia nào mà họ đang sống.

Cần nói rõ rằng triết học hoài nghi không phải chỉ là một triết học của sự nghi ngờ. Nhà triết học hoài nghi không nói, "Hiện giờ tôi không biết, nhưng có thể một ngày nào đó tôi sẽ biết" hay "Tôi nghĩ là mình biết, nhưng tôi không chắc lắm." Các nhà triết học hoài nghi chủ trương rằng "không hề có ai biết điều gì cả; và để tỏ ra nhất quán với chính mình, họ đi đến chỗ phủ nhận rằng chính bản thân họ cũng không biết sự thật đáng buồn này (Barnes, 1982, tr. 136).

Bất kể người ta tin điều gì, rốt cuộc điều ấy cũng sẽ sai, và vì thế người ta có thể tránh được nỗi thất vọng của sự sai lạc bằng cách đơn giản không tin điều gì cả. Có một sự tương đồng giữa các nhà triết học hoài nghi và các nhà ngụy biện thời trước như Protagoras từng nói mọi sự đều đúng như nhau, và Gorgias từng nói mọi sự đều sai như nhau. Cả phái hoài nghi lẫn phái ngụy biện đều khuyên người ta gạt niềm tin sang một bên, nhưng hãy hành động thực tế.

Phái Khuyển nho

Antisthenes (khoảng 445 - 365 tr. CN.) hoàn toàn mất niềm tin nơi triết học và ông đã từ bỏ nếp sống thượng lưu dễ chịu của ông. Ông tin rằng xã hội với sự đề cao của cải vật chất, địa vị, việc làm, là một sự bóp méo bản tính và cần phải xa tránh. Bằng cách hoài nghi giá trị của toán học, nghệ thuật, và tri thức, Antisthenes giảng dạy một nền triết học "trở về với thiên nhiên" bao gồm một nếp sống vô cầu, thoát khỏi mọi ước muốn và đam mê và nhiều tục lệ xã hội. Ông nghĩ rằng hạnh phúc thật tùy thuộc ở chỗ cảm thấy đủ. Đó là sự kiếm tìm nếp sống tự nhiên, đơn sơ độc lập là đặc điểm của phái khuyển nho. Sau đây là một mô tả về nếp sống mà Antisthenes đã sống sau khi ông từ bỏ nếp sống thượng lưu quý tộc của mình:

Ông không muốn có gì khác ngoài sự tốt lành thuần túy. Ông sống hòa đồng với những người lao động, và ăn mặc giống như họ. Ông đứng giảng ngoài trời, theo một cung cách sao cho những người bình dân vô học cũng hiểu được. Mọi thứ triết học trau chuốt ông đều coi là vô giá trị; những gì có thể biết thì người bình dân có thể biết. Ông tin vào sử "trở về với thiên nhiên," và đẩy niềm tin này đi rất xa. Không chính phủ, không quyền tư hữu, không hôn nhân, không tôn giáo...Các đồ đệ của ông, và có thể cả ông đã lên án chế độ nô lệ...ông khinh rẻ sự xa hoa và mọi sự tìm kiếm khoái lạc giả tạo của giác quan. (Russell, 1945. tr. 230 - 231)

Danh tiếng của Antisthenes dù rất lớn nhưng đã bị vượt qua bởi một đệ tử của ông là Diogenes (khoảng 412 - 323 tr. CN.), con trai của một người đổi tiền rất nhiều tai tiếng từng bị ngồi tù vì cạo sửa tiền. Diogenes quyết định qua mặt cha ông bằng cách cạo sửa "tiền tệ" của thế giới. Các nhãn quy ước như vua, tướng, danh dự, khôn ngoan, và hạnh phúc đều là những loại tiền tệ xã hội cần phải vạch mặt nghĩa là, xoá bỏ. Trong đời sống tư, Diogenes bác bỏ mọi tôn giáo quy ước, phép lịch sự, nhà cửa, thức ăn và kiểu cách. Ông sống bằng việc ăn xin, và tuyên bố tình huynh đệ của ông không chỉ với các con người mà cả với loài vật. Người ta kể một hôm Alexander Đại đế đến thăm ông và hỏi xem có thể giúp ông điều gì không, ông trả lời, "Chỉ cần đi cho khuất mắt tôi." (Russell, 1945, tr. 231). Diogenes sống một đời sống sơ khai cực độ và được biệt danh là "khuyển nho," nghĩa là giống như con chó. Nguyên thủy, người khuyển nho là người sống lánh xa xã hội và sống gần với thiên nhiên.

Diogenes coi nhân đức là sự giải thoát khỏi ước muốn của cải vật chất, vì chúng không bền và nhất thời. Chỉ có sự bằng lòng phát sinh từ lòng nhẫn nhục là vững bền và đáng theo đuổi. Rõ ràng triết lý khuyển nho vô cùng hấp dẫn đối với dân chúng là những con người đang phải chịu những sự bất mãn trong thế giới và vì thế họ khao khát xa rời thế giới ấy. Với những con người này, các giá trị cá nhân quan trọng hơn là của cải vật chất. Như ta sẽ thấy ở đoạn dưới, nhiều yếu tố của khuyển nho còn tồn tại trong phái khắc kỷ; tuy nhiên, người khắc kỷ không cảm thấy nhu cầu phải xa tránh những tiện nghi của văn minh. Người khuyển nho không chỉ khuyến khích xa tránh xã hội, mà họ còn đả kích xã hội vì chứa đầy sự đạo đức giả, tham lam, ghen ghét. Hạnh phúc chỉ có thể đạt được khi một người hành động theo tự nhiên; tất cả những gì tự nhiên thì không thể xấu. Sống theo các quy ước xã hội, hi sinh vì người khác, lòng ái quốc, và tận tụy vì một chính nghĩa chung chỉ là sự điên rồ. Ngoài chủ nghĩa cá nhân, phái khuyển nho còn đặc biệt cổ võ sự yêu đương tự do và họ coi mình là những công dân của thế giới hơn là của riêng một quốc gia nào.

Created by AM Word2CHM

THUYẾT EPICURUS VÀ THUYẾT KHẮC KỶ

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

Thuyết Epicurus và thuyết khắc kỷ là những câu trả lời cho lời tuyên bố của phái hoài nghi và khuyển nho rằng triết học không nói được điều gì ích lợi liên quan tới đời sống hằng ngày. Cả triết lý của phái khoái lạc lẫn phái khắc kỷ đều nói trực tiếp về hành vi đạo đức của con người, và cả hai đều dựa vào kinh nghiệm trong thế giới thường ngày.

Thuyết Epicurus

Epicurus (khoảng 341 - 270 tr. CN) đặt nền tảng triết học của ông trên thuyết nguyên tử của Democritus, nhưng ông bác bỏ thuyết tất định. Theo Epicurus, các nguyên tử tạo nên con người không bao giờ mất khả năng di chuyển tự do; vì vậy ông giả thiết có ý chí tự do. Epicurus đồng ý với Democritus rằng không có đời sống mai sau, vì linh hồn được làm bởi các nguyên tử di chuyển tự do, Các nguyên tử này sẽ phân tán khi người ta chết. Các nguyên tử không bao giờ được ta tạo thành hay bị hủy diệt, chúng chỉ được sắp xếp lại mà thôi. Hệ quả là các nguyên tử làm thành một cá nhân sẽ trở thành thành phần của một cấu trúc khác sau khi cá nhân ấy chết. Tuy nhiên, ông cho rằng không gì còn được giữ lại hay được truyền từ một cấu trúc này sang một cấu trúc khác. Bằng cách ấy Epicurus đã giải phóng con người khỏi một trong các mối quan tâm lớn: Cuộc sống sẽ như thế nào sau khi chết và người ta phải chuẩn bị cho cuộc sống ấy ra sao? Đời sống tốt lành phải đạt được ở đời này, vì không có một đời sống khác. Nói chung, Epicurus tin rằng việc giả định có những sức mạnh siêu nhiên trong vũ trụ là nguồn phát sinh sự kinh hoàng cho con người và ý tưởng về sự bất tử tiêu diệt niềm hi vọng duy nhất của hầu hết mọi người là thoát khổ. Epicurus cũng tin vào các thần Olympia, nhưng ông cảm thấy rằng các thần ấy không quan tâm gì tới thế giới hay đời sống của con người. Phái khoái lạc ưa lối giải thích duy nhiên hơn lối giải thích siêu nhiên, và họ cực lực phản đối ma thuật, chiêm tinh và bói toán. Chính sự không tin vào các ảnh hưởng siêu nhiên đã khiến cho người học trò nhiệt thành nhất của Epicurus là Lucretius (khoảng 99 - 55 tr. CN) tự hào nói về thầy của mình như là "người tiêu diệt tôn giáo".

Epicurus và các đồ đệ của ông sống một nếp sống đơn sơ giản dị. Ví dụ, về ăn uống, họ chỉ cần bánh mì và nước lã là đủ, như lời của Epicurus: "Tôi hài lòng với thân xác tôi khi tôi có bánh mì và nước lã, và tôi phỉ nhổ vào khoái lạc xa hoa, không phải vì bản thân chúng, mà vì những hậu quả xấu theo sau chúng" (Russell, 1945, tr. 242). Cần phải tránh những khoái lạc mãnh liệt vì thường theo sau chúng là đau khổ (ví dụ: khó tiêu sau khi ăn uống quá độ) hay vì những khoái lạc thái quá ấy làm cho các kinh nghiệm bình thường mất đi sự thú vị của chúng.

Như thế chúng ta thấy, theo Epicurus, mục đích cuộc đời là hạnh phúc cá nhân, nhưng khái niệm hạnh phúc của ông không phải một thứ khoái lạc chủ nghĩa đơn giản (nghĩa là, tìm kiếm khoái lạc và tránh đau khổ). Ông quan tâm nhiều hơn tới hạnh phúc lâu dài của con người, là thứ hạnh phúc chỉ có thể đạt được bằng cách tránh mọi thái cực. Các khoái lạc quá trớn đều mau tàn và rốt cuộc dẫn đến đau khổ hay thất vọng; như thế, con người phải cố gắng tìm kiếm sự thanh thản phát sinh từ một sự dung hòa giữa cái thái quá hay cái bất cập của bất cứ điều gì. Vì vậy con người không thể chỉ đơn giản đi theo bản năng của mình là đạt được đời sống tốt lành; họ phải thể hiện khả năng lý trí và chọn lựa để có một đời sống quân bình, rồi đời sống này sẽ cung cấp một lượng khoái lạc tối đa trong một thời gian lâu dài tối đa. Theo Epicurus, đời sống tốt lành là đời sống tự do, giản dị, hợp lý, và điều độ

Thuyết Epicurus còn tồn tại suốt 600 năm với ảnh hưởng suy giảm dần sau khi Epicurus qua đời. Tuy nhiên khi người ta ngày càng bị trĩu nặng nhiều hơn bởi những nỗi khổ đau của đời sống, thì họ đến với triết học và tôn giáo để tìm kiếm sự nâng đỡ và an ủi nhiều hơn những gì mà các thuyết khuyển nho, khắc kỷ, và khoái lạc cống hiến cho họ. Các nhà triết học và thần học đã đáp ứng bằng cách ngày càng trở nên thần bí hơn. Đến khi Kitô giáo xuất hiện, người ta tin rằng đời sống tốt nhất là đời sống sau khi chết, và như thế quan niệm này đảo ngược hẳn lập trường của phái khoái lạc.

Thuyết khắc kỷ

Vì Zeno ở Citium (khoảng 333 - 262 tr. CN) dạy ở một trường có một hành lang tiếng Hy Lạp gọi là stoa poikile, một hành lang đa sắc, nên triết học của ông được gọi là Stoicism (tiếng Việt dịch là thuyết khắc kỷ, dựa vào nội dung triết học của ông). Zeno tin rằng vũ trụ được điều hành bởi một kế hoạch thần linh và mọi sự trong thiên nhiên, kể cả con người, đều có một lý do để tồn tại trong vũ trụ. Phái khắc kỷ tin rằng sống phù hợp với thiên nhiên là nhân đức cơ bản. Hệ quả quan trọng nhất phát sinh từ lý thuyết "kế hoạch" thần linh này là niềm tin rằng bất cứ điều gì xảy ra đều có lý do; không có gì là ngẫu nhiên; và phải đơn giản chấp nhận nó như một phần của kế hoạch thần linh. Đời sống tốt lành hệ tại chấp nhận số phận mình một cách điềm nhiên vô tư, cho dù có gặp đau khổ. Thật vậy, can đảm trước đau khổ hay nguy hiểm được coi là đáng khen nhất. Bạn phải chết, nhưng bạn không cần ca thán về cái chết của mình; bạn phải bị giam cầm, nhưng bạn không cần kêu la; bạn phải lưu đày, nhưng bạn có thể đi đày mà miệng vẫn mỉm cười, một cách can đảm và bình an. Thân xác bạn có thể bị xiềng xích, nhưng ý chí bạn thì không. Tóm lại, một người khắc kỷ là người có thể ốm đau, gặp nguy hiểm, chết, lưu đày, hay thất sủng, nhưng vẫn vui: "Mỗi người là một diễn viên trong một vở kịch mà Thượng Đế đã chia cho mỗi người một vai; bổn phận của chúng ta là hoàn thành vai diễn của mình cách xứng đáng, bất luận điều gì xảy ra" (Russell, 1945, tr. 264)

Phái khắc kỷ không coi trọng giá trị của cải vật chất vì chúng có thể mất hay bị lấy đi. Chỉ nhân đức là quan trọng. Mọi người phải chấp nhận vị trí của mình trong cuộc đời và chu toàn bổn phận mình mà không thắc mắc. Niềm vui trong cuộc sống phát xuất từ việc biết rằng mình đang tham dự một kế hoạch lớn, cho dù kế hoạch ấy mình không hiểu được. Khi ý chí một người tuân theo luật tự nhiên, đó là người nhân đức. Nếu không, đó là người vô đạo đức. Phái khắc kỷ không giải quyết vấn đề làm thế nào ý chí con người có thể là tự do trong một thế giới hoàn toàn tất định. Kitô giáo cũng gặp phải cùng một vấn đề này, vì Kitô giáo giả thiết một vị Thiên Chúa toàn trí, toàn năng đồng thời với khả năng tự do chọn lựa của con người giữa tốt và xấu. Trong thực tế, cả khắc kỷ lẫn Kitô giáo đều gặp khó khăn khi giải thích sự tồn tại của cả sự ác và người tội lỗi. Nếu mọi sự trong vũ trụ đã được tiền định bởi một Thiên Chúa quan phòng, thì phải giải thích thế nào về nguyên nhân của sự ác, khả năng chọn điều ác, và những con người làm điều ác?

Trong thời Đế Quốc La Mã, thuyết khắc kỷ chiến thắng thuyết Epicurus, có lẽ vì nó phù hợp với người La Mã vốn nhấn mạnh luật pháp và trật tự. Sự hấp dẫn lan rộng của thuyết khắc kỷ có thể thấy ở sự kiện thuyết này được theo bởi Seneca (khoảng 3 tr. CN.- 65 sau CN.), một triết gia; Epictetus (khoảng 55-100 sau CN.), một nô lệ; và Marcus Aurelius (121-180 s. T.L.), một hoàng đế. Bao lâu chính quyền La Mã còn cung cấp sự hạnh phúc và an toàn tối thiểu, thuyết Khắc kỷ vẫn còn là triết học được chấp nhận, nhưng rồi Đế Quốc La Mã bắt đầu tan rã. Có sự tham nhũng trong chính quyền, thất mùa, các khó khăn kinh tế, và các cuộc xâm lăng của các dân man di không thể chặn đứng được. Người ta đi tìm một định nghĩa mới về đời sống tốt lành, một định nghĩa có thể cung cấp cho họ niềm an ủi và hi vọng trong thời buổi nhiễu nhương. Đã đến lúc nhìn lên trời để tìm sự trợ giúp. Trước khi quay sang Kitô giáo như một sự chọn lựa khác, chúng ta phải vắn tắt đề cập đến một triết học khác sẽ trở thành một phần của tư tưởng Kitô giáo.

Created by AM Word2CHM

THUYẾT TÂN - PLATO

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

Ngoài các thuyết khắc kỷ và khoái lạc ở La Mã người ta đã bắt đầu làm sống dậy những mối quan tâm mới về triết học Plato. Tuy nhiên, học thuyết Tân - Plato nhấn mạnh các khía cạnh huyền bí nhất của triết học Plato và giảm thiểu các khía cạnh duy lý của nó. Hai nhà triết học Tân - Plato tiêu biểu được giới thiệu dưới đây sẽ cho thấy tại sao khi các nhà thần học Kitô giáo đi tìm một cơ sở triết học cho tôn giáo của họ, họ đã thấy thuyết Tân - Plato rất hấp dẫn.

Một kiểu học thuyết Tân - Plato phối hợp với triết học Plato, với Do Thái giáo và nhờ đó đã tạo ra hai yếu tố không có trong các tôn giáo và triết học thời trước - mối quan tâm tới sự bất tử của cá nhân và niềm đam mê của con người:

Cho dù có những khát vọng cao siêu của Plato và sự nhẫn nhục cao cả của người khắc kỷ, nền văn học phương Tây vẫn thiếu một điều gì đó [và] không một triết gia Hy Lạp nào đã có thể vạch ra được sự thiếu sót này... cần phải có một tính cách thuộc một loại khác; cần phải có một dân tộc mà Thiên Chúa của họ là đấng hay ghen và đức tin của họ là một ngọn lửa bừng cháy; tóm lại, người Hy Lạp đã từng suy nghĩ về bản thân mình cho tới khi họ trở thành dửng dưng với mọi sự và hoài nghi hoàn toàn; còn người Do Thái vẫn còn bốc cháy ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết của đức tin; với tất cả những đức tính này, họ đã làm cho đời sống trở nên hứng thú và họ đã hòa trộn các yếu tố hấp dẫn của mọi học thuyết có sẵn thành một khối liên kết duy nhất. Kết quả là một cái gì hoàn toàn không thể hiểu nổi, nhưng nó là do linh hứng. Sức mạnh của ảnh hưởng mới này nằm ở chính bầu nhiệt huyết kỳ lạ mà có lẽ người Hy Lạp phải cho là sự điên rồ. (Brett, 1965, tr. 171)

Chúng ta thấy được sự hòa trộn giữa thuyết Plato và Do Thái giáo lần đầu tiên trong triết học của Philo.

Philo

Biệt danh "Plato Do Thái," Philo (khoảng 25 tr. CN. - 50 sau CN.) lấy điểm xuất phát triết học của ông là bản tường thuật của Kinh Thánh về việc tạo dựng con người. Từ tường thuật này, chúng ta biết rằng thân xác con người được làm từ đất nhưng linh hồn con người là một phần của chính Thiên Chúa: "Thế rồi Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một sinh vật" (Sáng Thế 2:7). Như thế con người có một bản tính kép: Xác thì thấp hèn và đáng khinh, và hồn là một phần của Hữu thể Thần linh, hay ít là một tia của ánh sáng Thần linh. Sự sống của mỗi con người có thể phát triển theo một trong hai hướng: hướng đi xuống, xa khỏi ánh sáng nội tâm và hướng về các kinh nghiệm của xác thịt, hay hướng đi lên, xa khỏi các kinh nghiệm xác thịt và hướng tới ánh sáng nội tâm. Giống như các nhà triết học Pythagoras và Plato trước ông, Philo lên án kinh nghiệm giác quan vì nó không thể cung cấp tri thức. Tuy nhiên, ông thêm vào đây niềm tin rằng kinh nghiệm giác quan đáng kết án vì nó ngăn cản sự hiểu biết trực tiếp về Thiên Chúa và sự kết hợp với ngài.

Theo Philo, mọi tri thức đều đến từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, để đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa, linh hồn (tinh thần) phải được thanh tẩy. Nghĩa là tinh thần phải được giải phóng khỏi mọi sự quyến rũ của giác quan. Tri thức đích thực chỉ có thể đạt được khi một tinh thần thanh sạch, thụ động, trở thành một nơi đón nhận ánh Sáng Thần Linh. Con người tự mình không biết gì, cũng không bao giờ có thể biết gì. Chỉ mình Thiên Chúa có tri thức, và chỉ mình ngài có thể thông ban tri thức ấy.

Như thế chúng ta thấy Philo đồng ý với Pythagoras và Plato rằng không thể đạt tri thức thông qua kinh nghiệm giác quan. Thực vậy, theo cả ba triết gia này, kinh nghiệm giác quan ngăn cản việc đạt tri thức. Nhưng khác với Pythagoras và Plato, Philo không tin rằng việc nhìn vào các nội dung bên trong linh hồn có thể dẫn đến tri thức. Theo Philo, tri thức phát sinh từ sự quan hệ cá nhân và trực tiếp với Thiên Chúa. Philo mô tả kinh nghiệm bản thân của ông trong việc đón nhận Lời Thiên Chúa:

Thỉnh thoảng lúc tôi bắt đầu làm việc, đầu óc tôi trống rỗng, nhưng bất chợt nó trở nên đầy ắp, một cách vô hình các ý tưởng từ trên cao đổ tràn người tôi và ở lại với tôi; thế là nhờ ảnh hưởng sự Hứng cảm Thần linh, tôi trở nên ngây ngất đến nỗi không còn biết mình đang ở đâu hay đang có mặt những ai, hay bản thân tôi, hay tôi đang nói gì hay đang viết gì; vì lúc ấy tôi đang ý thức về một sự giải thích và thụ hưởng ánh sáng dồi dào, một sự thấu thị, một sức mạnh vô bờ hiển hiện trong tất cả việc phải làm, nó tác động trên tâm trí tôi như thể tôi được thấy rõ bằng chính mắt mình. (Brett. 1965, tr. 178)

Lời phát biểu trên đây biểu thị một quan niệm mới về tri thức, hoàn toàn xa lạ với người Hy Lạp. Thay vì thứ tri thức tìm kiếm bằng lý trí, nó được mặc khải bởi Thiên Chúa nhưng chỉ những linh hồn nào sẵn sàng mới đón nhận được nó - nghĩa là những linh hồn nhờ chiêm niệm sâu xa đã thanh tẩy mình khỏi mọi ảnh hưởng của xác thịt. Ngoài sự chiêm niệm, linh hồn có thể nhận tri thức từ Thiên Chúa trong các giấc mộng và xuất thần, bởi vì trong cả hai hoạt động này, tinh thần được cách ly khỏi thế giới vật chất. Như thế, thêm vào với sự không tin tưởng của triết học Pythagoras và Plato về kinh nghiệm giác quan và sự đề cao lý tính, Philo tin rằng linh hồn (tinh thần) là hơi thở của Thiên Chúa trong con người và là phương tiện nhờ đó Thiên Chúa mặc khải bản thân ngài và sự khôn ngoan của ngài cho con người.

Liên quan tới triết học của Philo và mọi triết học và tôn giáo theo triền tư tưởng của Philo nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm nội tâm sâu xa, Brett đưa ra nhận xét quan trọng sau:

Tâm lý học được sống cũng như được mô tả; các kinh nghiệm cá nhân hợp lại để làm thành lịch sử của tâm lý học; đối với tinh thần muốn tìm kiếm và tin rằng các thế giới mới có thể sẽ mở ra và chỉ cần chúng ta tìm thấy vừa đủ nơi các tác giả này về các giác quan hay sự chú ý hay các chủ đề như thế, thì các kinh nghiệm ấy là cả một kho tàng thông tin cho đời sống tinh thần của chúng ta... Một lịch sử của tâm lý học là một lịch sử bao gồm hai yếu tố khác biệt nhau: thứ nhất, sự quan sát do những con người thực hiện trên những con người khác; thứ hai, sự quan sát mà thỉnh thoảng các đầu óc mạnh hơn có khả năng thực hiện trên chính họ. Trong nhiều thế kỷ sau Philo, chúng ta sẽ phải ghi nhận sự tiến triển của tâm lý học về cả hai nghĩa này. Chúng ta sẽ tỏ ra thiếu khôn ngoan nếu bắt đầu với các thành kiến chống lại các dữ liệu chủ quan không thể chứng minh này; rốt cuộc chúng có thể trở thành các chân lý của mọi loại tâm lý học. (Brett, 1965, tr. 171)

Nên lưu ý đến những bình luận trên đây của Brett liên quan đến tầm quan trọng của các dữ liệu chủ quan trong khi đọc phần còn lại của chương này, nếu không nói là của cả cuốn sách này.

Plotinus

Plotinus (204 - 270), giống như Philo, tìm đến với thế giới tinh thần để xa tránh một thế giới thù nghịch: "Ông đồng ý với mọi con người nghiêm túc nhất của thời ông. Đối với tất cả những người này, lương cũng như giáo, thế giới thực tế hằng ngày có vẻ vô vọng, và chỉ có Thế Giới Khác mới có vẻ đáng được tìm kiếm" (Russell, 1945, tr. 284).

Plotinus sắp xếp mọi sự vật thành một bậc thang hệ thống, ở trên chóp đỉnh là Đấng Duy Nhất, hay Thiên Chúa. Đấng Duy Nhất thì cao cả tuyệt đối và không thể biết được. Ở bậc kế tiếp bên dưới là Thần Khí, hình ảnh của Đấng Duy Nhất. Thần Khí là thành phần của mỗi linh hồn, và nhờ suy tư về Thần Khí, chúng ta có thể đến gần sự hiểu biết về Đấng Duy Nhất. Thành phần thứ ba và thấp nhất của bậc thang này là Linh hồn. Mặc dù linh hồn thấp hơn Đấng Duy Nhất và Thần Khí, nhưng nó là nguyên nhân của mọi sự tồn tại trong thế giới tự nhiên này. Từ Đấng Duy Nhất phát toả ra Thần Khí, và từ Thần Khí phát toả ra thiên nhiên. Khi Linh hồn nhập vào một cái gì vật chất, như một thân xác chẳng hạn, nó cố gắng tạo ra một bản sao của Đấng Duy Nhất. Vì Đấng Duy Nhất được phản ánh nơi Linh Hồn, và Linh hồn tạo ra thế giới tự nhiên, nên Đấng Duy Nhất bất khả tri cũng là một phần của thiên nhiên. Tuy chung chung Plotinus đồng ý với triết học Plato, ông không chia sẻ ý kiến của Plato coi rẻ kinh nghiệm giác quan. Ngược lại, ông cảm thấy thế giới tự nhiên đẹp đẽ và ông nêu nghệ thuật, âm nhạc và những mẫu người xinh đẹp làm ví dụ. Thế giới tự nhiên không xấu xa, nó chỉ không hoàn hảo bằng thế giới tinh thần.

Bước chuyển tiếp từ Tân - Plato sang Kitô giáo không còn xa và khó khăn nữa. Đối với người Kitô giáo, Thế Giới Khác của phái Tân - Plato trở thành Nước Thiên Chúa mà người ta được hưởng sau khi chết.

Giống với Plato và mọi nhà Tân - Plato khác, Plotinus coi thân xác là ngục tù của linh hồn. Nhờ chiêm niệm sâu xa, linh hồn có thể được giải thoát khỏi thân xác và đến ở trong giới vĩnh cửu và bất di bất dịch. Plotinus tin rằng mọi người đều có khả năng có những kinh nghiệm siêu việt như thế và ông khích lệ họ có những kinh nghiệm ấy, vì không có kinh nghiệm nào khác quan trọng hơn hay thỏa mãn hơn. Cùng với định nghĩa của phái Khắc kỷ về đời sống tốt lành như là sự chấp nhận thanh thản số phận mình và việc tìm kiếm khoái lạc của phái Khoái lạc, giờ đây chúng ta có thể thêm vào một gợi ý thứ ba - xa tránh thế giới thường nghiệm để đi vào một sự kết hợp với các sự vật vĩnh cửu vượt lên trên thế giới xác thịt. Lý thuyết của Plotinus tự nó không phải Kitô giáo, nhưng nó đã ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng Kitô giáo sau này.

Có năm học thuyết cổ điển về bản tính con người (MacLeod, 1975):

1. Học thuyết tương đối của các nhà ngụy biện, cho rằng bản tính của con người tùy thuộc các kinh nghiệm của mỗi người

2. Học thuyết duy vật của các nhà nguyên tử cho rằng mọi sự trong thiên nhiên, kể cả con người, được cấu tạo bởi các nguyên tử và mọi sự dù là tinh thần hay vật chất đều có thể được cắt nghĩa bằng sự chuyển động và sắp xếp của các nguyên tử.

3. Học thuyết duy tâm của phái Pythagoras và Plato, cho rằng thực tại cơ bản gồm các sự trừu tượng như các con số, các mô thể hay ý tưởng.

4. Học thuyết cứu cánh của Aristotle, cho rằng mọi sự trong thiên nhiên, kể cả con người, đều có một mục đích nội tại.

5. Học thuyết tôn giáo, nhấn mạnh linh hồn bất tử và Lời Thiên Chúa siêu việt tất cả.

Sau đây chúng ta đề cập đến học thuyết tôn giáo về bản tính con người.

Created by AM Word2CHM

NHẤN MẠNH VỀ TINH THẦN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

Thời kỳ La Mã kéo dài từ khoảng 30 tr. CN. đến khoảng 300 sau CN. Ở thời cực thịnh của nó, Đế Quốc La Mã bao gồm toàn thể thế giới phương Tây, từ Cận Đông tới Quần đảo Anh. Sự bành trướng của Đế Quốc La Mã và sự sụp đổ của nó đã kéo theo một số ảnh hưởng tác động trên văn hóa La Mã. Một trong những ảnh hưởng ấy đến từ các tôn giáo ở Ấn Độ và Ba Tư. Ví dụ, trường phái Vệ Đà dạy rằng người ta chỉ có thể tiếp cận sự hoàn thiện bằng cách đi vào tình trạng ngây ngất gần như xuất thần. Một ví dụ khác là Bái Hỏa Giáo dạy rằng con người bị kẹt trong một cuộc chiến giữa một bên là sự khôn ngoan và chân lý và bên kia là sự ác và ngu dốt. Mọi điều tốt lành đều được nghĩ là đến từ mặt trời, vị thần ánh sáng, và mọi sự xấu đến từ bóng tối. Một ảnh hưởng khác nữa đến từ văn hóa Hy Lạp. Nhìn chung, người La Mã nhìn nhận tầm quan trọng của tri thức Hy Lạp và tìm cách bảo tồn và phổ biến nó. Mặc dù cả triết học khắc kỷ lẫn khoái lạc đều trở thành triết học La Mã, chúng đều bắt nguồn từ triết học Hy Lạp; về triết học Tân - Plato cũng vậy. Một ảnh hưởng quan trọng khác nữa trên tư tưởng La Mã là Do Thái giáo. Người Do Thái tin vào một Thiên Chúa tối cao; Thiên Chúa của họ không giống với các thần của tôn giáo Olympian và La Mã dửng dưng với số phận con người, nhưng là một Thiên Chúa quan tâm tới hành vi và đời sống của từng người. Người Do Thái cũng có một bộ luật đạo đức nghiêm ngặt, và nếu hành vi của một người tuân theo bộ luật này, người ấy sẽ được Thiên Chúa ân thưởng; nếu không, họ sẽ bị Thiên Chúa phạt. Như thế, mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về các sự vi phạm của mình. Kitô giáo đã xuất hiện từ giữa sự pha trộn của nhiều ảnh hưởng này. Thành phố Alexandria của Ai Cập là khung cảnh từ đó các tôn giáo phương Đông, truyền thống Do Thái giáo, và triết học Hy Lạp, tất cả phối hợp lại để làm thành tư tưởng Kitô giáo ban đầu.

Chúa Giêsu

Tất nhiên tâm điểm của Kitô giáo là Chúa Giêsu (4 tr. CN. - 30 sau CN.). Giữa nhiều điều khác, Chúa Giêsu dạy rằng sự hiểu biết thiện và ác được Thiên Chúa mặc khải, và một khi được mặc khải, sự hiểu biết này phải hướng dẫn hành vi con người. Nhưng bản thân Chúa Giêsu không phải một triết gia; ngài chỉ là một con người bình thường với một số mục tiêu giới hạn: Bản thân Đức Giêsu không quan tâm đến lý thuyết; quan tâm chủ yếu của ngài là sự phát triển tôn giáo của con người. Trong thái độ của ngài với người tri thức, ngài tiêu biểu cho con người thực tế với lòng tin đơn sơ và trực giác sâu xa, tin tưởng vào kinh nghiệm hơn là sách vở và vào quả tim hơn là lý trí. Ngài biết bằng trực giác phải mong đợi điều gì nơi người ta và các ảnh hưởng hình thành tính cách của người ta. Là một nhà chẩn trị và chữa lành các tâm hồn một cách xuất chúng, ngài ít bận tâm đến việc hệ thống hóa các lời giảng của ngài. (Brett, 1965, tr. 143 - 144)

Tất cả các nhà triết học hệ thống hóa các lời dạy của Chúa Giêsu đều chưa từng gặp ngài. Có bao nhiêu phần nguyên thủy trong tư tưởng của Chúa Giêsu còn tồn tại sau các cố gắng hệ thống hóa tư tưởng của ngài thì vẫn còn là vấn đề suy đoán. Bất luận thế nào, những người tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thì được gọi là Kitô hữu. Nhưng trước khi Kitô giáo trở thành một sức mạnh ngự trị thế giới phương Tây, nó cần đến một cơ sở triết học, và cơ sở này đã được cung cấp chủ yếu bởi triết học Plato. Có thể nghĩ đúng nhất về Giáo hội Kitô ban đầu như là một sự hòa trộn của truyền thống Do Thái - Kitô giáo với triết học Plato, hay chính xác hơn, với Tân - Plato. Sự hòa trộn này diễn ra từ từ và đạt tới đỉnh cao với thánh Augustine. Trong khi sự hòa trộn truyền thống Do Thái - Kitô giáo và triết học Plato diễn tiến, có một chuyển đổi quan trọng từ sự nhấn mạnh lý trí (nhấn mạnh của triết học Hy Lạp) sang sự nhấn mạnh về thiêng liêng (nhấn mạnh của truyền thống Do Thái - Kitô giáo).

Thánh Phaolô

Nhiều ảnh hưởng đồng quy trong Kitô giáo thời kỳ đầu được diễn tả rõ nét trong hoạt động của thánh Phaolô (khoảng 10 - 64), người đầu tiên công bố và rao giảng rằng Đức Giêsu Nadarét là Đấng Cứu Thế. Khi đang trên đường đến Đamaseus, Phaolô đã có một thị kiến mặc khải cho ông biết Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai mà các tiên tri Do Thái đã báo trước. Sau thị kiến này, Saulê quê ở Tarsô trở thành Phaolô, Giêsu trở thành Kitô, và Kitô giáo được khai sinh. Phaolô là một công dân La Mã được hấp thụ một nền giáo dục bao gồm cả tôn giáo Do Thái lẫn triết học Hy Lạp. Từ truyền thống Do Thái giáo, ông biết rằng có một vị Thiên Chúa là đấng tạo dựng vũ trụ và hình thành định mệnh của loài người. Thiên Chúa là đấng toàn tri (biết mọi sự), toàn hiện (hiện diện khắp nơi), và toàn năng (có quyền năng vô hạn). Loài người đã sa ngã từ tình trạng ân sủng nguyên thủy trong Vườn Địa Đàng, và từ đó họ luôn tìm kiếm sự giải thoát khỏi Tội Nguyên Tổ này. Phaolô thêm vào các niềm tin Do Thái này một niềm tin rằng Thiên Chúa đã hi sinh Con của ngài để đền thay sự vi phạm của loài người chúng ta - nghĩa là Tội Nguyên Tổ. Sự hi sinh này làm cho con người có thể kết hợp với Thiên Chúa. Theo một nghĩa, mỗi cá nhân bây giờ có thể bắt đầu cuộc đời như một tờ giấy trắng sạch: "Vì cũng mọi người đã chết trong Ađam thế nào, thì trong Đức Kitô, mọi người cũng sẽ được làm cho sống." (1 Corinthô 15 :22). Chấp nhận Đức Kitô như Đấng Cứu thế là phương tiện duy nhất để được cứu thoát.

Trong nền giáo dục triết học Hy Lạp, thánh Phaolô đặc biệt chịu ảnh hưởng Plato. Phaolô lấy khái niệm của Plato rằng tri thức đích thực chỉ có thể đạt được nhờ xa tránh ảnh hưởng của các dữ liệu cảm giác và biến đổi khái niệm ấy thành một cuộc chiến giữa linh hồn, vốn chứa tia lửa của Thiên Chúa, với các ước muốn của xác thịt. Nhưng rồi ông đã làm một điều mà người Hy Lạp cho là điên rồ: ông đặt niềm tin lên trên lý trí. Chỉ có niềm tin có thể cứu rỗi con người. Đời sống tốt lành bây giờ không còn được định nghĩa như là sống theo lý trí nữa, mà như là sự sẵn sàng đặt đời sống mình theo thánh ý Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguyên nhân mọi sự biết mọi sự, và ngài có kế hoạch cho mọi sự. Nhờ đức tin, con người kết hợp với Thiên Chúa và đón nhận ân sủng của ngài. Bằng cách sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người được ban đặc quyền sống đời sống vĩnh cửu trong ân sủng của Thiên Chúa khi thân xác bị hủy diệt. Đối với nhiều người, việc từ bỏ đời sống trần gian là một cái giá quá rẻ để mua lấy hạnh phúc đời đời.

Các cố gắng của thánh Phaolô đã đặt ra những câu hỏi quan trọng cho các nhà thần học thời sau trả lời. Tin rằng Thiên Chúa là toàn tri và toàn năng, vậy thì đâu là chỗ đứng của ý chí tự do con người? Và cho rằng đức tin cần để được cứu rỗi, thì đâu là vai trò hay giá trị của lý trí con người? Các câu hỏi này có thể được phát biểu dưới một dạng hơi khác đi: Cho rằng mọi sự được quyết định bởi ý muốn của Thiên Chúa, vậy tại sao Thiên Chúa cho con người khả năng chọn lựa? Và nếu chúng ta không có khả năng hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa - và thực ra chúng ta không cần phải hiểu kế hoạch ấy - thì chúng ta có các khả năng của lý trí để làm gì? Còn một câu hỏi thứ ba: Cho rằng Thiên Chúa là toàn thiện và yêu thương, vậy thì tại sao có sự dữ trên thế giới? Theo sau thánh Phaolô, các nhà thần học sẽ phải vật lộn với các câu hỏi hóc búa này và các câu hỏi liên quan trong nhiều thế kỷ.

Con người bây giờ rõ ràng được chia thành ba phần: thân xác, tinh thần, và linh hồn. Theo các nhà triết học Pythagoras, Plato và Tân - Plato, thân xác là cản trở chính của chúng ta: Linh hồn là một tia lửa của Thiên Chúa trong chúng ta và là khía cạnh có giá trị cao nhất của bản tính con người. Nhờ linh hồn, chúng ta có khả năng đến gần Thiên Chúa, và linh hồn được coi là bất tử. Tinh thần, phần lý tính của con người, được coi là bị kẹt giữa thân xác và linh hồn - khi thì phục vụ thân xác, là xấu, và khi thì phục vụ linh hồn, là tốt. Thánh Phaolô mô tả rất sâu sắc cuộc chiến nội tâm này như sau:

Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, còn điều tôi ghét thì tôi lại làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiên tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. (Thư La Mã 7:14 - 20)

Như vậy con người bị mắc kẹt trong một cuộc chiến giữa những dục vọng tội lỗi của xác thịt và lề luật của Thiên Chúa. Luật có thể được hiểu và chấp nhận, và một ước muốn có thể có để hành động phù hợp với luật, nhưng các đam mê của xác thịt thường xung đột với lề luật và chúng thường thắng trong cuộc chiến. Biết điều gì là đạo đức không bảo đảm để sống đạo đức. Cuộc chiến đấu triền miên này bắt nguồn từ sự kiện con người là một động vật có một tia lửa của Thiên Chúa. Chúng ta một phần là thú vật và một phần là thần linh; xung đột là hậu quả tất yếu. Theo thánh Phaolô, mọi khoái lạc thể xác đều là tội lỗi, nhưng khoái lạc nhục dục là tội nặng hơn hết. Tình trạng xung đột này liên quan đến sự thiện, sự ác, và lý tính, thì rất giống với tình trạng xung đột sẽ được Freud mô tả nhiều thế kỷ sau.

Các Kitô hữu thời kỳ đầu còn để ngỏ chưa trả lời cho câu hỏi làm thế nào chúng ta biết được Thiên Chúa. Có thể biết Thiên Chúa nhờ Kinh Thánh, nhờ mặc khải, hay nhờ lý trí, hay sự tồn tại của Thiên Chúa chỉ có thể biết được nhờ đức tin? Đây là vấn đề thánh Augustine sẽ cố gắng giải quyết, cũng như vấn đề liên quan tới vai trò của ý chí tự do con người.

Thánh Augustine

Ba trăm năm sau cái chết của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng sự suy tàn dần dần của Đế Quốc La Mã và sự kiện gia tăng số người chấp nhận Kitô giáo. Trong thời gian này, Kitô giáo chủ yếu theo kiểu được thánh Phaolô mô tả. Nghĩa là, nó là một sự kết hợp giữa Do Thái giáo và triết thuyết Tân - Plato. Người ta đạt được sự cứu rỗi nhờ sống một đời sống đơn sơ, trong sạch, và chấp nhận sự nghèo khó về của cải vật chất. Việc xưng thú tội lỗi và sự mê muội của mình dọn đường cho sự cứu rỗi muôn đời nhờ ân sủng Thiên Chúa.

Năm 313 hoàng đế Constantinô ra sắc lệnh lập Kitô giáo làm tôn giáo chính thức của Đế Quốc La Mã, và tiếp theo là một cuộc tranh luận trong Giáo hội về chỗ đứng của các tín ngưỡng phi Kitô giáo. Một bên có thánh Jerome (345 - 420) lập luận rằng triết học phi Kitô phải bị kết án là ngoại giáo và lạc giáo. Bên kia có thánh Ambrose (340 - 400) lập luận rằng các yếu tố nào của các triết học khác mà phù hợp với Kitô giáo thì phải được Giáo hội chấp nhận. Lập trường của thánh Ambrôsiô thắng, và người phát ngôn vĩ đại nhất của nó là thánh Augustine (354 - 430). Chính thánh Augustine là người đã phối hợp triết học khắc kỷ, Tân - Plato, và Do Thái giáo thành một vũ trụ quan Kitô giáo đầy uy thế sẽ thống trị đời sống và tư tưởng phương Tây cho tới thế kỷ 13. Các tác phẩm thần học rất có thẩm quyền của thánh Augustine đánh dấu khởi đầu của Thời Trung Cổ, cũng gọi là thời kỳ giữa của lịch sử.

Thánh Augustine hầu như hoàn toàn chỉ tập trung vào bản chất tinh thần của con người. Về thế giới tự nhiên, người ta chỉ cần biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng ra nó. Thánh Augustine có cùng quan điểm với các nhà triết học Pythagoras, Plato, Tân - Plato, và các Kitô hữu thời kỳ đầu về sự khinh rẻ xác thịt. Khi người ta đã tập trung tư tưởng vào Thiên Chúa, người ta không còn cần đến thế giới trần tục. Muốn đạt tri thức đích thực người ta cần trải qua con đường đi từ một sự ý thức về thân xác, đến tri giác của giác quan, đến tri thức nội tâm về các mô thể (các ý tưởng phổ quát), và sau cùng đến một sự ý thức về Thiên Chúa, tác giả của các mô thể. Theo Augustine cũng như các Kitô hữu thời kỳ đầu, tri thức đích thực là tri thức về Thiên Chúa. Con người được quan niệm như một hữu thể nhị nguyên gồm một thân xác không khác với thân xác loài vật và một tinh thần tương cận với hay là một phần của Thiên Chúa. Cuộc chiến giữa hai khía cạnh này của bản tính con người, vốn đã có trong triết học Plato, nay trong Kitô giáo trở thành cuộc chiến giữa thiên đàng và hoả ngục - nghĩa là giữa Thiên Chúa và Satan.

Ý chí

Thiên Chúa nói với mỗi người trong linh hồn họ, nhưng con người không buộc phải nghe. Theo Augustine, mỗi cá nhân được tự do lựa chọn giữa con đường của xác thịt (Satan), là con đường tội lỗi, và con đường của Thiên Chúa, là con đường dẫn tới cuộc sống đời đời trên thiên đàng. Khả năng lựa chọn của con người cắt nghĩa tại sao có sự ác trên thế giới: Sự ác tồn tại bởi vì con người lựa chọn nó.

Việc đưa ý chí tự do vào thần học Kitô giáo giúp cắt nghĩa được nhiều điều. Có tự do thì có trách nhiệm. Nếu một cá nhân chọn đúng (nghĩa là sống theo ý Thiên Chúa), họ sẽ được Thiên Chúa thưởng. Nếu họ chọn sai, họ bị khước từ đời sống mai sau trên thiên đàng; nhưng gần hơn, nếu họ chọn sai, họ cảm thấy có tội. Theo Augustine, người ta có một giác quan bên trong giúp họ đánh giá kinh nghiệm của mình qua việc nó cung cấp một ý thức về sự thật, sai lầm, bổn phận cá nhân, và phải trái đạo đức. Xa rời giác quan bên trong này sẽ tạo ra cảm giác có lỗi. Trên thực tế không cần người ta phải thực sự hành động ngược với cảm giác bên trong này mới cảm thấy có lỗi, nhưng chỉ cần có ý làm như thế. Chỉ cần nghĩ sẽ làm một điều tội lỗi cũng tạo ra cảm giác tội lỗi giống như thực sự làm điều tội lỗi. Tất cả điều này giúp con người chế ngự hành vi bên trong của mình hơn là bên ngoài. Nghĩa là, thay vì hành vi bị chế ngự bởi sự thưởng hay phạt bên ngoài, nó được chế ngự bởi cảm giác về nhân đức hay tội lỗi bên trong con người.

Tác phẩm Xưng Tội (Confessions) của Augustine.

Augustine là người có công thay đổi quỹ đạo của việc kiểm soát hành vi từ bên ngoài vào bên trong. Theo ngài, chấp nhận ý chí tự do giúp cho trách nhiệm cá nhân có ý nghĩa. Vì các cá nhân chịu trách nhiệm về hành động của mình, họ có thể được khen hay bị chê, và người ta có thể tự cảm thấy mình tốt hay xấu tùy theo những chọn lựa họ đã làm. Tuy nhiên, nếu một người đã chọn điều xấu thay vì điều thiện một cách nhất thời mà thôi, thì họ không cần cảm thấy có lỗi mãi mãi. Bằng cách tiết lộ tội mình đã thực sự làm hay có ý làm (nghĩa là qua việc xưng tội), người ta được tha thứ và lại có thể theo đuổi đời sống Kitô giáo trong sạch. Thực vậy cuốn Xưng Tội (Confessions của Augustine (viết năm 400) mô tả một chuỗi dài tội lỗi của ông, từ việc trộm cắp vì trộm cắp cho đến các tội nhục dục. Các tội nhục dục của ông gồm việc ông có ít là hai tình nhân, một trong hai người này đã sinh cho ông một con trai. Khi mẹ của Augustine quyết định ông phải lấy vợ, ông buộc phải từ bỏ tình nhân của ông, một sự kiện gây đau buồn ghê gớm cho ông.

Cuộc hôn nhân của Augustine phải hoãn hai năm vì cô dâu sắp cưới của ông còn quá trẻ; tuy nhiên, trong thời gian này ông đã đi lại với một tình nhân khác nữa. Bấy giờ ông nhận ra mình là một "thanh niên khốn nạn," và ông cầu nguyện cùng Chúa, "Xin cho con lòng trong sạch và tiết dục, nhưng chưa vào lúc này." ông lý giải lời cầu xin với Chúa này như sau, "Con sợ Chúa nghe lời cầu xin của con quá sớm, và chữa lành ngay căn bệnh (nhục dục) của con, mà con đã từng muốn thỏa mãn hơn là dập tắt nó." (Pusey, 1961, tr. 125). Phải đến năm 32 tuổi Augustine mới đoạn tuyệt với con đường phóng đãng của mình và quay trở lại Kitô giáo. Sau khi trở lại, Augustine cháy bừng niềm say mê biết Chúa, và ông đã sống phần còn lại của cuộc đời ông trong niềm say mê này.

Biết Thiên Chúa

Theo Augustine, người ta không cần đợi đến khi thân xác chết đi mới biết Thiên Chúa; tri thức về Thiên Chúa có thể đạt được ngay ở đời này. Trước khi đi đến kết luận này, Augustine đã cần đến một điều gì đó về kinh nghiệm con người mà ông có thể biết một cách chắc chắn. Ông tìm kiếm một điều gì đó không thể nghi ngờ và cuối cùng ông đã kết luận rằng sự kiện ông nghi ngờ là một điều không thể nghi ngờ.

Có ai bao giờ lại nghi ngờ rằng mình sống, nhớ, và hiểu, và muốn, nghĩ, biết và phán đoán không? Khi thấy rằng cả khi mình nghi ngờ, mình vẫn sống, nếu mình nghi ngờ, mình nhớ tại sao mình nghi ngờ, nếu họ nghi ngờ, họ hiểu rằng họ nghi ngờ, nếu họ nghi ngờ, họ muốn được chắc chắn; nếu họ nghi ngờ, họ suy nghĩ, nếu họ nghi ngờ, họ biết rằng họ không biết; nếu họ nghi ngờ, họ nghĩ rằng họ không được khẳng định vội vã. Vì thế bất cứ ai nghi ngờ về một điều gì khác, họ không được nghi ngờ về tất cả các điều ấy; vì nếu chúng không có, họ không thể nào nghi ngờ về bất cứ điều gì. (Hadden, 1912. tr. 133 - 134)

Như thế, Augustine thiết lập giá trị của kinh nghiệm nội tâm, chủ quan. (Như ta sẽ thấy ở chương 3, Descartes cũng dùng cùng một phương pháp như thế để đạt đến kết luận nổi tiếng của ông, "Tôi suy tư, vậy tôi đang hiện hữu.") Cảm giác bên trong, chứ không phải kinh nghiệm bên ngoài, có thể tin cậy được. Do đó theo Augustine, một cách thứ hai để biết Thiên Chúa (cách thứ nhất là Kinh Thánh) là nhờ nội quan, hay sự xem xét các kinh nghiệm nội tâm của mình. Ở đây chúng ta thấy ảnh hưởng của Plato, là người cũng tin rằng chân lý phải đạt được nhờ nội quan. Tuy nhiên, nội quan của Augustine trở thành một phương tiện để đạt sự hiệp thông với Thiên Chúa. Theo Augustine, cảm giác yêu mến mà một người cảm nghiệm khi chiêm ngắm Thiên Chúa tạo ra một sự xuất thần mà không một cảm xúc nhân loại nào có thể sánh bằng. Một cảm giác yêu mến như thế chính là mục tiêu chủ yếu của đời sống con người; tất cả những gì thích hợp để đạt đến trạng thái xuất thần ấy đều tốt, trong khi những gì ngăn cản ta đạt trạng thái ấy là xấu. Đức tin và sự kết hợp cá nhân, cảm xúc với Thiên Chúa, theo Augustine, là những thành phần quan trọng nhất của đời sống con người. Lý trí, mà đối với người Hy Lạp có vị trí tối thượng, thì đối với Augustine không chỉ thấp hơn đức tin mà còn thấp hơn cả cảm xúc con người. Augustine đã chứng minh rằng tinh thần con người có thể tự biết chính nó mà không cần đối chiếu với thế giới thường nghiệm. Ông khuyến khích sự nội quan mang tính cảm xúc cao, vì sự nội quan này đưa con người xa khỏi thế giới thường nghiệm.

Created by AM Word2CHM

THỜI ĐẠI ĐEN TỐI

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

Một số sử gia đánh dấu phần này của Thời Trung Cổ, gọi là Thời Đại Đen Tối. Với sự sụp đổ của La Mã vào tay quân Goths năm 410, một số khác đánh dấu nó với năm Augustine mất, 430, và một số khác nữa đánh dấu nó với việc hoàng đế Justinianô đóng cửa trường Academia ở Nhã Điển năm 529. Bất luận thế nào, Thời Đại Đen Tối là khoảng thời gian lịch sử mà các sách vở Hy Lạp và La Mã đều bị mất hay bị thiêu hủy hết; không có hay ít có tiến bộ trong khoa học, triết học, hay văn học; luật pháp La Mã thống nhất bị sụp đổ và bị thay thế bằng các tục lệ địa phương mỗi nơi mỗi khác; và các làng mạc tự võ trang chống lại các cuộc tấn công từ các làng xóm láng giềng hay từ phương xa. Trong thời buổi nhiễu nhương này, hay có lẽ vì thời buổi này, Giáo hội Kitô ngày càng trở nên mạnh thế. Từ khoảng 400 - 1000, châu Âu bị thống trị bởi phong trào thần bí, mê tín, và phản tri thức; châu Âu thực sự rơi vào một thời đại đen tối.

Trong Thời Đại Đen Tối, vì giáo điều của giáo hội không còn đối thủ, nên nó có quyền lực vô song. Các vấn đề mà giáo hội quan tâm là các sự không thống nhất trong nội bộ giáo lý của giáo hội. Vấn đề điều gì là đúng đã được trả lời, và không còn cần tìm ở đâu khác. Dân chúng hoặc là tin đạo hay là lạc đạo, và những người lạc đạo bị đối xử thô bạo. Giáo hội sở hữu các tài sản khổng lồ, và giáo hoàng có thể phong vương hay truất ngôi các ông vua, và các linh mục kiểm soát hành vi, tình cảm, và tư tưởng của dân chúng. Tám cuộc thập tự chinh (l095 - 1291) chống người Hồi giáo chứng tỏ sức mạnh của Kitô giáo trong việc tổ chức các tín đồ chặn đứng ảnh hưởng Hồi giáo vốn đã bành trường quá nhanh khắp châu Âu.

Chính trong các cuộc "thánh chiến" này mà người ta đã tái khám phá các tác phẩm của Aristotle. Nhiều thế kỷ trước, chủ yếu vì các cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế, ảnh hưởng Hy Lạp đã bành trướng trên một vùng rộng lớn trong đó triết học, khoa học và nghệ thuật Hy Lạp trở nên phồn thịnh. Thật vậy, nhiều người tin rằng người Hy Lạp đã vượt quá chính mình và vì thế không còn kiểm soát nổi đế quốc của mình nữa. Khi người La Mã bắt đầu xâm chiếm đế quốc này, các học giả Hy Lạp trốn sang các lãnh thổ sau này bị người Ả Rập chinh phục. Các học giả này mang theo với họ nhiều tác phẩm nghệ thuật và triết học Hy Lạp, trong đó có các tác phẩm của Aristotle. Các tác phẩm của Aristotle được bảo tồn trong các thánh đường Hồi giáo lớn và được sử dụng để phát triển triết học, tôn giáo, toán học và y học Ả Rập. Dưới ảnh hưởng Hồi giáo, người Ả Rập tiến về hướng tây; dưới ảnh hưởng của Kitô giáo, các đạo quân châu Âu tiến về hướng đông. Xung đột giữa hai ảnh hường này dẫn đến các cuộc thánh chiến đẫm máu, nhưng nó cũng đưa phương Tây trở về tiếp xúc lại với triết học Aristotle. Ban đầu, giáo hội hoan nghênh các tác phẩm của Aristotle; nhưng rồi, sau khi phân tích kỹ lưỡng hơn, các tác phẩm này lại bị cấm. Rõ ràng là các tư tưởng Aristotle nếu muốn được "chấp nhận," thì nó phải được Kitô hóa.

Tuy nhiên, từ lâu trước khi các tác phẩm của Aristotle được phương Tây tái khám pha, thì người Ả Rập đã nhận được rất nhiều lợi ích từ chúng rồi. Thật vậy, hơn 200 năm trước khi phương Tây tìm cách Kitô hóa triết học Aristotle, một số nhà triết học Ả Rập đã cắm cúi lo sao cho triết học ấy thích hợp với Hồi giáo.

ẢNH HƯỞNG Ả RẬP

Mặc dù những năm từ khoảng 400 - 1000 thường được gọi là Thời Đại Đen Tối, nó chỉ đen tối đối với phương Tây. Trong thời kỳ này, Hồi giáo là một lực lượng hùng mạnh trên thế giới. Mahomét sinh tại Mecca năm 570, và đến tuổi trung niên, ông được một mặc khải của Thượng Đế sai ông đi giảng đạo. Ông gọi đạo của ông là Hồi giáo, nghĩa là quy phục Thượng Đế, và các đồ đệ của ông được gọi là người Hồi (Moslems). Các lời giảng của ông chứa trong kinh Koran. Hồi giáo bành trướng với một tốc độ không thể tin nổi. Chỉ trong 30 năm sau khi Mahomét qua đời năm 632, người Hồi đã chinh phục Ả Rập, Syria, Ai Cập, Ba Tư, Sicilia, và Tây Ban Nha. Trong vòng 100 năm sau cái chết của nhà tiên tri, Đế quốc Hồi giáo đã bành trướng trên một vùng rộng hơn Đế Quốc La Mã lúc ở tột đỉnh của nó (R. I. Watson, 1978, tr. 106). Sự bành trướng này cho phép người Hồi tiếp cận với các tác phẩm cổ mà thế giới phương Tây đã bị mất từ lâu. Các triết gia Hồi giáo dịch, nghiên cứu, và mở rộng căn cứ trên sự khôn ngoan của Hy Lạp và La Mã, và các tác phẩm của Aristotle được chú ý đặc biệt. Nhờ sử dụng sự khôn ngoan này, người Ả Rập đã có những tiến bộ dài về y học, khoa học, và toán học, là các môn học rất được quan tâm trong thời kỳ bành trướng Đế Quốc Hồi giáo vì giá trị thực hành của chúng. Tuy nhiên, khi tình hình đã ổn định, người ta quan tâm nhiều hơn tới việc làm cho sự khôn ngoan cổ xưa phù hợp với đạo Hồi. Mặc dù, các cố gắng này chủ yếu tập trung vào triết học Aristotle, triết học Tân - Plato cũng rất ảnh hưởng. Các bản dịch các triết gia Hy Lạp và La Mã sang tiếng Ả Rập, và các vấn đề được nêu lên trong cố gắng thích ứng sự khôn ngoan xưa vào đạo Hồi, nhiều năm sau đã được Kitô giáo sử dụng nhằm cùng một mục đích như người Hồi giáo; và thật kỳ lạ, hai cố gắng rất giống nhau.

Avicenna

Có nhiều nhà triết học Ả Rập lỗi lạc, nhưng chúng ta chỉ giới thiệu vắn tắt hai tác giả. Avicenna (980 - 1037) viết các sách về nhiều đề tài khác nhau, gồm y học, toán học, luận lý học, siêu hình học, thần học Hồi giáo, thiên văn, chính trị, và ngữ học. Tác phẩm y học của ông, Quy Điển, được sử dụng tại nhiều đại học châu Âu trong hơn năm thế kỷ (S. Smith, 1983). Trong tác phẩm, ông vay mượn phần lớn của Aristotle, nhưng đã sửa đổi triết học của Aristotle và những sự sửa đổi của ông đã được sử dụng kéo dài hàng trăm năm.

Trong phân tích của Avicenna về tư duy con người, ông bắt đầu với năm giác quan bên ngoài - thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác. Rồi ông giả thiết bảy "nội giác quan," và sắp xếp chúng thành thứ bậc. Thứ nhất là công cảm, tổng hợp thông tin từ các giác quan bên ngoài. Thứ hai là tưởng tượng ghi nhận, là khả năng nhớ lại thông tin đã là được tổng hợp bởi công cảm. Thứ ba và thứ bốn là tưởng tượng kết hợp của động vật và tưởng tượng kết hợp của con người. Tưởng tượng kết hợp cho phép loài vật cũng như loài người biết phải tiếp cận cái gì và tránh cái gì trong môi trường. Thứ năm là khả năng đánh giá, là Avicenno khả năng bẩm sinh phán đoán về các sự vật trong môi trường. Loài cừu có thể có bản năng sợ bẩm sinh loài sói, và con người có thể có bản năng bẩm sinh sợ nhện và rắn, hay có thể có bản năng bẩm sinh tiếp cận các sự vật có ích cho sự sinh tồn. Thứ sáu là khả năng nhớ lại các kết quả của mọi việc xử lý thông tin diễn ra ở bậc thấp, và thứ bảy là khả năng sử dụng các thông tin này.

Mặc dù, Aristotle chỉ giả thiết có ba nội giác quan (công cảm, tưởng tượng, trí nhớ) và Avicenna giả thiết bảy, nhưng triết học Avicenna chủ yếu là triết học Aristotle. Điểm khác biệt quan trọng của ông với triết học Aristotle là về trí tuệ chủ động. Theo Aristotle, trí tuệ chủ động được dùng để hiểu các nguyên lý phổ quát mà việc quan sát thuần túy các sự kiện thường nghiệm không thể cung cấp. Theo Avicenna, trí tuệ chủ động có các tính chất siêu nhiên; nó là khía cạnh của con người cho phép họ hiểu kế hoạch hoàn vũ và đi vào sự quan hệ với Thượng Đế. Theo Avicenna, hiểu biết về Thượng Đế là bình diện hoạt động tri thức cao nhất. Tác phẩm của Avicenna đã có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển triết học thời sau ở phương Tây.

Averroes

Averroes (1126 - 1198) không đồng ý với Avicenna rằng trí khôn con người được sắp đặt theo một thứ bậc mà chỉ có bậc cao nhất cho phép con người tiếp xúc với Thượng Đế. Theo Averroes, mọi kinh nghiệm con người đều phản ánh ảnh hưởng của Thượng Đế Trong hầu như mọi điều khác, Averroes đồng ý với Avicenna, và ông cũng chủ yếu theo triết học Aristotle. Các tác phẩm của Averroes chủ yếu là các bình luận về triết học Aristotle, với nhấn mạnh đặc biệt về tác phẩm của Aristotle về giác quan, trí nhớ, ngủ và thức, và các giấc mơ. Ông cũng nói như Aristotle rằng linh hồn chết cùng với thân xác. Chỉ có trí tuệ chủ động còn tồn tại sau khi chết, và vì trí tuệ chủ động của mọi người đều như nhau, nên không có gì riêng của cá nhân còn tồn tại sau khi chết. Điểm này tất nhiên nghịch với tư tưởng Kitô giáo, và giải thích của Averroes về Aristotle được đặt tên là "thuyết Averroes" và bị công kích kịch liệt bởi các nhà triết học Kitô giáo thời sau.

Gần như đã đến lúc để phương Tây hòa nhập triết học Aristotle vào các niềm tin tôn giáo của mình, nhưng cần phải có một bước chuyển tiếp. Các khả năng lý trí của con người, từng bị giảm thiểu trong triết học Augustine nhưng lại rất quan trọng trong triết học Aristotle, cần phải được làm cho có địa vị quan trọng trở lại. Lý trí và đức tin cần phải được làm cho hòa hợp với nhau. Chúng ta sẽ chỉ giới thiệu hai nhà triết học đã từng thể hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Created by AM Word2CHM

HÒA GIẢI ĐỨC TIN VỚI LÝ TRÍ

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

Thánh Anselm

Trong tác phẩm Đức Tin Tìm Kiếm Hiểu Biết, thánh Anselm (khoảng 1033 - 1109) lập luận rằng tri giác và lý trí có thể và phải bổ sung cho đức tin Kitô giáo. Mặc dù thánh Anselm chủ yếu theo triết học Augustine, việc ông chấp nhận lý trí như phương tiện để hiểu Thiên Chúa là một sự xa rời truyền thống Kitô giáo, vốn nhấn mạnh đức tin. Thánh Anselm đơn cử việc lý trí có thể được sử dụng như thế nào trong đức tin Kitô giáo qua luận cứ hữu thể học về sự hiện hữu của Thiên Chúa nổi tiếng của ông. Đây là một luận cứ phức tạp, nhưng đại ý nó nói rằng nếu chúng ta có thể nghĩ đến một điều gì, thì điều gì đó phải là cái tạo ra tư tưởng. Nghĩa là, khi chúng ta nghĩ đến các sự vật, thì phải có các sự vật hiện thực tương ứng với các tư tưởng ấy. Thánh Anselm mời chúng ta tiếp tục nghĩ về một hữu thể cho tới khi chúng ta không thể nghĩ về một hữu thể nào lớn hơn hay tốt hơn một hữu thể mà ta "không thể quan niệm về một hữu thể nào lớn hơn nó." Hữu thể hoàn hảo này mà chúng ta nghĩ đến là Thượng Đế và vì chúng ta có thể nghĩ đến ngài, nên ngài hiện hữu. Thánh Anselm là một trong số các nhà thần học Kitô giáo đầu tiên đã cố gắng sử dụng lý luận để hỗ trợ đức tin tôn giáo.

Peter Lombard

Cũng là người theo thuyết Augustine, Peter Lombard (khoảng 1095 - 1160) đã lý luận còn mạnh hơn thánh Anselm để nhấn mạnh vai trò của lý trí trong Kitô giáo. Có lẽ còn quan trọng hơn, Lombard nhấn mạnh rằng chúng ta có thể biết Thiên Chúa bằng cách tìm hiểu các công trình của Người. Không cần phải xa tránh thế giới tự nhiên để hiểu biết; người ta có thể học biết về Thiên Chúa bằng cách nghiên cứu về thế giới thường nghiệm. Như thế theo Lombard, có ba cách để học biết về Thiên Chúa: đức tin, lý trí, và sự tìm hiểu các công trình của Thiên Chúa (thế giới tự nhiên). Các nhà triết học như thánh Anselm và Lombard đã giúp tạo một bầu khí dễ tiếp thu đối với các tác phẩm của Aristotle, chúng sẽ có ảnh hưởng quan trọng và lâu dài đối với triết học phương Tây.

TRIẾT HỌC KINH VIỆN

Các cuộc thánh chiến đã giúp cho thế giới phương Tây tiếp cận với các tác phẩm của Aristotle. Vấn đề bây giờ là làm gì với các tác phẩm ấy. Phản ứng của giáo hội đối với các tác phẩm cổ điển được tái phát hiện đã diễn ra theo ba giai đoạn. Trước tiên các tác phẩm được hoan nghênh, nhưng khi người ta nhận ra có những điểm mâu thuẫn với các giáo điều của giáo hội, chúng bị kết án là ngoại đạo. Sau cùng, các cố gắng đã được thực hiện để hiệu đính đặc biệt các tác phẩm của Aristotle, và dưới dạng hiệu đính, chúng được đưa vào trong các giáo điều của giáo hội. Một số đầu óc lỗi lạc nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây đã đảm nhận nhiệm vụ to lớn là tổng hợp triết học Aristotle và thần học Kitô giáo và vạch ra những hệ lụy mà tổng hợp ấy có đối với đời sống con người. Tổng hợp này được gọi là Triết học Kinh viện.

Peter Abelard

Peter Abelard (l079 - 1142) đánh dấu bước ngoặt: đưa Aristotle lên địa vị triết gia độc tôn của triết học phương Tây. Ngoài việc dịch các tác phẩm của Aristotle, Abelard còn đưa vào một phương pháp nghiên cứu sẽ trở thành đặc trưng của thời kỳ Kinh viện. Trong tác phẩm của ông nhan đề Sic et Non (tiếng La Tinh nghĩa là Có và Không), Abelard triển khai phương pháp biện chứng của ông. Trong sách này, ông liệt kê khoảng 158 vấn nạn thần học từng được trả lời bằng những cách trái ngược nhau bởi Kinh Thánh và nhiều nhà thần học Kitô giáo. Abelard tin rằng việc xem xét các luận chứng và phản chứng là một cách tốt để làm sáng tỏ các vấn đề và đạt đến các kết luận có giá trị. Mục tiêu của ông không phải là chống đối các giáo điều của giáo hội, nhưng là khắc phục các mâu thuẫn trong các phát biểu mà các nhà thần học đã đưa ra trong lịch sử. Sử dụng phương pháp phải - và - không, ông đối chọi các tác giả trái nghịch nhau; nhưng qua tất cả, thẩm quyền của Kinh Thánh luôn thắng thế. Phương pháp biện chứng gây tranh cãi vì đôi khi nó có vẻ chất vấn giá trị của các giả định tôn giáo. Nhưng Abelard không quá bận tâm về điều này, vì ông tin rằng Thiên Chúa tồn tại và vì vậy mọi phương pháp tra cứu phải chứng minh sự kiện này. Do đó, người tín hữu không việc gì phải sợ lý luận, lý trí, và ngay cả việc trực tiếp tìm hiểu thiên nhiên.

Hiện thực luận đối lại với duy danh luận

Vào thời Abelard, có một tranh luận lớn về việc liệu các phổ quát thể có tồn tại hay không - nghĩa là, liệu có thực sự là có các yếu tính như "tính mèo, "tính người," hay "tính ngọt" độc lập với các trường hợp đặc thù của các sự vật này hay không. Một phe nói là có các yếu tính như thế tồn tại thực sự dưới dạng thuần túy và các sự vật đặc thù của các loại đó chỉ khác nhau về tùy thể. Những người cho rằng các phổ quát thể và yếu tính có sự tồn tại độc lập được gọi là các nhà hiện thực luận. Phe kia thì nói rằng cái mà chúng ta gọi là phổ quát thể chỉ là những tên gọi cho phép tập hợp và xếp loại các sự vật hay sự kiện giống nhau. Những người này được gọi là các nhà duy danh luận và theo họ thì những gì mà phe kia gọi là phổ quát thể thì chỉ là những tên gọi tiện lợi để tóm lược các kinh nghiệm giống nhau. Tranh luận này sâu xa bởi vì cả các triết học của Plato lẫn của Aristotle đều chấp nhận hiện thực luận. Duy danh luận hợp với triết học duy nghiệm hơn với triết học duy lý.

Thời ấy, nhà thờ Đức Bà ở Paris là trường đại học nổi tiếng nhất trong thế giới Kitô giáo, và William de Champeaux là giáo sư danh tiếng nhất của trường. Giảng đường của ông luôn đầy ắp sinh viên từ khắp nơi ở châu Âu đến, và các tài giảng của ông thường gây kích động mãnh liệt đối với các sinh viên khiến nhiều khi giới chức chính quyền phải can thiệp để giữ trật tự. Năm 20 tuổi Abelard quyết định tranh luận với William về vấn đề hiện thực luận chống lại duy danh luận. William là một tín đồ nhiệt thành và có thẩm quyền của thuyết hiện thực, nhưng Abelard đã dùng tài tu từ và lý luận xuất sắc của mình để phơi bày các ngụy luận trong lập trường của William. Điểm trọng tâm trong lập luận của Abelard là chúng ta không nên lẫn lộn từ ngữ với sự vật. Các kết luận đạt được khi áp dụng lý luận vào các từ ngữ không nhất thiết áp dụng một cách phổ quát cho mọi sự vật trong thế giới tự nhiên. Áp dụng điều này vào cuộc tranh cãi về các phổ quát thể, nó có nghĩa là không phải vì chúng ta dùng các từ để mô tả và hiểu các phổ quát thể mà bắt buộc phải kết luận là chúng tồn tại thực sự. Abelard lập luận rằng lý luận và vật lý học là hai môn học khác nhau, và ông muốn chúng luôn luôn phải phân biệt rõ rệt. Abelard tố cáo William là lẫn lộn hai môn học này, và trong quá trình, phạm phải ngụy luận của việc tin rằng nếu bạn có thể nghĩ về một điều gì thì bắt buộc phải có một cái gì hiện thực tương ứng với ý tưởng đó. Thoạt đầu William hết sức ngưỡng mộ Abelard như một sinh viên đầy triển vọng, nhưng càng ngày ông càng thấy thất vọng. Sau khi đánh bại William, Abelard quyết định học thần học với bậc thầy nổi tiếng là Anselm, nhưng rồi ông cũng không phục ông thầy này.

Abelard quyết định mở trường riêng của mình, và trong chức vụ giảng dạy, ông bộc lộ "một sự độc đáo, sinh động và phong phú vô cùng kỳ diệu". Chẳng bao lâu, Abelard, hay "thầy Peter" như các sinh viên của ông gọi ông, đã trở thành nổi tiếng như một bậc thầy khiến cho các lớp học của các giáo sư già hơn trở nên hầu như trống trơn.

Anselm rất đau đớn vì sự xung đột với Abelard và đã qua đời một thời gian ngắn sau đó.

Thế là Abelard cứ tiếp tục nổi danh và đạt vinh quang tột độ, cho tới năm ông 42 tuổi, ông gặp Heloise, một cô gái 17 tuổi xinh đẹp. Danh tiếng và ảnh hưởng của Abelard mang sự giàu sang và địa vị, nhưng cũng đưa ông tới nếp sống phóng túng. Ông tìm cách quyến rũ Heloise và trở thành gia sư cho cô bé. Cuộc tình vụng trộm của Abelard với Heloise đổ bể, gia đình Heloise trừng phạt ông bằng cách cắt mất của quý của ông.

Phục hồi sau vụ xì căng đan này, Abelard lại tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy bằng phương pháp biện chứng của ông. Phương pháp biện chứng này và thái độ công kích của ông khiến ông gặp rắc rối với giới chức trong giáo hội. Năm 1140 ông bị giáo hoàng Innocentê II cấm giảng dạy và viết sách, và qua đời ít năm sau trong cảnh cô đơn cay đắng.

Thánh Albertus Maquus

Thánh Albertus Maquus (khoảng 1193 - 1280) là một trong số các nhà triết học phương Tây đầu tiên làm một công trình tổng duyệt các tác phẩm của Aristotle, cũng như các sách bình luận về tác phẩm Aristotle của các tác giả Hồi giáo. Đây không phải một công trình tầm thường, vì thời ấy giáo hội vẫn coi triết học Aristotle là lạc đạo. Albert trình bày cho các học giả của giáo hội các quan niệm của Aristotle về cảm giác, trí khôn, và trí nhớ và ông tìm cách chứng minh các khả năng lý trí của con người có thể được sử dụng để đạt sự cứu rỗi như thế nào. Dựa theo Aristotle, Albertus thực hiện các quan sát về thiên nhiên, và ông đã có những cống hiến quan trọng cho thực vật học. Sau người Hy Lạp, ông là người đầu tiên tìm cách học hỏi về thiên nhiên bằng cách thực hiện các quan sát thực nghiệm. Nhưng tuy Abelard và Albertus là những người có công lớn trong việc đưa triết học Aristotle vào trong truyền thống Kitô giáo, nhà Kinh viện vĩ đại nhất là thánh Thomas Aquinas.

Thánh Thomas Aquinas

Thánh Thomas Aquinas (1226 - 1274) có một thân hình hộ pháp và một tính khí thâm trầm, được các bạn học gọi là "con bò câm." Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc giàu có và danh giá, và cha ông có ảnh hưởng rất lớn tại tu viện Biển Đức ở Monte Cassino, chỉ ở cách lâu đài của gia đình ông vài dặm. Người ta nghĩ rằng sau khi học xong chương trình chủng viện và thụ phong linh mục, ông sẽ về Monte Cassino vì ở đây ảnh hưởng của gia đình ông có thể đưa ông lên chức tu viện trưởng. Nhưng không, ông quyết định nhập dòng Đa minh và trở thành một tu sĩ khất thực. Với quyết định này, ông quay lưng lại sự giàu sang và quyền thế của gia đình, đồng thời giảm mất triển vọng thăng tiến trên đường danh lợi. Gia đình cực lực phản đối và tìm hết cách để làm ông thay đổi quyết định của ông, nhưng ông vẫn cương quyết đi theo con đường ông đã chọn. Năm 1245, gia đình buộc phải để ông tự ý theo con đường của ông, và ông quay trở lại với dòng Đa minh. Aquinas là một sinh viên phi thường. Có một quy luật ở Đại học Paris chỉ cấp bằng tiến sĩ thần học cho người nào đã đủ 34 tuổi. Nhưng Aquinas là một biệt lệ, ông được nhận bằng tiến sĩ năm 31 tuổi. Ngay sau đó ông được bổ nhiệm vào một trong hai ghế giáo sư của dòng Đa minh ở Đại học Paris.

Aquinas cố gắng một cách phi thường trong việc tổng hợp các tác phẩm của Aristotle và truyền thống Kitô giáo. Đây là một công trình vĩ đại, nhưng nó cũng có khía cạnh tiêu cực quan trọng. Một khi các ý tưởng của Aristotle được hấp thu trong tín lý của giáo hội, chúng không còn có thể bị thách thức. Trong thực tế, các tác phẩm của Aristotle đã trở thành linh thiêng không thua gì Kinh Thánh. Đây là điều rất đáng tiếc, vì rất nhiều điều Aristotle đã nói sẽ trở thành sai lạc. Với Aristotle, cũng như với Plato trước kia, giáo hội nhấn mạnh những ý tưởng nào của họ phù hợp nhất với thần học của giáo hội. Các ý tưởng không thích hợp thì hoặc là bị thay đổi hay gạt bỏ. Mặc dù việc "Kitô hóa" này để làm với triết học Plato hơn triết học Aristotle, nhưng nhiều điều Aristotle đã nói có thể được coi là hỗ trợ cho giáo lý của giáo hội, với một chút ít sửa đổi nhỏ - ví dụ, các tư tưởng của Aristotle về sự bất tử của lý trí chủ động, về bậc thang thiên nhiên (trật tự tự nhiên), và về tác nhân đệ nhất.

Hòa giải đức tin với lý trí

Sự nhấn mạnh của Aristotle về lý trí quá nổi bật khiến người ta không thể nào bỏ qua. Dù sao, kho thông tin khổng lồ mà Aristotle đã sản sinh là một sản phẩm của sự quan sát thường nghiệm được lý trí hướng dẫn. Sự nhấn mạnh lý trí này đặt giáo hội vào một vị trí khó xử vì ngay từ ban đầu giáo hội đã nhấn mạnh về mặc khải, đức tin, và kinh nghiệm thiêng liêng và coi nhẹ sự quan sát thường nghiệm và lý tính. Tình thế này khiến cho nhiệm vụ (và thành tựu) to lớn nhất của Thomas Aquinas là việc hòa giải giữa đức tin và lý trí, và ông đã hoàn thành nhiệm vụ này bằng cách lý luận hiệu quả rằng lý trí và đức tin không mâu thuẫn nhau. Đối với Aquinas, cũng như đối với các nhà Kinh viện khác, mọi con đường đều dẫn tới cùng một chân lý - Thiên Chúa và vinh quang Ngài. Như thế, giờ đây chúng ta có thể được biết qua mặc khải, qua Kinh Thánh, qua việc xem xét kinh nghiệm nội tâm, hay qua, lý trí, và việc quan sát thiên nhiên.

Tổng hợp của Aquinas về triết học Aristotle và tư tưởng Kitô giáo đã gây tranh cãi gay gắt ngay trong lòng giáo hội. Trên kia trong chương này, chúng ta đã thấy rằng các tác giả bảo thủ của giáo hội thời kỳ đầu (và: Thánh Jerome và thánh Ambrose) lý luận rằng các nhà triết học ngoại giáo phải bị kết án và loại bỏ. Nhưng thánh Augustine thì lý luận rằng, cần phải hấp thu triết học ngoại giáo vào trong học thuyết Kitô giáo. Augustine đã thắng. Bây giờ, 900 năm sau, chúng ta lại có cùng một cuộc tranh cãi tương tự về các tác phẩm của Aristotle. Một trong những tiếng nói ảnh hưởng nhất của phái bảo thủ là thánh Bonaventura (1221 - 1274), là người kết án các tác phẩm của Aristotle.

Bonaventura theo Augustine tin rằng người ta đạt được hiểu biết về Thiên Chúa qua nội quan, chứ không qua lý luận hay nghiên cứu thiên nhiên. Lập trường của Aquinas thắng thế, và sau cùng được chấp nhận như giáo lý chính thức của giáo hội, và trở thành nền tảng của học thuyết Công giáo cho tới nay. Quan điểm của Bonaventura tiếp tục được chấp nhận trong trong giáo hội Tin Lành là giáo hội đặt Kinh Thánh ở một vị trí cao hơn lý trí và đặt sự tương quan với Thiên Chúa cao hơn nghi thức và các quy luật lệ của giáo hội.

Ảnh hưởng của Aquinas

Công trình của Aquinas rốt cuộc đem lại những hậu quả sau: Nó tách biệt lý trí và đức tin, cho phép người ta nghiên cứu chúng riêng biệt; nó làm cho việc nghiên cứu thiên nhiên được tôn trọng; và nó cho thế giới thấy rằng có thể tranh luận về các giáo điều của giáo hội. Mặc dù mục tiêu của Aquinas là làm cho lập trường của giáo hội mạnh hơn bằng cách chấp nhận lý trí như một phương tiện để hiểu Thiên Chúa, nhưng công trình của ông đã có hậu quả ngược lại. Nhiều nhà triết học đi theo Aquinas lý luận rằng lý trí và đức tin có thể được nghiên cứu riêng biệt, mà không cần xét đến các hệ quả thần học của nó. Triết học không mang đậm sắc thái tôn giáo nay trở thành một chuyện có thể - là điều chưa từng có trong hơn một ngàn năm trước.

Ít là một phần, Aquinas đã chuyển sự chú ý từ trời xuống đất trở lại, mặc dù ông vẫn còn nhấn mạnh về trời. Sự chuyển đổi này đã phải xảy ra trước để thời Phục Hưng có thể xảy ra. Tuy nhiên, thời Phục Hưng vẫn còn ở trong tương lai, và giáo hội vẫn còn kiểm soát hầu hết hoạt động của con người.

Các Giới hạn của Triết học Kinh viện

Nghiên cứu thiên nhiên và cố gắng đạt đến các nguyên lý chi phối nó, giống như các nhà triết học đã làm, là một chuyện; nhưng giả thiết rằng một điều gì đó là đúng rồi cố gắng làm cho thiên nhiên phù hợp với chân lý ấy lại là một chuyện khác. Các nhà thần học Kitô giáo đã cố gắng làm kiểu thứ hai này. Trong thời kỳ từ Augustine đến Thomas Aquinas, sự nghiên cứu tri thức bao gồm việc chứng minh giá trị của các giáo điều của giáo hội; nếu không chứng minh được, thì thông tin bị bác bỏ. "Chân lý" đã được tìm thấy rồi, và không cần phải đi tìm ở đâu khác.

Mặc dù các nhà Kinh viện là những học giả lỗi lạc và những nhà lý luận học tinh tế, họ đã không đóng góp được nhiều giá trị cho triết học hay tâm lý học. Họ quan tâm duy trì tình trạng đang có hơn là tỏ lộ những thông tin mới mẻ. Chắc chắn họ ít quan tâm tới thiên nhiên, trừ những khía cạnh nào họ có thể sử dụng được để chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa hay cho thấy điều gì đó về bản tính Thiên Chúa. Giống như đối với các nhà triết học Hy Lạp lớn trước họ, các nhà triết học Kinh viện đi tìm các chân lý hay nguyên lý phổ quát vượt lên trên thế giới hiện tượng. Đối với các nhà Pythagoras, đó là các tương quan số học; đối với Plato, đó là các mô thể hay ý tưởng thuần túy; đối với Aristotle, đó là cứu cánh thể tạo yếu tính cho mỗi loại sự vật; và đối với các nhà Kinh viện, đó là Thiên Chúa. Tất cả họ đều giả thiết rằng có một chân lý cao hơn vượt lên trên cái mà chúng ta có thể kinh nghiệm nhờ giác quan. Với tất cả họ, tri thức về các phổ quát thể, các nguyên lý, yếu tính, hay ý tưởng trừu tượng, là tri thức đích thực duy nhất.

Như đã nói ở trên, sau khi Aquinas phân biệt đức tin và lý trí, vấn đề chỉ còn là thời gian để thỏa mãn những người muốn sử dụng lý trí mà không bị ràng buộc bởi đức tin. William Occam là một trong số những người đã đi bước này. Khi làm thế, ông đã thách thức toàn bộ ý tưởng về phổ quát thể, yếu tính, hay nguyên lý đệ nhất, và đã giáng một đòn nặng vào triết học Kinh viện.

Created by AM Word2CHM

WILLIAM OCCAM: MỘT BƯỚC NGOẶT

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

William Occam (có khi viết là Ockham, khoảng 1290 - 1350), là một tu sĩ Phanxicô sinh tại Anh, chấp nhận sự phân chia giữa đức tin và lý trí của Aquinas, và ông đã chọn lý trí. Occam tin rằng khi giải thích sự vật, không cần phải giả thiết chúng bằng những từ ngữ khác, càng ít lời càng tốt. Sự tin tưởng rằng các giải thích hay lập luận phải "cạo sạch" các giả thiết ngoại lai sau này đã được người ta biết đến dưới tên gọi là dao cạo của Occam.

Occam áp dụng "dao cạo" của ông vào cuộc tranh luận về sự tồn tại của các phổ quát thể. Như ta đã thấy, một số tác giả tin rằng các ý tưởng hay nguyên lý phổ quát tồn tại thực sự, và các kinh nghiệm riêng biệt chỉ là những biểu hiện bề ngoài của các phổ quát thể ấy. Nên nhớ lại rằng những người tin có sự tồn tại độc lập của các phổ quát thể thì được gọi là các nhà hiện thực luận. Ngược lại, các tác giả tin rằng các phổ quát thể chỉ là các danh xưng được dùng để mô tả tập hợp các kinh nghiệm mang những đặc tính chung, và các tác giả này được gọi là các nhà duy danh luận. Vì Occam tin rằng giả thiết có sự tồn tại độc lập của các phổ quát thể là thừa, nên ông đứng về phe các nhà duy danh, bằng lập luận thuyết phục rằng các phổ quát thể chỉ là các tên gọi được người ta đặt ra. Ví dụ, vì mọi con mèo đều có một số đặc tính chung, nên mọi vật có những đặc tính chung này được gọi một cách thích hợp là mèo. Cũng đúng như thế về các con chó, cây, sách, hay bất cứ loại đồ vật hay kinh nghiệm nào khác. Theo Occam, các kinh nghiệm mang những đặc tính chung cho phép chúng ta dùng các tên gọi chung để mô tả chúng; nhưng sử dụng các tên gọi này không có nghĩa là có một ý tưởng thuần túy, một yếu tính, hay mô thể tồn tại vượt quá kinh nghiệm của chúng ta. Occam tin rằng chúng ta có thể tin cậy vào giác quan của mình để biết thế giới thực sự là thế nào, và chúng ta có thể biết thế giới trực tiếp chứ không cần bận tâm tới cái gì đó ẩn bên dưới kinh nghiệm của chúng ta.

Occam đã đổi câu hỏi liên quan đến bản chất tri thức của chúng ta từ một vấn đề siêu hình học thành một vấn đề tâm lý học. Ông không quan tâm tới một thực tại siêu nghiệm chỉ có thể hiểu được bằng suy luận trừu tượng hay nội quan. Theo ông, vấn đề là trí khôn phân loại kinh nghiệm như thế nào, và câu trả lời của ông là chúng ta thường phản ứng giống nhau với các sự vật giống nhau. Chúng ta áp dụng từ nữ cho một người vì người ấy có đủ những tính chất chung với những người khác mà chúng ta gọi là nữ.

Trong lập trường duy nghiệm của ông, Occam vượt qua Aristotle. Aristotle tin rằng kinh nghiệm giác quan là cơ sở của tri thức nhưng cần dùng lý trí để rút ra từ các kinh nghiệm riêng lẻ sự hiểu biết về các phổ quát thể và các yếu tính. Theo Occam, kinh nghiệm giác quan cung cấp đủ thông tin về thế giới - chấm hết. Triết học Occam đánh dấu chấm dứt nền triết học Kinh viện. Tuy giáo hội tìm hết cách ngăn cản các quan điểm của Occam, chúng vẫn được giảng dạy rộng rãi và có thể coi là điểm khởi đầu của triết học duy nghiệm. Thực vậy, chúng ta thấy ở Occam một điềm báo rõ ràng cho sự xuất hiện của phong trào Phục Hưng. Tuy Occam chủ trương thuyết duy nghiệm cực đoan, ông vẫn là một tu sĩ Phanxicô và ông tin Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông nói sự tồn tại của Thiên Chúa không bao giờ có thể được xác nhận bởi việc nghiên cứu thiên nhiên bởi vì không có gì trong thiên nhiên chứng minh trực tiếp được rằng Thiên Chúa tồn tại. Vì vậy sự tồn tại của Thiên Chúa phải được chấp nhận bằng đức tin.

TINH THẦN THỜI ĐẠI TRƯỚC CUỘC PHỤC HƯNG

Trong các thế kỷ 14 và 15, triết học vẫn còn để phục vụ tôn giáo, như mọi người và mọi điều gì khác. Có hai hạng người, tin đạo và không tin đạo. Hạng thứ hai này, nếu không trở lại, thì bị trừng phạt thể xác, bị tù đày, hay giết chết, và họ bị coi là những kẻ đần độn hay bị quỷ ám. Không có hạng người ở giữa. Nếu vị Thiên Chúa được chiêm ngắm bằng nội quan là có thực, thì mọi vật khác cũng phải được coi là có thực, như ma quỷ hay các quái vật. Khoa chiêm tinh rất phổ biến, và ma thuật được thực hành khắp nơi. Mê tín không chỉ giới hạn nơi thành phần nông dân, mà cũng phổ biến cả nơi các vua chúa, các nhà trí thức, và hàng giáo sĩ.

Rõ ràng đây không phải thời đại rộng mở cho việc tra cứu. Theo kiểu nói của Kuhn (1973), tra cứu mang nét đặc trưng của một khuôn mẫu duy nhất: quan niệm của Kitô giáo về con người và thế giới. Tuy Kuhn đề cập chủ yếu về khoa học, khái niệm khuôn mẫu của ông cũng áp dụng được cho các lãnh vực tra cứu khác. Giống như với các khuôn mẫu khác, khuôn mẫu Kitô giáo đã quyết định điều gì có thể được chấp nhận như là một vấn đề và điều gì có thể được coi là một giải pháp. Các nhà triết học hoạt động trong "triết học bình thường" nghĩa là, giống như khoa học bình thường, nó chỉ quan tâm tới việc khai thác những hệ quả của khuôn mẫu đã được chấp nhận. Cả khoa học bình thường lẫn triết học bình thường đều không có nhiều sự sáng tạo. Kuhn nói rằng, muốn có một sự thay đổi khuôn mẫu, cần có những điều bất bình thường phát sinh trong khuôn mẫu có sẵn; nghĩa là, phải xảy ra các quan sát thường xuyên không thể giải thích được. Khi các điều bất bình thường tồn tại lâu, một khuôn mẫu mới dần dần được nhiều người theo và cuối cùng đánh đổ khuôn mẫu cũ. Đây là một tiến trình lâu dài, khó, và thường gây thương tổn cho những người chống đối khuôn mẫu cũ. Trong thời kỳ trước cuộc Phục Hưng, các điều bất bình thường xuất hiện ở mọi chỗ trong học thuyết Kitô giáo, và rõ ràng quyền bính của giáo hội đang trên đà xuống dốc. Có ít tiến bộ về triết học, khoa học, hay thần học trong nhiều thế kỷ. Để có tiến bộ, quyền bính giáo hội phải bị phá vỡ, và sự rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện hầu như khắp nơi.

CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Phát biểu vắn tắt đời sống tốt lành hệ tại điều gì theo thuyết hoài nghi, khuyển nho, khoái lạc, và khắc kỷ.

2. MacLeod đã đề nghị năm học thuyết gì về bản tính con người? Tóm tắt mỗi học thuyết.

3. Mô tả các nhân tố góp phần vào sự phát triển thần học Kitô giáo ban đầu.

4. Học thuyết của thánh Phaolô về đạo Kitô có những đặc tính gì?

5. Tóm lược triết thuyết Tân - Plato.

6. Thảo luận về tầm quan trọng của ý chí tự do trong triết học của thánh Augustine.

7. Augustine đã thay đổi quỹ đạo của việc kiểm soát hành vi con người từ các lực bên ngoài con người sang các lực bên trong con người như thế nào?

8. Augustine nghĩ con người có thể biết chắc chắn những gì, và ông đạt đến kết luận này thế nào? Theo Augustine, làm thế nào con người có thể kinh nghiệm Thiên Chúa và kinh nghiệm này tạo ra loại cảm xúc nào?

9. Thời Đại Đen Tối là đen tối như thế nào? Hãy cắt nghĩa.

10. Triết học của Aviceuna và Avenoes có tầm quan trọng nào đối với tư tưởng phương Tây?

11 Các tác phẩm của thánh Anselm và của Lombard dọn đường cho thế giới phương Tây chấp nhận triết học Aristotle như thế nào?

12. Luận cứ hữu thể học của Anselm phát biểu thế nào?

13. Công trình của Abelard và của Albert Cả có tầm quan trọng gì?

14. Tóm tắt cuộc tranh luận giữa các nhà hiện thực luận và các nhà duy danh luận. Lập trường của Abelard trong cuộc tranh luận này là gì?

15. Theo Aquinas, con người có thể biết Thiên Chúa bằng cách nào? Lập trường của Aquinas có những hệ quả gì?

16. Triết học Kinh viện là gì? Nêu một ví dụ về điều mà các nhà triết học Kinh viện đã làm.

17. Tại sao Occam là một bước ngoặt trong lịch sử tâm lý học?

18. William Occam là nhà hiện thực hay duy danh? Hãy giải thích.

19. Dao cạo của Occam là gì?

Created by AM Word2CHM

TỪ VỰNG

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 3. SAU ARISTOTLE: TÌM KIẾM ĐỜI SỐNG TỐT LÀNH

Cynicism - Thuyết khuyển nho: Thuyết cho rằng đời sống tốt nhất là sống gần với thiên nhiên và xa mọi luật lệ và quy tắc xã hội.

Dialectic method - Phương pháp biện chứng: Phương pháp Abelard sử dụng để tìm kiếm chân lý. Các câu hỏi được nêu và nhiều câu trả lời khác nhau cho các câu hỏi này được xem xét. Phương pháp này tương tự với phương pháp tiếp cận khoa học của Popper, trong đó các giải pháp khác nhau được đề nghị để xem xét và phê bình.

Epicureanism - Thuyết Epicurus: Thuyết cho rằng đời sống tốt nhất là tìm khoái lạc lâu dài bằng nếp sống điều độ.

Hedonism - Chủ nghĩa khoái lạc: Chủ trương rằng đời sống tốt là đời sống tìm kiếm khoái lạc và tránh đau khổ.

Internal sense - Nội cảm giác: Tri thức nội tâm về phải trái đạo đức mà các cá nhân sử dụng trong việc đánh giá hành vi và tư tưởng của mình. Là giả thiết của thánh Augustine.

Introspection - Nội quan: Việc xem xét các kinh nghiệm chủ quan của một người.

Neoplatonism - Thuyết Tân - Plato: Triết học nhấn mạnh các khía cạnh bí nhiệm nhất của triết học Plato. Các kinh nghiệm siêu nghiệm được coi là loại kinh nghiệm ý nghĩa nhất của con người.

Nominalism - Duy danh luận: Thuyết cho rằng các cái được gọi là phổ quát thể chỉ là các tên gọi thuần túy hay các tập quán tinh thần được dùng để diễn tả các loại kinh nghiệm.

Occam's rasor - Dao cạo của Occam: Sự tin tưởng rằng giữa một số giải thích khác nhau có cùng hiệu quả, giải thích nào phải sử dụng ít giả thiết nhất sẽ được chấp nhận.

Ontological argument of the existence of God - Luận cứ hữu thể học về sự hiện hữu của Thiên Chúa: Quan niệm của thánh Anselm rằng nếu chúng ta có thể nghĩ về một điều gì, điều đó phải có thật. Vì chúng ta có thể nghĩ về một hữu thể hoàn hảo (Thiên Chúa), nên hữu thể hoàn hảo này phải tồn tại.

Realism - Hiện thực luận: Thuyết cho rằng các phổ quát thể trừu tượng tồn tại thực sự và các sự kiện thường nghiệm chỉ là những biểu hiện bề ngoài của các phổ quát thể này.

Scholasticism - Triết học Kinh viện: Tổng hợp triết học Aristotle với học thuyết Kitô giáo.

Skepticism - Thuyết hoài nghi: Thuyết cho rằng mọi niềm tin đều có thể bị chứng minh là sai; vì vậy, để tránh khỏi thất vọng vì sai lầm, tốt nhất không nên tin gì cả.

Stoicism - Thuyết khắc kỷ: Thuyết cho rằng người ta phải sống theo kế hoạch của thiên nhiên và phải thản nhiên chấp nhận số phận mình, và chứng tỏ sự can đảm trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

Vedantism - Phái Vệ đà: Giáo phái Ấn độ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xuất thần.

Zoroastrianism - Bái hỏa giáo: Giáo phái Ba Tư đồng hóa chân lý và sự khôn ngoan với ánh sáng mặt trời, sự ngu dốt và xấu xa với bóng tối.

Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top