Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

Tinh thần tiên phong của Mỹ chỉ hăng hái chấp nhận những quan điểm mới, thực dụng, và không bận tâm đến phân tích trừu tượng về tinh thần. Thuyết tiến hóa cung cấp cho họ một quan điểm như thế, và Mỹ đã chấp nhận nó mau mắn hơn mọi quốc gia nào khác. Ngay cả tại nước Anh, cái nôi của thuyết tiến hóa, nó cũng không được tiếp nhận phấn khởi như tại Mỹ. Tại Mỹ, thuyết tiến hóa trở thành chủ đề ngự trị độc tôn trong hầu hết các khía cạnh của tâm lý học. Việc đưa thuyết tiến hóa vào tâm lý học đã tạo ra một thứ tâm lý học Mỹ độc đáo, đồng thời trung tâm nghiên cứu tâm lý học từ châu Âu đã di dời sang Hoa Kỳ, và tiếp tục ở lại đây cho tới nay.


THUYẾT TIẾN HÓA TRƯỚC THỜI DARWIN
CHARLES DARWIN
SIR FRANCIS GALTON
TRẮC NGHIỆM TRÍ THÔNG SAU GALTON
THANG ĐO BINET-SIMON TẠI HOA KỲ
TRẮC NGHIỆM TRÍ THÔNG MINH TRONG QUÂN ĐỘI
TỪ VỰNG

Created by AM Word2CHM

THUYẾT TIẾN HÓA TRƯỚC THỜI DARWIN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

Ý tưởng cho rằng trái đất và các sinh vật biến hóa một cách có hệ thống theo thời gian là một ý tưởng đã có ít nữa là từ thời các triết gia Hy Lạp đầu tiên. Vì Hy Lạp là một nước ven biển, người ta có thể quan sát các hình thức sự sống rất đa dạng tại đó. Các quan sát này không chỉ ngày càng khách quan hơn, chúng còn khiến cho một số nhà triết học Hy Lạp thời kỳ đầu bắt đầu triển khai một lý thuyết tiến hóa mang tính chất hiện đại một cách kỳ lạ:

Người ta phỏng đoán rằng khởi thủy trái đất ở dạng lỏng, sự thoát hơi nước làm xuất hiện đất trước tiên rồi các động vật, con người khởi thủy là một động vật sống dưới nước với bộ lưng có vảy và những vảy này rụng mất khi con người lên sống trên mặt đất. Một phỏng đoán khác cho rằng trái đất khởi thủy phủ đầy bùn từ đó các sinh vật phát triển nhờ sức nóng mặt trời. (Hulin, 1934, tr. 10-11)

Với một điểm xuất phát tốt như thế, tại sao thuyết tiến hóa đã không phát triển đầy đủ? Bởi vì một phần lớn Plato và Aristotle không tin vào sự tiến hóa. Theo Plato, số lượng các mô thể đã cố định vĩnh viễn, và các mô thể tự chúng không thay đổi. Theo Aristotle, số lượng các loài đã cố định, và sự đột biến từ một loài sang một loài khác là không thể được. Tin vào học thuyết của Plato và Aristotle, các nhà triết học Kitô giáo đưa thêm vào khái niệm về việc Thiên Chúa tạo dựng như mô tả trong sách Khởi Nguyên của Kinh Thánh. Trong sự khôn ngoan của Ngài, Thiên Chúa đã tạo dựng một số lượng các loài cố định, gồm có con người, và con số này chỉ có thể thay đổi bởi một sự can thiệp khác của Thiên Chúa, chứ không phải bởi các lực tự nhiên. Cách giải thích này về nguồn gốc các loài đã giữ nguyên trạng vấn đề mãi cho tới thời cận đại.

Đến thế kỷ 18, một số nhà tư tưởng lỗi lạc đã đưa ra giả thuyết tiến hóa, gồm có Erasmus Darwin (1731-1802) ông nội của Charles Darwin, tin rằng một loài có thể biến đổi tiệm tiến thành một loài khác. Điều còn thiếu trong các lý thuyết tiến hóa ban đầu này là cơ chế để sự biến đổi này diễn ra. Người đầu tiên giả thiết một cơ chế như thế là Jean Lamarck.

Sự di truyền các đặc tính học được

Trong cuốn Philosophie Zoologique (1809/1904), nhà tự nhiên học Pháp Jean Lamarck (1744-1829) nhận xét rằng các hóa thạch của nhiều loài khác nhau cho thấy rằng hình thù của chúng lúc ban đầu khác với hình thù hiện nay; do đó, các loài đã thay đổi theo thời gian. Lamarck kết luận rằng các thay đổi của môi trường là nguyên nhân làm cho có sự thay đổi về cấu trúc nơi các loài thực vật và động vật. Ví dụ: nếu do hiếm mồi, các con vật của một loài phải chạy nhanh hơn để bắt được số mồi ít ỏi đang có, các cơ bắp dùng để chạy trở nên phát triển hơn vì chúng được luyện tập thường xuyên. Nếu các cơ bắp cần để chạy được phát triển đầy đủ nơi con vật trưởng thành của một loài, con cái của con vật trưởng thành này sẽ được sinh ra với các cơ bắp phát triển rất cao, nhờ đó tạo cơ may nhiều hơn cho chúng tồn tại. Lý thuyết này được gọi là sự di truyền các đặc tính tập thành. Rõ ràng, những con vật trưởng thành nào trong một loài mà không thích ứng được với môi trường sẽ không sống sót và vì vậy sẽ không tạo ra dòng giống của chúng. Bằng cách này, theo Lamarck, các đặc tính của một loài sẽ thay đổi vì các tính chất cần thiết để sống còn đã thay đổi. Đó là sự đột biến của loài.

HERBERT SPENCER

Herbert Spencer (1820-1903) sinh tại Derby, một thành phố công nghiệp của Anh, chỉ học với cha của mình và sau này với chú của mình. Ông không bao giờ được đến trường. Năm 17, Spencer đi làm trong ngành đường sắt và trong mười năm tiếp theo ông thay đổi rất nhiều nghề, từ nghề trắc địa tới nghề chế tạo máy. Năm 1848 ông được một việc làm tại Luân Đôn, trong tòa báo - trước tiên làm biên tập cho tờ The Economist rồi làm một ký giả tự do. Quan tâm của Spencer đến tâm lý học và thuyết tiến hóa bắt nguồn hoàn toàn từ việc đọc sách trong thời gian này. Một cuốn sách có ảnh hưởng đặc biệt đến Spencer là Một Hệ Thống Luận Lý Học (1893) của John Stuart Mill.

Quan niệm của Spencer về Tiến hóa

Là một trong những người đầu tiên chấp nhận thuyết của Lamarck (và sau này của Darwin), Spencer lấy ý niệm tiến hóa và không chỉ áp dụng nó vào các loài động vật mà còn áp dụng vào cả tinh thần con người và các xã hội con người nữa. Trên thực tế, ông áp dụng ý niệm tiến hóa vào mọi sự vật trong vũ trụ.

Theo Spencer, mọi sự vật đều bắt đầu như một toàn thể không có sự khác biệt với nhau. Với sự tiến hóa, sự khác biệt xảy ra khiến cho các hệ thống ngày càng trở nên phức tạp hơn. Khái niệm này được áp dụng vào hệ thần kinh con người, hệ thần kinh này nhiều thế đại trước rất đơn giản và đồng nhất nhưng qua sự tiến hóa đã trở thành rất khác biệt và phức tạp.

Sự kiện ngày nay chúng ta có các hệ thần kinh phức tạp cho phép chúng ta làm rất nhiều các hoạt động liên tưởng; một sinh vật có số lượng liên tưởng càng nhiều thì sinh vật ấy càng thông minh. Tuy từ trí thông minh đã có ít là từ khi Cicero dùng từ intelligentia, nhưng Spencer là người có công đưa từ này vào trong tâm lý học. Hệ thần kinh vô cùng phức tạp của chúng ta cho phép chúng ta ghi nhận một cách chính xác nhờ sinh lý thần kinh (và nhờ tinh thần) các sự kiện trong môi trường của chúng ta, và khả năng này giúp cho sự sinh tồn của chúng ta.

Trong khi giải thích về cách thức hình thành các liên tưởng, Spencer chủ yếu dựa vào nguyên tắc tương cận. Các sự kiện môi trường mà xảy ra đồng thời hay nối tiếp nhau thì được ghi nhận trong não và tạo thành các ý tưởng về các sự kiện ấy. Qua quy trình tương cận, các ý tưởng của chúng ta sẽ vẽ ra bản đồ của các sự kiện môi trường. Tuy nhiên, theo Spencer, một mình nguyên tắc tương cận mà thôi không đủ để cắt nghĩa tại sao một số hành vi tiếp tục tồn tại trong khi một số khác biến mất. Để giải thích sự khác biệt này, Spencer chấp nhận giải thích của Bain về hành vi tự ý. Spencer nói, "Khi các hoàn cảnh lặp đi lặp lại, các cử động của cơ mà dẫn đến thành công thì có khuynh hướng được lặp lại; các cử động nào lúc đầu là một sự kết hợp ngẫu nhiên thì bây giờ trở thành một sự kết hợp có tính xác suất cao." Spencer đặt sự quan sát của Bain vào bối cảnh thuyết tiến hóa bằng cách khẳng định rằng một người tiếp tục lặp đi lặp lại các hành vi có lợi có sự sinh tồn (các hành vi tạo những cảm giác thích thú) và tránh các hành vi không có lợi (các hành vi tạo các cảm giác đau khổ). Tổng hợp của Spencer về nguyên tắc tương cận và thuyết tiến hóa được gọi là "thuyết liên tưởng tiến hóa." Quan niệm cho rằng tính thường xuyên hay xác suất của một hành vi sẽ tăng nếu nó được kèm theo một sự kiện dễ chịu và giảm nếu kèm theo một sự kiện đau khổ, quan niệm này được gọi là nguyên tắc Spencer-Bain.

Bước tiếp theo của Spencer là liên kết thuyết của ông trực tiếp với thuyết của Lamarck. Spencer tuyên bố rằng con cái được thừa hưởng các liên tưởng tích luỹ mà các tổ tiên của chúng đã học được. Các liên tưởng nào mà các thế hệ trước đã thấy là có lợi cho sự sinh tồn thì được truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Nghĩa là có sự di truyền các đặc tính tập thành. Lý thuyết của Spencer là sự kết hợp của thuyết duy nghiệm, thuyết liên tưởng, và thuyết bẩm sinh bởi vì ông tin rằng các liên tưởng đạt dược do kinh nghiệm thì được truyền lại cho con cái. Vì vậy Spencer là một nhà tâm lý học theo thuyết liên tưởng, nhưng thuyết liên tưởng của ông được gắn liền với thuyết tiến hóa của Lamarck. Ông cho rằng các liên tưởng mà thường xuyên được sử dụng thì được truyền lại cho con cái như là các bản năng hay phản xạ. Vì vậy theo Spencer, bản năng cũng chỉ là các thói quen đã có lợi cho sự sống còn của các thế hệ trước. Bản năng đã hình thành ở các thế hệ trước giống như các thói quen hình thành ở cuộc đời hiện tại của sinh vật - nhờ liên tưởng.

Khi công trình của Darwin xuất hiện, Spencer chỉ chuyên sự nhấn mạnh của ông từ các đặc tính tập thành sang sự chọn lọc tự nhiên. Ý niệm về sự sống sót của vật thích hợp nhất (do Spencer đưa ra năm 1852 và sau này được Darwin dùng) áp dụng cho cả hai trường hợp trên.

Thuyết Darwin xã hội

Có một trường hợp mà Spencer không bao giờ hiểu thuyết của Darwin, hay nếu ông hiểu thì ông không chấp nhận nó. Trong khi ứng dụng thuyết tiến hóa, Spencer đã nói những điều mà Darwin không bao giờ nói, hay Darwin bác bỏ thẳng thừng. Ví dụ, tiến hóa theo Spencer có nghĩa là tiến bộ. Nghĩa là tiến hóa có một mục đích; nó là cơ chế để đạt đến sự hoàn hảo. Darwin thì không tin điều này. Theo Spencer, sự đạt đến hoàn hảo của con người chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Spencer cũng xa rời quan niệm của Darwin khi Spencer ứng dụng các nguyên tắc tiến hóa vào các xã hội. Theo Spencer, các xã hội tiến hóa giống như một sinh vật. Ngược lại, Darwin không tin có điều đó. Việc Spencer áp dụng vào xã hội khái niệm của ông về sự sống sót của vật thích hợp nhất được gọi là thuyết Darwin xã hội. Theo Spencer, con người sống trong xã hội, giống như các loài vật khác trong môi trường tự nhiên của chúng, tranh đấu để sống còn, và chỉ có cá nhân nào thích hợp nhất mới sống sót.

Created by AM Word2CHM

CHARLES DARWIN

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

Charles Darwin (1800-1882) sinh ngày 12 tháng 2 tại Shrewsbury, Anh, cùng năm Lamarck xuất bản cuốn sách của ông mô tả sự di truyền các đặc tính tập thành. Robert, cha của ông là một bác sĩ nổi tiếng, và Susannah Wedgewood xuất thân từ một gia đình nổi tiếng về nghề chế tạo đồ sứ. Hai ông bà có 5 người con, Charles là con áp út. Như đã nói trên, ông nội Darwin, Erasmus Darwin là một bác sĩ nổi tiếng và rất say mê thuyết tiến hóa. Sau khi học vỡ lòng tại nhà, Darwin được gửi đến trường nhưng ở trường ông học dở đến độ cha ông nói rằng sau này ông sẽ làm hư hoại thanh danh mình cũng như gia đình. Darwin dành phần lớn thời giờ sưu tập và phân loại các cây cỏ, con sò, và khoáng vật. Về học hành ông không tiến bộ gì cả cho tới năm 16 tuổi ông vào trường y khoa của Đại học Edinburg. Ông nhàm chán các bài giảng và không thể chịu đựng nổi việc đứng nhìn cảnh giải phẫu mà không dùng thuốc mê (hồi đó chưa có). Theo lời khuyên của cha, ông đổi sang Đại học Cambridge để được đào tạo thành một giáo sĩ Anh giáo. Tại Cambridge, Darwin tham gia câu lạc bộ nhậu, chơi bời xả láng cho tới khi tốt nghiệp năm 1831 với thứ hạng kém. Thời gian ở Cambridge, Darwin nhớ ông thích lý nhất là sưu tầm các con xén tóc.

Chính sự mê say tìm hiểu côn trùng học đã tạo dịp cho ông tiếp xúc với các giáo sư thực vật học và địa chất học ở Cambridge, ông học và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các giáo sư này. Trong thời gian ở Cambridge, Darwin đã kết bạn với nhà thực vật học John Henslow. Henslow được mời làm việc trên con tàu thám hiểm Beagle, nhưng vì bận công việc gia đình, ông đã từ chối lời mời và đề nghị cho Darwin đi thay ông. Thoạt đầu, cha của Darwin không cho phép ông đi, nhưng sau khi thảo luận với gia đình ông đã thay đổi ý kiến và đã cho phép Darwin dự cuộc thám hiểm.

Hành trình của con tàu Beagle

Thế là với sự khuyến khích của một giáo sư của ông, Darwin đã ký tên tham dự công việc làm nhà nghiên cứu thiên nhiên không được trả lương trên con tàu Bengle, do chính phủ phái đi trong chuyến thám hiểm khoa học 5 năm (1831-1836). Tàu Beagle nhổ neo ở cảng Plymouth, Anh, ngày 27 tháng 12, 1831. Lúc ấy Darwin 23 tuổi. Trước hết tàu vượt biển đến Nam Mỹ, tại đây Darwin tìm hiểu các sinh vật biển, các hóa thạch, và các bộ lạc Da Đỏ. Sau đó, mùa thu 1835, tàu Beagle dừng lại ở quần đảo Galapagos, tại đây ông nghiên cứu các giống rùa khổng lồ, thằn lằn, sư tử biển, và 13 loài chim sẻ. Điều đáng chú ý ông nhận thấy là các giống rùa, thực vật, côn trùng và các sinh vật khác ở mỗi đảo mỗi khác nhau, cả khi các đảo chỉ cách nhau một khoảng rất ngắn. Tàu Beagle tiếp tục đến Tahiti, New Zealand, và Úc; đến tháng 10, 1836, Darwin trở về Anh, tại đây ông lao mình vào công việc phân loại số mẫu động vật trong sưu tập khổng lồ của ông.

Về lại nước Anh

Cả khi đã trở về Anh, các quan sát của Darwin vẫn còn rất rời rạc: ông cần một nguyên tắc để nối kết chúng lại. Sau khi đọc tác phẩm Cảo luận về Nguyên Tắc Dân Số Học (1798/1914) của Thomas Malthus, Darwin đã có được nguyên tắc ấy. Malthus nhận thấy rằng lượng cung cấp lương thực cho thế giới tăng theo cấp số cộng, trong khi dân số tăng theo cấp số nhân. Ông kết luận rằng lượng cung cấp lương thực và dân số được giữ ở mức cân bằng nhờ các sự kiện như chiến tranh, chết đói, và bệnh tật. Darwin đã bổ sung cho ý niệm của Malthus và áp dụng khái niệm này cho động vật, thực vật, và loài người:

Tháng 10 năm 1838, nghĩa là 18 tháng sau khi bắt đầu công việc nghiên cứu có hệ thống, tình cờ tôi đọc cuốn Dân số của Malthus để giải trí, và vì đã được chuẩn bị để hiểu sự đấu tranh giành sự sống diễn ra khắp nơi nhờ việc tôi đã quan sát được nơi thói quen của các loài động vật và thực vật, bất ngờ tôi hiểu rằng trong những hoàn cảnh thuận lợi, các sự biến đổi sẽ có khuynh hướng được duy trì, còn trong những hoàn cảnh bất lợi, chúng bị mất đi. Kết quả của điều này là sự hình thành các loài mới. Vì vậy rốt cuộc tôi đã có một lý thuyết để làm việc; nhưng vì sợ mắc phải thiên kiến, tôi đã quyết định không viết gì cả trong một thời gian, dù chỉ là một phác thảo rất ngắn về nó. (F. Darwin, 1959, tr. 42-43).

Tháng 6 năm 1858, Darwin nhận một lá thư của Alfred Russell Wallace (1823-1913) mô tả một lý thuyết tiến hóa gần như giống hệt thuyết của Darwin. Wallace cũng chịu ảnh hưởng Cảo luận của Malthus, cùng với các quan sát của bản thân ông trong vùng Amazon và Quần đảo Malay. Charles Lyell, nhà địa chất tiến hóa, đã xem xét các ý tưởng của cả Darwin lẫn Wallace và đề nghị rằng cả tài liệu của Wallace lẫn bản thảo viết vội của Darwin được đọc tại Hội Linnaean vào cùng một ngày và không có mặt cả hai tác giả. Người ta đã làm theo gợi ý trên, và không tài liệu nào gợi được sự chú ý nhiều của cử toạ. Tác phẩm tạo nên thời đại, Bàn Về Nguồn Gốc Các Loài bằng sự Đào Thải Tự Nhiên của Darwin được xuất bản hai tháng sau đó. Nhưng lúc này thuyết tiến hóa đã được người ta chú ý quá nhiều khiến cho 1500 bản in của cuốn sách đã được bán sạch ngay trong ngày đầu tiên. Vì Darwin đã thu thập được một lượng dữ liệu quá lớn và vì công trình đầy đủ của ông, nên chúng ta coi Darwin, chứ không phải Wallace, là tác giả của thuyết tiến hóa. Tuy nhiên, một ngày nào đó trong tương lai, những gì được nói ở phần sau đây có thể sẽ được gọi là thuyết tiến hóa của Darwin-Wallace.

Thuyết Tiến hóa của Darwin

Khả năng sinh sản của mọi loài sinh vật cho phép con cái của chúng có thể ngày càng sống sót nhiều hơn trong một môi trường nhất định; vì vậy, đã xảy ra một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Trong số con cái của bất cứ loài nào, có các khác biệt cá thể rất lớn, một số có lợi cho sự sống còn hơn một số khác. Kết quả là sự sống sót của vật thích hợp nhất (thuật ngữ Darwin mượn của Spencer). Ví dụ: nếu có sự thiếu lương thực trong môi trường sống của loài hươu cao cổ, thì chỉ những con nào có cổ đủ dài để vươn lên tới các cành lá còn sót trên các cây cao mới có thể sống sót và sinh sản. Bằng cách ấy, trong tình trạng thiếu lương thực, các con hươu có cổ ngắn hơn sẽ dần dần tuyệt chủng. Như thế, sự đào thải tự nhiên diễn ra giữa các con cái của cùng một loài.

Darwin định nghĩa sự thích hợp là khả năng của sinh vật để sống và sinh sản, chỉ có thế. Vì vậy, sự thích hợp được quyết định bởi các đặc tính của sinh vật và của môi trường. Các đặc tính cho phép sinh vật điều chỉnh thích đáng với môi trường thì được gọi là thích nghi. Sinh vật nào có các đặc tính thích nghi thì thích hợp, không có thì không thích hợp. Nên lưu ý rằng sức mạnh, tính chiến đấu và tính cạnh tranh không được nhắc đến. Không một tính chất nào trong số này tất yếu dẫn đến sự thích hợp.

Trong Nguồn Gốc của Các Loài (1859), Darwin nói rất ít về loài người, nhưng về sau ông cũng nhấn mạnh rằng loài người cũng là sản phẩm của tiến hóa. Theo ông, cả loài người và loài vượn đều bắt nguồn từ cùng một tổ tông chung rất xa là loài linh trưởng.

Việc Darwin so sánh trực tiếp loài người với loài vật trong Các biểu hiện cảm xúc nơi con người và các Động vật, cùng với sự nhấn mạnh rằng loài người chỉ khác loài vật về mức độ mà thôi, đã làm phát sinh khoa tâm lý học so sánh và tâm lý học loài vật. Ngày nay người ta thấy rõ có thể học được nhiều điều về con người nhờ nghiên cứu các động vật "thấp hơn."

Ảnh hưởng của Darwin

Ít nhất cũng phải nói thuyết Darwin là một cuộc cách mạng. Ảnh hưởng của nó từng được sánh với ảnh hưởng của thuyết Copernicus và Newton. Ông đã thay đổi quan niệm truyền thống về bản tính con người và cùng với nó, thay đổi lịch sử của triết học và tâm lý học. Ngoài ảnh hưởng đối với tâm lý học nói chung, thuyết tiến hóa ngày nay đang có một ảnh hưởng trực tiếp hơn. Năm 1975, Edward Wilson xuất bản cuốn Xã hội Sinh vật học: Tổng Hợp Mới, tìm cách giải thích hành vi xã hội của các sinh vật, bao gồm con người, dựa trên thuyết tiến hóa. Bằng cách sửa đổi định nghĩa của Darwin từ sự thích hợp để sống còn và sinh sản nơi cá thể sinh vật thành sự bảo tồn các gen di truyền của một sinh vật, sinh vật học xã hội có thể giải thích rất nhiều hành vi xã hội của con người. Nghĩa là, theo các nhà sinh vật học xã hội, sự thích hợp được quyết định bởi khả năng của một sinh vật bảo tồn được gen của mình, chứ không phải bởi khả năng thành công trong việc sinh sản con cái. Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bảo tồn đến di truyền, các nhà xã hội nhấn mạnh rất nhiều về các mối quan hệ bà con họ hàng. Với khái niệm này, các nhà xã hội sinh vật học tìm cách cắt nghĩa các điều như tình yêu, vị tha; chiến tranh, tôn giáo, đạo đức, chế độ hôn nhân, chiến lược hôn nhân chọn lọc, chiến lược sinh đẻ và nuôi dạy con cái, tính bài ngoại, thái độ hiếu chiến, chế độ gia đình trị…

Như sẽ thấy trong phần còn lại của chương này, các ý tưởng của Darwin cuối cùng đã khai sinh được một loại tâm lý học độc đáo của Mỹ - một tâm lý học nhấn mạnh đến các khác biệt cá nhân và sự đo lường các khác biệt ấy, giá trị thích nghi của tư tưởng và hành vi, và việc nghiên cứu hành vi loài vật. Nhưng trước khi học về tâm lý học Mỹ, chúng ta phải xét đến công trình của một tác giả vốn là một gạch nối quan trọng giữa lý thuyết Darwin và tâm lý học Mỹ.

Created by AM Word2CHM

SIR FRANCIS GALTON

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

Erasmus Darwin, bác sĩ, triết gia, thi sĩ, và nhà lý thuyết tiến hóa thời đầu, là ông nội của cả Charles Darwin lẫn Francis Galton (1822-1911). Galton là em họ của Darwin, sinh gần Birmingham, Anh, ngày 16 tháng - 2, là con út của gia đình 7 người con. Cha ông là một chủ ngân hàng giàu có, và mẹ ông là em cùng cha khác mẹ với cha của Charles Darwin. Galton học mẫu giáo tại nhà, năm 2 tuổi rưỡi đã biết đọc biết viết. Năm 5 tuổi đã đọc được mọi sách viết bằng tiếng Anh và năm 7 tuổi đã đọc được các tác phẩm của Shakespeare để giải trí. Nhưng sự việc đã thay đổi khi Galton được gửi vào trường nội trú, ở đó ông phải chịu một nền giáo dục hà khắc bằng roi vọt, kỷ luật sắt, và các bài giảng đạo đức của thầy cô, cùng với các cuộc đánh lộn với bạn bè. Năm 16, ông bỏ trường nội trú và được gửi đến học ngành thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Birmingham; sau kinh nghiệm thực tế này, ông chuyển đến King's College ở Luân Đôn. Sau đó ông chuyển đến Đại học Cambridge và đậu bằng tốt nghiệp tại đây năm 1843.

Do có khả năng tài chánh dồi dào, sau khi tốt nghiệp, Galton đi chu du ở Ai Cập, Sudan, và Trung Đông. Sau đó ông về nhà và kết bạn trong ít năm với các bè bạn giàu có - cỡi ngựa, bắn súng, chơi bóng, và thí nghiệm về điện. Sau khi tham khảo ý kiến một nhà tướng sọ học và được khuyên sống một đời hoạt động, Galton quyết định gia nhập Hội Địa Lý Hoàng Gia trong một chuyến du hành sang Tây nam châu Phi. Chuyến đi kéo dài hai năm, và nhờ việc ông chế ra được một bản đồ về các lãnh thổ chưa từng được khám phá trước kia tại châu Phi (nay là Namibia), Hội Địa Lý Hoàng Gia năm 1853 đã trao tặng ông huân chương danh dự hạng nhất của Hội. Năm ấy Galton 32 tuổi. Chúng ta có thể thấy trong khả năng làm bản đồ của Galton một niềm say mê mà Galton theo đuổi trong cả cuộc đời trưởng thành của ông: niềm say mê đo đạc các sự vật.

Năm 1853 Galton xuất bản sách đầu tiên của ông, Tường Thuật của một nhà Thám hiểm Nam Phi Nhiệt Đới. Ông được nhìn nhận là một chuyên gia về du lịch vùng hoang dã, và chính quyền Anh cử ông đi dạy về các thủ thuật cắm trại cho quân đội. Năm 1855 ông xuất bản cuốn sách thứ hai, Nghệ Thuật Du Lịch, gồm những thông tin về việc phải đối xử với các thú hoang và thú dữ như thế nào. Nhờ óc sáng tạo của ông, ông được bầu làm chủ tịch Hội Địa Lý Hoàng Gia năm 1856.

Để minh họa thêm về niềm say mê đo đạc của Galton, sau đây là một ít các công trình của ông:

- Trong cố gắng đo và dự báo thời tiết, ông sáng chế ra bản đồ thời tiết

- Ông là người đầu tiên gợi ý rằng có thể dùng dấu vân tay để nhận dạng người - thủ thuật này về sau được Scotland Yard chấp nhận.

- Ông tìm cách xác định xem nước nào có nhiều phụ nữ đẹp nhất.

- Ông đo mức độ nhàm chán khi đọc các sách khoa học.

Người ta có thể tưởng tượng Galton vui thích biết bao khi biết về lý thuyết tiến hóa của Charles Darwin với sự nhấn mạnh của lý thuyết này về các khác biệt cá nhân. Galton tin rằng nếu có các khác biệt cá nhân quan trọng giữa các con người, rõ ràng có thể đo lường và phân loại các khác biệt ấy. Việc này đã trở thành sứ mạng cuộc đời của ông.

Đo trí thông minh

Galton cho rằng trí thông minh là vấn đề thuộc lãnh vực tinh tế của giác quan bởi vì con người chỉ có thể biết thế giới nhờ giác quan. Như vậy, giác quan càng tinh nhậy, người ta càng thông minh. Hơn nữa, vì sự tinh nhậy của giác quan tùy thuộc vào sự di truyền tự nhiên, nên trí thông minh là do di truyền. Và nếu do di truyền, người ta có thể giả thiết rằng các đầu óc thông minh cực độ đều ở trong các dòng họ thông minh cực độ. Các kết quả nghiên cứu của Galton về trí thông minh (1869) là như sau: Con cái của các cá nhân xuất chúng thường cũng thông minh phi thường hơn con cái của các cá nhân bình thường. Tuy nhiên, Galton cũng nhận thấy rằng cũng cần có sự chuyên cần và gắng sức thì khả năng thông minh di truyền mới đạt được mức trổi vượt.

Đo con người

Ước muốn đo các khác biệt cá nhân của con người đã gợi hứng cho ông sáng tạo một "phòng thí nghiệm đo con người" tại cuộc Triển Lãm Y Tế Thế Giới tại Luân Đôn năm 1884. Tại đây, trong khoảng một năm, ông đã đo 9.337 người theo bất cứ kiểu nào mà ông có thể nghĩ ra. Ví dụ, ông đo kích thước của đầu, sải tay, chiều cao khi đứng, khi ngồi, chiều dài của ngón tay giữa, trọng lượng, sức mạnh khi vặn bàn tay (đo bằng một động lực kế), dung lượng hít thở, độ nhậy của thị giác, thính giác, thời gian phản ứng với các kích thích thị giác và thính giác, âm giai cao nhất có thể nghe thấy, và tốc độ của một quả đấm. Ông đã sáng chế ra các kiểu đo này bởi ông tin rằng sự tinh nhậy của giác quan có liên quan đến trí thông minh, và vì lý do này, "phòng thí nghiệm đo con người" của Galton có thể được coi là một cố gắng để đo trí thông minh.

Cống hiến của Galton cho tâm lý học

Ít có cá nhân nào trong tâm lý học có nhiều sáng kiến được nhìn nhận như Galton. Trong số các sáng kiến của Galton, phải kể việc nghiên cứu vấn đề bản tính và sự nuôi dưỡng của môi trường, việc sử dụng các bản câu hỏi, sử dụng trắc nghiệm từ liên tưởng, nghiên cứu về sinh đôi, nghiên cứu về hình ảnh, và sự phát triển kỹ thuật tương quan. Đâu đâu trong công trình của ông chúng ta cũng thấy ông quan tâm tới các sự khác biệt cá nhân và việc đo lường chúng, và sự quan tâm này là một phản ánh trực tiếp ảnh hưởng của thuyết tiến hóa của Darwin.

Created by AM Word2CHM

TRẮC NGHIỆM TRÍ THÔNG SAU GALTON

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

James Mckeen Cattell

Việc chuyển các phương pháp trắc nghiệm của Galton sang Hoa Kỳ được thực hiện chủ yếu bởi các cố gắng của James Mckeen Cattell (1860-1944). Cattell từng theo học với cả Wundt lẫn Galton tại châu Âu nhưng chịu ảnh hưởng Galton nhiều hơn. Cattell sinh ngày 25 tháng 5 tại Easton, Peunsylvania, Hoa Kỳ. Ông vào trường Lafayette College trước khi đủ 16 tuổi và đứng đầu lớp mà không cần cố gắng nhiều. Ông thích nhất môn toán và vật lý. Sau khi tốt nghiệp ở Lafayette, ông đi sang Leipzig học với Wundt. Khi học với Wundt, Cattell và các bạn học đã làm nhiều cuộc nghiên cứu về thời gian phản ứng. Cattell nhận thấy rằng thời gian phản ứng của bản thân ông khác một cách có hệ thống với các bạn cùng nghiên cứu với ông, và ông đề nghị Wundt khai thác các khác biệt cá nhân về thời gian phản ứng. Đề nghị này bị bác bỏ bởi Wundt quan tâm tới bản tính chung của trí khôn hơn là các khác biệt cá nhân. Vào khoảng thời gian này, Cattell biết được phòng thí nghiệm đo người của Galton tại Luân Đôn và bắt đầu thư từ với Galton chủ yếu về vấn đề đo thời gian phản ứng. Sau khi tốt nghiệp với Wundt, Cattell bắt đầu làm nghiên cứu sinh trong 2 năm tại Đại học Cambridge, tại đây ông được làm việc với Galton. Dưới ảnh hưởng của Galton; Cattell bắt đầu tin rằng trí thông minh có tương quan tới sự tinh nhậy của giác quan và nó chủ yếu là do di truyền.

Khi trở về Mỹ năm 1888, Cattell được tiếp nhận làm thành viên của Đại học Pennsylvania, và tại đây ông hướng dẫn cho sinh viên trong các thí nghiệm về đo lường theo kiểu Galton. Năm 1890 ông xuất bản các kỹ thuật và kết quả của ông trong một bài báo, trong đó thuật ngữ trắc nghiệm trí khôn được ông sử dụng lần đầu tiên.

Năm 1891 Cattell chuyển sang Đại học Columbia, tại đây ông dạy các trắc nghiệm của ông cho các sinh viên năm đầu tiên. Chương trình trắc nghiệm của Cattell giả thiết rằng nếu một số trắc nghiệm của ông đo cùng một điều (trí thông minh), kết quả của các trắc nghiệm này phải có tương quan rất cao với nhau. Nó cũng giả thiết rằng nếu các trắc nghiệm đang được dùng để đo trí thông minh, chúng phải có tương quan rất cao với kết quả học tập tại trường. Nghĩa là, để một trắc nghiệm trí thông minh có giá trị, nó phải có các tiên đoán về các sự khác biệt mà các cá nhân thể hiện khi làm các công việc đòi hỏi trí thông minh.

Năm 1901, Clark Wissler, một trong các sinh viên tốt nghiệp của Cattell, đã trắc nghiệm các giả thiết của Cattell. Wissler đo sự tương quan giữa các trắc nghiệm của Cattell, và giữa kết quả của các trắc nghiệm khác nhau với kết quả học tập. Các kết quả trắc nghiệm của Wissler đã làm cho chương trình trắc nghiệm của Cattell sụp đổ. Wissler thấy rằng các tương quan giữa các trắc nghiệm rất thấp và sự tương quan giữa các trắc nghiệm khác nhau với kết quả học tập tại trường gần là zero. Như vậy, các trắc nghiệm không đo cùng một điều bởi vì nếu có thì chúng phải có tương quan rất cao; và chúng không có giá trị vì nếu có, các kết quả của chúng phải có tương quan rất cao với các kết quả học tập.

Với các khám phá mập mờ và tiêu cực này, sự quan tâm về trắc nghiệm trí khôn phai nhạt dần. Wissler chuyển sang lãnh vực nghiên cứu nhân học và trở thành một nhà môi trường học có uy tín, còn Cattell chuyển sang tập trung vào công việc quản trị và biên tập tạp chí. Nhấn mạnh của tâm lý học Mỹ hướng sang lãnh vực thực dụng, và có vẻ phương pháp đo lường của Galton không có ích bao nhiêu, ít là trong việc trắc nghiệm trí thông minh. Tuy vậy, sự trì trệ này không kéo dài lâu.

Alfred Binet

Tại Pháp, người ta thử một kiểu đo trí thông minh khác, có vẻ thành công hơn kiểu của Galton. Đó là đo trực tiếp các hoạt động tinh thần phức tạp mà người ta nghĩ là có liên quan đến trí thông minh. Alfred Binet (1857-1911) là người dẫn đầu về phương pháp trắc nghiệm này, dựa theo truyền thống duy lý hơn là truyền thống duy nghiệm.

Binet sinh ngày 11 tháng 7 tại Nice, Pháp. Cha ông là bác sĩ, cũng như cả ông nội lẫn ông ngoại của ông. Cha mẹ ông ly hôn khi ông còn bé, và ông được nuôi dạy bởi một mình mẹ ông, một nghệ sĩ tài ba. Tuy ban đầu ông theo ngành y khoa của gia đình, nhưng ông bỏ ngang để chuyển sang tâm lý học. Vì được độc lập tài chánh, Binet có thời giờ để tự học, và ông đọc các sách của Darwin, Galton, và các nhà duy nghiệm Anh (nhất là John Stuart Mill), ông không theo học bài bản về tâm lý học.

Binet bắt đầu sự nghiệp tâm lý học bằng cách làm việc với Jean-Marie Charcot (182(j-1893), nhà tâm bệnh học nổi tiếng thế giới, tại La Salpêtrière. Giống Charcot, Binet nghiên cứu về việc thôi miên, và ông tuyên bố rằng trong một nghiên cứu ông đã có thể điều khiển các triệu chứng và cảm giác của một người bị thôi miên bằng cách di chuyển một cục nam châm đến các chỗ khác nhau quanh thân thể người bị thôi miên. Ông cũng tuyên bố có thể dùng nam châm để thay đổi sự sợ hãi một đối tượng, như sợ rắn, thành sự yêu thích nó. Binet nghĩ rằng các khám phá này có thể có những hệ quả quan trọng đối với việc thực hành y khoa nói chung và đối với tâm bệnh học nói riêng, nhưng các nhà nghiên cứu khác không thể đạt được các khám phá giống như của Binet và họ kết luận rằng các kết quả của ông là do việc kiểm soát thí nghiệm yếu kém. Ví dụ, các chủ thể thí nghiệm của Binet luôn luôn biết trước họ phải làm gì. Khi các chủ thể không biết trước các chờ đợi của người nghiên cứu, họ không cho thấy các hiện tượng như Binet thấy. Vì vậy, chính sự ám thị tạo ra các kết quả của Binet, chứ không phải tác dụng của nam châm. Sau một cố gắng lâu dài nhằm bênh vực ý kiến của mình, cuối cùng Binet đã nhìn nhận rằng kết quả của ông là do sự ám thị chứ không phải do tác dụng của nam châm, và ông đã từ chức tại La Salpêtrière năm 1890.

May thay, sự nghiệp tâm lý học của Binet lần thứ hai thành công hơn. Không có chỗ đứng trong làng tâm lý học chuyên nghiệp, Binet hướng chú ý của mình vào việc nghiên cứu sự phát triển trí thức của hai bé gái của ông, lúc ấy một đứa hai tuổi rưỡi và đứa kia bốn tuổi rưỡi. Ông làm ra các trắc nghiệm rất giống các trắc nghiệm của Jean Piaget sau này. Chẳng hạn, ông hỏi đống nào trong hai đống vật để trên bàn có nhiều vật hơn, thì ông thấy rằng câu trả lời không dựa vào con số các vật trong mỗi đống mà vào lượng không gian mỗi đống chiếm trên mặt bàn. Ông cũng tìm hiểu xem hai bé gái của ông có thể nhớ đến mức nào các vật mà ông cho chúng xem thấy một lần rồi cất đi. Ông cũng dùng một số trắc nghiệm của Galton và Cattell để đo lường độ tinh nhậy thị giác và thời gian phản ứng. Năm 1890 ông xuất bản ba cảo luận mô tả kết quả nghiên cứu của ông trên hai người con gái của ông; và năm 1903 ông xuất bản Nghiên cứu Thực nghiệm về Trí thông minh, tóm lược việc nghiên cứu sự phát triển tri thức của các con gái ông theo thời gian.

Năm 1891 ông gia nhập phòng thí nghiệm tâm lý học sinh lý tại Đại học Sorbonne, tại đây ông thực hiện việc nghiên cứu về các lãnh vực như trí nhớ, bản chất sự sợ hãi của tuổi thơ, tính đáng tin cậy của chứng cớ tận mắt, tính sáng tạo, tư tưởng không hình ảnh, và thuật xem chữ viết. Trong những năm làm việc tại Sorboune, Binet cũng nghiên cứu các khác biệt cá nhân trong tri giác về các dấu vết mực - trước công trình trắc nghiệm nổi tiếng của Roischach. Trong cuốn sách tiểu sử Binet nổi tiếng của Wolf (1973), bà nói rằng Binet là ông tổ của tâm lý học thực nghiệm tại Pháp và ông có nhiều ảnh hưởng đối với tâm lý học Hoa Kỳ hơn là Wundt.

Tâm lý học cá nhân

Binet không quan tâm nghiên cứu những điểm chung của người ta, nhưng chủ yếu quan tâm đến các điểm khác biệt giữa người ta với nhau. Năm 1896, cùng với trợ tá của ông là Victor Henri (1872- 1940), Binet viết một bài báo nhan đề "Tâm lý học cá nhân," trong đó họ đề nghị một danh sách các yếu tố thay đổi làm cho các cá nhân khác nhau, đặc biệt về trí thức. Họ tìm kiếm một bảng liệt kê các yếu tố khác nhau quan trọng và cách để xác định mỗi yếu tố tồn tại tới mức nào trong một cá nhân nhất định. Với các yếu tố biến thiên được phân lập và một cách để đo chúng, họ hi vọng có thể "đánh giá" mọi cá nhân trong một thời gian tương đối ngắn. Nói cách khác, Binet và Henri đề nghị nghiên cứu các khả năng tri thức cách trực tiếp thay vì dựa vào sự tinh nhạy của giác quan. Bảng danh sách như vậy được đề nghị năm 1896 bao gồm trí nhớ, hình ảnh, trí tưởng tượng, chú ý, thấu hiểu, khêu gợi, phán đoán thẩm mỹ, phán đoán đạo đức, sức mạnh ý chí, và phán đoán về thị giác không gian.

Tiếc rằng mục tiêu của Binet và Henri trong việc đánh giá trong một thời gian ngắn các quy trình tinh thần cao hơn của một người đã thất bại. Sự thất bại này đã khiến Binet và Henri phải từ bỏ kế hoạch "tâm lý học cá thể". Tuy nhiên kinh nghiệm đạt được sẽ có ích cho kế hoạch tiếp theo của Binet.

Đánh giá sự yếu kém tri thức

Năm 1899, Theodore Simon (1873-1961), đang làm việc như một nghiên cứu sinh trong một viện lớn dành cho trẻ em chậm phát triển trí khôn, đã xin Binet bảo trợ cho luận án tiến sĩ nghiên cứu của ông. Binet nhận lời và coi đây là cơ hội để ông tiếp cận với một phạm vi đề tài rộng rãi. Cùng năm 1899, Binet gia nhập Hội Tự Nguyện về Nghiên cứu Tâm lý Trẻ Em, một tổ chức tìm kiếm những thông tin giá trị về trẻ em, đặc biệt về các vấn đề giáo dục trẻ em. Binet lập tức trở thành người lãnh đạo của hội. Năm 1903 Binet và Simon được chính phủ Pháp bổ nhiệm trông coi việc nghiên cứu các vấn đề của trẻ em chậm phát triển tại các trường học Pháp. Người ta thấy rõ ngay lập tức rằng muốn cho các em chậm phát triển nhận được sự giáo dục đặc biệt, cần phải có một phương pháp để phân biệt các em với các trẻ bình thường. Hồi đó người ta sử dụng các trắc nghiệm của Galton để phát hiện các trẻ chậm phát triển trí óc, và Binet thấy rằng vì các trắc nghiệm này, các em bị mù hay câm thường bị đánh giá sai là các em chậm phát triển.

Năm 1904 Binet và Simon bắt đầu soạn ra các trắc nghiệm để có thể phân biệt giữa các em trí óc bình thường và các em trí óc chậm phát triển. Qua các nghiên cứu trước kia, Binet tin chắc rằng cách tốt nhất để xem xét các khác biệt cá nhân là căn cứ vào các quy trình tinh thần phức tạp, và rất nhiều trắc nghiệm cho các trẻ em bình thường và dưới bình thường được làm theo kiểu này. Sau nhiều lần thử và sai, Binet và Simon đạt đến một trắc nghiệm đầu tiên về đo trí thông minh trực tiếp thay vì bằng các phương pháp đánh giá gián tiếp dựa vào sự tinh nhậy của giác quan.

Thang đo trí thông minh Binet-Simon năm 1905 và các lần hiệu đính

Binet và Simon cống hiến thang đo trí thông minh Binet-Simon như một phương pháp hiệu quả để phân biệt trẻ em bình thường với trẻ em chậm phát triển trí óc. Thang đo được làm năm 1905 gồm có 30 trắc nghiệm xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, từ cử động đơn giản của mắt đến các định nghĩa trừu tượng. Ba trong số trắc nghiệm này đo sự phát triển vận động, và 27 trắc nghiệm còn lại đo các khả năng tri thức. Các trắc nghiệm này được xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nên nếu đứa trẻ qua được càng nhiều trắc nghiệm thì càng được coi là có mức phát triển tri thức cao. Thang đo được dành để trắc nghiệm các trẻ em bình thường và các trẻ em bị coi là chậm phát triển, tất cả ở độ tuổi từ 2 đến 12.

Sau đây là 30 trắc nghiệm trong Thang đo Binet-Simon năm 1905:

1. Chứng minh sự phối hợp thị giác.

2. Chứng minh sự nắm bắt khi tiếp xúc (nắm lấy một khối vuông sau khi chạm vào nó).

3. Chứng minh sự nắm bắt bằng mắt.

4. Nhận ra thức ăn (chọn giữa miếng gỗ và thanh sôcôla).

5. Tìm thức ăn (để miếng sôcôla gói kín trong giấy).

6. Làm theo các lệnh đơn giản hay lặp lại các điệu bộ.

7. Chỉ về các đồ vật (đầu, mũi, v. v...).

8. Nhận ra các đồ vật trong hình.

9. Gọi tên các đồ vật trong hình.

10. Phân biệt chiều dài của hai đường thẳng.

11. Lặp lại con số ba đơn vị.

12. Phân biệt hai vật nặng.

13. Chống lại các gợi ý.

14. Định nghĩa các từ đơn giản.

15. Lặp lại câu có 15 từ.

16. Nói sự khác biệt giữa một cặp đồ vật.

17. Chứng minh trí nhớ bằng mắt.

18. Vẽ các hình từ trí nhớ.

19. Chứng minh mức độ trí nhớ về các con số.

20. Nói các điểm giống nhau giữa các đồ vật.

21. Phân biệt nhanh các đường thẳng.

22. Xếp thứ tự 5 vật nặng.

23. Nhận ra vật nặng bị thiếu trong 5 vật nặng ở trắc nghiệm 22.

24. Cho các từ có âm điệu.

25. Hoàn thành các câu.

26. Làm câu với ba từ cho sẵn.

27. Trả lời câu hỏi (ví dụ "Em phải làm gì khi buồn ngủ)

28. Nói giờ sau khi thay đổi các kim đồng hồ.

29. Gấp và cắt giấy.

30. Phân biệt giữa các từ trừu tượng (ví dụ buồn và chán).

Chúng ta thấy phản ánh trong thang đo Binet-Simon niềm tin của ông rằng trí thông minh không phải là một khả năng duy nhất mà là nhiều khả năng khác nhau. Như thế có thể nói Binet phản ánh tâm lý học khả năng của các nhà triết học duy lý. Tuy nhiên, ông không chấp nhận thuyết bẩm sinh của đa số các quan điểm duy lý. Thực ra ông cũng tin sự di truyền có thể có một tác động giới hạn mạnh đối với khả năng tri thức, nhưng ông cũng tin rằng đa số người ta đều hoạt động dưới mức tiềm năng của mình. Vì vậy, ông tin mạnh rằng mọi người đều có thể tăng trưởng về tri thức và điều này có tầm quan trọng lớn đối với các nhà giáo dục.

Thang đo Binet-Simon được hai tác giả hiệu đính vào năm 1908 với mục tiêu vượt lên trên sự phân biệt giữa trẻ bình thường và trẻ chậm phát triển, để phân biệt các mức thông minh khác nhau giữa các trẻ thông minh. Các trắc nghiệm được dùng cho các trẻ bình thường từ 3 đến 13 tuổi. Nếu 75% hay hơn số trẻ em ở một tuổi nào đó qua được một trắc nghiệm nhất định, trắc nghiệm ấy được kể là dành cho lứa tuổi ấy. Thang đo hiệu đính năm 1908 gồm 58 trắc nghiệm.

Thang đo hiệu đính năm 1911 gồm các dữ kiện quy tắc cho người lớn (từ 15 tuổi) và cung cấp đúng 5 trắc nghiệm cho mỗi lứa tuổi. Các trắc nghiệm ở lứa tuổi cao hơn cho phép đánh giá sự tinh tế hơn trong trí thông minh. Ví dụ, nếu một trẻ 8 tuổi qua được tất cả các trắc nghiệm tương ứng với lứa tuổi của em, em được coi là bình thường. Tuy nhiên một em 8 tuổi cũng có thể qua một số trắc nghiệm dành cho lứa 9 tuổi. Phương thức mới này cho phép tăng thêm 1/5 tuổi cho kết quả của mỗi trắc nghiệm mà một em qua được vượt trên tiêu chuẩn dành cho tuổi của em. Như thế, "mức thông minh" của một em, có thể được diễn tả bằng tuổi trí tuệ của em, nghĩa là tuổi tương ứng với các trắc nghiệm khó nhất mà đứa trẻ có thể qua được.

Thương số thông minh (IQ)

Năm 1911 William Stern (1871-1938), một nhà tâm lý học Đức đưa vào thuật ngữ tuổi trí tuệ. Theo Stern, tuổi trí tuệ của một đứa trẻ được xác định bởi mức độ thể hiện các trắc nghiệm Binet-Simon. Stern cũng gợi ý rằng tuổi trí tuệ có thể chia cho tuổi đời và ta có thương số thông minh. Ví dụ, nếu một đứa trẻ 7 tuổi qua được đủ các trắc nghiệm dành cho trẻ 7 tuổi, thì thương số thông minh của em sẽ là 7/7, hay 1.00. Nếu một trẻ 7 tuổi khác chỉ qua được các trắc nghiệm dành cho trẻ 5 tuổi, chỉ số thông minh của em sẽ là 5/7, hay khoảng 0.71. Năm 1916 Lewis Terman gợi ý nhân chỉ số thông minh với 100 để loại bỏ các số lẻ thập phân. Cũng chính Terman đã dùng chữ viết tắt IQ để chỉ thương số thông minh (Intelligence Quotient). Như vậy, phối hợp các gợi ý của Stern và Terman, ngày nay chúng ta có công thức quen thuộc về IQ:

IQ = ([MentalAge(MA, tuổi tâm lý)]: [Chronological Age (CA, tuổi vật lý)]) x 100

Binet chống đối việc sử dụng công thức về thương số thông minh. Ông cho rằng trí thông minh quá phức tạp không thể được biểu thị bằng một thuật ngữ đơn giản hay một con số. Tuy nhiên lịch sử cho thấy rằng sự đơn giản hóa của Stern đã giành phần thắng trước sự chống đối của Binet. Dù sao, Binet và Simon đã triển khai được một phương pháp đo lường vắn gọn và dễ áp dụng cho trí thông minh, và nó đã trở thành vô cùng phổ biến. Đến trước lúc bắt đầu Thế Chiến II, trắc nghiệm Binet-Simon đã được sử dụng tại hầu như khắp nơi trên thế giới.

Cả Binet và Galton đều cùng qua đời năm 1911. Galton thọ 89 tuổi, với một sự nghiệp phong phú; và Binet thọ 54 tuổi đã ở đỉnh cao sự nghiệp của mình.

Charles Spearman và quan niệm về trí thông minh tổng quát

Sau một thời gian dài phục vụ trong quân đội Anh cho tới năm 34 tuổi, Charles Spearman (1863-1945) chuyển hướng sang sự nghiệp tâm lý học. Ông theo học với cả Wundt lẫn Kulpe tại Đức, rồi sau đó bắt đầu đọc các tác phẩm của Galton. Ông rất bị ấn tượng, và đã làm một số thí nghiệm về các học sinh trường làng, và kết quả có vẻ ủng hộ quan điểm của Galton rằng có sự tương quan giữa sự tinh nhậy của giác quan và trí thông minh. Ông thấy rằng các số đo sự tinh nhạy giác quan không chỉ tương ứng rất cao với nhau, nhưng điều quan trọng hơn, chúng cũng tương ứng rất cao (+ 38) với "trí thông minh ở trường." Năm 1904 ông xuất bản các kết quả nghiên cứu trong một bài báo nhan đề "Trí thông minh Tổng quát: Xác định và Đo khách quan." Một phần dựa vào bài báo gây tranh luận của ông, ông được mời giữ một ghế giảng dạy tại University College, Luân Đôn, tại đây ông bắt đầu đả kích thuyết duy cảm, liên tưởng, khoái lạc, và hầu hết các lập trường triết học và tâm lý học từng được chấp nhận trước kia. Đặc biệt ông đả kích các kết quả nghiên cứu, như của Wissler, cho thấy có ít sự tương quan giữa các số đo của Galton và Cattell về sự tinh nhậy giác quan và hầu như không có sự tương quan nào giữa các số đo sự tinh nhậy giác quan và kết quả học tập. Vì các kết quả của ông hoàn toàn ngược lại, ông kết luận rằng các kết quả ngược với của ông đều là các thống kê giả tạo. Ông cũng kết luận rằng vì các số đo sự tinh nhậy giác quan có tương quan với nhau, nên chúng phải là số đo chung của một khả năng chung, mà ông gọi là trí thông minh tổng quát (g). Hơn nữa, theo truyền thống Galton, ông cho rằng g được quyết định hầu như hoàn toàn bởi di truyền.

Các kết luận của Spearman về bản chất của trí thông minh là quan trọng vì ba lý do sau đây: (1) ông coi trí thông minh là một khả năng duy nhất, trong khi Binet coi nó là một tập hợp nhiều khả năng khác nhau; (2) ông coi trí thông minh phần lớn do di truyền, trong khi Binet coi nó là có thể thay đổi nhờ kinh nghiệm; và (3) chính quan niệm của Speannan về trí thông minh được chấp nhận nhiều nhất bởi phong trào trắc nghiệm mới tại Mỹ chứ không phải quan niệm của Binet. Nghĩa là, IQ được coi là đo trí thông minh tổng quát g của Spearman chứ không phải đo "mức tri thức" đa diện của Binet.

Created by AM Word2CHM

THANG ĐO BINET-SIMON TẠI HOA KỲ

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

Henry Herbert Goddart

Henry Herbert Goddart (1866-1957) sinh tại New Engiand, đậu cử nhân và thạc sĩ tại Haveford College. Sau khi làm giáo viên rồi làm hiệu trưởng một trường trung học, ông ghi danh học chương trình tiến sĩ về tâm lý học tại Đại học Clark để theo đuổi các quan tâm của ông về giáo dục và tâm lý học. Ông làm luận án tiến sĩ về các yếu tố tâm lý trong việc chữa bệnh bằng lòng tin, dưới sự hướng dẫn của G. Stanley Han (xem chương II). Sau khi đậu tiến sĩ năm 1899, Goddard nhận một ghế giáo sư tại West Chester State Teacher's College của Pennsylvania, rồi năm 1906 ông trở thành giám đốc nghiên cứu tại Trường Đào Tạo các Trẻ Em Chậm Phát Triển Trí óc tại Vineland, New Jersey.

Chính Goddard đã dịch Thang đo Binet-Simon và mọi tác phẩm của Binet và Simon sang tiếng Anh. Sau khi Binet qua đời năm 1911, Goddard trở thành đại biểu hàng đầu của phương pháp Binet trong việc đo trí thông minh. Tuy chấp nhận phương pháp trắc nghiệm Binet, Goddard lại còn chấp nhận -quan điểm của Galton-Cattell-Spearman về bản chất của trí thông minh chứ không phải quan điểm của Binet. Ông cho rằng trí thông minh là một khả năng tinh thần duy nhất và sức mạnh của nó được quyết định bởi di truyền.

Nghiên cứu gia đình "Kallikak"

Goddard quyết định nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mối tương quan giữa bối cảnh gia đình và trí thông minh. Năm 1911 ông áp dụng trắc nghiệm Binet-Simon cho Deborah Kallikak, người từng sống ở Trường Vineland từ năm 1897. "Kallikak" là một cái tên hư cấu do Goddard lấy từ tiếng Hy Lạp kalos (tốt) và kakos (xấu). Mặc dù tuổi đời của Deborah là 22, trắc nghiệm trí thông minh của cô xác định tuổi tâm lý là 9, với một IQ khoảng 41. Goddard bịa ra một tên gọi moron (đần độn) để chỉ mức thông minh của Deborah. Rồi ông lần ngược trở về tổ tiên của Deborah từ thời Cách Mạng Mỹ, khi Martin Kallikak cha có mối quan hệ với một gái bán bar "chậm phát triển trí óc" và sinh ra Martin Kallikak con. Sau khi rời quân đội, Martin cha cưới một "cô gái đáng giá," và họ có 7 người con. Martin con cũng cưới vợ và có 10 con. Trong phân tích của Goddard, con cháu của Martin cha và "cô gái đáng giá", biểu thị phía "tốt" của tổ tiên Deborah, và con cháu của Martin con biểu thị phía "xấu".

Goddard thấy rằng các con của Martin cha không người nào chậm phát triển trí óc, trong khi năm người con của Martin con bị chậm phát triển. Trong các thế hệ tiếp theo của Martin con; Goddard thấy có rất nhiều người bị chậm phát triển. Trong số những con cháu của Martin cha, có nhiều người là bác sĩ, luật sư, nhà giáo dục, và các cá nhân xuất sắc khác.

Goddard báo cáo các khám phá của ông trong Gia đình Kallikak, một Nghiên cứu về tính Di truyền của sự Chậm phát triển Trí óc (1912). Nghiên cứu của ông ủng hộ quan niệm của Galton rằng trí thông minh là do di truyền quyết định. Đi theo lý thuyết của Goddard, một số nhà khoa học hàng đầu thời ấy đã cổ võ việc triệt sản đối với các người trí tuệ chậm phát triển hay cách ly họ ra khỏi xã hội. Họ cho rằng vì những người này không kiểm soát được việc sinh sản của họ, nên thành phần thông minh của xã hội phải kiểm soát thay cho họ.

Không dưới 20 tiểu bang ra đạo luật triệt sản, và hàng ngàn người "không mong muốn" đã bị triệt sản. Tại một số bang, luật triệt sản có hiệu lực mãi cho đến thập niên 1970.

Trắc nghiệm trí tuệ và việc nhập cư

Vào những năm 1905-1913, một làn sóng nhập cư gồm hàng triệu người từ châu Âu đổ vào đất Mỹ, và người ta lo ngại rằng nhiều người trong số nhập cư này có thể là những người đần độn. Vấn đề là làm sao xác định chắc chắn được. Năm 1912 cao ủy nhập cư mời Goddard đến đảo Ellis để quan sát các người nhập cư. Goddard tuyên bố ông có thể cho biết nhiều người nhập cư là hạng đần độn mà chỉ cần quan sát các đặc điểm thể lý của họ, nhưng để chắc chắn, ông sử dụng thang đo Binet-Simon. Dựa trên kết quả của các trắc nghiệm, nhiều người nhập cư bị liệt vào hạng người đần độn, và hàng ngàn người bị trục xuất. Goddard còn đi xa tới mức xác định những nước châu Âu nào có tỷ lệ người nhập cư đần độn cao nhất. Chung chung, Goddard kết luận rằng khoảng 40 đến 50 phần trăm người nhập cư là hạng đần độn.

Do các cố gắng của Goddard, tỉ lệ những người nhập cư bị trục xuất tăng 350 phần trăm vào năm 1913 và 570 phần trăm vào năm 1914, làm cho nước Mỹ mất đi biết bao nhiêu người lao động bình thường và rẻ tiền. Vào những năm sau này, Goddard thay đổi triệt để quan điểm của ông bằng cách chấp nhận nhiều quan niệm của Binet. Nhưng ông đã gây ra biết bao thiệt hại rồi!

Lewis Madison Terman

Lewis Madison Terman (1877-1966) sinh ngày 15 tháng 1, là con thứ mười hai của một gia đình nông dân mười bốn con tại miền trung Indiana. Năm ông 9 tuổi, một người bán các sách về tướng sọ học tặng cho mỗi người trong gia đình Terman một quyển về tướng sọ học. Cuốn sách Terman đọc cho thấy nhiều hứa hẹn, và đã kích thích ông khao khát một cuộc đời vượt bên ngoài ranh giới của đồng ruộng. Năm 15 tuổi, Terman bỏ đồng ruộng đi đến Danville, Indiana học tại trường Central Normal College. Năm 17 tuổi ông bắt đầu dạy học tại một trường làng. Trong sáu năm sau khi rời gia đình, Terman đã dạy học ở trường và đậu ba văn bằng: một về nghệ thuật, một về khoa học, và một về sư phạm. Năm 1901 ông ghi danh vào Đại học Indiana để theo đuổi chương trình thạc sĩ về sư phạm. Sau khi đậu thạc sĩ, ông đang tìm một chỗ giảng dạy thì nhận được một đề nghị làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Clark. Với sự trợ giúp tài chánh của gia đình, ông chấp nhận lời đề nghị và đến học với G. Stanley Hall, giống như Goddard.

Nhưng Terman không viết luận án dưới sự hướng dẫn của Hall. Terman ngày càng quan tâm hơn đến trắc nghiệm trí tuệ, và Hall không mấy phấn khởi về đề tài này. Dưới sự hướng dẫn của Edmund C. Stanford, Terman tách riêng hai nhóm học sinh "giỏi, và "dốt" rồi tìm cách xác định phải dùng loại trắc nghiệm nào để phân biệt các cá nhân trong hai nhóm. (Terman không biết rằng Binet và Simon đã từng làm cùng một việc như thế trước đó.) Luận án của Terman nhan đề "Thiên tài và Ngu dốt: Một Nghiên cứu về các Quá trình Trí tuệ của Bảy học sinh "Giỏi" và bảy học sinh "Dốt". Terman sau này nói rằng tất cả sự quan tâm về sự nghiệp của ông đã được hình thành trong những năm làm việc tại Clark. Năm 1910 Terman nhận lời mời giữ ghế giảng dạy trong khoa giáo dục tại Đại học Stanford và làm việc tại đây cho đến cuối đời. Ông trở thành khoa trưởng của phân khoa tâm lý học năm 1922 và giữ chức này cho tới khi về hưu năm 1922.

Khi đến Stanford, Terman tình cờ biết đến thang đo trí thông minh Binet-Simon (qua bản dịch của Goddard). Terman bắt đầu ngay lập tức làm việc với thang đo này và thấy rằng nó không thể sử dụng chính xác cho trẻ em Mỹ mà không có sự sửa đổi.

Trắc nghiệm Stanford-Binet

Terman thấy rằng khi áp dụng thang đo Binet-Simon cho học sinh Mỹ, kết quả không đồng đều. Nghĩa là điểm số trung bình của trẻ em thuộc các lứa tuổi khác nhau thì hoặc cao hơn hay thấp hơn tuổi đời của nhóm trẻ được trắc nghiệm. Ví dụ, Terman nhận thấy các mục trong thang đo Binet-Simon quá dễ đối với trẻ 5 tuổi và quá khó đối với trẻ 12 tuổi. Điều này khiến cho tuổi trí tuệ của trẻ em 5 tuổi cao một cách giả tạo và tuổi trí tuệ của trẻ 12 tuổi thấp một cách giả tạo. Cùng với sinh viên mới tốt nghiệp của ông, H. G. Childs, Terman xóa bỏ các mục đang có trong thang đo Binet-Simon và thêm vào các mục mới cho tới khi điểm số trung bình của một mẫu trẻ em là 100, bất kể các em thuộc lứa tuổi nào. Điều này có nghĩa là đối với mỗi nhóm tuổi được trắc nghiệm, tuổi trí tuệ trung bình sẽ bằng tuổi đời của nhóm. Terman và Childs xuất bản một bản hiệu đính đầu tiên về thang đo Binet- Simon năm 1912, và năm 1916 một mình Terman xuất bản một bản hiệu đính khác nữa. Bản hiệu đính năm 1916 sau này được gọi đơn giản là Stanford-Binet. Chính vào năm 1916 Terman chấp nhận "chỉ số thông minh" của Stern và gợi ý chỉ số này được nhân với 100 để loại bỏ các số lẻ thập phân và gọi chỉ số này là IQ. Trắc nghiệm Stanford-Binet làm cho Terman trở nên vừa giàu vừa nổi tiếng, nó được hiệu đính năm 1937 và một lần nữa năm 1960 (sau khi Terman đã mất).

Lập trường của Terman về tính di truyền của trí thông minh

Trong suốt cuộc đời sự nghiệp, Terman luôn tin rằng trí thông minh phần lớn là do di truyền. Giống như Goddard, Terman tin rằng trí thông minh kém là nguyên nhân của đa số tội phạm và các dạng hành vi chống xã hội khác. Theo Terman, một người ngu dốt không thể là một người đạo đức.

Tuy Terman rất bị ấn tượng bởi Binet và vay mượn nhiều của Binet, quan niệm của ông về trí thông minh giống với quan niệm của Galton hơn.

Nghiên cứu của Terman về thiên tài

Vào thời Terman, người ta tin rằng các trẻ em quá thông minh đều là bất bình thường. Một thành ngữ thường dùng để mô tả các trẻ em loại này là "chín sớm, thối sớm," gợi ý rằng nếu khả năng trí tuệ phát triển quá sớm thì không còn lại bao nhiêu cho các lứa tuổi sau. Để nghiên cứu một cách khách quan kinh nghiệm của các trẻ em xuất sắc trong thời gian lâu dài, Terman thực hiện một trong các nghiên cứu nổi tiếng nhất trong lịch sử tâm lý học. Bằng cách tìm ra các trẻ em thông minh xuất chúng rồi quan sát các em một thời gian lâu dài, Terman có thể đánh giá sự tin tưởng của ông rằng các trẻ em có IQ cao thường thành công trong cuộc đời hơn là các trẻ em có IQ thấp.

Bước thứ nhất, Terman xác định thiên tài là có điểm số 135 trở lên trong trắc nghiệm của ông. Tiếp theo, ông áp dụng trắc nghiệm cho hàng ngàn học sinh ở California và ông lọc ra 1.470 học sinh ưu tú (824 nam và 646 nữ). Tuổi đời trung bình của nhóm là 11, và IQ trung bình của nhóm là 151. Tìm hiểu tất cả những gì ông có thể biết về các em - gồm các sở thích, lý lịch gia đình, sức khỏe, đặc điểm thể lý, và tính cách - Terman muốn nghiên cứu các kinh nghiệm của các em trong nhóm khi chúng lớn lên theo thời gian. Ông bắt đầu cuộc nghiên cứu năm 1921 và báo cáo các kết quả đầu tiên của ông trong Nghiên cứu Di truyền học về Thiên tài (1926). Từ di truyền có thể có hai nghĩa. Thứ nhất, nó có thể có nghĩa là "phát triển." Khi dùng theo nghĩa này, một nghiên cứu di truyền học là nghiên cứu các dấu vết cho thấy có điều gì thay đổi theo thời gian tăng trưởng. Thứ hai, từ di truyền có thể chỉ về các gen hay nhiễm sắc thể là nguồn gốc của sự biến đổi tính chất. Terman dùng từ di truyền theo nghĩa phát triển.

Terman thấy rằng các trẻ em trong nghiên cứu của ông đều có cha mẹ với nền giáo dục trên trung bình, các em đã biết đọc từ khi còn rất nhỏ tuổi, tham dự các sinh hoạt rất đa dạng, và kết quả học tập của các em thường là xuất sắc. Tất cả điều này là dễ hiểu; vấn đề chính là xem các em này sẽ sống ra sao khi các em lớn lên. Terman thực hiện việc nghiên cứu theo dõi vào năm 1927-28 khi tuổi trung bình các em là khoảng 16, và một lần nữa vào năm 1939-1940, khi tuổi trung bình các em là khoảng 29. Các nghiên cứu này cho thấy các cá nhân của nhóm vẫn tham gia các sinh hoạt đa dạng và trổi vượt trong hầu hết các sinh hoạt ấy, và họ vẫn xuất sắc về học vấn. 70 phần trăm nam và 67 phần trăm nữ đều hết đại học, và 56 phần trăm nam và 33 phần trăm nữ đã học tiếp ít là một bậc nữa. Tất cả các tỉ số này đều cao hơn rất nhiều so với thành phần quần chúng vào thời đó.

Lần nghiên cứu theo dõi cuối cùng có sự tham dự của Terman là vào năm 1950-1952, và nó cho thấy các cá nhân được trắc nghiệm vẫn tiếp tục trổi vượt trong hầu hết mọi lãnh vực học tập. Sau khi Terman mất vào năm 1956, những người khác tiếp tục cuộc nghiên cứu về nhóm mà Terman đã nghiên cứu; cả thảy nhóm này đã được nghiên cứu trong 50 năm. Đối với các nhà nghiên cứu tham gia, các kết quả đã rõ: trẻ em thiên tài trở thành người lớn thiên tài. Nghiên cứu của Terman đã làm tan biến nhiều tin tưởng sai lạc về các trẻ em thiên tài, nhưng nó vẫn còn để lại câu hỏi chưa trả lời được là "thiên tài" do di truyền hay do kết quả của kinh nghiệm. Có bao nhiêu phần của trí thông minh được quyết định do di truyền và bao nhiêu phần do môi trường vẫn còn là một vấn đề bị tranh cãi nóng bỏng trong tâm lý học ngày nay.

Created by AM Word2CHM

TRẮC NGHIỆM TRÍ THÔNG MINH TRONG QUÂN ĐỘI

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

Robert M. Yerkes

Robert M. Yerkes (1876- 1956) là con trưởng trong một gia đình nông dân ở Pennsylvania. Nhưng ông thất vọng với đời sống nông dân, và mơ ước trở thành một bác sĩ. Những năm học đại học, Yerkes sống ở nhà một người bác và phụ giúp các việc nhà để có tiền đi học ở Đại học Ursinis. Sau khi rời Ursinis, Yerkes chuyển đến Harvard và ở đây ông bắt đầu quan tâm đến hành vi loài vật. Đậu tiến sĩ năm 1902, ông ở lại Harvard làm một thành viên của phân khoa. Cùng với bạn ông lúc đó đang ở Đại học Johns Hopkins là John B. Watson (sẽ học ở chương 12), Yerkes sáng lập khoa tâm lý học so sánh tại Hoa Kỳ. Để nhìn nhận thành công tuyệt vời này của ông, ông được bầu làm chủ tịch Hội Tâm Lý Học Mỹ (APA) năm 1917.

Thời còn là sinh viên, Yerkes phải vay mượn rất nhiều tiền, và chức vụ giảng dạy của ông tại phân khoa ở Harvard không được bao nhiêu tiền. Vì thế ông phải làm các công việc ngoài giờ để sinh sống. Năm 1912 ông nhận công việc làm giám đốc nghiên cứu tại Bệnh viện tâm thần bang Boston; chính tại đây Yerkes có những kinh nghiệm đầu tiên về trắc nghiệm trí thông minh. Tại bệnh viện, người ta dùng thang đo Binet-Simon để làm dụng cụ giúp chẩn đoán lâm sàng. Dần dần Yerkes ngày càng tham gia nhiều hơn vào công việc trắc nghiệm tại Bệnh viện tâm thần bang Boston, và phải bỏ bớt công trình của ông về tâm lý học so sánh.

"Cống hiến" của Yerkes cho trắc nghiệm thông minh là gợi ý của ông cho rằng mọi cá nhân phải được trắc nghiệm về mọi mục của trắc nghiệm Binet-Simon rồi cho điểm cho mỗi mục mà họ qua được. Như thế, việc đánh giá mỗi người sẽ căn cứ vào tổng số điểm đạt được thay vì một IQ. Phương pháp này loại bỏ được yếu tố tuổi tác trong việc chấm điểm. Không bao lâu sau, Yerkes sẽ thấy phương pháp của mình được thử ở một mức độ mà ông không bao giờ nghĩ là có thể làm được.

Chương trình trắc nghiệm quân đội

Khi Hoa Kỳ bước vào Thế Chiến I năm 1917, Yerkes đang làm chủ tịch APA. Ông triệu tập một cuộc họp đặc biệt của hiệp hội để tìm xem các nhà tâm lý học có thể giúp gì trong cố gắng chiến tranh này. Người ta quyết định là các nhà tâm lý học sẽ tìm ra các công cụ để chọn lựa và đánh giá các lính nhập ngũ. Theo lời mời của Goddard, một nhóm nhỏ các nhà tâm lý học, trong đó có Yerkes và Terman, đã đến Trường Vineland để triển khai các trắc nghiệm tâm lý để sau đó sử dụng tại các căn cứ lục quân và hải quân khác nhau. Vì các kết quả khả quan, Yerkes được trao quân hàm thiếu tá và trao nhiệm vụ tổ chức một chương trình trắc nghiệm cho toàn thể lục quân (hải quân bác bỏ ý tưởng này). Mục tiêu của chương trình là xác định những người khuyết tật trí tuệ, phân loại quân lính theo mức thông minh, và chọn lọc các cá nhân để đào tạo đặc biệt - ví dụ làm sĩ quan. Yerkes tin rằng để có hiệu quả, phải sử dụng trắc nghiệm tập thể thay vì cá nhân, phái đo trí thông minh "bẩm sinh", và phải dễ áp dụng và dễ cho điểm. Vì thấy rằng 40 phần trăm số quân nhập ngũ không biết đọc đủ để làm trắc nghiệm, nên nhóm tổ chức đã phải tạo ra hai dạng trắc nghiệm: dạng Army Alpha cho các binh sĩ biết chữ và dạng Army Beta cho các binh sĩ không biết chữ hay những người nói và đọc ngôn ngữ không phải tiếng Anh.

Chiến tranh kết thúc năm 1918 và chương trình trắc nghiệm kết thúc năm 1919, lúc đó đã có 1,75 triệu người được trắc nghiệm. Nhiều người cho rằng chương trình trắc nghiệm quân đội đã chứng minh được tính thực dụng của tâm lý học, nhưng các chứng cớ không ủng hộ cho quan điểm này.

SỰ SUY THOÁI TRÍ THÔNG MINH TRÊN CẢ NƯỚC

Việc sử dụng hai loại trắc nghiệm Army Alpha (cho người biết chữ) và Beta (cho người không biết chữ) lại khơi dậy mối lo ngại về tình trạng suy thoái trí thông minh trên toàn quốc. Khoảng một nửa số đàn ông da trắng được trắc nghiệm trong quân đội có trí thông minh bẩm sinh bằng với lứa tuổi 13 hay thấp hơn, và tình trạng còn tệ hơn đối với các binh sĩ da đen. Phản ứng của Goddard là những người dân có trí thông minh thấp không được quyền bỏ phiếu. Cùng với Goddard, Terman và Yerkes rất quan tâm tới tình trạng suy thoái trí thông minh toàn quốc, mà họ cho là do tình trạng nhập cư và do sự kiện rằng những cá nhân có trí thông minh thấp kém lại sinh sản nhanh hơn những cá nhân có mức thông minh bình thường hay trên bình thường.

Giống như thói quen thời ấy, Yerkes tin rằng nhiều sự dữ trên đất nước đang xảy ra là do những người dân kém trí thông minh và các chính sách nhập cư chỉ làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

May thay, lập trường bẩm sinh cực đoan của Goddard, Terman, và Yerkes đã gặp những sự thách thức. Càng ngày người ta càng tin rằng sự thể hiện trên các trắc nghiệm trí thông minh có thể ít là một phần được cắt nghĩa bởi các yếu tố như kinh nghiệm và nền giáo dục đầu đời.

Các câu hỏi về bản chất trí thông minh, và trí thông minh được quyết định bao nhiêu phần do di truyền và bao nhiêu phần do môi trường vẫn còn là các câu hỏi cho tâm lý học ngày nay.

CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Hãy tóm tắt thuyết tiến hóa của Lamarck.

2. Mô tả thuyết Darwin xã hội của Spencer và giải thích tại sao nó rất thịnh hành tại Hoa Kỳ?

3. Nguyên tắc Spencer-Bain là gì?

4. Hãy tóm tắt thuyết tiến hóa của Darwin.

5. Giải thích tại sao các số đo trí thông minh của Galton chủ yếu có bản chất giác quan?

6. Tóm tắt sự cống hiến của Galton cho tâm lý học.

7. Mô tả phương pháp trắc nghiệm thông minh của Cattell và giải thích tại sao cuối cùng nó đã bị bỏ.

8. Phương pháp trắc nghiệm trí thông minh của Binet khác với của Galton và Cattell ở những điểm nào?

9. Mô tả thang đo Binet-Simon năm 1905. Nó đã được hiệu đính năm 1908 và 1911 như thế nào?

10. Stern đề nghị phương pháp nào để trắc nghiệm trí thông minh? Tại sao Binet chống lại phương pháp này?

11. Tóm tắt quan điểm của Spearman về trí thông minh.

12. Goddard đã có những kết luận nào khi ông áp dụng thang đo Binet-Simon để trắc nghiệm các học sinh Mỹ?

13. Terman đã thay đổi thang đo Binet-Simon về những điểm quan trọng nào?

14. Đa số các nhà tâm lý học ngày nay đứng về lập trường nào trong vấn đề bẩm sinh-môi trường liên quan đến trí thông minh?

Created by AM Word2CHM

TỪ VỰNG

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 10. ẢNH HƯỞNG CỦA DARWIN

Adaptive features - Tính chất thích nghi: Các tính chất của một sinh vật cho phép nó tồn tại và sinh sản.

Binet-Simon scale of intelligence - Thang đo trí thông minh Binet-simon: Thang đo do Binet và Simon sáng chế để đo trực tiếp các khả năng tri thức khác nhau mà họ coi là bao gồm trong trí thông minh.

Correlation - Tính tương quan: Sự biến thiên có hệ thống trong hai biến số.

Fitness - Tính thích hợp: Theo Darwin, là khả năng của một sinh vật giúp nó tồn tại và sinh sản.

General intelligence - Trí thông minh tổng quát: (g) Thuật ngữ Spearman dùng để mô tả trí thông minh vì ông tin rằng trí thông minh là một đặc tính duy nhất, tổng quát chứ không phải sự kết hợp của các đặc tính khác nhau.

Inheritance of acquyred characteristics - Sự di truyền các đặc tính tập thành: Quan niệm của Lamarck rằng các khả năng thích nghi được phát triển trong đời sống của một sinh vật thì được truyền lại cho con cái của sinh vật ấy.

Intelligence quotient (IQ) - Thương số thông minh: Phương thức do Stern đề nghị để định lượng trí thông minh. Chỉ số thông minh được tính bằng cách chia tuổi trí tuệ cho tuổi đời.

Mental age - Tuổi trí tuệ: Theo Stern, là một điểm số kết hợp phản ánh tất cả các trắc nghiệm mà một đứa trẻ có thể vượt qua thành công.

Natural selection - Đào thải tự nhiên: Một khái niệm cơ bản trong thuyết tiến hóa của Darwin. Vì số thành viên của một loài sinh ra nhiều hơn là nguồn tài nguyên môi trường có thể cung ứng, thiên nhiên chọn lọc các thành viên nào có các đặc tính thích hợp nhất cho sự sống còn để tiếp tục tồn tại và sinh sản.

Social Darwinism - Thuyết Darwin xã hội: Thuyết của Spencer cho rằng, nếu để cho tự do cạnh tranh trong xã hội, các cá nhân có khả năng nhất sẽ thành công và các cá nhân yếu hơn sẽ thất bại và xã hội cần phải như thế.

Sociobiology - Khoa xã hội sinh vật học: Một thuyết mới mở rộng thuyết của Darwin để tìm cách giải thích hành vi xã hội dựa theo thuyết tiến hóa.

Spencer-Bain principle - Nguyên tắc Spencer-Bain: Nhận xét do Bain đưa ra lần đầu tiên và sau này do Spencer, rằng hành vi nào tạo ra các hậu quả thú vị thì có khuynh hướng được lặp lại còn hành vi nào tạo ra các hậu quả khó chịu thì có khuynh hướng biến mất.

Struggle for survival - Đấu tranh để sinh tồn: Tình huống phát sinh khi các thành viên của một loài sinh ra nhiều hơn nguồn tài nguyên môi trường có thể cung ứng.

Survival of the fittest - Sự sống sót của vật thích hợp nhất: Khái niệm cho rằng trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, sinh vật nào có các đặc tính thích hợp nhất cho sự sinh tồn thì sẽ sống sót và sinh sản.

Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top