NỘI DUNG



Câu 1: Đông Phương học có phải là một môn khoa học hay không? 


Khoa học được hiểu là "hệ thống tri thức về mọi loại quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy". Trong đó, hệ thống tri thức của khoa học được hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội. Để xác định một khoa học, nhất định phải thỏa mãn 5 tiêu chí cần thiết là có đối tượng nghiên cứu, có một hệ thống luận điểm về mối liên hệ giữa các khái niệm khoa học, có một hệ thống phương pháp luận (lý thuyết về phương pháp), có mục đích ứng dụng, và có một lịch sử hình thành – phát triển – hoàn thiện lý thuyết và phương pháp luận của khoa học.

Đông phương học là một khoa học nghiên cứu về phương Đông trong tính tổng thể của nó với mục tiêu nghiên cứu con người và xã hội phương Đông, các vùng đất phương Đông, xã hội truyền thống của vùng đất ấy với các mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, qua đó làm nổi lên những đặc điểm đặc trưng của phương Đông. Là một khoa học, Đông phương học đã và vẫn đang ngày càng bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý thuyết, hệ thống phương pháp luận và mục đích ứng dụng.

Đối tượng nghiên cứu của Đông phương học là những quy luật đời sống xã hội của các cộng đồng cư dân phương Đông. Đó là quy luật đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tính truyền thống của xã hội phương Đông. Vì vậy, những nội dung nghiên cứu chính của Đông phương học là: lịch sử các dân tộc phương Đông, vấn đề dân tộc gắn liền với lịch sử tư tưởng – tôn giáo, vấn đề văn hóa – bản sắc văn hóa và sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, tổ chức quản lý xã hội truyền thống – các vấn đề thể chế chính trị, pháp quyền và nhà nước phương Đông, các ngữ hệ và loại hình ngôn ngữ phương Đông và sự tiếp xúc – liên minh ngôn ngữ, và quan hệ quốc tế ở phương Đông.

Đông phương học là một khoa học liên ngành, với đối tượng nghiên cứu rộng như vậy, phạm vi nghiên cứu rất lớn nên việc vận dụng các phương pháp luận nghiên cứu các khoa học xã hội và nhân văn khác là rất cần thiết và bắt buộc. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về tiến trình lịch sử phương Đông, phải sử dụng phương pháp so sánh lịch sử, phương pháp đồng đại, phương pháp lịch đại của Sử học, coi Sử học như nguồn chất liệu quan trọng để tìm hiểu các vấn đề lịch sử của xã hội phương Đông; khi nghiên cứu các mô hình tổ chức quản lý xã hội và nhà nước phương Đông, phải liên hệ với Nhà nước học và Chính trị học để hiểu rõ thể chế chính trị và các vấn đề nhà nước pháp quyền trong xã hội phương Đông; hay khi nghiên cứu tộc người – văn hóa tộc người và ngôn ngữ tộc người của các xã hội phương Đông buộc phải nghiên cứu ngôn ngữ học đối chiếu, ngôn ngữ học tiếp xúc, sử dụng các phương pháp điền dã, thực địa, khảo cổ của lần lượt các chuyên ngành ngôn ngữ học, nhân học, văn hóa học, trong đó, văn hóa học là nguồn tư liệu văn hóa quan trọng cho các vấn đề văn hóa, lối sống của xã hội phương Đông.

Tuy nhiên, Đông phương học chủ yếu vẫn dựa trên phương pháp nghiên cứu khoa học khách quan nhất hiện nay, đó là nền tảng phương pháp luận của chủ nghĩa Marx Lenin (bao gồm phương pháp luận duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử) và đồng thời tiếp nối, kế thừa tư tưởng dân tộc, tiếp thu tư tưởng thời đại của khoa học thế giới. Đông phương học mặc dù không có phương pháp nghiên cứu độc lập, sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành nhưng phương pháp nghiên cứu liên ngành của Đông phương học dựa trên hệ thống nội dung nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu của riêng Đông phương học, nên mang đặc trưng nghiên cứu của Đông phương học, khác với phương pháp nghiên cứu liên ngành của Quốc tế học, Đất nước học, v.v dựa trên những nội dung nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu đặc thù của Quốc tế học, Đất nước học, ...

Đông phương học cũng có lịch sử hình thành và phát triển nghiên cứu lâu dài từ thế kỉ XIV đến nay. Mở đầu bằng sự kiện thành lập khoa dạy tiếng Ả Rập, Syria, Trung Quốc của Đại học Paris và Đại học Oxford năm 1312. Sau đó là sự ra đời của Đông phương học cổ điển nhằm phục vụ chủ nghĩa thực dân, mở đầu bằng thành lập Hội châu Á ở Bengal của Anh (1784), Trường ngôn ngữ phương Đông của Pháp (1795), ... để lại hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học, kho lưu trữ các di sản văn hóa – khoa học, các phương pháp nghiên cứu tiên tiến tạo bước ngoặt vượt bậc trong nghiên cứu như phương pháp văn bản học, dân tộc học, ... Cuối cùng, gần đây nhất là sự ra đời của khuynh hướng Đông phương học Marxist dựa trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và quan điểm duy vật lịch sử, phân tích lịch sử – xã hội phương Đông trên cơ sở phương thức sản xuất kinh tế truyền thống. Sau chiến tranh thứ hai, Đông phương học khai phóng dần được hình thành với sự ra đời hàng loạt trung tâm – viện nghiên cứu – khoa đào tạo như Viện Đông phương học Nga, Khoa Đông phương học Đại học Bắc Kinh, Viện Đông Nam Á Singapore, Khoa Khu vực học Đại học Tokyo, ... nhằm nghiên cứu, phát hiện và phát huy những giá trị thuộc về bản chất văn hóa – lịch sử – văn minh của phương Đông bản địa dưới hệ quy chiếu của chính các xã hội phương Đông về quá khứ của chính mình.

Do đó, xét về phương diện, tiêu chí nào của khoa học, Đông phương học cũng hoàn toàn thỏa mãn là một khoa học thực sự.

Đông phương học là môn khoa học có liên hệ sâu sắc với Đất nước học, Khu vực học và nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn khác ngày nay nó đã thể hiện được sứ mệnh vai trò đặc biệt của mình trong nền khoa học của thế giới: Khoa học về phương Đông đã cung cấp những thông tin chính xác, định hướng lý thuyết cơ bản cho xây dựng và thực hiện đường lối ngoại giao hiệu quả của nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao hiệu quả phù hợp cho các hoạt động liên quan đến đối ngoại cũng như giúp ích trong việc tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa-giáo dục giữa các quốc gia; giúp các nước phương Đông nâng cao vị thế dân tộc và ảnh hưởng quốc gia trên trường quốc tế; truyền tải những hình ảnh sinh động về đời sống văn hóa, giá trị tinh thần và sinh hoạt xã hội của các dân tộc phương Đông đến các nước trên thế giới.

Đông phương học Việt Nam mở đầu từ Viện Viễn Đông bác cổ do Pháp xây dựng tại Hà Nội năm 1900 để nghiên cứu lịch sử – văn hóa – văn minh – kinh tế các nước Viễn Đông. Năm 1983, Viện Đông Nam Á được thành lập, Đông phương học Việt Nam thống nhất được hình thành trên cả mặt đào tạo và nghiên cứu, các nhà nghiên cứu Đông phương học miền Bắc cùng các giảng viên, nhà nghiên cứu Đông phương học miền Nam tạo thành một đội ngũ lớn mạnh, có chất lượng, đầy tiềm năng, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu – đào tạo Đông phương học sau giải phóng với đối tượng chính là ngôn ngữ – địa lý – văn hóa – lịch sử – kinh tế – chính trị các nước Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Á và ba đối tượng tiềm năng là Nam Á, Tây Á và Đông Bắc Phi.

Việc nghiên cứu Đông phương học tại Việt Nam phục vụ đắc lực cho công tác ngoại giao của Đảng và nhà nước ta, góp phần đưa ra những đường lối, chủ trương ngoại giao hợp lý,hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ trong các công ty các nước phương Đông, tổ chức phi chính phủ; giúp cho việc tăng cường, mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa giáo dục giữa Việt Nam với các nước phương Đông; nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước phương Đông.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp mà Đông phương học đem lại thì cũng còn những mặt hạn chế như: Đông phương học Việt Nam thiếu nguồn lực, cũng như khả năng tiếp cận không chỉ tư liệu cổ về các nội dung nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu của Đông phương học mà còn cả tư liệu trực tiếp về các nội dung liên quan đến Trung Cận Đông, v.v Thứ hai, Đông phương học Việt Nam còn ít nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ dám dấn thân với những tư liệu cổ cần nhiều công sức, do đó còn nhiều vấn đề bị coi nhẹ, lãng quên, tránh né, cho các học giả nước ngoài mặc sức tung hoành. Ngoài ra, Đông phương học Việt Nam cũng chưa xây dựng và phổ biến rộng rãi được một hệ thống giáo trình mang tính lý luận căn bản cho tất cả các cơ sở đào tạo trên cả nước. Cuối cùng, Đông phương học Việt Nam chưa đủ khả năng để chuyên sâu nghiên cứu về từng lĩnh vực (lịch sử phương Đông, ngôn ngữ phương Đông, nhà nước pháp quyền và thể chế chính trị phương Đông, văn hóa tộc người phương Đông, quan hệ quốc tế phương Đông) hoặc từng khu vực văn hóa (Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Á, Nam Á, Đông Bắc Phi, Nam Thái Bình Dương) như các nước có nền Đông phương học phát triển (Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật, Singapore...)

PS: Đông phương học của HCM bao gồm 6 chuyên ngành với 4 ngành thuộc ngôn ngữ hiếm( hiếm ở đây chỉ sự phổ biến với nước ta và quan điểm của đa số người gồm Thái, In, Ả, Hindi) nên việc tìm tài liệu về lịch sử văn hóa và văn học cực khó, đây là sự thật và việc nghiên cứu cũng vấp phải nhiều vấn đề như trên nên mọi người đừng nghĩ nhóm đang thần thánh hay quan trọng hóa khoa mình

Câu 2: Giao lưu tiếp biến văn hóa Đông - Tây là một tất yếu? (6 điểm)

Giao lưu và tiếp biến văn hóa (Acculturation hoặc Cultural Contacts hoặc Cultural Exchanges) là một quy luật trong sự vận động và phát triển văn hóa của các dân tộc. Hiện tượng này xảy ra khi những nhóm người có văn hóa khác nhau giao lưu tiếp xúc với nhau tạo nên sự biến đổi về văn hóa của một hoặc cả hai nhóm. Vậy ta có thể định nghĩa giao lưu tiếp biến văn hóa Đông – Tây là quá trình giao lưu tiếp xúc của văn hóa phương Đông và phương Tây dẫn đến sự biến đổi mô thức văn hóa, tạo nên sự phát triển văn hóa phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn. Mặc dù văn hóa phương Đông và phương Tây có những khác biệt rõ ràng, với những lợi thế riêng nhưng trong quá trình phát triển từ thời cổ đại cho đến tận ngày nay, ta có thể thấy cả hai nền văn hóa đã không ngừng "tiếp xúc", "cọ xát", có sự học hỏi, tiếp thu những ưu điểm của nhau để hoàn thiện mình. Vậy phải chăng giao lưu tiếp biến văn hóa Đông – Tây là một tất yếu của dòng chảy lịch sử?

Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa thường diễn ra theo hai hình thức: hình thức tự nguyện (Thông qua các hoạt động như buôn bán, thăm hỏi, du lịch, hôn nhân, quà tặng... mà văn hóa được trao đổi trên tinh thần tự nguyện) hay hình thức cưỡng bức (thường gắn liền với các cuộc chiến tranh xâm lược, thôn tính đất đai và đồng hóa văn hóa của một quốc gia này đối với một quốc gia khác). Ta có thể kể đến một số quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra ở cả phương Đông và phương Tây từ thời cổ đại cho đến ngày nay đã để lại những dấu ấn sâu sắc đến cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây như: Hán hóa (Sinicization - Từ TK III TCN đến cuối TK XIX); Chủ nghĩa Nhật Bản (Japonisme - Từ giữa TK XIX đến đầu TK XX); Làn sóng Hàn Quốc (Hàn lưu/Hallyu); Âu hóa (Europeanization/Westernization - Từ 1492 đến khoảng 1960); Mỹ hóa (Americanization - Từ cuối thập niên 80 đến đầu thập niên 90)

Giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây tạo điều kiện cho việc tiếp thu, trao đổi các giá trị của văn minh nhân loại. Từ thời cổ đại, ngay từ TK VI TCN, một số nhà khoa học Hi Lạp như Talet, Pitago đã đến Lưỡng Hà, Ai Cập, tiếp thu những thành tựu toán học của phương Đông, trên cơ sở đó phát triển thành các định lý làm thay đổi nền toán học của nhân loại, hay là phép làm lịch của người phương Đông. Đặc biệt vào TK II TCN, hình thành một con đường thông thương xuất phát từ Trường An - kinh đô của Trung Quốc đi qua Trung Á đến Tây Á rồi qua bờ Đông Địa Trung Hải, gọi là "con đường tơ lụa". Từ đó thiết lập sự giao thương Đông - Tây, cũng như là con đường giao lưu tiếp biến văn hóa. Từ đầu TK XI - TK XVIII dưới sự hô hào của giáo hoàng La Mã, các đoàn kị sĩ của các nước Tây Âu đã tiến hành 8 cuộc viễn chinh sang phương Đông mà lịch sử gọi là phong trào viễn chinh của quân Thập tự. Những cuộc chiến tranh này đã gây ra nhiều thảm hoạ cho cư dân ở vùng phía Đông Địa Trung Hải nhưng cũng góp phần thúc đẩy sự tiếp xúc văn minh giữa 2 bộ phận quan trọng của thế giới lúc bấy giờ.

Bên cạnh sự tiếp thu học hỏi mang hình thức tự nguyện. Giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây còn là sự "va chạm" của các nền văn hóa mà điển hình là hiện tượng xung đột giữa hai nền văn minh, đây là tất yếu phải xảy ra trong quá trình phát triển, bởi khi nhìn lại văn hóa phương Đông và phương Tây thì tồn tại nhiều quan điểm riêng biệt về quan hệ giữa con người với Đấng tối cao, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa công dân với quốc gia, cha mẹ với con cái, quan hệ chồng vợ cũng như sự khác biệt quan điểm về tầm quan trọng của quyền lợi so với nghĩa vụ, sự tự do so với quyền hạn nhà nước, hay quan điểm về sự bình đẳng và phân chia thứ bậc. Những sự khác biệt này được hình thành từ hàng thế kỷ nay, do đó không thể dễ dàng biến mất, cho dù khác biệt không có nghĩa là xung đột và xung đột cũng không có nghĩa là bạo lực thì hàng thế kỷ qua khác biệt giữa các nền văn minh đã tạo ra các cuộc xung đột kéo dài nhất và bạo lực nhất.

Trong bối cảnh hiện nay, giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây càng thể hiện rõ vị thế của mình, là một tất yếu đáp ứng nhu cầu và xu thế của thời đại khi mà toàn cầu hoá đã và đang làm cho giao lưu và tiếp biến văn có nhiều thay đổi so với các giai đoạn trước. Một kỷ nguyên số đã làm rút ngắn khoảng cách giao lưu, quy mô và hình thức giao lưu văn hóa. Các nền văn hóa phương Đông và phương Tây giờ đây bên cạnh việc phát triển kinh tế, củng cố vị thế chính trị, còn tập trung theo hướng đầu tư cho lĩnh vực văn hoá nhằm quảng bá hình ảnh dân tộc, con người, văn hoá của đất nước mình; tôn trọng sự thống nhất trong đa dạng, đối thoại, thân thiện. So với giai đoạn trước, giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây ở hiện tại diễn ra với nhiều hình thức mới mà chủ yếu là thông qua văn hóa đại chúng; xuất nhập khẩu văn hóa phẩm; tín ngưỡng, tôn giáo; xuất nhập khẩu lao động, du lịch, di dân, nhập quốc tịch khác, du học; hợp tác giữa các chính phủ thông qua các dự án, nghị định về văn hóa, giao lưu tiếp biến văn hóa mang tính thường xuyên, cập nhật hơn.

Tuy nhiên, như mọi hiện tượng xã hội khác, giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây cũng vẫn có những vấn đề đáng để lưu tâm, đó là sự gia tăng áp lực từ các nền văn hóa phát triển đối với những nền văn hóa đang phát triển, quá trình hòa nhập dễ dẫn đến nền văn hóa bản địa bị hòa tan hoặc đơn giản là không còn bản sắc.

Tóm lại, giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây là một tất yếu theo dòng chảy lịch sử của văn hóa văn minh nhân loại. Bởi vì nó tạo điều kiện cho phương Đông và phương Tây tiếp thu, thụ hưởng những thành tựu văn hóa của nhau. Hơn thế nữa, nó tạo ra cơ hội hợp tác cùng phát triển giữa các nền văn hóa, bởi một nền văn hóa văn minh khép mình, tự cô lập, bảo thủ sẽ không thể nào đi xa và nhanh chóng lụi tàn do lạc hậu, thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây cũng là một thách thức, trước sự khác biệt trong suy nghĩ, lối tư duy giữa phương Đông và phương Tây, nếu không biết dung hòa sẽ tạo nên những xung đột, va chạm bạo lực. Mặt khác, nếu một nền văn hóa bị chi phối bởi các nền văn hóa khác mà đánh mất bản sắc của mình cũng sẽ dẫn đến sự lụi tàn. Cho nên đứng trước giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây, vốn là một tất yếu, tức là một hiện tượng mà bất kỳ nền văn hóa nào cũng phải tiếp nhận, kể cả chủ động hay thụ động thì mỗi nền văn hóa cần biết vận dụng để biến nó thành lợi thế phát triển, làm hưng thịnh nền văn hóa, nền văn minh của mình.

PS: Sẽ có 1 bài làm rõ cái này thông qua 1 môn học khác tên là quan hệ quốc tế và quan hệ quốc tế phương Đông nha.

Câu 3: Phương Đông là cái nôi của tôn giáo?

Có nhiều khái niệm về tôn giáo xuất phát từ nhiều khía cạnh như thần học, tâm lý học, của khía cạnh bản chất, khía cạnh xã hội. Nhìn chung, tôn giáo là niềm tin vào thế lực siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận 1 cách tự nguyện trực quan, có tác động qua lại hư ảo, nhằm lý giải thế giới hiện thực và cả thế giới bên kia giúp thỏa mãn thế giới nội tâm của con người. Niềm tin đó được tạo ra lý giải, biểu hiện đa dạng tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội, hoàn cảnh địa lý, văn hóa; tùy thuộc vào đức tin niềm tin của từng tôn giáo, được vận hành bằng lễ nghi, hành vi tôn giáo khác nhau trong từng cộng động tôn giáo khác nhau. Tóm lại, để được gọi là 1 tôn giáo cần có là 1 tổ chức có hình thái thờ phụng, có đấng tôn thờ, có nghi lễ đặc thù, có giáo lý, có quy tắc sinh hoạt trong cộng đồng; có cách lý giải các hiện tượng cuộc sống hiện thực phi thực, có tín đồ tuân theo và có các tổ chức vận hành.

Tôn giáo xuất hiện từ rất lâu và con người mặc nhiên chấp nhận nó. Tuy nhiên, "không có thứ gì trên thế giới tự tạo ra nó cả" nên câu hỏi về nguồn gốc, điều kiện, chức năng của tôn giáo luôn được tìm hiểu nghiên cứu.

Về mặt nguồn gốc theo triết học Macxit thì tôn giáo xuất hiện sau con người; là con người tạo ra tôn giáo, tôn giáo không tạo ra con người. Xét nguồn gốc xã hội, tôn giáo được tạo ra trên mối quan hệ giữa con người với tự nhiên( tự nhiên mạnh mẽ hung tàn con người bị thiên nhiên chinh phục bảo hộ, không thể chống lại) giữa người với người( Người nô lệ, người nông nô, người vô sản mất tự do không phải chỉ là sự tác động của lực lượng xã hội mù quáng mà họ không thể kiểm soát được, mà còn bị bần cùng cả về mặt kinh tế, bị áp bức cả về mặt chính trị, bị tước đoạt những phương tiện và khả năng phát triển tinh thần. Quần chúng không thể tìm ra lối thoát hiện thực khỏi sự kìm kẹp và áp bức trên trái đất, nhưng họ đã tìm ra lối thoát đó ở trên trời, ở thế giới bên kia). Xét về mặt nhận thức, các tôn giáo lớn có tầm ảnh hưởng trên thế giới ra đời rất sớm trải qua 1 quá trình tồn tại và phát triển, để có thể tạo ra hay có ý niệm về tôn giáo con người phải có 1 trình độ nhận thức nhất định từ cao xuống thấp từ thờ thần tự nhiên đến thờ 1 đấng tối cao nào đó. Thực chất nguồn gốc nhận thức của tôn giáo cũng như của mọi ý thức sai lầm chính là sự tuyệt đối hoá, sự cường điệu mặt chủ thể của nhận thức con người, biến nó thành cái không còn nội dung khách quan, không còn cơ sở "thế gian", nghĩa là cái siêu nhiên thần thánh. Xét về mặt tâm lý, chỉ có thể tóm gọn trong câu "sự sợ hãi sinh ra thần thánh".

Từ nguyên nhân có thể nhận thấy chức năng cơ bản và phổ biến nhất của tôn giáo chính là bến đỗ tâm hồn cho tín đồ giúp giảm nhẹ niềm đau an ủi linh hồn cho họ là " thuốc phiện của tâm hồn"; tôn giáo còn có chức năng điều chỉnh, giao tiếp cho các tín đồ vì họ đã tìm được nơi để mình giải tỏa nỗi lòng vì tin nên họ tuân theo mọi quy tắc góp phần điều chỉnh bản thân, tôn giáo còn có chức năng tạo ra thế giới quan và tính liên kết trong cộng đồng rất mạnh- chức năng và tính chất này là nguyên nhân dễ làm xảy ra xung đột tôn giáo chiến tranh bị lợi dụng vì nó tạo ra thái độ của con người với thế giới xung quanh.

Phương Đông- cái nôi của tôn giáo? "Cái nôi" được hiểu là nơi ru em bé ngủ cũng có thể giải thích là nơi bắt đầu "ru ngủ" bảo vệ là nơi bắt đầu cho tôn giáo. Thực thế chứng minh, Phương Đông thực sự xứng với cách gọi đó; nhìn về lịch sử phát triển thế giới và tộc người, Phương đông là nơi khởi nguyên cho các tôn giáo lớn trên thế giới ngày nay như Ấn Độ Giáo, Công giáo, lão giáo, phật giáo, Hồi giáo,...để lại các bộ kinh giáo huấn các triết lý quan niệm sống cũng như đặt ra các tư tưởng nền tảng cho xã hội hiện đại. Tại sao Phương Đông lại có thể làm "cái nôi của tôn giáo"? Nhìn vào nguồn gốc của tôn giáo thì chính là mối quan hệ của con người với thiên nhiên, Phương Đông phát triển thành 1 nền văn minh dựa vào nền văn minh lúa nước- nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên nó ảnh hưởng đến nhận thức, tâm lý và xã hội người phương đông tín ngưỡng phồn thực thờ tự nhiên, đồng thời tại phương đông nền văn minh và nhà nước xuất hiện từ rất sớm (IV TCN) chính trị theo kiểu suy tôn 1 người nên họ bị bóc lột từ sớm và có suy nghĩ suy tôn thánh thần để dễ cai trị đồng thời là nơi cứu rỗi họ sau bao khổ cực của cuộc sống. Cùng với đó tại Phương Đông từ buổi bình minh đã sinh ra các nhà tư tưởng các nhà triết học với nhận thức về xã hội khác nhau có thể là tư tưởng thuần phục khuôn khổ phục vụ giai cấp cai trị như Nho giáo, Balamon,.. hay tư tưởng thoát thế tránh xa thị phi tìm nơi yên ổn trong tâm hồn: Phật giáo,..Ngoài ra, người Phương đông có tính cách sống theo kiểu tập thể nên ý thức cộng đồng rất mạnh chính yếu tố này tạo điều kiện cho tôn giáo được bảo vệ sau bao thăng trầm lịch sử; các yếu tố trên đã tạo nên 1 mảnh đất tuyệt vời để hình thành bao bọc bảo vệ và giúp tôn giáo phát triển. Để được công nhận là 1 tôn giáo cần có 4 điều kiện gồm tín ngưỡng thờ phụng, giáo lý giáo luật, nơi thờ phụng cùng hình thức lễ nghi và tín đồ; các yếu tố này hoàn toàn phù hợp với việc trọng hình thức lễ nghi và các đặc điểm tâm linh của người phương đông nên được đón nhận và tạo điều kiện trong tiến trình phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc, các tộc người, tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành một thành tố của sự phát triển văn hoá, nó hoà đồng và bám rễ sâu chắc vào các sinh hoạt đó và đồng hành cùng sự phát triển văn hoá của các cộng đồng người trong lịch sử. Phù hợp với tính cách Duy cảm của người Phương Đông.

Câu 4: Trình bày sự đóng góp của văn hóa - văn minh phương Đông vào văn hóa - văn minh nhân loại? 

Nói đến lịch sử văn minh nhân loại, người ta thường nghĩ đến những giá trị to lớn mà loài người đã đạt được trong thời đại ngày nay. Nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận lại quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, ngay từ rất sớm – thời cổ đại, loài người đã bước vào xã hội văn minh của mình, chính khu vực phương Đông chứ không phải là khu vực nào khác, những thành tựu văn minh rực rỡ đầu tiên của lịch sử nhân loại đã được hình thành ở khu vực này và phát triển rực rỡ có giá trị đến tận ngày nay.

Ngành thiên văn học sớm phát triển ở các quốc gia cổ đại phương Đông. Vì người phương Đông sớm bước vào sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, do đó một yêu cầu đặt ra là phải quan sát bầu trời và các vì sao để tính thời vụ cho chính xác nên họ sớm phát triển ngành thiên văn học. Cư dân phương Đông đã biết đến sự chuyển động của mặt Trời, mặt Trăng, khám phá ra các hành tinh của mặt trời, biết gần đúng quỹ đạo của các hành tinh, nghiên cứu hiện tượng sao chổi, sao băng, nhật thực, nguyệt thực, động đất. Đó là những tri thức đầu tiên về thiên văn học. Cư dân phương Đông đã tính được một năm có 365 ngày được chia thành 12 tháng, tính được 1 ngày có 24 giờ,... Đây là những cống hiến rất lớn cho việc theo dõi về thiên văn học và tính lịch sau này.

Từ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, cần phải tính toán diện tích hàng năm được phù sa các dòng sông bồi đắp, nên ngành toán học cũng ra đời rất sớm ở các nước phương Đông. Cư dân phương Đông cũng đã có những cống hiến rất lớn cho nhân loại về toán học. Họ đã biết viết chữ số từ 1 đến 1 triệu bằng những kí hiệu đơn giản. Họ tính được số Pi bằng 3,16, tính được diện tích hình tròn, hình tam giác, thể tích hình cầu, phát minh ra số 0 của cư dân Ấn Độ, người Ai Cập đã tìm ra hệ số đếm cơ số 10, cách giải phương trình bậc nhất... Những hiểu biết về toán học của người phương Đông lúc bấy giờ đã để lại nhiều kinh nghiệm quý, chuẩn bị cho bước phát triển cao hơn ở thời sau.

Về chữ viết, cư dân phương Đông là người đầu tiên phát minh ra chữ viết. Lúc đầu là chữ tượng hình, sau này là chữ tượng ý, tượng thanh. Chữ viết là một phát minh lớn và cũng là biểu hiện đầu tiên và cơ bản của văn minh loài người. Đây là phát minh quan trọng nhất, nhờ nó mà chúng ta hiểu được phần nào lịch sử thế giới cổ đại.

Người phương Đông xây dựng được nhiều công trình kiến trúc lớn. Nhiều di tích kiến trúc của cư dân phương Đông cách đây hàng nghìn năm vẫn còn lưu lại như Kim tự tháp ở Ai Cập, Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, Lăng Taj Mahal ở Ấn Độ, thành Babylon ở Lưỡng Hà.... Các công trình này thường đồ sộ, thể hiện cho uy quyền của vua chuyên chế và là những kì tích về sức lao động và tài năng sáng tạo của con người.

Về y học, từ thời cổ vương quốc, người Ai Cập đã hiểu biết về cấu tạo cơ thể con người tìm các loại thuốc chữa bệnh và thuật ướp xác. Các thi hài của Pharaoh còn được lưu lại đến ngày nay là thành tựu của ngành y học Ai Cập. Người Lưỡng Hà chữa nhiều bệnh về tiêu hóa, hô hấp, thần kinh, đau mắt. Hình thành nhiều ngành như nội khoa, ngoại khoa, giải phẫu. Nhiều tác phẩm y học được xuất bản: "Y học toát yếu" (625), "Luận cảo về trị liệu" (thế kỉ XI), "Trị bệnh bằng các loại thực vật", "Bản thảo cương mục'', tìm ra nhiều loại cây có giá trị chữa bệnh,...

Phương Đông là nơi ra đời các tôn giáo lớn đầu tiên trên thế giới: Đạo BàLamôn là tôn giáo đa thần cổ xưa nhất của Ấn độ, Hindu giáo là từ đạo Balamôn phát triển lên, Đạo Phật ra đời từ thế kỉ VI TCN hay Đạo Hồi của Arập,...Các tôn giáo này vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay và càng được nhiều người theo đạo xem như 1 hệ thống đạo đức, triết lý của cuộc sống để làm theo.

Văn học ở phương Đông cũng ra đời nhiều tác phẩm ấn tượng có giá trị đến tận ngày nay như kinh Vêđa và 2 bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ là Mahabharata và Rayamayana với Mahabharata là bộ sử thi lớn nhất thế giới. "Nghìn lẻ một đêm", tác phẩm vĩ đại bậc nhất của nền văn học Ả Rập, là một trong những công trình sáng tạo phong phú và hoàn mỹ của nền văn học thế giới. Và vô vàng các tác phẩm văn xuôi, thơ, truyện đặc sắc của các tác giả Trung Quốc,...

Thời cổ trung đại nhân dân Trung Quốc có 4 phát minh quan trọng được đánh giá cao trên thế giới đó là giấy, kỹ thuật in, la bàn và thuốc súng. Nghề in, thuốc súng và kim chỉ nam đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới; loại thứ nhất trên bình diện văn học, loại thứ hai trên bình diện chiến tranh và loại thứ ba trên bình diện hàng hải. Trên cơ sở đó dẫn đến vô số sự thay đổi khác. Sự thay đổi lớn lao có tầm cỡ thế giới mà không một nước nào, một tôn giáo nào, một nhân vật nổi tiếng có thế lực nào phát huy sức mạnh và ảnh hưởng to lớn đối với sự nghiệp của nhân loại như các phát minh trên.

Ngày nay, xét trên nhiều góc độ như lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa,... phương Đông chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Mặc dù khái niệm Đông phương học (Oriental Studies) xuất phát từ phương Tây song vai trò của Đông phương học nói chung, văn minh phương Đông nói riêng có sự đóng góp to lớn cho nền văn minh nhân loại từ thời cổ đại cho đến nay vẫn mang giá trị to lớn mà con người chúng ta vẫn đang thừa hưởng.

Câu 5: Nguồn gốc nhà nước phương Đông 

Nhà nước phương Đông xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử là Ai Cập, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Trung Quốc vào khoảng cuối thiên niên kỉ IV - đầu thiên niên kỉ III TCN. Sự ra đời của các nhà nước phương Đông khác với học thuyết hình thành nhà nước nói chung của Mac - Lê nin. Nó không xuất phát từ sự phân chia giai cấp trong xã hội, mà xuất phát từ nhu cầu trị thủy và chống ngoại xâm.

Văn minh phương Đông hình thành từ lưu vực những con sông lớn, và là nền văn minh nông nghiệp. Trong nền kinh tế nông nghiệp, thì yêu cầu trị thủy là một yêu cầu tối quan trọng, quyết định đến miếng cơm, manh áo của con người. Thêm nữa, do phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên nên các tộc người luôn có xu hướng tranh giành những vùng đất tốt, chiến tranh là điều thường xuyên và không thể tránh khỏi đối với các nước phương Đông. Nhu cầu trị thủy và chống ngoại xâm đặt ra là vấn đề sống còn với sự tồn tại của các tập đoàn người ở phương Đông. Công cuộc trị thủy và chống ngoại xâm đòi hỏi phải có sức mạnh đoàn kết vô cùng lớn. Do vậy các tập đoàn người phải tập hợp lại với nhau mới có thể thực hiện được những điều này. Khi tập hợp lại như vậy, vai trò của người thủ lĩnh, người đứng đầu là rất quan trọng. Giống như Marx đã từng nói: "Một nghệ sĩ độc tấu vĩ cầm tự điều khiển lấy mình, nhưng một dàn nhạc thì cần có nhạc trưởng". Người thủ lĩnh, người đứng đầu trở thành người có quyền lực tối cao, có thể áp đặt ý chí của mình lên mọi người. Mọi người tôn thờ ông ta, và tuân lệnh ông ta. Đó chính là "vua". Cộng thêm với sức mạnh tư tưởng từ tôn giáo, vị trí của "vua" ngày càng được nâng cao. Như vậy, sự xuất hiện của "vua" chính là sự xuất hiện của nhà nước, vì sau khi nắm quyền lãnh đạo, "vua" sẽ toàn quyền tự mình đặt ra bộ máy giúp việc, bộ máy cai trị, từ đó hình thành nên bộ máy nhà nước.

Bản thân yếu tố trị thủy và chống ngoại xâm không phải là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời mà thực chất là yếu tố thúc đẩy sự ra đời sớm của nhà nước. Bởi lẽ trước đó, ngay từ khi con người xuất hiện đã đặt ra nhu cầu trị thủy và chống ngoại xâm. Chỉ khi xã hội loài người phát triển đến một giai đoạn nhất định (tức nói đến các yếu tố về kinh tế và xã hội) thì nhà nước mới xuất hiện. Ở phương Đông, các yếu tố này chưa chín muồi nên cần thêm các yếu tố về trị thủy và chống ngoại xâm thúc đẩy cho nhà nước ra đời sớm. Nhà nước vốn nó là 1 bộ máy chuyên chính giai cấp nên nó phải được hình thành trên cơ sở 1 xã hội có sự phân chia giai cấp. Tuy nhiên ở các nước phương Đông thì những điều kiện này chưa chín muồi, nền kinh tế nông nghiệp không dẫn đến những lần phân công lao động xã hội mạnh mẽ như ở phương Tây và từ đó rất chậm hình thành nên xã hội có giai cấp. Vì vậy con đường hình thành nhà nước ở phương Đông khác với phương Tây là ở chỗ nó có sự thúc đẩy của yếu tố trị thủy và chống ngoại xâm. Và sau khi hình thành nhà nước rồi thì thuộc tính giai cấp mới rõ rệt.

Do yêu cầu của công cuộc trị thủy và ngoại xâm nên các tập đoàn người phải tập hợp và từ đó vai trò người chỉ huy là yếu tố quyết định. Cũng vì những yêu cầu của công cuộc trị thủy và sản xuất, nên vua đã đặt ra bộ máy giúp việc cho mình, đặt ra những "cơ quan" phụ trách từng lĩnh vực cụ thể để giúp mình quản lí. Đó là mầm mống sự hình thành các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Một đặc điểm nổi bật của Nhà nước, đó là phải có bộ máy cưỡng chế, bộ máy trấn áp bằng bạo lực, hay nói một cách đơn giản là phải có quân đội và cảnh sát. Ở các nước phương Đông, sự hình thành bộ máy cưỡng chế này lại không xuất phát từ sự phân chia giai cấp, mà là từ công cuộc chống ngoại xâm. Như đã nói, do nền kinh tế nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, các tập đoàn người phương Đông luôn có xu hướng tranh giành những vùng đất màu mỡ, chiến tranh là điều không tránh khỏi. Đó là nguyên nhân hình thành nên quân đội ở các nhà nước phương Đông. Bộ máy trấn áp này xuất phát từ nhu cầu tự vệ của các tập đoàn người chống lại sự xâm lăng bên ngoài, cũng như nhằm mục đích xâm chiếm các vùng đất của các tập đoàn người khác. Có nghĩa là, chính nhu cầu chống ngoại xâm đã đẻ ra bộ máy cưỡng chế trong các nhà nước phương Đông cổ đại.

Tóm lại, yêu cầu của công cuộc trị thủy và chống ngoại xâm chính là những yếu tố thúc đẩy sự ra đời của các nhà nước cổ đại phương Đông.

Câu 6: Giải thích tại sao văn hóa - văn minh phương Đông sớm phát triển rực rỡ nhưng lại nhanh chóng lụi tàn? 

Ở phương Đông, do sự xuất hiện của nông nghiệp từ rất sớm đã làm xã hội loài người có bước nhảy vọt về chất, xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, sự thay đổi quan hệ sở hữu này kéo theo sự phân hóa về xã hội, hình thành nên giai cấp đã thúc đẩy nhà nước ở phương Đông ra đời, vào khoảng cuối thiên niên kỉ IV - đầu thiên niên kỉ III TCN và song song đó là sự xuất hiện của nền văn minh với những thành tựu quan trọng như: Chữ viết; Văn học; Thiên văn học, Toán học, Y học; Tôn giáo; Kiến trúc - Điêu khắc;...Vậy với những thành tựu rực rỡ như thế, có thể xem như đã đặt nền móng vững chắc và có những ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của văn minh nhân loại thì tại sao văn minh phương Đông không tiếp tục phát triển hơn mà lại nhanh chóng lụi tàn?

Thứ nhất, nhìn lại nguồn gốc phát triển của văn minh phương Đông thì nông nghiệp chính là động lực thúc đẩy. Thế nhưng, văn minh gốc nông nghiệp mang tính làng xã đã bắt đầu xuất hiện những hạn chế khiến phương Đông bị kìm hãm. Nền kinh tế nông nghiệp với đặc điểm tự cung tự cấp, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên khiến cư dân thường chỉ đủ ăn, đủ mặc, là cơ sở tạo ra tính tư hữu, tính ích kỉ. Hơn nữa, tính cộng đồng làng xã lúc này làm cản trở ý thức cá nhân, khiến cư dân phương Đông không dám hướng đến sự đổi mới hay sự cải tiến sáng tạo. Bên cạnh đó, sự yếu kém về tính tổ chức, không có sự cạnh tranh gay gắt nên không tạo ra động lực phát triển. Vì thế khi bước vào xã hội hiện đại với yêu cầu phát triển công nghiệp thì tính cách tùy tiện, thiếu kỷ luật, thiếu tính tổ chức mới bộc lộ tất cả những yếu kém của nó.

Thứ hai, xã hội phương Đông mang tính chất thụ động, quân bình, ít thay đổi. Không phải ngẫu nhiên mà Các Mác đã dùng những từ như "bất động", "tĩnh" để chỉ xã hội phương Đông. Tình trạng tĩnh tại, trì trệ của xã hội phương Đông kéo dài đến tận mươi năm đầu của thế kỉ XIX. Và đó chính là cơ sở để chế độ chuyên chế phương Đông tồn tại quá dai dẳng, làm cản trở sự phát triển của xã hội.

Thứ ba, sự xuất hiện và phát triển lớn mạnh của khoa học và nền sản xuất công nghiệp phương Tây. Có thể nói, đây là nguyên nhân lớn nhất giải thích lý do tại sao văn minh phương Đông bị kìm hãm. Chính những phát kiến mới về khoa học tự nhiên dựa trên nền tảng khoa học của văn minh phương Đông trong toán học, vật lý, thiên văn, y học,...giúp giải thích những hiện tượng, khai phá thế giới đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của con người theo hướng khách quan và tư duy logic. Trước thời kỳ công nghiệp, trình độ phát triển Đông - Tây không có sự khác biệt đáng kể, vì nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên những tri thức mang tính kinh nghiệm. Sự khác nhau rõ rệt xuất hiện từ thời Phục Hưng và Khai sáng, khi mọi hoạt động vật chất và tinh thần tại phương Tây bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Khoa học hiện đại xuất hiện cho phép con người khám phá những động lực cơ bản của vũ trụ và xã hội loài người. Máy hơi nước của James Watt, cùng các loại máy móc khác, đã tạo tiền đề cho nền công nghiệp xuất hiện và phát triển. Thế nên, chính sự phát triển nhảy vọt của công nghiệp mà gốc rễ là trình độ khoa học đã vượt qua hệ kiến thức mang màu sắc trực quan và kinh nghiệm của nền văn minh nông nghiệp ở phương Đông đã khiến văn minh phương Đông dậm chân tại chỗ và ngày càng thụt lùi hơn

Tóm lại, nền văn minh phương Đông sớm phát triển nhưng nhanh chóng lụi tàn là chủ yếu do sự chi phối của nền văn minh nông nghiệp, nó khiến con người sinh ra những hạn chế bởi lối tư duy thiên về trực giác của phương Đông, ít óc duy lý, phân tích, mổ xẻ từ đó dẫn đến tâm lý sợ khám phá cái mới, tìm tòi, mạo hiểm, ngại đào sâu vào khoa học tự nhiên, là "nguyên nhân làm cho phương Tây phát triển nhanh về khoa học kĩ thuật, chinh phục giới tự nhiên, trong khi đó phương Đông vẫn ngủ im lìm với bầu trời mây mù mang tính chất tôn giáo kéo dài suốt mấy thế kỷ" khiến phương Đông vốn đi trước nhưng lại về sau. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại, sau mấy ngàn năm, với sự trở mình của các quốc gia ở phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và đặc biệt là sự bành trướng của Trung Quốc, chắc chắn rằng, phương Đông đã, đang trỗi dậy và sẽ có những triển vọng to lớn.

PS: Để nhìn rõ tại sao và quan điểm của 1 người xuất thân Châu Á nói về vấn đề này mình nghĩ các bạn hãy đọc thử tác phẩm Khuyến học của Fuzuzawa  Yukichi để thấy rõ ràng sự chênh lêch nguyên nhân và sự thần kì của Nhật Bản.

Câu 7: Tại sao ở phương Đông lại không diễn ra chế độ chiếm hữu nô lệ? 

Vì tồn tại 1 cách dài đẵng chế độ công xã thị tộc

Chế độ chiếm hữu nô lệ tương ứng với nhà nước chủ nô ra đời trên sự tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy( sự tan rã của chế độ thị tộc, bộ lạc) nó gắn liền với chế độ tư hữu và sự phân chia thành các giai cấp đối kháng

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, khi cộng đồng thị tộc dựa trên quan hệ huyết thống tan rã thì ở Hy Lạp, La Mã hình thành cộng đồng bộ tộc là cộng đồng người có sự thống nhất ban đầu về kinh tế, văn hóa và lãnh thổ, một cộng đồng cao hơn cộng đồng thị tộc tạo thành 1 nhà nước chủ nô với lực lượng sản xuất là nô lệ vô cùng đông đảo cùng với vai trò của nô lệ trong nông nghiệp, mậu dịch hàng hải. Điều này tạo nên tính điển hình của phương Tây.

Đặc trưng chung của nhà nước là cai trị dân cư theo khu vực hành chính và hình thành nên bộ máy quyền lực công cộng, có hai chức năng chính là đối nội và đối ngoại. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử ra đời khác nhau mà hình thức nhà nước phương Đông và phương Tây là khác nhau. Ở các nước phương Đông, thiết chế chính trị của nhà nước chiếm hữu nô lệ là quân chủ chuyên chế tập quyền, trong khi đó Hy Lạp lại thiết lập nhà nước Cộng hòa dân chủ chủ nô, ở La Mã là nhà nước Cộng hòa quý tộc chủ nô. Trong thiết chế quân chủ chuyên chế tập quyền chỉ có nhà vua nắm quyền lực, ngai vàng là do kế vị và nắm quyền lực suốt đời. Trong thiết chế cộng hòa, quyền lực trong tay một tập thể, do một tập thể rộng lớn hơn bầu ra và nắm quyền có nhiệm kỳ. Tại Phương Đông nông dân công xã là lực lượng sản xuất chính tạo ra giá trị cho xã hội và nô lệ chỉ có nhiệm vụ hầu hạ trong các gia đình quý tộc, tuy làm công việc nặng nhất nhưng cuộc sống họ vẫn có cơ hội dựa vào "chủ "của họ; nhưng tại Phương tây, nô lệ là công cụ điển hình bị cả 1 tầm lớp chủ nô đàn áp là lực lượng tạo nên sự giàu có cho cả xã hội nên họ không có tư cách của con người

Ở phương Đông cơ sở ra đời nhà nước chính là sự thay đổi quan hệ sở hữu kéo theo sự phân hóa xã hội. Trải qua 1 thời gian đằng đẵng của thị tộc do nhu cầu trị thủy tập trung sức mạnh để phát triển nên nhà nước phương Đông dù được hình thành vẫn mang nét sơ khai cơ bản trên nguyên tắc là đoàn kết giúp đỡ cùng phát triển, theo thời gian do chiến tranh, phát triển lãnh thổ, xây dựng nhà nước nên mới có sự bóc lột, mua bán nô lệ phục vụ các nhu cầu trên. Khi chế độ chiếm hữu nô lệ phát triển tại phương Đông thì trong xã hội đó đã manh nha có sự xuất hiện của nhà nước phong kiến nên giai đoạn nhà nước chủ nô tại phương đông không kéo dài và cũng không mang tính điển hình cao, hiện nay câu hỏi" Phương Đông có tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình hay không?" vẫn còn nhiều sự tranh cãi. Còn phương Tây thì quá trình kinh tế phát triển, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn kéo theo sự phân hóa giai cấp, mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ diễn ra cực kỳ gay gắt đòi hỏi phải có nhà nước để giải quyết vấn đề đó, và từ khi phân chia giai cấp thì đã hình thành 1 chế độ chiếm hữu nô lệ khắc nghiệt đặc trưng. So sánh chế độ chiếm hữu nô lệ của cả Phương Đông và Phương Tây thì thật sự Phương Đông hầu như không tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ nên quá trình đấu tranh của nô lệ với tầng lớp chủ nô không qua gay gắt 1 mất 1 còn và sự phát triển của hình thái nhà nước là sự tích lũy về chất dẫn đến sự biến đổi về lượng mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #oriental