nhankhoa17

MỘT SỐ BỆNH MẮT TRẺ EM

MỤC TIÊU

Sau khi hoàn thành bài học này sinh viên có thể:

1. Trình bày được những triệu chứng, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị của một số bệnh mắt trẻ em thường gặp.

2. Phát hiện được một số bệnh mắt trẻ em ở giai đoạn sớm.

Mắt trẻ em có nhiều đặc điểm bệnh học giống như mắt người lớn. Tuy nhiên, một số bệnh mắt trẻ em hoàn toàn khác với bệnh mắt của người lớn hoặc có một số bệnh mắt chỉ xảy ra ở trẻ em. Do đó việc khám, chẩn đoán và điều trị bệnh mắt trẻ em cũng có những điểm đặc biệt. Bài này chỉ giới thiệu một số bệnh mắt trẻ em có những khác biệt với người lớn.

17.1. BỆNH GLÔCÔM BẨM SINH

Glôcôm bẩm sinh là hình thái glôcôm thường gặp nhất trong nhóm các bệnh glôcôm ở trẻ em. Glôcôm bẩm sinh có thể nguyên phát (do những bất thường cấu trúc của góc tiền phòng) hoặc thứ phát (kèm theo những bất thường ở các phần khác của mắt). Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh glôcôm bẩm sinh có thể ngăn ngừa dẫn đến mù lòa.

17.1.1. Chẩn đoán

Bệnh glôcôm bẩm sinh phần lớn được phát hiện muộn sau khi sinh, tỷ lệ cao hơn ở con trai (65%) so với con gái (35%). Bệnh thường ở hai mắt với mức độ khác nhau. Triệu chứng thường gặp nhất là sợ ánh sáng, chảy nước mắt và co quắp mi. Những triệu chứng này thường khiến cha mẹ bệnh nhân lưu ý.

Các dấu hiệu của glôcôm bẩm sinh bao gồm:

– Giác mạc to (hình 17.1): nhãn áp cao làm cho giác mạc bị giãn to. Đường kính ngang của giác mạc bình thường ở trẻ mới sinh là 9,5 đến 10,5mm và ở trẻ 1 tuổi là 10 đến 11,5mm. Đường kính giác mạc lớn hơn 1mm so với bình thường là dấu hiệu gợi ý bệnh glôcôm.

– Phù giác mạc: có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Giác mạc phù trở nên mờ đục. Lúc đầu phù chỉ có ở biểu mô, sau đó lan xuống cả nhu mô. Phù giác mạc có thể kèm theo những vết rạn của màng Descemet, đó là những đường theo hướng ngang hoặc đồng tâm với vùng rìa (Hình 17.2). Những vết rạn của màng Descemet có thể để lại sẹo giác mạc nếu phù nhu mô kéo dài.

– Củng mạc mỏng: nhãn cầu giãn to sẽ làm cho củng mạc mỏng đi, để lộ màu xanh của hắc mạc bên dưới (lồi mắt trâu).

– Những dấu hiệu khác: tiền phòng thường sâu hơn bình thường, có thể cận thị hoặc loạn thị và lệch thể thủy tinh do giãn củng mạc.

Hình 17.1. Giác mạc to

Hình 17.2. Vết rách màng Descemet.

Chẩn đoán glôcôm bẩm sinh dựa vào:

– Những dấu hiệu của giác mạc: giác mạc to, có thể phù kèm theo các vết rạn của màng Descemet.

– Nhãn áp: thường cao, trong khoảng 30 – 40mm Hg. Sự chênh lệch nhãn áp giữa 2 mắt cũng là một dấu hiệu gợi ý glôcôm bẩm sinh. Nên đo nhãn áp với thuốc gây tê tại chỗ vì các thuốc gây mê sẽ làm thay đổi nhãn áp (thường thấp hơn).

– Soi góc tiền phòng: ở trẻ em, soi góc tiền phòng tốt nhất là với kính tiếp xúc Koeppe. Trong glôcôm bẩm sinh, hình ảnh điển hình của góc tiền phòng là mống mắt bám về phía trước, các cấu trúc của góc (dải thể mi, vùng bè, cựa củng mạc) thấy rõ hơn.

– Tổn hại thị thần kinh: lõm đĩa rộng hơn bình thường (tỷ lệ đường kính lõm đĩa/đĩa lớn hơn 3/10) hoặc có mất cân đối lõm đĩa ở 2 mắt.

17.1.2. Chẩn đoán phân biệt

Một số bệnh khác có thể có những dấu hiệu và triệu chứng giống như của glôcôm bẩm sinh cần đặt ra vấn đề chẩn đoán phân biệt, đó là:

– Giác mạc to: bệnh giác mạc to bẩm sinh, cận thị trục.

– Giác mạc mờ đục: viêm giác mạc bẩm sinh (Rubella, Herpes), loạn dưỡng nội mô giác mạc bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa mucopolysaccarit, chấn thương sản khoa.

– Lõm đĩa rộng: khuyết đĩa thị, teo thị thần kinh, thiểu sản thị thần kinh, lõm đĩa sinh lý rộng.

– Chảy nước mắt: do tắc lệ đạo bẩm sinh, tổn hại biểu mô giác mạc bẩm sinh.

17.1.3. Bệnh sinh

Cơ chế sinh bệnh của glôcôm bẩm sinh là do sự kém phát triển của vùng bè giác – củng mạc (loạn sản vùng bè), trong đó không có ngách góc tiền phòng và mống mắt bám trực tiếp vào vùng bè, có thể che lấp một phần hoặc toàn bộ vùng bè (hình 17.3).

Hình 17.3. Loạn sản vùng bè

17.1.4. Một số hình thái glôcôm bẩm sinh đặc biệt

Ngoài hình thái glôcôm bẩm sinh nguyên phát, glôcôm bẩm sinh còn có thể nằm trong một số bệnh loạn dưỡng mống mắt và giác mạc:

– Dị thường Axenfeld: đường Schwalbe nổi rõ và phát triển về phía trước (vòng phôi sau giác mạc), tại đó có các dải mống mắt bám vào.

– Dị thường Rieger: dị thường Axenfeld kèm theo những dị thường mống mắt như thiểu sản nhu mô mống mắt, lệch đồng tử, đa đồng tử (hình 17.4a), lộn màng bồ đào (biểu mô sắc số mống mắt lộn ra mặt trước ở gần đồng tử).

a) Teo mống mắt.

b) Dị thường Peters.

Hình 17.4

– Hội chứng Rieger: dị thường Rieger kèm theo những bất thường toàn thân như răng nhỏ và thưa, thiểu sản hàm dưới, hai mắt cách xa.

– Hội chứng Peters: đục giác mạc vùng trung tâm, dính mống mắt hoặc thể thủy tinh vào mặt sau giác mạc, nhãn cầu nhỏ, thiểu sản mống mắt.

– Tật không có mống mắt: mống mắt khuyết một phần hoặc toàn bộ, kèm theo đục giác mạc, giác mạc nhỏ, dính mống mắt giác mạc.

17.1.5. Điều trị

Điều trị glôcôm bẩm sinh chủ yếu là phẫu thuật. Điều trị bằng thuốc thường chỉ để chuẩn bị cho phẫu thuật hoặc bổ sung sau phẫu thuật.

Điều trị phẫu thuật

Các phẫu thuật sau có thể dùng cho glôcôm bẩm sinh:

– Phẫu thuật mở góc (goniotomy): rạch mở góc tiền phòng (trong khi soi góc) bằng một dao nhỏ có dạng kim tiêm. Phẫu thuật này chỉ thực hiện được khi giác mạc còn trong.

– Phẫu thuật mở bè (trabeculotomy): đường rạch từ bên ngoài, bộc lộ ống Schlemm, luồn một dụng cụ giống như sợi dây thép vào ống Schlemm, sau đó tách vào vùng bè. Mục đích của phẫu thuật là mở thông giữa tiền phòng và ống Schlemm. Phẫu thuật này thường được chỉ định khi giác mạc bị mờ đục không soi được góc tiền phòng.

– Phẫu thuật cắt bè (trabeculectomy): mở lỗ thông giữa tiền phòng và khoang dưới kết mạc. Lỗ thông được bảo vệ bằng một lớp vạt củng mạc mỏng. Phẫu thuật cắt bè có thể kèm theo sử dụng thuốc chống sẹo xơ (Mitomycin C, 5–Fluorouracil) trong những trường hợp có nguy cơ thất bại.

– Một số phẫu thuật khác: trong một số trường hợp đặc biệt, người ta có thể dùng một số phẫu thuật khác như quang đông, lạnh đông vùng thể mi, hoặc đặt van dẫn lưu thủy dịch (Molteno, Baerveldt...).

Điều trị thuốc

Các thuốc hạ nhãn áp có thể dùng cho glôcôm bẩm sinh bao gồm: thuốc ức chế men anhydrase carbonic (Acetazolamit dạng uống hoặc Dorzolamit dạng tra mắt) và thuốc phong bế cảm thụ beta của thần kinh giao cảm (như Timolol hoặc Betaxolol).

17.2. BỆNH UNG THƯ VÕNG MẠC

Ung thư võng mạc là bệnh hiếm gặp nhưng là một bệnh u ác tính thường gặp nhất của mắt trẻ em. Bệnh gây ra bởi một đột biến gen, có yếu tố di truyền và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

17.2.1 Chẩn đoán

Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh ung thư võng mạc là đồng tử có ánh màu trắng (hình 17.5a). Ở trong tối, đồng tử giãn to làm cho mắt bệnh nhân có ánh xanh (còn gọi là ánh mắt mèo mù), dấu hiệu thường giúp cho bố mẹ bệnh nhân phát hiện ra bệnh. Những dấu hiệu khác có thể gặp trong bệnh ung thư võng mạc như lác mắt, viêm tổ chức hốc mắt, giả mủ tiền phòng, xuất huyết dịch kính, hoặc tăng nhãn áp thường đặt ra vấn đề phân biệt với một số bệnh mắt khác.

Soi đáy mắt là khám nghiệm quan trọng để chẩn đoán bệnh. Tổn thương ở võng mạc có biểu hiện khác nhau tùy theo hướng phát triển của u. Khối u nhỏ (còn khu trú giữa màng ngăn trong và màng ngăn ngoài) có màu xám. Khối u hướng nội (endophytic), tức là xâm nhập qua màng ngăn trong của võng mạc, có màu trắng hoặc màu vàng, nhiều múi, trên mặt u có thể có những mạch máu nhỏ (hình 17.5b). Những tế bào và mảnh u bị tách ra xâm nhập vào dịch kính gây ra những dấu hiệu như viêm nội nhãn hoặc xâm nhập tiền phòng tạo ra dấu hiệu giả mủ tiền phòng. Khối u hướng ngoại (exophytic), tức là u phát triển bên dưới võng mạc thường có màu vàng – trắng và các mạch máu võng mạc bên trên khối u giãn và ngoằn ngoèo, sự phát triển khối u có thể kèm theo tăng tiết dịch dưới võng mạc trông giống như bệnh Coats. Khối u lớn thường có cả những dấu hiệu của u hướng nội và hướng ngoại.

a) Đồng tử trắng

b) Khối u võng mạc

Hình 17.5

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp xác định chẩn đoán. Khám siêu âm và chụp cắt lớp có thể thấy rõ kích thước và vị trí khối u hoặc thấy hình ảnh canxi hóa trong khối u (dấu hiệu đặc trưng của ung thư võng mạc), ngoài ra còn có thể xác định sự phát triển của u ra ngoài nhãn cầu hay vào nội sọ.

17.2.2. Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt ung thư võng mạc với một số bệnh mắt trẻ em khác cũng có dấu hiệu đồng tử trắng:

– Bệnh Coats: những biến đổi mạch máu (giãn mạch) ở ngoại vi võng mạc, dịch dưới võng mạc nhiều, không có can xi, thường ở hai mắt, không có yếu tố di truyền.

– Bệnh võng mạc trẻ đẻ non: gặp ở trẻ đẻ non có cân nặng khi sinh thấp và được điều trị bổ sung oxy. Tăng sinh xơ mạch và bong võng mạc làm cho đồng tử có màu trắng.

– Tồn lưu tăng sinh dịch kính nguyên thủy: tăng sinh mạch và thần kinh đệm trong dịch kính, nhãn cầu nhỏ, đục thể thủy tinh, các nếp thể bị kéo dài ra (thấy rõ khi giãn đồng tử), glôcôm, bong võng mạc.

– Viêm màng bồ đào bẩm sinh: thường có dính bờ đồng tử, có thể kèm theo đục thể thủy tinh.

– Đục thể thủy tinh bẩm sinh: đục ngay sau mống mắt, có thể kèm theo lác, rung giật nhãn cầu.

– Bệnh giun toxocara: có hình ảnh một u hạt trong võng mạc hoặc một viêm nội nhãn, các dải xơ co kéo trong dịch kính có thể gây bong võng mạc.

17.2.3. Điều trị

Nếu khối u lớn và đe dọa sinh mạng thì cần phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu với thị thần kinh dài. Tiên lượng tốt nếu u chưa phát triển ra ngoài qua thị thần kinh.

Nếu u còn nhỏ thì có thể điều trị bảo tồn bằng một trong các phương pháp sau:

– Lạnh đông: chỉ định cho khối u nhỏ và ở phía trước.

– Quang đông hồ quang xenon hoặc laser (argon và krypton): chỉ định cho u nhỏ và ở phía sau.

– Tia xạ: chiếu từ xa (chỉ định cho u lớn và ở phía sau) hoặc dùng tấm đồng vị phóng xạ (thường dùng cobalt–60, iodine–125, ruthenium–106, và iridium–192) cố định trên củng mạc tại vị trí khối u (chỉ định cho u kích thước trung bình).

– Liệu pháp hóa học: dùng cho những trường hợp đã di căn hoặc có nhiều nguy cơ di căn toàn thân. Những thuốc thường dùng là vincristine sulfate (Oncovin), doxorubicine (Adriamycin), cyclophosphamite (Cytoxane), carboplatin (Paraplatin).

17.3. BỆNH ĐỤC THỂ THỦY TINH

Đục thể thủy tinh ở trẻ em là một bệnh mắt khá phổ biến. Bệnh có thể ở một hoặc hai mắt, có ngay từ khi sinh ra hoặc xuất hiện muộn hơn. Đục thể thủy tinh có thể đơn độc hoặc kèm theo nhiều tổn thương khác ở mắt và toàn thân. Trước đây, đục thể thủy tinh ở trẻ em thường được xử lý muộn, do đó khả năng phục hồi thị lực rất hạn chế do nhược thị. Hiện nay, nhờ những tiến bộ về máy móc cũng như những cải tiến về kỹ thuật, người ta đã có thể phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ em từ rất sớm, nhờ đó tiên lượng thị lực trở nên tốt hơn rất nhiều.

17.3.1. Chẩn đoán

Chẩn đoán đục thể thủy tinh rất dễ dàng, phần lớn có thể thấy được bằng mắt thường với dấu hiệu chủ yếu là đồng tử màu trắng và mất ánh hồng của đồng tử. Để khám và đánh giá chi tiết, cần dùng thuốc giãn đồng tử. Nếu thể thủy tinh đục nhiều thì có thể không soi được đáy mắt. Đục thể thủy tinh có thể kèm theo những tổn thương khác của mắt như: rung giật nhãn cầu, nhãn cầu nhỏ, khuyết mống mắt, khuyết võng mạc, teo thị thần kinh, lác…

17.3.2. Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt đục thể thủy tinh với một số bệnh khác của võng mạc ở trẻ em có thể có dấu hiệu đồng tử trắng như: ung thư võng mạc, bệnh võng mạc trẻ đẻ non, bệnh Coats, tồn lưu tăng sinh dịch kính nguyên thủy, bệnh giun toxocara, bong võng mạc... (xem thêm mục 17.2.2, chẩn đoán phân biệt ung thư võng mạc).

a) Đục nhân

b) Đục cực trước

Hình 17.6

17.3.3. Các hình thái

Khám bằng sinh hiển vi với giãn đồng tử cho phép đánh giá chi tiết cũng như xác định vị trí đục và giúp phân loại đục thể thủy tinh theo các hình thái khác nhau: đục nhân (hình 17.6a), đục vỏ, đục lớp (nhiều lớp đục bên ngoài đường khớp chữ Y, nhân còn trong), đục dạng màng (nhân và lớp vỏ teo đi, bao trước và bao sau áp sát nhau, thường có canxi hóa), đục cực trước (hình 17.6b), đục dưới bao trước, đục cực sau, đục hình cây nôen... Việc phân loại đục thể thủy tinh này có thể cho biết thời gian xuất hiện đục thể thủy tinh và tiên lượng. Đục nhân và đục cực trước thường là bẩm sinh, đục lớp và đục dưới bao thường do mắc phải. Đục cực trước thường nhỏ (dưới 1 – 2mm), ít tiến triển, ít ảnh hưởng thị lực, do đó thường không cần phẫu thuật.

17.3.4. Bệnh căn

Đục thể thủy tinh không rõ nguyên nhân chiếm khoảng 50 – 60% các trường hợp, khoảng 30% do di truyền, còn lại là do các bệnh toàn thân (các hội chứng Hallerman – Streff, Lowe, Down, Alport, Marfan, bệnh tăng galactoza huyết, giảm canxi huyết, thiểu năng tuyến cận giáp...) hoặc nhiễm trùng từ trong bào thai (Rubella, lao, Toxoplasma, Herpes...).

17.3.5. Điều trị

Đối với đục thể thủy tinh bẩm sinh, phẫu thuật cần thực hiện càng sớm càng tốt để tránh nhược thị. Phương pháp phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ em khác với ở người lớn. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thường chưa có chỉ định đặt kính nội nhãn. Phương pháp thường dùng là phẫu thuật rửa hút hoặc cắt thể thủy tinh (bằng đầu cắt dịch kính). Đối với trẻ trên 2 tuổi, có thể phẫu thuật đặt kính nội nhãn trong bao. Đục bao sau thường xuất hiện sớm sau phẫu thuật thể thủy tinh ở trẻ em, vì vậy trong khi phẫu thuật có thể đồng thời tiến hành cắt bao sau và cắt dịch kính phía trước để tránh nguy cơ đục bao sau thứ phát. Sau phẫu thuật cần sớm điều trị nhược thị (tức là sự giảm thị lực do mắt không được nhìn) bằng điều chỉnh khúc xạ (kính tiếp xúc, kính gọng) kết hợp với bịt mắt tốt hơn (trường hợp đục thể thủy tinh một mắt).

17.4. BỆNH LÁC MẮT Ở TRẺ EM

Lác mắt là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em trong đó có sự lệch trục nhãn cầu của một hoặc hai mắt. Mắt bị lác có thể lệch vào trong hoặc ra ngoài (lác ngang), lên trên hoặc xuống dưới (lác đứng), hoặc lác ngang phối hợp lác đứng (lác chéo). Mắt lác thường xuất hiện rõ khi hai mắt nhìn thẳng phía trước. Nếu che mắt không lác thì mắt lác sẽ chuyển động để đưa mắt trở về tư thế nhìn thẳng.

17.4.1. Khám lác

Khám lác bao gồm nhiều bước và rất quan trọng vì nó có ảnh hưởng quyết định đến việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng. Những yêu cầu cơ bản của quá trình khám lác bao gồm: bệnh sử lác, thị lực, khúc xạ, đo độ lác, vận nhãn, và thị giác hai mắt. Khi khai thác bệnh sử, một số điểm chú ý như tuổi xuất hiện lác, những bất thường khi sinh, tính chất của lác (thường xuyên, từng lúc, lác một hoặc hai mắt). Khám thị lực ở trẻ em thường khó khăn và có thể đòi hỏi một số phương pháp đặc biệt nhằm phát hiện sự giảm thị lực do lác (nhược thị) để làm cơ sở cho quyết định tập luyện nhược thị hay phẫu thuật. Khám khúc xạ bao giờ cũng cần làm với thuốc liệt điều tiết để giúp phân biệt lác do điều tiết và không do điều tiết. Việc xác định đúng khúc xạ và điều chỉnh kính thích hợp là một phần quan trọng trong quá trình điều trị.

Đo độ lác cho biết hình thái lác và mức độ lác. Có nhiều phương pháp đo độ lác. Đơn giản nhất là phương pháp Hirschberg (hình 17.7) (dùng một nguồn sáng chiếu thẳng trước mặt, cách mắt khoảng 40cm và quan sát ánh phản quang ở trung tâm đồng tử. Nếu mắt lác trong thì ánh phản quang lệch ra ngoài, nếu mắt lác ngoài thì ánh phản quang lệch vào trong. Cứ mỗi 1mm độ lệch của chấm phản quang thì tương ứng 7 – 8 độ lác, chấm phản quang lệch đến bờ đồng tử tương ứng lác 15 độ, lệch đến rìa giác mạc tương ứng lác 45 độ). Để đo độ lác chính xác hơn, có thể dùng lăng kính, phương pháp Krimsky (lăng kính phối hợp che mắt), hoặc đo bằng máy synoptophore). Khám vận động nhãn cầu giúp phân biệt lác liệt với lác cơ năng và những bất thường vận động do lác (tăng hoạt, giảm hoạt). Khám thị giác hai mắt nhằm phát hiện những thích ứng bất thường của thị giác do lác đòi hỏi phải tập luyện phục hồi thị giác hai mắt trước phẫu thuật.

Hình 17.7. Đo độ lác bằng phương pháp Hirschberg

17.4.2. Các hình thái lác

17.4.2.1. Lác trong

Lác trong bẩm sinh là hình thái thường gặp nhất (chiếm khoảng 40% trong số các hình thái lác). Lác trong có thể ở một mắt (chứng tỏ mắt nhược thị) hoặc luân phiên hai mắt nếu thị lực hai mắt tương đương. Các hình thái lác trong phổ biến nhất là: lác trong vô căn (xuất hiện từ rất sớm, tật khúc xạ không đáng kể, độ lác thường ổn định), lác trong điều tiết do tật khúc xạ (lác xuất hiện muộn hơn, thường có viễn thị cao, lác trong nhiều khi bệnh nhân nhìn vật ở gần), và lác trong điều tiết không do tật khúc xạ (tật khúc xạ không đáng kể kèm theo bất thường của tỉ số quy tụ điều tiết trên điều tiết [AC/A]).

Hình 17.8. Lác trong

17.4.2.2. Lác ngoài

Tỷ lệ lác ngoài ít hơn nhiều so với lác trong. Hai hình thái thường gặp của lác ngoài là lác ngoài thường xuyên và lác ngoài từng lúc. Lác ngoài thường xuyên thường xuất hiện sớm, độ lác cao, khúc xạ ổn định, có thể kèm theo tổn hại thực thể (nhất là đục thể thủy tinh, bệnh giác mạc, tổn hại võng mạc và thị thần kinh). Lác ngoài từng lúc thường xuất hiện muộn hơn, ít bị nhược thị.

17.4.2.3. Một số hình thái lác đặc biệt

– Hội chứng Duane: mắt lác (vào trong hoặc ra ngoài), có thể không lác, kèm theo khe mi hẹp lại khi mắt đưa vào trong, vận nhãn hạn chế vào trong hoặc ra ngoài.

– Hội chứng Brown: mắt hạn chế đưa vào và lên trên, vận nhãn các hướng khác bình thường, mắt không lác hoặc lác xuống dưới. Hội chứng này có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, do tổn hại cơ chéo lớn hoặc ròng rọc cơ.

– Hội chứng Mœbius: lác trong do liệt các dây thần kinh VI, VII. Lác trong với độ lác lớn, hai mắt không liếc được ra ngoài, kèm theo teo đầu lưỡi (liệt dây thần kinh XII).

– Liệt hai cơ đưa mắt lên: mắt bị liệt thường lác dưới và không liếc được theo các hướng lên trên.

– Liệt cơ chéo lớn bẩm sinh: mắt liệt lác lên trên, kèm theo tư thế lệch đầu về bên mắt lành và cằm hạ xuống.

– Hội chứng chữ cái (A hoặc V): trong hội chứng chữ A, ở mắt lác trong thì độ lác tăng khi mắt nhìn lên và giảm khi mắt nhìn xuống, ở mắt lác ngoài thì độ lác tăng khi mắt nhìn xuống và giảm khi mắt nhìn lên. Hội chứng chữ V ngược lại với hội chứng chữ A.

17.5. BỆNH VÕNG MẠC TRẺ ĐẺ NON

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non trước đây là một nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến mù lòa ở trẻ em. Bệnh xuất hiện ở những trẻ đẻ chưa đủ tháng, cân nặng khi sinh thấp và được chăm sóc trong môi trường có nồng độ oxy cao của lồng ấp. Những năm gần đây, nhờ những tiến bộ trong việc chăm sóc trẻ đẻ non, tỷ lệ trẻ đẻ non có cân nặng thấp sống được càng tăng nên bệnh võng mạc trẻ đẻ non đã trở thành vấn đề càng ngày càng được chú ý. Hiện nay, sự hiểu biết về cơ chế bệnh sinh cũng như việc điều chỉnh mức oxy lồng ấp thích hợp đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mù lòa do bệnh. Bệnh võng mạc trẻ đẻ non nếu được phát hiện và điều trị sớm thì có thể ngăn chặn được mù lòa.

17.5.1. Bệnh sinh

Cơ chế bệnh sinh của bệnh võng mạc trẻ đẻ non hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng. Một thuyết phổ biến nhất hiện nay nêu lên sự liên quan với nồng độ oxy. Nồng độ oxy tăng dẫn đến sự co các mạch máu chưa hoàn chỉnh ở võng mạc ngoại vi, từ đó gây ra thiếu máu cục bộ và tăng sinh tân mạch và xơ hóa ở vùng võng mạc thiếu máu, cuối cùng là bong võng mạc. Nhiều yếu tố có liên quan đến sự phát sinh bệnh như cân nặng khi sinh, số tháng tuổi khi sinh, hội chứng suy hô hấp hoặc bệnh nhiễm trùng khi sinh. Trong số này, cân nặng khi sinh thấp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh. Trẻ đẻ non có cân nặng khi sinh càng thấp thì nguy cơ xuất hiện bệnh võng mạc càng cao. Khoảng 50% trẻ sinh ra với cân nặng dưới 1250g có dấu hiệu của bệnh võng mạc trẻ đẻ non.

17.5.2. Chẩn đoán

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non thường xuất hiện ở võng mạc ngoại vi, nhất là ở phía thái dương. Bệnh tiến triển theo 3 giai đoạn (hình 17.9): Giai đoạn 1, có một đường ranh giới rõ ràng (tức là cầu nối tắt giữa động mạch và tĩnh mạch) giữa vùng võng mạc có mạch máu và vùng võng mạc chưa có mạch máu. Giai đoạn 2, xuất hiện một gờ nổi lên (cầu nối tắt to ra). Giai đoạn 1 và 2 tiên lượng tốt, bệnh có thể tự thoái triển. Giai đoạn 3, từ đường gờ sinh ra các tân mạch phát triển vào trong dịch kính. Tân mạch cũng có thể xuất hiện ở võng mạc cực sau (giai đoạn bổ sung). Giai đoạn 3 và giai đoạn bổ sung có tiên lượng nặng, vì tân mạch có thể ảnh hưởng đến thị lực và là nguyên nhân gây tăng sinh xơ và co kéo dẫn đến bong võng mạc.

17.5.3. Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt bệnh võng mạc trẻ đẻ non với các bệnh có dấu hiệu đồng tử trắng như: đục thể thủy tinh, bệnh Coats, ung thư võng mạc, viêm màng bồ đào, tồn lưu tăng sinh dịch kính nguyên thủy, hoặc một số tổn hại võng mạc bẩm sinh khác.

17.5.4. Điều trị

Điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non chủ yếu bằng phẫu thuật, ở giai đoạn sớm có thể điều trị bằng lạnh đông, quang đông laser để tiêu hủy các vùng võng mạc thiếu máu. Ở giai đoạn muộn điều trị bằng phẫu thuật cắt dịch kính – võng mạc.

Hình 17.9.

CÂU HỎI TỰ LƯỢNG GIÁ

Hãy chọn câu trả lời đúng nhất:

1. Dấu hiệu điển hình của glôcôm bẩm sinh là

A. Cương tụ rìa.

B. Giác mạc to.

C. Tiền phòng nông.

D. Thể thủy tinh đục.

E. Đồng tử giãn.

2. Giãn lồi nhãn cầu do bệnh glôcôm bẩm sinh có thể gây ra

A. Cận thị.

B. Lõm gai.

C. Chảy nước mắt.

D. Tăng nhãn áp.

E. Tiền phòng nông.

3. Bệnh ung thư võng mạc thường có dấu hiệu:

A. Đồng tử giãn to.

B. Đồng tử màu trắng.

C. Đồng tử co nhỏ.

D. Mất phản xạ đồng tử.

E. Lệch đồng tử.

4. Đục thể thủy tinh bẩm sinh có dấu hiệu:

A. Tăng nhãn áp.

B. Cương tụ kết mạc.

C. Đồng tử trắng.

D. Đồng tử giãn.

E. Lác mắt.

5. Ở một bệnh nhân mắt lác trong, nếu che mắt không lác thì mắt lác sẽ

A. Chuyển động từ trong ra.

B. Chuyển động từ ngoài vào.

C. Không chuyển động.

D. Chuyển động từ trên xuống.

E. Không có câu nào đúng.

6. Hình thái lác phổ biến nhất ở trẻ em là

A. Lác chéo.

B. Lác ngoài.

C. Lác trong.

D. Lác đứng.

E. Lác ngang.

7. Điều trị đục thể thủy tinh bẩm sinh nên

A. Phẫu thuật sớm.

B. Phẫu thuật muộn.

C. Dùng corticosteroid.

D. Mổ lấy thể thủy tinh ngoài bao.

E. Dùng thuốc giãn đồng tử.

8. Bệnh võng mạc trẻ đẻ non có nguy cơ dẫn đến mù lòa do

A. Teo võng mạc.

B. Tăng nhãn áp.

C. Phù võng mạc.

D. Tắc động mạch võng mạc.

E. Bong võng mạc.

Hãy khoanh vào Đ nếu ý đúng, vào S nếu ý sai trong những câu sau:

9. Các bệnh mắt có dấu hiệu đồng tử trắng là

A. Đục thể thủy tinh.

Đ – S

B. Ung thư võng mạc.

Đ – S

C. Glôcôm bẩm sinh.

Đ – S

D. Viêm màng bồ đào.

Đ – S

E. Bệnh Coats.

Đ – S

10. Bệnh võng mạc trẻ đẻ non thường gặp ở trẻ

A. Cân nặng khi sinh dưới 1500g.

Đ / S

B. Có can thiệp sản khoa.

Đ / S

C. Được chăm sóc sau đẻ trong lồng oxy.

Đ / S

D. Cân nặng khi sinh từ 1500g đến 2000g.

Đ / S

E. Có viêm nhiễm ở mắt sau khi sinh.

Đ / S

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: