Chương 25: Tình thân là cái gì đó rất sâu sắc và khó quên

Chập tối hôm đó, Từ đại nhân cùng Cầu thái y đến nhà Vân Kim.

Không nói cũng biết Từ đại nhân vui đến đâu, vừa gặp nhà mình vừa gặp hài nữ tất nhiên rất vui. Cái gọi là ưu phiền rất nhanh bị ngài vứt qua một bên.

Vân Kim cũng vui không kém, cười nói không ngớt chút nào.

Chỉ tội Tiêu Hàn Nguyệt, hết bị Lê phu nhân tra hỏi, lại bị đám nô tỳ nhìn đến mức người hắn muốn thủng vài chỗ, đã vậy rồi Từ đại nhân còn rất thân thiết mà nở nụ cười đe doạ hắn. Khiến hắn ăn không ngon, nuốt không trôi.

Một đám người từ kinh thành vất vả đến nhà Vân Kim rồi ngủ lại một đêm. Sáng hôm sau đã lên đường về.

Từ đại nhân chưa ở được bao lâu phải về tất nhiên rất không vui. Bất quá thân làm quan ông không thể lơ là việc triều chính nên nhanh chóng đem công chúa mang về. Trước khi đi còn dặn dò nàng đủ chuyện, hơn cả nương nàng. Tất nhiên Lê phu nhân cũng phải về nhà, bà đã đi lâu quá rồi, trước khi về còn ôm lấy Vân Kim dặn dò nàng thỉnh thoảng phải về thăm gia đình.

Bát công chúa sau một đêm không ngủ trở nên thân thiết với Vân Kim vô cùng, không muốn về cung khiến cho Từ đại nhân không biết làm sao. Cuối cùng Vân Kim hứa khi nào có dịp sẽ đến thăm nàng, còn mang theo rất nhiều bánh nên Bát công chúa mới ngoan ngoãn trở về.

Cầu thái y sau một hồi năn nỉ gãy lưỡi cũng mang được tiểu Bạch về nhà. Hắn biết Từ đại nhân rất thích mấy thứ có lông nên tiểu Bạch sẽ không ngoại lệ. Tuy phải hy sinh một ống tay áo vì bị dã lang cắn rách nhưng cũng đáng, Cầu thái y nước mắt lưng tròng, cẩm y quý giá của hắn.

Tiêu Hàn Nguyệt sau khi tiễn hai cỗ xe ngựa rời đi, thở phào nhẹ nhõm, tiến đến đập mặt vào người dã lang. Dã lang ăn ở nhà Vân Kim đã quen, có nói thế nào cũng không đi nên Vân Kim giữ lại nuôi luôn.

Vân Kim vào nhà, thấy Tiêu Hàn Nguyệt ôm dã lang liền phì cười.

"Hàn Nguyệt, ngươi ôm chặt quá, dã lang sẽ tức giận đó."

"Không sao, ta cho nó ăn nhiều như vậy không lẽ ôm một cái cũng không cho?" Tiêu Hàn Nguyệt đứng dậy đáp.

Vân Kim nghĩ cũng đúng, liền gật đầu rồi dặn hắn trông nhà, nàng đi kiếm chuyện làm ăn. Bất quá Tiêu Hàn Nguyệt không chịu, đòi đi theo nàng. Hắn ăn nhờ ở đậu đã lâu, không có gì làm vẫn nên đi phụ nàng là hơn. Là người có ăn có học đương nhiên hắn phải biết chuyện gì nên làm chuyện gì không nên làm.

Vậy là Vân Kim cùng Tiêu Hàn Nguyệt lên trấn, nàng dẫn hắn đến tiệm sủi cảo hôm trước nàng ăn.

Tuy rằng cũ nát nhưng hương vị đó khiến nàng không quên được.

Với lại nàng cũng có ý định sẽ mở một gian hàng, nhưng chưa biết sẽ bán gì. Bán lương thực thì có vẻ không hay lắm, nhà chỉ có vài khóm đất trồng rau còn chưa đủ ăn nói chi đem bán. Bạc cũng không đủ để mua một lượng lớn lương thực để bán. Xét tình hình thì nhà nàng gần núi, trên núi có dã vật, nàng có thể lấy nguyên liệu ở trên đó về để chế biến. Tính ra cũng khá hời vì dã vật trên đó không cần phải trả tiền. Hơn nữa nàng cũng biết kha khá món ăn nên mở gian hàng ăn là tốt nhất.

Con người mà, ham thích của lạ nên chỉ cần là đồ họ không biết nhất định sẽ có người mua. Bất quá nàng có đi hỏi quanh đây nhưng không ai cho nàng thuê một gian cả, mà có thì giá cũng phải trên trời.

Nên nàng quyết định sẽ đánh cược một phen, hỏi thuê gian hàng sủi cảo. Xung quanh gian hàng này đều là những gian hàng đông khách vì sao mỗi gian hàng sủi cảo là vắng. Nàng đoán ắt hẳn có khó khăn nên hỏi xung quanh cũng biết kha khá chuyện, cuối cùng quyết định đến đây thuê gian hàng này.

Sau một hồi bàn qua, hỏi lại, ăn bánh, đàm chuyện trên trời dưới đất nàng cũng có được sự đồng ý của chủ gian hàng.

Chủ gian hàng sủi cảo là hai lão bà, một người tên là Cao Hạnh, người kia gọi là Cao Phúc, họ sống với nhau cũng hơn hai mươi mấy năm rồi, cùng nhau mở gian hàng bán buôn cũng từng đó năm. Thời gian đầu bán cũng rất được, gian hàng nổi danh khắp trấn, ai ai cũng khen. Bỗng một ngày nọ, có một tửu lâu mở ngay đầu trấn, họ phá mối làm ăn của các gian hàng, đặt điều phá vỡ thanh danh của các gian hàng rồi đe doạ họ, muốn yên ổn bán buôn thì một là phải đóng tiền hàng tháng cho họ, hai là phải bán gian hàng này đi với giá rẻ. Nhưng cho dù hai lão bà có đóng tiền đủ mỗi tháng thì họ vẫn quấy rối chuyện làm ăn, muốn chiếm gian hàng sủi cảo này. Bất quá hai lão bà cứng đầu không đi, ở mãi chỗ này, hỏi ra mới biết hai lão bà có với nhau một nam hài tử. Hai lão bà yêu thương hắn hết mực bất quá vào năm hắn mười tuổi đã bị ai đó bắt đi, đến nay vẫn biệt âm vô tín. Hai lão bà vẫn nuôi hy vọng một ngày con sẽ trở về nên gian hàng này còn thì con của họ sẽ biết hai người họ ở đâu. Cứ chờ mãi như vậy cũng đã mười mấy năm trôi qua rồi.

Tuy nhiên hai người cũng đã lớn tuổi, khách ngày càng ít e là không thể duy trì gian hàng này mãi. Gia sản cũng không còn gì nữa, đã sớm đem bán hết lấy chút bạc mua nguyên liệu rồi. Cả nhà cũng bán rồi, hai lão bà chỉ còn lại gian hàng này mà thôi. Hai người đã quyết định bán hết hôm nay sẽ đóng cửa nghỉ bán, sau đó bán gian hàng này cho ai đó rồi cầm số bạc đó đi tìm con. May mắn thay Vân Kim lại đến và đề bạc muốn thuê gian hàng này khiến họ phải ngạc nhiên. Sau một hồi suy nghĩ, bọn họ đã chấp nhận yêu cầu của Vân Kim, đồng ý cho thuê gian hàng này cùng hai lão bà với điều kiện giúp hai người họ duy trì gian hàng sủi cảo.

Một kẻ thức thời như Vân Kim tất nhiên đồng ý. Nàng lúc đầu chỉ muốn thuê gian hàng thôi, nhưng khi nghe chuyện của họ thì thay đổi ý định thuê luôn cả hai người họ như vậy là tốt nhất.

Tuy tiền công không bao nhiêu nhưng sẽ giúp đỡ họ được chút ít, hơn nữa cũng như giữ họ có được chỗ ở. Sau này nàng kiếm được kha khá sẽ giúp họ mua một căn nhà trên trấn, để có nơi đợi con về.

Hai lão bà cũng biết ý tốt của Vân Kim thành tâm cảm tạ nàng, còn mời hai người ở lại dùng cơm.

_______________________________________________

Tại kinh thành, Lương Từ Trúc vừa chữa bệnh cho một quý phu nhân bị bệnh khó ngủ. Dặn dò xong, hắn nhận bạc rồi đi xe lừa trở về căn nhà của mình.

Đó là một căn nhà tranh bình thường ở một trấn nhỏ, cách kinh thành hơn một ngày đường, bất quá đi theo đường tắt men qua rừng trúc thì chỉ mất nửa ngày đường.

Ngôi nhà nằm sau mấy con hẻm. Hắn đã lâu chưa về lại nhà, kể từ khi ông của hắn mất thì căn nhà này hắn rất ít khi trở về. Cùng lắm hắn chỉ về để ngủ hoặc để bào chế thuốc rồi lại đi suốt hai ba tháng mới quay lại hoặc khi hết thuốc mới trở về. Tay đẩy cánh cửa cũ nát, hắn bước vào trong, khung cảnh vẫn như cũ không có gì đổi khác. Vẫn bộ bàn ghế cũ, vẫn ấm nước bình trà, vẫn những cuốn y thư trên giá gỗ, chiếc giường trúc cạnh đó đã phủ bụi, những tủ thuốc gỗ đã lâu không ai chạm vào. Hắn nhìn quanh rồi đặt hòm gỗ cùng vài món mặn lên bàn, lấy một tấm vải cũ phủ lên rồi bắt đầu dọn dẹp ngôi nhà.

Khoảng một nén nhang đã dọn xong, nhà cũng không to mấy, chỉ dọn vài cái là xong. Lương Từ Trúc thay y phục, dọn bàn, dọn chén ra sân nhỏ, hắn đặt hai cái bát, hai đôi đũa, một bình rượu, hai mặn một canh. Hắn nhìn hai cái chén rồi tự nhủ, quả nhiên thói quen từ nhỏ rất khó thay đổi.

Hắn từ nhỏ đã không có cha hay mẹ. Nghe ông kể lại thì bọn họ đều đã đi Tây Thiên. Bất quá hắn cũng rõ bản thân hắn chính là bị bỏ rơi.

Hắn từ nhỏ lớn lên đều do một tay ông nuôi lớn. Một thân y thuật cũng do ông truyền lại mà thành. Nghĩ lại hắn nợ ông thật nhiều. Lương Từ Trúc khẽ nở nụ cười, một nụ cười buồn, hắn chưa kịp báo hiếu với ông, người nuôi nấng hắn trưởng thành thì ông lại vì một cơn bạo bệnh mà ra đi.

Thương thay, dù là đại phu y thuật cao siêu cũng không thể tránh khỏi tuổi cao sức yếu. Đáng trách hơn, lúc đó hắn không có mặt ở cạnh mà đang chữa bệnh ở một nơi xa. Dù cho lời cuối cùng cũng không trách hắn mà chỉ dặn hắn hai câu, một trong số đó là lương y như từ mẫu, chữa bệnh không phân biệt kẻ giàu hay nghèo, phải dùng tâm mà chữa. Đêm đó hắn chạy vội đường xa trở về, phải hai ngày sau mới về đến nơi, mà lúc này ông đã nhắm mắt xuôi tay. Hắn vẫn luôn tự trách bản thân mình cho đến bây giờ.

Hắn rót rượu ra hai cái chén, một chén mời ông, một chén cho hắn.

Nhấp một ngụm rượu, mùi vị cay nồng khiến hắn nhớ về ông, người vẫn thường hay uống rượu ngâm thơ mỗi đêm trăng tròn. Ông thường vừa giã thuốc vừa cằn nhằn hắn đủ chuyện, lúc nhỏ thì không chịu ăn, lớn một chút thì học hành không đến nơi đến chốn, lớn chút nữa thì giã kiểu này sai rồi, giã nhẹ tay quá sẽ không ra thuốc, đến khi trưởng thành ông lại cằn nhằn mãi không lấy cho ông một cô cháu dâu, hắn vẫn nhớ rõ bộ dạng của ông hôm ấy.

Râu tóc đã bạc, nét mặt nhăn nhó, lưng hơi còng, tay cầm một cây gậy đứng cạnh xem hắn sắc thuốc mà miệng cứ cằn nhằn. "Thật là, đến tuổi này rồi mà mày còn để ông phải giục nữa sao? Nhanh nhanh thành thân để ông còn có cháu bồng. Lớn cái đầu rồi còn nhỏ gì nữa mà kén cá chọn canh chứ. Chờ mày lập gia chắc ông mày cũng xanh cỏ rồi!"

Hắn mỉm cười, lúc ấy hắn đã nói gì nhỉ? Thú thật năm đó số bà mai tìm đến cửa cũng không ít, số cô nương đỏ mặt nhìn hắn cũng vậy. Bất quá, hắn không muốn chọn đại một vị cô nuơng để lấy, mà muốn tìm một vị cô nương ôn nhu hiểu chuyện cơ. Như vậy thì nàng sẽ không ghét bỏ chuyện hắn có một người ông đã già, nàng sẽ hiểu hắn được như ngày hôm nay là nhờ ai. Dù hắn biết của cải hắn chẳng có bao nhiêu, nhà thì cũ nát, chỉ có mỗi chỗ y thư là có giá. Đáng tiếc thay  ông không đợi được hắn rồi.

Rượu hết, hắn cũng không muốn ăn nữa. Dọn một bàn đồ ăn mà hắn chẳng buồn động đũa.

Dưới cái nắng nhẹ, hắn ngồi bên cửa nhà ngắm trời nhìn mây. Tóc mai khẽ động, hắn hướng mắt lên bầu trời rồi thiếp đi lúc nào không hay. Tà áo khẽ đẫm màu, gió lay vẫn chưa khô.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top