Nha nuoc phap quyen VN

Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

- Nhà nước pháp quyền là con đẻ của Cách mạng tư sản Châu Âu thế kỷ XII, của phong trào giải phóng nhân loại khỏi chế độ phong kiến chuyên chế.

- Các tác giả học thuyết nhà nước pháp quyền khi xây dựng học thuyết nay đã tiếp thu các thành quả tư tưởng của các lĩnh vực có liên quan của nhân loại. Ví dụ: học thuyết pháp luật tự nhiên, học thuyết về nhân quyền, tư tưởng nhân trị...

- Hiện nay nhà nước pháp quyền đang trở thành giá trị văn minh của nhân loại mà mọi nhà nước muốn trở thành nhà nước dân chủ, nhà nước văn minh đều phải hướng tới không phân biệt chế độ chính trị.

- ở Việt Nam, nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, nhà nước của dân, do dân và vì dân đã được Đại hội VII, VIII, IX của Đảng đặt sự quan tâm và mong muốn thiết lập.

- Để thực hiện đường lối đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam về việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. ở Việt Nam, chúng ta cần tìm hiểu một số vấn đề lý luận về nhà nước pháp quyền.

I. Những vấn đề lý luận chung về nhà nước pháp quyền.

1. Khái niệm nhà nước pháp quyền.

Hiện nay, xung quanh vấn đề khái niệm nhà nước pháp quyền có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.

- Nhà nước pháp quyền chỉ là nhà nước tồn tại trong học thuyết, là mô hình nhà nước lý tưởng được các học giả tư sản đặt ra để các quốc gia phấn đấu chứ không thể trở thành hiện thực.

- Nhà nước pháp quyền là sản phẩm, là phạm trù tư tưởng tư sản chỉ tồn tại và phù hợp với các nước phương Tây. Còn các quốc gia phương đông chỉ tiếp cận mang tính chất nghiên cứu chứ không thể vận dụng được.

- Nhà nước pháp quyền được coi là xu thế chung của thời đại, của nhiều quốc gia trên thế giới.

- Nhà nước pháp quyền là một kiểu nhà nước, một hình thức nhà nước.

- Nhà nước pháp quyền là nhà nước gắn liền với xã hội công dân.

* ở Việt Nam, vấn đề nhà nước pháp quyền là một vấn đề mới cả về phương diện lý luận nhận thức và thực tiễn. Chưa được nghiên cứu nhiều song mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đã được đề cập đến trong văn kiện Đại Hội đại biểu lần thứ VII, VIII, IX của Đảng cộng sản Việt Nam.

* Mặc dù hiện nay chưa có một quan điểm chính thống, một khái niệm hoàn chỉnh, chính xác về nhà nước pháp quyền nhưng ở góc độ khái quát nhất có thể hiểu: nhà nước pháp quyền là nhà nước mà trong đó mọi chủ thể (kể cả nhà nước) đều phải nghiêm chỉnh phục tùng pháp luật- một hệ thống pháp luật có tính pháp lý cao, phù hợp với lý trí thể hiện đầy đủ những giá trị cao cả nhất của xã hội, của con người.

2. Đặc điểm nhà nước pháp quyền.

Trên cơ sở những nghiên cứu khác nhau, có thể chỉ ra những đặc điểm cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền.

- Là nhà nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có giá trị pháp lý và có hiệu lực bắt buộc đối với mọi chủ thể trong đó Hiến pháp đóng vai trò tối thượng.

+ Hiến pháp được coi là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật. Các đạo luật, bộ luật và những văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

+ Mọi cơ quan, tổ chức xã hội, người có chức vụ và công dân đều phải nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật.

- Là nhà nước trong đó mối quan hệ nhà nước và công dân là mối quan hệ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Trong nhà nước pháp quyền, công dân có đầy đủ quyền tự do, dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời công dân cũng tự giác thực hiện mọi nghĩa vụ trước nhà nước. Về phần mình, nhà nước pháp quyền cũng tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân, ghi nhận và bảo đảm cho các quyền đó được thực hiện đầy đủ. Mối quan hệ nhà nước và công dân được xác lập trên cơ sở tôn trọng lợi ích giữa các bên.

- Là nhà nước trong đó các quyền tự do, dân chủ và lợi ích chính đáng của con người được pháp luật bảo đảm và bảo vệ toàn vẹn.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của công dân phải đi liền với việc đấu tranh không khoan nhượng với biểu hiện độc quyền, quan liêu, hách dịch cửa quyền và tham nhũng của những người có chức vụ trong cơ quan nhà nước và những hành vi vi phạm pháp luật khác xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của công dân đều bị nghiêm trị.

- Là nhà nước thống nhất quyền lực có sự phân công hợp lý, rành mạch giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Là nhà nước trong đó quyền lực nhà nước được tổ chức một cách khoa học, có sự phân quyền giữa các cơ quan Lập pháp, hành pháp, tư pháp tạo thành cơ chế đồng bộ.

Quan điểm khởi thủy của tư tưởng nhà nước pháp quyền về tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước là quan niệm về sự phân quyền là yêu cầu về sự sắp xếp quyền lực và phối hợp thực thi quyền lực nhằm tạo ra sự đồng bộ, hiệu quả của quá trình sử dụng quyền lực nhà nước.

- Là nhà nước trong đó mọi công dân đều có ý thức pháp luật đúng đắn. Trên cơ sở đó mỗi công dân sẽ nhận thức được những hành vi nào được phép thực hiện, hành vi nào không được phép thực hiện, những hành vi nào buộc phải thực hiện, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách tự giác, triệt để, phát huy tính đúng đắn của nó trong thực tế.

Trên đây là những quan điểm chung của nhà nước pháp quyền- nhà nước mà mọi mặt tổ chức và hoạt động đều trên cơ sở pháp luật, chịu sự quản lý thống nhất của pháp luật, là một " cơ thể" phức tạp nhưng vận động hài hòa, đồng bộ, đảm bảo sự thống nhất cao trong tổ chức và quản lý xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đưa ra quan điểm nhà nước pháp quyền XHCN:

- Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

- Quyền lực nhà nước thống nhất có sự phân công phân nhiệm và phối hợp giữa cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, công dân có nhiệm vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

- Cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước gắn liền với xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước.

II. Phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

1. Tính tất yếu khách quan của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

- Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN đã làm tăng trưởng kinh tế. Đi đôi với nó là nhu cầu thiết lập sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho mọi chủ thể tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Mở rộng và thực hiện dân chủ hóa trong đời sống xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do, dân chủ của nhân dân, thực hiện tốt nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy bản chất dân chủ của nhân dân và hội nhập với xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới.

Xây dựng nhà nước pháp quyền là một vấn đề có tính tất yếu khách quan và tính thời đại, là mục tiêu toàn đảng, toàn dân hướng tới và phấn đấu thực hiện.

2. Nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

a) Nguyên tắc nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, biểu hiện tính chất dân chủ và tính nhân dân sâu sắc của Bộ máy nhà nước XHCN.

- Mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền của mình một cách trực tiếp thông qua việc bầu ra đại diện của mình vào cơ quan đại diện quyền lực nhà nước. Nhân dân có thể trực tiếp thực hiện quyền lực của mình hoặc thông qua cơ quan đại diện do nhân dân bầu ra (Quốc hội, HĐND các cấp), Quốc hội, HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

- Ngoài ra, nhân dân còn tham gia quản lý nhà nước thông qua các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế.

- Để thực hiện nguyên tắc này nhà nước cần tạo mọi điều kiện để nhân dân nâng cao trình độ văn hóa chung, đồng thời bảo đảm điều kiện vật chất và thông tin đầy đủ cho nhân dân biết tình hình mọi mặt của đất nước để họ trở thành chủ nhân thực sự của đất nước.

b) Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

- Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự tồn tại của chế độ nhà nước ta, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là một nguyên tắc quan trọng trong vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

- Hiến pháp xác định" Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành của quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" (Điều 4).

- Nội dung: + Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước dựa trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng.

+ Đảng giới thiệu để bầu ra cán bộ Đảng vào những cơ quan nhà nước, bồi dưỡng đào tạo để bổ nhiệm chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước.

+ Pháp luật ghi nhận các tổ chức thích hợp của Đảng trong cơ quan nhà nước để thực sự đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng như chi bộ, Đảng bộ...

+ Bảo đảm sự thể chế hóa đường lối của Đảng bằng Pháp luật.

+ Bảo đảm sự kiểm tra của Đảng đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.

- Để thực hiện vai trò của mình, Đảng cộng sản không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững manh, kiện toàn tổ chức, đổi mới công tác cán bộ và phương thức lãnh đạo cho phù hợp với tình hình mới của đất nước.

c) Nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Để khắc phục sự tùy tiện và lộng quyền của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN cần áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Nguyên tắc tập trung dân chủ được quy định trong Điều 6 Hiến pháp: Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của nhà nước đều phải tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Thể hiện:

+ Sự phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp.

+ Sự phục tùng của cấp dưới với cấp.

+ Quyền lực nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương.

+ Phân cấp quản lý.

+ Phụ thuộc 2 chiều cơ quan hành chính nhà nước địa phương.

d) Nguyên tắc pháp chế XHCN.

- Đảm bảo sự họat động bằng định hướng đúng đắn của bộ máy nhà nước, phát huy hiệu quả, tăng cường hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội cần áp dụng nguyên tắc pháp chế.

- Nguyên tắc này được quy định tại Điều 12: nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN.

- Nội dung:

+ Việc tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước phải tiến hành theo pháp luật và trên cơ sở pháp luật.

+ Mọi cán bộ, nhân viên phải nghiêm chỉnh tôn trọng pháp luật trong thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

3. Phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền.

3.1. Đổi mới lập pháp và giám sát tối cao của Quốc hội.

- Nâng cao chất lượng đại biểu QH, quy định ứng cử, bầu cử đại biểu QH trên cơ sở phát huy dân chủ, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách.

- Đổi mới công tác lập pháp, xây dựng chương trình dài hạn về lập pháp theo hướng xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, khoa học,khách quan, công bằng và nhân đạo, bãi bỏ quy định pháp luật đã lạc hậu, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

- Làm tốt chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, quyết định phân bổ ngân sách, quản lý việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước, thực hiện quyền giám sát tối cao.

3.2 Cải cách nền hành chính Quốc gia.

a) Cải cách thể chế hành chính.

- Hòan thành về cơ bản và vận hành thông suốt, hiệu quả thiết chế kiến trúc thượng tầng, trước hết bãi bỏ những quy định mang tính chất quan liêu, cửa quyền, gây khó khăn và sách nhiễu nhân dân, cản trở sự phát triển xã hội.

- Hòan thiện khung pháp lý, tháo gỡ mọi rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoạt động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế.

- Đổi mới phương thức xây dựng thể chế, cải tiến sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan, coi trọng việc sử dụng chuyên gia liên ngành, dành vai trò quan trọng cho tiếng nói doanh nghiệp và nhân dân, tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao ý thức kỷ luật trong thực hiện pháp luật.

b) Đẩy mạnh công cuộc cải cách bộ máy hành chính.

- Đổi mới chức năng và cải cách phương thức hoạt động của Chính phủ theo hướng Chính phủ thực hiện chức năng quản lý vĩ mô đối với việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Chính phủ và cơ quan hành chính không trực tiếp can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phân biệt chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước về kinh tế.

- Quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của các bộ theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

- Phân công, phân cấp hợp lý, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ.

- Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ để đảm bảo không chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn chậm trễ trong giải quyết các khiếu kiện của nhân dân. Tăng cương vai trò Tòa hành chính trong giải quyết khiếu kiện hành chính.

- Tách cơ quan hành chính công quyền ra khỏi tổ chức sự nghiệp, khuyến khích hoạt động không vì lợi nhuận, tạo điều kiện để tổ chức thực hiện một số dịch vụ công dưới sự giám sát của cộng đồng.

- Hiện đại hóa công tác hành chính, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, kiện toàn bộ máy hành chính theo hướng tinh giảm biên chế, có cơ chế giải quyết thỏa đáng số người dôi ra.

c) Nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ công chức.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức với chương trình và nội dung sát hợp, chú trọng đội ngũ cán bộ phường, xã.

- Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu... thanh lọc những kẻ tham nhũng trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi công tác cán bộ công chức không đủ năng lực.

- Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân được tiếp xúc với cơ quan công quyền.

3.3. Cải cách tư pháp.

- Viện kiểm sát làm tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

- Tòa án: kiện tòan tổ chức hệ thống tòa án, phân định thẩm quyền tòa án các cấp một cách hợp lý, nâng cao số lượng và chất lượng Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Thực hiện tốt nguyên tắc xét xử công khai, khách quan, giản tiện và hiệu quả.

- Cơ quan điều tra và Thi hành án: kiện toàn tổ chức cơ quan điều tra và thi hành án theo nguyên tắc gọn , đổi mới; Các bản án có hiệu lực pháp luật phải được thực hiện.

- Kiện toàn tổ chức và quy chế hoạt động của các đoàn Luật sư, Công ty luật.

Cải cách tư pháp theo định hướng đổi mới công tác bắt, giam giữ, điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

3.4 Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng.

- Tăng cường tổ chức và đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng trong cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị, cơ quan Đảng đoàn thể từ trung ương đến cơ sở. Gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, chống lạm dụng chức quyền làm giàu bất chính.

- Hoàn thiện quản điểm về cơ chế, chính sách Đảng và nhà nước trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quỹ của tổ chức, đoàn thể, quỹ do nhân dân đóng góp hoặc do nước ngoài tài trợ. Liên tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm kê tài sản nhà nước và các quỹ trên.

- Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng và mọi công dân có trách nhiệm phát hiện và tố cáo hành vi tham nhũng, có biện pháp bảo vệ và khen thưởng những người phát hiện và tố cáo.

- Quy định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kỷ luật với cán bộ công chức có hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản nhà nước.

- Nâng cao đời sống người hưởng lương bằng cách cải cách chế độ tiền lương.

- Bồi dưỡng, giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cán bộ công nhân viên nhà nước.

- Cụ thể và chi tiết hóa điều cấm đối với cán bội công chức, đặc biệt cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt. Những cán bộ đứng đầu cơ quan quản lý, lãnh đạo các cấp,các ngành, doanh nghiệp nhà nước phải kê khai tài sản cá nhân và gia đình. Xử lý nghiêm minh những người có tài sản có nguồn gốc bất minh.

- Xem xét trách nhiệm hình sự và biện pháp kỷ luật với những cán bộ lãnh đạo cơ quan có hành vi tham nhũng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top