Chương 1

Ngọn gió đông rét buốt thổi bần bật xuyên suốt con đường Trịnh Trường kêu ù ù từng cơn làm lòng người cũng ớn lạnh. Lá khô bị cuốn bay liên tục đập vào cửa sổ, kéo giật Lâm Du ra khỏi giấc mộng.

Trong phòng không mở đèn, ánh sáng lập lòe và tiếng nói chuyện xì xào vọng vào từ sân ngoài.

Lâm Du bò dậy ngồi trên giường ngơ ngẩn một lúc rồi lật chăn ra, lần mò xuống giường.

Nhà họ Lâm đời đời kế thừa nghề điêu khắc gỗ của tổ tiên, là kỹ thuật có một không hai trong thành phố Kiến Kinh, hiện tại cả gia đình đều đang sống đông đủ trong căn tứ hợp viện tam tiến này.

Lâm Du năm tuổi có một căn phòng riêng nho nhỏ.

Rời khỏi nơi có lò sưởi, vừa mở cửa là bị gió lạnh bên ngoài thổi vào làm rùng mình, ai đó vội vã chạy đến bế cậu lên nói rằng: "Ôi ông nhỏ của tôi ơi, sao lại tự bò dậy thế này?"

"Không sao đâu chú Phú." Lâm Du không vùng vẫy, còn dụi đầu vào vai người đàn ông ấy vô cùng quen thuộc, hỏi bằng giọng ồm ồm: "Bên ngoài sao thế ạ? Con nghe thấy tiếng bố mẹ."

Năm nay chú Phú hơn bốn mươi, đã trải qua hơn nửa đời người ở nhà họ Lâm. Trước đây chú theo ông nội của Lâm Du học việc, sau khi ông cụ qua đời thì hiện đang theo chủ gia tộc mới, cũng chính là cha của Lâm Du, Lâm Bách Tòng.

Chú Phú đưa tay nắm chân cậu, thấy cậu không đi chân không xuống đất mới thở phào.

Sau đó chú xoa xoa mái tóc tơi mượt sau ót cậu, giải thích: "Bây giờ bố mẹ con có việc không qua được, có buồn ngủ không? Nếu buồn ngủ thì tối nay ngủ với chú nhé."

"Con không buồn ngủ." Lâm Du lắc đầu.

Cậu ngước mắt nhìn ra cửa vườn nhỏ qua vai chú Phú, một lúc sau mới khẽ hỏi: "Chú, có phải ba mẹ nuôi về rồi không?"

Dù động tác của chú ấy chỉ khựng lại trong một quãng rất ngắn thôi thì Lâm Du vẫn cảm nhận được.

Chú Phú thở dài thì thầm, "Ừ, về rồi."

Về rồi, nhưng vĩnh viễn không về được nữa.

Lâm Du hiểu ra ngay, mắt cậu đỏ lên, hiện tại đang là đêm nên chú Phú mới không để ý thấy.

... Lâm Du của hiện tại không phải Lâm Du năm năm tuổi thật sự, mà là Lâm Du đã sống lại một đời.

Không một ai biết bí mật này.

Trong trí nhớ của cậu, nhà họ Văn cũng gặp chuyện trong khoảng thời gian này.

Thời điểm Lâm Du trùng sinh trở lại vừa khéo là khi cậu vừa qua một cơn bệnh nặng. Vợ chồng Lâm Bách Tòng thương con đứt ruột, nghe một sư ông đi qua nói cậu bị tà linh nhập xác cần phải tìm gia đình phù hợp trấn áp lại.

Vừa hay nhà họ Văn là gia đình quân nhân trú quân ở đây. Tuy chỉ mới đến Kiến Kinh được vài năm, lại thường xuyên bôn ba bên ngoài, nhưng hai vợ chồng nhà ấy đối nhân xử thế rất rộng rãi tốt bụng, thường ngày cũng hay qua lại với nhà họ Lâm.

Thế là Lâm Du có thêm cha mẹ.

Cậu chỉ nhớ được người đàn ông quanh năm sống kiếp quân nhân cao to cường tráng, người phụ nữ khéo léo mà kiên cường. Hai người gặp chuyện không may trong một trận lở đất ngày đông năm xưa, chỉ để lại một mình đứa con trai độc đinh mới gần mười tuổi ôm tro cốt cả hai về nhà.

Lâm Du không nhớ được bất kỳ điều gì về đêm hôm ấy.

Đối với việc mình quay lại năm năm tuổi, bản thân cậu cũng như vừa hồi phục lại sau một trận bệnh trầm kha, cả ngày trời cũng chẳng có mấy thời gian rảnh để hồi tưởng quá khứ.

Nhưng lúc này nghe thấy tiếng xôn xao bên ngoài, cậu mới chợt có cảm giác như vận mệnh lại tiến vào guồng quay cũ.

Khi Lâm Du chạy ra cửa, cậu thấy ngay bóng dáng đang đứng dưới ánh đèn ảm đạm từ mái hiên.

Đứa bé trai khoảng mười tuổi nhưng cao hơn bạn đồng trang lứa một chút, có lẽ đã được di truyền toàn bộ ưu điểm ngoại hình của bố mẹ, ngũ quan đã có đường nét thiếu niên. Lâm Du nhận ra chiếc áo khoác gần như có thể bao phủ hoàn toàn cả người cậu ta, là áo của ba cậu.

Nhưng dường như chẳng cho đứa bé ấy được chút ấm áp nào.

Trên ống quần cậu ta đầy bùn sình khô cứng, đứng đó, lạnh đến tái nhợt, hai mắt đờ đẫn như con rối gỗ.

Rất nhiều người đứng lố nhố cách đấy không xa, họ tụm năm tụm ba lại xì xầm gì đó, tất cả đều là hàng xóm trên con đường này. Lâm Du không cần nghĩ cũng biết là đang thảo luận chuyện tổ chức tang lễ cho vợ chồng nhà họ Văn.

Dù sao thì một nhà ba người giờ chỉ còn lại một đứa bé, ai cũng thấy đứa nhỏ thật đáng thương.

Những ánh mắt và âm thanh hoặc đánh giá hoặc thở than đó đều nhắm thẳng vào cậu ta không chút che giấu.

Có người lầm bầm: "Nghe nói còn có chú với cậu nữa mà, sao không thấy ai đến vậy?"

Tuy đã rất cố gắng hạ giọng nhưng câu nói ấy vẫn rõ mồn một giữa đêm khuya thanh vắng, "Có một người cậu, nhưng tôi nghe nói cậu của nó không tốt lành gì. Hai vợ chồng họ Văn vừa gặp chuyện là anh ta chạy đến ngay, nhưng ông đoán xem đến làm gì?"

"Làm gì?"

"Để xí phần chỗ tiền trong tay vợ chồng người chết."

"Thứ người gì không biết." Ai đó bất bình, "Người chết còn chưa chôn cất đã rình rập tài sản của người ta rồi."

"Đúng vậy." Ai đó liếc về phía mái hiên, lên tiếng: "May mà con trai nhà họ Văn cứng cỏi, đuổi thẳng cậu nó ra ngoài. Nếu không sao lại chỉ có mỗi một đứa bé ôm tro cốt bôn ba xa xôi như vậy, đúng là nghiệp chướng."

"Phía bố nó không còn ai nữa à?"

"Chuyện đó thì không rõ, nhà họ Văn mới chuyển tới được mấy năm, chỉ biết Văn Viễn Sơn là người Tây Xuyên, bà có nghe nói gì về nhà đó không?"

"Cũng đúng, nếu nhà còn ai thì đâu thể không có tin tức gì vậy được."

...

Lâm Du bám tay vào khung cửa gỗ dày, tai nghe tiếng bọn họ xì xào bàn tán, mắt chăm chú nhìn vào góc nhà không nhúc nhích.

Ký ức mà cái tên Văn Chu Nghiêu để lại cho cậu cũng không nhiều lắm.

Thuộc dạng từ nhỏ đến lớn luôn biết có người đó tồn tại, nhưng trên thực tế chẳng qua lại gì. Nếu tính kỹ ra thì kiếp trước Văn Chu Nghiêu lớn hơn cậu khá nhiều tuổi giao thiệp với bố mẹ cậu nhiều hơn, nói là bố mẹ nuôi cũng không quá, có điều không sống cùng nhau.

Văn Chu Nghiêu hơn Lâm Du đến mấy khóa, cả cơ hội gặp mặt cũng hiếm hoi.

Nhà họ Lâm là gia tộc lớn, lễ tết lúc nào cũng rộn rộn ràng ràng mấy chục nhân khẩu. Khi đó Lâm Du luôn là trung tâm của cả nhà, rất khó chú ý thấy có một người như thế. Ấn tượng về cái tên này trong năm sáu năm sau đó chỉ dừng ở thi thoảng bố mẹ nói chuyện lại nhắc đến rồi cảm thán.

Sau này khi người ở đường Thịnh Trường nhắc đến cái tên này dường như đều xem đó là sự tồn tại rất khó chạm đến.

Vì cuộc đời về sau của người này có thể gọi là truyền kỳ.

Lâm Du biết năm nào bố mẹ cũng nhận được thư báo bình an gửi về từ quân đội với một số tiền có thể nói là kinh người.

Lúc đó cậu không hiểu, cậu bận yêu đương, bận công khai, bận đấu tranh với gia đình. Luôn nghĩ giống như lời rất nhiều người nói, Văn Chu Nghiêu nhờ nối lại quan hệ với nhà nội nên lên như diều gặp gió, nhưng vẫn không quên gốc, là một người rất biết nhớ ơn.

Điểm biết nhớ ơn thì hoàn toàn không sai.

Cũng chính vì nguyên do ngày nhỏ này, mà khi Lâm Du bị bạn bè xa lánh, bỏ mình nơi đất khách quê người, cuối cùng chỉ có mình người này muôn dặm xa xôi từ quân đội chạy đến nhặt xác cho cậu.

Chỉ vì cái hư danh "anh trai" mà cho đến chết Lâm Du vẫn chưa gọi lần nào.

Lúc đó anh ta đã là một người đàn ông trưởng thành xấp xỉ ba mươi, nghe nói khi ấy anh ta đã rời tiền tuyến, nhưng dấu ấn được tôi luyện qua khói lửa chiến trường đã khắc sâu vào cốt tủy người ấy.

Lâm Du nhớ rõ tuyết đọng trên vai người ấy, bóng lưng khi đứng trước mộ bia cũng lặng im như con người anh ta vậy.

Cũng từ lúc đó, Lâm Du cảm thấy linh hồn phiêu bạt của mình đã chạm chân xuống mặt đất.

Thoáng chốc, cậu đã trở về.

Năm này bố vẫn chưa mất sớm, mẹ vẫn dịu dàng nhã nhặn, bà nội hãy còn, gia đình mỹ mãn.

Cậu chưa vì yêu một người đàn ông mà cắt đứt với gia đình đi xa tha phương.

Chưa bị phản bội, bị người yêu đạp dưới chân, lẫn cùng bụi đất.

Chưa chết trong đêm tuyết, linh hồn chưa lang bạt, không thể về lại cố hương.

Năm mười ba tuổi cậu quen Tưởng Thế Trạch, mười sáu tuổi lén đến với hắn, sau khi công khai bị bắt bỏ học, một mình theo hắn vào nam. Trong mười năm, từ "căn hộ quan tài" nửa đêm ồn ào không ngủ được dọn đến chung cư cao cấp, từ một ly là gục đến ngàn chén không say người khác vẫn hay nhắc. Vết chai trong bàn tay do luyện tập kỹ thuật khắc từ nhỏ từ từ bị những ngày tháng tất bật tới lui giữa bàn làm việc và chốn xã giao mài mòn, cho đến biến mất hoàn toàn.

Rồi lúc đó Tưởng Thế Trạch nói với cậu, hắn quyết định kết hôn.

Cùng người phụ nữ hắn lén lút qua lại sau lưng Lâm Du.

Cha mẹ Tưởng Thế Trạch đến công ty làm ầm lên, Lâm Du bị rút hết quyền lực, bị ép rời đi.

Trong mười năm cậu mất nhà, mất chính bản thân, còn lại hai bàn tay trắng.

Là cái lạnh thấu vào xương tủy, là nỗi đau qua bao nhiêu tháng năm cũng không thuyên giảm được.

Chỉ một suy nghĩ thôi cũng đủ đau buốt tâm can, thối rữa mục nát.

Ngày gặp tai nạn xe thậm chí cậu đã nghĩ, rốt cuộc là chuyện ngoài ý muốn hay âm mưu của Tưởng Thế Trạch.

Khi ý nghĩ này nảy ra trong đầu, bản thân Lâm Du cũng thấy vô vị.

Cậu cứ tưởng hơn hai mươi năm cuộc đời mình đã chìm nổi nhấp nhô, trải qua rất nhiều. Mãi đến đêm đông hôm nay, đối diện với Văn Chu Nghiêu chỉ mới mười tuổi, cậu mới nhận ra có người đã phải chịu đựng quá nhiều ở cái tuổi không nên chịu đựng.

Nỗi đau của Lâm Du cậu dù sao cũng là tự làm tự chịu, nhưng có người ngay từ đầu đã bị vận mệnh cuốn đi, không thể thoát khỏi.

Không ai nhận ra Lâm Du xuất hiện.

Nhà họ Lâm nuôi nấng con cháu rất tỉ mỉ, Lâm Du lại là đứa con một khó khăn lắm vợ chồng nhà họ Lâm mới có được, cả nhà từ trên xuống dưới ai cũng cưng.

Bây giờ cậu đang ăn mặc hệt như chú chim cánh cụt, đội mũ lông, gương mặt bé xíu trắng nõn, mắt vừa to vừa tròn. Cậu đi men theo chân tường tới trước mặt đứa bé trai kia, đưa tay nắm lấy tay đối phương.

Vừa chạm vào đã bị nhiệt độ không khác gì tảng băng làm lạnh giật mình, rồi đưa cả hai bàn tay ấp lên không chút đắn đo.

Cuối cùng đối phương cũng có phản ứng, chịu liếc mắt cúi đầu nhìn cậu.

Lâm Du mấp máy môi, cuối cùng gọi: "Anh."

Không kỳ cục mấy, dù sao thì hoàn cảnh cũng cho cậu điều kiện thuận lợi để đóng vai một đứa nhỏ, khả năng thích ứng của cậu luôn cao.

Cậu bé kia không để ý đến cậu, vô cảm rút tay lại.

Lâm Du bất khuất nắm lại lần nữa, sà cả người tới trước, ép cho đối phương phải lùi lại mấy bước.

Văn Chu Nghiêu ngẩn ngơ một lúc rồi như nhớ ra cậu là ai. Thấy cậu vẫn không chịu buông tay thì lên tiếng nói câu đầu tiên: "Tránh xa anh chút, bẩn."

Giọng nói trầm khàn hơi khào khào, nghe càng lạnh lùng vô tình.

Lâm Du cứ tưởng mình bị ghét rồi, nhưng nhìn vào cảm xúc trong mắt đối phương thì biết, Lâm Chu Nghiêu đang tự nói về bản thân.

"Không sợ." Lần này bàn tay nho nhỏ ấm áp trực tiếp vạch áo khoác ra để ôm eo cậu bé.

Vừa lại gần là Lâm Du rùng mình vì hơi lạnh trên người cậu ta. Răng cậu đánh lập cập vẫn run rẩy nói: "Gió lạnh quá đi, làm đau hết mặt em."

Nói xong dụi mặt vào ngực người ta sâu hơn.

"Lạnh thì vào trong nhà." Giọng nói hơi mất tự nhiên.

Với Văn Chu Nghiêu, đứa em trai này cũng xa lạ vô cùng, chỉ mới gặp vài lần mà lần nào bé con cũng được người lớn bế bồng hoặc cõng trên lưng, lớn thế rồi mà ngày nào cũng phải uống một ly sữa, người lúc nào cũng thơm sữa. Được nuôi quá kỹ nên trông giống như bé gái vậy.

Quan trọng nhất là sao trước đây không biết nó dễ gần thế này, thân thiện đến độ Văn Chu Nghiêu không thể không phân tâm để ý.

Văn Chu Nghiêu kéo bàn tay đang ôm eo mình, nhưng bé con ôm rất chặt.

Lâm Du ngửa cổ lên, "Bố mẹ đi đâu mất, em không muốn ngủ một mình."

Văn Chu Nghiêu cụp mắt nhìn đôi mắt tròn xoe.

Lông mi phẩy phẩy, giọng tủi thân vô cùng: "Anh, anh ơi..."

Vô cùng điêu luyện, không lố chút nào, nhìn biết ngay là thường xuyên nhõng nhẽo.

Rất lâu sau Văn Chu Nghiêu mới chầm chậm mở vạt áo ra bao bé cánh cụt lại.

Cuối cùng Lâm Du cũng im lặng vùi mặt vào eo đối phương, hoàn toàn không có cảm giác xấu hổ hay ngại ngùng gì.

Nhìn từ xa một lớn một nhỏ trông cứ như trẻ sinh đôi, đặc biệt là đứa nhỏ đang quấn vào người ta như con bạch tuộc không sao gỡ ra được. Ai không biết chắc sẽ nghĩ hai đứa nhỏ thân với nhau lắm.

Chú Phú vẫn hay nói bế cậu cứ như ôm cái lò sưởi mi ni ấy.

Lâm Du nắm chặt lưng áo cậu bé, hy vọng một tí tác dụng còn lại của mình sẽ cho đối phương chút ấm áp giữa đêm đông này.

Những đêm như thế này luôn rất dài.

Khi bông tuyết đầu tiên rơi xuống trong ánh đèn ảm đạm dưới mái hiên, cuối cùng tiếng xe chạy cũng vọng đến từ đầu đường.

Chiếc bán tải chở đầy một xe toàn đồ dùng cho tang lễ dừng bên đường, vài người đàn ông trung niên lần lượt nhảy xuống, bắt đầu chỉ huy mọi người khiêng đồ vào bày biện.

Người dẫn đầu chẳng phải ai xa lạ, chính là Lâm Bách Tòng.

Lúc Lâm bách Tòng thấy con trai mình cũng sửng sốt mất một lúc, ông là người lớn trong nhà, thường ngày nghiêm túc quen rồi. Nhưng không lâu trước đây đứa con trai nhỏ này mới qua cơn bệnh nặng, ông cũng không nỡ nói gì.

Người đàn ông trung niên đi tới, ngồi xổm xuống trước mặt hai đứa nhỏ.

Văn Chu Nghiêu chào hỏi trước bằng chất giọng khàn khàn: "Chú Lâm."

Lâm Bách Tòng xoa vai cậu ta, trách: "Tiểu Nghiêu, đã bảo cháu đi nghỉ ngơi rồi mà? Sao còn đứng đây?"

"Không cần đâu." Văn Chu Nghiêu lắc đầu, "Cháu có thể ở lại giúp đỡ."

Lâm Bách Tòng nhìn gương mặt còn dính hai vệt bùn của cậu ta, đưa tay lau đi rồi nói rất nghiêm túc: "Nghe lời, ở đây bao nhiêu là người lớn, không cần cháu phụ. Cháu đã đi cả quãng đường dài rồi, ngủ dậy rồi giúp cũng được."

Lâm Du xen vào rất đúng lúc: "Bố, con buồn ngủ."

Nói xong còn dụi mắt, hai mắt lập tức ậm nước vì buồn ngủ, nhưng bàn tay nắm chặt Văn Chu Nghiêu vẫn không chịu buông.

Lâm Bách Tòng trừng oắt con nhà mình một cái, rồi lại nói với Văn Chu Nghiêu: "Vậy thế này đi, Tiểu Nghiêu, cháu giúp chú đi, dẫn em đi ngủ hộ chú. Mấy ngày này tạm thời đừng về nhà cháu nữa, chú nói người trong nhà dọn một phòng cho cháu, thời gian này ở nhà chú Lâm."

Văn Chu Nghiêu mím môi, cúi đầu nhìn Lâm Du, cuối cùng vẫn đồng ý.

Lâm Bách Tòng giữ Lâm Du hỏi: "Để anh dẫn con đi ngủ được không?"

Lâm Du gật đầu: "Vâng ạ."

"Hôm nay muộn rồi, con ngủ chung với anh được không?" Lâm Bách Tòng cố ý nhấn mạnh: "Ngủ chung, trên giường của con."

Chuyện mà Lâm Du ghét suốt hai đời, để người khác đụng tới giường của mình.

Nhưng lần này cậu nói ngay không đắn đo: "Vâng."

Hiển nhiên Lâm Bách Tòng không tin ông trời con này lắm, quay lại nói với Văn Chu Nghiêu: "Tiểu Nghiêu, con để ý em nhé. Đứa nhỏ này bị trong nhà chiều hư, lắm tật xấu, cáu lên vừa dữ vừa ngang ngược."

Văn Chu Nghiêu gật đầu, chợt nhận ra tay áo mình lại bị kéo nhẹ.

Cậu ta cúi xuống.

Lâm Du mở tròn đôi mắt to nói: "Bố già nói bậy bạ đó."

Lâm Bách Tòng mắng: "Không biết lớn nhỏ gì cả!"

Văn Chu Nghiêu lại sững người, đưa tay kéo vành mũ lông của cậu thấp xuống một chút như ma xui quỷ khiến.


Dạng tứ hợp viện có ba khoảng sân.


Dạng căn hộ chung cư siêu nhỏ, chỉ vài mét vuông.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top