CHƯƠNG 7

Lần đầu tiên Mayo biết chuyện bố mình có một người em trai kém 12 tuổi là vào năm cô học lớp 6. Chuyện xảy ra khi gia đình cô đang ở nhà tang lễ chuẩn bị cho đêm canh linh cữu của bà Tomiko, bà nội Mayo.

"Chú ấy bảo không kịp về đêm nay nên sẽ đến dự lễ đưa tang vào ngày mai, vì thế bố nghĩ nên nói chuyện trước với con."

Ông Eiichi cho Mayo biết tên của em trai mình là Takeshi.

"Thế mà con chẳng biết mô tê gì cả. Sao trước giờ bố mẹ không nói cho con?"

Ông Eiichi nghiêng đầu tỏ vẻ bối rối.

"Lý do lớn nhất chắc là vì bố chưa tìm được dịp nào thích hợp. Vả lại ngay cả bố cũng hơn chục năm rồi chưa gặp chú ấy. Dù sao lần cuối cùng bố gặp chú con là trước cả khi con ra đời mà. Ngay như mẹ con cũng mới gặp chú ấy độc một lần trước khi cưới bố. Thậm chí bố còn có cảm giác biết đâu hai anh em sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Vì thế bố đã nghĩ nếu không thể nói khéo léo, chi bằng đừng nói về chú với con thì hơn."

"Sao bố với chú lại không gặp nhau? Hai người không thân nhau ạ?"

"Không có chuyện đó đâu," ông Eiichi cười thiểu não. "Lý do đơn giản thôi. Đấy là vì chú con đang làm việc bên Mỹ. Chưa kể chú ấy còn nay đây mai đó, không cố định một chỗ nên rất khó để bọn bố khớp lịch được với nhau."

"Ra là vậy."

"Nhưng khi bố gửi mail thông báo bà nội qua đời, chú con đã trả lời là sẽ về dự lễ tang bà. Bố hơi bất ngờ vì cứ chắc mẩm chú con sẽ xin kiếu không về được cơ."

Ông Eiichi nói rằng lúc này Takeshi đang trên đường trở về từ Florida, nói trong sáng mai sẽ hạ cánh ở Narita. Lễ đưa tang sẽ bắt đầu từ buổi trưa.

Mayo không hỏi xem Takeshi làm công việc gì ở Mỹ. Chỉ riêng chuyện biết mình có một người chú đã đủ khiến cô bất ngờ rồi, thành thử cô không nghĩ được đến mức đấy.

Sáng hôm sau, Mayo được gặp người chú ấy trong phòng đợi của nhà tang lễ. Chú Takeshi rất cao, dáng đẹp như người mẫu. Mặt mũi cũng khôi ngô, tuấn tú, trông chẳng giống ông Eiichi chút nào.

Sau khi nghe bố giới thiệu, Mayo cúi đầu chào: "Cháu chào chú."

"Chú biết rất rõ về cháu đấy." Takeshi mỉm cười với Mayo. "Chú nghe nói cháu vẽ rất đẹp và cực kỳ yêu mèo đúng không nào? Rất vui được gặp cháu, chú tên là Takeshi." Takeshi nói rồi chìa tay ra.

Mayo lúng túng bắt tay chú. Vẽ đẹp và yêu mèo, chú ấy nói trúng phóc. Chắc là nghe bố kể đây mà, Mayo thầm nghĩ.

Takeshi cũng chào hỏi bà Kazumi. Mayo nghe chú nói với mẹ là "đã 14 năm không gặp". Chú xin lỗi vì không thể đến dự đám cưới của bố mẹ.

Bà Tomiko, bà nội Mayo sinh thời không giao du với nhiều người, thành thử đám tang của bà cũng nhỏ, chủ yếu là người thân trong gia đình. Lễ đưa tang diễn ra lặng lẽ, đoàn người xếp hàng dâng hoa và nói lời tiễn biệt cuối cùng trước khi đóng nắp quan tài cũng không quá dài.

Người xếp hàng cuối cùng là Takeshi. Nhìn chú, Mayo thấy là lạ. Đó là vì tay chú không cầm hoa.

Takeshi tiến đến gần linh cữu, hai tay nhẹ nhàng ôm trọn lấy má mẹ. Tiếp theo, chú chậm rãi nâng tay lên, dịch chuyển đến trước ngực bà Tomiko rồi chắp tay khấn. Chú tiếp tục đưa tay lên rồi lại hạ tay xuống.

Cảnh tượng mà Mayo được chứng kiến sau đấy, có lẽ suốt đời này cô cũng không thể nào quên.

Từ đôi tay đang chắp lại của chú Takeshi, những cánh hoa đỏ, trắng, tím bắt đầu chao liệng xuống. Số cánh hoa mỗi lúc một nhiều lên, loáng một cái đã phủ kín ngực bà nội cô. Những người đứng xung quanh đều thốt lên kinh ngạc.

Khi những cánh hoa đã ngừng rơi, Takeshi vẫn chắp tay, mặc niệm. Sau đó, chú mở mắt ra, buông tay xuống, cúi một lạy trước thi thể người mẹ, rồi rời khỏi linh cữu trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.

Thấy Takeshi đi về phía mình, Mayo ngước mắt nhìn chú. Khuôn mặt ấy không biểu lộ bất kỳ cảm xúc gì, cứ như thể muốn nói rằng tôi chẳng làm chuyện gì đặc biệt cả.

Sau khi nhận lại hài cốt bà nội tại nhà hỏa táng, gia đình Mayo tổ chức một bữa cơm chỉ gồm họ hàng thân thích. Mayo tò mò không chịu nổi về người chú lần đầu tiên gặp mặt. Cô muốn hỏi xem chuyện khi nãy là thế nào, sao chú lại làm được như vậy. Song, không hiểu sao Takeshi lại toát ra cái vẻ khó gần, chú cũng chỉ nói đôi ba câu với bố mẹ cô, thành thử Mayo không còn cách nào khác ngoài đứng nhìn chú từ xa.

Thay vào đó, mấy bà cô họ ngồi cạnh Mayo bắt đầu xì xào về chú. Nghe họ nói chuyện, lần đầu tiên Mayo được biết Takeshi là một ảo thuật gia ở Mỹ.

Không biết ảo thuật ảo thiếc có nuôi nổi miệng ăn của chú ấy không? Ai mà biết, nhưng nghe bảo chú ấy nổi tiếng ra trò đấy. Thật à? Không biết thu nhập của chú ấy được khoảng bao nhiêu nhỉ? Chuyện đó tôi cũng chịu, không hình dung nổi. Cơ mà trò ảo thuật khi nãy đúng là đỉnh thật đấy...

Ra vậy, hóa ra đó là trò ảo thuật. Nghe lỏm câu chuyện của họ, Mayo mới vỡ lẽ.

Ngay sau đó, ông Eiichi nói đôi lời với mọi người và khép lại buổi ăn uống. Rốt cuộc Mayo vẫn chưa nói chuyện được với chú. Tối hôm ấy, lúc chỉ có ba người trong nhà ngồi ăn với nhau, Mayo bèn hỏi lại một lần nữa về chú Takeshi.

"À, con nghe các cô, các bác nói thế hả? Đúng rồi, chú Takeshi đang làm ảo thuật gia ở Mỹ," ông Eiichi không có vẻ gì là muốn giấu giếm.

"Sao chú ấy lại muốn làm ảo thuật gia hả bố?"

"Chuyện đó thì bố không rõ. Cũng nhiều người hỏi bố câu đấy lắm," ông Eiichi chau mày tỏ vẻ lúng túng, thế rồi hai vợ chồng quay sang nhìn nhau.

Chắc hai người cũng từng nhắc đến chuyện này. Mẹ Mayo im lặng, mỉm cười, xem ra bà cũng đã được chồng kể cho nghe đại khái sự tình.

Ông Eiichi nhìn về phía Mayo.

"Có điều, từ nhỏ chú con đã khác người, chú ấy rất hứng thú với siêu năng lực."

"Siêu năng lực?"

"Con đã nghe đến cái tên Uri Geller bao giờ chưa nhỉ?"

Đây là lần đầu tiên Mayo nghe đến cái tên ấy, vì vậy cô lắc đầu đáp: "Chưa ạ."

"Uri Geller tự nhận mình là người có siêu năng lực, ông đã trở thành chủ đề bàn tán suốt những năm 1970. Ông ấy cũng từng đến Nhật, khiến cho trào lưu siêu năng lực bùng nổ khắp Nhật Bản. Màn biểu diễn bẻ cong thìa bằng siêu năng lực rất được ưa chuộng, hồi đó bố cũng hay cùng các bạn bắt chước theo lắm."

"Bẻ cong thìa ấy ạ? Có thật là ông ấy làm được như vậy không bố?"

Ông Eiichi mỉm cười, lắc đầu.

"Tiếc là không lâu sau đó, người ta đã chỉ ra rằng đó chẳng qua là một trò bịp bợm và trào lưu siêu năng lực cũng biến mất. Chú con sinh ra trước đó độ mấy năm."

Sau đó, câu chuyện ông Eiichi kể cho Mayo nghe là thế này:

Hồi Takeshi học tiểu học, không hiểu vì lý do gì mà cậu bé lại quan tâm và bắt đầu tìm hiểu về trào lưu siêu năng lực vốn đã trôi vào dĩ vãng này. Không biết cậu bé kiếm đâu được mấy cái video cũ của Uri Geller và xem đi xem lại trên cái đầu video gia đình mới bắt đầu thịnh hành thời bấy giờ. Khi bố mẹ hỏi lý do thì cậu bé chỉ đáp gọn lỏn là "vì nó hay".

Thành tích học tập của Takeshi ở trường không tệ, trái lại còn xuất sắc, bởi vậy bố mẹ cậu quyết định lơ chuyện đó đi. Họ cho rằng sớm muộn gì cậu cũng chán mà thôi.

Một hôm, trước khi cả nhà ăn tối đã xảy ra một chuyện như thế này. Thực đơn hôm đó là món cơm cà ri, Takeshi vừa giơ chiếc thìa về phía mẹ mình, bà Tomiko, vừa nói:

"Mẹ, thìa kiểu thế này khó ăn lắm."

Eiichi nhìn chiếc thìa ấy. Đó là một chiếc thìa hết sức bình thường, trông không có vẻ gì là có vấn đề. Bà Tomiko nghiêng đầu, hỏi Takeshi tại sao chiếc thìa ấy lại khó dùng.

"Thì nó bị như thế này, xúc làm sao được ạ," Takeshi nói, đoạn hơi xoay cổ tay.

Vào khoảnh khắc tiếp theo, một chuyện không thể tin nổi đã xảy ra. Chiếc thìa Takeshi đang cầm trên tay chợt cong oặt lại.

Từ tận đáy lòng, Eiichi không khỏi kinh ngạc. Bởi người ta đã công nhận rằng chuyện bẻ cong thìa chỉ là trò bịp, thực chất là nhân lúc khán giả không để ý, âm thầm ấn chiếc thìa xuống sàn để bẻ cong nó. Song Takeshi không hề làm như vậy. Cậu bé đã bẻ cong chiếc thìa giữa không trung cho mọi người xem.

Bố mẹ cũng cùng chứng kiến. Vì quá sốc nên tất cả chỉ biết ngớ người ra, không một ai thốt lên được câu nào ngay lúc ấy. Nhưng sau đấy mọi người mới nhặng hết cả lên. Họ tới tấp hỏi Takeshi xem rốt cuộc cậu ấy đã làm gì và bằng cách nào. Song Takeshi không nói gì. Cậu chỉ khẽ nhếch môi cười, đoạn đi lấy một chiếc thìa mới và thản nhiên ngồi ăn cà ri. Cả Eiichi và bố mẹ đều tin chắc rằng phải có mánh khóe gì đó, họ thay nhau kiểm tra chiếc thìa. Song đó hẳn nhiên vẫn là chiếc thìa thường ngày nhà Kamio vẫn dùng, không phải thứ đồ mà chỉ cần dùng đầu ngón tay tác động một lực nhỏ vào đã cong được.

Rốt cuộc Takeshi đã giữ bí mật đó đến cùng. "Vì thế mà cho đến tận bây giờ bố vẫn không biết chú con đã dùng mánh khóe gì," ông Eiichi vừa cười vừa kể với con gái. "Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chú con làm chuyện đó trước mặt cả nhà. Bố không rõ những ngày sau đó chú con đã nghĩ gì trong đầu. Hai anh em cách nhau nhiều tuổi nên hầu như chẳng bao giờ mở lòng tâm sự với nhau."

"Nhưng đó là một trò ảo thuật chứ không phải siêu năng lực bố nhỉ," Mayo nói. "Thế nghĩa là chú con đã khát khao trở thành một ảo thuật gia từ ngày đó hả bố?"

"Bố đoán vậy. Phải mấy năm sau bố mới biết điều đó."

Lên lớp 12 chưa được bao lâu, Takeshi đã ngỏ ý muốn sang Mỹ học nghề ảo thuật sau khi tốt nghiệp.

Takeshi nói với bố cậu, ông Yasuhide rằng đó là ước mơ từ thuở nhỏ của cậu. Thậm chí cậu còn quả quyết rằng mình sinh ra để làm ảo thuật gia và rằng nếu bố mẹ cấm cản cậu đi theo con đường đó thì cậu sống cũng chẳng còn ý nghĩa nữa.

Điều đáng ngạc nhiên là Takeshi sớm đã quyết định nơi tu nghiệp bên Mỹ, cậu đã đăng ký vào trường đào tạo ảo thuật gia ở Boston xong xuôi đâu vào đấy rồi.

Takeshi khẩn khoản xin ông Yasuhide cho mình vay một triệu yên. Cậu cúi đầu tuyên bố trong vòng năm năm cậu nhất định sẽ trả lại bố số tiền ấy, nếu như không trả được cậu sẽ từ bỏ ước mơ và khăn gói trở về nước.

Yasuhide đồng ý, xem ra ông đã cảm nhận được sự nghiêm túc của cậu con trai. Không những thế, ông còn chuẩn bị cho Takeshi số tiền gấp đôi là hai triệu yên thay vì một triệu.

"Tuy nhiên," Yasuhide cảnh báo, "chừng nào chưa thành công thì tuyệt đối đừng có vác mặt về Nhật."

"Con biết rồi thưa bố," Takeshi trả lời. "Chưa biết chừng dù có thành công con cũng không về đâu."

"Thế cũng tốt," Yasuhide gật đầu mãn nguyện trước quyết tâm của cậu con trai thứ.

Mùa xuân năm sau, Takeshi sang Mỹ ngay khi vừa tốt nghiệp cấp ba. Chứng kiến em trai tự mình lo liệu hết mọi việc, Eiichi tin chắc rằng nếu là Takeshi thì kiểu gì cũng sẽ ổn cả thôi.

Sau đó một thời gian Eiichi kết hôn với Kazumi. Takeshi không về dự lễ cưới. Chú chỉ gửi điện chúc mừng từ Boston. Eiichi đã giới thiệu Kazumi với Takeshi từ trước khi chú qua Mỹ.

Cưới nhau được một năm thì Kazumi biết mình mang thai và sau đó hạ sinh một bé gái. Cô bé được đặt tên là Mayo lớn lên khỏe mạnh. Song nhà Kamio không phải lúc nào cũng chỉ sống những ngày tháng hạnh phúc.

Ông Yasuhide ngã bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông mắc bệnh ung thư phổi. Chưa kể, bệnh tình còn tiến triển khá nặng. Tiên lượng chỉ còn sống được thêm nửa năm.

Khi đã nằm trên giường bệnh, điều ông Yasuhide yêu cầu bà Tomiko và vợ chồng Eiichi chính là không được phép báo tin cho Takeshi.

"Thằng bé vẫn đang tu nghiệp để thực hiện ước mơ của nó. Bố đã dặn nó chừng nào chưa thành công thì chớ có vác mặt về. Đừng có làm nó bận lòng vì những chuyện không đâu."

Mọi người trong nhà đều hiểu ông Yasuhide vốn là người đôn hậu nhưng cũng lại có phần cố chấp nên đành tôn trọng ý nguyện của ông. Có lẽ người khổ sở nhất chính là bà Tomiko, song bà đã không nói gì cả.

Chẳng bao lâu sau, ông Yasuhide nhắm mắt xuôi tay. Eiichi gọi điện sang Mỹ thông báo cho Takeshi khi đã qua bốn chín ngày. Eiichi cũng giãi bày với em trai chuyện mọi người giấu đến tận hôm nay là vì nghe theo yêu cầu của ông Yasuhide.

"Em hiểu rồi." Takeshi nhẹ nhàng nói. "Trong thời gian này, em chưa có ý định về thăm mộ bố. Nhờ anh lo liệu giúp em nhé."

"Anh biết rồi," Eiichi đáp.

Khoảng ba năm sau đó, Eiichi nghe được một chuyện hết sức thú vị từ người quen của mình, rằng có một ảo thuật gia người Nhật rất có tiếng ở Mỹ. Người quen đó đưa cho Eiichi một chiếc đĩa DVD, bảo rằng không biết đó có phải em trai ông hay không.

Lúc Eiichi bật lên xem thử, ông không khỏi ngỡ ngàng. Người trình diễn với nghệ danh Samurai Zen đang đứng trên sân khấu tráng lệ đó đích thị là Takeshi.

Takeshi ăn vận giống một thầy tu trên núi. Khi một cô gái xinh đẹp đứng vào chính giữa sân khấu, Takeshi liền ôm một đống rơm từ chiếc hộp đặt bên cạnh, đoạn bắt đầu quấn rơm quanh người cô gái. Sự khéo léo ấy thật đáng kinh ngạc, loáng cái chỗ rơm đó đã che kín toàn bộ cơ thể của mỹ nữ. Trông như một bù nhìn rơm to bằng người thật đứng chính giữa sân khấu.

Sau đó, Takeshi cầm lên một thanh kiếm Nhật. Vừa rút thanh kiếm ra khỏi bao, Takeshi vừa khua khoắng như để làm nổi bật ánh sáng lấp lánh của lưỡi gươm, vừa chậm rãi tiến gần đến chỗ bù nhìn rơm. Thế rồi anh dừng chân lại, hai tay cầm thanh kiếm Nhật giơ lên cao, tích tắc sau, đã chém ngay xuống đầu bù nhìn.

Bù nhìn rơm bị chặt phăng thành hai nửa theo chiều dọc. Song vì lưỡi chém quá ngọt nên nó vẫn đứng yên tại chỗ. Kế tiếp, Takeshi lại chém ngang thân bù nhìn làm đôi. Mặc cho những sợi rơm bay lả tả, nửa trên của bù nhìn vẫn không đổ. Từ hướng ngược lại, Takeshi vung thanh kiếm Nhật hết lần này đến lần khác với tốc độ nhanh như chớp, hết chém chếch từ trên xuống rồi lại chém chéo từ dưới lên. Cơ man những sợi rơm bị chặt phăng bay liệng trên không trung.

Cuối cùng Takeshi cũng dừng lại. Những sợi rơm chao liệng trước khi rơi xuống sàn, chất thành đống. Takeshi tiến gần đến đống rơm ấy, quỳ xuống và làm điệu bộ như đang đọc thần chú.

Vào khoảnh khắc tiếp theo, đống rơm bỗng cháy ngùn ngụt, tạo thành một cột lửa. Cột lửa ấy còn cao quá đầu Takeshi. Ngọn lửa sáng chói đến mức không còn trông thấy gì nữa.

Song ngọn lửa ấy đã tắt ngay. Để rồi đứng đó là cô gái xinh đẹp đã xuất hiện lúc đầu.

Sau một giây yên lặng, tiếng vỗ tay và reo hò của khán giả trở nên vang dội. Takeshi chắp hai tay trước ngực và cúi đầu.

"Bố bất ngờ lắm. Cho đến khi ấy, thi thoảng bố và chú con có trao đổi qua thư từ hoặc điện thoại, có điều chú ấy chưa bao giờ kể cho bố nghe về tình hình công việc của mình. Bố đoán chắc hẳn chú ấy phải vất vả lắm nhưng biết chú con thành công rực rỡ như vậy, bố rất lấy làm mừng. Bố đã cho bà nội con xem ngay lúc đó."

"Chú ấy siêu thế. Con cũng muốn xem cái đó," Mayo nói.

"Tiếc quá, đó là đĩa DVD bố mượn người ta, nên không có ở đây. Bố cũng nghĩ sao ngày ấy mình không chép lại một bản, nhưng hối hận thì cũng đã muộn rồi."

"Chú con rất nổi tiếng ở Mỹ phải không bố? Con muốn xem chú diễn quá."

"Khi nào lớn con qua đó xem là được mà. Nhưng còn phải xem chú con có còn nổi tiếng đến tận lúc đấy hay không."

"Bố mẹ không đi xem chú diễn à?"

"Bố đã nói với con rồi còn gì, khó khớp được lịch lắm. Vả lại chắc chú con không muốn bố xem đâu."

"Tại sao ạ?"

Nghe Mayo hỏi, ông Eiichi liền ậm ừ.

"Bố không giải thích được, nhưng bố có cảm giác đó là thế giới riêng của chú con, bố không được phép xâm phạm. Chính vì thế mà từ trước đến giờ bố vẫn cố gắng để không can dự vào."

Mayo không hiểu những điều bố nói cho lắm. Dù tuổi tác có cách xa nhau thì hai người vẫn là anh em cơ mà.

"Gần đây hai anh em không liên lạc với nhau mấy. Chắc chú con cũng chẳng hay biết gì chuyện ở nhà đâu."

"Nhưng bố đã kể về con cho chú nghe còn gì?"

"Kể về con ư? Sao con lại nói thế?"

"Thì chú ấy biết mà. Chuyện con vẽ đẹp, rồi thì chuyện con yêu mèo nữa."

Ông Eiichi liền nghiêng đầu khó hiểu.

"Lạ nhỉ? Bố có nói mấy chuyện ấy với chú con bao giờ đâu."

"Sao cơ, thật hả bố?"

Nếu vậy thì sao chú lại biết nhỉ? Mayo cảm thấy kỳ lạ, song cô không có cách nào để xác nhận chuyện đó.

Trong khoảng một thời gian sau đấy, bố con cô không còn nhắc đến chú Takeshi nữa. Đối với cô bé Mayo bấy giờ đã lên cấp hai thì chuyện phải chiến đấu với cảm giác gò bó khi là con gái của thầy giáo mới là vấn đề quan trọng. Về phần Eiichi, xem ra ông cũng không đặc biệt muốn biết em trai mình đang sống ra sao trên đất Mỹ.

Takeshi bất ngờ trở về nước cách đây tám năm. Mayo không biết lý do là gì. Bởi chú ấy không nói.

Chắc vì cũng dành dụm được một khoản tiền nhất định nên Takeshi bắt đầu mở quán bar ở Ebisu. Xem chừng chú ấy không có ý định mở một bữa tiệc khai trương hoành tráng, song ông Eiichi vẫn ngỏ ý đến chúc mừng, bởi vậy Mayo cũng cùng bố mẹ tới đó.

Đó là một quán bar nhỏ, ngoài quầy bar ra thì chỉ có một chiếc bàn dành cho hai người ngồi. Takeshi không tỏ vẻ phiền hà khi gia đình anh trai đến, song cũng không tỏ ra hoan nghênh cho lắm.

Đã mười năm rồi Mayo mới gặp lại chú. Câu đầu tiên Takeshi hỏi khi trông thấy Mayo là: "Cháu vẫn còn vẽ tranh chứ?"

Nghe Mayo trả lời: "Cháu muốn trở thành kiến trúc sư nên vẽ rất nhiều tranh về nhà cửa."

Takeshi liền đáp: "Vậy thì tốt rồi," đoạn nhoẻn miệng cười.

Sau đó, cứ vài năm Mayo mới gặp chú một lần. Đặc biệt ngay sau khi bà Kazumi qua đời, ông Eiichi và chú Takeshi đã nói chuyện với nhau mấy lần về việc nên tính sao với ngôi nhà. Bởi ngôi nhà đó quá rộng với người sống một thân một mình như ông Eiichi. Nhưng bỏ đi thì không nỡ.

Lý do căn phòng của Takeshi được khôi phục lại dù chú không hề dùng đến có liên quan tới những chuyện như thế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top