CHƯƠNG 4
Nghe tiếng chuông báo thức, Mayo mở mắt. Cô với tay lấy chiếc điện thoại để cạnh giường, tắt chuông báo thức. Bấy giờ đang là 7 giờ sáng. Những tia nắng gay gắt lọt qua khe rèm.
Cuối cùng trời cũng sáng rồi.
Đêm qua Mayo đã thức giấc mấy lần. Nhìn ra cửa sổ thấy trời vẫn tối đen như mực, cô định ngủ tiếp nhưng không tài nào ngủ sâu giấc được. Lúc này cũng thế, cô mở mắt không phải vì tiếng chuông báo thức. Đầu óc cô đã tỉnh táo từ lâu rồi, chỉ là cô không có sức ngồi dậy nên cứ cuộn tròn trong chăn.
Mayo lấy hết quyết tâm lật tung chăn ra, ngồi bật dậy. Đã lâu lắm rồi cô mới nằm ngủ trên chiếu tatami, nhưng đó không phải lý do khiến cô ngủ không ngon giấc.
Khuôn mặt ông Eiichi, khuôn mặt của người bố đã lìa trần mà cô nhìn thấy trong phòng chứa thi thể đã in sâu vào tâm trí cô.
Đồng thời, trong đầu cô lần lượt sống lại hình ảnh ông Eiichi khi còn mạnh khỏe cũng như những khoảnh khắc cả gia đình vui vẻ bên nhau, mỗi lần như thế nỗi đau đớn lại ập đến, bủa vây lấy cô. Thậm chí, Mayo còn rơi vào trạng thái căm ghét bản thân, cô nghĩ mình đúng là đứa con gái vô tâm khi tin tưởng mù quáng rằng bố sẽ mãi khỏe mạnh như thế.
Mayo đi vệ sinh rồi ra bồn rửa mặt. Mặt mũi cô thật nặng nề, chắc là do thiếu ngủ. Khuôn mặt Mayo trong gương tuy chưa đến mức có quầng thâm dưới mắt nhưng rõ ràng đang rất thiếu sinh khí. Cô dùng hai tay vỗ bôm bốp vào má, cốt để lên dây cót cho cả da dẻ lẫn tinh thần mình.
Chỗ cô trọ lần này có phục vụ bữa sáng. Mặc dù chẳng thiết ăn uống gì, song Mayo vẫn quyết định tới nhà ăn. Có lẽ hôm nay sẽ là một ngày rất dài. Nếu không bỏ bụng thứ gì chắc cơ thể cô không chống đỡ nổi mất.
Đúng lúc Mayo cầm điện thoại lên thì thấy có tin nhắn. Là của Kenta.
"Chào em. Em ngủ được chút nào không? Chắc anh cũng nên đến đó với em thì hơn nhỉ?"
Tối qua Mayo đã gọi điện cho Kenta để kể về nội dung cuộc trao đổi ở sở cảnh sát. Khi biết nhiều khả năng đây là một vụ án mạng, anh một lần nữa tỏ ra rất ngạc nhiên. Chắc hẳn Kenta cũng lo lắng không biết chuyện đám cưới sẽ thế nào song anh không nói ra. Có lẽ anh nghĩ giờ không phải lúc để làm vậy.
Mayo suy nghĩ một lát, đoạn nhắn lại: "Em ngủ không say giấc nhưng vẫn khỏe lắm. Trước mắt hôm nay em sẽ về nhà. Em đi một mình được nên anh đừng lo." Một mặt cô muốn có Kenta bên cạnh, nhưng mặt khác cô lại có cảm giác mình không được phép ỷ lại vào anh. Kenta cũng có những việc riêng cần làm. Dù sao hai người vẫn chưa phải là vợ chồng.
Lúc đến nhà ăn, ngoài Mayo ra không có vị khách nào khác. Ngẫm ra thì từ tối qua đến giờ cô chưa nhìn thấy bóng người nào ở lữ quán này. Một phần vì đang là ngày thường, nhưng cũng có thể là do ảnh hưởng của dịch Corona.
"Chào cô," một người phụ nữ trung niên mặc tạp dề đon đả chào Mayo. Tối hôm qua lúc nhận phòng cô đã biết người phụ nữ này chính là bà chủ.
Xem chừng Mayo có thể ngồi bất cứ chỗ nào, bởi vậy cô quyết định ngồi xuống chiếc bàn dành cho bốn người ở gần cửa sổ.
Bà chủ bưng thức ăn tới. Một bữa sáng truyền thống với món cá nướng là chủ đạo. Nhìn món củ cải xay nhuyễn đi kèm, Mayo bỗng hơi thèm ăn. "Cháu mời cô," Mayo chắp hai tay vào nhau lẩm bẩm, đoạn cầm đôi đũa dùng một lần lên.
Vừa húp một ngụm canh miso thơm lừng, Mayo đã cảm thấy tất cả các tế bào trong cơ thể như bừng tỉnh. Món cá nướng cũng rất ngon miệng, cô trộm nghĩ nếu như đây chỉ đơn giản là chuyến du lịch một mình thì hạnh phúc biết mấy.
Mayo để mắt đến tấm poster dán trên tường khi đã dùng được khoảng một nửa bữa sáng. Đó là bức tranh minh họa vẽ một cậu thanh niên trẻ tuổi với vẻ mặt quả cảm đang trèo lên một vách đá cheo leo, dựng đứng. Mayo cũng biết rõ nhân vật ấy. Đó là nhân vật chính trong một tác phẩm truyện tranh nổi tiếng.
Trên tấm poster có đề dòng chữ "Quyết tâm xây dựng Ngôi nhà mê cung ảo! Dự kiến mở cửa tháng 5 năm sau."
Mayo chợt nhớ đúng là có chuyện đấy thật. Hình như cô đã đọc được qua tin tức trên mạng.
Trong lúc Mayo đang suy nghĩ mơ màng thì có tiếng người bắt chuyện: "Cô đến đây công tác à?" Bà chủ lữ quán đang lại gần, cầm ấm trà rót thêm vào chén của Mayo.
"À vâng, đại loại vậy," Mayo trả lời lấp lửng. Cô có cảm giác nếu nói nhà mình ở đây thì sẽ bị hỏi này hỏi nọ.
"Vậy à, vất vả ghê. Đang lúc thế này..."
Điệu bộ bà chủ như muốn nói chọn lúc nào không chọn lại chọn đúng lúc đang có dấu hiệu bùng phát dịch như thế này.
Bà chủ chỉ tay vào tấm poster: "Cô có biết cái này không?"
"Cháu có. Mê cung những bộ não ảo đúng không ạ?"
Hay thường được gọi là Mê cung ảo. Giới trẻ bây giờ cứ thấy cái tên nào hơi dài một chút là lại muốn rút ngắn lại.
"Chắc tôi nên gỡ tấm poster này xuống thôi. Kế hoạch đó đã bị phá sản rồi mà. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ thấy tiếc," bà chủ nói.
"Dự kiến mở cửa vào tháng 5 năm sau cô nhỉ?"
Bà chủ lữ quán nở một nụ cười thiểu não, thiếu sức sống.
"Tôi dán tấm poster đó từ năm ngoái vào dịp đầu năm mới, nên thực chất là tháng 5 năm nay đấy. Lúc đó có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ dịch Corona lại khiến mọi chuyện thành ra thế này."
"Cháu nhớ không nhầm thì đó là kế hoạch tái hiện lại căn nhà trong Mê cung những bộ não ảo phải không ạ?"
"Phải, phải," bà chủ gật đầu. "Thực ra tác giả của bộ phim hoạt hình này vốn xuất thân từ vùng này đấy."
"À, vậy ạ?"
Dĩ nhiên Mayo biết điều đó, song cô vờ như mới nghe lần đầu.
"Trong bộ phim đó, thị trấn mà nhân vật chính sinh sống được lấy hình mẫu từ vùng đất này. Vì thế người ta đã đề xuất ý tưởng tái hiện nguyên xi căn nhà của nhân vật đó. Ở đây có viết này: Ngôi nhà mê cung ảo."
"Đó là ngôi nhà nơi Số Không Azuma chìm vào giấc ngủ phải không ạ?"
Mayo nói ra tên nhân vật chính.
"Đúng rồi," bà chủ nheo mắt cười thỏa mãn. "Cô cũng thích Mê cung những bộ não ảo à?"
"Trước đây thi thoảng cháu có đọc."
Nghe câu trả lời của Mayo, bà chủ tròn xoe mắt tỏ ý hơi ngạc nhiên.
"Đọc, ý cô là đọc truyện tranh á? Con gái mà đọc truyện tranh thì hơi hiếm nhỉ?"
"Bởi vậy cháu mới nói là chỉ thi thoảng lắm mới đọc."
"Vậy à? Hồi ra truyện tranh, tôi chẳng hay biết gì. Nhưng mấy thằng nhà tôi thì mải mê xem bộ phim hoạt hình đó, tôi bèn hỏi sao các con xem say sưa thế, chúng trả lời là vì nó rất hay, lại còn mô phỏng thị trấn mình nữa. Thế là thi thoảng tôi cũng xem. Thấy những địa điểm quen thuộc được tái hiện nguyên vẹn trên phim, tôi vui lắm. Nói thế nhưng mỗi tập chỉ có một đoạn ngắn là quay cảnh thị trấn này thôi."
"Tại vì bối cảnh chính của nó là ở trong mê cung mà."
"Cái mê cung đấy đúng là hoành tráng thật. Tôi cực kỳ thán phục tác giả vì có thể nghĩ ra một thứ như thế. Không biết rốt cuộc đầu óc của những người viết truyện tranh cấu tạo như thế nào nhỉ," bà chủ vừa than thở vừa đưa mắt nhìn lên tấm poster một lần nữa, đoạn bất ngờ buông tiếng thở dài. "Nếu không có dịch Corona thì chắc giờ này ở đây phải náo nhiệt lắm."
"Kế hoạch xây Ngôi nhà mê cung ảo bị dừng từ khi nào vậy cô?"
"Họ ra quyết định chính thức vào khoảng tháng 6 năm ngoái. Nhưng trước đó cũng có tin đồn là nó sẽ bị đình chỉ rồi. Ai mà biết một năm nữa dịch Corona sẽ chuyển biến ra sao, vả lại cho dù có khống chế được ít nhiều thì cũng chẳng ai dự đoán được lượng khách đến đây như thế nào. Ví thử các fan hâm mộ phim hoạt hình kéo tới nghìn nghịt thì lúc đó người ta lại quay ra sợ lây bệnh. Mọi cánh cửa đều đóng cô ạ."
Câu chuyện bà chủ nói chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Thế vận hội Tokyo bị hoãn, Disneyland đóng cửa trong một thời gian dài. Có thể nói những hoạt động kiểu như mở cửa một phòng kỷ niệm phim hoạt hình vào năm sau chỉ là một câu chuyện hão huyền, phi thực.
"Đáng tiếc thật, chắc là có nhiều người mong chờ nó lắm," Mayo nói. Đó không phải một câu nói xã giao mà thực tâm cô nghĩ vậy.
Bà chủ gật đầu, sau đó liền nhăn mặt.
"Nếu chỉ tiếc thôi còn đỡ, đằng này có rất nhiều người phải chịu tổn thất nặng nề cơ."
"Vậy cơ ạ?"
"Vậy đấy. Vốn dĩ kế hoạch đó không phải do một công ty ở đẩu ở đâu khởi xướng mà nó được đề ra nhằm vực dậy thị trấn. Tôi dám chắc dân vùng này đã rót tương đối tiền của vào đấy. Nghe đâu trong số ấy còn có những người bán cả đất đai tổ tiên để lại cốt để xoay tiền. Công trình đã đi được khoảng bảy mươi phần trăm rồi, nhưng số tiền họ bỏ ra cho đến lúc ấy nào có được hoàn lại đâu."
"Ra nông nỗi đó cơ ạ..."
Chuyện xảy ra ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình vậy mà Mayo lại mù tịt. Chắc hẳn ông Eiichi cũng biết những chuyện này, song có lẽ ông cho rằng có kể cho cô con gái đang làm việc tận Tokyo cũng chẳng để làm gì.
Bà chủ lữ quán nhìn lên đồng hồ treo tường rồi cuống cuồng xua tay. "Xin lỗi quý khách, bắt cô phải ngồi tiếp chuyện tầm phào với tôi rồi."
"Không đâu ạ."
"Mời cô thong thả dùng bữa. Nếu muốn thêm trà, cô cứ gọi tôi bất cứ lúc nào nhé," bà chủ nói, đoạn cất bước uyển chuyển rời đi.
Mayo lại ngắm nhìn tấm poster, cô chăm chú nhìn dòng chữ Tác phẩm của Kugimiya Katsuki. Hình ảnh dáng người nhỏ thó, gầy tong teo, lúc nào cũng cắm mặt xuống đất mà đi vẫn còn lưu lại trong một góc ký ức của Mayo. Cô học chung lớp với Kugimiya từ năm lớp 8. Một thiếu niên không lấy gì làm nổi trội như thế lại có thể cho ra đời một tác phẩm gây sốt, tạo tiếng vang khắp nước Nhật, bởi vậy tương lai của con người đúng là không thể biết trước.
Nghĩ đến đây, Mayo chợt nhớ ra. Tsukumi Naoya, cậu bạn đã qua đời vì bệnh tật và Kugimiya Katsuki vốn thân với nhau, lúc nào cũng như hình với bóng. Mayo còn nhớ cho đến trước khi ngã bệnh, Tsukumi vốn là một thủ lĩnh, vì thế Kugimiya thường bị nói xấu sau lưng là "kẻ bám đít Tsukumi".
Theo lời Monoko thì trong buổi họp lớp tới đây, mọi người cùng sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ cho Tsukumi Naoya. Có lẽ vì thế mà Kugimiya dù chắc chắn rất bận rộn nhưng vẫn tham dự.
Ăn sáng xong, Mayo trở về phòng. Trong lúc cô đang trang điểm thì có tiếng chuông điện thoại. Là Kakitani. Anh ta hỏi xem khoảng một tiếng nữa tới đón có được không. Mayo trả lời được.
Sau đó, cô lấy điện thoại trong phòng gọi cho lễ tân, làm thủ tục gia hạn thời gian trọ. Xem ra hôm nay cô chưa thể quay về Tokyo được.
Mayo vừa chuẩn bị xong xuôi đâu đấy thì Kakitani lại gọi. Anh ta đã đến trước cửa lữ quán.
Mayo vội vàng đi ra, thấy một chiếc sedan đỗ trên đường, hai người đàn ông đứng bên cạnh. Một người là Kakitani, người còn lại là một thanh niên trẻ. Cả hai đều mặc com-lê. Mayo không khỏi ngạc nhiên bởi cô chắc mẩm họ sẽ đi xe cảnh sát tới, song ngẫm ra thì làm vậy sẽ gây chú ý quá mất.
Mayo ngồi cạnh Kakitani ở ghế sau. Thanh niên trẻ kia có vẻ là nhân viên phụ trách lái xe.
"Cô đã bình tâm lại chút nào chưa?" Xe vừa xuất phát được một lúc thì Kakitani hỏi.
"Vâng thì, cũng tàm tạm."
"Chúng tôi rất hiểu tâm trạng đau khổ của cô, nhưng để sớm bắt được hung thủ chúng tôi cũng mong cô sẽ hợp tác trong quá trình điều tra."
"Tôi hiểu. Tôi mới là người phải nhờ cậy các anh mới đúng."
"Thật không dám. Vậy tôi xin phép vào chủ đề chính luôn, không biết sau đấy cô đã nhớ ra chuyện gì liên quan đến vụ án lần này chưa? Chuyện nhỏ nhặt thôi cũng được."
"Chuyện đó, đêm qua tôi cũng đã thử suy nghĩ rất nhiều nhưng..."
"Cô không đoán ra được gì à?"
"Xin lỗi anh."
"Cô không cần phải xin lỗi. Những trường hợp như vậy chiếm phần nhiều mà."
"Vâng," Mayo vừa gật đầu vừa suy nghĩ về ý nghĩa thực sự trong câu nói của Kakitani. Những trường hợp như vậy nghĩa là sao nhỉ? Nghĩa là có nhiều trường hợp nạn nhân bị sát hại một cách vô lý mà không cần lý do gì đặc biệt? Hay thực chất là có tồn tại động cơ giết người nhưng nhiều khi người thân trong nhà không nhận ra? Không hiểu sao Mayo có cảm giác phải chăng Kakitani nói ra câu đó với ý nghĩa thứ hai. Chắc hẳn anh ta cho rằng một đứa con gái rời nhà lên Tokyo sinh sống sao có thể nằm lòng hết mọi thứ về người bố ở quê nhà.
Tiếc là Mayo không thể phủ nhận điều đó. Cô lên Tokyo học đại học rồi cứ thế đi làm và bắt đầu cuộc sống thủ đô mà chẳng buồn về quê lấy một lần. Có về thì cùng lắm cũng chỉ một, hai lần và hầu như lần nào cũng ngủ lại độc một đêm. Dạo gần đây bố cô có thú vui gì? Ngay cả một câu hỏi như thế Mayo cũng không thể trả lời cho trọn vẹn.
Nhưng, có lẽ mọi chuyện đã như vậy từ trước khi Mayo rời khỏi nhà rồi. Cô không nhớ gì về việc mình đã từng quan tâm đến những chuyện của bố. Mà không, phải nói là cô không có ý định quan tâm mới đúng.
Mayo tuyệt đối không ghét bỏ gì bố. Cô rất yêu quý bố và còn kính trọng ông nữa. Có điều, đúng là hai bố con đã cố gắng để không can thiệp quá sâu vào đời tư của nhau.
Nhà Kamio có truyền thống làm nghề giáo ở trong vùng từ đời này qua đời khác. Nghe nói ông cố của Mayo dạy môn Khoa học xã hội, còn ông nội cô dạy tiếng Anh. Theo lời kể của bố cô thì ông chưa từng nghĩ đến nghề nào khác ngoài nghề giáo, lúc chọn trường đại học, ông cũng chỉ phân vân xem nên chọn văn học Anh Mỹ hay văn học Nhật Bản, hoặc là lấn sân sang con đường văn học Trung Quốc. Ông quan niệm văn học cổ điển dù của quốc gia nào đi chăng nữa cũng đều là kho tàng chân lý của con người, chắc chắn sẽ trở thành kim chỉ nam để người ta dạy dỗ con trẻ về đạo làm người. Rốt cuộc Eiichi đã chọn văn học Nhật, nhưng lý do chỉ đơn giản "vì cả người dạy và người học đều là người Nhật".
Lúc Mayo đến tuổi nhận biết thì ông Eiichi đã trở thành một nhân vật nức tiếng trong vùng. Một phần cũng vì nhiều nhà có quan hệ giao du với gia đình Mayo từ thời ông cố hay ông nội cô, nhưng trên hết ông Eiichi nổi tiếng nhờ tấm lòng dạy dỗ đầy nhiệt huyết đối với đám học trò. Mayo cũng từng mấy lần nghe người ta bình phẩm rằng, ngay cả với những đứa trẻ có vấn đề, và không, chính vì chúng có vấn đề mà ông luôn sẵn lòng trao đổi với gia đình chúng. Thậm chí có lần ông còn đứng về phía học sinh, chống đối cả nhà trường.
Từ hồi tiểu học, Mayo đã được gọi là "con gái thầy Kamio". Khi đó cô không cảm thấy khó chịu. Bởi mỗi lần họ gọi Mayo như vậy thì thế nào cũng kèm theo những lời ca tụng dành cho bố cô. Làm gì có ai khó chịu khi bố mình được khen ngợi cơ chứ.
Thế nhưng khi Mayo lên cấp hai, vào học trường của bố thì mọi chuyện lại khác. Vì ít học sinh nên chỉ có hai lớp. Trong giờ học, việc thấy bố đứng trên bục giảng khiến Mayo không thoải mái, lúc nào cô cũng cúi gằm mặt xuống. Cô cũng ngộ ra thầy giáo Kamio Eiichi không chỉ là một giáo viên hiền lành và biết điều. Lẽ đương nhiên, thầy cũng rất nghiêm khắc với những học sinh thiếu nghiêm túc. Ngay cả chuyện thầy mang trong mình tính bảo thủ, không bỏ qua một lỗi vi phạm nhỏ nhặt nào cũng là một điều mà trước đó Mayo không hề hay biết.
Một hôm trên đường đi học về, Mayo bắt gặp các bạn cùng lớp đang chơi ở cửa hàng điện tử. Một đứa trong số đó phát hiện ra Mayo, liền thì thầm gì đấy với lũ bạn. Lúc đó Mayo đã có dự cảm chẳng lành, y như rằng mấy hôm sau nó đã trở thành hiện thực. Đám bạn đó bị gọi lên phòng giáo viên nhắc nhở. Nghe đâu là do một người dân bảo với nhà trường, song bọn chúng không tin. Chúng đoán già đoán non và lan truyền tin đồn rằng chính Mayo đã mách lẻo với thầy Eiichi. Từ hôm đó trở đi, một số bạn cùng lớp Mayo bắt đầu có thái độ xa lánh cô.
Dĩ nhiên không phải lúc nào Mayo cũng toàn gặp chuyện xui xẻo. Trong đám học trò của ông Eiichi cũng có không ít người ngưỡng mộ thầy giáo. Họ cư xử với Mayo một cách thoải mái, giống như khi cư xử với những bạn cùng lớp khác.
Song nếu bảo những năm tháng cấp hai của Mayo không hề ngộp thở thì sẽ là nói dối. Nghĩ đến địa vị của bố, dĩ nhiên Mayo không được phép phá vỡ các quy tắc trường học, cô cũng phải tuyệt đối tránh làm những việc khiến cho các giáo viên khác nhắc nhở. Cô cần đạt thành tích trên một mức nhất định, chưa kể dù có bất mãn gì với trường học cũng không được ho he nói ra. Và trên hết là cô phải chú ý để không trở nên nổi bật.
Một học sinh ưu tú, kiệm lời và giản dị. Đó chính là vai diễn mà Mayo phải diễn suốt thời cấp hai.
Dĩ nhiên cô cũng giữ khoảng cách với bố. Ngay cả khi ở nhà.
Có lẽ ông Eiichi cũng đã cảm nhận được và hiểu cho những cảm xúc đó của con gái. Mayo nhận thấy ngay cả lúc ở nhà, ông Eiichi cũng không cố ý quay trở về quan hệ cha và con gái. Ông tuyệt đối không nói nửa lời thuyết giáo và cố gắng cư xử với cô con gái học cấp hai như một người lớn.
Mối quan hệ đó vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi Mayo lên cấp ba. Có lẽ ông Eiichi cảm thấy ngại ngần khi đột nhiên phải thể hiện bộ mặt của một người cha. Về phần mình, Mayo cũng cảm thấy không thoải mái trước việc đến tuổi này rồi còn nhõng nhẽo với bố.
Mối quan hệ giữa hai cha con suốt ba năm Mayo học cấp ba là như vậy. Để rồi hai bố con cứ tiếp tục mối quan hệ đó cho đến tận ngày hôm nay mà vẫn chưa thể xích lại gần nhau dù chỉ một bước.
Chính vì thế, Mayo mù tịt về bố. Dù ông Eiichi bị sát hại, cô cũng chẳng có thông tin gì để cung cấp cho cảnh sát.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top