Kyouka Izumi
Nhà văn Izumi Kyôka 泉鏡花 (tên thật Kyôtarô) 鏡太郎 sinh năm 1873 ở Kanazawa, thành phố văn hóa nhìn ra biển Nhật Bản. Bố làm thợ kim hoàn, mẹ xuất thân từ một gia đình có nhiều nhạc công tuồng Nô nổi tiếng về chơi trống con (tsuzumi). Năm 17 tuổi, sau khi bỏ ngang việc học ở trường trung học quê nhà, Kyôka lên Tôkyô xin làm đệ tử Ozaki Kôyô 尾崎紅葉 (1867-1903) - một nhân vật chủ chốt của văn đoàn Ken.yuusha - và ban đầu bị tác giả Tajôtakon 多情多恨 (Đa tình đa hận) từ chối. Vất vả ít lâu nhưng rốt cuộc ông đã được thầy tiếp nhận, thành đệ tử ruột và là một trong những cây bút tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn vào giai đoạn chót của văn học thời Meiji. Ông viết trên 300 tác phẩm dài có ngắn có, gồm đủ thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến kịch. Đặc biệt trên phân nửa số đó liên quan tới những hiện tượng siêu nhiên (supernatural). Rất tiếc văn ông vì văn phong cổ kính và khó hiểu (của thời cuối thế kỷ 19), ít được dịch ra tiếng nước ngoài nên không nổi tiếng bằng Akutagawa, Tanizaki, Kawabata hay Mishima. Một nhà phê bình ngoại quốc, Irena Powell (trong Writers and Society in Modern Japan, 1983), đặt ông bên cạnh Mori Ôgai, xem họ là hai tác giả có ảnh hưởng sâu sắc đối với các nhà văn phái duy mỹ Nhật Bản hơn hết. Văn phong Izumi Kyôka đã để lại dấu ấn trong tác phẩm các nhà văn thuộc thế hệ sau như Tanizaki Jun.ichirô, Satô Haruo, Satomi Ton, Muro Saisei cũng như Yokomitsu Riichi và Kawabata Yasunari.
Izumi Kyôka bắt đầu đời văn vào cuối thế kỷ 19 với Hiketsu kyôketsu 義血侠血 (Dòng máu nghĩa hiệp, 1894), được Ozaki Kôyô giúp ý kiến. Trong những tác phẩm buổi đầu, ông chỉ có hai mô-típ: một là nói lên lòng yêu chính nghĩa, chấp hành nhiệm vụ được giao phó và ghét bỏ điều ác, hai là bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ đối với người mẹ trẻ đẹp của ông (đã mất năm 1882 khi ông lên 9), một điều sau đó đã trở thành nguồn gốc của lòng thèm khát tình mẫu tử và sự thần thánh hoá nhan sắc phụ nữ nơi ông.Về những tác phẩm loại thứ nhất, phải kể đến Yakô Junsa 夜行巡査 (Cảnh sát tuần đêm , 1895), Gekashitsu 外科室(Trong phòng mổ, 1895). Trong truyện trước, người cảnh sát đã hy sinh tính mạng để cứu lấy cha người mình yêu dù ông ta chỉ muốn bắt họ phải lìa nhau. Truyện thứ hai nói về một nữ hầu tước mượn tay người mình yêu vô vọng, một nhà giải phẩu, để tự tử trên bàn mổ. Sau khi nổi tiếng với những tác phẩm như thế, ông viết loại tiểu thuyết mang tên "tiểu thuyết quan niệm" (kannen shôsetsu), trong đó ông trình bày cách nhìn cuộc đời của mình như trường hợp của Kaijô hatsuden 海城発電 (Bức điện tín gửi từ Kaijô). Thế nhưng chẳng bao lâu, ông chuyển qua khuynh hướng thứ hai, tức là ngưỡng mộ cái đẹp, và qua đó, tạo ra được một thế giới huyễn mộng lý tưởng mà những nhân vật nữ thường là geisha hay gái làng chơi. Tác phẩm đạt đến đỉnh cao của khuynh hướng nầy có Teriha Kyôgen照葉狂言(Cô đào trên sân khấu Kyôgen Teriha, 1895) nói lên sự ngưỡng mộ của cậu thiếu niên trước một nàng con gái làm nghề hát dạo, và Kôya Hijiri 高野聖 (Nhà ẩn tu núi Kôya, 1900), tác phẩm trung biên được xem như tuyệt tác của ông.Trong Kôya Hịjiri, người xưng "tôi" trên đường du lịch, được nghe vị hoà thượng trụ trì ở núi Kôya (Kôyasan) sám hối về chuyện mình trong cái đêm lỡ độ đường phải ngủ trọ ở nhà dân trên núi đã bị một người đẹp tuyệt vời sống với anh chồng ngờ nghệch, quyến rũ và suýt nữa làm cho ông quên mất đạo lý. Người đàn bà ấy chính là yêu quái nửa người nửa rắn thường biến nạn nhân thành súc vật. Tuy không rõ chủ tâm Kyôka có muốn đưa chủ đề gì (sự giằng co giữa đạo đức và dục vọng?) vào câu truyện có vẻ răn đời nầy chăng nhưng chắc chắn là ông đã thành công trong việc tạo ra một không khí huyễn tưởng, giàu tính lãng mạn. Nhân vật xưng "tôi" không hoàn toàn khách quan chỉ nghe chuyện kể và nhiều khi còn tách ra để quan sát cả chính mình. Đó là một trong những điểm độc đáo của tác phẩm mà có thuyết cho rằng đã lấy cảm hứng từ "Phản Đông Điếm Tam Nương Tử", một truyện yêu quái Trung Quốc. Trong một thời buổi mà tác phẩm chủ nghĩa tự nhiên tràn ngập văn đàn, ông vẫn giữ được phong cách sáng tác lãng mạn, hư huyễn và hồn nhiên của mình.
Teriha Kyôgen đã đánh dấu bước ngoặc của ông. Từ đó ông khai thác cuộc sống của khách làng chơi, dùng nó như chủ đề cho Yushima Môde 湯島詣 (Hành hương đền Yushima) và Chuumonchô 注文帳( Tập địa chỉ khách hàng). Tác phẩm kể từ sau năm Meiji 40 (1907) của Kyôka có Onna Keizu 女系図 (Đời đàn bà, 1907) nói về giới buôn hoa bán phấn và một loạt truyện khác như Shirasagi 白鷺(Cánh cò trắng, 1909), Nihonbashi 日本橋 (Nihonbashi, địa danh ở trung tâm Tôkyô, 1914). Chúng đều là nguồn cảm hứng phong phú cho các đạo diễn phim như Mizoguchi Kenji, Kinugasa Teinosuke và Naruse Mikio ... khi họ dựng phim với bối cảnh là thế giới sắc tình. Uta Andon 歌行燈 (Người hát dưới đèn lồng, 1910) mô tả quá trình học tập nghệ thuật sân khấu của một kép tuồng Nô, Yashagaike夜叉ヶ池 (Đầm quỉ dạ xoa, 1913) và Tenshu Monogatari 天守物語 (Truyện trên lầu thành, 1917) ... đầy không khí lãng mạn và ma quái rùng rợn, tất cả đánh dấu hoạt động văn nghệ của ông giai đoạn đầu đời Taishô (1912-1926). Ngay giữa thời kỳ khuynh hướng chủ nghĩa tự nhiên (Naturalism) trong văn chương đi đến chỗ toàn thịnh, Izumi vẫn ca ngợi "nghệ thuật trên hết". Không những Uta Andon (Người hát dưới đèn lồng, 1910) vừa nhắc đến mà cả Shunchuu 春昼 (Trưa xuân, 1906), Kusameikyuu 草迷宮(Mê lộ trong cỏ, 1908) trước đó đều nói lên thái độ kiên trì ấy của ông.
Thế rồi Izumi Kyôka bắt đầu viết thành công những truyện dài như Shakuyaku no Uta 芍薬の歌(Bài ca hoa thược dược, 1918), Yukari no Onna 由縁の女 (Mối duyên xưa, 1919). Đến thời Shôwa (1926 trở đi), ông cho ra đời Sankai Taiheiki 山海太平記 (Đến khi núi yên biển lặng, 1929), Usui kôbai 薄紅梅 (Đóa mai hồng nhạt, 1937) và chấm dứt cuộc đời sáng tác sung mãn bằng Rukô Shinso縷紅新草 (Những nụ bìm màu hồng, 1939).
Được các đồng nghiệp đương thời có tầm vóc lớn như Sôseki, Akutagawa và Tanizaki tán dương, nhà văn với văn phong tượng trưng và hoa lệ này đã chết đi trong quên lãng vào năm 1939 giữa khi thế lực quân phiệt đang vùng dậy và văn học lúc đó được xem là chỉ có ích nếu biết phục vụ tham vọng của giới cầm quyền. Phong trào đánh giá lại Izumi Kyôka chỉ mới xuất hiện từ những năm 1970. Theo lời nhà phê bình Muramatsu Sadataka (C. Sakai dẫn trong J.J.Origas) , Kyôka xứng đáng được gọi là tay phù thủy của văn chương vì biết rõ bí quyết luyện kim của ngôn từ và hơn ai hết, ông đã khai thác được tiềm năng diễn tả giàu có của tiếng Nhật.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top