Mùa hè, và tủ sách của ông nội tôi
Mang thai trong mùa nóng làm mẹ tôi mệt mỏi hẳn. Mặc dù bà vẫn đi làm hằng ngày, và mọi việc trong nhà không có thay đổi, nhưng tôi biết mẹ tôi đang căng thẳng, và không chỉ đơn thuần vì đứa trẻ trong bụng.
Kết quả siêu âm vẫn là nam – nhưng mọi người trong nhà tôi đều dè dặt nói đến điều đó. Như lần trước, chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Đôi lúc, mấy bà cô hàng xóm lại nhắc đến chuyện với tôi, cùng với cái câu đùa hết sức vô tâm rằng khi em tôi ra đời, mẹ sẽ chẳng ngó ngàng gì đến tôi. Mẹ tôi, dù vẫn gật đầu cười cười nói nói với họ, trong mắt bà, tôi đọc được sự khó chịu tăng dần. Bà luôn nhắc lại với tôi, khi họ đã đi mất, rằng đừng để tâm đến những lời đùa đó.
Nhưng cũng vì mang thai, tâm trạng của mẹ tôi thay đổi thất thường hơn. Những lần cáu gắt vô cớ nhiều hơn trước – và nghĩ lại thì ai cũng có lý do để buồn bực nếu có một đứa con như tôi. Trước những chuyến đi, cha tôi kéo tôi lại dặn dò – đừng làm mẹ phiền lòng nhiều. Tôi cũng không cố ý làm bà giận dữ, nhưng dường như bất kỳ điều gì tôi nói, hay làm, đều khiến bà không hợp ý. Khi tôi im lặng, bà lại không ngừng trách móc tôi lì lợm, và nói rằng hy vọng em tôi sẽ không thờ ơ với mọi điều bà nói như thế.
Cuối cùng, tôi nhận ra, để không làm bà cáu giận, cách tốt nhất là đừng lại gần bà. Vì vậy, suốt thời gian đó, chiều chiều, khi đã học bài xong, tôi thường ra khỏi nhà, lang thang ra nghĩa địa chơi đùa cùng Văn. Đôi khi, tôi ăn trưa và ngủ trưa lại nhà nó – chuyện này khiến Văn rất háo hức, và mẹ tôi, dù không mấy vừa lòng, nhưng không muốn làm phật lòng hàng xóm nhiều. Hơn nữa có thể chính mẹ tôi cũng cần chút yên tĩnh.
Tôi thích mẹ của Văn. Người đàn bà to lớn đó lúc nào cũng nói cười, chưa tới ngõ đã nghe tiếng, giống như ông chồng bà ta. Lúc nào, mẹ Văn cũng như có sẵn trái cây, bánh kẹo, hay các món quà vặt khác cho đám trẻ trong xóm đến chơi. Bọn trẻ gọi bà ta là mẹ, và mẹ Văn cũng khăng khăng bắt tôi gọi bà như vậy, nụ cười lấp lánh trong đôi mắt.
Nhưng tôi chẳng bao giờ gọi bà như thế.
Dẫu sao thì, bà cũng chẳng phải mẹ tôi.
※
Mùa hè đã bắt đầu, nên tôi và cô không gặp nhau ở trường nữa. Nhưng thi thoảng cô cũng đi qua khu nhà tôi, dạy đàn cho một vài con bé nào đó ở phố chính. Cho con cái học đàn organ xem chừng đang hóa thành mốt ở những gia đình khá giả trong thị trấn. Để tôi bớt chạy lông bông ngoài đường, và để rèn tính kiên nhẫn cho tôi, cha tôi đề nghị tôi đi học nhạc luôn. Thực lòng, tôi ngờ vực rằng ông còn có hy vọng rằng âm nhạc sẽ cho tôi chút gì nữ tính – sự thẳng thắn ác ý của tôi đã thô ráp đến mức ông bắt đầu có vẻ lo ngại. Khi tôi than phiền organ trở thành một cục vô dụng khi không có điện, đòi học guitar, ông đã từ chối ngay lập tức, nói rằng guitar là nhạc cụ của đàn ông.
Vì vậy, mỗi tuần, tôi gặp cô một hai lần. Tạm thời mẹ tôi không thích tiếng ồn, nên tôi chưa được mua đàn, mà học ké ở nhà một đứa bạn. Đôi lúc giữa giờ học Văn cũng chạy sang, ló đầu qua cửa sổ. Thằng bé ồn ào đó im bặt khi đến lượt tôi đàn. Và lần nào đi về, nó cũng nói những câu y hệt nhau, với vẻ rất thành thực: "Tớ chẳng biết gì về âm nhạc, nhưng có vẻ hay đấy."
Mùa hè nóng nực đó làm tôi dần dần mất kiên nhẫn với những cố gắng vụng về tẻ nhạt của Văn, và cũng chẳng muốn về nhà để đón nhận những lời càu nhàu của mẹ. Vì vậy sau giờ học, tôi thường mượn cớ để trốn đi chơi với cô. Đôi khi, chúng tôi trò chuyện ở công viên xây dở. Đôi khi, chúng tôi ra biển cùng nhau.
Những ngày đó, dưới nắng trời rực rỡ của một mùa hè tưởng chừng vô tận, cô đã dạy cho tôi hát những bài Thánh ca, do tôi yêu cầu, dù điều này có vẻ không hợp lẽ. Nhưng cô luôn mỉm cười nhẹ nhàng tới nỗi, ngày ấy tôi không thể nghĩ rằng chuyện đó có gì không đúng. Với nụ cười như coi nhẹ mọi thứ trên đời đó, có lẽ cô có thể giết người mà vẫn được tha thứ – đôi lúc tôi đã có những suy nghĩ kì quặc như thế.
Nhưng tôi cũng không muốn nợ cô – nhất là khi tôi không biết cô thực sự muốn gì cả.
Vì vậy, để đáp lại, tôi kể cho cô về một trong những giấc mộng kín đáo nhất của mình.
Tôi kể cho cô về Mishima Yukio.
※
"Liên thích đọc loại sách như thế à?" Tôi còn nhớ cô đã tròn mắt mà hỏi tôi như thế, khi tôi kể cho cô nghe nội dung một cuốn sách của Mishima. Đó là một buổi chiều đặc biệt nóng nực, với tiếng ve sầu vang dội bốn phía.
Tôi im lặng. Câu trả lời đúng đắn, là một điều tôi ngày ấy không có khả năng diễn đạt, nhưng nó đại khái thế này: Sự ham thích của tôi với Mishima Yukio đơn thuần là sự ám ảnh với con người đặc biệt của y, như bây giờ người ta mê đắm một ca sĩ thần tượng, còn bản thân anh ta hát hỏng kiểu gì, chẳng liên quan gì cả.
"Thế bình thường Liên thích đọc sách gì?"
Tôi kể ra vài tên sách, nhưng hầu như cô không biết tới. Vào cái thời tôi còn bé, rất ít người đọc sách thường xuyên. Chủ yếu chỉ là những người có dư dả thời gian. Và tôi quả là rất dư dả thời gian.
Vẫn mỉm cười, cô bảo: "Liên đọc nhiều thật, vậy hãy cho cô mượn được không?"
Tôi im lặng suy nghĩ, những cuốn sách đó là của ông nội tôi, không phải của tôi. Vì vậy, tôi không chắc có thể mang cho người khác hay không.
"Ông nội Liên?" Cô nhướn mày, hỏi khẽ, như vô tình. "Ông nội Liên thích đọc sách lắm à?"
Tôi ngẩn người, rồi chợt nhận ra, dù luôn gọi những cuốn sách đó là sách của ông nội tôi, chưa bao giờ tôi thấy ông đọc chúng, hay đơn giản là cầm một cuốn sách lên.
※
Thật ra người ta biết được bao nhiêu về những người lớn trong gia đình mình? Những người tôi đã gọi là ông bà, cha mẹ, hẳn đã có một cuộc đời trước khi tôi ra đời chứ, một cuộc đời không liên quan gì đến tôi. Nhưng trong lòng tôi luôn có một ý nghĩ, một sự chấp niệm trẻ thơ, rằng họ đã luôn là họ như tôi đã biết, là họ đã bước vào thế giới này như thế. Việc nghĩ đến những người trong gia đình mình có thể có một mặt nào khác mà tôi không hề hay biết, là một chuyện vừa mới mẻ lạ lẫm, vừa có chút gì đáng sợ.
Ví dụ như, tôi đã luôn biết đến bà nội mình như một bà lão ăn nói mềm mỏng, cả ngày quanh quẩn trong bếp, dường như không quan tâm gì khác ngoài nội dung vở kịch tối nay trên tivi, hay mua gì để chuẩn bị bữa ăn chiều. Dù biết những mẩu chuyện vặt vãnh về tuổi thơ của bà thời Nhật chiếm đóng, tôi cũng không thể hình dung được bà đã là một cô bé hay là một thiếu nữ trẻ như thế nào.
Cũng như thế, những cuốn sách của ông nội tôi là một phần bí ẩn của tuổi thơ tôi. Chẳng bao giờ tôi thấy ông đọc sách, hay nhắc đến những cuốn sách. Nhưng những cuốn sách đó, tất nhiên là của ông nội tôi. Cha tôi đã mang theo chúng tới trường khi còn đi học, lén đọc khi mệt mỏi vì những tiết giảng Kiều dài lê thê, những truyện ngắn tuyên truyền khô cứng. Bây giờ, ông vẫn kể về điều đó với sự say sưa pha lẫn tự hào, mặc mẹ tôi trách không nên xúi bẩy tôi làm việc riêng trong giờ học.
Những cuốn sách cha tôi đọc ngày ấy, chẳng có gì đặc biệt. Là loại sách một thiếu niên bình thường thời ấy sẽ đọc: Những chuyện phiêu lưu của Guiliver. Những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Jules Vernes. Những cuốn thuyết Nga, vốn được dịch rất nhiều ở miền Bắc. Ông đặc biệt say mê giọng văn mượt mà của Pautovsky – hay đúng hơn là giọng văn của người dịch. Vì thế suốt một thời gian dài, tôi đã cảm thấy choáng ngợp mỗi lần nghe đến cái tên Nga kia.
Với một niềm ái mộ trẻ thơ, tôi đồng nhất nhà văn cha tôi yêu thích với sự ngưỡng mộ của tôi với cha. Nhưng tôi lại chẳng một lần đọc cuốn sách nào của Pautovsky. Mỗi lần tôi với tay định lấy một cuốn sách của ông từ trên kệ xuống, một sự sợ hãi choáng ngợp lại xâm chiếm lấy tim tôi. Lúc còn bé, tôi không thể hiểu được nguồn cơn của sự sợ hãi đó, và tự lòng cảm thấy bối rối lẫn tức giận với chính mình. Mãi về sau, khi suy nghĩ lại, tôi mới hiểu được ngọn ngành.
Lý do tôi đã không muốn nhìn thấy ông nội tôi đọc sách, cũng như không muốn đụng tới những cuốn truyện ưa thích của cha tôi, có lẽ là do tôi sợ nhìn thấy những phần sâu kín của họ. Viết hay đọc, đều là những hành động rất cá nhân. Đứa trẻ là tôi khi ấy, đã sợ hãi cái khả năng là cha tôi, ông nội tôi, đều có một mặt nào đó khác hẳn với con người họ hiện ra trước mắt. Chính vì cha tôi luôn nhắc đến Pautovsky với sự trìu mến đặc biệt như khi hồi tưởng về một người bạn thời thanh xuân, mà tôi mới luôn sợ hãi việc phải đọc Pautovsky. Cậu thiếu niên là cha tôi ngày ấy, khi lật qua những trang Bông hồng vàng, rồi Bình minh mưa trong giờ giảng Kiều, thật ra đã suy nghĩ gì vậy? Những dòng văn ấy đã khiến cha tôi rung động thế nào? Điều gì trong những câu từ ấy đã khiến ông xúc động, và chúng đã ảnh hưởng thế nào đến tính cách ông? Cứ như thế, tôi bị thôi thúc bởi sự ngưỡng mộ con trẻ với cha tôi, mong ước được hiểu ông, được trở thành giống như ông, nhưng đồng thời, không thể thoát nỗi sợ hãi sẽ nhìn thấy điều gì trái với những xác tín của tôi về cha mình.
"Ồ, một người như cha, không giống như sẽ thích loại sách thế này đấy nhỉ?" Tôi sợ tâm trí của mình sẽ buột ra những lời như vậy.
Ông nội tôi đã ưa thích cuốn sách nào trong những cuốn sách thuộc quyền sở hữu của ông, mà hiện giờ ông không buồn đụng tới ấy? Ông đã nghĩ gì khi thu thập những cuốn sách ấy trong suốt thời gian lưu lạc ở miền Bắc? Chú tôi hay kể lại, ông đã đắn đo rất lâu khi mang gia tài sách vở của mình về miền Nam – không thể mang đi hết, vậy cuốn nào mới là có giá trị đây? Trong những cuốn sách ông đã quyết định giữ lại, những cuốn ông đã quyết định mang cho, đem tặng, hay vứt bỏ, có thể tiết lộ gì về tính cách của ông không?
Bất cứ ai cũng có thể có một thứ bóng tối đằng sau. Một điều gì trái ngược hoàn toàn với những gì ta biết về họ. Nhưng tôi không muốn nhìn thấy mặt ấy của người thân mình. Vì tôi chỉ là một đứa trẻ. Trẻ con không hiểu được một người có thể phức tạp đa chiều thế nào. Trẻ con không hiểu, hay chấp nhận được con người có thế thay đổi. Ánh sáng là ánh sáng và bóng tối là bóng tối – tất cả mọi thứ hiện ra rõ ràng rành mạch. Tương lai và quá khứ đều như không tồn tại, trước mặt chỉ có hiện tại, đắm mình trong một ánh sáng mạnh mẽ rạch ròi, như mặt trời chói lọi những ngày mùa hè ấy.
Và vì thế, trẻ con vô dụng và ngu ngốc.
Và vì thế, trẻ con tàn nhẫn vô cùng.
※
Nhưng dẫu ta có cố gắng nhắm mắt làm ngơ, một ngày nào đó, đáy sâu đó sẽ mở ra.
Tôi đã thoáng nhìn thấy đáy sâu ấy, khi một buổi chiều, tôi thấy cô nói chuyện với ông. Chỉ có hai người. Lúc họ tưởng tôi đã trở về nhà, nhưng tôi quay lại để tìm cục tẩy quên ở phòng chú tôi.
Ở bên hàng giậu, nơi những bông hoa Đừng-quên-tôi vẫn nở rực rỡ, tôi nhìn thấy cô cúi đầu, đang nói gì với ông nội tôi bằng giọng rất nhỏ. Còn ông nội tôi vẫn đứng đó, im lặng, dáng hình cô độc cắt vào trời chiều.
Tôi bước vào nhà. Nhìn thấy tôi, cô giật mình quay lại, nhưng đã gạt nước mắt, mỉm cười rất nhanh. Ông nội tôi xoa đầu tôi, cử chỉ dịu dàng không có gì khác trước. Cầm tay tôi, cô cười nói: Để cô dẫn Liên về nhé. Chúng tôi rời đi thật nhanh. Có điều gì trong câu chuyện đó, khiến tôi không muốn hỏi.
Vì vậy chúng tôi hầu như im lặng trong suốt chặng đường, cho đến khi cô đột ngột hỏi:
"Liên có biết, lúc còn đi làm, ngày nào ông nội Liên cũng ăn sáng ở cái tiệm trước cửa nhà ga hay không?"
Cái tiệm bé nhỏ ấy, tôi vẫn thường đi qua, nhưng chưa bao giờ để ý. Khi cô kể ra, giữa buổi chiều vàng vọt văng vẳng tiếng quạ kêu, tôi chợt hiểu, cái tiệm nhỏ bé núp giữa hai căn nhà hình ống xám xịt đó từ giờ trở đi sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt với tôi. Rằng mỗi lần đi qua nơi đó, ngay cả sau này, khi tiệm đã bị dỡ đi và chỉ còn khoảng đất trống còn lại, tôi sẽ không thể không nhìn lại, và nhớ đến những gì cô nói, và ông nội tôi.
Mặc dù bà nội tôi luôn nấu cơm sáng, ông vẫn thường rời đi sớm, ăn sáng ở tiệm. Bởi vì lúc đó ông còn hút thuốc, mà bà thì hết sức phật ý về việc này. Lý do chỉ đơn giản có vậy. Ông chọn lựa tiệm đó cũng vì nó mở cửa sớm, lại cách chỗ làm có mấy bước chân. Mùi vị món ăn, cách bài trí, hay liệu chủ quán có tuân thủ các quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm không, với ông chỉ là chuyện thứ yếu. Vì vậy, ngày nào, ở một giờ cố định, ông sẽ đến tiệm đó, gật đầu chào chủ quán, ngồi cùng một chỗ, gọi cùng một món, ăn xong cùng một giờ, và đặc biệt là luôn trả tiền trước khi ăn. Đã quen quá, nên chủ quán nhiều khi cũng chẳng buồn đếm lại nữa, cứ thế bỏ luôn vào túi.
Lúc đó, cô giáo của tôi vẫn đang phụ việc cho cửa hàng đó để lấy tiền trang trải cho việc học. Sự kỳ lạ của ông tôi, hay đúng hơn là thói quen trả tiền trước của ông, khiến cô thắc mắc, và một lần không kiềm được, cô đã hỏi chủ quán.
Chủ quán đã bật cười, và kể cho cô một câu chuyện nhỏ diễn ra đã vài năm trước. Một buổi sáng đó, ông nội tôi vào quán và gọi món (lúc này ông chưa có thói quen trả tiền trước, nhưng chuyện gọi chỉ một món thì đại khái vẫn y như thế) thì bên kia chợt có tiếng người báo cháy ở gần nơi ông làm việc. Giật mình, ông vội đứng dậy, lao ra cửa, vẫn chưa đụng vào một miếng. Chuyện chẳng có gì là nghiêm trọng – một cậu trực đêm lúc sắp hết ca, bất cẩn đã để ngọn đèn đổ xuống sàn mà thôi. Nhưng cũng vì thế mà một số tài liệu, giấy tờ bị cháy xém. Ông nội tôi bù đầu trong biên bản sổ sách ngày hôm đó, hoàn toàn quên khuấy. Đến khi về nhà, mới sực nhớ ra, vẫn chưa trả tiền lúc sáng.
Chuyện chỉ có thế thôi, nhưng lại làm ông nội tôi cắn rứt mãi. Vì vậy, từ đó trở đi, ông luôn trả tiền trước. Để không xảy ra việc như vậy nữa.
Tôi im lặng. Câu chuyện này, thực hư không rõ, nhưng quả thật rất giống tính ông. Ngẩng mặt nhìn bầu trời tối dần, cô chợt mỉm cười khe khẽ, cô quả thật đã ấn tượng với ông từ khi lúc đó, và cô đã quyết định...
Cô đã quyết định điều gì? Tôi ngẩng mặt lên nhìn, nheo mắt. Cô chợt im bặt, rồi nói:
"Liên, nhìn kìa, sao Hôm mọc rồi đấy."
Tôi vội ngẩng đầu nhìn. Những ngày ấy, cô đã biết là tôi thích sao Kim. Bởi vì đó là vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm, sau mặt trăng – cuốn sách thiên văn học của cha tôi đã bảo vậy.
Bởi vì đó là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm. Đó còn là ngôi sao của Lucifer, một hình ảnh khác đã khiến tôi ấn tượng sau khi đọc mấy cuốn sách tôn giáo của cha. Thú thật là, sau khi đọc xong, tôi cảm thấy con quỷ ấy có lý hơn nhiều. Nhưng sẽ rất kì cục nếu nói về y với một người theo đạo, nên tôi chỉ im lặng nhìn lên bầu trời, rồi quay đầu lại với cô, tiếp tục căn vặn:
"Cô quyết định gì vậy?"
Nhưng cô đã kéo tay tôi. Mạnh hơn thường lệ, tôi nhớ. Cô dắt tôi băng qua đường, sau khi những chiếc xe tải đã mất hút. Tôi lặp lại một lần nữa:
"Cô đã quyết định gì vậy?"
"Chẳng có gì đâu." Khi đã nhìn thấy cửa nhà tôi, cô vội nói. Tôi cắn chặt môi, thấy sự giận dữ trong lòng mình dần dần trồi lên, như bong bóng đua nhau xuất hiện trong nồi nước sôi, tranh nhau trào lên bề mặt.
Tôi biết là cô nói dối. Trẻ con, vốn rất nhạy cảm với sự không chân thành của người khác
Tôi phải tiếp tục căn vặn cô. Tôi phải chớp lấy cái ánh sáng vừa lóe ra giữa đám mây mù kia, nhất định không để cô lảng tránh – trong đầu tôi lúc đó, đã tính toán như thế, và có lẽ nếu chiều hôm đó, tôi căn vặn đến cùng, cô sẽ buộc phải trả lời. Nhưng căn nhà của cha mẹ tôi đã hiện ra ở bên kia đường. Bàn tay cô đã buông ra, và cô đã mỉm cười chào tôi trước khi rời đi, để tôi lại một mình.
※
Tại sao tôi lại không hỏi? Đứng giữa buổi chiều âm u ấy, khi những chiếc xe tải Bắc Nam vùn vụt lao qua, khi những ngọn đèn đường chớp tắt trong bóng tối càng lúc càng nặng nề, tôi đã suy nghĩ gì? Sự hiện diện nào trong không khí uể oải của một thị trấn buồn tẻ giữa chiều hè nóng nực đó đã kiềm giữ tôi lại? Có phải – nhiều năm sau nhớ lại phút giây ấy, và cân nhắc về ý nghĩa của nó, tôi thầm nghĩ, đứng trước đáy vực sâu vừa hé mở kia, phải chăng tôi đang sợ hãi?
Có gì đó trong câu chuyện chưa trọn vẹn về cô, và về ông nội tôi ấy, khiến tôi không muốn nhìn tiếp. Tôi sợ, dù chính mình cũng không ý thức được, sẽ bước qua một ranh giới mà mình không thể quay lại được nữa.
Và tôi còn cần cô. Mặc dù đã nhiều lần tỏ ra bực mình, từ trong lòng, tôi biết, tôi cần sự hiện diện của cô. Tôi cần những buổi trưa ngủ lại ở nhà cô, và cần sự im lặng khi cô lắng nghe tôi nói, với một nụ cười nhàn nhạt mách cho tôi biết cô thực sự chẳng tin tưởng, nhưng vẫn nghe chăm chú hơn bất cứ ai khác trên đời. Tôi cần cảm giác nhẹ nhàng khi vờ thiếp ngủ trên chiếc giường của cô, giữa nắng mùa hè ấm áp, và cảm thấy bàn tay cô đang nhẹ nhàng đưa qua mái tóc mình. Có lẽ, trong những ngày tháng không thể gần gũi mẹ tôi, và cũng không muốn chủ động làm hòa với bà do bản tính ương bướng khó chịu của mình, tôi vẫn cần sự hiện diện của một người phụ nữ. Trong thâm tâm, có lẽ tôi hiểu rõ điều này, nhưng thừa nhận với chính bản thân mình, rằng mình đã có những mong ước, khát khao bình thường dễ hiểu như thế, đứa trẻ là tôi ngày ấy có chết cũng không chịu.
Sự im lặng của tôi đối với cô trong buổi chiều ấy, vì thế, còn có tính chất thỏa hiệp.
Điều đó nghĩa là, trong buổi chiều ấy, dù không hay biết, tôi đã đặt bước chân đầu tiên trên con đường để trở thành người lớn. Nghĩa là, một mảnh vụn của sự ngây thơ tàn nhẫn trong tôi đã mất, lả tả rơi vào buổi chiều đang xuống dần, như mép những trang sách cũ khô vụn ra ở một góc tối bị lãng quên của kệ sách.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top