Hòm đựng người - 03 (Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật)
Mẹ con gặp gỡ
Ở xóm cửa Tây thành Thanh Hoá, dường như mới xảy ra việc gì tai dị.
Trước đây hai tháng, có người từ Bắc vào thuê nhà. Dân trong xóm ai cũng thì thào bàn lẫn với nhau:
- Thuê mần chi? Từ Bắc vô Nam, thuê nhà mần chi, buôn bán thì ở bến Ngự, từ Bắc vô Nam, thuê nhà nơi hẻo lánh mần chi?
- Năm hết tết đến rồi, tính toán chi thì cũng chờ sang năm mới, vội chi mà lật đật.
- Mà cả nhà lại chỉ có một anh già chừng bốn năm mươi với một đứa con gái vào trạc mười tám đôi mươi. Quân này mèo mả gà đồng chi đây!
Trẻ con nó bảo thằng kia thì chỉ dưới bếp, mà con nọ thì cũng chỉ nằm ở trái hiên, còn cái nhà trên năm gian, ngày ngày chúng nó lau quét mà không ở đến, thế mới càng kỳ ngộ. Không biết chúng nó thuê nhà mà làm gì?
- Từ hôm họ thuê nhà, ngày nào cũng đi sắm giường, sập, ghế bàn kê chỉnh đốn. Nhà có hai mống thì mua bán đồ đạc mần chi?
- Mà tên tuổi là gì cũng không ai biết nữa!
- Người ta chỉ thấy anh chàng gọi con bé kia bằng em; con bé gọi anh chàng kia là bác. Em gì bác gì thì không biết. Hay là hai anh em? Hai anh em, thì đem nhau vô đây ở lẫm mẫn chi?
- Thằng cha tính khí cũng lạ: hàng xóm láng giềng chẳng buồn làm quen với ai cả. Chỗ hàng xóm có người nhẹ dạ, nhẹ miệng hỏi han chuyện trò, thì anh ta chỉ cười nói ậm ừ cho qua. Có người dễ tính vào chơi thì anh ta tiếp đãi cũng tử tế. Nhưng anh ta cứ ngồi lì, nửa lời nói cũng tiếc. Hẹn sang chơi thì nhận lời hẳn hoi, nhưng chẳng vào nhà ai cả. Có trách thì chối là bận. Con bé kia cũng thế, đi chợ, đi búa luôn, ra ao vào làng cũng luôn mà đố ai cậy miệng cho nó nói một câu dài hơn năm tiếng. Nó là con gái, nó ít nói là phải, nhưng anh kia là đàn ông mà cũng ít nói thì lạ quá!
- Lạ gì! người ta một mình ở nơi xa lạ thế là phải chứ, các ông các bà chỉ khéo tỉa tách bép sép xằng!
Ấy chỉ lạ vì ở đồng đất nước người có một mình mà thôi. Họ hình như có cái gì bí hiểm chứ chẳng không. Hay là lại đức ông nào thất thế mà định vào đây tìm chân nhân[22] nơi rừng xanh.
[22]. Chân nhân đúng như chữ chân chúa
Trong hơn mười hôm trời, hai người ấy, luôn luôn làm câu chuyện đầu lưỡi của xóm ấy. Giữa lúc chế độ gia tộc còn nồng nàn, giữa lúc người mình còn chưa dời nhà cửa được thì hai người ấy có lẽ cũng đáng để người ta tò mò căn vặn.
Mười hôm sau, nhà ấy lại thêm năm người nữa: hai người đàn bà, ba người đàn ông. Hai người đàn bà một trạc ngoài 40, khăn sô áo gai, một người trạc ngót năm mươi, quần sồi áo vải. Ba người đàn ông một người trạc ngoài ba mươi tuổi, hình dong thanh tú có vẻ con nhà; một người trạc ngoài năm mươi, hình thù thô lỗ, rõ ra một người mộc mạc quê mùa; một người nữa cũng trạc ngoại ba mươi dáng rong rỏng cao, mặt bé mắt bé nước da xam xám.
Hàng tỉnh khi đó lại càng để ý lắm.
Luôn mấy năm nay, năm nào cũng có việc tai dị, nên hơi có việc gì bất cứ lớn hay nhỏ mà khác thường một tí là dân cũng để ý, cho như là cái kết quả của mấy trưng triệu trước kia. Tháng tư năm kia có nhật thực rồi thì trời làm hạn hán suốt mấy tháng hè không mưa, nhà chúa cho quan về duyệt lại hộ tịch, bắt dân đi lính thú. Tháng ba năm ngoái, Khâm thiên giám báo có hoả hoạn tinh đi vào địa phận Nam Đẩu, pháp tinh đi vào địa phận Thái vi mà rồi năm tháng liền không mưa trận nào. Lại tháng tám năm nay có nhật thực, thì tháng mười vua mất. Thực ra thì nhật thực, hoả tinh, pháp tinh, chẳng có quan hệ gì đến trời mưa nắng cùng người sống chết, nước trị loạn cả, nhưng dân mình như thế, việc gì cũng cho là có điềm trời cả. Các điềm trời tự dân, dân cũng không biết nổi, khéo sinh sự chỉ tại mấy anh chiêm tinh hão huyền.
Cái gia đình bảy người Bắc này... vô Nam lúc năm cùng tháng hết, ở giữa xóm hẻo lánh lạnh lùng, khiến cái dân luôn ba năm, óc nhồi toàn điềm trời vạ đất, phải để ý như trẻ bé một nhà kiện tụng gặp khách lạ đến nhà. Lại lạ hơn nữa là sau ngày Ninh lăng mấy ngày, nhà ấy tấp nập già trẻ trai gái ở Bắc vào. Rồi từ ngày ấy thỉnh thoảng lại có một chàng thiếu niên lui tới ân cần.
Chàng thiếu niên ấy. Ngay hôm Tử cung hoàng đế tới tỉnh Thanh đã thấy đến đó một bận.
Hôm chúa cùng bách quan trở về Kinh thì hàng xóm năng thấy chàng đến chơi từ sớm mãi đến tối mới trở về. Có kẻ tò mò theo chàng xem ở đâu thì thấy chàng ở dinh quan Thừa chính. Mười hôm sau thấy chàng mất mặt. Dò ra thì chàng ra Bắc rồi...
*
* *
Gia đình ấy, có lẽ độc giả cũng đoán ra rồi. Đó chính là gia đình bà Chiêu Đặng Thụ Ấm con dâu ông tri phủ Đặng Phi Hiển, mẹ nàng Ấu Mai, đang khóc than với bóng buồn tủi cùng cây trong Quả Thịnh lăng.
Hai người vào thuê nhà trước, người đàn ông là một người lão bộc nhà họ Đặng theo hầu Đặng tri phủ từ ngày mới đỗ; đứa con gái là em họ anh ta, cũng theo hầu bà Chiêu từ ngày mới lên mười, trước dùng để trông coi Ấu Mai khi nàng còn nhỏ, sau ở lại hầu bà. Còn năm người vào sau thì một người là bà Chiêu, một người là em trai bà Chiêu, một người là vú nuôi Ấu Mai, một người là bõ Ấu Mai. Người đàn ông trạc ngoài ba mươi nước da xam xám, mặt choắt, mắt nhỏ là đầy tớ Đặng tri phủ mới dùng được dăm bảy năm nay, nhưng nhanh nhảu thạo việc lắm, nhà có việc gì quan trọng cũng phải có anh ta, anh ta người Mường ở Thiên Quan (nay là Nho Quan) họ Kiều, tên Cảnh, có sức đi một ngày trăm dặm, một tay cất tạ nghìn cân, xuống nước lội như cá, lên cây leo như hầu, cách trăm bộ bắn xuyên qua lá liễu, ngoài trăm tầm tiếng gọi thấu qua rừng. Từ ngày vào hầu nhà họ Đặng, một mực chuyên cần kính cẩn, thực thà có một, đơn sai chẳng hề. Khi mới đến ở, bà Chiêu cùng lão già Đồ Nam vẫn có ý nghi kỵ, thường nói với Đặng tri phủ rằng:
- Thằng Kiều Cảnh xem tướng mặt chuột kẹp, môi thâm da thiết bì, dáng đi như con cáo, mắt liếc như mắt lang, chắc không phải đứa tử tế. Nuôi ong tay áo, sau có việc nào, hối sao cho kịp. Vả chăng nhà nó với nhà ta kể cũng có chút thù, nó xem ra là đứa tiểu nhân, chúng con lấy làm ngại. Phương ngôn có câu rằng: "Mở mương Mường chạy lên rừng, ta biết Mường chạy ta đừng mở nương".
Đặng tri phủ nói:
- Ta xem ý nó rất trung hậu, chẳng việc gì mà ngại. Chúng con chỉ tỳ vào cái mặt xấu của nó mà đoán già đoán non thế, chứ người xấu nhiều khi lại là người có bụng tốt, mà những kẻ mặt sáng như gương, đẹp như ngọc, nhiều khi lại xấu xa lạ thường. Cái đẹp ngoài nhiều khi lừa dối mà cái tốt trong lại phải cái xấu ngoài che mất. Trời hoặc có ý "đố toàn" (ghen cái trọn vẹn), hoặc có ý bày ra trong ngoài trái nhau để luyện cái trí suy xét của người ta chăng? Cho hẳn nó là bụng xấu đi nữa, ta có thể lấy độ lượng ta, ta đổi tâm tính cho nó. Vả lại "Tướng mạo bất như tướng tâm, tướng tuỳ tâm diệt". Nghĩa là: "xem tướng ngoài mặt chẳng bằng xem tướng trong lòng mà sinh, có tướng mà không có lòng, thì tướng cũng theo lòng mà mất."
"Chúng con ngẫm mà xem, cứ để tâm xét mà xem cái thằng này rồi khá".
Hai tháng trước đây, biết đích là cháu gái phải lên ở Sơn lăng, Đặng tri phủ cho già Thông cùng con Thuý Hồng vào Thanh thuê nhà trước để cho nhà Chiêu cùng người nhà vào tiện đi lại thăm hỏi trông nom Ấu Mai.
Thời giờ thấm thoát đã gần đến tết. Năm Tân Hợi sắp qua, năm Nhâm Tuất sắp tới. Những năm trước kia, nhà còn thịnh thì tết này bà Chiêu phải rục rịch sắm sửa từ đầu tháng chạp, Thuý Hồng thấy năm nay đã hai mươi nhăm tết rồi mà chủ nhà chưa đả động gì đến cả, liền hỏi:
- Bẩm mợ hôm nay đã hai mươi nhăm tết rồi, mợ chưa mua bán gì ư? Từ nay đến tết, chợ còn có hai phiên hai mươi sáu và ba mươi, mai mợ cho chúng con đi mua bán.
Bà Chiêu thở dài:
- Thôi! Tết với nhất gì, vui gì mà tết. Mợ từ ngày goá bụa, em nó lại vất vả những buồn bực mà quên cả ngày tháng, còn lòng nào mà nghĩ đến ngày tư ngày tết nữa. Thôi!
- Bẩm mợ, dù tết nhất chẳng ăn uống vui vẻ gì, nhưng cũng phải làm mâm cơm cúng cậu con và trữ đồ ăn ba ngày tết.
- Ừ thì mai đem năm quan quí đi, liệu mà mua bán rồi liệu mà làm.
Ra ngoài tết. Hôm tết Nguyên tiêu, Đồ Nam ở Bắc vào, cả nhà mừng rỡ, bà Chiêu vội vã hỏi:
- Đã được phép toà Ngự chưa? Đã được phép phủ Tông chưa? Già vào từ hôm nào?
- Phép xin được rồi, nhưng đàn ông chỉ được hai người vào thôi.
- Được, mai tôi vào trình giấy toà Thừa chính rồi đến hai mươi này tôi cùng cậu nó, vú Mai và con Thuý Hồng vào thăm em.
Thuý Hồng nói:
- Tất cả quần áo chăn màn cùng các đồ lặt vặt khác con tưởng phải một hòm chân lớn.
*
* *
Ở xóm cửa Đông thành Thanh Hoá cũng mới có một người ở Bắc vào ở. Người ấy có một thày một tớ. Cả ngày chỉ đọc sách ngâm thơ tuyệt nhiên không đi đến đâu cả. Một hôm người đương đứng tựa cửa trông trời thì một đứa trẻ con đến hỏi:
- Chầu có quen ai là Thúy Hồng không?
- Có, em hỏi gì?
- Có người đi qua phố này mượn tôi đưa thư này cho Chầu.
Đứa bé thò tay vào túi áo lấy ra bức thư. Người kia vội vàng cầm lấy. Tay bóc thư, miệng gọi người nhà cầm tiền cho đứa trẻ, rồi thủng thỉnh vào trong nhà. Đứa trẻ được tiền chạy vào phô anh em ngoài phố:
- Có cô con gái mượn tớ đưa thư cho ông gì mới đến, ông ta cho tớ mười trinh Hồng Đức. Chắc ông ta là con vua cháu chúa gì nên mới rộng rãi thế.
Vào trong nhà mở cửa ra, mặt người ấy tươi như trời mờ ám vừa được trận gió quét mây. Thư rằng:
"Vũ Lăng hầu văn kỷ tiền nhã giám:
"Sớm tối ngày hai mươi thế nào Chầu cũng phải ở Quả Duệ, hôm ấy chúng tôi theo hầu mợ tôi vào thăm chị Ấu Mai. Chừng cuối giờ Thìn chúng tôi sẽ tới. Chầu chờ sẵn ở đường vào Quả Thịnh lăng, chúng tôi có cách cho Chầu được vào thiên thai, gặp người xưa, vẹn ước cũ".
THUÝ HỒNG đốn thư.
Hôm mười chín, ở nhà Bà Chiêu, lũ đầy tớ cũng bận rộn về sắp sửa quần áo để đưa vào cho Ấu Mai, trong hòm dưới xếp những đồ nặng như nồi, sanh, bát, đũa, lọ cắm hoa, nghiên mực, chấn chỉ, trên mới xếp chăn mền, gối áo, bút giấy, tất cả chật một chiếc hòm chân. Xếp xong, bõ Mãi và già Thông thử chăng dây luồn đòn ống khiêng thấy nặng nói:
- Từ đây vào Quả Thịnh lăng đường đi ba thôi dài, hai ta khiêng hòm này thì khướt.
Thuý Hồng nói:
- Đã có bác Kiều Cảnh, nếu nặng quá thì bác ấy đỡ một tay. Còn được nặng nữa kia...
Mọi người đưa mắt nhìn nhau cười, già Thông mở nắp hòm, hỏi:
- Đầy nghìn nghịt thế này có hoạ muỗi.
Thuý Hồng lại cười. Vú Mai gắt:
- Chị Thuý Hồng chỉ cười tràn thôi. Chị tính làm sao? Đầy thế này, thì...trời thu xếp được.
- Thu xếp cái gì?
- Thu xếp cái đầu lâu chị, cười toe toét mãi.
- Đến tối mợ đi ngủ tôi sẽ nói.
Một tiếng ở ngoài cửa hỏi vào.
- Các người bàn tán gì đấy.
Chúng quay lại nhìn thì là bà Chiêu. Con Thuý Hồng vội nói:
- Dạ bẩm không...
- Bẩm mợ còn thức? Xin mợ đi nghỉ dưỡng sức, mai vào Sơn lăng.
Nghe hai tiếng "bẩm không" gọn ghẽ bà Chiêu cho là chúng nó chuyện nhảm riêng gì không quan hệ, không hỏi lại nữa, quay gót lên nhà trên.
Một lúc bọn người nhà lại nói chuyện, lần này tiếng nhỏ lời vắn tắt.
Vú Mai. - Thế nào mợ nghỉ rồi!
Thuý Hồng.- Mở hòm ra lấy hết bát đĩa nồi niêu sanh chảo giấu vào trong buồng nhà ngang.
Già Thông.- Thế chị ấy lấy gì mà thổi nấu.
Thuý Hồng.- Già nghĩ mẩn quá! Thế từ hôm Ninh lăng đến hôm nay thì dễ chị ấy ăn gạo sống cả đấy!
Già Thông.- Ai chẳng biết thế nhưng nếu đem được Vũ Lăng hầu vào thì có nồi niêu thổi cơm riêng có lẽ tiện hơn.
Thuý Hồng.- Tôi ở lại Quả Duệ ngày ngày thổi cơm đưa vào... Tôi nói nốt cái cơ mưu Gia Cát cho mà nghe. Tôi bẩm mợ mua nồi sanh là có ý lắm, nếu đồ đạc không nhiều mà mang hòm to người ta sinh nghi. Lại tệ nhất là phải giấu mợ nữa! Những chuyện ngoài luân thường như thế là mợ ghét lắm. Mợ có hay đâu rằng: tình có luân thường nào trói nổi. Tôi đã bảo Vũ Lăng hầu chờ sẵn ở con đường từ Quả Duệ vào lăng. Hòm còn thừa một chỗ vừa người nằm.... Già hiểu chưa? Vú hiểu chưa?...
Nói câu ấy Thuý Hồng đưa mắt nhìn hai người tủm tỉm cười, hai người tỏ ý hiểu.
Thuý Hồng. - Đánh thức bõ Mai dậy. Bõ ấy lắm cái ngờ nghệch lắm, phải dặn trước mới được.
Bõ Mai. - Đã ngủ đâu.
Thuý Hồng.- Việc quan hệ đến tính mệnh người, bõ dậy cho, đừng uể oải thế.
Bõ Mai dậy.
Thuý Hồng.- Mai Bõ cùng già Thông khiêng hòm phải có ý đấy, lúc nào cũng phải nhớ rằng hòm rất nặng đấy nhé! Đừng có thấy nhẹ mà nhấc bổng lên mà hỏng cả đấy. Thằng cha Kiều Cảnh tôi không tin chút nào.
Già Thông.- Thế nó đâu?
Thúy Hồng.- Tôi đã lừa nó ra phố ngủ tối nay rồi.
Vú Mai.- Làm sao mà lừa được nó thế?
Thuý Hồng.- Chuyện nhảm, hỏi làm gì? Lừa người đàn ông đang độ thì khó gì...
Hôm sau cơm nước xong, cả nhà đi vào Quả Duệ để một Kiều Cảnh ở lại giữ nhà. Thuý Hồng đi trước nửa giờ để báo tin cho Ấu Mai biết trước và nói sẵn với quan coi lăng. Vào tới Sơn lăng, trình giấy phép toà Ngự toà Tông xong, bà Chiêu và cả nhà được vào phòng riêng của Ấu Mai. Mẹ con thầy trò mừng rỡ mà rỏ lệ.
Ấu Mai nói:
- Mẹ cầm như con chết sài, chết đẹn từ thủa nhỏ, còn trứng nước, mà đừng nghĩ gì đến con nữa. Từ rầy mẹ đừng vào thăm con nữa! Cảnh nhà có vui thì sự hợp mặt mới vui, cảnh nhà mà nghịch thì càng trông thấy mặt nhau càng sầu khổ, đã chẳng được đoàn viên vui vẻ thì chẳng thà mặt khuất còn hơn là lòng đau, giá năm lên bảy mà con cứ chết với thày con lại hoá xong.
Than đỏ vùi tro, vẫn âm ỷ cháy, bỗng chốc vô tình lại bới ra. Ngọn trào trong lòng bỗng chốc lại đầy vơi lên xuống, khiến cả nhà trông nhau như nghẹn lời. Nức nở một hồi, bà Chiêu lau nước mắt:
- Con hãy gắng ở Sơn lăng phụng sự tiên đế ba năm mẹ sẽ có cách xoay xoả cho con được về hầu ông với mẹ.
- Xoay xoả thế nào được. Phép nước như thế làm sao vượt được.
- Ông nhà có quen ông Xuân Trường bá ở Vân Điềm, ông ta con nhà công thần được Chúa Thượng trọng dụng, có thể giúp ta được.
Hiện ông ta đang sung làm Thái phó trong phủ Liêu để dạy các vương tử.
- Vâng, nếu lo được, thì không khác gì đem người ở dưới mả lên mà cải tử hoàn sinh. Nhưng tiền đâu mà lễ người ta?
- Nếu ông ta giúp thì chắc được, chỉ sợ ông ta không chịu giúp thôi.
- Nhà ấy làm quan rất thanh liêm, không ăn tiền đút của ai bao giờ, người ta mấy đời đỗ đại khoa, phong tước Quận Công, có thái ấp để nuôi quân, mà vẫn thanh bạch thì còn thiết gì tiền nữa.
- Vâng! Thử cố lo chạy xem sao... Nếu hết ba năm mà con không được ra thì con chẳng sống làm gì nữa.
Chuyện vẫn lan man, từ trưa cho đến quá giờ Mùi. Thấy bóng nắng đã xế, quan coi lăng vào giục.
- Trời mùa đông chóng tối, các người về kẻo không kịp. Mà Đặng cung nhân thì liệu sắm sửa để làm lễ buổi chiều đó.
Bất đắc dĩ bà Chiêu cùng cả nhà đều đứng dậy ra về, cả Ấu Mai đi tiễn. Ra đến gần cửa, Thuý Hồng lùi lại, nói:
- Xin mợ cùng cả nhà ra trước, con ở lại một lát, chị con dặn một vài điều.
Tựa vào gốc cây Thuỷ Tùng, Ấu Mai hỏi:
- Việc ấy thế nào hả em?
- Xong xuôi cả, hiện ở trong ấy.
Ghé tai vào Ấu Mai, nói nhỏ:
"Liệu chàng chết ngạt đó!"
Ấu Mai cười, Thuý Hồng cũng cười hỏi:
- Chị ở trong này có được kín đáo không?
- Trong này trước kia còn phải ở trong trại cung thì hai người chung nhau một phòng. Nhưng mấy hôm nay vừa làm xong mấy dãy nhà thì cứ hai người ở một khu riêng. Em đã trông thấy đấy: mỗi khu rộng độ nửa sào, một cái nhà ba gian hai buồng; một cái nhà một gian hai chái làm bếp nước, chị ở chung với một người cung nhân, người Cao Bằng tên là Hoàng Tố Hà.
- Thế chị có thể thu xếp với người ta cho ổn chuyện ấy được không?
- Được..., thôi em về!
- Chị ở lại, em về. Em ở luôn trong này để ngày vào thăm chị nhé, còn cơm nước thì sao?
- Cơm nước thổi riêng cũng được. Chị vẫn ăn riêng thổi riêng với chị Tố Hà.
- Nồi niêu đâu, mượn của chị ta à?
- Mượn của bà Tiệp dư, bà ấy đã ngoại năm mươi, được phép ra phố.
- Mợ cũng sắm sửa đủ cho chị xong vì có "Đức ông" nên em phải để lại. Để em mang vào sau cho. Thôi chị ở lại.
*
* *
Về tới nhà riêng, Tố Hà đã sắm sửa quần áo xong, đương đứng ở hiên đợi.
- Chị mặc áo nhanh lên, quan Lăng Giám đến giục hai lần rồi.
Khoác vội chiếc áo trắng, Ấu Mai cùng Tố Hà lên điện Kiền Long dâng lễ buổi chiều. Khi về, Ấu Mai bảo Tố Hà:
- Em có một điều cần phải nói với chị và nhờ chị giúp cho.
- Điều gì thế?
- Nói ra cũng khó.... Chị có thể thề với em rằng dù đến chết chị không sai lời hứa thì em mới dám nói.
- Thì hứa gì mới được chứ?
- Chị hứa rằng, không khi nào chị tiết lộ những lời em sắp nói với chị.
- Ừ thì tôi hứa với chị.
....
- Thế nào nói đi, tôi với chị, chị còn ngại gì, hay chị còn nghi tôi. Nếu thế thì thôi vậy, tôi cũng không muốn giữ những điều bí hiểm của ai trong lòng làm gì.
- Không! Em phải nói với chị.
- Thế thì nói đi.
Ấu Mai lại lặng yên hồi nữa, mí mắt chớp nhanh trong mòng mọng những giọt lệ muốn tuôn ra, mà nàng còn cố gượng hãm lại.
Tố Hà nói:
- Có điều gì oan ức quá thế mà cứ thỉnh thoảng lại giọt vắn giọt dài. Ở đây ai cũng một lứa đầu xanh, ngậm oan nuốt tủi cả. Quên đi mà thôi! Can chi cứ thế! Tôi đây dễ sướng hơn chị hay sao? Nếu tôi cũng như chị thì cả ngày chỉ ôm nhau khóc mà chết.
- Không... không... em khóc, em lại có nỗi khổ tâm khác. Trừ chị ra, em không biết tỏ cùng ai.
- Thì nói đi chứ?
.....
Ấu Mai lại ứa nước mắt ràn rụa, hai tay nàng cầm lấy vạt áo Tố Hà. Tố Hà nói:
- Chị làm trò gì thế, bảo sao cũng chẳng nghe, cả ngày những khóc cùng mếu.
- Chị thề cùng em đi!
- Việc gì mà to tát thế... Thì tôi xin thề. Tôi mà làm tiết lộ những lời chị nói cùng tôi, cùng việc kín của chị, nguyện chịu cực hình của Trời và người.
Ấu Mai quì xuống đất, nói:
Nếu thế thì chị có lòng thương em hết sức.
Tố Hà đỡ Ấu Mai lên:
- Chị làm gì mà quá thế. Cùng một cảnh ngộ thương nhau là thường. Thôi ta cũng về thôi, trời nhiều sương lắm rồi.
Hai người cùng dắt nhau về.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top