Chương 1: Món quà của người lạ mặt
Đôi khi bạn sẽ có một món quà bất ngờ.
Đó là vào sáng sớm ngày mùng một Tết, năm tôi mười tuổi. Tôi chạy ra ngoài ngõ, trong tay là cái túi vải nhỏ màu đỏ đựng toàn bộ số tiền mừng tuổi. Số tiền đó nóng hôi hổi, vừa được cha mẹ, ông bà đưa cho ngay khi tôi vừa ngủ dậy. Còn cái túi vải màu đỏ thêu hoa rất đẹp được mẹ tôi chuẩn bị cho từ đêm ba mươi, tức là ngày hôm qua. Mẹ dặn đi dặn lại, phải giữ thật cẩn thận cái túi. Còn tôi thì đầu gật gù vô cùng nghiêm túc. Cũng phải chứ. Rồi đây, cái túi này sẽ đựng một món tiền vô cùng lớn với tôi lúc đó. Thậm chí là lớn nhất trong cả năm đó của tôi. Nghĩ tới đó, tôi cẩn thận cho tay vào túi áo, nắn nắn cái túi vải đỏ thêm lần nữa cho yên tâm.
Ra tới sân chơi, tôi thấy chưa có đứa trẻ nào ra chơi cả. Không gian vắng lặng và yên tĩnh. Có lẽ bọn chúng còn đang bận rộn nhận tiền mừng tuổi ở nhà. Cái sân chơi này của chúng tôi chỉ là một khoảng đất trống rộng rãi, của một gia đình chưa dùng tới nên họ để khá nhiều vật liệu xây dựng ở đó. Nó không phải là một sân chơi với các đồ chơi ngoài trời như của bọn trẻ con bây giờ. Nhưng với chúng tôi, đó đã là cả thiên đường. Chúng tôi chơi trốn tìm, chơi ném lon, chơi đánh trận giả. Thôi thì đủ thứ có thể thực hiện được với hàng đống lô cốt vật liệu xây dựng đó. Nhưng lúc này, trên sân chỉ có mình tôi. Tôi cũng chẳng bận tâm lắm, lững thững leo lên một chồng gạch xếp thành hình khối vuông ở phía ngoài, rồi ngồi xuống mở cái túi vải bảo bối ra đếm tiền. Tôi nghĩ lúc này là khoảng khắc thú vị nhất trong ngày.
Nhưng tôi đã sai. Ngay khi tôi vừa ngồi xuống đống gạch, chân co chân duỗi, cái túi vải đỏ đặt trong lòng hai chân. Thì từ trong con ngõ có một người đi ra. Đó là một người lạ mặt. Trong xóm tôi ngày đó, các gia đình đều biết nhau hết. Nhưng tôi chưa từng nhìn thấy người này trước đây. Hơn nữa trông ông ấy vô cùng kì quái. Đó là một ông già râu tóc bạc trắng. Tóc ông rất dài, thậm chí còn búi được thành một búi trên đỉnh đầu. Hàm râu dài cũng trắng toát chảy xuống dưới ngực. Gương mặt ông hồng hào nổi bật trên nền râu tóc màu trắng nên trông như vừa uống rượu vậy. Chưa hết, ông còn mặc một bộ vét màu trắng rất lịch lãm. Để tôi nói thêm, vào những năm ấy, ở xóm tôi thường thì các ông già chỉ mặc một bộ quần áo bộ đội cũ. Những ngày quan trọng như ngày Tết hoặc lễ cưới, các ông có thể khoác ngoài một cái áo bông hoặc áo phao. Những ông cụ mặc vest, lại là vest trắng tinh tươm như thế này thực sự kì lạ. Bởi thế, chỉ cần nhìn thấy ông từ xa, tôi đã biết ông không phải người ở đây.
Ông già cứ lững thững đi về phía tôi. Đến trước đống gạch, ông nheo mắt nhìn tôi một lát từ trên xuống dưới, ra chừng rất chăm chú. Sau đó, đôi mắt ông hấp háy, sáng rực khi thấy mớ tiền mừng tuổi của tôi. Thấy vậy, tôi bất giác nhét luôn cái túi vải đỏ vào trong áo. Ông già cười hề hề:
"Cháu nhỏ. Ta có quà cho cháu đây."
Vừa nói, ông vừa vẫy tay bảo tôi nhảy xuống đất. Tôi chạy lại phía ông, lòng hân hoan. "Lại có thêm tiền mừng tuổi rồi."
Ông rút từ trong túi áo vest ra một thứ, nhưng không phải là tiền. Tôi có chút hụt hẫng. Đó là một cái hộp gỗ, khá nhỏ, chỉ cỡ cái hộp đựng kính của ông tôi ở nhà. Có điều chiếc hộp được làm rất cầu kì. Bên trên trạm trổ rồng phượng uốn lượn. Tôi cứ lom lom nhìn chăm chú vào cái hộp trên tay ông. Ông già mở cái hộp ra, rồi đưa về phía tôi, nói:
"Này cháu. Ta vừa gặp đã biết cháu không phải người tầm thường. Lại đúng vào đầu xuân năm mới, ta cho cháu một món quà. Hãy nhận lấy."
Tôi nhìn vào cái hộp gỗ trên tay ông già. Thấy bên trong là ba cái kẹo xanh đỏ khá lạ mắt. Lại nghe thấy ông nói gì gì mà không tầm thường, tôi thấy cũng lạ tai. Từ trước đến nay, những người mắng tôi thì nhiều quá mười ngón tay. Cha thì mắng tôi hay nghịch ngợm. Mẹ lại mắng tôi ở bẩn, lười tắm. Ông bà thì mắng tôi hay chạy nhảy ồn ào. Đi học thì thầy cô mắng tôi chểnh mảng, bạn bè mắng tôi hay trêu chọc bọn nó. Đến cả chó nhà tôi nuôi cứ trông thấy tôi là sủa nhặng cả lên. Thỉnh thoảng cũng có người khen tôi. Đó là thằng bạn thân gần nhà của tôi. Mỗi lần tôi với nó đi bẻ trộm ngô ngoài bãi, nó tấm tắc:
"Tao chưa thấy ai ăn trộm nhanh như mày. Vào có tí mà được hơn chục bắp."
Nhưng hôm nay, ông già này lại khen tôi một câu rất lạ tai: "Không tầm thường." Thật sự là đã khiến cho tôi thích thú. Tôi nhìn vào ba cái kẹo trong hộp gỗ. Một cái màu xanh lá cây, làm thành hình một cái vương miện. Một cái màu vàng, hình dáng giống một thẻ vàng mà bà tôi hay đem đốt mỗi khi thắp hương xong. Lại có một cái màu đỏ, hình đôi giày khá oách. Ba cái kẹo, mỗi cái chỉ to bằng đầu ngón tay cái. Ông già thấy tôi cứ lom lom nhìn thì sốt ruột giục:
"Cháu thích cái nào. Chọn đi. Ta cho."
Thực ra tôi chả thích cái nào cả. Ngày Tết, kẹo ở đâu chả có. Ăn có mà nhả ra kẹo còn không hết. Nhưng thôi, thấy ông già giục tôi cũng nhón tay lấy đại một cái. Tôi chọn cái kẹo màu đỏ hình đôi giày. Cái vương miện thì như đồ chơi của con gái. Cái màu vàng thì đơn điệu. Chỉ có cái hình đôi giày này trông còn thú vị một chút. Tôi bỏ luôn nó vào mồm nhai. Mùi vị cũng bình thường. Lại còn ngọt quá. Ông già thấy tôi ăn cái kẹo hình đôi giày thì gập cái hộp gỗ lại, cho vào túi áo khoác. Ông nheo nheo mắt, nhìn tôi ăn hết cái kẹo rồi nói:
"Cháu nhỏ. Cháu quả là không tầm thường. Ba cái kẹo của ta. Cái đầu tiên hình vương miện. Nếu cháu chọn nó, sau này cháu sẽ trở thành lãnh tụ quốc gia. Cái màu vàng, cháu có gia tài triệu tỷ. Còn cái màu đỏ hình đôi giày mà cháu vừa ăn, cháu sẽ được một cuộc đời rong chơi. Nhớ là không được kể cho ai nghe về món quà của ta, kể cả là cha mẹ, hay ông bà, thì nó mới hiệu nghiệm, nghe chưa? Hà hà hà."
Tôi nghe ông già nói rồi thì chột dạ. Tuy là tôi cũng thích chơi hơn học, nhưng dù sao trong ba cái kẹo, đó lại là cái nghe tầm thường nhất. Vậy mà ông ấy lại luôn miệng bảo tôi không tầm thường. Thật đúng là ông già kì lạ. Nhưng lúc đó tôi cũng không để ý lắm. Tôi cũng chẳng tin là điều ông ấy nói là thật. Đột nhiên, tôi nghe tiếng ọc ọc ọc kêu to. Không phải phát ra từ bụng tôi, mà là từ bụng ông già. Ông liếm môi:
"Cháu nhỏ. Cái kẹo này là món quà cực kì quý giá, ngàn năm chẳng có lấy một lần. Hôm nay ta với cháu gặp nhau ở đây, thật đúng là duyên kì ngộ. Ta đã có quà cho cháu, cháu cũng nên cho ta chút gì đó mới đúng là nhân duyên bánh ít đi thì bánh quy lại chứ. E hèm."
Tôi liền móc trong túi ra mấy cái kẹo sáng nay định bỏ vào túi ăn dần, cầm lấy nhét vào tay ông già. Ông cười hề hề bóc lấy ăn ngon lành. Rồi không hiểu bằng cách nào mà khi ông xòe tay ra, cái túi vải đựng tiền mừng tuổi của tôi lại ở trong tay ông. Ông mở ra nói:
"Xem nào. Xem nào."
Ông già lấy luôn toàn bộ số tiền chẵn của tôi, chỉ để lại vài tờ tiền lẻ mệnh giá nhỏ. Sau đó ông buộc cái túi lại, trả lại cho tôi rồi nói:
"Ta cho cháu kẹo. Cháu lại cho ta kẹo. Thế thì chẳng phải nhân quả tuần hoàn sao. Ta sẽ gieo nhân giữ tạm số tiền này cho cháu. Tương lai cháu sẽ mang lấy món quà của ta đi rong chơi khắp nơi. Đó mới chính là quả ngọt. Nhớ lấy. Nhớ lấy."
Rồi ông già vội vã bước đi trong cái sự ngơ ngác ngỡ ngàng của tôi. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ, thấy ông lấy tiền của mình nhưng lại bị những lời của ông nói làm cho mơ mơ màng màng. Thấy có gì đó sai sai mà chưa nghĩ ra là sai ở đâu. Ông già ra tới đầu ngõ, chợt nhớ gì đó, ông mới quay lại nói với về phía tôi:
"À, cháu nhỏ. Ta quên chưa dặn cháu. Viên kẹo có tác dụng phụ. Đó là cháu có thể điều khiển được gió. Cháu nhớ kĩ lời ta. Không được kể cho ai biết về viên kẹo ta cho cháu, cũng như khả năng đó của cháu, kể cả là người thân như cha mẹ. Nếu không, cháu sẽ chuốc lấy phiền toái. Nhớ lấy. Nhớ lấy."
Nói xong, ông già nhanh chóng chuồn khuất vào trong ngõ. Như sợ bất ngờ phụ huynh của tôi đi ra bắt gặp. Thế là Tết năm ấy, tôi bị mẹ cho ăn một trận no đòn ngay ngày mùng một. Cái tội mải chơi đánh rơi hết tiền mừng tuổi. Nhưng dù ăn đòn đau, tôi vẫn không kể một lời cho ai nghe về món quà của ông già kì lạ đó.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top