nguyên tắc minh bạch, ko phân biệt đối xử, ưu đãi

Câu hỏi: Phân tích nguyên tắc đối xử quốc gia thể hiện trong văn kiện WTO? Cho ví dụ về áp dụng đối xử QG khi VN gia nhập tổ chức thương mại thế giới?

·        Nguyên tắc Minh bạch

·        Nguyên tắc ko phân biệt đối xử (MFN&NT)

·        Nguyên tắc ưu đãi cho các nước đang phát triển

ØNguyên tắc minh bạch

Để hướng tới và tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán trong hệ thống thương mại đa phương, WTO yêu cầu các Thành viên phải thực thi biện pháp để đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống kinh tế cũng như thương mại của mình. Môi trường kinh doanh như vậy giúp doanh nghiệp định hướng 1 cách hiệu quả chiến lược kinh doanh trong tương lai, khích lệ họ đầu tư và nhờ đó tạo ra nhiều việc làm và góp phần nâng cao mức sống của dân cư. Nguyên tắc tăng cường tính minh bạch được thể chế hóa ở Điều X của GATT và Điều III của GATS. Để thực thi nguyên tắc này, WTO yêu cầu các thành viên phải thực thi biện pháp:

-       Đưa ra các cam kết ràng buộc khi mở cửa thị trường. Điều đó có nghĩa phải đưa ra mức trần cam kết trong đàm phán mở cửa thị trường.

Ví dụ: trong thương mại hàng hóa, một nước đàm phán mở cửa thị trường thịt bò có thể đặt cam kết ràng buộc đối với thuế nhập khẩu thịt bò là 15%. Khi cam kết mở cửa thị trường có hiệu lực, nước đó sẽ ko đc tăng thuế vượt mức đó. Trong thương mại dịch vụ, khi có cam kết mở cửa thị trường thì mức mở cửa thị trường không được thấp hơn mức hiện hành và các Thành viên không được duy trì hoặc ban hành những biện pháp hạn chế được nêu trong Điều XVI của GATS.

-       Hạn chế áp dụng hạn ngạch, các biện pháp hạn chế định lượng và những biện pháp khác có thể làm giảm tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Thực tế của Việt Nam cũng cho thấy áp dụng hạn ngạch với cơ chế xin - cho không minh bạch dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực và cạnh tranh không công bằng.

-       Chính phủ các Thành viên phải công bố công khai và phải đảm bảo công chúng cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tiếp cận dễ dàng các chính sách, các qui định, luật lệ và thông tin liên quan đến ngoại thương.

-       Thành lập các cơ quan có thẩm quyền để rà soát các quyết định hành chính có ảnh hưởng đến thương mại; xem xét các yêu cầu và kiến nghị của các Thành viên khác.

-       Các Thành viên phải đảm bảo sự phù hợp giữa luật lệ và chính sách của mình với các hiệp định của WTO. Đây là một nghĩa vụ pháp lý của các Thành viên. “Mỗi Thành viên phải bảo đảm sự phủ hợp của các luật, các chính sách và thủ tục hành chính của mình với các nghĩa vụ được quy định tại các hiệp định ở phần phụ lục” (Điều XVI khoản 4 Hiệp định Marrakesh về thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới).

Để đảm bảo tính minh bạch, WTO có cơ chế giám sát được đưa vào Hiệp định về Cơ chế rà soát chính sách thương mại. Theo cơ chế này, WTO yêu cầu các Thành viên phải thông báo cho WTO và các Thành viên khác những biện pháp, các chính sách hoặc luật lệ mà Chính phủ áp dụng để điều chỉnh thương mại (theo nghĩa rộng). Ngoài ra, WTO còn tiến hành rà soát theo định kỳ chính sách thương mại của các Thành viên. Bốn thực thể thương mại lớn nhất của thế giới gồm EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada bị rà soát hai năm một lần. 16 thực thể thương mại lớn tiếp theo sẽ bị rà soát bốn năm một lần. Các Thành viên còn lại bị rà soát sáu năm một lần, trừ trường hợp có thể áp dụng một thời kỳ dài hơn đối với các Thành viên kém phát triển. WTO lập ra Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại (TPRB) để thực thi công việc này. Nguyên tắc minh bạch là rất cần thiết cho việc thực thi các cam kết, cho việc trao đổi thông tin trong WTO. Ngoài ra nó còn giúp nâng cao quyền lực của WTO đối với các Thành viên. Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam cam kết đảm bảo tính minh bạch của những biện pháp, chính sách và luật lệ của mình liên quan đến thương mại.

ØNguyên tắc không phân biệt đối xử

Như đã trình bày ở phần trên, nền tảng cho sự tồn tại và vận hành của WTO là hệ thống các hiệp định. Các hiệp định này có dung lượng rất lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thương mại hàng hóa tới thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các qui tắc giải quyết tranh chấp và ràbsoát chính sách thương mại. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chungbxuyên suốt toàn bộ các hiệp định đó và những nguyên tắc này là các trụ cột của hệ thống thương mại đa phương. Các nguyên tắc đó gồm:

Nguyên tắc không phân biệt đối xử được thực hiện thông qua hai chế độ. Đó là chế độ đối xử tối huệ quốc và chế độ đối xử quốc gia.

- Đối xử tối huệ quốc (MFN). Đối xử tối huệ quốc có nghĩa là dành sự ưu đãi như nhau cho mọi đối tác. Nói cách khác, nếu một Thành viên dành ưu đãi cho một Thành viên khác, như áp dụng mức thuế thấp cho một sản phẩm nhập khẩu nào đó, hay dành cho một sự miễn trừ nào đó, thì ngay lập tức và không điều kiện các Thành viên khác cũng sẽ được hưởng sự ưu đãi đó. Đây là nguyên tắc bao trùm mọi Hiệp định của WTO, đặc biệt nó được ghi thành điều khoản trong GATT, trong Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) và trong Hiệp định về các Khía cạnh Liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ (TRIPs). Cụ thể:

“… bất kỳ một sự ưu đãi, ưu tiên, đặc quyền hay miễn trừ mà một bên ký kết dành cho bất kỳ sản phẩm nào có xuất xứ từ hoặc được giao đến bất kỳ nước nào khác thì ngay lập tức và không điều kiện phải được dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hoặc được giao đến lãnh thổ của tất cả các bên ký kết khác”. (Điều I khoản 1 GATT 1947).

“Đối với bất kỳ biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này, mỗi Thành viên phải ngay lập tức và không điều kiện dành cho dịch vụ và người cung cấp dịch vụ của bất kỳ Thành viên nào khác sự đãi ngộ không kém thuận lợi hơn sự đãi ngộ mà Thành viên đó dành cho dịch vụ và người cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ nước nào khác”.

(Điều II khoản 1 GATS).

“Đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc miễn trừ nào được một Thành viên dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác cũng phải được ngay lập tức và không điều kiện dành cho công dân của tất cả các Thành viên khác”.

(Điều 4 khoản 1 TRIPs).

- Đối xử quốc gia (NT). Có nghĩa là phải có sự đối xử bình đẳng  giữa trong nước và nước ngoài. Chẳng hạn giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu, giữa dịch vụ do các nhà cung ứng nội địa cung cấp và dịch vụ do các công ty nước ngoài cung cấp, giữa công dân hay công ty trong nước và công dân hay công ty nước ngoài, giữa bản quyền tác phẩm của các tác giả trong nước và của các tác giả nước ngoài. Tuy nhiên Chính phủ một nước chỉ có nghĩa vụ thực thi đối xử quốc gia khi một sản phẩm, dịch vụ hay một thực thể sở hữu trí tuệ của nước ngoài thực sự gia nhập thị trường nước đó. Cũng giống như đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia là một nguyên tắc bao trùm các hiệp định của GATT và WTO. Nguyên tắc này cũng được ghi thành điều khoản ở Điều III của GATT, Điều XVII của GATS, và Điều 3 của TRIPs. Khác với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc điều chỉnh các biện pháp hạn chế mở cửa thị trường, nguyên tắc đối xử quốc gia hướng tới tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Bởi vậy, đối xử quốc gia liên quan trực tiếp tới các biện pháp, luật lệ và chính sách của Chính phủ như chính sách thuế, chính sách liên quan đến tiếp cận và sử dụng các nguồn lực trong nước, qui chế

đấu thầu v.v… Đây là lĩnh vực thường bị các doanh nghiệp chỉ trích và phàn nàn nhiều nhất.

Thực tế trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong sửa đổi chính sách và pháp luật của mình để đảm bảo thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO. Đặc biệt, nguyên tắc cơ bản này của WTO được quán triệt trong Luật Đầu tư Việt Nam năm 2005. Điều 4 khoản 2 của Luật khẳng định: “Nhà nước đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài”. Ở Điều 10, Chính phủ Việt Nam cam kết áp dụng giá, phí, lệ phí thống nhất đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát. Điều 14 về “Quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư”, các nhà đầu tư được “bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quĩ hỗ trợ; sử dụng đất đai và,tài nguyên theo qui định của pháp luật”. Điều 19 xác nhận quyền của  đầu tư “tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công theo nguyên tắc không phân biệt đối xử”.

WTO có đưa ra một số ngoại lệ đối với nguyên tắc không phân biệt đối xử này. Các trường hợp ngoại lệ điển hình về phân biệt đối xử được GATT và các hiệp định của WTO cho phép gồm:

- Điều XIV của GATT về “Các ngoại lệ đối với qui tắc không phân biệt đối xử” cho phép phân biệt đối xử trong một số trường hợp liên quan đến áp dụng các hạn chế định lượng nhập khẩu.

- Dựa vào “điều khoản được phép” (Enabling Clause) các nước công nghiệp phát triển đã dành cho hầu hết các nước đang phát triển Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), một loại ưu đãi thông qua giảm thuế đơn phương của nước công nghiệp cho hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển, không yêu cầu có đi có lại.

- Trong thương mại dịch vụ, một Thành viên có thể áp dụng một số biện pháp phân biệt đối xử được qui định trong Điều II khoản 2 của Hiệp định GATS và phù hợp với các điều kiện của Phụ lục về các miễn trừ của Điều II.

- Theo Hiệp định về các Biện pháp Tự vệ, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định Chống bán phá giá, trong trường hợp diễn ra thương mại không lành mạnh từ phía nước xuất khẩu, một nước nhập khẩu có thể gia tăng các rào cản thương mại (như tăng thuế và áp dụng hạn ngạch) đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước xuất khẩu đó.

- Ngoài ra còn một số ngoại lệ khác được qui định trong các hiệp định khác nhau như cho phép áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với nhập khẩu nông sản, phân biệt đối xử trong cấp hạn ngạch dệt may trong Hiệp định Dệt may, ưu đãi hơn cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển v.v…

- Qui tắc của WTO về mua sắm của Chính phủ được xem là một ngoại lệ điển hình của nguyên tắc đối xử quốc gia.

ØƯu đãi các nước đang phát triển

WTO đã sớm đề ra nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D) nhằm hỗ trợ các Thành viên kém phát triển, đang phát triển và cả các nền kinh tế đang chuyển đổi. Trong hầu hết các hiệp định của WTO đều đưa vào các điều khoản này với các qui định cụ thể về ưu đãi cho các Thành viên kém và đang phát triển. Nội dung các điều khoản đặc biệt này gồm:

- Có một thời kỳ quá độ dài hơn khi thực thi các hiệp định và cam kết của WTO;

- Có các biện pháp để gia tăng cơ hội thương mại cho các Thành viên đang phát triển;

- Mức độ cam kết thấp hơn;

- Được hỗ trợ về mặt kỹ thuật hoặc được hưởng một số ưu đãi khác như hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong giải quyết tranh chấp, trong thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật;

- Yêu cầu các Thành viên phải bảo vệ lợi ích của các Thành viên đang phát triển;

- Ngoài ra còn có các điều khoản yêu cầu các nước công nghiệp dành những ưu đãi khác cho các nước kém phát triển như đơn phương miễn thuế hoặc xóa bỏ hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu từ các nước kém phát triển.

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư họp tại Doha đã uỷ quyền cho Uỷ ban Thương mại và phát triển giám sát việc thực thi các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt này.

Ví dụ cụ thể:

Ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, WTO. Một trong những nguyên tắc bắt buộc đối với chính sách kinh tế của các nước thành viên khi gia nhập WTO là không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế với nhau, cũng như giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, trừ những lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì thế, trước khi trở thành thành viên của WTO, Việt Nam đã phải nội luật hóa nhiều nguyên tắc của luật pháp quốc tế bằng cách sửa đổi, bổ sung hàng loạt các luật, bộ luật của mình cho tương thích với luật pháp quốc tế. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2005[1] là một trong những minh chứng cho điều đó. Trên nguyên tắc, hai đạo luật này đã không còn phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế cũng như nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top