Nguyên Hồng - Vuictm17
NGUYÊN HỒNG
(1918 - 1982)
I. Những yếu tố ảnh hưởng tới sáng tác của Nguyên Hồng
1. Bối cảnh xã hội (đây là yếu tố chung tức là mọi nhà văn ở cùng thời đại lịch sử với Nguyên Hồng)
2. Hoàn cảnh gia đình và môi trường sống
3. Học vấn
a. Tư tưởng bác ái của Thiên Chúa Giáo
b. Tư tưởng nhân đạo Chủ nghĩa Cộng Sản
4. Nguyên Hồng – một tôm hồn nhạy cảm
II. Đặc trưng tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyên Hồng
1. Cảm hứng nhân đạo sâu sắc với những lớp người cùng khổ
2. Phong cách hiện thực giàu chất trữ tình và chất thơ
3. Sự giao lưu văn học hiện thực và văn học cách mạng trong sáng tác
III. Tiểu thuyết đầu tay “bỉ vỏ”
1. Tóm tắt tác phẩm
2. Giá tị nội dung
a. Hình tượng nhân vật Tám Bính
b. Giá trị hiện thực
c. Giá trị nhân đạo
3. Giá trị nghệ thuật
a. Xung đột nghệ thuật
· Xung đột giữa con người với hoàn cảnh sống, môi trường sống
· Xung đột nội tâm
b. Thế giới nhân vật
· Thế giới của những kẻ lưu manh
· Hình tượng con người chịu nạn
4. Tổng kết.
I. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SÁNG TÁC CỦA NGUYÊN HỒNG
Vài nét tiêu biểu trong tiểu sử của nhà văn:
· Tên thật của ông là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 tại thành phố Nam Định. Những tác phẩm của ông mang một tình cảm nhân đạo thống thiết. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, mồ côi cha, từ nhỏ theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo.
· Nguyên Hồng ham đọc sách từ nhỏ. ông thường dành tiền thuê sách để đọc và dường như đọc hết những quyển sách mình thích ở cửa hàng cho thuê sách tại Nam Định. Loại sách Nguyên Hồng thích thuở nhỏ là truyện lịch sử Trung Hoa, trong đó những nhân vật có khí phách ngang tàng, trung dũng, những hảo hán chiếm cảm tình của ông nhiều nhất.
· Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh Hồn" đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết "Bỉ vỏ". Tiểu thuyết "Bỉ vỏ" là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những "con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám Bính, Năm Sài Gòn...
· Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê ( Hà Giang) năm 1940. Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao,Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Ông là Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam
· Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1957
· Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là "Núi rừng Yên Thế".
· Nguyên Hồng qua đời ngày 2 tháng 5 năm 1982 tại Tân Yên (Bắc Giang). Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Những yếu tố ảnh hưởng tới sáng tác của nhà văn:
1. Bối cảnh xã hội
_ Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam những năm 1930 – 1945. Đây là giai đoạn chế độ thực dân nửa phong kiến ngày càng khủng hoảng trầm trọng. Một mặt, giai cấp thống trị tăng cường bóc lột thuộc địa và điên cuồng đàn áp các phong trào cách mạng hòng duy trì chế độ cũ. Sự sa đọa của giai cấp thống trị cũng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Trong khi đó, cuộc sống của nhân dân, nhất là người lao động càng trở nên đen tối, thê thảm. Tư cách, địa vị của họ bị đè thấp đến tột cùng. Mặt khác, lịch sử nước ta giai đoạn 1930 – 1945 không phải chỉ có cảnh đen tối, thê thảm mà còn có phong trào cách mạng to lớn của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, làm rung chuyển xã hội, làm chao đảo chế độ thuộc địa và cuối cùng xóa bỏ nó bằng cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Góp phần làm nên những sự kiện đó chính là những người dân lao động cùng khổ đã bị chế độ thuộc địa của thực dân Pháp đàn áp, bóc lột. Dĩ nhiên, đấy là đường hướng vận động chung của lịch sử dân tộc giai đoạn 1930 – 1945, còn thực tế diễn biến là cả quá trình gay go, phức tạp, phong trào cách mạng có lúc cao trào, lúc thoái trào. Đó chính là hoàn cảnh lớn. Hoàn cảnh lớn này chỉ có thể tác động, ảnh hưởng đến nhà văn thông qua hoàn cảnh nhỏ, tức môi trường sống cụ thể, và còn phụ thuộc vào cá tính nghệ sĩ của nhà văn.
2. Hoàn cảnh gia đình và môi trường sống
- Nghiên cứu tiểu sử Nguyên Hồng, ta thấy hai đặc điểm nổi bật: thiếu tình thương và phải tự lập kiếm sống từ nhỏ. Cha ông làm cai đề lao, sau thất nghiệp, cảnh nhà sa sút, lại nghiện ngập và mắc bệnh lao, phải sống nghèo túng trong tâm trạng kẻ bất đắc chí. Mẹ ông là người đàn bà ngoan đạo, tần tảo, hiền hậu, giàu đức hy sinh nhưng sống không có hạnh phúc trong gia đình nhà chồng. Nguyên Hồng đã kể lại thành thực mối quan hệ của song thân trong cuốn hồi ký: “Hai thân tôi lấy nhau không phải vì quen biết nhau lâu mà thương yêu nhau. Chỉ vì hai bên cha mẹ, một bên hiếm hoi muộn cháu và có của, một bên sợ nguy hiểm giữ con gái đến thì ở trong nhà và muốn cho người con ấy có chỗ nương tựa chắc chắn, được cả một dòng họ trọng đãi nếu mắn con”. Điều này khiến cho nhà phê bình Vũ Ngọc Phan phải thán phục là “can đảm lắm” mới viết được như thế .
- Mới lên bảy, tám tuổi, Nguyên Hồng đã cảm nhận được một cách hồn nhiên và nhớ rất kỹ trong ký ức tuổi thơ của mình rằng “thầy mẹ tôi lấy nhaukhông phải vì thương yêu nhau” và bản thân là kết quả của cuộc hôn nhân gượng gạo ấy.
- Năm 12 tuổi, Nguyên Hồng mồ côi cha. Mẹ ông lén lút đi bước nữa, bà bị gia đình nhà chồng ruồng bỏ, hắt hủi, không được tự do gần gũi, chăm sóc con. Nguyên Hồng phải sống nhờ bà cô và chịu sự rẻ rúng, khinh miệt của bà. Tuổi thơ Nguyên Hồng đã trải qua những ngày tháng nhiều cay đắng và tủi cực vì đói ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương. Ông phải đi đánh đáo kiếm tiền ăn học và chung đụng với đủ mọi hạng trẻ hư hỏng của các lớp “cặn bã” nơi vườn hoa, cổng chợ, bến tàu, bến ô tô, bãi đá bóng. Nhiều dòng nhật ký tuổi thơ của ông “Trong đêm đông”(Những ngày thơ ấu) đã thể hiện trung thực tình cảnh này:
“Ngày 14.11.1931 – Phải nhớ cái tát và câu rủa sả này cho đến chết: “Hồng ơi! Bố mày nó chết đi nhưng còn có mẹ mày nó dạy mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ theo giai, bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao”.
Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi mà con người ta dằng lấy. Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?”
- Năm 16 tuổi, mới học hết bậc tiểu học, Nguyên Hồng đã phải thôi học, cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống. Những tưởng ở cái thành phố kỹ nghệ lớn vào bậc nhất nước ta hồi ấy, mẹ con ông sẽ kiếm được việc làm. Nhưng sự thật lại quá phũ phàng, cay đắng. Nguyên Hồng đã đi xin việc nhiều nơi. “Tôi ra bến tàu to Sáu kho. Tôi sang nhà máy Xi măng, sở dầu Thượng Lý. Tôi chầu chực ở cổng các nhà máy Cốt phát, Máy tơ, Máy chỉ, Máy ống, các hãng chuyên chở hàng hóa, các bến ôtô, tàu thủy, các kho hàng, các cửa hiệu, các tràn than, lán củi. Tôi đến tất cả xóm ngõ, đầu đường, nơi đi về đông đúc của phu phen thuyền thợ, để nghe ngóng hỏi han”. Nói là đi xin việc chứ thực ra Nguyên Hồng đã phải đi rao bán sức lao động của mình mà thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp. Dừng lại ở xóm Cấm, Hải Phòng, Nguyên Hồng sống bằng nghề dạy học tư cho con em của những người lao động nghèo. Trong những ngày lang thang đi kiếm việc làm và dạy học lén lút ở xóm Cấm, Nguyên Hồng đã sống với những người thành thị cùng khổ nhất: thợ thuyền, phu phen, người buôn thúng bán bưng và cả những me Tây, gái điếm, du côn, trộm cắp. Chính những con người thuộc thế giới những người cùng khổ ấy đã hà hơi tiếp sức cho Nguyên Hồng khiến ông không những không gục ngã mà còn tha thiết tin yêu, gắn bó với cuộc sống của họ. Ông đã thấy ở cuộc sống này những cảnh tối tăm thê thảm của xã hội thuộc địa.
- Quan trọng hơn, ông còn thấy được ở đấy một cái gì đó có thể gọi là tinh túy của linh hồn dân tộc, của đạo lý nhân dân: “Tôi thấy chỉ trong đây mới thật sự có sự tươi sáng, sự lành mạnh, niềm vui tin. Tôi thấy tất cả những ai khao khát những cái gì là ngay thẳng, là công bằng, là nhân phẩm, là hạnh phúc, là sáng tạo thì phải đi vào đây, gắn bó với đây, ở đây mà lao động và đòi hỏi những cái đó với tận cùng lòng trung thành và ý chí quyết liệt của mình”. Đó là lòng yêu nước, đức tính cần cù lao động, tinh thần lạc quan yêu đời, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm, thái độ căm ghét áp bức, bóc lột, ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù. Đúng như điều ông tâm niệm, cuộc sống ấy đã đem lại cảm hứng, khơi nguồn sáng tạo cho ông buổi đầu cầm bút và trở thành một vùng đề tài ám ảnh ngòi bút
- Nguyên Hồng trong suốt 46 năm lao động miệt mài. Có thể nói đối với nhà văn Nguyên Hồng, vốn sống, sự hiểu biết phong phú cũng như tình cảm gắn bó sâu nặng là thuộc về những người lao động cùng khổ ở thành phố Hải Phòng. Bởi lẽ, ông đã sống cuộc sống của chính họ. Và ông đã vì họ, vì cả chính mình mà cất lên tiếng nói yêu thương tha thiết.
3. Học vấn
Nguyên Hồng là người ít học vấn nhà trường nhưng lại có hiểu biết sâu rộng nhờ tự học và tự đọc. Với Nguyên Hồng thì ông quan niệm rằng vừa viết vừa đọc và học là để viết. Có hai luồng tư tưởng ảnh hưởng lớn tới sáng tác của Nguyên Hồng
a. Tư tưởng bác ái của Thiên Chúa giáo
- Tôn giáo đích thực bao giờ cũng hướng con người đến cõi thiện. Xét về phương diện lịch sử, Thiên Chúa giáo cũng như Phật giáo là những hệ tư tưởng ngoại lai, nhưng khi vào Việt Nam, được nhân dân ta tiếp nhận trên cơ sở truyền thống và bản lĩnh dân tộc nên đã có sự thay đổi nhất định. Đó là quá trình tiếp biến để bồi đắp và làm phong phú thêm truyền thống yêu nước và nhân đạo của dân tộc và con người Việt Nam.
- Gạt sang một bên những yếu tố tiêu cực và các vấn đề khác, ta thấy Thiên Chúa giáo đặc biệt coi trọng vấn đề nhân đạo, coi trọng sự đối thoại giữa những người bất đồng với nhau về tín ngưỡng, tông phái và hình thái ý thức, mong muốn hiểu biết lẫn nhau trên tinh thần yêu thương. Hình tượng Chúa Giêsu chịu nạn đóng đinh thân mình lên cây thánh giá để chuộc tội cho chúng sinh là một biểu tượng vĩ đại và cảm động của tinh thần bác ái Thiên Chúa giáo. Xét về mặt giá trị luận, Thiên Chúa giáo cũng như Phật giáo, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên hay chủ nghĩa Mác đều có chung một mục đích là làm cho con người được tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Trước Chúa, mọi người đều có khả năng hoàn thiện nhờ sự nâng đỡ của Chúa và sự tu dưỡng tinh thần của chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà Mác-xít thấm nhuần sâu sắc bản chất nhân đạo và khoa học cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, người cộng sản Việt Nam số một, cũng từng kế thừa và học tập các yếu tố nhân văn chủ nghĩa trong các hệ tư tưởng trước chủ nghĩa Mác, trong đó có Thiên Chúa giáo, khi Người phát biểu: “Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”
- Nguyên Hồng sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa ở Nam Định. Người dân quê ông rất mộ đạo. Gia đình nhà văn cũng vậy. Bà nội ông là người sùng đạo đến mê muội. Ngoài Chúa, bà không biết bấu víu vào đâu về mặt tinh thần. Tuổi thơ Nguyên Hồng sống trong không khí thành kính Chúa toát ra từ những tiếng lào thào cầu kinh ở nhà của bà nội cũng như tiếng chuông nhà thờ ngân nga mời gọi con chiên hàng ngày. Từ nhỏ, Nguyên Hồng thường theo bà nội đi lễ nhà thờ, được dạy dỗ khuôn theo giáo lý của Thiên Chúa. Ông đã kể lại trong Một tuổi thơ văn: “Lọt lòng mẹ, tôi đã được ôm đến Nhà thờ chịu phép rửa tội và nhận lấy tên Thánh là Giu minh ghê. Rồi năm tôi lên 9 lên 10, bà nội tôi đã khảo tôi đủ các kinh để đi xưng tội lần đầu với một cha người Tây. Cả đêm ấy tới sáng sau, tôi chỉ được súc miệng chứ không được uống nước, rồi cùng bà tôi đến Nhà thờ đi lễ chịu mình Thánh Chúa lần đầu”. Mẹ ông, người đàn bà tần tảo, sống không có hạnh phúc bên một người chồng già nghiện ngập, đã phải lấy đức tin Thiên Chúa giáo làm chỗ dựa tinh thần để vật lộn với đời vì miếng cơm, manh áo. Chắc hẳn, Nguyên Hồng đã tiếp nhận tư tưởng bác ái Thiên Chúa giáo từ hai người đàn bà này một cách hồn nhiên. Mặt khác, bản thân
- Nguyên Hồng đã trải qua những ngày thơ ấu đói khát, quẫn bách; tương lai, tiền đồ không có gì sáng sủa. Trong hoàn cảnh như thế, muốn vượt lên số phận, nhà văn trong chừng mực nhất định, cũng đã tìm đến tư tưởng bác ái của Thiên Chúa giáo và lấy nó làm chỗ dựa để chống chọi với đời, để tồn tại và hy vọng. Dĩ nhiên, việc tiếp nhận những ảnh hưởng của tư tưởng bác ái Thiên Chúa giáo ở Nguyên Hồng có quá trình lịch sử và có mức độ đậm, nhạt khác nhau trên từng chặng đường sáng tác. Thời kỳ đầu, sáng tác của Nguyên Hồng có ảnh hưởng của tinh thần bác ái Thiên Chúa giáo trên phương diện nội dung tư tưởng, tình cảm lẫn hình thức biểu hiện. Từ khi tiếp nhận được ánh sáng của lý tưởng Cách mạng, sáng tác của ông chỉ còn dấu vết ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa ở hình thức biểu hiện các trạng thái tâm lý nhân vật mà thôi. Mặt khác, có lẽ Nguyên Hồng không hiểu nhiều lắm về những triết lý sâu xa của đạo Thiên Chúa nên sự ảnh hưởng của nó đối với nhà văn rất hồn nhiên và phù hợp với cuộc sống cũng như cá tính của ông.
- Đó là cái ý nghĩa nhân văn đích thực của Thiên Chúa giáo phù hợp với đạo lý của người lao động mà Nguyên Hồng đã tiếp thu được qua trường học cuộc đời.
b. Tư tưởng nhân đạo Cộng sản chủ nghĩa
- Tư tưởng nhân đạo Cộng sản chủ nghĩa đã được Mác đúc kết trong luận điểm: sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người. Tiếp thu luận điểm của Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày lý tưởng nhân đạo của mình bằng một câu nói nổi tiếng: “Cả đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bực là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Như vậy, lý tưởng Cộng sản coi nhiệm vụ giải phóng con người, chăm sóc con người và phát triển con người là mục tiêu số một trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản.
- Trong số các nhà văn hiện thực ở nước ta, Nguyên Hồng là người sớm tiếp thu được ánh sáng của lý tưởng Cộng sản trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Ông được tắm mình trong không khí sôi động của phong trào dân chủ rộng lớn ở thành phố Hải Phòng từ những năm 1937, 1938. Ông đã tiếp xúc với những chính trị phạm từ Côn Đảo và Sơn La trở về và được đọc các sách báo cách mạng như Tuyên ngôn Cộng sản của K. Mác, Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình, Ngục Kon tum của Lê Văn Hiến. Trong thời gian bị cầm tù từ 1939 đến 1940 tại Hải Phòng, Nguyên Hồng lại được gần gũi với đồng chí Tô Hiệu và các chiến sĩ cách mạng, được tham dự lớp huấn luyện Đề cương cách mạng tư sản dân quyền do đồng chí Tô Hiệu hướng dẫn. Nguyên Hồng dần dần giác ngộ và tham gia công tác cách mạng. Vốn có sẵn trong mình những tố chất mang tính cách mạng, giờ đây, Nguyên Hồng đón nhận ánh sáng của lý tưởng Cộng sản một cách tự nhiên, tất yếu như cỏ cây hướng về ánh sáng. Lý tưởng Cộng sản đã bồi đắp cho ông quan điểm giai cấp khi nhìn nhận các vấn đề của cuộc sống và con người. Vì thế, tình thương của ông hướng đến đối tượng cụ thể hơn, có nội dung sâu sắc hơn và thấm nhuần tinh thần nhân đạo cách mạng. Niềm tin của ông đối với những người lao động cùng khổ vốn đã bám rễ rất sâu trong đời sống cần lao, giờ đây được bồi đắp và nâng cao hơn nhờ có nhận thức khoa học cách mạng. Ta hiểu vì sao trong những sáng tác của Nguyên Hồng từ khi được tiếp xúc với ánh sáng của lý tưởng Cộng sản, khoảng từ những năm 1938 trở đi, đã vắng bóng những nhân vật lưu manh, còn hình ảnh những người lao động cùng khổ hướng về Cách mạng cũng như hình tượng những người trí thức văn nghệ sĩ say sưa trình bày những quan điểm nghệ thuật tiến bộ lại trở thành những nhân vật trung tâm. Mặt khác, trong nội dung tư tưởng của tác phẩm Nguyên Hồng, bên cạnh tiếng nói yêu thương thống thiết những kiếp người cùng khổ còn có tiếng nói căm hờn đối với những kẻ gây khổ đau cho con người và cổ vũ những người cùng khổ đứng lên đấu tranh dưới lá cờ của Đảng. Đó là hai mặt thống nhất của tư tưởng nhân đạo Cộng sản chủ nghĩa mà Nguyên Hồng đã tiếp thu được trong quá trình giác ngộ và đi theo Cách mạng.
4. Con người của Nguyên Hồng
- Bên trên đây là những yếu tố cơ sở góp phần hình thành cảm hứng sáng tác xuyên suốt hành trình nghệ thuật của Nguyên Hồng từ buổi đầu cầm bút cho đến khi vĩnh biệt cõi đời. Những yếu tố đó chỉ có thể được tiếp nhận và nhào luyện thông qua cá tính nghệ sĩ của nhà văn để rồi hiện hình thành những tác phẩm văn chương với nét chủ đạo xuyên suốt là tình thương và niềm tin đối với những con người cùng khổ.
- Tuổi thơ thiếu tình thương, nhiều cay đắng tủi cực, lớn lên kiếm sống gian nan vất vả giữa thế giới của những người cùng khổ, nhà văn đã sớm hình thành cá tính riêng. Nguyên Hồng là người rất nhạy cảm, dễ xúc động. Ông cảm thông, chia sẻ những nỗi khổ đau, oan trái với những con người cùng khổ, bất hạnh trong gia đình và cả ngoài xã hội. Ông bất bình trước những thái độ, hành vi vô nhân đạo, rẻ rúng con người. Nguyên Hồng đã có lần cầm dao đâm chú dượng chỉ vì ông này đã đánh đập vợ tàn nhẫn, mà không nghĩ đến hậu quả; sau đó ông phải đi tù khi đang ở tuổi vị thành niên. Trong Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng có thái độ đồng cảm, chia sẻ với nỗi khát khao hạnh phúc của người mẹ trẻ mỗi khi bà rạo rực con tim đợi chờ, lắng nghe tiếng kèn của Cai H. Ông cũng thật sự bất bình, phẫn nộ trước thái độ khinh rẻ và hành vi ngăn cản tình mẫu tử của họ hàng bên nội đối với mẹ mình khi bà đi bước nữa theo tiếng gọi của con tim chứ không chịu ở góa thờ chồng theo quan điểm đạo đức phong kiến. Trong cuộc sống đời thường, nhiều người được tiếp xúc với nhà văn đều khẳng định rằng Nguyên Hồng rất dễ khóc, “khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt, khóc khi nghĩ đến đời sống cực khổ của nhân dân mình ngày trước, khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc, quê hương đã sinh ra mình, đến công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã đem đến cho mình lý tưởng cao đẹp của thời đại. Khóc cả khi kể lại những khổ đau, oan trái của những nhân vật là những đứa con tinh thần do chính mình hư cấu nên”.
Đặc điểm cá tính này của Nguyên Hồng giống như một thứ nam châm riêng. Nó chỉ hút những cái gì phù hợp với cái tạng của nhà văn. Chẳng hạn như vấn đề tiếp thu ảnh hưởng văn hóa, văn học của dân tộc và thế giới. Dường như Nguyên Hồng chỉ ham thích và chịu sức hút tự nhiên của những tác phẩm, những sự kiện thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo đối với con người. Nguyên Hồng là người ham mê văn chương một cách kỳ lạ. Hồi nhỏ, ông “thường phải đọc truyện” cho bà nội và cha mình nghe . Nhờ thế mà ông đã nhập tâm được cả một khối lượng lớn những tiểu thuyết Tàu cổ như Phong Thần, Đông Chu liệt quốc, Thuyết Đường, Chinh Đông chinhTây, Tây du ký, Tam quốc, Thủy hử…Ông cũng đã đọc Sử ký địa dư giáokhoa thư. Con người Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam trong sử sách đã nhập hồn vào tuổi thơ của ông với “những Phù Đổng Thiên vương, An Tiêm, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản, Dã Tượng, Yết Kiêu, Lê Lợi, Lê Lai, Quang Trung Nguyễn Huệ… và bao nhiêu cảnh non sông càng thăm thẳm, vời vợi và ngời ngời kỳ diệu với bốn tiếng Tổ quốc và Việt Nam” . Ông nhập tâm tiếng hát của những đào kép đầu đường. Ông cũng đọc và thuộc lòng nhiều câu ca dao, nhiều bài thơ, từ những câu ca dao về cảnh con cò đi ăn đêm, cảnh bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, cảnh lính thú đời xưa… đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến, trong những ngày còn được ngồi trên ghế nhà trường. Ông đọc cả tiểu thuyết và thơ của các tác giả nổi tiếng phương Tây du nhập vào nước ta thời thuộc địa, đặc biệt là của Pháp. Theo hồi ký, ông đã đọc Không gia đình của Héc-to Ma-lô, Đa-vít Cô-pơ-phin của Đích-ken-xơ, Những ngườikhốn khổ của Vich-to Huy-gô, những truyện ngắn của An-phông-xơ Đô-đê và thơ của An-phơ-rết đơ Vi-nhi, An-phơ-rết đơ Muýt-xê. Khi được tiếp xúc với ánh sáng của lý tưởng Cách mạng, Nguyên Hồng đã tìm đọc Thời thơ ấu, Những kẻ lang thang, Người mẹ của M. Go-rơ-ki và đọc cả Rô-manh Rô-lăng, Hăng-ri Bác-buýt. Là con người của lịch sử, của thời đại, tất nhiên Nguyên Hồng cũng đọc cả tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và Thơ Mới đang thịnh hành thời bấy giờ. Ngoài ra, Nguyên Hồng còn được bà nội – “một tủ chuyện” – kể cho nghe những câu chuyện mà ông thấy “còn sinh động hơn cả những tiểu thuyết thành tập, thành pho”. Từ những truyện kể của bà, ông đã nhập tâm được “những gương mặt vằng vặc rực rỡ của Chung thủy, Nhân hậu, Công bằng, Chính nghĩa, Chiến đấu, Chiến thắng và Hạnh phúc” của những cô Tấm, Nhị Khanh, Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh và biết bao hình ảnh, tên tuổi đã thành thơ, thành cổ tích trong lịch sử văn học nước nhà. Nguyên Hồng cũng đã từng “bâng khuâng trước những cỏ hoa chung thủy, những muông thú biết đáp đền ơn nghĩa, những ma quái, gian tà bị trừng phạt, những hồn linh oan khổ, trung hậu sống lại về cõi trần tươi đẹp vẻ vang” và thấy ở truyện Tàu cổ “tình nghĩa thủy chung, nhân hậu, những ý chí quật cường bất khuất, những khí tiết khi cùng khổ gian nguy, sự keo sơn, son sắt trong tình bạn chỉ là ở những trang chữ thôi, nhưng mà saothấy ngon ngọt, thơm tho, no lòng, ấm dạ”. Phải chăng hoàn cảnh sống khắc nghiệt cũng như cá tính của nhà văn đã định hướng thị hiếu thẩm mỹ của Nguyên Hồng như thế khi ông tiếp xúc với di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại. Điều đó đã tác động đến cảm hứng và tư duy nghệ thuật của nhà văn, khiến những điều ông viết ra bao giờ cũng thấm đượm tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, chan chứa tình cảm yêu thương, tin tưởng ở con người, nhất là những con người cùng khổ.
- Bốn yếu tố – những trải nghiệm của bản thân trong thế giới những người cùng khổ( yếu tố thời đại) qua hoàn cảnh gia đình và môi trường sống cụ thể, tư tưởng bác ái Thiên Chúa giáo, tư tưởng nhân đạo Cộng sản chủ nghĩa, và một trái tim đặc biệt giàu xúc cảm – là nguồn gốc của cảm hứng sáng tác của Nguyên Hồng. Cảm hứng ấy đã chi phối ngòi bút Nguyên Hồng trong việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện tư tưởng và lựa chọn hình thức biểu hiện tương hợp.
I. ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN VÀ TIỂU THUYẾT NGUYÊN HỒNG
Nguyên Hồng sáng tác các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, hồi kí, tập kí pha tiểu thuyết ....Tuy nhiên thể hiện rõ nhất phong cách sáng tác và có những thành công rực rỡ trong sự nghiệp của ông, ta không thể không nhắc đến hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.
1. Cảm hứng nhân đạo sâu sắc với những lớp người cùng khổ
Cùng trong dòng văn học hiện thực phê phán, mỗi nhà văn như : Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng … lại mang phong cách riêng với những màu sắc thẩm mĩ độc đáo , hấp dẫn.
- Cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của Nguyên Hồng dường như chưa phải xuất phát từ sựphẫn nộ, muốn lên án địa chủ, tư sản, quan lại trong xã hội nửa thực dân nửa phong kiến đương thời. Cảm hứng chủ đạo nhà văn dường như bắt nguồn từ một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc đối với những lớp người cùng khổ. Tác phẩm của ông đã làm sống dậy những cuộc sống lam lũ bần cùng của những người lao động nghèo .Với bút pháp hiện thực hóa Nguyên Hồng đã miêu tả một cách dữ dội quá trình bần cùng hóa, tha hóa của những người dân nghèo thành thị nhưng cái hướng chính, hướng thiện của họ theo ông vẫn là niềm khát khao vươn lên ánh sáng, mong có sự chuyển biến mạnh mẽ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông là một cây bút có lối viết trong sáng luôn hứơng đến cái cao đẹp, niềm tin yêu thắm thiết. Đối với xã hội nửa thực dân nửa phong kiến, khi các loại giá trị bị đảo điên phong cách nghệ thuật của Nguyên Hồng vẫn rất đặc biệt.
- Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Nguyên Hồng đã kế tục và phát huy truyền thống nhân đạo chủ nghĩa trong văn học dân tộc . Do điều kiện tiếp xúc với tác phẩm văn học Phương Tây như của Huygo ( Những người khốn khổ),Gorki (Thời thơ ấu )… truyện ngắn của Alphonse Daudet … Như chúng ta đã biết những tác phẩm trong thời kì đầu của Nguyên Hồng mang đậm màu sắc thiên chúa giáo. Ánh sáng buồn thảm, tiếng đọc Kinh Thánh, điệu nhạc buồn trầm của nhà thờ trong Những ngày thơ ấu , sự cứu rỗi linh hồn Tám Bính một con chiên ngoan đạo ( Bỉ vỏ ).
- Nguồn suối tình cảm yêu thương của Nguyên Hồng bắt nguồn từ cuộc đời thực của ông và những người đàn bà nghèo khổ ở các ngõ hẻm ngoại ô thành phố .Những nỗi khổ của người đàn bà Việt Nam trong những năm dài tăm tối trước cách mạng Tháng Tám được khắc họa đậm nét trong các sáng tác truyện ngắn của ông : Bỉ Vỏ, Những ngày thơ ấu, Vực thẳm, người con gái, Tết tù của người đàn bà …. Hình ảnh đau thương của người đàn bà trẻ bị ném vào chuồng súc vật, hay người vợ trẻ đi tù thay chồng vì tội làm muối lậu (Linh hồn – 1936 ) đã trở thành nỗi ám ảnh trong các sáng tác của Nguyên Hồng . Từ cuộc đời đau khổ của bà mẹ sống nhẫn nhục, Nguyên Hồng đã yêu thương bao bà mẹ Việt Nam khác bị lễ giáo phong kiến và những lề thói cổ hủ khắc nghiệt của xã hội vùi dập đọa đày.
2. Phong cách hiện thực giàu chất trữ tình và chất thơ
- Lối miêu tả của Nguyên Hồng không những tinh tế mà còn có khả năng làm thức dậy mọi giác quan của người đọc. Nguyên Hồng gần gũi với Thạch Lam ở lối phân tích tâm lí tinh tế lối đi sâu vào cảm giác , ở cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa. Ví như đoạn văn miêu tả cảm xúc cảm giác của cậu bé Hồng trong tác phẩm Trong lòng mẹ : “ Tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi nay bỗng mơn man khắp da thịt …”.
- Màu sắc trữ tình lãng mạn trải dài trong các sáng tác của ông. Thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm tập tiểu thuyết tự truyện rất xúc động này. Nguyên Hồng đã lắng nghe những âm vang sâu lắng của tâm hồn , ghi nhận những cảm giác tinh tế từ bên trong, miêu tả một thiên nhiên đầy thanh sắc và tất cả đều được thể hiện qua màu sắc chủ quan cái Tôi – trữ tình hồn nhiên, trong sáng. Những nỗi buồn cô đơn buồn tủi đã ám ảnh tâm hồn cậu bé đa sầu đa cảm suốt năm này qua năm khác trở thành nỗi sầu triền mien hiện lên trong trang sách ấn tượng buồn bã u ám về mùa đông dài dằng dặc : “Tôi có cảm tưởng những mùa đông thửa xưa rét mướt và buồn tẻ ....vì những ngày mưa phùn dài lạ lùng với những cảnh vắng vẻ , lạnh lẽo như không bao giờ hết ...”Cảm giác nhớ thương người mẹ đến đau đớn tê dại : “ Những mảnh lá chạy xào xạc trên mặt đường chạy cả vào lòng tôi cùng với những âm thanh mơ hồ ...Trong lòng tôi tiếng lá lao xao như không bao giờ tắt. Giá buốt quá ... ”
- Trong văn của Nguyên Hồng luôn có nắng gió lao xao, rực rỡ và một bầu trời xanh trong lấp lánh đó dường như là vẻ đẹp của lí tưởng, lòng ham sống và tin yêu cuộc sống, là những ước mơ lãng mạn về tương lai .
Chất lãng mạn cách mạng trong văn Nguyên Hồng bắt nguồn từ lòng tin yêu vào cuộc sống của những người lao động nghèo khổ , đồng thời cũng được khơi dậy từ ảnh hưởng sâu sắc có tầm quan trọng của Đảng với một thanh niên đang đi tìm lí tưởng. Ánh sáng của lí tưởng biểu hiện dưới cảm hứng trữ tình , những khát vọng lãng mạn , những lời kêu gợi hùng hồn tha thiết
Tuy nhiên chất lãng mạn cách mạng chưa hòa lẫn vào CNHT . Dường như các sáng tác của ông vẫn đâm chất CNHTPP kéo dài cho đến hai tác phẩm Lò lửa và Địa ngục.
3. Sự giao lưu văn học hiện thực và văn học cách mạng trong sáng tác
- Nguyên Hồng là đại diện khá tiêu biểu cho trào lưu văn học hiện thực phê phán của nước ta .Ta cũng thấy trào lưu này xuất hiện sau chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa lãng mạn…trên thế giới, ởtrong nước nó lại xuất hiện cùng thời với Tự lực văn đoàn, thơ Tố Hữu và văn học cách mạng. Những ảnh hưởng lung linh choáng ngợp ban đầu của lối miêu tả Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Victor Huygo, Alfred de Musset ... có thể kéo Nguyên Hồng về chủ nghĩa lãng mạn. Cả hưng phấn nội tâm, dạt dào cảm xúc bên trong với bút pháp cường điệu có khả năng hướng ông về phía đó. Nhưng cuộc đời đói khổ lam lũ, ảnh hưởng của mặt trận Dân chủ đã giúp cho ngòi bút của ông đứng vững.
- Ta cũng thấy sự ảnh hưởng chủ nghĩa không tưởng trong phong cách của Huygo, Balzac,Dickens, Gorki; hay lối miêu tả nặng nề cảm giác của Thạch Lam, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư… cũng có ảnh hưởng trong sáng tác thời kì đầu của Nguyên Hồng.Những năm cao trào thời kì mặt trận Dân chủ ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời của ông. Khiến ngòi bút hướng về đề tài chính trị về cuộc đời của công nhân : Bụi đen, Người đàn bà Tàu; nông dân Đến cây số 13; những người lao động nghèo khổ bị áp bức :Tù trẻ con, Tết của tù đàn bà. Ông thức tỉnh tinh thần đấu tranh để tự giải phóng gây cho bạn đọc một niềm tin lãng mạn cách mạng vào ngày mai như Những mầm sống . Ông cũng là người đầu tiên trong văn xuôi xây dựng hình tượng người phụ nữ công nhân đấu tranh rất dũng cảm, giàu tinh thần thương yêu giai cấp và tinh thần quốc tế vô sản như Người đàn bà tàu. Nhờ ảnh hưởng phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, một số tác phẩm văn học hiện thực phê phán như Người đàn bà Tàu, Những giọt sữa, Những mầm sống… đã tiến gần lại văn học cách mạng hay có thể nói giao lưu với văn học cách mạng . Đây là một đặc điểm quan trọng
Ví dụ như 2 tác phẩm Bỉ vỏ và Cửa biển là hai cái mốc lớn về tiểu thuyết của Nguyên Hồng. Một bên là tác phẩm hiện thực phê phán , với những tình cảm yêu thương dạt dào, với những khát vọng trong sáng, hồn nhiên của mối tình đầu đối với nghệ thuật , một bên là bộ tiểu thuyết sử thi hiện thực xã hội chủ nghĩa sâu sắc với bốn tập đầu tiên của nước ta. Những năm tháng tuổi trẻ trên đất Hải Phòng đã để lại cho Nguyên Hồng những kỉ niệm da diết không lúc nào nguôi để làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết của ông.Từ bản thảo đầu tiên viết về Xóm Cháy ở trại tập trung Bắc Mê ( Hà Giang) đến lúc Sóng gầm ra đời vừa tròn 20 năm . Đây cũng là quãng thời gian sáng tác của ông chuyển trọn vẹn từ chủ nghĩa hiện thực phê phán sang hiện thực xã hội chủ nghĩa .Cửa Biển là sự kết tinh cao độ toàn bộ vốn sống toàn bộ các loại nhân vật quen thuộc trong sáng tác của ông. Đó cũng là sự bổ sung nâng cao thế giới quan mới, một phương pháp sáng tác. Đây cũng là tác phẩm được hết sức sâu sắc mạnh mẽ cuộc cách mạng của nước ta từ thời kì Mặt trận dân chủ đến cách mạng tháng Tám. Đây cũng là bộ sử thi vừa rộng lớn vừa sâu sắc có sức lôi cuốn mạnh mẽ .
III. TIỂU THUYẾT ĐẦU TAY “BỈ VỎ”
1. Tóm tắt tác phẩm:
Bỉ vỏ (tiếng lóng của bọn lưu manh chỉ người đàn bà ăn cắp)
Nhân vật chính của tiểu thuyết là Tám Bính, người làng Sòi. Vì nhẹ dạ, yêu một gã Tham đạc điền và bị hắn bỏ rơi giữa lúc bụng mang dạ chữa. Cô bị cha mẹ hắt hủi, đay nghiến và đứa bé sinh ra phải đem bán đi vì sợ làng bắt vạ. Đau đớn, Bính trốn nhà đi Hải Phòng mong tìm được người tình. Sau mấy ngày đêm lang thang đói khát, có lần suýt bị làm nhục ở một vườn hoa, Bính gặp một gã trẻ tuổi nhà giàu. Hắn lừa cô vào nhà hãm hiếp và đổ bệnh lậu cho cô. Vợ gã bắt gặp, đánh đập Bính tàn nhẫn và lôi cô ra Sở cẩm, vu là gái làm tiền. Thế là Bính bị đưa vào nhà “lục xì”, sau đó rơi vào nhà chứa của mụ Tài sế cấu. Sống ê chề cực nhục ở nơi bẩn thỉu hôi hám, Bính ốm nặng. Đau khổ, tuyệt vọng, Bính toan tự tử nhưng được Năm Sài Gòn, một tên trùm lưu manh ở Hải Phòng, chuộc ra khỏi nhà chứa, đem về chăm sóc hết lòng. Nhưng rồi Năm bị bắt. Tuy túng bấn nhưng Bính không chịu nhận tiền “bồi” (tiền bọn ăn cắp trích nộp “đàn anh” mà sống bằng buôn bán lương thiện, hy vọng khi Năm trở về sẽ khuyên y từ bỏ cái nghề bất lương và nguy hiểm. Năm được tha nhưng dứt khoát không chịu nghe lời khuyên của Bính. Thế là, bất đắt dĩ, Bính cũng bị lôi kéo vào con đường lưu manh, trở thành một “bỉ vỏ” – người đàn bà ăn cắp. Do một sự hiểu lầm và ghen tuông, Năm Sài Gòn đuổi Bính đi. Bính về Nam Định, gồng thuê gánh mướn kiếm ăn. Được tin bố mẹ ở quê gặp tai hoạ có thể bị tù, Bính không còn cách nào khác, đã phải nhận lời lấy một viên mật thám để có tiền gửi về cứu bố mẹ. Đang sống yên ổn bên người chồng mới này thì một biến cố xoay chuyển cuộc đời Bính: Năm Sài Gòn bị bởi chính tay người chồng Bính. Không chút do dự, cô đã lẻn xuống nhà giam, mở khoá cứu Năm rồi cùng y trốn. Từ đó, Bính lại trở lại cuộc sống ngoài vòng pháp luật với Năm Sài Gòn, nhưng trong lòng vẫn day dứt khát khao cuộc sống lương thiện. Nhất là sau lần Năm giết Ba Bay, tên “đàn em” đã hớt tay trên của Năm một món “hàng”, Bính càng hối hận và sợ hãi giày vò. Cuối cùng, cái kết cục bi thảm đã đến: một lần, Năm cướp được một đứa bé đeo vòng vàng trên tàu thuỷ. Bính hốt hoảng nhận ra đó là đứa con mà bao lâu Bính nhớ thương, khắc khoải mong tìm lại. Nhưng nó đã bị chết! Giữa lúc đó, đội xếp, mật thám ập vào, Năm và Bính đều bị bắt. chính người mật thám trước đây đã bước tới xích tay cô…
2. Giá trị nội dung
“Bỉ vỏ” là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời Tám Bính,một cô gái quê xinh đẹp,hiền lành nhưng nhẹ dạ.Vì bị lừa lọc đã từng bước xô đẩy vào con đường lưu manh hoá trở thành “ một con ăn cắp” vợ của tên trộm cướp khét tiếng.Sống trong hoàn cảnh như vậy cô càng vùng vẫy thoát ra để trở về với cuộc sống lương thiện thì lại càng bị đẩy sâu vào con đường lưu manh tội lỗi.Qua tác phẩm Nguyên Hồng đã cho ta thấy được hiện thực xã hội lúc bấy giờ đã xô đẩy con người vào con đưởng tội lỗi và cũng thông qua tác phẩm ta thấy nhà văn đã thể hiện lòng thương cảm của mình đối với những thân phận hèn mọn thuộc tầng dưới đáy xã hội.Tất cả điều này được thể hiện qua những nội dung sau:
a. Hình tượng nhân vật Tám Bính:
Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác Bính hiện lên là một cô gái xinh đẹp,hiền lành,chất phác lại chịu thương chịu khó.Vì vậy Bính đương nhiên rất được nhiều người chú ý và tròng ghẹo.Nhưng bao nhiêu lời tán tỉnh của những con trai làng không được Bính để ý. Chỉ đến khi xuất hiện một người “vận quần Tây, chải chuốt” có “thân hình thanh tú” cùng với cái tên “quan tham đạc điền” thì trái tim cô bắt đầu rung cảm, từ “thẹn” đến “băn khoăn vẩn vơ” rồi cuối cùng cô đã yêu người con trai ấy.
Sự ngây thơ, trong trắng của người con gái quê mới lớn cùng với sự hi vọng là có thể gửi gắm cuộc đời mình cho người yêu. Bính đã “buông phó cả thân thể cho y” để rồi kết quả cuối cùng cô nhận được là sự ruồng bỏ của người tình và mang trong mình một đứa con chưa thành hình.
Có thể nói bi kịch của Bính bắt đầu từ khi sinh đứa bé.Cô luôn sống trong tủi nhục, trong sự đay nghiến của bố mẹ. Và đau đớn hơn nữa khi chứng kiến cảnh bố mẹ mình đã nhẫn tâm bán đứa cháu với giá 13 đồng bạc khi nó mới sinh ra được vài ngày tuổi chỉ vì sợ mất danh tiếng của gia đình.
Mất người tình, mất con, không chỗ bấu víu Bính quyết định bỏ làng ra đi với hi vọng tìm được tham Chung và kiếm ăn lần hồi để sau này quay về chuộc con.
Cái hi vọng mong manh ấy là nguồn sức mạnh giúp cô gái trẻ, yếu ớt, một thân một mình không tiền bạc, không người thân vào Hải Phòng – một cái nơi đầy nguy hiểm để kiếm sống.Thế nhưng sự đời đâu đơn giản như Bính nghĩ, cái ước mơ nhỏ nhoi của Bính đã bị dập tắt ngay khi Bính vừa bước chân lên thành phố thì đã gặp những người đàn ông thành thị đê hèn, chỉ chực vồ lấy Bính khi có dịp, những bà vợ hay ghen và ghê gớm. Bính trong một sự hiểu lầm cướp chồng người khác đã bị một mụ đàn bà đánh thừa sống thiếu chết rồi bị giải lên sở cẩm, kết quả là cô bị đẩy vào nhà “Thổ” để làm đĩ.
Lên thành phố chỉ được ít ngày nhưng cuộc sống của Bính hoàn toàn lật sang một trang mới với những màu sắc tăm tối, ê chề, nhục nhã, sống một kiếp người bất hạnh nơi nhà thổ nhơ bẩn. Cuộc sống của Bính nơi đây chỉ lẳng lặng chịu đựng, lay lắt qua ngày với những người đàn ông thô tục, trong căn phòng ẩm thấp, u tối, hôi hám với nỗi ám ảnh về cái chết thê thảm mà không ai biết tới. Bệnh tật của Bính dày vò cô từng ngày, những bữa ăn thiếu chất càng làm cho Bính héo hắt mòn mỏi chỉ còn nổi tủi nhục và xót thương cho số phận của mình. Nhiều lần muốn chết nhưng nhờ Hai Liên khuyên nhủ, Bính cũng phần nào nguôi ngoai và cô lại hi vọng, hi vọng “sẽ thoát cảnh này và trở về với con làm ăn sum họp”.
Cơ hội được thoát ra khỏi cảnh sống ô nhục này đã đến.Đó là Bính được Năm Sài Gòn chuộc ra ngoài và cưới làm vợ. Bính tưởng chừng sẽ được sống cuộc sống của một người bình thường khác nhưng số phận lại một lần nữa số phận lại đùa giỡn với cô. Khi Bính biết chồng cô là một tên anh chị khét tiếng hung dữ và đáng sợ, đứng đầu một phe ăn cắp. Bính nhiều lần khuyên can chồng hoàn lương, vợ chồng làm ăn mà nuôi nhau dù cực khổ nhưng trong sạch, thanh thản nhưng nào có được. Năm không thể dứt bỏ cuộc sống hiện tại, cuộc sống mà Năm đã quen từ nhỏ, đầy mạo hiểm nhưng thú vị, uy quyền của một vị vua không đánh đổi bằng cuộc sống tay làm nuôi miệng được. Cuối cùng Bính phải theo Năm, bàn tay Bính đã “nhúng chàm” Bính đã ăn cắp, đã giúp Năm lấy trộm đồ của những người dân lương thiện và trở thành một “bỉ vỏ” có tay nghề.
Tuy sống bằng nghề bất lương nhưng trong lòng Bính luôn lo âu và Bính luôn hi vọng một cuộc đời tốt đẹp hơn sẽ đến với mình. Nhưng Năm “đứng đầu hẳn những du côn anh chị nhất” là hạng người mà “hết thảy mọi người tử tế đều xa lánh, ghê sợ”. Bính không thể bỏ Năm, tấm lòng tốt chan chứa yêu thương của Năm đối với Bính không ai có được. Bính sợ hãi cho tương lai của mình và những đứa con sau này. Thật không gì chua xót bằng khi con người muốn lương thiện nhưng cuộc đời cứ xô đẩy họ vào vũng đời đen tối mà họ không tài nào tìm được lối ra.
Thế rồi do một vụ hiểu lầm và ghen tuông Năm đã đuổi Bính đi.Cuộc đời thật bất công khi cứ dành hết mọi sự đau khổ cho người con gái bất hạnh. Giờ đây Bính chỉ còn một thân một mình không biết về đâu.Cuối cùng Bính quyết định trở về với cảnh đời “tay làm hàm nhai, dù vất vả lam lũ lại sáng lên rực rỡ một cảnh khác thường”. Tưởng chừng bất hạnh của Bính sẽ qua ấy vậy mà sóng gió lại ập đến. Cha mẹ cô ở quê bị người ta vu oan, không có tiền thì sẽ phải đi tù. Là người con có hiếu làm sao Bính có thể làm ngơ trước tai hoạ mà cha mẹ gặp phải. Bính đã trả ơn sinh thành bằng cách làm lẽ một tay mật thám để có tiền lo cho cha mẹ.
Làm vợ tay mật thám cuộc sống của Bính dễ chịu hơn một chút.Tưởng số phận đã an bài với Bính. Nhưng có lẽ không dễ như vậy vì một lần chồng của nàng đã bắt được Năm buộc Bính phải chọn lựa giữa hai con đường sẽ quyết định số phận tàn nhẫn của cô: sống yên ổn bên người chồng mật thám hay mở cửa ngục cho Năm và cùng với hắn trở về cuộc sống lưu manh đầy bất trắc. Tám Bính đã chọn con đường thứ hai và điều này cũng phù hợp với tính cách của cô. Một con người giàu lòng vị tha và tình nghĩa thuỷ chung ấy có thể sẵn sàng tha thứ cho kẻ phản bội mình là Tham Chung, hay kẻ hắt hủi mình một cách tàn nhẫn như cha mẹ cô, thì làm sao cô có thể dửng dưng với số phận của Năm Sài Gòn, người duy nhất trên đời đã thương yêu cô thật sự. Và chính sự quyết định này đã đưa cô trở về con đường tội lỗi. Bính cùng Năm tiếp tục hành nghề trên các chuyến tàu.
Bính phải chứng kiến cảnh Năm giết người mà không dám hé răng, rồi chính Năm trong một lần đã cướp một đứa bé lao xuống sông. Năm làm chết đứa bé. Bính có ngờ đâu đứa bé đó chính là đứa con mà năm xưa cha mẹ cô đã bán, đứa con đầu lòng mà cô không có cách nào giữ được, và giờ đây ôm con trong tay thì nó chỉ còn “là xác chết lạnh như đồng”. Giữa cảnh éo le và đau đớn ấy thì người chồng cũ cùng những đội xếp và những tên mật thám khác vào bắt Bính cùng Năm Sài Gòn. Phải chăng đây chính là cái giá mà Bính phải trả cho chính hành vi tội lỗi của mình, “Thoáng phút giây Bính thấy hết cả mọi sự tuyệt vọng, tối tăm từ nay trở đi lúc nào xâu xé tâm can Bính. Bính sẽ sống một đời khốn nạn dài vô cùng tận” Thế là hết!
Truyện kết lại cái chuỗi dài bất hạnh, tủi nhục ê chề của Tám Bính với sự tận cùng của tuyệt vọng. Một kết thúc đau đớn, con chết, chồng bị bắt bởi chính người chồng khác. Quả thật cuộc đời thật tàn nhẫn với Tám Bính chỉ vì chút nhẹ dạ của mình mà cô bị đẩy vào con đường lưu manh để rồi cuối cùng phải trả một cái giá quá đắt. Phải chăng viết về cuộc đời Tám Bính nhà văn Nguyên Hồng muốn phơi bày tất cả hiện thực xã hội lúc bấy giờ?
b. Giá trị hiện thực
Qua việc phân tích cuộc đời của nhân vật Tám Bính ở trên ta thấy Nguyên Hồng đã phơi bày tất cả những mặt trái của xã hội. Từ nông thôn đến thành thị đâu đâu cũng đầy rẫy những bất công ngang trái, sự lên ngôi của đồng tiền, danh vọng, sự thối nát trong bộ máy chính trị.Chính cái xã hội đó đã đẩy một cô gái trong trắng lương thiện xuống tận bùn đen mà không thể ngóc đầu lên được. Điều này đã được Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định: “Tác giả đã phân tích cả một chuỗi nguyên nhân xã hội từ nông thôn và thành thị với cơ cấu xã hội duy trì những phong tục vô nhân đạo, với những tổ chức chính trị, những công cụ bạo lực bênh vực cho bọn có tiền, đẩy Tám Bính vào cuộc sống nhơ bẩn và cực nhục mà cô không sao vượt nổi”.
Có thể nói nông thôn là những vùng quê bình lặng, ở nơi đó chúng ta thấy có cái gì đó chất phát của người dân lao động. Nhưng cũng chính nông thôn là lễ giáo phong kiến và các hủ tục lạc hậu đang còn ngự trị. Vì vậy mà nó là nguyên nhân phá hoại biết bao nhiêu con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Nguyên Hồng đã cho ta thấy được hiện thực phũ phàng này khi Bính đã rùng mình nhớ lại hình ảnh chị Minh chỉ vì nhẹ dạ nên phải đèo bồng bị làng phạt vạ “phải quỳ giữa sân đình, nón không có, bế đứa con mới được 10 ngày giữa trời nắng chang chang” còn bọn Hương lý, chức dịch thì ngồi trong đình “chè chén no nê” rồi khệnh khạng phạt vạ. Bọn này chỉ nhân cơ hội này mà “nhấm nháp cho sướng miệng, sống chết mặc ai”. Đại diện cho luân lý là thế cho nên những người dân lao động đặc biệt là người phụ nữ yếu đuối họ không thể phản kháng được. Ngay đến cả cha mẹ cũng chỉ vì cái sĩ diện, cái nhục nhã mà họ nhẫn tâm “cạo trọc đầu, bôi vôi trắng hếu, úp rế lên đầu đứa con gái tội nghiệp của mình mà rong đi khắp làng. Chính luật lệ hà khắc đó là nguyên nhân dẫn đến con đường lưu manh hoá của biết bao nhiêu cô gái nhẹ dạ mà Tám Bính là nhân vật điển hình.
Nông thôn đã vậy thì thành thị lại càng ô hợp bởi đó là nơi nhiều người tứ xứ họp, bao nhiêu thành phần, tầng lớp. bao nhiêu hạng người, giàu nứt đổ vách hay nghèo mạt hạng, kẻ dưới đáy xã hội hay kẻ nắm công lý trong tay. Tất cả tạo thành một món ăn hổ lốn, nặng mùi sôi sục.
Ở đây tập trung những gì xấu xa ,bất công và thô tục. Trong cái xã hội rực rỡ, sáng sủa, đẹp đẽ nhưng lại đáng sợ và xa lạ. Đêm xuồng lại càng nổi rõ cái lạnh lẽo, ghê người khi những người đàn ông nhìn thấy sự ngây thơ, rụt rè, quê mùa của một cô gái quê-một miếng mồi ngon lành. Họ nhào vào Bính như nhưng con thú đói khát, mặc cho cô van lơn, giãy giụa, sợ hãi. Đó là những tay kéo xe, những người qua đường, những kẻ lang thang hay cả những người có vẻ hào nhoáng, trí thức như thằng trẻ tuổi, hay Tham chung….
Ngay đến pháp luật cũng bỏ qua cho họ, cái lý thuộc về kẻ mạnh. Bính bị lầm là người dụ dỗ đàn ông, bị người đàn bà tru tréo sỉa sói vào mặt, chửi rủa là đồ “đĩ lậu ghê ghớm” là đồ “quyến rũ chồng người khác”. Không cần điều tra kỹ lưỡng, mấy cảnh sát càng khẳng định hơn khi thấy Bính có bệnh kín. Nhưng họ đâu có biết là chính thằng trẻ tuổi đã lây cho cô. Cũng không điều tra lai lịch của cô, cũng chẳng cần biết thật hay giả.Bính đã bị đẩy vào nhà thổ.
Một phần thối nát nữa của chốn thị thành đó chính là nhà chứa- nơi những cô gái giang hồ hành nghề hay những cô gái lương thiện bị đẩy vào. Họ sống trong sự nhục nhã, khinh bỉ và đau đớn vì bệnh tật. Mà nào phải khách sang, khách đẹp đó chỉ là những tên lưu manh “thất nghiệp bê tha, rửng mỡ” hay may mắn là ông “bồi”, ông bếp, bác tài …Mà nào dễ ăn tiền của họ, “họ hành đủ thứ cho đáng món tiền tiêu mà họ vất vả và đủ cách mách lối, xoay xở mới kiếm được” và họ sung sướng trước sự nhục nhã rã rời của người nhận tiền.
Nguyên Hồng đã viết nhiều chương thật cảm động về cuộc đời tủi nhục của những cô gái điếm ở phố Hạ Lý. Bao nhiêu cô gái bán trôn nuôi miệng đã bị các bà chủ nhà chứa bóc lột cho đến kiệt sức, ho ra máu rồi chết. Người ta thuê vài người phu chợ đùm trong chiếc chăn cũ rồi đem chôn “ Tấm áo quan bằng gỗ mỏng đu đi đu lại, cọ vào chiếc thừng treo lủng lẳng ở đòn ống làm thành tiếng kẽo kẹt thay cho những tiếng khóc viếng”. Những người đàn bà đáng thương này chết như những người ăn mày khôn cùng không thân thích chết đường chất chợ…Một hiện thực đau xót không gì bằng.
Không chỉ sinh ra “gái mãi dâm nhà nghề không thể đếm xuể” mà cái xã hội “đầy rẫy sự ăn chơi xa xỉ” ấy còn sinh ra một số “anh chị” gian ác và liều lĩnh không biết là bao nhiêu”. Chúng lập bè, kết đảng, trộm cắp, cướp bóc, giết người thành một tổ chức là đám “chạy vỏ” dắt díu những “cơm thầy cơm cô” “mở” “ bát bửu”…chúng như một đế quốc nhỏ có vua, quan vá đám lính. Ăn chia nhau theo thứ bậc và công trạng. Chiến công của chúng là những lần vào tù ra tội. đi đày, những vết dao chém đầy trên cơ thể chúng…
Cái xã hội đó không chỉ sinh ra những cái gì xấu xa mà còn biến những con người lương thiện thành xấu xa. Một người con gái hiền lành như Tám Bính bỗng chốc trở thành “đĩ lậu” thành ung nhọt của xã hội rồi trở thành một “bỉ vỏ” xuất sắc. Tám Bính chỉ là một ví dụ rất điển hình cho hàng trăm, hàng ngàn con người bất hạnh khác trong xã hội.
Là một nhà văn sống một cuộc sống cơ cực, đói khổ Nguyên Hồng đã chứng kiến và thấu hiểu được cuộc sống của những con người dưới đáy xã hội cho nên bằng ngòi bút hiện thực ông đã cho ta thấy trong “Bỉ vỏ” là cả một “xã hội gian phi”, một xã hội ăn cắp cùng với những hành vi và tâm tính rất kỳ của những người thuộc tầng lớp tận cùng của xã hội.
c. Giá trị nhân đạo
Nguyên Hồng miêu tả những chuyện trong xã hội như lưu manh, gái điếm, những chuyện chém giết lừa bịp nhưng đằng sau đó vẫn ánh lên những tia sáng nhân đạo, vẫn còn lòng yêu thương, chung thuỷ, lòng hi sinh và nhất là những thoáng khát vọng muốn thoát ra cuộc sống tội lỗi của mình. Cái nhìn của Nguyên Hồng giống như cái nhìn của Gorky khi viết về tầng lớp “dưới đáy” của xã hội Nga, mang đầy tính chất nhân đạo chủ nghĩa. Cho nên đọc Bỉ vỏ chúng ta thấy tội ác của họ, nhưng đồng thời cũng xót thương cho thân phận của họ đã bị xã hội độc ác nhấn chìm vào vũng bùn tội lỗi mà không sao ngoi lên được.
Tư tưởng nhân đạo bao trùm lên cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ là cái tư tưởng: tuy đã sa chân vào vòng truỵ lac, người ta vẫn mang một tâm hồn trong sạch được. Thật thế, Tám Bính đã từng làm gái nhà chứa, rồi lại theo chồng ăn cắp đường đến ăn cắp trên tàu, nhưng ai bảo Tám Bính có tâm hồn truỵ lạc? Trong khi ở gần chồng là một kẻ luôn luôn nghĩ đến gian ác, Bính đã không sờn lòng, lúc nào cũng thừa dịp khuyên chồng nên đổi nghề lương thiện. Cái sự phản đối những hành vi của chồng, cái sức chống chọi ấy người ta thấy ở Bính từ ngày mới theo Năm cho đến khi tra tay vào còng. Nếu phải một tâm hồn nhu nhược, một tâm hồn nhơ nhớp sẵn thì tất nhiên bị cảm hoá, phải quen cái nghề chạy vỏ. nhưng đằng này không, tám bính sỡ dĩ quyne6 luyên Năm Sài Gòn, chỉ vì Năm là một kẻ lòng tuy cứng cõi nhưng phải thành thật yêu Bính yêu vì nết chứ không phải vì sắc đẹp. Đối với Bính người ta chỉ thương chứ ít ai ghét được, người ta thương Bính chỉ vì một phút lầm lỡ, chỉ vì sự ruồng bỏ của gia đình, chỉ vì cái tục cay độc của làng xóm mà nàng phải sa chân vào nghề làm đĩ, nghề ăn cắp những nghế xấu xa nhất trong xã hội. Cho nên gia đình và xã hội phải chịu một phần trách nhiệm về sự nhơ nhớp của kẻ có tội.
3. Nghệ thuật
a. Xung đột nghệ thuật
· Xung đột giữa con người với hoàn cảnh sống, môi trường sống
Khai thác xung đột giữa con người với hoàn cảnh sống, môi trường sống là một trong những thủ pháp cơ bản của các nhà văn hiện thực.
“ Bỉ vỏ” đã thể hiện rõ nét và đẩy lên tận cùng của sự xung đột giữa con người chất phác, lương thiện với môi trường, hoàn cảnh sống vô nhân đạo, toàn những lừa lọc, giả dối. Điều này thể hiện rõ nhất trong nhân vật trung tâm- Bính.
Bính là một cô gái quê vồn hiền lành, lương thiện, xinh đẹp,Bính không như ai giảo hoạt, tinh ranh trong sự cạnh tranh khách đi đò và buôn bán mua rẻ bán đắt tôm cá của các thuyền chài lưới quen thuộc. Hơn nữa, Bính không biết mưu tính các cách gian lận với những khách gửi hàng để lo cho mình có cái bộ cánh mà nhà không sao sắm sửa được vì ruộng đất cày cấy không có, ngoài mảnh vườn chỉ được cái rau ăn còn đều trông vào con đò thì phải sinh sống rất khôn ngoan xoay giở đủ mặt…Nhưng vì nhẹ dạ đã trót yêu thương tin tưởng tên Quan Tham đạc điền và có con với hắn. Cha mẹ tham lam, phụ bạc cộng với những hủ tục lạc hậu của lề thói cũ ngày xưa ở vùng nông thôn, đủ mọi hạng người nghi kị, ích kỉ, hám lợi…đã đẩy Bính vào hoàn cảnh dứt ruột bán đi đứa con và phải lên thành phố kiếm sống.
Rời quê lên thành phố, những tưởng được yên thân, nhưng thành phố lại là nơi nhốn nháo, ô hợp khiến bính không những ngóc đầu lên được mà còn bị dìm xuống vũng bùn nhơ nhớp hơn. Bị hãm hại, đẩy vào nhà Thổ nhục nhã ê chề, Bính luôn bị ám ảnh bởi cái chết cô đơn khủng khiếp, từ đây Bính có thêm biệt danh mới- “ Tám Bính”.
Ra khỏi nhà Thổ, cô bị ném vào vũng bùn nhơ nhớp, tội lỗi hơn từ việc trở thành vợ của một tay anh chị khét tiếng đến khi trở thành một “ Bỉ vỏ” chuyên nghiệp. Thế rồi một cái kết bi thảm dành cho cô, chính người chồng đã tự tay hại chết đứa con năm xưa mà không lúc nào cô quên được.
Bi kịch của Bính từ một con người lương thiện trở thành một đĩ điếm rồi lại trở thành một lưu manh. Tất cả đều do môi trường sống, xã hội đưa đẩy.
Trong khi triển khai mối xung đột giữa con người với môi trường, hoàn cảnh sống, Nguyên Hồng đã phân tích và lý giải, chỉ ra những nguyên nhân xã hội vùi dập số phận người dân nghèo. Quá trình lưu manh của Tám Bính đã nói rõ điều này.Cô không lẳng lơ, không lười biếng mà ngược lại cô xinh đẹp và có nhiều đức tính đáng quý nhưng hoàn cảnh xã hội xô đấy dồn dập đã biến cô thành lưu manh.
· Xung đột nội tâm.
Tám Bính dù rơi vào những hoàn cảnh éo le, nhơ nhớp nhưng trong lòng cô luôn khát khao một cuộc sống lương thiện.
Khi ở nhà mụ Tài sế cấu cô không lúc nào hết tủi nhục suy nghĩ.
Khi làm vợ Năm Sài Gòn, rất nhiều lần cô khuyên anh từ bỏ hành vi tội lỗi, vợ chồng tìm công việc làm ăn lương thiện. Nhưng rồi chính cô lại bị lôi kéo vào cuộc.
Sau mối hành vi tội lỗi, Bính lại ăn năn hối hận, “ Bao giờ mới có được cuộc đời trong sạch”….
b. Thế giới nhân vật
· Thế giới của những kẻ lưu manh
Môi trường sống toàn những lang sói đểu giả, lừa lọc của bọn cường hào ở thôn quê, bọn nhà giàu ở thành thị, bọn cảnh sát bất công vô lý lien kết với bọn bán thịt buôn người được dung túng khắp nơi trong xã hội. Môi trường hỗn độn, vô luân lý đó đã tạo nên biết bao anh chị gian ác sống ngoài vòng pháp luật. Hà Nội thủ đô xứ Bắc Kỳ, một thành phố đầy rẫy sự ăn chơi xa xỉ, đã tạo ra một số gái mãi dâm nhà nghề không thể đếm xiết, thì Hải Phòng, một hải cảng sầm uất bực nhất của Đông Dương, một thành phố công nghệ mở mang, với hơn ba mươi nghìn dân lao động bần cùng ở các tỉnh dồn về, cũng có một đặc điểm là sản xuất được một số "anh chị" gian ác, liều lĩnh không biết là bao nhiêu.
Ở đó, những người đàn ông thường có lối sống phiêu bạt giang hồ, những người đàn bà táo bạo, tự do trong luyến ái và hôn nhân. Họ là những con người rất mực chung thủy, nhưng thủy chung trong tình yêu chân thật, chứ không phải theo lễ giáo phong kiến.
Là dân tứ chiếng gặp nhau, những con người này hầu hết không có cha mẹ, an hem thân thích, không quê quán, thề cùng sinh tử với nhau, với đồng đội. Phần lớn họ lâm vào cảnh cùng đường mạt lộ phải tha hương cầu thực.
Cuộc đời Năm Sài Gòn, một tay “anh chị”: bé đi làm con mày, con ở, Mới ba mươi hai tuổi mà án tích Năm kê chật một tờ giấy trong sở liêm phóng. Non hai phần ba đời Năm đã bị cảnh tù tội cướp mất. Năm đã đi đày Côn Lôn 7 năm, ở Khám lớn Sài Gòn, ở Hỏa lò Hà Nội 2 năm... Năm còn từng làm cai trạitrong đề lao Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, hơn 4 năm. Cuộc đời Năm trải qua những phen nguy hiểm đã dầy dạn như những lốt dao chém trên mặt, trên lưng và khắp hai cánh tay Năm.
Những người con gái thật thà, trong trắng như Bính, Hai Liên,..vì hoàn cảnh xã hội xô đẩy mà trở nên tha hóa, trở thành đĩ điếm, trộm cắp…
Thằng Sẹo một trong những tên lưu manh đã gật gù, tìm cách an ủi bản thân khi thấy Tám Bính đã trở thành một Bỉ vỏ thập thành: “ nó sung sướng được thấy một người đàn bà thùy mị như thế sa ngã. Nó coi như sự an ủi cho cái số phận khốn nạn của nó”
Những tay chân của Năm Sài Gòn như: Ba Bay, Tư lập lơ, Chín Hiếc…lấy nghề chạy vỏ, chạy dọc làm mưu sinh. Tư lập lơ làm trùm chạy vỏ trong chợ sắt. Sáu Gáo đồng cầm đầu các kẻ chuyên môn dắt díu những “ Cơm thấy cơm cô” ở vườn hoa Đưa Người. Ba Bay, Chín Hiếc và Mười Khai cùng một nghề nghiệp với Tư lập lơ.
Tái hiện một thế giới lưu manh nhưng Nguyên Hồng không để cho thế giới đó trở nên khô cằn, đáng sợ mà trong thế giới đó, con người vẫn tồn tại những giây phút hạnh phúc, vẫn có mơ ước, tình yêu( Tình yêu và khát khao cuộc sống bình yên của Tám Bính, ..)
· Hình tượng con người chịu nạn
Cùng với chị Dậu, anh Pha,…Tám Bính là một nhân vật tiêu biểu cho con người chịu nạn trong các sáng tác của giai đoạn văn học hiện thực.
4. Tổng kết
“Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng là cuốn tiểu thuyết mang nhiều giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc. Cuốn tiểu thuyết chứa chan lòng nhân đạo, nó làm cho người ta thương xót đến cả những tội lỗi, nhưng Bỉ vỏ lại xây dựng trong một khuôn khổ luân lý rất cao, nên dù thương xót họ mà ta vẫn không thể nào không ghê tởm những hành vi cùa họ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top