That la phuc

Thật là phúc

Nguyễn Công Hoan

Chú lính cơ Ván-cách1, cứ buổi chiều, ngồi trên phản trong trại, trông ra ngoài mành mành, thì cũng cho đôi mắt được một bữa tiệc no nê bằng cuộc ngắm những chị đi gánh nước ở giếng trong huyện.

Trong các chị gánh nước đó, chú chú ý nhất một chị, là "ma phăm" anh hàng bánh giò ở cổng huyện, tên là Tam.

Cứ kể ra, chị Tam trông cũng tình thực! Cái quần sồi đen nhánh, cái áo cánh hồ lơ, cái thắt lưng đỏ phấp phới bay theo gió, cái bộ xà tích lủng lẳng đập vào đùi, đã làm cho Ván-cách ta say lử cò bợ! Không những thế, chị Tam lại còn có cái bộ mặt "gioong"! Mỗi khi chị gánh hai thùng nước nặng mà đi qua trại, thì mắt cố nhìn thẳng, mũi cố cầm hơi, tay nguẩy đằng sau, đầu nghiêng bên cạnh, cố kéo cái hò áo cho kín ngực, tuy mất vẻ tự nhiên, nhưng mũm mĩm như quả đào Vân Nam mới trẩy, khiến cho Ván-cách ta chết cũng vớ vội lấy cái đàn bầu, mà tẳng tẳng vài tiếng. Nhiều khi thấy chị Tam hớn hở, chú chỉ phàn nàn có một câu rằng:

- Hoài của! Giá mình "sú-vơ-nia" cho nó ít giấy ráp để đánh đôi thùng rõ sáng, thì thực là bảnh chọe.

Nói nôm ra, chú Ván-cách cũng muốn chim chị Tam đáo để. Có bận chú định ngồi trong mành mành, ví cho chị Tam một câu rõ hay. Giá chú biết làm thơ, làm văn thì hẳn đã nghĩ được một bài trường thiên rõ dài để tặng! Khốn nhưng chú chỉ quen thói tộp ngực lần lưng dân, cho nên chỉ học được mốt chim gái của bạn đồng nghiệp, thẳng như nòng súng, là giữ nón, chắn đường, hoặc nắm cổ tay mà bắt nói một câu.

- Van nhà, nhà buông em ra!

Nhưng mà người anh em chỉ dám "tiểu-di", thế thôi, chứ mà thầy quản đồn này nghiêm khắc lắm, lỡ chú bị "lập-gioòng", hoặc bạt tai thì phải biết! Cho nên, lắm lúc gặp cơ hội tốt, mà chú nghĩ đến hình phạt nhà binh, chú đành phải "đê mi tua" ngay!

Còn một kế sau cùng, chú nghĩ đã chín lắm, là nhân ngày lĩnh lương, hoặc gặp buổi bóp nặn được thằng dân nào, chú quyết bỏ hẳn ba hào chỉ, ra hàng chị Tam đánh một bữa bánh giò rõ no, thế là "a-lê", tha hồ tán chuyện!

Buổi tối hôm ấy, trong túi chú Ván-cách xủng xoảng có tiền. Chú bèn búi tóc yên ngựa cho thực nền, gài cái lược xương trắng cho thật khéo, chít cái khăn lượt cho thật vố, vuốt ít nước hoa cho thật thơm, rồi soi gương đằng trước, đằng sau, ngắm nghía mãi, mới thay quần, gài khố, bóc gói thuốc lá mới, phì phèo, huýt còi đi "la mát".

Lúc bấy giờ đã vào chín giờ khuya. Nhà hàng phố đã đóng cửa kín mít. Chú Ván-cách lượn qua nhà chị Tam mấy lượt, thổi bài kèn "la vầy" rõ lẳng để đánh tiếng, rồi dòm qua lỗ liếp. Chị ngồi một mình, đương chẻ lạt. Chú ngắm nghía thế một lúc lâu, đắn đo, không biết thằng chồng đi đâu, nhưng cứ liều gõ cửa. Chị Tam đương lúi húi, bèn ngẩng đầu lên hỏi:

- Ai?

- Tôi đây! Cho tôi mua ít bánh giò!

Chị Tam đứng dậy vừa nâng hé cái liếp ra, Ván-cách đã lách được vào rồi.

- Chào chị, "măm-den" còn bánh giò không?

- Thưa thầy, hôm nay phiên chợ, nên nhà còn ít thầy mua giùm cho cháu.

- Được! Còn bao nhiêu mang cả ra đây. Anh ấy nhà chị đâu?

- Thưa thầy, chạy đâu ấy ạ.

Ván-cách được dịp tốt, "a la văng" ngay đến trước mặt chị Tam, vừa cười vừa lả lơi nói:

- "Cẩm-ma-lách" với nhau cả, thầy với cháu gì! Đừng nói thế, phải tội!

Nói xong, chú sấn ngay vào, nắm lấy cổ tay người yêu một cách âu yếm:

- Nhà ơi!

Thế rồi mắt chú lim dim như lúc ngắm súng. Chị Tam nhanh thoăn thoắt, giật ngay ra, lùi lại mấy bước:

- Ô hay! Thầy quyền làm cái trò gì thế này? Tôi kêu to bây giờ!

- Mình ơi, tôi yêu mình lắm!

Vừa nói, chú vừa sấn vào, ôm lấy chị Tam, đẩy ngã xuống đất, rồi cũng ngã theo...

- ối giời đất ôi! Thầy quyền làm gì tôi thế này?

Tiếng kêu rầm hàng phố. Thình lình, anh Tam ở đâu chạy về đến nơi.

Hẳn các ngài đã đoán trước ngay rằng máu ghen của anh Tam mà đùng đùng nổi lên, thì chú quyền Ván-cách sẽ bị trói gô vào chân giường, và phải trận đòn nát da tan thịt.

Thế nhưng anh Tam tuy hơi tức đầy lên cổ, mà cũng cố nén ngay. Anh sợ Ván-cách là người Nhà nước lại có sức, có quyền hơn anh, mà anh thì hèn hạ. Chi bằng thôi, thu xếp cho êm là hơn cả. Cho nên anh chỉ lấy lời ngọt ngào mà nói với Ván-cách, chứ không dám lôi thôi.

Vậy mà Ván-cách nào phải người biết điều. Thấy Tam chịu nước lép, chú lại làm già, sấn đến, tát cho Tam mấy cái.

Ngờ đâu Tam giữ được cái chầy giã giò, giơ lên đỡ. Ván-cách tưởng Tam đánh, quờ tay, giật phắt ngay được chầy. Rồi giơ thẳng cánh: "A, đê, toa, hấp!". Sống mũi Tam máu chảy đầm đìa! Tam ngã quay ra, miệng kêu rầm làng xóm.

Nghe tiếng kêu cứu, người phố kéo lại rất đông, mới gỡ được đám đánh nhau. Nhưng Ván-cách vẫn còn hung hăng, trỏ vào mặt Tam mà mắng:

- Mày láo! "Tăng xương"! Mày không biết ông là ai à?

Hàng phố thấy chuyện bất bình, ai cũng thương hại vợ chồng Tam bị bắt nạt một cách vô lý. Lúc ấy, Ván-cách đã về rồi, nên nhiều người xui Tam đi trình ngay quan huyện, để ngài trừng phạt kẻ hay... lấy thịt đè người.

- ừ, cậy là lính huyện mà vào hiếp vợ người ta, lại còn đánh người ta, thì pháp luật nào dung?

- Phải đi kiện mới được, bắt nạt thế, ai chịu nổi!

- Cứ kiện đi, đã có tôi làm chứng. Nếu cứ để nó quen thói, thì nay nó hiếp vợ anh, mai nó tha gì vợ tôi?

Sau một lúc bàn ra bàn vào, mãi anh Tam mới dám đội khăn, mặc áo, đi vào huyện

Quan ở trong nhà tư. Ngài đương đánh tài bàn. Thấy đương đêm có ầm ầm tiếng kêu, ngài cũng đoán là có chuyện gì to xảy ra đó. Nhưng vì chưa có ai báo, thì chưa chắc đã to bằng ván bài phải báo của thầy thừa ù sửu bàn thiếu lưng!

Quan cười ha hả. Các cậu lệ thấy quan vui, cũng tủm tỉm liếc nhau. Bỗng có tiếng rì rào ngoài cửa, và người kéo lố nhố đầy sân. Cậu lệ đang hầu nước bài, phải ngấc mắt lên nhìn mãi, đến nỗi phải chửi, vì quan bàn quân ăn quân đánh mà không biết.

Lúc ấy, tiếng xôn xao càng to, nên quan biết tất là đám kêu to ngoài phố khi nãy.

Thật may cho anh Tam vì trình quan ngay vào lúc ngài đương vui. Đáng lẽ phải chờ đến buổi hầu sáng hôm sau mới được vào.

Quan cho cậu lệ hỏi chuyện, thì thấy cậu dắt anh Tam vào. Giá lúc ấy quan không mải nhìn quân bài dưới chiếu, hẳn ngài đã thấy anh Tam mặt mũi bê bết máu mê.

Tam vái chào, khúm núm gãi đầu, chắp tay, bẩm hết cả nỗi vợ bị hiếp là thế, mình bị đánh là thế. Câu chuyện rất dài, nên anh phải kể làm ba bốn nấc mới hết, vì thỉnh hoảng quan cắt ngang mà hỏi vặn:

- Khoan! Cửu văn đấy có phải không? Chíu... Gượm! Gì? Sao không xướng to lên?

Khi câu chuyện bẩm xong, thì vừa hết ván bài. Quan ngẩng đầu lên nhìn anh Tam, rồi cho gọi chị Tam vào. Quan ngắm một lúc, hai con mắt sáng quắc như hai ngọn đèn trời, khiến cho hai vợ chồng nhà hàng bánh giò phải thất đảm. Rồi ngài nghiêm nét mặt lại, như có ý muốn nghĩ để phân xử cho công minh.

Lúc đó, ngoài sân tối mù mù. Người đứng xem đằng xa cố ngậm miệng, nín hơi, để nghe.

Một lúc, ngài sang sảng tiếng truyền xuống, như ông Long thần ban hạnh phúc cho chúng sinh mà dạy rằng:

- Đáng lẽ đương đêm chúng bay đánh nhau, thì không biết nếp tẻ ra sao, ông hãy bỏ tù hăm bốn giờ cái đã. Nhưng ông tha cho về mà làm ăn lương thiện, không được lôi thôi nữa. Vả lại vợ mày mặt mũi thế kia, chắc hẳn cũng có thế nào với nó, thì nó mới thế chứ? Thôi ông cho về. Ông đang bận.

Một tiếng "dạ" dài, anh Tam thụp xuống đất lạy tạ quan hai lạy. Đoạn anh lom khom lui ra, nét mặt vui vẻ như người biết an phận, rỉ tai nói với vợ:

- May quá! Suýt nữa thì phải ngồi tù. Thật là phúc! Lạy quan lớn ngàn năm!

Annam tạp chí, số 17, 1931

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: