1

Tuyết rơi trắng xóa nơi đình viện, thiếu niên vùi mặt vào cổ áo lông trắng như tuyết.

Hồ nước bên đình viện được xây một thủy tạ nhỏ, mái sơn son cong cong, từ đó vừa nhìn được về hoa viên, vừa ngắm được hồ nước.

Hồng mai cũng nở rồi, thế mà tuyết vẫn còn rơi, trên mặt hồ vẫn phủ một lớp băng mỏng, kể ra, thời tiết trong kinh thành cũng lạ thật đấy.

Cánh hoa đỏ rơi xuống nền tuyết trắng, thực sự rất đẹp, nhưng lại có chút bi thương, nhìn giống như, giọt máu đỏ thẫm đang rớt xuống.

Thiếu niên lơ đãng nhìn tuyết rơi, trong tay cầm một ly trà nhỏ bằng sứ đã chẳng còn một chút hơi ấm, không chú ý đến phía sau dần xuất hiện bóng dáng một người. Một nam nhân, cũng chạc tuổi thiếu niên nọ, nhưng khí chất lại chẳng được ôn nhuận như người kia, toàn thân hắn toát lên vẻ gì đó chỉ bậc đế vương mới có. Đôi mắt hắn nhìn thiếu niên nhỏ bên kia đầy dịu dàng lưu luyến.

"Nguyên Nhi"

Người kia tiến lại phía thủy tạ nơi thiếu niên nhỏ đang ngồi, tay ôm theo một tấm áo lông, trùm lên đầu thiếu niên nọ.

"Nhớ nhà sao?"

Thiếu niên lảng tránh trả lời câu hỏi của người kia.

"Chắc là trận tuyết cuối cùng của mùa đông nhỉ, đến hoa cũng nở rồi này, tuyết cũng phải ngừng rơi thôi."

Cậu quả thật có chút nhớ nhà, nhưng nhớ nhà cũng phải đợi tới gần mùa hạ. Vùng Đông Bắc vốn lạnh lẽo hơn kinh thành rất nhiều, tuyết rơi hết cả mùa xuân, lão phụ thân nhà cậu thích mùa đông như vậy, đương nhiên phải làm một con gấu trắng lớn ở đó đợi qua mùa tuyết, sau đó gấu trắng lớn mới có thể rời khỏi Đông Bắc, muốn tới đâu thì tới.

"Kha Vũ a, thái tử a, nhớ ngươi đến chết mất thôi."

Thiếu niên đặt chén trà đã lạnh từ lâu xuống bàn đã bên cạnh, choàng lại áo lông vào cho người kia, mình cũng chen chúc vào trong một tấm áo với hắn. Lại vòng tay ôm lấy hắn, vùi mặt vào hõm cổ hắn ngửi lấy mùi hương lành lạnh ẩm ướt của tuyết rơi trên người hắn.

"Lạnh sao?"

Thái tử áp hai bàn tay vào má Nguyên Nhi của hắn, bàn tay lạnh làm cậu rùng mình.

"Ây da ngươi mới lạnh, lạnh chết đi được."

Gia Nguyên tách mình khỏi người hắn, dùng hai bàn tay bao lấy tay người kia. Bàn tay thiếu niên nhỏ hơn tay người nọ một chút, có một ít vết chai do chơi mấy thứ nhạc cụ dây của phương Tây mà thành, ấm áp đặt lên bàn tay Kha Vũ, lại đưa lên miệng hà hơi làm ấm cho hắn.

Thái tử Châu Kha Vũ nhìn Nguyên Nhi của hắn, ánh mắt vẹn mười phần ôn nhu. Mới ngày nào Trương Gia Nguyên từ Đông Bắc xa xôi tới kinh thành, vậy mà đã qua hai mùa đông. Qua mùa đông này, cậu cũng tròn hai mươi rồi.

...

Bàn về chuyện về các vị tai to mặt lớn, hoàng thân quốc thích trong kinh thành, bách tính truyền miệng nhau một câu chuyện, về vị tam hoàng tử trong hoàng cung kia.

Tam hoàng tử khi vừa tròn mười tám, hoàng đế tứ hôn cho hắn cùng trưởng nữ nhà Tôn thừa tướng đương nhiệm, nữ nhi danh gia vọng tộc, tài sắc mười phân vẹn mười vang danh cả kinh thành. Tôn đại tiểu thư gả cho tam hoàng tử, trai tài gái sắc, thiên địa tác thành, không ai chịu thiệt.

Tôn tiểu thư cùng tam hoàng tử vốn là thanh mai trúc mã, nàng lớn hơn tam hoàng tử hai tuổi, nhưng chuyện tuổi tác không phải vấn đề, mà vấn đề chính là nàng đã có người trong lòng. Gả cho hoàng thất là chuyện mọi tiểu thư trong kinh thành đều mơ ước, nhưng đối với Tôn tiểu thư, làm vậy chính là một dao cắt đứt đoạn tình duyên.

Một truyền mười, mười đồn trăm, người ta đồn nhau ở đây rằng tam hoàng tử tính tình hung ác, lúc nào cũng đem theo bộ mặt lạnh như đỉnh núi băng, nói không nói, cười cũng không cười, ngang ngược tàn bạo, đánh người vô cớ, trước đại hôn một tháng vậy mà lại dọa cho Tôn tiểu thư chạy mất.

Mà sự thật, tam hoàng tử chỉ là tính tình hơi lạnh một chút, cũng chỉ là hơi ít nói, gặp chuyện bình thường không đáng cười, hắn liền không cần cười. Tính tình bạo ngược như người ta đồn nhau kia, quả thật không hề có.

Tôn đại tiểu thư Tôn Uyển Nhi quả thực đã có người trong lòng, người đó là nhân sĩ trong giang hồ, quanh năm chu du thiên hạ, trên đường tới kinh thành, vừa vặn ngang qua lúc Tôn Uyển Nhi gặp sơn phỉ trong núi khi đi săn cùng phụ thân, cứu nàng một mạng, từ đó mà dệt thành một đoạn nhân duyên. Tôn thừa tướng mặc dù là quan văn nhưng tính tình ông thoải mái phóng khoáng, nữ nhi nhà mình yêu ai cũng được, miễn là nàng vui vẻ, nàng không vui thì Tôn thừa tướng tới chặt chân hắn là được. Nhưng hoàng đế có lệnh, y thân làm thần tử, bắt buộc phải thuận theo.

Hoàng đế không biết về đoạn nhân duyên của Tôn tiểu thư, nhưng tam hoàng tử dù sao cũng là thanh mai trúc mã của nàng, đương nhiên biết rõ.

Tôn tiểu thư mỗi ngày đều trốn trong phủ sầu não, một tháng trước khi hôn lễ được cử hành, tam hoàng tử mang theo vị kia của nàng tìm tới Tôn phủ.

"Ta giúp hai người trốn đi !"

"Vậy còn ngươi ?"

"Ta không sao, hai người các ngươi trước tiên đi Giang Nam đi, bên đó ta có một sơn trang mẫu hậu để lại, trốn bên đó vài năm, đợi tình hình phía hoàng thành yên ổn, hoặc là sau khi ta thành thân cùng người khác thì hãy quay về."

Tôn Uyển Nhi bất ngờ, khi hoàng thượng ban hôn, hắn không nói tiếng nào, chỉ hành lễ tạ thánh chỉ, nàng cứ nghĩ hắn sẽ như vậy mà đồng ý. Nàng cũng chẳng có ý định chạy trốn, nhưng cũng không muốn thành thân với hắn, cứ như vậy mà nghe theo sắp xếp của tam hoàng tử.

Sau khi lo liệu ổn thỏa cho Tôn tiểu thư trốn đi, tam hoàng tử lại tung tin đồn nàng vì sợ tính tình bạo ngược của tam hoàng tử mà chạy trốn, không muốn gả cho hắn.

Tôn tiểu thư chạy trốn, hoàng thượng ắt sẽ cho người đi tìm. Nhưng chưa kịp ra lệnh, tam hoàng tử đã mang lễ vật vào thú tội trước hoàng thượng.

Hoàng thượng có một chút dung túng cho đứa con trai này, nhận lễ vật, cũng không một lời trách tội hắn. Sau khi tam hoàng tử rời đi, y liền ôm đầu cảm thán:

"Không uổng là nhi tử của trẫm, đứa nhỏ này, quá giống trẫm rồi."

Ba mươi năm trước, hoàng thượng khi còn là thái tử, cũng vì một người không muốn làm thái tử phi của hắn, để người ấy tự do.

Trước kia, thiên tử đều sớm sắc phong thái tử, để bồi dưỡng thái tử cho tốt. Nhưng đến đời hoàng đế Châu Thừa Thiên, đại hoàng tử lớn tuổi nhất đã hai mươi ba, vị trí trữ quân vẫn còn để trống. Triều thần không dám đoán ý thánh thượng, nhưng trong lòng đều nghĩ, vị trí Đông cung thái tử kia, chỉ là lựa chọn giữa đại hoàng tử và tam hoàng tử.

Năm tam hoàng tử bốn tuổi, tiên hoàng hậu Cao thị cùng hoàng thượng đi Nam Kinh xem chuyện đất đai mùa màng, nhưng trên đường quay về hoàng cung, có kẻ muốn ám sát thiên tử, tiên hoàng hậu vì đỡ cho y một mũi tên độc, mà tam hoàng tử mất đi mẫu hậu.

Cũng là vì lý do đó, mà hoàng thượng đối với tam hoàng tử, có một phần bao dung hơn bất cứ đứa con nào khác.

Tiên hoàng hậu qua đời, hoàng thượng cũng không giao hắn cho bất cứ phi tần nào, mà thẳng tay giao cho thái hậu nuôi dưỡng, lại thường xuyên gọi vào trong cung nghe chuyện triều chính. Đứa nhỏ thiếu đi tình thương của mẫu thân, nhưng đổi lại được ở gần thiên tử, sớm được nhìn thấy thiên tử trị quốc như thế nào.

Ba năm trôi qua, triều thần can gián, hoàng đế sắc phong hoàng quý phi La thị làm kế hoàng hậu. Nàng ta sinh được hai hoàng tử, một công chúa. Đại hoàng tử và thất hoàng tử là nhi tử của nàng.

So sánh giữa Cao gia và La gia, thì Cao gia có cao quý hơn vài bậc. Cao gia gốc ở Giang Nam, năm xưa tổ phụ Cao gia đề danh bảng vàng, hoàng đế triệu vào cung làm quan lớn, bao đời sau nhà họ Cao đều thịnh vượng, mấy trăm năm từ khi nhà Châu trị quốc đều có Cao gia phò tá. Xét về La thị, từ đời La lão gia La gia mới có được chút tiếng tăm. Nếu nói Cao gia nhiều đời đã có chỗ đứng trong kinh thành, thì La gia chỉ là thế gia mới nổi. Nếu lấy nhà ngoại làm gốc để đoán ai hợp với vị trí trữ quân hơn, thì ắt hẳn đó là tam hoàng tử.

Kế hoàng hậu cũng biết vậy, nên nàng ta càng không mong hoàng thượng ban hôn cho tam hoàng tử với một gia tộc lớn. Chuyện Tôn tiểu thư biến mất trước đại hôn, người mừng vui nhất chính là nàng ta.

Chuyện đại hôn của tam hoàng tử đến đoạn đó cũng kết thúc, triều thần có bàn ra tán vào, nhưng bàn tán cũng chỉ là ngoài miệng, chuyện tam hoàng tử đại hôn cũng không có vấn đề gì để dâng sớ.

Tam hoàng tử cũng đến tuổi có thể ra ngoài thành gia kiến phủ. Gia tuy không thành, nhưng phủ thì vẫn có thể kiến.

Tam hoàng tử Châu Kha Vũ mười tám tuổi nhận tước phong Thân vương, lấy hiệu một chữ Dụ, gọi Dụ Vương.

Dụ Vương phủ nằm trên đường lớn của kinh thành, mấy vị tiểu thư đi qua đều ước mơ một ngày trở thành nữ chủ nhân vương phủ. Tiếc thay, trong phủ một năm nay trừ một vị quản gia họ Tô trước kia là nhũ mẫu của tam hoàng tử, thì không có lấy bóng dáng một nữ nhân.

Châu Kha Vũ bản tính thông minh, Châu đế rất tâm đắc đứa con trai này, mỗi ngày đều gật gù đứa con này giống trẫm.

Năm ấy thiên tai, nạn dân vùng biển phía nam chạy về hướng kinh thành, hoàng thượng thẳng tay phê sớ về chuyện chi bạc, mở kho lương cứu đói cho bách tính. Cứu được bách tính khỏi gặp nạn, nhưng nạn lại chuyển về tới quốc khố. Thu ít chi nhiều, thành ra hao hụt, phải nghĩ kế sách làm sao mà bù vào cho đủ.

Hoàng thượng tính toán đong đếm, tăng thuế tăng tô thì đơn giản, nhưng năm trước đã tăng nhiều, năm nay mà tăng nữa thì quả thực không ổn, thậm chí có thể dẫn đến nổi loạn.

Châu đế mấy đêm mất ngủ, thắp nến suy tư, đến chuyện phi tần cũng không cần đoái hoài.

Giữa lúc ấy, tam hoàng tử hiến kế, là học từ phương Tây, thay vì dùng bạc, thì trao đổi hàng hóa bằng một loại giấy, để người dân có bạc tích trong nhà đổi lấy giấy đó dùng thay cho bạc là được. Còn chuyện tờ giấy đó có thể làm giả hắn cũng đã nghĩ tới, dùng loại giấy đặc biệt được mấy xưởng giấy tạo ra, in dấu chìm của hoàng gia, cái loại duy nhất mà xưởng của hoàng gia làm được, gọi tờ đó là thương phiếu.

Phương pháp thì đã nghĩ ra, nhưng thực hiện như thế nào mới là quan trọng, mà phải có người đi đầu, có người dám chi bạc để đổi lấy thương phiếu, thì sau đó mới có người dám làm theo. Đột nhiên lại giao một số bạc lớn vào trong tay triều đình, quá mạo hiểm, đâu có ai dám làm như thế.

Bấy lâu nay hậu cũng vắng bóng hoàng thượng, có chút lạnh lẽo. Kế hoàng hậu La thị cũng tỏ ý muốn vì Châu đế phân ưu, nàng bóng gió rằng, muốn giải quyết chuyện kia, chi bằng tìm một gia tộc nào giàu có, nhưng không có người đương chức trong triều, liên hôn, lúc ấy muốn hỏi chuyện đổi bạc nhà họ cũng không dám từ chối.

Hoàng thượng đang đầu gối tay ấp cùng nàng, nghe vậy mà bật dậy đi thẳng vào đại điện, để nàng ta một lúc sau mặt mày nhăn nhó, răng nghiến ken két. Thế mà y không nghĩ được ra. Nhưng tìm nhà giàu, biết tìm ở đâu. Mà muốn liên hôn, thì liên hôn với đứa nhỏ nào.

Châu đế ngẩng đầu nhìn mặt trăng, bỗng nhiên lại nhớ đến lão bằng hữu đang làm con gấu trắng mập mạp giàu có ở vùng Đông Bắc kia. Nhà hắn có nữ nhi, đưa gả vào trong cung đương nhiên là có thể. Vốn đã có phú quý, nay lại có thêm hoàng quyền, chính là miếng mồi lớn mà các nhà phú thương thường nhòm ngó.

Tuy rằng lão bằng hữu của y không ham quyền thế tới vậy, nhưng để hắn tự dao bao năm nay, cũng tới lúc phải xắn tay áo lên giúp đỡ quốc gia rồi.

Lão gấu trắng rời kinh thành bao năm nay, đi về phía bắc xây dựng gia tốc, giàu có một phương, xa thiên tử, nhưng không có nghĩa là thiên tử không biết, chẳng qua là tô thuế lão gấu trắng nộp đủ, nên y cũng chẳng thể có ý kiến gì.

Sáng sớm mùa hạ, lão gấu trắng họ Trương nhận thư từ kinh thành, tức tới nỗi phải ngồi xuống ấn nhân trung.

Lão cẩu hoàng đế này, tức chết lão nhân gia ta đây rồi mà.

"Trương Phong Hoa, lão bằng hữu tốt của ta. Gần ba mươi năm nay ngươi không về tới kinh thành, mặc dù vẫn có thư từ qua lại, nhưng ta quả thật vẫn có chút nhớ mong. Mặc dù biết ngươi ở Đông Bắc cùng phu nhân và đám nhỏ rất vui vẻ, mỗi năm đều có lễ vật gửi vào cung, nhưng ta là muốn nhìn thấy cái bản mặt của ngươi, chứ lễ vật chỉ là phụ. Ây da, làm hoàng đế, mỗi đêm đều đau đầu lo thế nào để quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cốt cũng chỉ để lão bằng hữu tốt của ta có được cuộc sống bình bình an an. Nay quốc gia vướng vào chuyện quốc khố hao hụt, có phải ngươi nên ra tay giúp đỡ lão bằng hữu này một chút không ?

Lại nói, ta đâu có bắt ngươi giúp không đâu. Nữ nhi nhà ngươi ấy à, gả vào kinh thành, làm hoàng tức (con dâu) của ta, đảm bảo một đời nữ nhi ngươi không phải lo lắng, nhi tử ta ấy à, nó không có ý định nạp thiếp thất nên ngươi yên tâm, nó mà bội bạc nữ nhi nhà ngươi, ta liền đánh gãy chân nó."

Trình bày rất cụ thể, cũng tỏ ý thân thiết, không hề phân quân thần, thậm chí còn không thèm xưng trẫm, đúng văn phong thường ngày của cẩu hoàng đế. Nhưng Trương gia có duy nhất một vị tiểu thư, đã xuất giá ba năm trước, Châu đế thậm chí còn ban lễ vật, nói là quà mừng. Mới có ba năm mà đã nhanh quên như vậy, đúng là trong đầu hắn ngoài hậu cung phi tần ra thì chỉ có công vụ, đến chuyện bằng hữu tốt đã gả nữ nhi ra ngoài cũng quên mất.

Hai vị quân thần này với nhau vừa có ân tình, lại vừa có ẩn tình. Trương gia trước kia vốn ở kinh thành, gia chủ Trương gia trước kia thấy tiểu công tử Trương Phong Hoa thông minh, văn võ đều tinh thông, liền dựa vào giao tình với quốc cữu, là đệ đệ ruột của thái hậu bây giờ, để cho Trương Phong Hoa vào quốc tử giám đọc kinh thư cùng các hoàng tử. Hợp người hợp tính, thành ra, Trương Phong Hoa cùng Châu Thừa Thiên khi đó còn chưa được phong thái tử kết làm bằng hữu.

Mấy năm sau, Châu Thừa Thiên được sắc phong thái tử, hai người bọn họ trừ lúc thái tử phải vào triều và đêm đi ngủ thì đều dính lấy nhau đọc sách luyện võ. Hai vị công tử anh tuấn tiêu sái đi cùng nhau, khiến nhiều vị tiểu thư trong kinh thành ao ước, không thể vào cung làm phi thì gả vào Trương gia cũng là lựa chọn không tồi. Châu Thừa Thiên làm thái tử, không tránh khỏi một đợt sóng gió trong nội cung nổi lên, muốn đạp y xuống. Trương Phong Hoa thường ở bên cạnh y, lại thường chú ý tiểu tiết, được thêm cái mũi thính phân biệt được mùi hương liệu, dược liệu rất tốt, hôm ấy nhìn thái độ của cung nữ dâng trà bánh ba phần kì lạ, không khỏi đề phòng, quả nhiên phát hiện trong bánh đậu xanh có bất thường, cho người tra, đúng thật là có bỏ độc. Làm rõ sự tình, hóa ra là quý phi có ác ý, muốn độc chết thái tử. Trương Phong Hoa xem như cứu thái tử một mạng, là mang phần ân tình. Còn phần ẩn tình, thì có một chút khó nói.

Trương Phong Hoa có tài có trí, lại càng có dũng, nhưng hắn buông thả quanh năm, chỉ muốn đọc sách, không muốn thi cử làm quan, có ép hắn cũng không muốn làm. Khi đó Châu Thừa Thiên hứa với hắn, nếu y làm hoàng đế, sẽ tuyệt đối không bắt hắn làm quan, nhưng nếu quốc gia có biến, muốn hắn đưa hai tay, thì nhất định phải đưa cả hai.

Trương lão gia vội vội vàng vàng soạn một phong thư, nói sẽ về kinh, giao cho người chuyển về cung cho hoàng thượng.

Lão hoàng đế mới gần năm mươi, mở phong thư mới đập bàn một cái, dọa cho công công đứng bên cạnh y mài mực giật nảy mình. Y vậy mà lại quên mất, nhà lão gấu trắng chỉ có một nữ nhi, đã gả ra bên ngoài. Nhưng đầu lão hoàng đế lại lóe lên một ý, Trương gia sinh được hai nhi tử, hay là...

Nghĩ ngợi một lúc, Châu đế vẫn là chắp bút, viết xuống một câu.

"Vậy thì nữ nhi hay nhi tử đều không quan trọng, cứ đưa theo một đứa, gả vào cung, liên hôn. Có thể gả đứa nhỏ đi, vì nhi tử của ta tuổi cũng không lớn."

Y chống tay lên trán thêm nửa khắc, lại viết thêm.

"Còn chuyện quốc khố, ngươi cũng đừng quên."

Vốn đã gấp thư vào, hắn lại mở thư ra, dứt khoát đề thêm câu thứ ba.

Chậc lưỡi một tiếng, dứt khoát bỏ thư vào bao, giao cho thân tín cấp tốc mang tới Đông Bắc. Dặn dò cẩn thận tới nỗi thân tín của y tưởng như hắn đang truyền tin mật trên chiến trường vậy.

Chưa tới một tuần, bức "mật thư" của hoàng thượng đã được đưa tới Đông Bắc. Trương lão gia vừa đọc vừa run. Không phải hắn run sợ, mà là tức tới run người. Cẩu hoàng đế quả nhiên là cẩu hoàng đế, ỷ thế hắn thấp cổ bé họng không lật được hoàng cung lên, không đòi được nữ nhi nhà họ Trương, liền đòi tới nam nhi.

Trương gia vốn là gia tộc giàu có trong kinh thành, nhiều đời làm quan, đến đời phụ thân của Trương Gia Nguyên thì không thích làm quan nữa, Trương gia chủ khi ấy mới hai mươi tuổi chỉ muốn làm một phú thương giàu có không dính dáng đến tranh đấu quyeend lực trong triều đình.

Trương lão gia năm đó vừa thành thân liền dẫn cả Trương gia dời tới Đông Bắc, hắn nói, hắn thích vùng lạnh, chi bằng lên đó làm một con gấu trắng lớn giàu có. Trương gia buôn bán ngày càng phát tài, trở thành giàu có nhất nhì vùng Đông Bắc, đến mấy phú thương ở kinh thành còn phải nể nang nhà họ Trương vài phần. Giàu có như vậy, nhưng tuyệt nhiên Trương gia không theo một phe cánh nào trong triều, nhiều thế gia trong kinh thành lắc đầu tiếc nuối, giá như nhà họ giàu bằng một nửa Trương gia, lại có mối quan hệ với thánh thượng, đã nhanh chóng chiếm được một chức quan lớn trong triều.

Trương lão gia không tam thê tứ thiếp, chỉ cưới vào nhà một phu nhân. Trương phu nhân tính tình nhu h òa, tướng mạo xinh đẹp, là nhị tiểu thư trong một nhà thương nhân bán vải ở phía đông kinh thành. Năm đó cưới gả xong xuôi, nàng theo Trương lão gia khăn gói đi Đông Bắc lập nghiệp. Cũng nhờ quán xuyến việc nhà tốt, Trương gia thịnh vượng như hiện tại, công lao của nàng không hề nhỏ.

Trương gia sinh được một tiểu thư, hai công tử. Đại tiểu thư qua hai mươi tuổi mới gả ra ngoài, cưới một nhà buôn nay đây mai đó, qua cả phương Tây, mang những thứ đồ xinh đẹp kì lạ về đổi lấy được rất nhiều bạc. Trương gia là nhà phú thương, nữ nhi quả nhiên không hề tầm thường. Cầm kỳ thi họa nàng có thể không thạo, nhưng việc sổ sách vào tay nàng chắc chắn không lệch một li. Cũng vừa cuối năm trước, Trương tiểu thư sinh cho Trương lão gia đứa cháu nhỏ mập mạp kháu khỉnh, Trương lão gia mở tiệc mừng tới ba ngày, là Trương tiểu thư ngăn lại, nếu không chắc hẳn tiệc cũng kéo dài tới nửa tháng.

Hai vị thiếu gia nhà họ Trương cách nhau gần bốn tuổi, nhị thiếu gia mùa xuân năm nay vừa tròn mười tám. Trương tiểu thiếu gia tướng mạo thanh tú, nhưng không phải kiểu thanh tú của nữ nhân, Trương phu nhân mỗi ngày đều cảm thán, làm sao mà nàng có thể sinh ra đứa nhỏ đáng yêu như thế, cứ tiện tay liền đưa lên hai bên má của đứa con trai nhỏ mà nhào nặn. Nàng thường nói đùa, đứa nhỏ này nhìn mà thấy ghét, ngoài hai bên má có chút thịt, còn lại toàn thân chỗ nào cũng cứng, toàn xương là xương, đánh muốn đau cả tay, nuôi mãi mà không béo lên được.

Trương đại thiếu gia Trương Đằng tướng mạo tuấn tú, lại tài giỏi. Tuổi còn trẻ, nhưng việc làm ăn trong nhà Trương lão gia đã cho hắn quản tới quá phân nửa, là cánh tay phải của lão phụ thân. Xem ra, tương lai nhà họ Trương đều phụ thuộc vào tay Trương gia đại thiếu. Gia quy nhà họ Trương khác với gia tộc bình thường, Trương lão gia cũng không quản nhi tử nhà mình, sống thế nào vui vẻ là được, miễn là đừng làm mất mặt Trương gia. Trương Đằng tự nguyện tiếp quản việc nhà, Trương lão gia không ép. Thế nhưng, hắn đã ngoài hai mươi, nhiều cô nương muốn gả vào Trương phủ, hắn vẫn ung dung như thế, chẳng muốn thành thân.

Lại nói về Trương tiểu thiếu gia. Trương Gia Nguyên không quá hứng thú với việc kinh thư, lại càng không có hứng đọc đao pháp học võ. Từ khi cậu còn rất nhỏ, Trương lão gia xách về mấy thứ nhạc cụ phương Tây, tiểu hài tử thấy lạ, thành ra yêu thích, Trương lão gia cưng chiều cậu, bỏ bạc ra đi tìm thầy về dạy. Trương tiểu thiếu gia tuy chuyện đọc sách không so được với người ta, nhưng cầm nghệ thì cả vùng Đông Bắc hiếm có ai so được với cậu. Trương Gia Nguyên mười hai tuổi được Trương lão gia tặng cho một kiểu nhạc khí phương Tây sáu dây, dùng tay gảy, cậu xem như bảo bối, còn gọi nó là tiểu tình nhân.

Trương Gia Nguyên không có quy củ, giống như sói nhỏ hoang dã, nhưng tuyệt nhiên chưa từng làm Trương gia xấu mặt, Trương lão gia thấy vậy cũng mặc kệ tiểu thiếu gia tự tung tự tác. Trương Gia Nguyên thường xuyên ra vào tửu lâu, nhưng uống rượu chỉ là phụ, nghe người ta đàn hát mới là chủ yếu. Tiểu thiếu gia còn biết viết cầm khúc, lúc tìm cảm hứng sẽ đi tìm trộm rượu của Trương lão gia, vì hắn cất được toàn rượu ngon, hạ nhân trong nhà vẫn thường được xem cảnh Trương lão gia cầm gậy đuổi tiểu thiếu gia chạy vòng quanh phủ.

Chuyện cưới gả với hoàng tử, Trương lão gia đã bàn trước với phu nhân, nàng cũng không tỏ thái độ quá gay gắt, nàng chỉ nói, cứ nói thẳng với Trương Đằng và Trương Gia Nguyên, để cho hai đứa nhỏ tự quyết, không ai muốn đi thì lại tính toán tiếp.

Hai vị phụ mẫu Trương gia đem chuyện bàn với hai vị tiểu chủ, trong lúc Trương Đằng trầm tư suy nghĩ, Trương Gia Nguyên đã nhận lời.

"Phụ thân, gả cho hoàng thất thì có gì sợ chứ, dù sao con cũng là nam nhân, một thời gian hắn chán con, lúc ấy con trở về là được."

"Ngươi đi?"

Trương Đằng vốn đang tính chuyện nếu cả hắn và đệ đệ không muốn vào kinh thì phải làm sao, nghe đệ đệ nói vậy, có chút hốt hoảng.

Tiểu tử này lần trước trốn nhà tới kinh thành chơi, gặp nạn, may mắn mà gặp được người tốt, được người ta đưa về tận Trương gia, không biết lần này lại muốn tới kinh thành làm cái gì.

Trương Gia Nguyên là một tiểu hài tử hiểu chuyện, bao nhiêu năm nay việc nhà không đến tay cậu lo, phụ thân và huynh trưởng dung túng cho cậu rất nhiều. Trương tiểu tiếu gia nghĩ, cũng tới lúc mình gánh vác chuyện trong Trương gia rồi.

Trương Đằng quản tới hơn nửa chuyện làm ăn trong nhà, để hắn đi thì chuyện làm ăn chẳng lẽ lại để cho Trương lão gia lo liệu, Trương Gia Nguyên thì vốn dĩ chẳng quá bận tâm. Nên chắc chắn, người duy nhất trong nhà có thể vào kinh thành là Trương Gia Nguyên.

Dù sao cậu cũng không phải nữ nhân, mất được miếng da thịt nào cơ chứ. Hơn nữa, mới hồi mùa xuân, bằng hữu tốt Phó Tư Siêu của cậu ở kinh thành gửi thư tới, nói mới kết giao được với một vị cũng chơi nhạc khí Tây phương, muốn cậu tới kinh thành một chuyến, mau chóng cùng nhau tụ tập lại bàn luận.

Lại nói về vị bằng hữu tốt này, Trương Gia Nguyên cùng hắn kết giao vào hai năm trước, trong cái lần cậu trốn nhà tới kinh thành mà gặp phải đám thổ phỉ trên đường quay về kia. Phó Tư Siêu cũng là thế gia công tử, cũng yêu thích âm luật, lại tìm được mấy thứ nhạc khí phương Tây, gặp phải Trương Gia Nguyên, giống như gặp lại huynh đệ từ kiếp trước, nhìn mặt, xã giao vài câu, liền thành thân quen.

Trương Gia Nguyên lên kinh thành lần này, không phải đi một mình, vì ngoài chuyện cưới gả, Trương lão gia cũng phải vào kinh, bàn cho tốt chuyện thương phiếu đổi bạc mà Châu đế nói trong thư.

Trước lúc từ biệt mẫu thân và ca ca để lên đường, đàn của Trương Gia Nguyên vậy mà bị nứt. Trương lão gia có ý muốn cậu để ở Trương gia, đợi tỷ tỷ mùa đông sang phương Tây tìm cho cậu một chiếc mới. Trương Gia Nguyên vẫn nhất quyết muốn mang nó theo, dù sao cũng là đồ phụ thân tặng cho, lại theo cậu hơn năm năm nay, nó không chỉ là tiểu tình nhân của cậu, mà còn là một Trương Gia Nguyên nữa.

Từ Đông Bắc tới kinh thành mất gần mười ngày đi đường. Hai cha con nhà họ Trương thong thả, vừa đi vừa du sơn ngoạn thủy, Trương lão gia đang cố ý trêu tức lão cẩu hoàng đế trong cung kia, thành ra mất hơn nửa tháng mới vào tới cổng thành.

Trương lão gia yêu thích cái thời tiết lạnh cắt da cắt thịt ở Đông Bắc, hắn ngồi bên lò sưởi, cuộn trong tấm áo lông thú dày, đôi mắt lim dim, tay mân mê ly trà, tới nỗi Trương phu nhân cảm thấy lão gia nhà mình không khác gì gấu đang ngủ đông. Trương lão gia thích vậy, nhưng Trương Gia Nguyên thì không, so với thời tiết ở kinh thành, thì kinh thành vẫn là tốt hơn một chút. Trương Gia Nguyên không sợ lạnh, nhưng lại không thích trời quá lạnh, vì như vậy cóng tay, không chơi được đàn.

Mùa đông ở Đông Bắc là mỗi ngày tuyết đều rơi trắng xóa, mặt sông hồ đều phủ một lớp băng dày, ngồi cả ngày chẳng lo băng vỡ. Mùa đông ở kinh thành cũng lạnh, nhưng tuyết không dày như phía bắc, cũng không cần mỗi ngày quấn trên người tấm áo choàng dày như chăn bông.

Trương Gia Nguyên lúc nhỏ đã từng nghe loáng thoáng về chuyện của phụ thân và đương kim thánh thượng, là do mẫu thân cậu kể lại. Chính là đoạn ân tình kia, cùng một mẩu chuyện nhỏ nữa, nàng vừa kể cho đứa nhỏ nghe, vừa cười như bắt được vàng.

Đại loại là, Châu đế khi ấy vẫn còn là thái tử, muốn phụ thân cậu làm thái tử phi, thế nhưng hắn chỉ coi thái tử là huynh đệ tốt. Một ngày, huynh đệ tốt của ngươi muốn ngươi gả cho hắn, Trương lão gia khi ấy lại chỉ một lòng một dạ với Trương phu nhân, mặc dù chưa có đính ước, nhưng mỗi ngày hắn đều trốn trong phủ, vì sợ đi ra đường lớn liền gặp phải người của thái tử, bị ép gả vào cung.

Thái tử khi đó cũng không phải kẻ ép người quá đáng, hắn không muốn gả, liền không ép nữa. Nhưng Trương lão gia vẫn lo sợ, nhanh nhanh chóng chóng mang lễ vật tới hỏi cưới Trương phu nhân, nàng vừa vào Trương phủ chưa bao lâu, cũng vừa mới hạ sinh Trương đại tiểu thư, Trương lão gia liền kéo cả nhà về phía bắc. Nàng nghe theo phu quân, Trương lão gia đi đâu, nàng theo đó, mãi sau này mới biết được chuyện xưa, Trương lão gia bị nàng cười cho một trận.

Trước khi Trương Gia Nguyên theo phụ thân vào kinh, Trương phu nhân kéo cậu lại, dặn dò đủ thứ việc.

"Ngươi ấy à, vào kinh thành, ngay dưới mắt thiên tử, nhớ bớt bớt lại cái thói nghịch ngợm, chú ý một chút lễ nghi. Gả cho người ta rồi, mặc dù đều là nam nhân, nhưng cũng đừng phi lễ. Lúc ấy, mẫu thân có ba đầu sáu tay cũng không cứu được ngươi."

"Mẫu thân, con cũng không phải nữ nhân, da dày thịt béo..."

Trương phu nhân tay cầm quạt lụa, mạnh tay đánh cậu.

"Nguyên Nhi, mẫu thân nói ngươi phải nghe chứ. Ai dà, chiều ngươi quá, tới một chút dáng vẻ của thế gia công tử ngươi cũng đánh rớt hết rồi."

Trương Gia Nguyên tính tình nghịch ngợm, cũng chỉ muốn chọc cho mẫu thân vui vẻ. Nhưng, đứa nhỏ này quả thực rất hiểu chuyện. Nhi tử nhà mình, đương nhiên Trương phu nhân biết, cũng chỉ là muốn dặn dò một vài câu.

"Mẫu thân à."

Trương Gia Nguyên ôm lấy nàng, hơi dụi đầu vào cổ nàng.

Đứa nhỏ này, làm nàng rơi lệ rồi. Lần này vào kinh thành, có thể rất lâu nữa nàng mới được gặp lại Nguyên Nhi của nàng.

"Nếu hắn đối xử với con không tốt, thì cứ chạy về, kể cả phụ thân hắn có là hoàng đế, thì Trương gia ta cũng không sợ. Cùng lắm thì..."

"Mẫu thân."

"Hửm"

"Người nghĩ con dễ bị người ta bắt nạt như thế à?"

"..."

"Người yên tâm đi, con nhất định không làm xấu mặt Trương gia."

Mùa hạ ở Đông Bắc không nóng, cuối hạ lại càng mát mẻ, Trương Gia Nguyên từ biệt mẫu thân cùng ca ca Trương Đằng theo Trương lão gia lên xe ngựa vào kinh.

Châu đế phái người tới Đông Bắc hộ tống cha con Trương lão gia về kinh, đảm bảo hai người họ không mất một sợi tóc nào.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top