Chương 2

Tôi nhìn kỹ xung quanh, không thấy Châu Kha Vũ, nhưng thấy vu bà nói "sắp đến giờ rồi", sau đó bà ta không biết từ đâu lấy ra một cái mặt nạ dữ tợn rồi đeo vào. Cùng lúc đó, Tử Cát nâng một cái chuông đồng có khắc hoa văn đơn giản lên, bàn tay khô héo điên cuồng đung đưa, tưởng như có thể làm quả lắc văng ra bất cứ lúc nào.

Từ ngoài sân, đến linh đường rồi dừng lại trước quan tài, vu bà theo nhịp điệu đều đặn của tiếng chuông chiêu hồn, dùng cái thân thể già nua tàn tạ, múa một vũ điệu cổ quái.

Tôi vừa phỉ nhổ cái điệu nhảy khó coi kia, vừa không tự chủ được, cả thị giác lẫn tinh thần đều bị từng bước nhảy kia hấp dẫn, hơn nữa theo điệu nhảy cùng tiếng chuông, trí nhớ đã mất như đèn kéo quân, từng chút được đánh thức. Tất cả chuyện cũ dần dần trở nên rõ ràng, từng mảnh từng mảnh như bóng ma hiện ra trước mắt.

Đến khi hoàn hồn, tôi bỗng nhớ tới bản thân từng một mình bước đi ở con đường nơi minh phủ hoang vắng. Mỗi bước đi, quanh mình lại xuất hiện một mảng lớn mạn châu sa hoa đỏ tươi giao với nước sông Vong Xuyên. Tôi từng bước một đi xuống, nước sông không quá mắt cá, mỗi một bước, xung quanh liền hiện lên từng mảng đỏ như hoa sen đỏ rực.

Mà giữa sông Vong Xuyên, có một đình viện cao gọi là "Vong Xuyên Thai".

Tử linh tại Vong Xuyên, đến Vong Xuyên Thai có thể quay đầu nhìn lại cố hương và người mình luyến tiếc lần cuối, sau đó đi về phía trước, những chuyện cũ sẽ tựa như mây khói, hoàn toàn tiêu tán.

Cuối cùng, đi đến cầu Nại Hà nối liền kiếp này và kiếp sau, qua cầu, sẽ là tân sinh.

Mà tôi, đứng ở Vong Xuyên Thai, ngoảnh đầu nhìn lại, một cái liếc mắt kia, chỉ thấy một mảng phế tích, không có lấy một bóng người. Sau đó, tôi không kịp phòng bị liền nhìn thấy một đôi đồng tử trắng dã đục ngầu.

Tiếp theo, liền bị vu bà được nhà họ Châu thỉnh đến câu trở về nhân gian

Nhưng họ không nắm chắc tốt thời cơ, tôi bị cặp đồng tử trắng dã dọa sợ, sớm hơn một chút từ trên Vong Xuyên Thai bước xuống.

Chính khoảnh khắc đó, ngón chân chạm nhẹ một cái, nước Vương Xuyên đã giúp tôi gột rửa hoàn toàn, quên đi tất cả chuyện cũ cùng trói buộc.

Thì ra tôi mất trí nhớ không phải vì vết thương, mà do hiệu quả của nước Vong Xuyên nơi minh giới.

Những bước nhảy của vu bà ngày càng trở nên phức tạp, tiếng chuông chiêu hồn của Tử Cát vang lên ngày càng nhanh.

Những ký ức đáng lẽ tôi đã phải quên trước khi đầu thai chuyển thế, cuối cùng lại từng đợt từng đợt ùa về trong tâm trí, trần duyên của tôi, nghiệp chướng của tôi.

Thời điểm này, tuổi ở vương thân, năm 1932 sau Công Nguyên.

Một năm trước đó, là một năm cay đắng, năm 1931 của phong vân biến đổi.

Cũng là cái năm tôi gặp được Châu Kha Vũ.

Mười tám năm trước, ngày 8 tháng Giêng, ngày tôi được sinh ra.

Tôi lấy thị giác của người thứ ba, quay về, nhìn thấy Trương Gia Nguyên trong ký ức của mình, nhìn Tiểu Gia Nguyên lớn lên trong sự che chở của cha mẹ.

Tiểu Gia Nguyên sinh ra trong một gia đình bình thường, ấm áp ở Dinh Khẩu, Đông Bắc, Trung Quốc.

Kỳ thực, nhà họ mang họ Trương, gia tộc cùng hậu thế là Quan Tây sứ quân nổi tiếng nhất ba tỉnh miền Đông, cũng có thể coi như họ hàng xa.

Nhưng cha cậu không ham quyền lực, vì vậy vui vẻ làm một tiên sinh dạy học hòa ái nho nhã.

Ông trời sanh tính tình ôn hòa, đôn hậu, lại cố tình sinh ra một Trương Gia Nguyên hỗn thế ma vương, ngang tàn phá phách.

Có lẽ do gen di truyền từ mẹ, mẹ cậu xuất thân nông thôn, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, dũng mãnh, thanh danh cọp cái truyền khắp mười dặm tám thôn.

Nhưng Tiểu Gia Nguyên biết mẹ mạnh mẽ như vậy là để bảo hộ chính mình cùng gia đình, nhưng khi đóng cửa, cậu rõ hơn ai hết vòng tay mẹ có bao nhiêu ôn nhu cùng ấm áp.

Một người cha nghèo khổ, mỗi ngày đều sẽ đọc một đống thơ văn cổ.

Ban đầu ông thích Lý Bạch, Tô Thức, Vương Duy, Tào Uyên Ninh.

Sau lại thích Đỗ Phủ, Bạch Cư Dịch, Khuất Nguyên, Lý Hoàng.

Tiểu Gia Nguyên từ góc nhìn của kẻ thứ ba, xem đến đoạn ký ức này, lắng nghe từng bài thơ mà cha thường tụng.

Từ "Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam sơn", "Hành đáo thủy cùng xử, tọa khán vân khởi thì", "Quy khứ, dã vô phong vũ dã vô tình"; đến "Khả liên thân thượng y chính đan, tâm ưu thán tiện nguyện thiên hàn", "Thị tuế giang nam hạn, cù châu nhân thực nhân", "Trường thái tức dĩ yểm thế hề, ai dân sinh chi đa gian!" (*)

Khi cha dùng cái chất giọng bi ai trầm buồn mà niệm: "Quan sơn nan việt, thùy bi thất lộ chi nhân; bình thủy tương phùng, tẫn thị tha hương chi khách (**) ... Cũng là lúc Tiểu Gia Nguyên trong quá khứ trưởng thành, đã là một thiếu niên tuấn tú dương quang.

Vô tâm vô phế mà trưởng  thành, bất chấp Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc hay lãnh chúa nắm quyền ở Đông Bắc đã thay đổi vài lần, Trương Gia Nguyên, vẫn là cậu bé sống trong ngôi làng nhỏ, vẫn sẽ cố ý trốn học đi bắt cá trên con sông sau núi, trèo cây mò chim, vô cùng tự tại.

Sau khi chơi tung tăng cả một buổi sáng, thiếu niên Trương Gia Nguyên mới chuẩn bị về nhà, mùa màng bội thu, nhưng lúc này cả ngọn núi dường như rung chuyển, tiếng động lớn đến đinh tai nhức óc.

Cậu ném cả cá cùng trứng chim trong tay, hoảng sợ chạy xuống núi về nhà.

Hôm đó là ngày 19 tháng 9 năm 1931 sau Công Nguyên.

Có lẽ trong dòng sông dài lịch sử, đây là một ngày không đáng chú ý.

Nhưng trước ngày đó, biến cố ngày 18 tháng 9 lại gây chấn động khắp trong và ngoài nước.

Sau phát đại bác đầu tiên, quân đội Nhật Bản lòng lang dạ thú nhanh chóng sử dụng vũ lực, xâm chiếm toàn bộ vùng Đông Bắc.

Tin tức về chính biến còn chưa kịp về đến Dinh Khẩu, con sói đói từ lâu đã nhìn chằm chằm miếng mồi hằng mong ước, đã kiếm cớ tìm đến.

Trương Gia Nguyên thở hồng hộc chạy xuống núi, nhất thời còn tưởng rằng chính mình không cẩn thận đi vào giữa địa ngục, thôn trang thuần phác yên bình giờ phút này bị tàn phá đến tan hoang, máu chảy thành sông, tiếng than khóc khắp nơi ...

Mà nó phải gánh chịu loại tai họa này, chỉ là đơn giản vì quan trên hành quân qua đây, tàn sát đến nghiện.

Trương Gia Nguyên cảm thấy bản thân không còn chút sức lực nào, đầu váng mắt hoa, nghiêng ngả lao đảo tìm kiếm nửa ngày cũng không tìm được nhà của mình, đống đổ nát trước mắt này sao có thể là tổ ấm nhỏ vững chãi ấm áp của cậu?

Trong đống đổ nát, người mẹ bị nổ đến không thể nhận ra hình dáng, gắt gao ôm chặt cha trong lòng, nhưng có tác dụng gì, coi như để cha rời đi nguyên vẹn một chút sao?

Mẹ gắt gao che cho cha, còn cha, gắt gao che chở mảnh vải nhỏ trong lòng bàn tay.

Lưu lại cho thiếu niên Trương Gia Nguyên 17 tuổi.

Cha, trong đoạn cuối của sinh mệnh, cắn nát ngón tay, dùng máu tươi, trên tấm bạch bố rách nát để lại di ngôn cuối cùng, <Thị nhi> (* Dặn con)

Huyết sắc ngưng trệ, từng nét bút vô lực vặn vẹo.

Nhất bút nhất họa đều là bất khuất, không cam lòng, bi thống cùng phẫn phận không nguôi.

" Tử khứ nguyên tri vạn sự không,
Đãn bi bất kiến cửu châu đồng.
Vương sư bắc định Trung Nguyên nhật,
Gia tế vô vong cáo nãi ông."

( Chết rồi muôn việc đều thành không
Chỉ buồn không thấy chín châu về một mối
Ngày mà quân vua phương bắc định được Trung Nguyên
Lúc nhà cúng đừng quên khấn với cha.)

                                         ( Dặn con – Lục Du )

Rồi tôi nhìn thiếu niên chưa đủ lông đủ cánh, cách đây không lâu còn trốn học đi chơi, tay trái nắm chặt huyết thư của cha, tay phải lau những giọt nước mắt có thế nào cũng không dừng lại được, cắn răng trừng mắt, không chút do dự đầu quân.

Khi đó, quân đội Trung Quốc ở phía đông bắc vẫn do quân phiệt nắm quyền, Trương Gia Nguyên theo một tham mưu họ Mã.

Tham mưu Mã xuất thân dân dã, cả người một đống tật xấu, vô văn hóa, cục cằn, thô lỗ, quê mùa, nhưng Trương Gia Nguyên coi trọng một điểm, Mã lĩnh hận người Nhật thấu xương.

Thiếu niên chưa trải sự đời ở trong mưa bom bão đạn, pháo hỏa liên miên buộc mình nhanh chóng trưởng thành, chỉ có thể ngày một mạnh mẽ.

Trên chiến trường ăn bữa hôm lo bữa mai, sống một ngày bằng một năm, nhưng thời gian vẫn nhanh đến tháng mười một.

Trước cầu Long Giang, âm thanh tiến công của quân địch không ngừng vang lên, Mã tham mưu cầm một cái loa kim loại đơn giản, đứng trên sườn dốc, nhìn xuống nhóm binh lính mà chỉ cần liếc mắt một cái là có thể thấy người cuối cùng, to giọng hô :

"Tất cả nghe theo chỉ thị của thống soái, chúng ta cùng quân Nhật chiến đấu đến cùng. Mệnh lệnh chỉ có bốn chữ, tử thủ, quyết không lùi bước!"

"Rõ!!"

Trương Gia Nguyên ở giữa một đám quân nhân, đứng nghiêm, tiếp thu mệnh lệnh, một đám người khí thế hừng hực.

"Quyết không lùi bước", kiên cường chống trả nhiều ngày, đến cuối cùng toàn quân tan rã.

Cái ngày tưởng như thắng lợi trước mắt, quân Nhật vốn tan tác theo viện binh của Triều Tiên cử đến, đẩy mạnh tiến công.

Mã tư lệnh một mình chiến đấu, nhưng hoàng đế căn bản không có bất cứ tiếp tế hay chi viện gì, thương vong nặng nề, Mã tư lệnh lực bất tòng tâm, cuối cùng đưa ra quyết định rút lui.

Trong nháy mắt, tôi thấy Trương Gia Nguyên của quá khứ, chủ động dẫn dắt quân địch rời đi, yểm hộ cho đồng đội rút lui, bị quân Nhật vây công, mất liên lạc với đại quân.

Để bảo toàn sức lực, cậu đổi quân trang sang thường phục, nhưng không cẩn thận để lộ dấu vết, bị truy bắt khắp nơi.

Trên đường lẩn trốn, cậu bị quân Nhật bắn trúng chân trái.

Kéo theo cái chân bị thương đến khi không còn đường để chạy, Trương Gia Nguyên trốn lên một chuyến tàu chuẩn bị khởi hành.

Không ngờ, trên tàu có một đoàn thanh tra Nhật Bản thường trực, nhận được chỉ thị qua điện thoại, lục soát tìm bằng được quốc quân.

Mắt thấy sắp bị nhân viên kiểm tra bắt được, Trương Gia Nguyên cắn răng, xông vào một toa xe hảo hạng gần nhất.

Trong nháy mắt phá cửa xông vào, cậu đã tính toán đủ loại khả năng để ứng phó, nếu bên trong là phụ nữ, cách đơn giản nhất là dùng vũ lực trấn áp, nếu là đồng hương Đông Bắc, trước tiên nhìn xem có thể dùng tình cảm và lý trí để thuyết phục hay không; còn nếu xui xẻo, bên trong là Hán gian, dù sao hiện tại xe lửa đã đi được một khoảng, vậy giết người rồi nhảy cửa sổ.

Nhưng cảnh tượng bên trong lại vượt khỏi tất cả tính toán của Trương Gia Nguyên.

Nếu cậu chịu nghe lời cha, đọc nhiều sách chút, có lẽ có thể nói ra được một câu thế này:

"Tư nhân nhược thải hồng, ngộ thượng phương tri hữu".

( Ví người tựa cầu vồng, gặp gỡ mới biết có)

Người hành khách trẻ tuổi trong toa xe, ngồi ở đầu giường dựa vào cửa sổ, rũ mi chăm chú đọc cuốn "Romeo và Juliet" của Shakespeare.

Người nọ mặc một chiếc áo len cashmere dệt kim màu trắng, khoác áo bành tô bằng vải kaki dài quá đầu gối. Chân trái mảnh khảnh được bọc trong chiếc quần tây màu ghi gác trên đùi phải, xuống dưới là một đôi giày da sáng màu.

Dư quang ấm áp của hoàng hôn, cũng lưu luyến mà hôn lên khắp người hắn, phủ lên cả người một tầng ánh sáng nhu hòa.

Anh ta đeo kính gọng vàng gắn dây bạc, vì vậy ánh mặt trời đọng trên khuôn mặt tuấn tú tao nhã kia đặc biệt xinh đẹp.

Chói mắt, trong đầu Trương Gia Nguyên trong khoảnh khắc đó thậm chí nảy sinh cái suy nghĩ phải chăng mình may mắn gặp được hiện thân của thần linh trên thế gian này.

Sau đó, khuôn mặt không thể soi mói đó, dường như vì nghe được động tĩnh liền đưa mắt nhìn sang. Nữ Oa quả nhiên là không công bằng, có thể điêu khắc đường nét của một người đẹp đẽ tinh xảo đến mức này. Hơn nữa, giữa đôi lông mày tuấn tú cùng khí chất quang thân khiến cả người hắn đều lộ ra vẻ cao quý ung dung của người có tiền, từ nhỏ đã sống an nhàn sung sướng chỉ biết thơ ca, hội họa.

Năm chữ "Trọc thế giai công tử" vừa thấy hắn, cậu liền sáng tỏ.

Bây giờ nhìn lại cảnh này, Châu Kha Vũ của lần đầu gặp, vẫn đẹp trai đến mức tôi muốn chửi tục.

Giây tiếp theo, tôi thấy Châu Kha Vũ theo bản năng cầm lấy con dao gọt hoa quả trước mặt.

Mà lúc đó, Trương Gia Nguyên, người có thể trong vài chiêu đã chế ngự được đối thủ, thế mà lại cố gắng khiến bản thân nặn ra vài giọt nước mắt, long lanh long lanh đọng trong khóe mắt...

Giả bộ ủy khuất, đáng thương, yếu đuối mười phần.

Mẹ nó, đây mà là tôi, cái kẻ ở trên chiến trường đẫm máu, giết địch không thèm chớp mắt sao?? Thì ra lúc đó tôi biểu hiện ra mặt cái bộ dạng thế này. Mất mặt chết mất!! Nhưng mà thực ra ... hình như, cũng có chút đáng thương.

Hai người không hẹn mà gặp, còn chưa kịp nói cái gì, thì bên ngoài xe đã truyền đến tiếng đập cửa.

Châu Kha Vũ đứng dậy, càng thể hiện ra vẻ khí phách hiên ngang, tay trái vẫn cầm con dao gọt hoa quả giấu sau lưng để tùy thời ra tay tự vệ, tay phải mở cửa, bình tĩnh thong dong nghe nhân viên đơn giản thuật lại mục đích kiểm tra, tỏ vẻ đã hiểu sau đó từ mặt trong áo bành tô lấy ra một lá thư có dấu ấn của chính phủ, đưa cho người trước mặt.

Kiểm sát viên tiện tay tiếp nhận nhìn vài lần, lập tức cúi đầu, thu tay về, nói một câu tiếng Trung không chuẩn, nhưng miễn cưỡng có thể nghe hiểu được:

"Hóa ra là người thân của Kim Tỉnh tiên sinh, thất lễ rồi."

Đến khi người Nhật định ngẩng đầu lên, lại đột nhiên nhận thấy thứ gì đó, ngữ khí tức thì thay đổi:

"Sao lại có vết máu?!"

Hai người phía sau cũng lập tức cảnh giác.

Trương Gia Nguyên lúc đó đang trốn ở một góc khuất trong toa xe, trái tim nhảy lên tận cổ họng, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng để phá cửa sổ đào tẩu, hoặc xông lên đồng quy vu tận với quân Nhật.

Thời khắc chỉ mành treo chuông, Châu Kha Vũ nhanh chóng dùng dao cắt trái cây ở sau lưng cứa một nhát vào lòng bàn tay trái mình, rồi đưa ra trước mặt kiểm sát viên:

"Vừa rồi gọt táo không cẩn thận làm đứt tay. Chê cười rồi."

Kiểm sát viên nhìn vết thương trên tay Châu Kha Vũ, không giống như giả vờ, máu vẫn còn nhỏ giọt, xuyên qua khe hở  nhìn vào bên trong, thực sự có hoa quả đã gọt.

Quan trọng hơn, Kim tiên sinh kia hắn tuyệt đối không dám đắc tội, nhiều một chuyện không bằng ít một chuyện, cuối cùng lịch sự cất tiếng hỏi thăm rồi cáo từ, quay người rời đi kiểm tra toa tiếp theo.


(*)

1. Gốc:

Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ,
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử hoàn hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.

(Ẩm tử kỳ 5 – Đào Tiềm)

Dịch:

Cất nhà trong cảnh nhân gian
Ngựa xe chẳng vướng bụi trần vào đây
Hỏi ông sao được như vầy?
Tâm hồn cao viễn, đất này hẹp thôi
Rào đông hái cúc chiều nay
Xa trông thấy núi Nam ngay trước nhà
Đẹp thay sắc núi chiều tà
Đàn chim về tổ la đà cánh bay
Bao chân ý - cảnh sắc này
Muốn tìm ngôn ngữ giãi bày, lại quên.

2.

Hành đáo thủy cùng xử, tọa khán vân khởi thì

Dịch:

Đi đến tận cùng nơi hết nước,

Nhìn mây bắt đầu hiện ra.

( Trích: Nhà riêng ở núi Chung Nam-Vương Duy)

3.

Quy khứ,
Dã vô phong vũ dã vô tình.

Dịch:

Rời bước,

Không mưa gió cũng không hanh.

( Trích "Định phong ba" – Tô Thức)

4.

Khả liên thân thượng y chính đan,

tâm ưu thán tiện nguyện thiên hàn.

Dịch:

Thương thay quần áo trên mình ông quá đơn sơ,
trong lòng thì lo than xuống giá, cầu cho trời làm lạnh để bán được than

( Trích " Mạn thán ông" – Bạch Cư Dị)

(**)

Quan sơn nan việt, thùy bi thất lộ chi nhân?

Bình thủy tương phùng, tẫn thị tha hương chi khách

Dịch:

Ải lớn, núi cao khó mà qua được, ai thương cho kẻ lỡ đường?

Bèo nước gặp nhau, hết thảy đều là khách tha hương.

( Trích " Bài tự về gác Đằng Vương" – Vương Bột)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top