6: Nắng kể một chuyện tình
Nguyên dừng lại ở cái tuổi 30.
30, em trở thành giáo viên trường tiểu học của xóm Nắng. Mười mấy năm rồi chớ, xóm Nắng phát triển lắm, xây được rất nhiều ngôi trường phục vụ cho việc giáo dục con em.
Cu Mặc lớn tướng ra dáng thanh niên. Học xong về nhà tiếp quản vựa gạo cho má nó. Lâu lâu rỗi việc, cu Mặc thấy 'thằng anh chí cốt' cứ vạch nắng mà nhìn xa xăm, nó quở luôn miệng: "Người ta có về đâu, anh chờ hoài chi vậy?"
"Ai nói tao chờ?"
"Hổng chờ hả? Hổng chờ sao hổng lấy nhỏ Thơm đi. Anh làm khổ con gái người ta quá à" – Cu Mặc nhăn mày, đẩy vai Nguyên, thụi vào bụng em nhè nhẹ như năm hai đứa còn bận bịu với đèn sách.
Ừ thì không chờ, nhưng theo gió cứ bôn ba vào lòng xóm Nắng em vẫn đặt thầy Vũ vào một chỗ nào đó trong tim. Chỗ đó vừa lớn mà cũng vừa nhỏ.
Lớn vì chứa tình em, nhỏ vì đựng mỗi thầy.
Em thường nghĩ về ô cửa sổ sơn trắng, nơi em ngồi đợi nắng lên dập dìu được hiên ôm ấp từng giọt nhỏ. Nghĩ về ô cửa sổ đó sẽ được gắn ở nhà, nhà có thầy và có em.
Đêm sáng trăng năm nọ, tụi thằng Bồng túm tụm rủ nhau chơi ma lon. Tụi nó khiêu khích, đứa nào gọi được 'ông ma' lên thì ngày mai sẽ được cả đám bao nước mía. Khơi trò là cu Chương xóm Gió nhưng khi cái lon bắt đầu rung rinh rồi hình như 'ông ma' thật sự trở mình dậy từ âm ti, cái lon kéo thân xềnh xệch dưới đất, nó hướng phía Nguyên mà di chuyển, tạo nên những tiếng động rợn người.
Với tốc độ nhanh hơn, Nguyên chạy đến đâu cái lon đuổi đến đó. Đúng lúc thầy Vũ từ lớp dạy thêm trở về, thầy thấy bóng dáng quen thuộc vội quên cả mệt hấp tấp chạy đến ôm Nguyên vào lòng. Nguyên sợ lắm nhưng khi cuộn gọn trong vòm ngực 'người thương', Nguyên thở phào yên tâm, kéo thầy chạy về phía cánh đồng.
Ở đó, Nguyên sà vào lòng thầy rồi cuộn chặt hơn, tham lam hít hà thứ mồ hôi mang đầy bụi phấn của thầy.
Khi ấy, người đi đồng cũng vừa ngang qua.
,
Sau mỗi buổi dạy ở trường, Nguyên trút bộ đồ kiểu cách xuống người. Em loay hoay kiếm từng thớ gỗ chắc nhất tranh thủ đẽo, cưa, đóng cật một tuần liền để cho ra những chiếc ghế gỗ con con, khoảng dăm cái bàn dài.
Mỗi chiếc bàn được ra đời, Nguyên đều điểm thêm cho chúng một hộc bàn lộ hai phía. Người nhà thắc mắc thầy Nguyên muốn làm gì mà đóng bàn ghế hì hục thế, thắc mắc chứ không buồn hỏi, chỉ riêng má Nguyên hay ở trong nhà ló mắt ra nhìn cười khà khà, nói năng vui vẻ "cu Nguyên tự nhiên ra dáng thầy giáo rồi hen".
Đóng xong bàn ghế, thầy Nguyên ra tiệm in rồi về nhà với một xấp giấy trắng mực đen rõ ràng, trên đề dòng chữ LỚP HỌC THÊM MÔN TOÁN. Xấp giấy ấy lần lượt vơi cạn trên những cột, những bảng thông cáo và từng ngõ nhà thầy đi qua.
Thầy qua từng nhà có con em theo học trường xã nhỏ nhẹ, ân cần nói về lớp học phụ đạo của mình. Đến nhà nào thầy cũng như vậy, cái dáng thẳng thớm ân cần đó cứ dập dờn bước ra khỏi nhà khiến má Nguyên khi nào ngó cũng ứa nước mắt.
Hồi xưa hay có cái câu, người ta nhớ nhau đến nỗi hóa thành bóng hình nhau...
Một tuần đầu thầy Nguyên dạy miễn phí nếu sau một tuần đó con em cảm thấy tiếp thu được bài giảng thì thầy sẽ tiếp tục nhận dạy.
Buổi đầu chỉ lác đác vài đứa kế nhà sang học nhưng thầy Nguyên vẫn tươi tắn, vẫn ân cần chỉ dạy đám học trò từng li từng tí một. Bọn nó ban đầu còn hơi e dè, chỉ xin cha mẹ đi học thử nhưng ngờ đâu những ngày lên lớp tiếp theo chúng tiếp thu bài rất nhanh.
Hết một tuần, số lượng học sinh theo học ở lớp phụ đạo tăng lên đáng kể, cứ như thể, chỉ cần nhắc đến việc học hành tấn tới của con em thì bao nhiêu hiềm khích, bao nhiêu sự ghét bỏ của người lớn đều được rũ bỏ.
Ngót nghét tới cuối học kỳ hai, số học sinh theo học tăng lên và bám trụ rất chăm. Còn vài tuần nữa là đến kì thi lên lớp, sau giờ giải bài tập khó nhằn, thầy Nguyên cho lũ học trò giải lao vài phút.
Thằng Hà – chính cha nó là người năm đó giễu Nguyên tợn nhất và gọi thầy Vũ là 'kẻ có bệnh' – nó bất giác gọi:
"Thầy ơi..."
"Có việc gì không Hà? Phần lí thuyết có chỗ nào không hiểu hả em?" – Nguyên rời sách, đánh mặt về phía nó.
"Dạ hổng phải."
"Hà không khỏe hả?" – Nguyên tiến đến bàn của Hà, cúi đầu nhìn.
"Em kể cho thầy nghe cái này, thầy đừng nói cho cha em biết nghen" – nó đưa tay lên che một nửa miệng, dí sát vào mái đầu đang cúi xuống của thầy Nguyên.
"Ừa, Hà nói đi, thầy nghe" – Nguyên phì cười, xoa xoa đầu nó.
"Bạn Ngọc đó thầy, bản ngồi sau em nè thầy. Hồi nãy trong giờ học, bản gửi cho em tờ giấy. Bản hẹn em tan học thì dẫn bản đi ăn kem."
"Ghê ta, bạn Ngọc để ý bạn Hà rồi đó."
"Mà, thầy thấy em nên đồng ý hay hổng đồng ý?"
"Nếu em không để ý Ngọc thì hẹn bạn ấy khi khác, còn..."
"Còn nếu em để ý bản thì em sẽ dẫn bản đi ăn kem hả thầy?"
"Mà Hà có để ý Ngọc không?"
"Dạ, thì cũng có...có chút...chút xíu hà thầy ơi" – Hà ấp úng, trả lời run run nhưng giọng nom khấp khởi lắm.
"Ừa, vậy thì tan học dẫn Ngọc đi ăn kem nghen." - Nguyên xoa lưng nó, dịu dàng.
Học trò tan, Nguyên dò dẫm ra ngoài lòng bất chợt dội lên bâng khuâng.
Thời gian cứ cuống quýt băng qua đầu người sống, có những thời khắc, Nguyên không rõ rằng mình đang sống hay đã chết. Nguyên sống trong kí ức, sống trong những thời đoạn mà xung quanh chỉ hóa vỏn vẹn còn em và thầy.
Nguyên sống trong những giấc mơ chập chờn, rệu rã thấy bóng 'người thương' về cuối góc chiếu lạnh.
Thầy Vũ rời em đi lâu lắm rồi, chân thầy đã mỏi chưa?
Lối thầy qua liệu đã mòn hẳn? Sao thầy không về với em?
Về rồi, mình thương nhau, thương nhau như cái tuổi 18 ngây ngô của em và nồng ấm 30 của thầy.
Thầy có thấy cu Hà không?
Nó để ý bé Ngọc, hai đứa còn bé xíu vậy mà...vậy mà tụi nhỏ hiểu lòng nhau đó thầy.
Thầy đọc nhiều sách như vậy, lớn hơn em như vậy nhưng sao thầy khờ quá. Thầy không hiểu được lòng em.
Em đâu có muốn thầy đi.
Em lỡ thương thầy nhiều quá.
Làm sao bớt thương lại đây?
Thầy Nguyên 30 tuổi, chứ bao nhiêu?
Rồi 18 tuổi hay 30 tuổi, rốt cuộc, người ta vẫn đau một nỗi đau giống nhau.
Gió thu dịu dàng lướt trên mái tôn bạc ánh, 30 tuổi, em lặng nghe nắng kể một chuyện tình:
"Một người thì đứng cứ trông với chờ
Người kia thì ôm giấc mơ" (*)
(*) Đã lỡ yêu em nhiều: JustaTee
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top