3: Tình lưu luyến

Xuôi ngày ấy, em quen với việc kể cho thầy Vũ nghe mọi thứ, quen với việc ngồi đằng sau tấm lưng thẳng thớm mà nắng chiều tham lam phủ đầy.

Em chìm đắm trong những tháng ngày bình yên nhất và ngỡ tưởng sẽ được bước vào đời một cách như vậy. Hôm nào rỗi em không còn đèo cu Mặc đi ăn chè, vì nghe đâu bây giờ nó hay túm tụm chơi trốn tìm với tụi cu Chương xóm Gió.

Em cắp miếng thịt heo trong thúng chợ của má rồi thủng thẳng ra chái sau nhà Bồng mỗi bận đó để nấu ăn cho thầy Vũ.

Trường Nguyên hay xếp lịch cho khối 11 thi học kỳ trước nhất, bọn 12 vì cuối cấp nên được chi li thời gian ôn tập hơn. Thầy Vũ cũng vì thế mà nhận dạy thêm, 'đi sớm về khuya' giống cha em thường quật mặt ngoài đồng.

Chiều kia nắng xuống đìu hiu, lút sau mấy đọt xà cừ mới thấy cái dáng cao cao của thầy Vũ lầm lũi hiện rõ. Nguyên quýnh quáng, không biết phải làm sao vì em vừa nêm nồi canh cải mặn chát. Thầy thấy khói rủ lên mái lá đột nhiên thở dài tỏ ý không vui.

"Nguyên đó hở?"

Nguyên giật mình, vọng tiếng trả lời từ dưới bếp: "Thầy Vũ có mệt dữ không?"

"Sao không ở nhà học bài?"

"Thằng Bồng nói thầy Vũ bữa giờ ăn mì gói hoài à."

Mà oan ức thằng Bồng quá, vì thằng Bồng nào có nói. Nguyên cắp lấy nó mỗi lần ra chơi để dò thám đấy chứ.

"Về đi, má em lo đó" – lần đầu tiên thầy bật ra tiếng 'em', môi thầy run run giữa khúc nhà lóe đèn.

Thầy vừa dứt lời, Nguyên khệ nệ bưng mâm cơm lỏa xỏa vài tản khói con con. Mặt mày em túa mồ hôi.

Căn bếp nhà thầy Vũ, vừa bám bụi vừa thấp lè te.

"Thầy ăn cơm đi, rồi Nguyên về."

Thầy đảo trong nhà vài vòng, cất cứi thứ gì đó rồi tiến đến xoa đầu Nguyên. Cái xoa đầu khiến người em rưng rức khó tả nó cồn cào, bức bối, loạn xạ. Cồn cào hơn sự đói.

Nguyên nhịn thở, nói tiếp: "Canh hơi mặn, tại Nguyên lỡ đổ muối hơi nhiều."

"Muối hay máu?" – thầy thở dài, giơ ngón tay cái còn rỉ máu của em lên trước đèn.

"Tại con dao đó thầy..."- em trả lời nhát gừng.

Ừa, tại con dao.

Tại con dao bé xíu mà ngón tay em thì xương.

Tại con dao bé xíu mà đầu em cứ lung nghĩ đến vạt nắng đậu trên vai thầy.

Tại con dao bé xíu mà không làm tim em hẫng đi như giọt cười ngại ngùng thầy đánh rơi, mỗi khi mấy nhỏ con gái nhẹ giọng trêu thầy.

Thầy lục trong tủ, lấy băng cá nhân đắp kín vết thương rồi đến bàn, ngồi xuống trước mâm, thuận tay xới cơm ra chén đặt phía Nguyên: "Nguyên ăn cơm đi, về nhà nhớ rửa vết thương. Sau mang tập toán qua thầy dạy cho, nghen."

,

Nguyên thường về chung xe với thầy Vũ, lắm lúc ăn chung một bữa gặp bài nào khó hiểu, Nguyên liền cắp sách sang hỏi cặn kẽ.

Thầy Vũ không giống cô Hồng thầy không ưu tiên đứa giỏi nhất, không cho những đứa ấy giải nhiều bài tập có khả năng ra trong đề kiểm tra hơn. Thầy cũng không thiên vị cháu trai. Thầy Vũ giảng chung, giao bài tập chung cho tất cả học trò.

Má Nguyên cũng phát giác được điều kỳ lạ. Nhiều khi thấy thằng con lóc cóc chạy về nhà trong đêm vừa đi vừa hát, má quở bộ mày hổng sợ con ma nó đi theo hả.

Hồi trước thì Nguyên im bặt, lật đật chạy thật nhanh nhưng dạo đây thì em dạn dĩ hơn, cứ như trong em đã xây nên một điều gì đó vững chắc. Nguyên khọt khẹt cười rồi trả lời má: "Mình là con người, mình sợ ma làm chi hả má?"

Nhiều khi thấy giữa màn mưa, thằng con thậm thà thậm thụt cùng chiếc áo mưa rách tơi. Khi về chỉ còn mỗi nó, vai thấm loạn xạ nước mà áo mưa biến mất. Má lại quở: "trời mưa mà mày cứ nhông nhông ở ngoải, ông trời ổng đánh mày à."

Nguyên vẫn giữ cái điệu khọt khẹt đó, nửa đùa nửa thật vừa lấy khăn lau vừa nói to: "Ông trời ổng đánh rồi có chữa được bệnh tương tư hông má?"

Má Nguyên tự nhiên thấy thằng con mới đỏ hỏn trong bọc chăn ngày nào, giờ đã ra dáng thiếu niên, mình mẩy nó nảy nở tướng tá khỏe khắn theo từng bữa cơm mình nấu.

Thằng con mình, giờ nó biết tương tư rồi chứ hổng đùa.

"Bây thương ai? Bé Thơm hả?"

Nguyên nhún vai, bĩu môi: "Thì thương người ta thôi má, thương nhỏ đó làm gì."

Má xì một tiếng: "Rồi người ta có thương lại bây hôn? Hổng thương thì bỏ đi, khổ lắm nghen."

"Chắc là có đó má" – Nguyên nhỏ giọng hẳn, vì Nguyên không chắc. Không chắc người ta có thương lại mình không.

Mà, chắc là có.

Vậy đi, chắc là có...

Thầy Vũ có thương lại mình không?

Nguyên thấy điều đó không quan trọng lắm.

Chỉ cần mỗi lần đi học trễ, Nguyên được thấy thầy đứng trước ngăn bảo vệ khóa cửa lên cầu thang. Cầu thang đông kín, thầy giữ lưng cho Nguyên tránh vấp váp. Người xô đẩy, mái đầu em 'lỡ' tựa vào vai thầy. Mùi nước xả bung lên, thấm vào tóc em đến tận ngày sau, vậy là đủ.

Người ta có thương lại mình không?

Chờ đợi làm gì đến tận xa xôi, vì người ta có mong, cũng không bao giờ được em kể cho biết.

Khoảng lặng bình yên bên thầy của em. Thứ khiến em nghĩ sẽ dập dìu đưa em vào mỗi ngóc ngách của đời, bất chợt bị sóng cuốn phăng.

Tựa người đời hay nói, 'cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra'.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top