NGUYEN BINH

Nguyễn Bính là con chim sơn ca hót cái giọng rất riêng từ hương đồng cỏ nội. Mùa xuân tỏa ra từ thơ Nguyễn Bính cái dịu nhẹ của hương cam, cái thanh khiết xuân tình của lúa non đến thì con gái, cái tím biếc hoa xoan, cái hanh hao của nắng… Nguyễn Bính không chỉ tả mùa xuân mà còn nhận ra linh hồn của mùa xuân. Mùa xuân xanh là bài thơ tiêu biểu cho điệu hồn ấy, cho cái không gian quen thuộc ấy.

Chẳng phải dài lời khi nói mùa xuân là mùa của sự sống đang cựa mình, tách vỏ mà vươn dậy. Mùa xuân còn hứa hẹn một chân trời mới, rộng mở, đáng sống và đáng yêu đằng sau ô cửa mùa xuân. Thơ Nguyễn Bính cũng không đi ra ngoài cái lẽ thường ấy:

“Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao gió ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng quanh”    

            Nguyễn Bính có một định nghĩa độc đáo: mùa xuân là cả một mùa xanh, cái mùa của ước mơ, hy vọng. Màu xanh ấy sẽ quán xuyến toàn bộ bài thơ để dựng lên một không gian nghệ thuật thơ xuân Nguyễn Bính với những nỗi nhớ, niềm thương và cả những ước mơ hy vọng. Giời xanh trên cao, cây đâm chồi xanh lá, lúa xanh dưới đồng… Mùa xuân bao giờ cũng đem lại màu xanh cho cuộc sống, điều ấy là một quy luật tất yếu. Câu thơ nhưng bung phá khỏi giới hạn quen thuộc buộc phải vắt dòng, một điều ít gặp trong thơ “chân quê” Nguyễn Bính: Lúa ở đồng tôi và lúa ở. Dường như màu xanh của lúa xuân đang thì con gái làm cho nhà thơ choáng ngợp đến lóa cả mắt. Anh chàng thi sĩ không thể phân biệt được giới hạn của màu xanh ấy nữa cho nên liệt kê theo cái kiểu tóm gọn: Và lúa ở đồng quanh. Không gian mùa xuân xanh cứ như mở rộng ra, cái màn sân khấu được nhà thơ từ từ làm hé lộ. Thi sĩ phóng tầm mắt từ những gì gần với mình nhất như lá trên cành, từ lúa ở đồng tôi đến lúa ở đồng nàng và bát ngát những cánh đồng lúa xanh. Chữ gọi chữ, từ huy động từ, và màu xanh ấy lại vẫy gọi màu xanh ở khổ thơ tiếp theo: cỏ xanh trên mộ, tre xanh đầu làng:

“Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình”

Mùa xuân xanh đã lấn át đi cái úa tàn, thê lương của cõi âm: cỏ xanh lấn át đi cái màu chết chóc trên nấm mồ. Rõ ràng sự sống đã nảy sinh từ ngay trong cái chết, hạnh phúc hiện hình ngay trong những gì nhỏ nhoi, không ngờ. Nhà thơ đã phát hiện ra một thi tứ hết sức độc đáo: sự đợi chờ khí xuân của tạo vật lại diễn ra ngay trên sự lụi tàn và trong tương quan ấy, con người cũng đang khao khát đợi xuân tình. Cả vũ trụ như chờ đón mùa xuân, tình xuân. Nguyễn Bính đã dựng lên một chiếc phông choáng ngợp bởi màu xanh: nền trời xanh, cây xanh, lá xanh trên cành, cỏ xanh trên những nấm mộ, xanh xanh những lũy tre làng. Nhưng bức tranh ấy sẽ trở nên thiếu sức sống nếu không có sự xuất hiện của con người. Trên cái nền ấy, hình ảnh con người chắc chắn sẽ rất nổi bật, càng nổi bật hơn khi đó lại là hình ảnh thiếu nữ, vị thiên sứ của cái đẹp trần gian. Đây cũng là một quan niệm nghệ thuật về con người trong sự gắn bó hài hòa với tự nhiên vốn không xa lạ trong thơ ca phương Đông. Chỉ có điều, ở bài thơ này, mối tương quan ấy đã bị đảo lộn. Con người đã giành lấy ngai vị chuẩn mực để cho thiên nhiên soi chiếu vào mình. Chẳng thế mà lại có cái nghịch lý: sao trong bát ngát màu xanh ấy, nhân vật trữ tình lại chỉ nhìn thấy một chiếc thắt lưng xanh nhỏ nhoi của người yêu từ rất xa khi vừa mới ra khỏi lũy tre làng:

“Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”

 Các nhà điện ảnh, sân khấu, hội họa chắc chắn sẽ phản đối điều này. Bởi theo lẽ thường đối tượng chỉ có thể được mô tả nổi bật khi có màu sắc tương phản với phông nền của nó. Phải chăng thi sĩ đã đợi từ rất lâu rồi, đôi mắt nhìn chỉ tập trung vào người thiếu nữ? Trong mắt chàng thiên nhiên dù tuyệt mỹ, dù choáng ngợp nhưng không thể làm phai nhòa bóng hình của người yêu dấu. Thơ ca có cái logic riêng của nó: logic tâm trạng. Rõ ràng bài thơ thể hiện quan niệm nghệ thuật của các nhà Thơ mới: lấy con người làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của tự nhiên. Cái thắt lưng xanh ấy quả thật là cái bắt đầu tất cả sự đợi chờ mùa xuân.Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính thường hiện ra với gam màu tươi vui rộn ràng: màu xanh, màu tím biếc, màu vàng mơ, đặc biệt là đôi má hồng thiếu nữ: Đã thấy xuân về với gió đông/Với trên màu má gái chưa chồng (Xuân về);Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh  (Mưa xuân); Cầu mong cho chị vui như tết/ Tóc chị bền xanh má dậy hồng; Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở/ Chị vẫn môi son, vẫn má hồng (Xuân tha hương). Trong bài thơ này, sắc xanh lại là gam màu chủ đạo quán xuyến bức tranh mùa xuân. Sắc xanh thiên nhiên được hòa với sắc xanh của lòng người đã làm cho bài thơ mang một ý vị nhân sinh đậm đà.

Xuân trong thơ Nguyễn Bính dung hợp thiên- địa- nhân, dung hợp tiểu ngã- đại ngã để con người được sống mãi trong mùa xuân trường cửu. Trước thềm xuân mới, con người trở nên rạo rực đón chào bước chân của nàng xuân. Thơ xuân Nguyễn Bính đã khơi dậy cái rạo rực ấy trong mỗi “người nhà quê” chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: