III: THỊ TỘC IROQUOIS

THỊ TỘC IROQUOIS
Bây giờ, ta đến với một phát hiện khác của Morgan, nó ít ra cũng quan trọng ngang với việc khôi phục những hình thức nguyên thủy của gia đình, từ các chế độ thân tộc. Đó là việc chứng minh rằng các tập đoàn thân tộc - được đặt theo tên các con vật - ở bộ lạc của người Indian ở Mĩ, về cơ bản là đồng nhất với genea của người Hi Lạp và gentes của người La Mã; rằng hình thức ở Mĩ là gốc, còn hình thức ở người Hi Lạp và La Mã là phái sinh, về sau mới có; rằng toàn bộ tổ chức xã hội - gồm thị tộc, bào tộc, bộ lạc - của người Hi Lạp và La Mã nguyên thủy, thì cũng tương tự với tổ chức xã hội của người Indian ở Mĩ; rằng thị tộc là một thể chế có ở tất cả các dân dã man, cho đến tận khi họ bước vào thời văn minh, và cả sau đó nữa (theo những tài liệu hiện có). Điều đó đã tức thì làm rõ những vấn đề khó nhất của những thời kì cổ nhất trong lịch sử Hi Lạp và La Mã; đồng thời mang lại cho ta một khối lượng thông tin bất ngờ, về những đặc trưng cơ bản của kết cấu xã hội ở thời nguyên thủy, trước khi Nhà nước xuất hiện. Khi ta đã hiểu được vấn đề, thì nó có vẻ đơn giản; nhưng cũng phải tới gần đây, Morgan mới tìm ra nó. Ở tác phẩm trước của mình*, xuất bản năm 1871, ông vẫn chưa phát hiện được bí mật ấy; chính việc phát hiện đó đã làm cho các nhà nhân loại học người Anh, vốn rất tự tin, nay phải [tạm thời] im như thóc.

Từ gens của tiếng Latin - mà Morgan hay dùng để chỉ các tập đoàn thân tộc nói trên - đồng nghĩa với từ genos của tiếng Hi Lạp, đều có gốc là từ gan - nghĩa là "sinh đẻ" - của tiếng Arya (tiếng Đức là kan; theo qui luật, chữ g của tiếng Arya được thay bằng chữ k trong tiếng Đức). Gens, genos, janas (tiếng Phạn), kuni (tiếng Goth), kyn (tiếng Norse cổ & Anglo-Saxon), kin (tiếng Anh), kunne (tiếng miền Trung thượng Đức); đều có nghĩa là dòng dõi, huyết tộc. Nhưng gen và genos còn đặc biệt được dùng để chỉ các tập đoàn thân tộc, tự hào là có chung huyết thống (với người Hi Lạp và La Mã thì là một ông tổ chung), nhờ các thiết chế xã hội và tôn giáo mà hợp thành một cộng đồng riêng biệt; nguồn gốc và đặc điểm của chúng, với các sử gia của chúng ta, tới nay vẫn còn chưa rõ.

Lúc trước, khi bàn về gia đình punalua, ta đã thấy một thị tộc - ở hình thức đầu tiên của nó - là do cái gì cấu tạo nên rồi. Thị tộc đó bao gồm những người - do chế độ hôn nhân punalua, và theo những quan niệm tất nhiên phải thống trị trong chế độ đó - hợp thành một đám con cháu của một bà mẹ tổ riêng, là người lập ra thị tộc. Với hình thức gia đình ấy thì không thể biết rõ ai là cha, nên chỉ có mẫu hệ được tính thôi. Vì anh em trai không được lấy chị em gái ruột, mà chỉ được lấy đàn bà ngoài thị tộc, làm vợ; nên con cái của những người đàn bà ngoại tộc đó, theo mẫu hệ, đều không thuộc thị tộc của cha chúng. Do đó, chỉ có con cháu của các thành viên nữ là ở lại trong thị tộc; còn con cháu của các thành viên nam, thì được chuyển sang thị tộc của mẹ chúng. Tập đoàn thân tộc ấy sẽ trở thành cái gì, khi nó tự lập thành một tập đoàn riêng biệt, đứng trước các tập đoàn tương tự khác trong bộ lạc?

Morgan lấy thị tộc Iroquois, đặc biệt là thị tộc của bộ lạc Seneca, làm hình thức cổ điển của cái thị tộc ban đầu đó. Trong bộ lạc đó có tám thị tộc, đều lấy tên các con vật: Sói, Gấu, Rùa, Hải li; Nai, Dẽ giun, Diệc, Diều hâu. Trong mỗi thị tộc đều có các tục lệ sau:

1. Thị tộc bầu ra tù trưởng (sachem, lãnh đạo thời bình) và thủ lĩnh quân sự (chief, chỉ huy thời chiến). Tù trưởng phải là thành viên thị tộc; chức vụ đó được chuyển theo thừa kế, tức là nếu bị khuyết thì cần có người khác lên thay ngay. Thủ lĩnh quân sự thì có thể là người ngoại tộc; cũng có thể không có chức vụ đó, trong một thời gian. Con trai một tù trưởng không bao giờ được bầu làm tù trưởng, do chế độ mẫu hệ vẫn thịnh hành ở người Iroquois, nên người con trai đó thuộc một thị tộc khác. Nhưng người ta có thể bầu, và vẫn thường bầu, cho anh em trai người tù trưởng trước, hoặc con trai của chị em gái người đó. Tất cả đều tham gia bầu cử, nam cũng như nữ. Nhưng cuộc bầu cử cần được bảy thị tộc kia phê chuẩn; chỉ khi đó, người trúng cử mới được cho nhậm chức một cách trọng thể, bởi hội đồng chung của liên minh Iroquois. Sau đây ta sẽ thấy tầm quan trọng của việc đó. Quyền lực của tù trưởng trong thị tộc có tính gia trưởng, nhưng chỉ thuần túy về mặt đạo đức; ông ta không có một công cụ cưỡng chế nào cả. Với chức vụ của mình, ông ta cũng là thành viên của hội đồng bộ lạc Seneca, cũng như hội đồng của liên minh Iroquois. Thủ lĩnh quân sự thì chỉ ra mệnh lệnh trong thời chiến thôi.

2. Thị tộc tùy ý bãi miễn tù trưởng và thủ lĩnh quân sự. Việc này cũng do toàn thể nam nữ thành viên thực hiện. Sau khi bị bãi miễn, tù trưởng và thủ lĩnh quân sự lại trở thành chiến binh và thường dân, như các thành viên khác. Hội đồng bộ lạc cũng có quyền bãi miễn tù trưởng, kể cả khi thị tộc không muốn.

3. Không thành viên nào được quyền kết hôn trong nội bộ thị tộc. Đó là qui tắc cơ bản của thị tộc, là cái gắn kết mọi thứ với nhau. Cái biểu hiện có tính phủ định đó chính là để khẳng định quan hệ huyết tộc, cái quan hệ đã khiến các cá nhân trở thành thị tộc. Nhờ tìm ra sự thật đơn giản đó, Morgan đã lần đầu tiên phát hiện được bản chất của thị tộc. Trước đây ta ít hiểu thị tộc đến thế nào, cái đó đã quá hiển nhiên, qua những câu chuyện xưa kia về người mông muội và dã man; trong đó người ta đã đồng nhất - một cách tùy tiện và ngờ nghệch - những bộ phận khác nhau đã tạo nên tổ chức thị tộc, với những tên gọi: bộ lạc, thị tộc, v.v.; rồi đôi khi lại coi đó là những tập đoàn cấm kết hôn nội bộ. Từ đó xuất hiện tình trạng hỗn loạn không sao cứu vãn nổi, trong đó McLennan đã có cơ hội đóng vai Napoléon, và thiết lập trật tự bằng một sắc lệnh: tất cả các bộ lạc được chia làm hai nhóm: cấm kết hôn nội bộ (ngoại hôn) và cho phép kết hôn nội bộ (nội hôn). Và sau khi phức tạp hóa cái mớ rắc rối kể trên bằng cách ấy, ông ta lại bỏ sức vào những nghiên cứu sâu sắc nhất; để xem trong hai cái nhóm vô lí đó của mình, cái nào có trước. Điều vô lí đó đã mau chóng tự biến mất, với việc phát hiện ra thị tộc và cơ sở huyết tộc của nó, bao gồm việc cấm các thành viên thị tộc kết hôn với nhau. Cố nhiên là việc cấm kết hôn nội bộ ở thị tộc Iroquois, vào giai đoạn mà ta biết, vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt.

4. Tài sản của người đã chết được trao cho các thành viên khác của thị tộc, nó phải ở trong thị tộc. Vì tài sản của một người Iroquois cũng chẳng có giá trị cho lắm, nên món thừa kế ấy được chia cho mấy người họ hàng gần nhất trong thị tộc. Với đàn ông, đó là anh chị em ruột và người cậu; với đàn bà, đó là con cái và chị em gái ruột, nhưng không có anh em trai ruột.

5. Các thành viên thị tộc có nghĩa vụ giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau; đặc biệt là giúp nhau báo thù khi bị người ngoài làm hại. Mỗi cá nhân đều tìm tới sự bảo vệ của thị tộc để được an toàn, và anh có thể tin cậy vào sự bảo vệ ấy; làm hại một người tức là làm hại cả thị tộc của người đó. Chính từ những quan hệ huyết thống đã khiến thị tộc đoàn kết với nhau; mà cái nghĩa vụ trả nợ máu, được người Iroquois tuyệt đối thừa nhận, đã nảy sinh. Khi một thành viên thị tộc bị người ngoài giết, thì toàn bộ thị tộc của nạn nhân đều có nghĩa vụ nói trên. Trước hết, người ta tìm cách hòa giải: hội đồng thị tộc của hung thủ sẽ họp lại, và đề nghị dàn xếp với hội đồng thị tộc của nạn nhân; thường là tỏ ra lấy làm tiếc, và biếu nhiều lễ vật. Nếu đề nghị được chấp nhận, thì việc đã xong. Nếu không, thị tộc bị hại cử một hay nhiều người đi báo thù, nhiệm vụ của họ là truy sát hung thủ. Nếu việc đó thành công, thì thị tộc của hung thủ không được phàn nàn gì nữa, và thế là hết chuyện.

6. Thị tộc có những tên hoặc nhóm tên nhất định, mà trong toàn bộ lạc thì không thị tộc nào khác được dùng, do đó mà tên của một người cũng chỉ rõ thị tộc của người đó. Đã mang cái tên của thị tộc, thì cũng có quyền lợi trong thị tộc.

7. Thị tộc có thể thu nhận người ngoài làm thành viên, do đó cũng có thể thu nhận họ vào bộ lạc. Vì thế, ở người Seneca, tù binh không bị giết, mà được các thị tộc thu nhận; do đó trở thành thành viên của bộ lạc, được hưởng mọi quyền lợi của thị tộc và bộ lạc. Việc thu nhận đó được tiến hành theo đề nghị cá nhân của một số thành viên thị tộc: một người đàn ông sẽ đề nghị nhận người ngoài nói trên làm anh em hoặc chị em; một người đàn bà thì đề nghị nhận người đó làm con. Việc thu nhận cần được phê chuẩn bằng một buổi lễ kết nạp trọng thể. Một thị tộc cá biệt, có số người bị giảm đi, thường sẽ được bổ sung bằng việc thu nhận hàng loạt người từ các thị tộc khác, và được các thị tộc ấy đồng ý. Ở người Iroquois, lễ kết nạp được diễn ra công khai ở hội đồng bộ lạc, vì thế mà nó thật sự là một lễ nghi tôn giáo.

8. Hầu như không thể tìm thấy các lễ hội tôn giáo đặc biệt của thị tộc Indian nói riêng, nhưng các lễ hội tôn giáo của người Indian nói chung lại ít nhiều có liên hệ với thị tộc. Ở sáu lễ hội tôn giáo hàng năm của người Iroquois, tù trưởng và thủ lĩnh quân sự, của các thị tộc khác nhau, nghiễm nhiên được xếp vào hàng "những người giữ gìn tín ngưỡng"; và họ thực hiện công việc tế lễ.

9. Thị tộc có một nghĩa địa chung. Với người Iroquois ở bang New York - vốn bị người da trắng chèn ép từ mọi phía - thì nghĩa địa ấy đã mất đi, nhưng trước kia nó vẫn còn. Ở những người Indian khác, nghĩa địa đó vẫn tồn tại, ví dụ người Tuscarora, họ hàng với người Iroquois: dù họ theo đạo Cơ đốc, nhưng mỗi thị tộc đều có một hàng mộ riêng biệt trong nghĩa địa; vì thế người mẹ được chôn cùng hàng với con cái, chứ không phải người cha. Với người Iroquois cũng như vậy: toàn thể thị tộc của người đã chết sẽ cùng tham dự việc an táng, chuẩn bị phần mộ, đọc điếu văn, v.v.

10. Thị tộc có một hội đồng, đó là đại hội dân chủ của tất cả các thành viên đã thành niên của thị tộc, nam cũng như nữ; họ đều có quyền bầu cử như nhau. Hội đồng bầu ra và bãi miễn tù trưởng, thủ lĩnh quân sự, "những Người giữ gìn Tín ngưỡng" khác; hội đồng quyết định việc báo thù cho người bị giết, hay việc nộp lễ vật để xin xá tội (tiền chuộc nợ máu); nó giải quyết việc thu nhận người ngoài vào thị tộc. Tóm lại, nó là cơ quan quyền lực tối cao của thị tộc.

Đó là những chức năng của một thị tộc Indian điển hình.
"Toàn thể thành viên của một thị tộc Iroquois đều tự do, và có nghĩa vụ bảo vệ tự do cho nhau; họ đều bình đẳng về quyền lợi cá nhân, tù trưởng và thủ lĩnh quân sự đều không đòi hỏi ưu tiên nào cả; họ là một tập thể ái hữu, gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống. Tự do, bình đẳng, bác ái; dù chưa bao giờ được nêu thành công thức, nhưng vẫn là qui tắc cốt yếu của thị tộc. Điều này rất quan trọng, vì thị tộc là đơn vị của hệ thống quản lí xã hội, là cơ sở mà từ đó xã hội Indian được tổ chức nên... Điều đó giải thích các đức tính phổ biến của người Indian, là tinh thần độc lập và lòng tự trọng"1a
Người Indian trên toàn Bắc Mĩ đều được tổ chức theo thị tộc mẫu quyền, vào thời mà người ta tìm ra châu Mĩ. Thị tộc chỉ mới biến mất ở vài bộ lạc, ví dụ người Dakota; còn ở một số bộ lạc khác thì lại có thị tộc phụ quyền, chẳng hạn người Ojibwa và người Omaha.

Trong rất nhiều bộ lạc Indian gồm trên năm hay sáu thị tộc, ta thấy ba hay bốn thị tộc trở lên hợp lại thành một tập đoàn đặc biệt; Morgan gọi đó là bào tộc (phratry), dịch cái tên mà người Indian dùng, thành các từ tương ứng với nó trong tiếng Hi Lạp. Như ở bộ lạc Seneca thì có hai bào tộc: một bào tộc gồm bốn thị tộc Sói, Gấu, Rùa, Hải li; bào tộc kia gồm bốn thị tộc còn lại. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy: đó đều là các thị tộc cổ, do bộ lạc lúc đầu tách ra mà thành; vì các thị tộc đều cấm hôn nhân nội bộ, nên một bộ lạc phải gồm ít nhất hai thị tộc để có thể tồn tại độc lập. Khi bộ lạc phát triển, thì mỗi thị tộc ban đầu tách thành hai (hoặc nhiều hơn) thị tộc con, chúng trở thành các thị tộc độc lập; khi đó thị tộc gốc, gồm tất cả các thị tộc con, sẽ tồn tại với tư cách là bào tộc. Ở người Seneca, và hầu hết những người Indian khác, các thị tộc ở cùng một bào tộc được gọi là "thị tộc anh em ruột", các thị tộc ở các bào tộc khác nhau được gọi là "thị tộc anh em họ"; như ta đã thấy, các danh từ này có ý nghĩa rất thực tế và rõ ràng, đối với hệ thống thân tộc ở Mĩ. Lúc đầu thì người Seneca không cho phép kết hôn trong nội bộ bào tộc; nhưng tục lệ đó đã mất đi từ lâu, và giờ chỉ còn giới hạn trong thị tộc thôi. Theo truyền thuyết của người Seneca, Gấu và Nai là hai thị tộc gốc, các thị tộc khác đều từ đó mà ra. Khi thiết chế mới này đã trở nên bền vững, thì nó được biến đổi khi cần; nếu các thị tộc của một bào tộc bị mất dần đi, thì có khi một loạt thị tộc của các bào tộc khác sẽ được chuyển sang bào tộc nói trên, để giữ cân bằng. Vì thế, ta thường thấy trong các bào tộc khác nhau, và cả ở các bộ lạc khác nhau, lại có những thị tộc cùng tên.

Ở người Iroquois, các chức năng của bào tộc một phần có tính xã hội, một phần lại có tính tôn giáo: 1) Các bào tộc đấu bóng với nhau: hai bên cử ra những người giỏi nhất; những người khác tập hợp lại theo từng bào tộc, theo dõi trận đấu và đánh cuộc với nhau về kết quả. 2) Tại hội đồng bộ lạc, tù trưởng và thủ lĩnh quân sự của mỗi bào tộc ngồi thành hai nhóm, đối diện với nhau; và mỗi diễn giả đều nói với các đại biểu của từng bào tộc, như nói với một đoàn thể riêng biệt. 3) Nếu án mạng xảy ra trong bộ lạc, mà nạn nhân và hung thủ thuộc hai bào tộc khác nhau, thị tộc của nạn nhân thường nhờ đến các thị tộc anh em ruột; các thị tộc này lập ra hội đồng bào tộc, để yêu cầu bào tộc kia cũng lập ra hội đồng của họ, nhằm dàn xếp vụ việc. Ở đây, bào tộc lại xuất hiện với tư cách thị tộc cổ; có nhiều khả năng thành công hơn so với các thị tộc con của nó, vốn là riêng rẽ và yếu hơn. 4) Khi một nhân vật quan trọng qua đời, bào tộc của người quá cố sẽ đến dự đám tang, còn việc ma chay và chôn cất là của bào tộc đối diện. Khi một tù trưởng từ trần, thì bào tộc đối diện báo cho hội đồng của liên minh Iroquois biết là chức tù trưởng bị khuyết. 5) Hội đồng bào tộc cũng tham gia việc bầu tù trưởng. Việc các thị tộc anh em ruột phê chuẩn cuộc bầu cử thì ít nhiều được coi là đương nhiên, nhưng các thị tộc của bào tộc kia có thể phản đối. Khi đó, hội đồng của bào tộc đối diện họp lại; nếu hội đồng giữ nguyên ý kiến phản đối, thì cuộc bầu cử bị coi là không có giá trị. 6) Xưa kia, người Iroquois có những nghi lễ tôn giáo thần bí đặc biệt, mà người da trắng gọi là medicine-lodges. Ở người Seneca thì các nghi lễ đó do hai đoàn thể tôn giáo tổ chức, họ cũng có những nghi lễ để kết nạp thành viên mới; và ở mỗi bào tộc có một đoàn thể. 7) Nếu trong thời kì bị người Tây Ban Nha xâm chiếm, bốn lineage - sống ở bốn khu của thành Tlascala - là bốn bào tộc, mà điều này là gần như chắc chắn; thì từ đó ta có thể chứng minh rằng bào tộc còn là một đơn vị quân sự; giống như ở bào tộc Hi Lạp, hay các tổ chức thân tộc tương tự của người Germania. Bốn lineage nói trên xuất trận theo đội ngũ riêng; với đồng phục riêng, cờ riêng, và chịu sự chỉ huy của thủ lĩnh quân sự riêng.

Cũng như vài thị tộc hợp thành bào tộc, trong hình thức cổ điển, vài bào tộc lại hợp thành bộ lạc; ở vài trường hợp, khi bộ lạc đã suy yếu đi nhiều, thì tổ chức trung gian - là bào tộc - lại không có nữa. Vậy những đặc trưng của một bộ lạc Indian châu Mĩ là gì?

1. Một lãnh thổ riêng và tên riêng của mình. Ngoài vùng cư trú thực tế ra thì mỗi bộ lạc còn có một khu vực lớn để săn bắn và đánh cá. Ra khỏi khu vực đó, là một miền đất rộng lớn, không thuộc về ai cả, nó kéo dài tới khu vực của bộ lạc láng giềng; giữa các bộ lạc có ngữ hệ gần nhau, miền này sẽ hẹp hơn, giữa các bộ lạc có ngữ hệ khác xa nhau, nó sẽ lớn hơn. Nó cũng giống như Grenzwald (miền rừng biên giới) ở người Germania, miền đất hoang mà người Suevi thời Caesar tạo ra quanh lãnh địa của mình, îsarnholt (tiếng Đan Mạch là jarnved, limes Danicus) nằm ở giữa vùng của người Đan Mạch và người Germania, Sachsenwald (rừng Saxon) và Branibor (tiếng Slav, có nghĩa là "rừng bảo hộ") - nguồn gốc của từ Brandenburg - ở giữa vùng của người Germania và người Slav. Vùng đất đai được giới hạn bởi đường biên giới không rõ ràng ấy, chính là lãnh thổ chung của bộ lạc, được các bộ lạc láng giềng thừa nhận, và được bộ lạc nói trên bảo vệ khỏi các cuộc tấn công. Trong hầu hết các trường hợp, sự không rõ ràng của đường biên giới chỉ trở nên thực sự bất tiện khi dân số tăng lên quá nhiều mà thôi. Dường như những tên bộ lạc thường có do ngẫu nhiên hơn là được chọn trước, và cùng với thời gian thì lại có hiện tượng là bộ lạc ấy được các bộ lạc láng giềng gọi bằng một cái tên khác hẳn; như cái tên Germans là do người Celt đặt ra.

2. Một thổ ngữ riêng của bộ lạc ấy. Thực tế thì cứ mỗi bộ lạc có một thổ ngữ, sự hình thành các bộ lạc mới và thổ ngữ mới - thông qua sự chia tách - cách đây không lâu vẫn có ở châu Mĩ, và đến nay rất có thể vẫn chưa mất hẳn. Khi hai bộ lạc bị suy yếu hợp nhất lại, thì chỉ trong trường hợp ngoại lệ, người ta mới sử dụng hai thổ ngữ rất gần nhau. Một bộ lạc châu Mĩ có trung bình không tới 2.000 người, riêng bộ lạc Cherokee có tới 26.000 người, đó là số dân đông nhất cùng nói một thổ ngữ trong những người Indian ở Hoa Kì.

3. Quyền làm lễ nhậm chức cho tù trưởng và thủ lĩnh quân sự mà thị tộc đã bầu lên, và quyền bãi chức những người đó, dù thị tộc của họ không đồng ý. Tù trưởng và thủ lĩnh quân sự đều là thành viên của hội đồng bộ lạc, nên bộ lạc đương nhiên có quyền đó với họ. Những nơi đã thành lập liên minh bộ lạc, và các bộ lạc được đại diện bởi hội đồng liên minh, thì hội đồng liên minh sẽ có quyền đó.

4. Những quan niệm tôn giáo và lễ nghi riêng.
"Người Indian châu Mĩ là một dân có tôn giáo theo kiểu dã man của họ"1b
Thần thoại của người Indian đến nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách có phê phán. Họ đã thể hiện những quan niệm tôn giáo của mình, là các thần linh đủ loại, dưới hình thức nhân cách hóa; nhưng ở giai đoạn thấp của thời dã man mà họ đang sống, họ vẫn không biết tạo nên các hình tượng bằng nghệ thuật tạo hình, mà ta gọi là tượng thần. Tôn giáo của họ là thờ cúng giới tự nhiên cũng như sức mạnh của thiên nhiên, và nó đang phát triển thành đa thần giáo. Các bộ lạc khác nhau có các ngày lễ thường kì của họ, với những nghi lễ nhất định, cụ thể là nhảy múa và các trò chơi. Đặc biệt, nhảy múa là một bộ phận căn bản của các nghi lễ tôn giáo; mọi bộ lạc đều tiến hành riêng rẽ các lễ nghi của mình.

5. Một hội đồng bộ lạc để thảo luận những công việc chung. Nó bao gồm tất cả tù trưởng và thủ lĩnh quân sự của các thị tộc; họ là những đại biểu thực sự của các thị tộc, vì họ có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Hội đồng họp công khai, các thành viên còn lại của bộ lạc đứng xung quanh: họ cũng có quyền tham gia thảo luận và phát biểu ý kiến, và hội đồng sẽ quyết định. Theo lệ thường, ai cũng có thể phát biểu nếu muốn, các phụ nữ thì có thể chọn một người phát biểu thay mặt mình. Ở các bộ lạc Iroquois, quyết định cuối cùng phải được nhất trí thông qua, giống như các cộng đồng mark ở người Germania. Đặc biệt, hội đồng chịu trách nhiệm về việc quan hệ với các bộ lạc khác: đón sứ giả đến, phái sứ giả đi, tuyên chiến và kí hòa ước. Thường thì khi có chiến tranh, quân tình nguyện sẽ tham gia chiến đấu. Về nguyên tắc, mỗi bộ lạc đều được coi là đang trong tình trạng chiến tranh với mọi bộ lạc khác, trừ khi giữa họ có một hòa ước rõ ràng. Mỗi cuộc xuất quân để đánh những kẻ thù loại đó, thường sẽ do cá nhân những chiến binh ưu tú tổ chức: họ mở một vũ điệu chiến tranh, ai tham gia vũ điệu đó nghĩa là tham gia chiến đấu. Ngay sau đó, họ lập thành đội ngũ và xuất phát. Khi bộ lạc bị tấn công, việc bảo vệ lãnh địa cũng do quân tình nguyện tiến hành. Mỗi khi các đội quân đó xuất chinh hay trở về, thì đều là dịp để mở các cuộc liên hoan công cộng. Những cuộc xuất quân như thế đều không cần hội đồng bộ lạc cho phép: không ai xin phép, cũng không ai cho phép cả. Chúng giống hệt những cuộc chiến riêng rẽ của các đội thân binh ở người Germania, mà Tacitus đã mô tả; chỉ khác ở chỗ các đội thân binh ở người Germania có tính thường trực hơn, và là nòng cốt vững chắc, được tổ chức ngay trong thời bình: khi có chiến tranh, quân tình nguyện sẽ tập hợp quanh nòng cốt đó. Các đội quân ấy ít khi có đông người: các cuộc xuất chinh quan trọng nhất của người Indian, kể cả khi đi đánh xa nữa, cũng là do các lực lượng không đáng kể thực hiện. Khi nhiều đội quân như vậy hợp lại để tổ chức một cuộc chiến lớn, thì đội nào cũng chỉ phục tùng chỉ huy của mình mà thôi; việc thống nhất kế hoạch tác chiến, ở mức độ này hay mức độ kia, là do một hội đồng của các chỉ huy đó đảm bảo. Đó là cách mà người Alamanni tiến hành chiến tranh ở vùng thượng lưu sông Rhein, hồi thế kỉ IV, theo mô tả của Ammianus Marcellinus.

6. Ở vài bộ lạc, có một vị thủ lĩnh tối cao, nhưng quyền lực thì rất ít. Đó là một trong các tù trưởng, có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp lâm thời, trong các trường hợp cần hành động nhanh chóng, cho tới khi hội đồng bộ lạc có thể họp lại và ra quyết định dứt khoát. Chức vụ này biểu hiện cái nỗ lực lờ mờ đầu tiên, để dựng lên một viên chức nắm quyền hành pháp, dù rằng nói chung nó không phát triển hơn được nữa. Như sau đây ta sẽ thấy, trong hầu hết, nếu không phải là tất cả, các trường hợp; viên chức ấy đã xuất hiện nhờ việc tăng thêm quyền hành của vị thủ lĩnh quân sự tối cao.

Đại đa số người Indian châu Mĩ đều chưa tiến tới hình thức tổ chức nào cao hơn bộ lạc. Sống trong các bộ lạc nhỏ, tách biệt với nhau bởi những vùng biên giới rộng lớn, lại bị suy yếu do các cuộc chiến liên miên; họ cư ngụ trên cả một vùng rộng lớn chỉ với số dân ít ỏi. Đây đó, khi có nguy biến nhất thời, liên minh giữa các bộ lạc cùng thân tộc xuất hiện; rồi nó lại tan rã khi nguy biến qua đi. Nhưng ở những địa phương nhất định, các bộ lạc cùng thân tộc trước kia, sau khi đã tách khỏi nhau, thì lại hợp nhất thành những liên minh thường trực; do đó mà bắt đầu tiến lên, để hình thành các dân tộc. Tại Hoa Kì, ta thấy hình thức phát triển nhất của liên minh kiểu đó ở người Iroquois. Rời bỏ quê hương của mình ở miền Tây Mississippi, tại đó có lẽ họ đã tạo thành một nhánh của đại gia tộc Dakota, rồi sau những cuộc phiêu bạt lâu dài, họ định cư ở vùng mà nay là bang New York, và chia thành năm bộ lạc: Seneca, Cayuga, Onondaga, Oneida và Mohawk. Họ sống bằng đánh cá, săn bắn, và làm vườn theo kiểu thô sơ; họ ở trong các làng mạc, hầu hết đều có hàng rào bao bọc. Dân số của họ chưa bao giờ quá 20.000, trong năm bộ lạc của họ có một số thị tộc chung; họ nói các thổ ngữ khá gần nhau, thuộc cùng một ngôn ngữ; họ chiếm lấy một dải đất liền, rồi năm bộ lạc chia nhau ở. Vì mới chiếm được vùng đất đó, nên các bộ lạc ấy, hoàn toàn tự nhiên và theo tập quán, đã liên kết lại để chống những dân bản xứ bị họ đuổi đi. Chậm nhất là vào đầu thế kỉ XV, sự liên hợp đó đã phát triển thành một "liên minh vĩnh viễn"; liên minh này, khi nhận thấy sức mạnh mới của mình, thì lập tức có tính chất xâm lược. Ở thời cực thịnh của mình, khoảng năm 1675, nó đã chinh phục nhiều vùng đất rộng lớn ở xung quanh, đuổi dân bản xứ đi hoặc bắt họ nộp cống. Liên minh Iroquois chính là tổ chức xã hội phát triển nhất, mà người Indian ở giai đoạn thấp của thời dã man (nghĩa là trừ người Indian ở Mexico, New Mexico và Peru) đã đạt tới. Dưới đây là những nét cơ bản của liên minh:

1. Liên minh vĩnh viễn của năm bộ lạc thân tộc được xây dựng trên cơ sở quyền bình đẳng và độc lập trong mọi vấn đề nội bộ của mỗi bộ lạc. Quan hệ huyết tộc đó là cơ sở thực tế của liên minh. Trong đó, ba bộ lạc được coi là bộ lạc cha, và đều là anh em với nhau; hai bộ lạc kia được coi là bộ lạc con, và cũng là anh em với nhau. Có ba thị tộc xưa nhất, còn tồn tại tới nay trong cả năm bộ lạc, và ba thị tộc khác có mặt trong ba bộ lạc; thành viên của mỗi thị tộc đó đều là anh em với nhau ở trong cả năm bộ lạc. Ngôn ngữ chung của họ, chỉ có khác biệt giữa các thổ ngữ, là biểu hiện và bằng chứng rằng họ có chung nguồn gốc.

2. Cơ quan của liên minh là hội đồng liên minh, gồm năm mươi tù trưởng, đều có địa vị và quyền lực như nhau. Quyết định của hội đồng là tối cao, trong mọi công việc của liên minh.

3. Khi thành lập liên minh, năm mươi tù trưởng này được phân đều cho các bộ lạc và thị tộc, để giữ các chức vụ mới, được đặt ra vì mục đích của liên minh. Khi chức ấy bị khuyết, thị tộc hữu quan sẽ bầu cử bổ sung; thị tộc cũng có thể bãi miễn tù trưởng của mình bất cứ lúc nào, nhưng quyền làm lễ nhậm chức cho họ vẫn là của hội đồng liên minh.

4. Những tù trưởng của liên minh đồng thời cũng là những tù trưởng trong bộ lạc của mình, cũng có quyền tham gia và biểu quyết ở hội đồng bộ lạc.

5. Mọi quyết định của hội đồng liên minh phải được nhất trí thông qua.

6. Việc biểu quyết được thực hiện theo bộ lạc; do đó, mọi bộ lạc - và mọi thành viên trong hội đồng của từng bộ lạc - đều phải nhất trí tán thành, thì quyết định mới có hiệu lực.

7. Hội đồng của bộ lạc nào cũng có thể triệu tập hội đồng liên minh, nhưng hội đồng liên minh không thể tự triệu tập mình.

8. Những phiên họp của hội đồng đều diễn ra trước toàn thể công chúng. Người Iroquois nào cũng có quyền phát biểu ý kiến, nhưng chỉ hội đồng có quyền quyết định.

9. Liên minh không có người đứng đầu chính thức, cũng như không có viên chức nắm quyền hành pháp.

10. Mặt khác, liên minh có hai thủ lĩnh quân sự tối cao, với quyền lực và uy thế như nhau (kiểu như hai vị "vua" của người Sparta, hay hai quan chấp chính ở La Mã).
Trên đây là toàn bộ cái chế độ xã hội mà người Iroquois đã sống trong đó, từ hơn bốn trăm năm nay và bây giờ vẫn vậy. Căn cứ theo Morgan, tôi đã mô tả chi tiết chế độ đó, vì ở đây ta có cơ hội để nghiên cứu sự tổ chức của một xã hội chưa có Nhà nước. Nhà nước giả định sự tồn tại của một quyền lực công cộng đặc biệt, tách rời khỏi toàn thể quần chúng; vì thế, Maurer, nhờ một nhạy cảm đúng đắn, đã nhận ra rằng chế độ mark của người Germania là một thiết chế xã hội thuần túy, khác Nhà nước về bản chất, dù sau này nó trở thành cơ sở chính của Nhà nước; do đó trong tất cả những trước tác của mình, Maurer đã nghiên cứu sự hình thành dần dần của quyền lực công cộng, từ thể chế nguyên thủy - của các mark, các trại ấp, các làng mạc, các thành thị - và bên cạnh thể chế đó. Ở người Indian Bắc Mĩ, ta thấy một bộ lạc lúc đầu thống nhất đã dần sống rải rác trên một lục địa khổng lồ như thế nào; những bộ lạc, trong khi tách ra, đã biến thành dân tộc, thành các tập đoàn bộ lạc hoàn chỉnh như thế nào; những ngôn ngữ đã biến đổi như thế nào, đến nỗi chúng không những khiến các bộ lạc khác không sao hiểu nổi, mà còn gần như mất hết mọi dấu vết của sự đồng nhất ban đầu; ở trong bộ lạc, mỗi thị tộc lại phân thành những thị tộc con, còn các thị tộc mẹ vẫn được duy trì dưới hình thức bào tộc như thế nào, trong khi tên của những thị tộc cổ nhất vẫn giữ nguyên, kể cả với các bộ lạc rất xa nhau và đã tách khỏi nhau từ lâu: Sói và Gấu vẫn là những tên thị tộc trong đa số các bộ lạc Indian. Và thể chế được mô tả trên đây là đúng với mọi bộ lạc Indian nói chung, trừ việc còn nhiều bộ lạc chưa tiến tới mức thành lập liên minh các bộ lạc cùng thân tộc.

Nhưng một khi thị tộc được coi là đơn vị của xã hội, thì ta cũng thấy là toàn bộ chế độ thị tộc, bào tộc và bộ lạc đã phát triển từ đơn vị đó một cách hầu như tất yếu như thế nào, vì sự phát triển đó là đương nhiên. Thị tộc, bào tộc và bộ lạc đều là các tổ chức có quan hệ thân tộc ở mức độ khác nhau; chúng đều có tính độc lập và tự quản, nhưng lại bổ sung cho nhau. Phạm vi quản lí của chúng bao gồm tất cả các hoạt động xã hội của con người sống ở giai đoạn thấp của thời dã man. Vì thế, khi tìm thấy một dân tộc nào có đơn vị xã hội là thị tộc, thì ta cũng phải tìm thấy một tổ chức bộ lạc tương tự với mô tả ở trên; và ta sẽ không chỉ tìm thấy nó khi có được đầy đủ tài liệu, như với người Hi Lạp và người La Mã, mà còn có thể tin rằng: kể cả khi không đủ tài liệu, thì việc so sánh với chế độ xã hội châu Mĩ sẽ giúp ta vượt qua những chỗ ngờ vực và bí ẩn khó khăn nhất.

Với tất cả sự giản đơn ngây thơ của nó, chế độ thị tộc này mới tuyệt làm sao! Không quân đội, hiến binh hay cảnh sát; không quí tộc, vua chúa, đại thần, quan lại, thẩm phán; không nhà tù, không xử án - ấy thế mà mọi thứ vẫn trôi chảy. Mọi xích mích và tranh chấp đều được dàn xếp bởi cả cộng đồng có liên quan, tức là bởi thị tộc hoặc bộ lạc, hoặc giữa các thị tộc; trả thù chỉ là biện pháp cực đoan và hãn hữu, mà tội tử hình của chúng ta chẳng qua cũng chỉ là hình thức văn minh của việc trả thù đó, hình thức ấy có tất cả những mặt tích cực và tiêu cực của thời văn minh. Mặc dù có nhiều công việc chung hơn hẳn so với ngày nay - nền kinh tế gia đình được tiến hành chung bởi một vài nhà, theo nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa; đất đai là của cả bộ lạc, chỉ vài mảnh vườn nhỏ mới tạm giao cho các gia đình - thế mà không có một dấu vết nào của cái bộ máy quản lí phức tạp cồng kềnh của chúng ta. Mọi việc đều do các bên hữu quan tự định đoạt, và trong hầu hết các trường hợp, những tập quán có từ vài thế kỉ trước đã giải quyết hết rồi. Ở đây không thể có nghèo khổ hay thiếu thốn - nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa và thị tộc biết nghĩa vụ của mình với những người già yếu, ốm đau, hay bị thương trong chiến tranh. Tất cả đều bình đẳng và tự do - kể cả phụ nữ. Nô lệ chưa có, và thường thì cũng chưa có sự nô dịch các bộ lạc khác. Khoảng năm 1651, người Iroquois đánh bại người Erie và "Quốc gia Trung lập"2; họ cho phép bên bại trận gia nhập, trở thành những thành viên bình đẳng trong liên minh, chỉ khi nào kẻ thua cuộc từ chối điều đó thì mới bị đuổi ra khỏi đất đai của mình. Và một xã hội như thế đã sinh ra những người đàn ông, đàn bà như thế nào; điều ấy được chứng minh bằng việc: tất cả những người da trắng đã từng gặp những người Indian chưa bị hư hỏng; đều khâm phục lòng tự trọng, tính ngay thẳng, nghị lực kiên cường và lòng dũng cảm của những người dã man ấy.

Mới đây thôi, ta đã thấy những ví dụ về lòng dũng cảm đó ở châu Phi. Người Zulu mấy năm trước và người Nubia vài tháng trước - ở họ, bộ lạc và các thiết chế thị tộc vẫn chưa mất hẳn - đã làm một việc mà không quân đội nào ở châu Âu làm nổi. Chỉ vũ trang bằng lao và giáo mác, không có súng, dưới làn mưa đạn của bộ binh Anh - đội quân được xem là hàng đầu thế giới về kiểu tác chiến dàn hàng dày đặc - họ vẫn tiến sát lưỡi lê địch, hơn một lần gây rối loạn và thậm chí đánh tan hàng ngũ quân Anh; mặc dù có sự chênh lệch ghê gớm về vũ khí, mặc dù họ không có chế độ nghĩa vụ quân sự hay được luyện tập quân sự. Sức chịu đựng và khả năng của họ được chính người Anh thừa nhận, qua lời than thở của họ: một người Kaffir3, trong hai mươi tư giờ, có thể chạy xa hơn và nhanh hơn cả một con ngựa. Một họa sĩ người Anh đã nói: ở họ, cái bắp thịt nhỏ nhất cũng rắn chắc và nổi rõ như một sợi dây bện.

Trước khi có sự phân chia giai cấp thì con người và xã hội loài người là như thế đấy. Và nếu so sánh tình cảnh của họ với tình cảnh của tuyệt đại đa số người văn minh ngày nay, thì người vô sản và tiểu nông ngày nay quả là khác một trời một vực, so với thành viên tự do của xã hội thị tộc cổ xưa.

Đó là một mặt của vấn đề. Nhưng ta không được quên rằng tổ chức ấy nhất định phải diệt vong. Nó không vượt xa hơn bộ lạc được. Liên minh bộ lạc đã có nghĩa là bước đầu suy tàn của nó, như ta sẽ thấy, và đã thấy qua mưu toan nô dịch các bộ lạc khác của người Iroquois. Cái gì ở ngoài bộ lạc tức là ở ngoài pháp luật. Ở đâu không có một hòa ước rõ ràng, thì ở đó chiến tranh xảy ra liên miên giữa các bộ lạc; và chiến tranh ấy được tiến hành với một sự tàn bạo đặc biệt, phân biệt con người với các động vật khác, và chỉ sau này nó mới dịu đi do ảnh hưởng của lợi ích vật chất. Chế độ thị tộc trong thời kì toàn thịnh của nó, như ta thấy ở châu Mĩ, giả định một nền sản xuất hết sức chưa phát triển, và do đó là một dân cư rất thưa thớt trên một vùng rộng lớn. Vì vậy, con người gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, một sức mạnh kì lạ, không sao hiểu nổi với họ; điều đó được phản ánh trong quan niệm tôn giáo ngây thơ của họ. Bộ lạc vẫn là một giới hạn với con người, cả người ngoài bộ lạc cũng như là chính nó: bộ lạc, thị tộc và các thiết chế của chúng đều là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, đều là quyền lực tối cao được tự nhiên tạo ra; con người phải phục tùng vô điều kiện quyền lực đó, cả trong tình cảm, tư tưởng và hành động. Dù người ở thời đó có vẻ oai hùng đến thế nào với chúng ta, thì giữa họ cũng không có gì khác nhau cả; và như Marx nói, họ vẫn gắn liền với cái cuống nhau của công xã nguyên thủy4. Quyền lực của công xã nguyên thủy đó phải bị phá vỡ, và nó đã bị phá vỡ. Nhưng nó đã bị phá vỡ bởi những ảnh hưởng mà ngay từ đầu đã xuất hiện như một hành động tội lỗi, một sự suy đồi so với trình độ đạo đức cao của xã hội thị tộc cũ. Chính những lợi ích thấp hèn nhất - lòng tham tầm thường, những dục vọng thú tính, tính keo kiệt bủn xỉn, ham muốn ích kỉ muốn ăn cắp của chung - đã mở đầu cho cái xã hội mới, văn minh, có giai cấp. Chính những thủ đoạn đê tiện nhất - trộm cắp, bạo lực, gian trá, phản bội - đã phá vỡ và tiêu diệt xã hội thị tộc không giai cấp. Và chính xã hội mới, suốt hai nghìn năm trăm năm tồn tại, chẳng qua cũng chỉ là sự phát triển của thiểu số, sống bám vào đại đa số bị áp bức bóc lột; và ngày nay cũng vẫn vậy, với mức độ còn hơn bất cứ thời nào trước kia.
Chú thích của người dịch

1 a b "Xã hội Cổ đại".
2 Tên gọi mà thực dân Pháp đặt cho một liên minh quân sự của mấy bộ lạc Indian sống ở bờ Bắc hồ Erie; liên minh này giữ thế trung lập trong cuộc chiến tranh giữa người Iroquois chính cống và người Huron.
3 Tên gọi mà thực dân Anh đặt cho các dân bản xứ ở miền nam châu Phi nói chung.
4 "So với xã hội tư sản, những cơ quan quản lí sản xuất của xã hội cổ xưa ấy quả là cực kì đơn giản và dễ hiểu. Nhưng chúng được dựng lên hoặc là do sự phát triển chưa chín muồi của mỗi cá nhân - anh ta vẫn chưa rời khỏi cái cuống nhau đã liên kết mình với đồng bào, trong khuôn khổ cộng đồng bộ lạc nguyên thủy; hoặc là dựa vào những quan hệ nô dịch và thống trị trực tiếp" (Karl Marx, "Tư bản", quyển I).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top