phần 1
Có lẽ ít người trên đời này thương yêu con như cha tôi. Mẹ tôi mất từ lúc tôi lên hai, cha nuôi tôi từ thuở ấy. Người dùng chiếc xe xích lô kiếm sống, cũng là chiếc nôi chở tôi đi khắp nẻo đường thành phố. Thành phố nhỏ miền Trung này, chắc hẳn đã có người bắt gặp. Một người đầu chớm hói, có nước da rám nắng và đứa trẻ gái ngồi trên xe mây, đó là tôi và người cha tội nghiệp. Tất cả tình thương cha dành cho tôi.
Tôi lớn lên trong sự nhọc nhằn thức khuya dậy sớm nai lưng đạp xích lô của cha, giờ đây, tôi đã là cô gái mười bảy tuổi đang học những năm cuối của bậc trung học. Cha hay kể về mẹ bằng những lời ngọt ngào. Cha kể đến mức tôi thuộc lòng về hình ảnh mẹ. Hễ nhắm mắt lại là thấy mẹ hiện lên, khuôn mặt đôn hậu, hai mắt mở to nhìn tôi. Dẫu chiến tranh tàn khốc và thiếu thốn ở chiến trường Tây Nguyên vẫn không tàn phai được sức sống và vẻ đẹp của mẹ - cha bảo mẹ có nụ cười đầm ấm dễ thương - mẹ Thu của con đã cứu cha thoát chết bởi những trận sốt rét ác liệt. Hàng tháng trời cha nằm ở trạm giao liên. Mẹ lội khắp rừng tìm lá thuốc nam sắc cho cha uống. Mẹ xuống bìa rừng bắt giun dùng lá chè xanh rừng chuốt sạch nhớt bắt cha nuốt. Sau khi thoát chết là đói. Ðói đến nỗi tóc và lông mày rụng hết, cha phải dùng cả hai tay mới bò nổi từng bước, mẹ lại lần đến những bản xa xôi của người cùi, không ai dám tới xin bắp về nấu cháo bón cho cha từng thìa... Bao giờ cũng vậy, kể đến đó cha tôi đến bên bàn thờ của mẹ thắp ba nén hương. Miệng cha lầm rầm tâm niệm. Chiếc ảnh của mẹ tuy đã phai màu nhưng vẫn ánh lên mỉm cười cùng cha con tôi.
Tôi thương cha hàng ngày phải làm thay phần việc của mẹ. Lo từng mớ rau, quả cà và cả việc vá may. Nghề đạp xích lô không ai lạ gì. Phải dậy thật sớm đón khách đi chợ, đón khách từ ga tàu về. Nhiều hôm phố, xóm đã cơm nước ngồi xem ti vi cha mới lạch xạch đạp chiếc xe cà khổ về nhà, cha hì hụi lau chùi rồi dùng xích sắt khóa vào chân giường cha nằm, cha bảo đó là con ngựa chiến nuôi sống nhà mình. Mà quả thật, đó là món tiền nghỉ chế độ một lần của cha ngày mẹ mất về nuôi tôi.
Tài sản ngoài ba gian nhà lá trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc xích lô cũ kỹ. Vẫn hai chiếc giường từ ngày tôi ra đời, chiếc cha nằm đã mọt, có đêm tôi giật mình thức dậy bởi tiếng nghiến răng của mọt. Tôi thương cha nên sớm thành cô gái ngoan. Tôi muốn đỡ phần bếp núc, quét dọn nhà cửa. Căn nhà của cha con tôi là một tổ ấm nho nhỏ. Làm dịu lòng cha thân phận người đạp xe xích lô hèn mọn. Một lần tôi nghe một cô gái chạc tuổi tôi nói như hét vào nhà.
- Xích lô! Ði ga nhé!
Tôi buồn rầu hỏi cha:
- Có nghề gì tốt hơn đạp xích lô không cha?
- Bốc vác, bơm xe...- Nghĩ ngợi một lúc cha tôi cười - Con hiểu cho cha, cha đi lính từ năm mười bảy, lúc chưa kịp rời ghế nhà trường nên chẳng biết nghề ngỗng gì. Mới lại, Thu Trang con ạ! Chiếc xích lô này sẽ đưa con vào trường đại học.
Rồi cha kể cho tôi nghe sự phong phú của "binh chủng" xích lô. Người mù chữ có, người có bằng cấp có, lính có, quan có... Có chàng ban ngày lên bục giảng, đêm đến cùng "con ngựa chiến" ra đi... Cha bảo, nhiều vị khách nước ngoài họ khoái đi xích lô, họ thiếu gì tiền để đi xe du lịch, nhưng thích dong ruổi trên xích lô để ngắm thành phố. Vớ được một người khách ấy đạp bở hơi tai, nhưng cũng hời vì họ hào phóng.
Tôi nghe bao lời điều tiếng về nghề của cha. Họ kể về sự phức tạp của dân xế lô. Nào có bà khách đi chơi đêm không có tiền trả muốn gạt nợ bằng chuyện làm tình, có ông thích cầm nhầm của khách hàng. Tôi tin cha, người có trái tim của người lính.
Những hôm vắng khách cha bảo tôi lên xe ngồi và cha con tôi dong ruổi khắp phố phường. Lúc đó cha tươi cười một cách trẻ trung, nhìn thành phố, người qua lại nói cùng tôi.
- Thu Trang ạ! Có lẽ khi loài người bay vào vũ trụ dong chơi chắc vẫn nhớ đến chiếc xích lô của cha con mình.
Nghe cha nói tôi nhủ thầm, dẫu sao nghề của cha cũng chân chính như trăm ngàn nghề khác, vất vả mới kiếm được đồng tiền. Bạn bè tôi thích cuộc sống đạm bạc của cha con tôi. Các cậu ấy nói cùng cha:
- Bác ạ, Thu Trang sẽ vào đại học bằng "chú ngựa sắt" của bác, rồi ra bác sẽ đỡ khổ.
Tôi muốn kiếm một nghề, đỡ đần cho cha, chắc mẹ tôi ở suối vàng cũng vui lòng...
Có lẽ tôi là người biết chậm nhất. Mấy bà hàng xóm nói đuổi theo tôi:
- Thật khổ cho con bé, mẹ chết đuối chẳng tìm được xác, cha phải bỏ cơ quan về nuôi nó...
- Chậc! Ông ấy có người tình là phải rồi!
- Thì bà bảo nhịn làm sao được. Cha nó nhịn được mười lăm năm là giỏi đó.
- Ðàn ông đàn ang họ vậy cả đấy, đầu gối cắt còn máu thì còn thích nhấp nhổm.
Tôi buồn bởi một lẽ cha không nói thật ra cùng tôi, tôi thề sẽ không như những cô gái khác ích kỷ muốn cha ở vậy hầu hạ mình mãn đời. Tôi thèm những đêm trăng cha chở tôi đi men theo đường phố. Tay người chỉ lên những quả đồi bát úp mọc chi chít thông. Cha bảo ở Tây Nguyên có nhiều thông lắm. Lán giao liên của mẹ và cha ở dưới gốc thông, những đêm trăng sáng, bao giờ mẹ cũng đánh thức cha dậy bằng được. Mẹ bảo: những cây thông nó đang trò chuyện và ngắm trăng đấy!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top