Người nghèo không cần Giáng Sinh
HẮN GHÉT GIÁNG SINH.
“Con người thời nay nhạt nhẽo đến thế cơ à?” Hắn luôn tự hỏi mình câu đó mỗi dịp này trong năm. Họ sống nhạt đến mức phải bám vào cái ngày vốn chẳng liên quan gì đến họ, để được gặp nhau, được ăn uống, được tặng quà… trong khi bản thân họ thậm chí còn chẳng biết gì về Chúa. Cũng không trách được, bấu víu vào một điều có-vẻ-thú-vị khiến con người trải qua những ngày vô nghĩa một cách nhanh chóng và đỡ buồn chán hơn. Cảm giác giống như kẻ sắp chết đói lang thang trên đường. Cứ một quãng lại nhặt được vài xu lẻ khiến hắn hy vọng sớm muộn gì cũng đủ tiền để mua một cái bánh mỳ. Nhưng cuối cùng hắn vẫn chết đói mà thôi.
Một lũ người ngu xuẩn.
Hắn đưa điếu thuốc lên môi rồi rít một hơi thật dài, sau đó nhả ra làn khói màu xám đục như màu của ánh hoàng hôn lạnh lẽo cuối năm.
Với hắn, Giáng Sinh chỉ đơn thuần là một buổi làm việc xuyên đêm, khi ông già Noel đã chui ra khỏi cái ống khói cuối cùng. Hắn chưa từng có một món đồ chơi trong đời chứ đừng nói là Giáng Sinh. Thực ra, hồi nhỏ có lần hắn nhặt được một con cá sấu nhồi bông rách rưới bẩn thỉu dưới dòng kênh đen kịt gần nhà. Hắn đem nó ra sông giặt cho đến khi cái mùi tanh tưởi đã nhạt đi, rồi đặt tên cho nó là Ma Bư. Nhưng hắn không coi Ma Bư là một món đồ chơi, hắn coi con thú bông đó là bạn thân nhất của mình.
Bỗng dưng hắn muốn nhổ toẹt một bãi xuống mặt đường vẫn còn vương dấu tích cơn mưa ban chiều. Nhưng hắn kịp kiềm chế. Làm cái chuyện đó trước cửa quán café đông người sẽ khiến hắn bị đuổi việc ngay lập tức. Hắn đã rất thận trọng trong suốt hai mươi hai năm qua, không để mất lòng ai, không ngừng nỗ lực và không bao giờ phạm sai lầm. Hắn hiểu rằng xuất phát điểm của mình quá thấp nên sẽ mất nhiều thời gian vươn lên hơn những người khác, chỉ một chút sơ sẩy sẽ khiến hắn thụt lùi lại rất nhiều bước trong ván cờ của cuộc đời.
Hắn liếc nhìn đồng hồ treo trên quầy thu ngân, mười một giờ đêm. Mọi người đã phải làm việc rất vất vả suốt một tuần nay để trang trí cho lễ Giáng Sinh, và giờ Cu Long, cậu chủ trẻ tuổi đẹp trai và phóng khoáng đang kiểm tra tất cả lại một lần nữa, để chắc chắn rằng sẽ không có sai sót gì xảy ra. Không đơn thuần là Giáng Sinh, nghe nói anh ta sẽ đưa người yêu về ra mắt gia đình vào ngày mai. Họ sẽ ngồi bàn vip trên gác, ăn gà quay, uống vang đỏ và bàn về tương lai của đôi bạn trẻ. Từ vị trí đó có thể ngắm toàn bộ nhà thờ và con đường xung quanh ngập trong rừng đèn đuốc sặc sỡ như truyện cổ tích.
Mỗi người đều được gán cho một số phận từ trước khi xuất hiện trên cõi đời. Hắn thì quá rõ ràng là kém may mắn vì sinh ra mang được ngay kiếp con nhà nghèo. Cậu chủ Cu Long thì ngược lại, giàu có từ trong trứng nước, cả đời chưa từng phải thiếu thốn bất cứ một cái gì. Nước da anh ta trắng đến nỗi hãng Pond’s từng nài nỉ không biết bao nhiêu lần để mời về làm người mẫu mà không được. Mỗi lần anh ta nở nụ cười Lee Min Ho, hàm răng thẳng tắp không bói đâu ra một vết ố café lại tỏa sáng làm chói lòa cả những nàng công chúa chảnh chọe nhất. Lúc nào cũng vậy, anh ta ân cần và hòa nhã với tất cả mọi người theo kiểu một đức hiền nhân.
Thực ra hắn chẳng có vấn đề gì với Cu Long. Hắn nghèo thật, nhưng không bao giờ mặc cảm với cái nghèo hình thang của mình, cũng chẳng ghen tỵ với sự giàu sang của ai. Hắn không muốn phí phạm thời gian cho những việc vớ vẩn không thu được một xu vật chất hay một cắc kiến thức nào. Có lẽ nhờ đức tính đó nên hắn mới thuộc trường hợp hiếm hoi trong làng đỗ đại học. Không như những bạn bè tuổi ấu thơ của hắn, lũ con trai thì lên thành phố làm thợ xây, trộm cắp, đi tù, bọn con gái không bị bóc lột trong các khu công nghiệp thì cũng làm đĩ cả.
***
Nàng sống ở làng bên cạnh, ngăn cách với làng hắn bởi con mương dẫn nước và ngôi trường mái ngói bé nhất thế giới. Gia đình nàng còn nghèo hơn gia đình hắn. Nàng luôn luôn đi học với những bộ quần áo cũ của chị gái, cùng chiếc cặp rách nát khốn khổ cứ thi thoảng lại làm vương vãi xuống đường hết sách đến vở. Bù lại, nàng có một mái tóc rất đẹp và không bao giờ để quần áo mình bị vấy bẩn bởi bùn đất hay cái nghèo trải dài khắp mảnh đất miền Trung khô cằn.
“Khi nào lên Hà Nội học đại học, bọn mình sẽ sống cùng nhau nhé.” Nàng đề nghị. Họ đang ngồi trước sân trường, bàn về kỳ thi tốt nghiệp trung học sắp tới.
“Anh có được ngủ với em không?” Hắn hỏi bằng giọng tỉnh bơ như gà gáy mỗi sáng.
“Ngủ cùng thì được, thức cùng thì không.” Nàng ném cho hắn một cái lườm.
“Vậy thì chả có gì thú vị cả.”
“Sao lại không thú vị? Cuộc sống ở thành thị chắc chắn là phức tạp hơn nhiều cái con đường làng đầy ổ gà và phân bò của chúng mình. Nếu anh muốn có ngày em trở thành vợ anh, ok, em sẽ cho anh cơ hội để chứng tỏ anh là người chồng tốt.”
“Ngay cả khi chúng ta sẽ là cặp vợ chồng sinh viên nghèo nhất thế giới, đến mức không đủ tiền mua sự tự tin mà ngủ với nhau sao?” Hắn thắc mắc.
Lại một ánh mắt hình viên đạn khác muốn cắm thẳng vào cái đầu đen tối của hắn.
“Ok, được rồi. Anh hứa sẽ chăm lo cho em cả đời.” Hắn đưa tay phải lên trời mà thề thốt. Một con chim đang bện rơm cho cái tổ của nó trên cây cổ thụ đầu làng.
Kỳ thi đại học năm đó, cả hai đều đỗ vào những trường top đầu với số điểm rất cao. Hắn lang thang suốt một tuần mới tìm được nơi ở cho nàng và hắn. Một căn phòng rộng chừng mười hai mét vuông trong khu xóm trọ nhung nhúc sinh viên và chuột. Họ chẳng có mấy thứ để mang theo lên Hà Nội, trừ quần áo, dụng cụ học tập. Riêng hắn có thêm con cá sấu nhồi bông Ma Bư, người bạn thân nhất.
Nhờ vẻ ngoài dễ nhìn lại trắng trẻo nên nàng sớm kiếm được một công việc bán hàng mỹ phẩm, còn hắn bưng bê và rửa bát ở một quán ăn nhỏ. Ngày nào cũng đều như đồng hồ hẹn giờ, cả hai lên giảng đường để học như điên, rồi lại đi làm thêm, ai về trước thì lo cơm nước. Thường thì đến mười giờ họ mới thực sự xong tất cả công việc trong ngày với một cơ thể rã rời chỉ chực nhào xuống tấm đệm mỏng dính mà ngủ đến không biết trời đất gì. Tuy vậy, họ vẫn dành thời gian cho nhau, kể về những chuyện đã xảy ra trong ngày hôm nay, những điều mới mẻ mà chốn phồn hoa đã cho họ thấy. Theo như nàng phân tích, thì đó là chất xúc tác duy trì mối quan hệ “vợ chồng chay” không bao gồm tình dục của họ.
Vào những ngày được nghỉ hiếm hoi trong tháng, họ sẽ ra ngoài chơi, ngắm phố xá và in dấu giày lên tất cả những viên gạch lát đường của thành phố, như để cho bõ mười tám năm chỉ biết đến con đường làng ngập bùn và phân bò. Họ sẽ lên kế hoạch trước từ nhà: Định đi đâu, qua những con đường nào, tuyến xe bus nào, nếu đi ăn thì sẽ không đi uống, nếu muốn đi uống một cốc sinh tố hay café thì phải ăn cơm trước ở nhà.
***
Hắn định rít thêm một hơi nữa, nhưng chợt nhìn thấy San San đang bước ra từ trong cửa hàng nên vội vàng vứt điếu thuốc hút dở xuống đất rồi di chân lên mấy lần như dẫm chết một con gián.
Xui cho hắn, cô đã nhìn thấy tất cả. Cô nói với hắn bằng giọng trách móc. “Em đã bảo là anh hãy dừng hút thuốc đi cơ mà. Bổ béo gì đâu…” Cô ngắt quãng giữa chừng vì nhớ ra rằng đã nói câu này rất nhiều lần rồi, chẳng có chút tác dụng nào với hắn.
“Em làm gì mà lâu thế? Xong xuôi hết chưa?” Hắn hỏi.
“Anh Long vừa dặn dò em mấy việc. Giờ thì tụi mình đi ăn thôi.” Cô nở nụ cười ngoác đến tận mang tai, làm hai núm đồng tiền hiện trên gò má đã tái đi vì lạnh, đôi mắt cô híp lại như hai đường chỉ sau chiếc kính cận. Dù rất mệt mỏi khi phải trải qua tám tiếng làm việc, nhưng chẳng bao giờ nụ cười thôi hiện hữu trên gương mặt cô.
San San là người duy nhất trong số các nhân viên của quán chịu làm bạn với hắn, có khi là người duy nhất ở cái thành phố này. Quê cô ở gần biển, nên tính cách của cô cũng rộng rãi như biển cả. Cô không hề e ngại cái vẻ ngoài lạnh lùng đến mức khó ưa của hắn. Trái ngược với hắn, cô sống một cuộc sống vô lo vô nghĩ, hồn nhiên với cái tuổi hai mươi của mình. Tâm hồn cô lãng mạn bay bổng, trong lòng luôn cháy bỏng mơ ước trở thành một đạo diễn điện ảnh. Cô trích đến một phần ba số tiền lương làm bồi bàn mỗi tháng để mua đĩa phim. Trong đầu cô là một kho tàng kiến thức vô cùng phong phú về phim ảnh, bất kể là phim Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản cho tới Hollywood. Nghe nói cô đã xăm dòng chữ “Tôi được sinh ra để cứu rỗi nền điện ảnh nước nhà” lên lưng, nhưng chưa từng có ai tận mắt nhìn thấy. Nhân nói về mắt, cô bị cận khá nặng, không phải vì học mà vì xem quá nhiều phim.
Cả hai lượn lờ khắp các con phố của Hà Nội. Gần mười hai giờ đêm nhưng ánh đèn vẫn sáng trưng trong các cửa hàng, người ra kẻ vào nhộn nhịp, hơi lạnh phả ra từ miệng của họ. Cứ mỗi khi đi qua một cửa hàng được trang trí đẹp mắt, San San lại chỉ về đó rồi reo lên thích thú như đứa trẻ con được đi thăm công viên khủng long, trong khi hắn thì khốn khổ vì gió tạt vào mặt chẳng khác nào những cái tát lạnh buốt.
Đến trước một quán ăn đêm vỉa hè , cô bảo hắn dừng xe. Họ chọn một bàn trong góc tường, gần nồi nước lèo bốc khói nghi ngút. Viên than tổ ong đỏ rực tỏa nhiệt từ trong lò, sưởi ấm cả một góc quán. San San gọi một bát phở tái nạm, còn hắn ăn mỳ tim cật. Cả hai đều rất đói nên tập trung vào ăn, chẳng ai nói với ai câu nào.
“Ngày mai anh sẽ đóng vai ông già Noel đấy.” San San đã ăn xong bát phở của mình, lau miệng bằng một tờ giấy ướt mang theo. Cô không bao giờ dùng giấy ăn của quán vì cho rằng chúng được làm từ nhựa trải đường.
“Có thể đổi cho ai khác được không? Anh chỉ muốn bưng bê thôi.” Hắn cau mày.
“Tại sao anh lại ghét làm ông già noel nhỉ? Anh chỉ việc đứng đó để chào khách và chụp ảnh với họ thôi mà. Bao nhiêu người muốn mà chẳng được.” Cô thắc mắc.
“Anh thà bưng bê còn hơn. Anh không thích đứng một chỗ trong khi tất cả mọi người phải chạy ngược chạy xuôi. Cảm giác như anh là kẻ ích kỷ lười biếng trong cuộc cách mạng công nghiệp.”
“Mỗi người một việc, chẳng ai đánh giá anh đâu. Với cả đích thân anh Long phân công như thế, muốn thắc mắc thì đến gặp sếp nhé.” Cô gạt chiếc kính trên sống mũi.
Nghe đến tên “sếp Long” là hắn chấm dứt luôn hy vọng. Cậu chủ Cu Long là người đã muốn gì thì có trời cũng không cản được.
Hắn đã ăn xong bát mỳ tim cật, húp đến giọt nước lèo cuối cùng. Một bát mỳ chưa đủ để làm đầy một phần ba cái dạ dày lúc nào cũng rỗng của hắn, nhưng với hắn thế là sang lắm rồi. Chẳng bao giờ hắn cảm thấy ngon miệng khi nghĩ đến bố mẹ lam lũ và đứa em gái không có nổi bộ quần áo tử tế mặc đi học.
“Giáng Sinh này anh thích được tặng cái gì?” San San kéo hắn từ miền quê khốn khó trở lại với nồi nước lèo bốc khói.
“Em thừa biết là anh không quan tâm đến ông già Noel hay những mong ước vô bổ mà.”
Một đứa trẻ sinh ra ở cái mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, cứ mỗi năm lại lũ lụt một lần, lại tang thương trắng xóm làng, lại hóp cái bụng xẹp dúm, cái đít đóng đầy mạng nhện và cái cổ dài như cây phi lao chắn đê biển lên mà hóng trực thăng chở hàng cứu trợ đi qua. Một đứa trẻ cả đời sống trong nghèo khó, ban ngày đi bê gạch vữa cho ông bố thợ xây, tối về thắp đèn dầu ngồi học bài, cái đói chui cả vào trong giấc ngủ, chưa từng được một lần xem phim của Disney. Một đứa trẻ như thế thì cần đếch phải biết Giáng Sinh là cái gì?
“Trẻ con tin vào ông già Noel vì ông mang cho chúng những món quà vật chất. Những đứa trẻ đã không còn bé như chúng ta thì tin vào những món quà tinh thần nhiều hơn. Nó khiến ta thấy vui, buồn, hy vọng... Dù sao có cảm xúc vẫn tốt hơn trạng thái trống rỗng. ” Cô nói.
“Thế em mong ước gì trong đêm Giáng Sinh?” Hắn hỏi ngược lại cô.
“Em chỉ mong mình sớm nghĩ ra cái tình huống cục gạch cho bài tập về nhà sắp phải nộp thôi.” Cô thở dài.
“Tình huống kịch bản phim ấy hả?”
‘Vâng. Em nghĩ nát óc mới ra một tình huống, hay để em thử trình bày cho anh nghe xem có hợp lý không nhé.” Cô chạm hai đầu ngón tay trỏ vào nhau, đưa chúng lơ lửng trước mắt.
“Nói thử anh nghe xem nào.” Hắn trả lời.
“Một cặp đồng nghiệp đang giờ làm việc thì rủ nhau vào nhà vệ sinh để hú hí. Không phải loại nhà vệ sinh công cộng có nhiều buồng đâu, mà là kiểu trong nhà nghỉ ấy, chỉ có một buồng duy nhất. Thế rồi khi họ đang “ABC” thì có tiếng đập cửa, một đồng nghiệp khác cố tình muốn chơi khăm cả hai.”
Hắn lặng lẽ suy nghĩ một hồi rồi nói.
“Anh thấy không ổn.”
“Không ổn chỗ nào?”
“Chẳng hợp lý chút nào khi nhà vệ sinh đang khóa mà lại có người đập cửa ầm ầm. Cho dù như vậy, chỉ cần một trong hai người nói vọng ra là có người rồi, thế là xong mà.”
‘Vậy đấy, em đúng là đồ vô dụng.” San San úp mặt vào hai tay, tiếng thở dài não nề xuyên qua các kẽ tay.
“Em có thể đổi ngược lại. Họ vào nhà vệ sinh hú hí với nhau. Khi xong việc mới phát hiện khóa cửa bị hỏng, không thể mở được từ bên trong. Nếu cầu cứu từ bên ngoài thì sẽ bị lộ, vậy là một tình huống dở khóc dở cười sẽ diễn ra.” Hắn phân tích.
“Anh quả là thiên tài. Tại sao anh không học một ngành nghệ thuật nào nhỉ?” Cô reo lên.
Hắn không trả lời. Nghệ thuật ư? Quá xa xỉ với kẻ phải lo lắng từng bữa ăn, từng đồng tiền đóng học như hắn. Mà cho dù gia đình có khá khẩm hơn, hắn cũng chẳng bao giờ mơ mộng đến những điều phi thực tế.
“Muộn lắm rồi, bọn mình về thôi. Sáng mai anh còn phải đi học nữa.” Hắn rút chiếc ví cũ rích đã bạc phếch bạc phơ, đường chỉ sút xiên vẹo từ trong chiếc áo khoác cũng cũ rích và bốc mùi lâu ngày không giặt.
“Để em trả, anh còn chưa lĩnh lương mà.” San San ngăn hắn lại.
“Lần trước em đã trả tiền rồi, đừng khiến lòng sĩ diện của anh bị cảm lạnh.” Hắn lắc đầu.
Hai người giằng co, không ai chịu nhường ai. Chỉ khổ cho chiếc ví già nua cà tàng của hắn, sau một hồi bị kéo qua kéo lại, nó không chịu nổi nên đứt toác làm đôi, giấy tờ và tiền thi nhau rơi xuống đất. San San nhìn thấy một tấm ảnh thẻ cỡ 4x6, cô nhặt nó lên và ngắm nghía với vẻ tò mò. Trong ảnh là một cô gái đang nhìn thẳng vào máy ảnh với ánh mắt kiên định. Cô gái đó có khuôn mặt ưa nhìn, mái tóc đen dài và rối giống Angelina Jolie trong phim Salt.
“Đây là ai vậy? Bạn gái của anh à?”
“Đã từng.” Hắn giật lại tấm ảnh một cách thô bạo.
“Kể cho em nghe đi.” San San nài nỉ bằng ngữ điệu háo hức như đứa trẻ chờ được kể chuyện cổ tích trước khi ngủ.
“Em sẽ phải đền bù chiếc ví cho anh đấy.” Hắn lạnh lùng đứng dậy, bất chấp thái độ giận dỗi của cô.
***
“Đôi lúc em cảm thấy mình như sắp nổ tung vậy.” Nàng vừa nói vừa nhâm nhi những hạt trân châu còn sót lại trong cốc trà sữa. Họ đã đi bộ một quãng đường dài từ bà Triệu lên phố Huế, lượn một vòng bờ Hồ rồi lại xuyên qua Tràng Tiền, trước khi ngồi bệt dưới bậc cầu thang nhà hát lớn, uống trà sữa và ngắm dòng xe cộ đi qua.
“Anh hiểu. Chúng ta đang phải sống như những cỗ máy công nghiệp. Đôi lúc anh cũng lo sợ liệu mình có gục ngã không.” Hắn vỗ về nàng.
“Ý em không phải là về vấn đề sức lực. Em muốn nói về tinh thần cơ.”
“Tinh thần của em bị cảm cúm à?”
“Ngày xưa, em chỉ biết học, học và học vì cho rằng đó là con đường duy nhất để thoát nghèo. Như kiểu một tấm vé thông hành, còn cuộc đời là một sân bay. Em xuất trình vé , thế là người ta cho em lên máy bay và cất cánh đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng hóa ra em nhầm, ngay cả khi tốt nghiệp loại xuất sắc với tố chất thực sự, em vẫn có thể thất bại như thường.” Nàng nói. “Đó là trong trường hợp mọi thứ đều ổn nhé, thực tế cuộc đời đâu đơn giản vậy.”
“Em không nên bi quan như thế, bọn mình chỉ vừa mới ra khơi thôi mà.”
“Lúc phải xa gia đình, em tưởng rằng mình sẽ nhớ họ đến phát khóc, nhưng hóa ra em chẳng thấy nhớ nhung gì cả. Em cảm thấy cuộc sống bị đảo lộn quá nhanh, như kiểu đến một hành tinh khác ý, em sợ sẽ có một lúc nào đó em chẳng còn thuộc về nơi nào cả. Chẳng có gì đáng sợ bằng tự nghi ngờ chính bản thân mình.”
Hắn đặt cốc trà sữa sang một bên rồi ngồi xuống dưới một bậc cầu thang, đối diện với nàng.
“Nếu vậy, hãy nói với anh mỗi lần em thấy nghi ngờ chính mình, anh sẽ nói cho em vì sao anh chẳng bao giờ nghi ngờ tương lai tốt đẹp của chúng ta.”
Hắn những muốn nói một điều gì đó khiến nàng an tâm hơn, nhưng chẳng nghĩ ra được gì cả. Hắn yêu nàng và thực sự muốn cùng nàng vượt qua mọi khó khăn trong đời, nhưng hắn bất lực trong việc hiểu nàng. Thôi thì cứ tặc lưỡi mà nghĩ rộng ra rằng: Mọi thứ cuối cùng đều sẽ tốt đẹp. Nếu nó không tốt đẹp thì đấy vẫn chưa phải cuối cùng.
Đêm đó, nàng cư xử khác thường, thậm chí nàng đã gần như cho phép hắn đi vào mình. Thường thì khi ngủ nàng vẫn mặc quần áo và hắn cứ việc cho tay vào bên trong mà sờ soạn, nhưng chỉ như vậy, không được tiến xa hơn. Nàng có thể thay đồ trước mặt hắn, nhưng không bao giờ để hai đứa cùng trần truồng bên cạnh nhau. Nàng hiểu rằng chỉ một phút mất kiểm soát là đủ để bao công sức giữ gìn đổ hết xuống con mương dẫn nước cạnh ngôi trường làng.
Hắn cũng nhận ra thái độ khác lạ đó, nhưng chỉ nghĩ đơn thuần là một giây phút nông nổi thoáng qua của cô gái mới lớn đêm nào cũng phải kiềm chế khi nằm cạnh một gã con trai. Thậm chí hắn còn cho rằng nàng đang ngày càng tin tưởng mình hơn, và cái khái niệm về “vợ chồng chay” bắt đầu lung lay. Hiển nhiên là hắn muốn được quan hệ với nàng đến chết đi được. Ngay từ đầu hắn đã xác định sẽ sống cùng nàng trọn đời. Làm tình với nàng không chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, mà sẽ còn là một sự khẳng định chủ quyền, củng cố niềm tin cho hắn về một tương lai hạnh phúc.
Một buổi tối giữa tháng mười hai mưa lạnh buốt, hắn trở về phòng trọ như thường lệ và thấy nàng đang nằm quay đầu vào tường, run rẩy, cố gắng tự ôm thật chặt cơ thể mình.
“Em bị ốm à?” Hắn nhẹ nhàng đặt tay lên trán nàng, không nóng cũng chẳng lạnh.
Nàng đang khóc, những giọt nước mắt âm thầm bám lấy bàn tay hắn.
Suốt cả ngày sau đó, nàng hoặc nằm quay lưng vào tường, tự ôm lấy bản thân mình hoặc ngồi co người trong góc phòng, chẳng nói với hắn lời nào, chẳng ăn chẳng uống, mặc cho hắn van xin, nài nỉ.
Đúng vào cái lúc mà hắn nghĩ rằng cần phải gọi bác sĩ thì nàng đột nhiên bừng tỉnh như đã trải qua một cơn mê dài.
“Em không muốn sống thế này nữa!!!”
“Chuyện gì đã xảy ra với em vậy?” Chưa bao giờ hắn thấy nàng bị kích động đến thế.
“Chẳng có vấn đề gì với em hết, vấn đề là ở cái quá khứ, cái hiện tại và cái tương lai này, cái phòng trọ bẩn thỉu này, đống sách vở khốn kiếp này, cái ánh đèn tuýp tù mù này. Em không muốn sống nghèo khổ thế này thêm nữa. Em không muốn lãng phí cả tuổi trẻ của mình nữa. Em không muốn các con em sau này cũng như em, như bố mẹ em.”
Nàng nấc nghẹn mấy lần, rồi lại nói tiếp.
“Anh nghĩ rằng em không muốn trao thân cho anh hay sao? Em cũng chỉ là một đứa con gái bình thường, cũng có những tò mò về thể xác. Em đâu phải khúc gỗ cành cây mà chịu đựng được mãi. Nhưng thậm chí chúng ta còn không đủ tiền mà mua bao cao su, đừng nói là một tương lai tốt đẹp.”
“Em muốn thoát khỏi đây. Thoát khỏi cái phòng trọ bẩn thỉu ẩm thấp này, thoát khỏi nỗi ám ảnh về cái nghèo đã bám riết em cả cuộc đời. Dù ngó lại đằng sau hay nhìn về phía trước, em cũng chỉ thấy sự bế tắc tuyệt vọng… Chúng ta sẽ làm thế nào bây giờ?!!”
Hắn chỉ im lặng, đợi cho đến khi nàng không đủ hơi để nói nữa mới ôm chặt nàng vào lòng.
“Em đang bị kích động. Chỉ là một khoảng thời gian tồi tệ, một đoạn ổ gà chết tiệt trên con đường đẹp đẽ mà thôi. Hãy bình tĩnh lại, hít thật sâu và em sẽ khá hơn.” Hắn thì thầm vào tai nàng.
“Em không thể khá hơn được, em biết mà.” Nàng dụi đầu vào vai hắn, run lẩy bẩy như một con vịt con yếu đuối.
‘Hãy suy nghĩ tích cực. Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng chúng ta của hai mươi năm nữa, cũng ngồi ôm nhau như thế này, trong một căn nhà khang trang, đúng nghĩa của một tổ ấm. Chúng ta sẽ ôn lại những năm tháng khốn khó xưa kia. Em sẽ thở phào vì ngày xưa đã không từ bỏ, nên chúng ta mới có ngày hôm nay. Con cái của chúng ta sẽ tự hào vì bố mẹ chúng đã nỗ lực đến nhường nào, để thế hệ của chúng không bao giờ phải đi trên con đường làng nghèo khổ, ở trong xóm trọ bẩn thỉu.” Hắn chạm nhẹ trán mình vào trán nàng, như để gửi những viễn cảnh tốt đẹp từ đầu hắn sang đầu nàng.
“Anh có để ý rằng chúng mình thậm chí còn chưa từng có một bức ảnh chụp chung không?” Nàng hỏi.
“Sắp đến Giáng Sinh rồi. Chẳng phải em từng nói muốn một lần được đi chơi đêm Giáng Sinh sao? Anh sẽ xin nghỉ việc hôm đó, nếu người ta không cho thì anh sẽ nghỉ hẳn luôn. Anh sẽ đưa em đến bất cứ nơi nào em thích, bọn mình sẽ chụp số ảnh mà nhét vào mười cuốn album cũng không đủ, được chứ?” Hắn dỗ dành nàng như một đứa trẻ.
“Em là người nghèo, em không cần Giáng Sinh.”
Nàng không cần Giáng Sinh, và cũng chẳng muốn chụp ảnh với hắn. Đúng vào cái đêm thánh vô cùng năm đó, nàng bỏ đi, không báo trước, không để lại thư từ, chẳng mang theo cái gì, trừ hơi ấm và tình yêu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top