Nguoi Me
Bé gái 9 tuổi thay cha mẹ nuôi 2 em thơ
(Dân trí) - Khi kể về em Hoàng Thị Mũ, học sinh lớp 3A, phải cáng đáng nhiệm vụ "làm mẹ" nuôi dưỡng 2 đứa em thơ dại, cô Nông Thị Lới - Chủ tịch công đoàn trường tiểu học Nà Ca, thị trấn Pác Miầu (Bảo Lâm, Cao Bằng) - không cầm được nước mắt...
Thay mẹ đã khuất núi nuôi 2 em
Mũ vừa cõng em vừa chuẩn bị rau cho bữa cơm chiều.
3 chị em Hoàng Thị Mũ ở bản Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, mồ côi mẹ kể từ cái đêm 7/7/2010 kinh hoàng, khi dòng sông Gâm bỗng gào thét dâng lũ cuồn cuộn, cướp đi của các em người mẹ hiền Chẻo Mò Phan. Từ ngày mẹ mất, bố các em sinh buồn chán, chìm đắm triền miên trong men rượu, Mũ - một đứa trẻ 9 tuổi - bỗng bị bỏ mặc trong nỗi đau mồ côi, bơ vơ, nhọc nhằn, lo toan cho 2 đứa em: một đứa 7 tuổi, một đứa chưa đầy tuổi.
Nhìn cảnh Mũ chăm em, khó ai cầm được nước mắt. Cứ tưởng tượng một bà mẹ thực sự chăm hai đứa con nhỏ vất vả đến nhường nào sẽ hiểu trọng trách lớn lao của "bà mẹ" 9 tuổi này. Cũng chẳng ai có thể tin một đứa trẻ lại chăm 2 đứa trẻ khác một cách thuần thục và thành thạo đến thế. Mũ cõng em nhỏ, dắt em lớn, dỗ dành mỗi khi các em nhớ mẹ, thay quần áo, tắm rửa cho em, bón cơm cho em ăn. Cái cách em chăm sóc các em, sao cần mẫn, lặng lẽ và buồn thương đến thế!
Bố Mũ bị con "ma men" "chài" đi mất rồi nên gần như đã bỏ bẵng các con. Mũ không trách bố. Mũ chỉ thương em. Một tháng ròng từ khi mẹ mất, Mũ đành phải gác việc học của mình lại. Những khi các em đi ngủ, Mũ được thảnh thơi một lát, ngồi ở bậc cửa nhìn về phía thị trấn, trào dâng nỗi nhớ mẹ.
Với một đứa bé 9 tuổi như Mũ, việc kiếm đủ thức ăn cho hai em không hề đơn giản. Em phải tận dụng hết những khả năng của mình để kiếm rau, kiếm khoai, kiếm sắn, nhường cho hai em ăn trước. Khi hai em đã no bụng, Mũ ăn những gì còn sót lại.
Kể từ ngày mẹ mất, mọi việc trong nhà đều do cô bé 9 tuổi này đảm nhận.
Một hôm, khi vừa bồng bế, dắt díu hai em từ sườn núi kiếm rau về nhà, Mũ sững người khi thấy cô giáo chủ nhiệm lớp 3A của em, cô giáo Lục Thì Toàn, cùng mấy bạn trong lớp đã vượt dốc đứng đợi trước cửa nhà em từ bao giờ. Dường như bao nhiêu nỗi tủi thân dồn ứ từ trước giờ mới đến lúc vỡ òa. Sau phút giây ngỡ ngàng, Mũ lao vào lòng cô giáo chủ nhiệm mà khóc. Cả hai cô trò cứ thế ôm nhau khóc.
Cô giáo chủ nhiệm thuyết phục thế nào bố của Mũ cũng không muốn cho em đi học. Vì em đi lấy ai trông các em? Sau một thoáng suy nghĩ, cô Lục Thị Toàn quả quyết: Mũ sẽ đưa em tới lớp. Từ hôm đó "mẹ" Mũ bắt đầu cuộc hành trình cõng em nhỏ, dắt em lớn vượt dốc đến trường.
Hành trình tìm chữ của Mũ không còn mịt mùng
Trao đổi với PV Dân trí, cô giáo Nông Thị Lới - Chủ tịch công đoàn trường tiểu học Nà Ca - còn chưa hết xúc động: "Buổi sáng hôm đó, hình ảnh em Mũ cặm cụi bước những bước chân lặng lẽ một tay dắt em lớn, trên lưng cõng em nhỏ quả quyết trèo dốc gần 2km tới trường đã khiến tất cả các cô giáo có mặt tại trường lặng người trong phút giây trước khi bật khóc, chạy đến đỡ em".
Cậu em út cùng chị tới trường.
Cô giáo Nông Thị Lới cho biết thêm, ngay sau khi em Mũ đến trường, hàng ngày các cô giáo ai cũng tự đến sớm hơn một chút để đỡ đần Mũ trông em. Trong buổi họp hội đồng nhà trường, cô giáo Nông Thị Lới đề xuất với toàn thể các thầy cô giáo trong trường mỗi người góp ít nhất 10 nghìn đồng trong tháng mua mì tôm lo bữa sáng cho ba chị em Mũ. Đề xuất của cô nhận được sự nhất trí trăm phần trăm từ tất cả các cô giáo trong trường.
Phải lo lắng cho em, Mũ không có thời gian chơi đùa như các bạn.
Nói về hoàn cảnh của em Mũ, cô Lới xúc động: "Tôi cứ nghĩ đến con gái của chúng tôi, nếu đang ở tuổi như em Mũ chắc còn phải dỗ bón từng thìa cơm mỗi bữa. Vậy mà em đã phải làm một người "mẹ" đảm đang của hai đứa em nhỏ. Nghĩ về em, chúng tôi vừa thương lại vừa cảm phục".
Cô Lục Thị Toàn lại có những yêu thương và chia sẻ với hoàn cảnh của em theo cách của riêng mình: "Mỗi sáng tôi đến lớp sớm hơn thường lệ, đỡ các em cho Mũ rồi bón cơm cho từng đứa. Tôi muốn san sẻ bớt cho em những nhọc nhằn và hơn nữa dành cho em những khoảnh khắc dù ít thôi nhưng được trở về với đúng lứa tuổi của mình. Hiện hoàn cảnh của em vẫn còn muôn vàn khó khăn và rất cần các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ".
Ông La Quang Vinh - Chủ tịch UBND thị trấn Pác Miầu - cho biết: "Hiện tại, thị trấn Pác Miầu có trên 5.000 nhân khẩu nhưng có đến 35% là đói nghèo. Riêng gia đình em Hoàng Thị Mũ là một trường hợp đặc biệt khó khăn, UBND xã chúng tôi cũng thường xuyên vận động giúp đỡ em và rất mong các tấm lòng hảo tâm chia sẻ để em có thể tiếp tục nuôi em và tới trường".
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Ông La Quang Vinh - Chủ tịch UBND thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng (gửi em Hoàng Thị Mũ - thôn Nà Ca, thị trấn Pác Miầu) - điện thoại: 0986535722
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: [email protected]
* Tài khoản VNĐ tại ABBANK
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0111.028.722.008
Tại: Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Hà Nội.
*Tài khoản USD tại ABBANK
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 0111.028.723.004
Bank Name: An Binh Bank (ABBANK) - HaNoi Branch
Swift code: ABBKVNVX
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top