Người Lớn Chưa Trưởng Thành


Mẹ tôi làm em tôi cảm thấy áp lực.


Lúc nhỏ vì gia đình khó khăn, ba mẹ tôi bận rộn công việc nên không có nhiều thời gian quan tâm đến tôi và em trai. Hai anh em tôi trưởng thành một cách tự lập mà không để ba mẹ quá mức lo lắng. Song khi chúng tôi lớn lên, dường như muốn bù đắp cho khoảng thời gian quá khứ, mẹ tôi bắt đầu quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn. Nhưng lúc này cả tôi và em trai đã trưởng thành, cả hai đã có cuộc sống riêng của mình. Nên khi mẹ tôi bắt đầu muốn quan tâm, muốn chăm sóc cuộc sống của chúng tôi vô hình trung điều đó trở thành một áp lực gò bó chúng tôi trong cái lăng kính của chính bà. Tôi và em trai đều rời quê nhà đến thành phố lớn học đại học, rồi đi làm, chúng tôi tự tạo dựng cuộc sống của chính mình tại nơi mà mẹ không thể nhìn thấy, không thể biết được quá trình ấy.


Có lẽ vì thế bà cảm thấy hụt hẫng, cảm thấy tủi thân, bà muốn thân cận hơn với những đứa con khi tuổi xế chiều, nhưng chúng nó đã dần rời xa bà đi đến phương trời khác, nơi bà chỉ có thế biết chúng qua những bức hình, những video thỉnh thoảng chúng nó chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng việc mẹ tôi xem những cảm xúc những câu tâm trạng, những hình ảnh của tôi và em tôi trên mạng xã hội, đôi lúc bà lại bức xúc, lại bình luận những câu thực sự không hợp thời điểm chút nào.


Em trai chỉ cần đăng mấy câu bức bối tâm trạng, hay chửi vu vơ một ai đó, bà lại nhắn tin nói nó khẩu nghiệp, yêu cầu nó xóa ngay. Nó up hình đi ăn một bữa hoành tráng bà lại mắng nó không biết tiết kiệm, chi tiêu không hợp lý.


Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, nội tâm bạn khao khát giải bày tất cả những mặt đen tối của mình cho xã hội, một mặt lại sợ lại cái nhìn, cái soi mói của mạng đời.


Em trai bức bối, nó cảm thấy những gì riêng tư nhất đều bị mẹ cầm giữ bóp nắn theo ý muốn của bà. Em trai tôi lặn lẽ tạo một trang mạng xã hội khác, ở đó không có mẹ tôi trong đó.


Một đoạn thời gian không thấy em tôi đăng bài về cuộc sống thường nhật của nó, bà quay sang hỏi tôi. Bà hỏi tôi hôm nay em tôi ăn gì, nó làm gì, nó còn tiền xài không. Tôi thở dài nhắn lại: mẹ à, nó lớn rồi con đâu thể quản được việc của nó.


Có lẽ bà cũng cảm nhận được em trai tôi không muốn mẹ tôi quản quá nhiều trong cuộc sống của nó. Nó là một người đàn ông sắp ba mươi đã trưởng thành, nhưng trong mắt mẹ tôi nó vẫn chỉ là đứa trẻ còn chập chững không bao giờ lớn.


Rồi một ngày trong trang mạng chính, em trai tôi xuất hiện, nó phát trực tiếp cảnh sân thượng cao chót vót. Gió trên đó rất lớn, đoạn quay còn bị nhiễu sóng, rất ồn, rất lộn xộn. Em tôi đứng trên đó, nơi lầu cao nhất của tòa nhà công ty nó đang làm.


Lúc đó mẹ tôi và cả tôi đều không hay biết gì. Cho đến khi tôi nhận được điện thoại của nó."Anh à... em mệt mỏi rồi."


Em trai tôi nhảy lầu rồi. Ngày đó gió to quá, tấm bạt đỡ bên dưới cũng không đỡ nỗi tâm của người muốn tự tử. Khi tôi đến đó, chỉ thấy toàn là máu. Tôi run rẩy gọi điện cho mẹ.Ba mẹ tôi từ quê mua vé máy bay bay tức khắc đến thành phố lớn, nơi phồn hoa mà hai đứa con họ đang sinh sống. Có lẽ trong quãng thời gian ngồi trên máy bay là khoảng thời gian dài nhất, đau đớn nhất của họ. Trái tim con người chỉ là máu thịt, bóp nhẹ sẽ đau, ghì mạnh sẽ nát. Tim mẹ tôi có lẽ đã vỡ vụn.


Em tôi mất rồi.


Ngày đưa tang tôi thấy mẹ khóc khô cả mắt, bà như già đi cả chục tuổi, bà ôm quan tài khóc ngất lên ngất xuống, ba tôi ở bên cạnh bà cũng không thể nói được lời nào, có lẽ nỗi đau lòng khi người đầu bạc tiễn người đầu xanh quá lớn, sự mất mát ấy không thể diễn tả thành lời, như nỗi đau không ngừng gậm nhắm trong xương cốt già nua của ông, mắt ông đỏ hoe, sự mệt mỏi in hằng trên từng nếp nhăn trên khuôn mặt già cỗi.


Ba mẹ tôi đều đã già lắm rồi.


Họ bước qua một phần quãng đời thanh xuân trong tươi đẹp, bước qua nửa đời trong cuộc sống bươn chải mệt mỏi, và giờ đây khi người ta nói nửa bước chân cũng sắp vào quan tài, thì người nằm đấy lại là núm ruột mình dứt từ trong máu thịt. Nỗi đau đớn đó sao có thể diễn tả bằng lời đây?


Sau đám tang, ba mẹ tôi như chết lặng, tôi ngồi nhìn họ trong căn nhà đã từng chứa chất bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu của tôi của em tôi.


Mẹ tôi hỏi có biết vì sao nó từ tử không, tôi chỉ có thể lắc đầu buồn bã đáp.


"Con không rõ, nghe đồng nghiệp bảo là thất nghiệp rồi thất tình, có lẽ vì thế nó mới nghĩ quẫn."Hai anh em tôi sinh sống trong một thành phố, nhưng do công ty chúng tôi trái hướng, chúng tôi thuê trọ ở cách nhau cũng khá xa, ban đầu chúng tôi còn đến nhà nhau chơi, cuối tuần còn cà phê trò chuyện, sau này khi mọi thứ bắt đầu vào quỹ đạo, chúng tôi đều phải điên cuồng với công việc kiếm tiền trang trải cuộc sống, thời gian gặp mặt của hai anh em tôi càng hiếm hoi, chứ đừng nói chi tâm sự.


Mẹ tôi nghe thế khóc nức nở.


"Nó là em con, sao con không quan tâm nó chút nào hết vậy. Nếu con để tâm hơn, thì có khi nó đã không nghĩ quẫn như thế."


Cái chết của em trai tôi đau lòng lắm, đứa em cùng máu thịt, sự liên kết của tình thân. Nhưng khi những thứ đó trở thành sự quy chụp cho cái chết của nó khiến tôi cảm thấy tủi thân, trong lòng siết chặt lại. Sự trưởng thành, cuộc sống riêng, đã khiến tình thân giữa chúng tôi dần có khoảng cách, có lẽ là một người anh, tôi thật sự là người anh tồi. Nhưng làm một người trưởng thành, ai cũng phải tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống họ đã chọn.


Tôi ở lại nhà một tuần trong không khí nặng nề, tiếng khóc mỗi đêm của mẹ. Sau đó tôi trở về thành phố, trở về căn phòng trọ quen thuộc, lạnh lẽo nhưng thoải mái. Tôi thả mình xuống chiếc giường cả tuần phủ bụi mà không nề hà gì. Tôi nhéo ấn đường, đầu vẫn còn ong ong, tôi mở điện thoại. Đó không phải là điện thoại của tôi, là điện thoại của em tôi.


Bên trong là hàng hà tin nhắn không được gửi đi.


Mẹ tôi yêu thương anh em chúng tôi lắm, bà thường xuyên gửi đồ ăn cho chúng tôi, đôi khi gửi quá nhiều khiến chúng tôi không xử lý hết phải vứt bỏ, nhưng khi bà hỏi chúng tôi chỉ có thể nói đều đã ăn hết rồi mẹ à. Mẹ tôi lớn tuổi dễ hờn dỗi, mỗi câu nói với bà không cẩn thận bà lại hiểu sai ý rồi lại giận dỗi.


Em trai tôi là út nên mẹ tôi càng quan tâm nó hơn, nhưng sự quan tâm của bà khi thể hiện ra lại là sự khắc nghiệt đối với nó.


Công ty em tôi thay máu, nó cũng nằm trong số những giọt máu phải bị đào thải, áp lực tìm việc dâng cao, khi cả tháng trời rải hồ sơ nó vẫn chưa đậu vào được công ty khác. Mẹ tôi biết chuyện nó thất nghiệp liên tục gọi điện nhắn tin hỏi đã tìm được việc mới chưa, rồi trách móc chắc tính cách nó cục cằn lại làm mất lòng ai trong công ty nên mới bị đuổi việc. Sự trách móc của bà lại như tảng đá đè nặng lên vai nó, đá chưa mài chỉ toàn gai nhọn.


Trong tin nhắn mà em trai tôi chưa gửi cho tôi bên trong chỉ toàn là sự chỉ trích gay gắt về việc mẹ đã gây áp lực với nó như thế nào, mỗi ngày bà gọi điện không an ủi được nó mà chỉ làm cho nó muốn phát điên lên mà thôi. Nó không bắt máy bà lại nhắn tin trách móc, liên tục bảo nó về quê, về ở với ba mẹ, bà tìm việc cho.


Việc gì ở quê kia chứ? Làm gì có công việc phù hợp với chuyên ngành mà em trai tôi làm. Cả tôi cũng vậy, lúc trước tôi cũng có quãng thời gian thất nghiệp mẹ tôi cũng bảo tôi về quê đi thôi, tôi từ chối khóe léo sau đó cũng tìm được công ty phù hợp. Có lẽ em tôi không được may mắn như tôi, trong khi đang thất nghiệp bạn gái nó lại đòi chia tay. Trai gái gần ba mươi rồi, cả hai đã quen nhau cũng lâu, em trai cũng đã hướng tình yêu này đến hôn nhân.


Nhưng sự thất nghiệp kéo dài, việc không ổn định kinh tế, sự cáu gắt khó chịu của kẻ thất bại khiến người yêu em ấy không chịu nổi.


Trước khi từ tử em trai tôi đã gọi điện liên tục đến số của người yêu mà em ấy vừa chia tay, màn hình điện thoại cuộc gọi nhỡ tràn ngập, nhưng đều là tín hiệu mờ mịt, sự im lặng chối bỏ.


Em trai lúc đó có lẽ đã là tột cùng của giới hạn, tin nhắn không được gửi đi, nó bảo nó mệt mỏi rồi, nó không thể đạt được kỳ vọng của cha mẹ, cũng không thể có tình yêu đẹp đẽ. Thế giới chối bỏ nó rồi. Tôi là một người mạnh mẽ, tôi nghĩ vậy, bởi tôi cũng từng trải qua những giai đoạn yêu đương thất bại, sự nghiệp không như ý, nhưng tôi đều vượt qua được, có lẽ tôi sẽ không thể cảm nhận được hết tâm trạng của em tôi.


"Em không muốn về nhà, mẹ luôn bảo em không kiếm được việc ở thành phố thì về nhà mẹ nhờ người quen kiếm công việc khác cho, em thất tình thì mẹ bảo không yêu con này thì yêu con khác. Mẹ không hiểu, em yêu cô ấy, em cũng thích công việc em đang làm, sao nói bỏ là bỏ đây."


"Mỗi lần mẹ nhắn tin sao cả tuần không gọi cho mẹ em lại thấy mệt mỏi, em đi làm cả tuần về chỉ muốn thư giãn nghĩ ngơi. Mỗi lần gọi điện ba mẹ toàn la mắng dạy bảo em em này nọ, bảo em không thương cha mẹ, bỏ năm mười phút ra gọi mất mát gì sao."


"Em cũng không biết tại sao nữa, rõ ràng năm, mười phút không nhiều nhưng mỗi khi bấm máy em chỉ chờ mong máy ba mẹ bận để em có cớ không nhận được cuộc gọi mà thôi."


"Em yêu cô ấy lắm, mẹ không thích cô ấy, còn vào trang cá nhân của cô ấy bới móc này nọ, bọn em từng cãi nhau vì mẹ nhắn tin cho cô ấy bảo cô ấy phải quan tâm chăm sóc em này nọ đừng có suốt ngày đi chơi khuya."


"Sao mẹ quản rộng dữ vậy anh?"


Tôi nhìn những dòng tin, nó không nặng nề chỉ như những tiếng thở dài của em trai khi một mình trong căn phòng trọ nhỏ, cô độc bị tăm tối nuốt chửng.


Tình yêu của người mẹ quá lớn, đôi khi lại trở thành lồng son xích sắt quá nặng nề đối với những đứa con mang đôi cánh tự do. Có lẽ khi chiếc lồng mở ra, những cánh chim bay về phương xa sẽ không trở lại, đến khi bị thương có đứa sẽ khập khiễng lê đôi cánh gãy nát vỡ vụn trở về lồng son an toàn, nhưng cũng có những cánh chim dù máu xương nát vụn cũng chỉ lầm lũi tìm nơi nào đó liếm láp vết thương của chính mình.


Các bạn có thể vào nghe audio tại đây:

https://youtu.be/B__jjOFyLDU

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top