Người lái đò sông đà 1

Đề 1: Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người qua “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân để qua đó thấy được phong cách nghệ thuật của tác giả.

* Bài làm
Hiếm ai có được một nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và con người như Nguyễn Tuân, một cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Đó là một nghệ thuật miêu tả rất tinh vi, sắc sảo, và đầy tài hoa. Điều đó được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của ông, tiêu biểu là đoạn “Người lái đò Sông Đà” trích từ tập tùy bút “Sông Đà” viết năm 1960.
Đi sâu tìm hiểu nghệ thuật miêu tả độc đáo của Nguyễn Tuân trong “Người lái đò Sông Đà”, ta không những thấy hết những nét đẹp độc đáo của thiên nhiên và con người Sông Đà qua ngòi bút “trăm màu của ông, mà còn cảm nhận được bề sâu tình cảm và con người nơi “miền sông” đó.
* Trước hết nhân vật “thiên nhiên” Sông Đà. Ta gọi là “nhân vật” vì qua nét bút Nguyễn Tuân, Sông Đà hiện lên như một con người thực thụ, với tất cả những cảm xúc, tính khí phứt tạp. (Nhà văn luôn viết hoa hai chữ Sông Đà).
Sông Đà của Nguyễn Tuân không chỉ được miêu tả như những con sông bình thường, những con sông mà khi nhắc đến chỉ làm ta liên tưởng đến nước, hoặc nhiều lắm là dòng chảy, màu sắc dòng sông v.v… Không! Sông Đà của Nguyễn Tuân đặc biệt hơn nhiều! Nó là một tổ hợp của cát, bờ, của gió của đá của thạch trận và của nước, mỗi yếu tố trên con Sông Đà đều được Nguyễn Tuân miêu tả rất chi tiết mỗi cái có một tư thế riêng, tưởng như nó sinh ra là chỉ để gắn với Sông Đà, để góp phần tạo nên hai tiếng “Sông Đà” với đầy đủ tính chất và ý nghĩa của nó. Khi “quan sát” Sông Đà của Nguyễn Tuân trong từng lời văn ta thấy hiện lên một con sông với hai tính cách hoàn toàn mâu thuẫn nhau: rất hung bạo nhưng cũng rất trữ tình.
Cái độc đáo của Nguyễn Tuân là ông có cái nhìn hết sức tinh vi và đặc sắc về mọi sự vật, từ những cái bé nhỏ nhất mà ít ai để ý nhất. Chẳng hạn như cát. Cát là vật bình thường, nhưng cát Sông Đà của ông thì “nó **c thủng gan bàn chân lỗ rỗ như những vết hà **c thủng đáy và mạn dưới các thuyền gỗ”. Bờ cát cũng có đặc điểm riêng của nó, ông miêu tả thiên nhiên có đầy đủ màu sắc, đường nét, âm thanh sống động nhất – thiên nhiên sự vận dụng cách quan sát của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, từ hội hoạ, thi ca đến điêu khắc, âm nhạc, điện ảnh. Lúc thì rất hội họa: “Mùa Xuân dòng xanh ngọc bích chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh hến của sông Gầm, sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm vì rượu bữa…” Lúc lại rất tạo hình và giàu chất thơ: “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình”.
“Áng tóc trữ tình”! Ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Tuân thật đặc sắc. Cái nhìn của ông cũng thế. Con sông Đà không phải là “một áng tóc trữ tình” sao được khi “đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Một áng tóc mà có cả mây trời; có cả màu đỏ của hoa gạo, màu trắng của hoa ban, và quyện vào khói, chất trữ tình là ở chỗ đó. Cái hay của Nguyễn Tuân là ông quan sát không chỉ tinh vi mà còn ở nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm và trong nhiều trạng thái. Ở quãng trước “nước Sông Đà reo lên như cơm sôi”. Ở quãng khác, dòng sông lại “lừng lờ như nhớ thương”. Chính vì thế mà thiên nhiên của ông trở nên độc đáo, trở thành thiên nhiên của Nguyễn Tuân. Cộng thêm vào đó là ngòi bút tài hoa và lãng tử của ông nữa. Từng lời, từng chữ được nhà văn cân nhắc, trau chuốt kĩ lưỡng và công phu. Nếu chỉ có óc quan sát, có cảm xúc không thôi mà không có kiến thức sâu rộng và tài viết thì không thể nào có được những áng văn miêu tả thiên nhiên độc đáo và gợi cảm đến thế.
* Đoạn tùy bút “Người lái đò Sông Đà” miêu tả thiên nhiên rất độc đáo và rất dài, nhưng có lẽ cái thiên nhiên đó thể hiện lên chỉ làm nền cho hình ảnh con người mà thôi. Thiên nhiên càng hùng vĩ bao nhiêu, dữ tợn bao nhiêu, hiền hòa bao nhiêu thì con người trong thiên nhiên đó càng kiên cường, anh dũng và tài hoa, thơ mộng bấy nhiêu.
Hãy nhìn ông lái đò “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng luỳnh khuỳnh ghì lại như kẹp lại một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa xa trong sương mù”.
Tất cả đều là những hình ảnh rất mạnh, rất độc đáo. Các chữ đều tượng hình sắc nét. Cả âm thanh cũng như như trào lên qua nhiều từ láy nối liền nhau.
Với nghệ thuật so sánh tài tình phong phú. Nguyễn Tuân cho ta thấy hết được các tư thế dũng cảm của người lái đò Sông Đà, và đặc điểm riêng biệt của ông không thể phân biệt với ai. Hiểu biết của ông lái đò càng đáng khâm phục hơn nữa: “Trí nhớ của ông được rèn luyện cao độ bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đinh vào tất cả những luồng nước của tất cả con thác hiểm trở”. Lái đò ở miền cao thì cần xào chống…, lái đò miền xuôi thì cần buồm… Hình ảnh người lái đò được Nguyễn Tuân hun đúc không chỉ bằng lời văn tài hoa nhiều màu vẻ mà còn bởi bề sâu kinh nghiệm và hiểu biết mà ông thu lượm được. Ông lái đò qua ngòi bút Nguyễn Tuân hiện lên như một vị dũng tướng trước trận thế của đá, trước những luồng nước hung dữ, trước những cơn reo, nước rống, nước ặc ặc.
Thế nhưng ông đã cưỡi lên thác Sông Đà, cưỡi lên hổ và bao giờ cũng chiến thắng. Miêu tả thiên nhiên để từ đó nổi bật lên hình ảnh con người, miêu tả sự vất vả, can trường của con người chống chọi với sông nước để tái hiện thiên nhiên bí hiểm, hung dữ. Để đạt được như thế phải là một cây bút tài hoa, uyên bác.
Nhưng nếu chỉ có một vốn kiến thức sâu rộng, một óc quan sát tinh vi và một ngòi bút tài năng không thôi thì Nguyễn Tuân không thể tả được một “Sông Đà” với thiên nhiên và con người sinh động như thế và gợi cảm như thế. Tất cả đều xuất phát từ một tấm lòng gắn bó với thiên nhiên và con người sâu sắc. Chính vì yêu cuộc sống, thiên nhiên và con người của đất nước mà Nguyễn Tuân đã lặn lội lên Tây Bắc để rồi hứng khởi viết tập tùy bút “Sông Đà”. Và chính vì tấm lòng dạt dào yêu thương đó ông đã cho người đọc thưởng thức những dòng văn biến hóa linh hoạt rất mạnh mẽ nhưng giàu tình cảm. Tình yêu thiên nhiên sâu sắc đã khiến ông nhìn con Sông Đà như một người có cá tính, có linh hồn và có cả tâm trạng, lúc “ặc ặc giận dữ”, lúc “oán trách”, lúc “van xin”, rồi lại như khiêu khích, giọng gằn và chế nhạo. Ông đã viết “Con Sông Đà gợi cảm” nhưng ông nhìn Sông Đà đầm ấm như một cố nhân và trông con sông mà “Vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”.
Nguyễn Tuân say mê trong những dòng cảm xúc miên man về việc khai thác những vẻ đẹp của người lái đò Sông Đà, cả về hình dáng lẫn tài năng. Không phải ngẫu nhiên mà ông ví cái “vết bầm lên một khoanh củ nâu trên ngực vú, bả vai người lái đò là cái đồng tiền tụ máu là hình ảnh quí giá của một thứ huân chương lao động siêu hạng tặng cho người lái đò Sông Đà”. Sự ví von đó không chỉ thể hiện tài hoa của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật so sánh, sự độc đáo trong trí tưởng tượng phong phú, mà còn là một biểu hiện tình cảm sâu sắc đối với nghề lái đò âm thầm mà cực kỳ gian truân của người lái đò Sông Đà.
* Qua bài “Người lái đò Sông Đà”, ta thấy được rất rõ nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và con người của Nguyễn Tuân. Trong mỗi trang viết, ông luôn chứng tỏ nét tài hoa và uyên bác của mình. Vì vậy, mỗi nhân vật của Nguyễn Tuân, từ “nhân vật” thiên nhiên đến “nhân vật” con người, dù người lái đò bình thường đi chăng nữa cũng mang một cái gì đó rất thơ mộng, rất nghệ sĩ.
Những quan sát, suy nghĩ, xúc cảm của ông rất tinh vi nhưng cũng rất chân thật, xuyên suốt cả tác phẩm là lời văn mạnh mẽ, dữ dội và đầy chiều sâu kiến thức lẫn chiều sâu của ngôn ngữ văn chương. Có điều, đôi khi ông quá mê mải, sa đà vào khối lượng trí thức ngồn ngộn, sa đà vào việc tỉa tót văn chương, đã làm một số đoạn văn trở nên nặng nề, khô khan và tản mạn.
Lấy người lái đò làm nhân vật chủ thể của câu chuyện về con Sông Đà, nhà văn bộc lộ cảm nghĩ, nghe nhìn, quan sát, nghiền ngẫm và sáng tạo của mình, qua “Người lái đò Sông Đà”, người ta luôn bắt gặp những hình ảnh ví von độc đáo, bất ngờ. Bài viết cho ta cảm giác Nguyễn Tuân muốn đua tài năng viết văn của mình với vẻ đẹp tạo hóa, của thiên nhiên và con người. Chính vì thế mà Sông Đà trong văn chương ông vừa là Sông Đà hiện thực, vừa là Sông Đà nghệ thuật mang tình yêu của Nguyễn Tuân.
Bài làm của học sinh
Ðề: Người lái đò sông Đà - Một thiên tùy bút có thần
Bình giảng đoạn văn sau đây trích trong bút kí Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân:
“Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng lờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịch không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp – lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Phọ – Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng có sương, chăm chăm nhìn tôi lừ đừ trôi trên một mũi đỏ. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi mình bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?” Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.


* Gợi ý làm bài
Người lái đò Sông Đà là một bút kí rất đặc sắc của Nguyễn Tuân rút từ tập Sông Đà (1960). Hình ảnh con sông Đà với hai đặc tính nổi bật là “hung bạo và trữ tình” đã được khắc hoạ thật đậm nét. Để có thể khách thể hóa được đối tượng và “đóng đinh” nó vào trí nhớ độc giả, Nguyễn Tuân đã tung ra nhiều “độc chiêu” ngôn ngữ tưởng chi mình không mới có. Khi miêu tả những con thác vô cùng “độc dữ, nham hiểm”, câu văn của ông mang nhịp điệu dồn dập, kích thích. Nhưng khi ca ngợi “con sông Đà gợi cảm”, câu văn lại thư duỗi hết sức êm ả nghe như một tiếng hát ngân nga. Văn Nguyễn Tuân gồm chứa cả hai cực đó là cực thứ hai – cực trữ tình mềm mại và thấm đượm một thứ “mĩ học hoài cựu” độc đáo được thể hiện rất rõ trong đoạn văn từ câu “Thuyền trôi trên sông” đến câu… “khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.
Nội dung của đoạn văn là nói về vẻ thơ mộng của Sông Đà ở quãng trung lưu. Thác ghềnh lúc này chỉ còn lại trong nỗi nhớ. Thuyền được trôi êm và câu văn mở đầu vì thế cũng trở nên lâng lâng, mơ màng, không vướng víu với một thanh trắc nào: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà”. Cái ý “lặng lờ” được nhắc đi nhắc lại mấy lần theo một kiểu trùng điệp rất đặc thù của thơ: “Cảnh ven sông ở đây lặng lờ, hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ như thế là thôi”, nghĩa là không thể lặng lờ hơn được nữa! Thiên nhiên thật hài hòa và mang vẻ trong trẻo nguyên sơ, dành riêng cho con mắt nhìn “xanh non” của tác giả những hình ảnh kì thú: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm” Cảnh đã làm cho vị tình nhân của non nước Đà giang hết sức xúc động. Ông thấy cần phải nói thêm nữa để diễn tả cho cùng kiệt đặc tính của đối tượng: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa”. Những so sánh lạ lẫm, chính xác mà cũng thật Nguyễn Tuân! Nhà văn đã đi ngược thói quen, đem giải thích một đặc tính vốn đã khá trừu tượng bằng những khái niệm trừu tượng hơn nữa, khiến cho cảm giác trực tiếp bỗng mở ra những liên tưởng trùng trùng, bát ngát. Đi từ “hoang dại”, “hồn nhiên” là cái còn có thể cảm nhận được, đến “tiền sử” và “nỗi niềm cổ tích ngày xưa”, câu văn đã cập bờ siêu cảm giác, đòi hỏi người đọc phải tiếp nhận nó bằng siêu giác quan chứ không phải bằng giác quan bình thường. Trong câu tiếp theo: “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên
Bái – Lai Châu”, một mặt nhà văn bộc lộ thèm ước muốn có tiếng còi kéo mình ra khỏi mạng lưới vô hình mà quấn chặt của giấc mơ xưa, mặt khác tạo nên một cái cớ tuyệt diệu để biến cả một đoạn văn thành một bài thơ siêu thực mà trong đó giữa người với cảnh có sự tương thông rất đỗi huyền nhiệm và cái hư phút chốc biến thành cái thực: “Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ đừ trôi trên một mũi đỏ. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi mình bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”
Người mơ cảnh cũng mơ, và cái thời điểm “ông khách sông Đà” bỗng nghe ra tiếng chú hươu gọi hỏi chính là đỉnh điểm của giấc mơ đó. Nhà văn đã khéo tạo được một giấc mơ ngay giữa ban ngày để rồi sau đó như sực tỉnh với tiếng động của “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến”. Phút sực tỉnh cũng là phút nhà văn hiến cho độc giả một hình ảnh cực kỳ sống động mà ai được một lần thấy trong đời hẳn phải nhớ mãi. Bút pháp mượn cái động để tả cái tĩnh đã được vận dụng ở đây hết sức đắc địa. Cảnh tĩnh lặng đến mức chỉ tiếng cá quẫy cũng đủ khiến ta phải giật mình. Nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, cái tĩnh không đồng nghĩa với sự phẳng lặng, đơn điệu mà vẫn luôn hàm chứa sự bất ngờ, vẫn không ngớt biến hóa. Theo con thuyền thả trôi, điểm nhìn của nhà văn liên tục di động và “di động” hơn nữa là cái nhìn của Nguyễn Tuân. Có vẻ như ông muốn học cách nhìn của “con hươu thơ ngộ”, “vểnh tai”, “nhìn không chớp mắt” những sự vật như hiện lên từ thế giới cổ tích, sau đó truyền sự bỡ ngỡ lại cho độc giả qua những từ dùng độc đáo, sáng tạo, kích thích rất mạnh giác quan và vốn ngôn ngữ của chúng ta: “thơ ngộ”, “đầu nhung”, “áng cỏ sương”, “tiếng còi sương…”. Vật nào cảnh nào được cây đũa thần của nhà văn động đến đều cựa quậy, không chịp ép mình làm một tiêu bản dẹt. Có lúc, Nguyễn Tuân như vượt qua lề luật của phép diễn đạt thông thường để viết: “Đàn cá đầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi”. Có thể nói câu văn kia đã được viết theo bút pháp của hội họa “lập thể” mà mục đích của nó là muốn cùng một lúc thấy được sự vật ở nhiều chiều. Trước một nét miêu tả rất cô đọng như thế, ta không chỉ thấy mà còn nghe – thấy cái lấp lánh ánh bạc của bụng cá và nghe tiếng quẫy nước rộn ràng vang ngân.
Nguyễn Tuân là người hết sức nặng tình với con sông đất nước. Trong khi thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của Sông Đà, trong ông dậy lên bao mối liên tưởng về lịch sử, dậy lên cảm giác hàm ơn sâu xa đối với cổ nhân. Việc ông nhắc tới đời Lý, đời Trần, đời Lê và câu thơ của Tản Đà cho thấy rõ một thiên hướng bộc lộ cảm xúc rất đặc thù của người từng viết “Vang bóng một thời. Nhưng trước vẻ “hoang dại” của bờ sông Đà, nhà văn cũng có những suy nghĩ mang tính tích cực của người công dân mới, mong cuộc sống hiện đại tỏa chiếu ánh sáng lên cả chốn sơn cùng thuỷ tận. “Tiếng còi sương” xuất hiện ở đây ngân xa như một khát vọng, nó hài hòa với cảm hứng lịch sử, tạo cho đoạn văn một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại. Đối với Nguyễn Tuân, những cái gì mang trong nó hơi thở ấm áp của cuộc đời đều để thương, để nhớ, để lưu luyến cho ông. Trong những câu cuối của đoạn văn này, ông đã trải lòng mình ra với dòng sông, hóa thân vào nó để lắng nghe và xúc động: “Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”. Qua mỗi dặm đường đất nước, nhà văn đều thấy cảnh vật và con người gắn quyện với nhau rất chặt chẽ.
Yêu sông Đà cũng chính là yêu Tổ quốc và yêu con người Việt Nam – những “đồng tác giả” của trăm vẻ đẹp từng làm đắm đuối lòng ta trên “trăm dáng sông xuôi” (ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm).
Chỉ mới qua một đoạn trích ngắn ngủi, ta chưa có điều kiện thấy hết những đặc sắc của văn Nguyễn Tuân. Nhưng chừng ấy tưởng cũng đã đủ để ta quý trọng một tài năng, một tấm lòng, một Nguyễn Tuân – con người suốt cuộc đời đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để sáng tạo nên những áng văn đẹp làm phong phú, giàu có thêm đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta.
* * *
Giăng liềm


Cát xuân cuốn lốc như năm nao

Bao la một giời chiến hào

Dài ngân trong gió Lào

Rụng cánh từng cánh hoa ban

Ngoài bến cỏ gianh lút đầu người

Nấc lên những hơi mìn gỡ sót

Vỡ hoang Cò Mỵ đánh gộc rừng

Âm âm động xích chiến xa hòa bình

Bãi xưa đèn hiệu thả dù

Đèn pha nay chạy máy cày đêm

Sân bay đất lật ngửa lên

Hầm pháo nặng thành hố phân xanh

Con chim bạt ngàn ngày xuân nọ

Trở về nở trứng giữa chân ruộng mạ

Khu trục gỉ cánh quạt chìm dần

Sóng lúa Hồng Cúm vồng ngọn cao

Nông trang khắc thâu

Mõ trâu

Đui đạn đồng

Lanh canh nhạc lạnh sương ***g giọt mơ

Hơi may ngọt nhờ nhờ

Đêm cỏ đầm đầm sữa vắt

Loang khắp cánh rừng Mường Theng

Trong nắng mai bừng lên

Như sôi hơi một nồi cơm khổng lồ

Chào reo lúa tẻ vụ đầu

Phía cầu Nậm Rốm

Có anh bộ đội yên tâm sản xuất

Thả nhẹ vào lòng sông chiều

Một chiếc liềm vàng


Nghiêng nghiêng giăng liềm

Vàng thiếp lên vàng

Trên lúa rỗ đồng Mường Thanh

Một mùa thu lao động hòa bình

Treo lên một giời xanh

Điện Biên chiều về nguyệt bạch

Kim tuyến thêu hình liềm vàng

Láng đi láng lại hào quang

Trên lúa đỏ nông trường


Ngợp trong bụi lửa

Bốn năm xưa Điện Biên

Giăng liềm gác lên nòng súng khói

Đất cũ rưng rưng chiều sa trường

Mênh mông tiếng lúa nông trang

Cánh đồng lịch sử

Biên tuyến xanh ngắt xanh

Lồ lộ chiếc liềm vàng.


Nguyễn Tuân

4/10/1958

___
Bài thơ xuất hiện lần đầu trong tập Sông Đà và được Nguyễn Tuân mở thêm một cái ngoặc dưới đầu đề: (Phác thảo một bài thơ). Thời điểm bài thơ phác thảo được ghi rõ cho thấy bối cảnh tạo nên cảm hứng của nhà văn.


Điện Biên bốn năm sau chiến thắng đã trở thành một nông trường lớn, nơi những người lính vừa rời cây súng đã cầm lấy cái cuốc cái cày để biến trận địa máu lửa ngày trước thành cánh đồng mùa màng hôm nay. Năm 1958 có một đợt đi thực tế lớn của các văn nghệ sĩ, và Điện Biên là một điểm đến chính của nhiều người cầm bút (hãy nhớ lại kết quả đợt đi này ở Nguyễn Huy Tưởng là tiểu thuyết Bốn năm sau, ở Nguyễn Khải là tập truyện Hãy đi xa hơn nữa). Các bài viết của Nguyễn Tuân trong tập Sông Đà cũng là kết quả của những chuyến đi sau ngày hòa bình đó, và Giăng liềm là chung một mạch cảm xúc ngợi ca sự hồi sinh và xây dựng cuộc sống mới của cả tập ký đầu hòa bình này của Nguyễn.

Nhưng thay vì viết một bài ký, Nguyễn lại làm một bài thơ.

Thực chất, tùy bút Nguyễn Tuân vốn đã rất thơ, rất nhiều chất thơ, có thể đọc như những bài thơ. Ông có cái nhìn, niềm rung cảm và giọng điệu của một thi sĩ (Đặng Tiến). Và trước quang cảnh Điện Biên bốn năm sau trận đánh lớn, cái thơ này trong Nguyễn đã thức dậy, đã đòi lên tiếng. Trở lại nơi chiến địa ngày nào bây giờ đang nhịp sống lao động dựng xây, cái đổ nát hôm qua đang được hàn gắn thay thế hôm nay, sự chết chóc được xóa đi bằng sự sống, cảm xúc con người đến đó nhìn, và thấy, và nghe, và nghĩ, là đi theo mạch tương phản, đối lập. Nguyễn Tuân ở đây cũng vậy, chưa khác.


Bãi xưa đèn hiệu thả dù <> Đèn pha nay chạy máy cày đêm

Hầm pháo nặng <> thành hố phân xanh

Con chim bạt ngàn ngày xuân nọ <> Trở về nở trứng giữa chân ruộng mạ

Khu trục gỉ cánh quạt chìm dần <> Sóng lúa Hồng Cúm vồng ngọn cao

Đui đạn đồng <> Mõ trâu


Bốn năm sau bãi chiến trường vẫn còn đó “một giời chiến hào”, “cỏ gianh lút đầu người”, mặt đất vẫn còn ngổn ngang sắt thép. Nhưng tất cả đang đổi khác. Tiếng mìn khi xưa chỉ còn là tiếng hấp hối “nấc lên”. Còn tiếng “âm âm động xích” hôm nay là của “chiến xa hòa bình”. Cách dùng chữ và đối lập chữ đã “đặc hiệu” Nguyễn Tuân. (Ngay ở đoạn trên nói Nguyễn chưa khác là về cảm xúc đối lập, tương phản, nhưng chữ dùng để thể hiện thì đã rõ là của Nguyễn). Và rồi tiếng mõ trâu làm bằng đui đạn đồng đã reo lên “lanh canh nhạc lạnh sương ***g giọt mơ”. Nguyễn đã từ nhìn, sang cảm, và mơ. Giấc mơ đời sống hòa bình khi thấy trong nắng mai lên khắp cánh đồng Mường Theng đầm đìa sương bốc “Như sôi hơi một nồi cơm khổng lồ”. Nhà thơ đã được nhờ nhà tùy bút mạnh về giác quan thanh sắc, hình ảnh hình khối ở bức tranh tả thực một vùng chiến trường sau chiến tranh ở đoạn đầu bài thơ. Cũng những cảnh này khi viết bằng văn xuôi, chẳng hạn hình ảnh “nồi cơm khổng lồ”, Nguyễn viết: “Khói núi bốc lên như khói nồi cơm vừa sôi. Cánh đồng lịch sử Mường Thanh hiền lành như một cái nồi đồng điếu khổng lồ đang sủi tăm nước chờ đón lấy gạo tẻ của nông trường những anh bộ đội trước đây đã chính tay mình giải phóng cho cánh đồng này”. (bài “Đường lên tây Tây Bắc”, mở đầu tập Sông Đà).

Nhưng Nguyễn thi sĩ đích thực là khi trên nền cảnh ngổn ngang bề bộn đó ông để xuất hiện một chiếc liềm vàng được anh bộ đội thả vào lòng sông chiều phía cầu Nậm Rốn. Mảnh trăng đầu tháng cong hình lưỡi liềm tỏa ánh lên đồng lúa tẻ vụ đầu đang chín lúc chiều tà tạo nên một cảnh sắc huy hoàng “vàng thiếp lên vàng”. Chiều càng xuống, ánh trăng càng tỏa hào quang trên lúa đỏ nông trường. Ánh hào quang trăng láng đi láng lại gợi hình dung một biển lúa dập dờn. Nhưng “lúa đỏ” là vì sao? Câu trước đó Nguyễn viết “lúa rỗ” là tả thực lúa trên đồng Mường Thanh chín chưa đều. Còn khi nâng ánh trăng lên thành ánh hào quang thì “lúa đỏ trên nông trường” là nghĩa tượng trưng, bao máu xương đổ xuống cho mùa vàng hôm nay. Đoạn cuối có một hồi ức về trăng trong chiến trận “Giăng liềm gác lên nòng súng khói” nhấn mạnh thêm ý này. Câu thơ dựng một hình tượng thực và ảo không kém “Đầu súng trăng treo” (Chính Hữu), mà lại có phần cụ thể và ác liệt hơn. Và lại vang lên một âm thanh, không phải một thứ tiếng kim loại nào như ở đầu bài, mà là “tiếng lúa”. Âm thanh này tỏa mênh mông, đó là tiếng sự sống đang về lại với con người.

"Giăng liềm" là hình ảnh đã quen thuộc trong ca dao. Nhưng Nguyễn Tuân đã cho nó hiện lên giữa trời Điện Biên soi cảnh Điện Biên trong hòa bình, biến nó thành chiếc liềm vàng của mùa gặt hái. Nguyễn dùng cách gọi dân gian là “giăng” để bình thường hóa lại cuộc sống sau chiến tranh, để nối mạch cuộc sống thanh bình từ bao lâu ước vọng bị chiến tranh cắt đứt nay lại trở về, để xóa đi vết tích của đau thương đổ nát. Cuối cùng trong mắt Nguyễn Tuân giăng liềm đã biến thành chiếc liềm vàng - biểu tượng của no ấm, hạnh phúc - trên bãi chiến trường xưa giờ bao la một màu xanh.

Cánh đồng lịch sử

Biên tuyến xanh ngắt xanh

Lồ lộ chiếc liềm vàng

Thực sự, “phác thảo một bài thơ” của Nguyễn Tuân đã là một bài thơ hoàn chỉnh. Nguyễn thi sĩ cũng độc đáo, riêng biệt như Nguyễn tùy bút vậy. Giăng liềm là một bài thơ được viết với một bút pháp hiện đại, mới mẻ từ cách xây dựng hình ảnh, dùng từ và cấu trúc. Vút lên trong trẻo từ mặt đất ngổn ngang Điện Biên bốn năm sau một mảnh giăng liềm, một chiếc liềm vàng còn lơ lửng đến hôm nay. Giăng liềm ấy là giăng Điện Biên - Nguyễn Tuân.
(Văn nghệ số 18+19 - 3/2004)
Bài viết của thầy Trần Hà Nam (ngoisaoblog.com):


Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân là bút ký đặc sắc, kết quả của chuyến thâm nhập thực tế vùng sông Đà 1958 - 1960 của nhà văn, in trong tập bút ký Sông Đà. Cảm hứng gắn bó với mảnh đất và con người Tây Bắc đã in đậm trong hình ảnh người lái đò nghệ sĩ và con sông Đà vừa hùng vĩ vừa nên thơ.

Bản thân Nguyễn Tuân khi viết nên tác phẩm này đã thực hiện hoàn tất một hành trình khẳng định phong cách tuỳ bút độc đáo của nhà văn khi đi theo con đường cách mạng. Vốn sống và tài năng của người nghệ sĩ tài hoa này đã gặp được môi trường Tây Bắc với bao nhiêu vẻ đẹp tiềm ẩn trong mảnh đất và con người, từ đó giúp ông có những phát hiện mới mẻ, tô đậm những ấn tượng kỳ vĩ nên thơ về Tây Bắc trong lòng bạn đọc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #khaitang123