Phần 3

(6)

Dư Thần nhìn tôi một hồi lâu, giống như đang đánh giá xem lời tôi nói là thật hay giả.

Vầng sáng tỏa ra từ đèn đường khiến cho đường cong góc mặt của anh hiện ra rõ mồn một.

Đôi mắt sâu thẳm tĩnh mịch, hai hàng lông mi cong dài, chiếc mũi thẳng tắp, đôi môi nhếch lên nhè nhẹ.

Rất giống với một bức tranh hài hòa được tỉ mỉ khắc họa nên, mỗi nét mực đều vô cùng vừa vặn.

Tôi nhìn đến ngây người, ngay cả bả vai đang đau đớn dữ dội cũng không cảm nhận được nữa.

Lông mày của Dư Thần nhíu chặt lại, anh bỗng nhiên rút điện thoại ra, nhấn vào mục gọi điện thoại, ấn xuống ba số.

1, 1, 0.

Tôi theo bản năng giữ lấy tay anh, khi những ngón tay chạm vào nhau lại vội vàng buông ra.

Ngón trỏ và ngón cái của tôi chà đi chà lại, nhưng cảm giác vừa rồi vẫn không hề biến mất.

Anh dừng tay lại, nhướng mày nhìn tôi.

Tôi điều chỉnh giọng nói, là để chuẩn bị cho mấy lời tiếp theo.

Mặc dù trước kia hay đối đầu với Dư Thần, nhưng tôi không thể không thừa nhận, anh là một người có đạo đức rất tốt.

Tôi biết, cho dù bình rượu vừa rồi rơi xuống người ai, chỉ cần là bị đả thương thì anh chắc chắn sẽ gọi cảnh sát.

Nhưng anh muốn đưa bố mình tới đồn công an sao?

Anh ấy nhìn thì có vẻ cứng rắn, nhưng nội tâm có thật sự không hề cảm thấy mỏi mệt và thất vọng hay không?

Tôi nhìn anh, nhỏ giọng nói: "Em quả thực không sao, hơn nữa, nếu như chúng ta bảo cảnh sát, chắc chắn sẽ phải gọi người giám hộ tới."

Tôi đoán anh không muốn để cho dì biết được chuyện này.

Nếu không, vừa rồi sẽ chẳng phẫn nộ mà liên tục chất vấn, "sao ông tìm được nơi này" như thế.

Anh im lặng một lúc lâu.

Ánh đèn đường khiến cái bóng của anh như kéo dài ra, cô độc vô cùng.

Cuối cùng Dư Thần cũng lên tiếng, nhưng khi nói ra lại là: "Thật xin lỗi."

Tôi ngẩng đầu nhìn anh, thì thầm: "Không sao."

Bảo vệ khống chế bố của Dư Thần, uy hiếp ông ta rằng sẽ báo cảnh sát.

Ông ta dịu xuống, nói với bảo vệ, "Tôi tới thăm con trai, vừa rồi chỉ là cãi nhau thôi."

Rồi lại quay đầu gọi Dư Thần: "Phải không, con trai?"

Dư Thần liếc mắt nhìn một cái, trên mặt chẳng có biểu tình gì, đáp lại: "Nếu còn có lần sau, tôi nhất định sẽ báo cảnh sát."

Người đàn ông đó ngượng ngùng xoa tay: "Không có lần sau, không có lần sau."

Dư Thần không thèm để ý đến ông ta nữa, nhận lấy hành lý của tôi, mỗi tay kéo một cái, đi về phía tiểu khu.

Tôi sửng sốt, hai tay trống không đi ở đằng sau anh, vô cùng không có tiền đồ mà nghĩ, thì ra bị đánh xong còn được đãi ngộ như thế này.

Kết quả là, đãi ngộ sau này thậm chí còn tốt hơn rất nhiều.

Bố tôi mặc dù ra viện, nhưng bác sĩ đề nghị không nên lao lực, cần phải nghỉ ngơi nhiều.

Vậy là mỗi lần lên lớp hay tan học trở về, tôi đều đi cùng Dư Thần.

Không giống với lúc trước, khi mà anh bị cưỡng ép để cho tôi bám đuôi, kể từ ngày hôm đó về sau, mỗi lần ra ngoài anh đều sẽ đợi tôi đi cùng.

Ra khỏi tiểu khu, Dư Thần ra hiệu cho tôi bỏ cặp sách xuống.

Anh đeo.

Lúc còn học cấp một, mẹ sẽ giúp tôi mang cặp sách, khi mẹ đi rồi, người mang cặp trở thành bà nội của tôi.

Sau này thì đều là tôi tự mình mang.

Tôi do dự đưa cặp cho anh, nhưng anh lại rất dứt khoát đeo nó lên vai.

Nhìn anh mỗi bên đeo một chiếc cặp sách, bóng dáng ấy rõ ràng rất khôi hài, có điều tôi lại cười không nổi.

Về sau khi bố tôi tức giận hỏi: "Con nhỏ như thế, có hiểu được thế nào là thích hay không?"

Tôi muốn nói, con hiểu.

Tỉ như vào thời khắc này, đèn giao thông đang chuyển sang màu xanh, người xe không ngừng chuyển động, còn tôi lại như ma xui quỷ khiến đứng thẫn thờ tại chỗ.

Anh thong dong đi về phía trước, áo đồng phục xanh trắng bị gió thổi phồng lên như cánh buồm, vai trái mang chiếc cặp sách màu hồng nhạt.

Bao nhiêu năm sau quay đầu nhìn lại, ngăn cách bởi dòng xe cộ trên ngã tư đường, cô gái yên lặng nhìn theo bóng lưng chàng thiếu niên, ánh mắt không ai hiểu được ấy, chính là điểm bắt đầu của tình yêu.

Chỉ có điều lúc đó tôi chẳng hề hay biết, cái giây phút đôi chân dừng lại, giây phút đưa mắt chăm chú nhìn đó rốt cuộc có nghĩa là gì.

(7)

Quan hệ giữa tôi và Dư Thần dịu xuống, bố tôi vô cùng vui vẻ, dì cũng rất hạnh phúc, nhưng có lẽ xuất phát từ sự nhạy cảm của người phụ nữ, ngoài cảm thấy hạnh phúc ra, tựa hồ còn có thêm một tia lo lắng.

Tôi giả bộ không biết, nhưng vẫn cố ý tỏ ra lạnh nhạt với Dư Thần.

Bà nội nói thứ bảy muốn tôi tới ăn cơm, rồi lại thêm vào một câu, hay là gọi thêm cả Dư Thần nữa.

Tôi bỏ điện thoại xuống, hỏi anh: "Bà nội bảo anh tới ăn cơm, anh tới không?"

Dư Thần trả lời: "Đi chứ, bà ấy là lần đầu tiên gọi anh tới, nhất định phải đi."

Dì hình như muốn nói gì đó rồi lại thôi.

Tôi trở về phòng, khi đi xuống tầng lấy nước, nghe thấy dì nói chuyện với bố: "Mẹ thật sự gọi hai đứa nó tới ăn cơm sao? Hay là hỏi lại xem nhé?"

Bố tôi đang xem tin tức buổi sáng, đáp lại: "Có gì cần phải hỏi chứ, Thấm Thấm còn lừa chúng ta ư?"

Tiếng nói của dì thấp dần: "Không phải như thế, chỉ là mẹ chưa từng gọi Thần Thần theo lần nào, em cảm thấy kì lạ thôi."

Bố tôi đang uống trà liền bật cười: "Có lẽ là do bà ấy nể mặt Thấm Thấm."

Dì im lặng không nói gì.

Tôi đứng ở trên cầu thang, nước cũng không cần lấy nữa, quay người lên gác.

Đúng lúc đụng phải Dư Thần vừa từ trong phòng đi ra, anh khó hiểu nhìn tôi.

Mặt tôi lạnh như băng: "Nhìn gì mà nhìn?"

Anh lẩm bẩm: "Mới sáng sớm mà đã tức giận như thế?"

Tôi hung dữ nói: "Nhìn thấy anh là khó chịu."

Dư Thần bị dọa một trận, nắm tóc trên đỉnh đầu dường như cũng dựng đứng cả lên rồi.

Tôi không thèm để ý đến anh, tự trở về phòng ngủ làm việc của mình.

...... Nhưng mà trong phòng không có nước uống.

Thật là khát chết tôi rồi!

***

Bà nội thực ra không chỉ là vì nể mặt tôi mới đối tốt với Dư Thần.

Bà biết rằng, dì chăm sóc bố tôi rất vất vả, nhưng lại không thể trực tiếp đối xử tốt với dì, cho nên mới thông qua việc gọi Dư Thần tới ăn cơm để thể hiện thái độ của mình.

Bà nội nấu cơm ngon vô cùng, đáng tiếc cơ thể bà mấy năm gần đây không được tốt, bàn tay có đôi khi sẽ không nghe lời sai bảo, run lên lẩy bẩy.

Tôi gắp một miếng móng heo, vội vàng đứng dậy lấy nước.

Bà nội xoa tay vào chiếc tạp dề, hỏi: "Có phải nhiều muối quá không? Haizzz, bà già rồi, xào rau cũng không ước lượng được nữa."

Tôi lập tức nói: "Không mặn ạ, chỉ là lúc đến đây con chưa uống nước, miệng khát quá thôi."

Dư Thần gắp nốt hai miếng còn lại vào bát mình: "Không mặn, rất ngon ạ."

Bà nội cười vô cùng vui vẻ.

Tôi lặng lẽ liếc nhìn anh một cái.

Dư Thần không chỉ là một đứa cháu ngoan, còn là một người anh trai tốt.

Thực ra móng heo rất mặn, nhưng anh đã gắp rồi, tôi không cần phải cố chịu đựng mà ăn nữa.

Sau khi xuống lầu, tôi ngoảnh đầu trông lên, quả nhiên thấy bà nội đứng ở ban công đang dõi mắt nhìn theo.

Giữa tòa nhà cao chọc trời, bên trong ô cửa to lớn ấy, lại chỉ có một mình bà cô đơn bé nhỏ.

Tôi gắng sức vẫy tay, cố nhảy thật cao, bà nội liền cười nheo cả hai mắt.

"Mau đi đi! Đi đường cẩn thận." Bà nói.

Chúng tôi rẽ vào chỗ ngoặt, hoàn toàn không còn nhìn thấy ban công nữa.

Tôi không biết bà đã trở về phòng chưa, hay là vẫn đang đứng yên ở đó nhìn theo bóng dáng đã khuất dần của hai chúng tôi.

Tôi bỗng nhiên có chút ủ rũ, cảm giác thời gian trôi qua thật nhanh, rồi lại than thở, già cả cùng cô đơn chính là số mệnh mà mỗi con người đều không thể trốn thoát.

Tôi không ngừng ngoảng đầu nhìn lại, Dư Thần liền dừng bước đợi tôi.

Nhưng tôi không để ý tới, cứ thế đi về phía trước, sau đó va phải người anh.

Tôi lập tức lùi lại, "Em xin lỗi, em xin lỗi."

Anh bất ngờ đưa tay xoa nhẹ đỉnh đầu của tôi.

Cảm giác thứ đang được vuốt ve không chỉ có tóc, mà còn có tâm tình không thể nói rõ giấu kín trong tim.

Tôi nắm chặt sợi dây rơi xuống từ cặp sách, đột nhiên không biết phải nói gì.

***

Không bao lâu sau, vào ngày sinh nhật của Dư Thần, bố tôi tặng anh một chiếc xe đạp địa hình.

Lúc mua xe tôi cũng đi cùng, bố liền hỏi sinh nhật tôi có muốn mua một chiếc như vậy không.

Tôi trả lời: "Con gái bố lười thành cái dạng gì, chẳng lẽ trong lòng bố lại không biết sao?"

Chính vào lúc này, Dư Thần quay ra hỏi nhân viên bán hàng: "Có thể lắp một chỗ ngồi ở đằng sau không?"

Tôi vô cùng sửng sốt.

Bố tôi nhìn anh một cái, rồi lại nhìn tôi một cái.

Tôi theo bản năng cuộn chặt lòng bàn tay.

Rõ ràng giữa tôi và Dư Thần chẳng có cái gì, nhưng bản thân lại không hiểu sao cảm thấy chột dạ.

Lúc tôi để lộ ra sự căng thẳng trong đáy mắt, bố tôi giống như bừng tỉnh hiểu ra, nói: "Ý kiến hay, vậy thì bố không cần phải tới đón hai đứa nữa rồi."

Ngón tay tôi lúc này mới dần dần thả lỏng, giả bộ điềm nhiên không có chuyện gì: "Phải phải, bố cứ ngày ngày ở nhà ăn cháo chăm sóc dạ dày đi ạ."

Trả tiền xong, chúng tôi đi về phía bãi đỗ xe.

Tôi ra vẻ đùa cợt: "Bố không sợ con và Dư Thần yêu sớm sao?"

Bố tôi dường như cảm thấy câu nói này vô cùng hài hước, cười lớn tới mức kinh động đến cả đèn thanh khống (là đèn được điều khiển cảm ứng bởi tần số của giọng nói)

"Hai đứa là anh em mà," Ông nói, "Phải không Dư Thần."

Anh đáp lại một tiếng "vâng"

Trong ánh đèn đường mờ mịt, tôi ngẩng đầu nhìn Dư Thần, nhưng chẳng thể thấy rõ được vẻ mặt của anh.

Chúng ta là anh em mà, phải không Dư Thần.

Nhưng mà, chúng ta chỉ có thể là anh em thôi sao?

***

Dư Thần bắt đầu đưa đón tôi đi học.

Đương nhiên không có kiểu tình tiết như trong phim thần tượng, cô gái ôm lấy thắt lưng chàng thiếu niên, làn váy trắng noãn bị gió thổi tạo thành một đường cong hoàn hảo.

Thứ nhất, tôi không thể ôm Dư Thần, thứ hai, tôi chỉ được mặc quần đồng phục của trường mà thôi.

Vả lại, vì để tránh hiềm nghi, khi cách trường học một đoạn đường, tôi sẽ nhảy xuống xe, tách khỏi anh đi vào trường.

Lần đầu tiên làm như thế, Dư Thần hỏi tôi: "Em có mệt không?"

Tôi mạnh miệng: "Không mệt."

Anh lắc lắc đầu, tiếp tục đạp xe về phía trước.

Tôi nhìn theo chiếc áo đồng phục bị gió thổi bay phấp phới của anh, một hồi lâu cũng không hề di chuyển.

Trong lòng anh không có ma, đương nhiên có thể ngênh ngang tự tại.

Nhưng trong lòng em có quỷ, anh lại chẳng hay biết gì.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top