Chương mở đầu
Tôi thích mưa. Mưa buổi chiều, tầm tã, ướt át trong ánh đèn vàng. Bầu trời đỏ quạch hắt lên những ráng vàng, rồi dần chuyển tím, rồi đen đặc lại. Cái cảm giác lạnh lẽo, bùn nước bẩn thỉu và dòng người hối hả khiến tôi chỉ muốn nán lại thật lâu giữa con phố, mặc kệ cảm giác ướt lạnh len lỏi làm tê cứng hết đôi bàn tay. Nếu như thường lệ, tôi sẽ nán lại một hai chuyến xe buýt để đi dạo lòng vòng, hoặc chỉ ngồi im tại điểm dừng, nếu không quên tai nghe thì nhất định sẽ bật mấy bản nhạc sến súa một chút, nếu ví còn chút tiền thì chui vào một quán cafe giả vờ như đang chạy trốn cơn mưa, rồi khi con phố đã lên đèn yếu ớt và mưa cũng ngớt đôi chút, sẽ thong dong về nhà, gột rửa hết cảm giác ướt át và bùn nước.
Nhưng hôm nay, thì không.
Tôi đang vướng vào một vụ ẩu đả trời ơi đất hỡi nào đó, người đàn ông say xỉn, với dòng máu túa ra từ lỗ mũi to bạnh, nhanh chóng nhạt nhòa trên khuôn mặt đẫm nước mưa, ông ta vừa đổ sầm xuống trước cửa chỗ làm thêm của tôi.
Lúc tôi giao ca xong và bước ra khỏi cửa, chị chủ tiệm và một vài người đã kéo được ông ta ngồi dậy trên bậc cửa, nhưng mưa thì ngày càng to đến trắng trời trắng đất, ông ta bị mưa hắt đến ướt sũng, người run run, miệng liên tục lải nhải chửi rủa. Chị chủ của tôi tên Thùy Hương, người sao tên vậy, tính cách và giọng nói đều dịu nhẹ như nước, còn thân mình thì lại béo tròn, chân tay lại ngắn, thật dễ dàng để tưởng tượng chị đã tốn bao nhiêu công sức để dựng thẳng được một người say xỉn trước những cột nước trắng đang phóng xiên xiên trên mặt con phố.
- Ông này say xỉn đánh nhau với mấy cậu choai choai kia trong bar của tôi, tưởng về rồi hóa ra đi được vài bước thì ngã sang đây, xin lỗi nhé! - Người đàn ông mặc sơ mi bảnh bao nhưng lúc này cũng lướt nhẹp đang loay hoay cúi xuống nhìn ông ta, rồi ngước lên phân trần. Quán bar mà anh ta nói nằm cách tiệm hoa này 4 ngôi nhà, trái với khung cảnh mơ mộng của đám hoa cỏ là một quán bar tối tăm hầm hố, bảo sao chị Thùy Hương lại ghét cay ghét đắng "hàng xóm" đến thế. Chị nhíu mày nhìn người nọ, cũng chẳng buồn nói gì.
- Cái bọn choai choai mất dạy, có giỏi thì nại đây đánh ông mày tiếp đi lày. Bố mẹ chúng mày dạy dỗ chúng mày như thế đấy à?
Người đàn ông say xỉn liên tục lải nhải, đầu thì ngoặt sang một bên, vừa lải nhải ông ta vừa thở dốc đầy nặng nề. Phía bên kia, trước cửa quán bar cũng có khá đông người, vì mái hiên giữa các nhà thông với nhau, tôi có thể nhìn thấy họ khá rõ ràng. Mấy cái cậu này... hơi quen. Tuy thế, tôi cũng chẳng để tâm đến họ nhiều, vội rút từ trong túi ra ít khăn giấy để người đàn ông say xỉn lau mặt mũi, người say lại trúng nước mưa lạnh sẽ rất nguy hiểm, tôi đề nghị người tự xưng là quản lý kia kiếm một chỗ khô ráo để ông ta nghỉ ngơi, dù gì cũng là khách đi từ bar của anh ta ra, nếu có áo hay khăn khô thì tốt nhất cũng đừng tiếc, chuyện này không liên quan đến mạng người lắm nhưng giúp được người ta thì tốt, còn hơn là dựng ông ta chình ình trước cửa thế này.
Tôi còn chưa kịp thủng thẳng hết toàn bộ ý nghĩ, mới vừa nghe đến chuyện cho người đàn ông này nán lại, anh ta đã vội ngắt lời:
- Một ngày chỗ này có đến bao nhiêu gã say, ai cũng giữ lại chăm như em nói thì tôi thành nhà từ thiện à? Đây đâu phải là cái trạm y tế phường?
- Thế thì anh đi mà vất ông ta ra ngoài kia kìa, cớ gì vất trước cửa chỗ chúng tôi? Ông ta là khách chỗ anh, say xỉn ra đấy dính mưa rồi chết trước cửa chỗ chúng tôi thì sao?- Chị Thùy Hương sẵng giọng. Cái giọng nhẹ nhàng êm dịu của chị khi gắt lên không hiểu sao nghe vẫn thấy ngọt.
Tôi bật ô lên, không muốn nán lại đây thêm chút nào nữa, nhưng chưa kịp đi, người đàn ông kia đã đổ vật ra trước chân tôi. Ông ta im lặng, không hề lải nhải nữa. Tôi thật không đành lòng nhìn một ông chú lớn tuổi như vậy vật vờ, đành kéo áo ông ta cho dựng lại trước cửa, lấy ô che cho ông ta rồi chạy lại vào tiệm. Ngăn tủ của tôi có một chiếc áo phông khá rộng và khăn lau. Tôi kéo ông ta ra sát một góc, gói khăn, áo và chiếc bánh còn thừa từ bữa trưa vào một cái túi bóng. Người quản lý kia đã biến mất, mà đám đông cũng đã tản ra.
- Này - Tôi dẫm mạnh vào đầu gối người đàn ông - Chú thay áo này vào rồi về nhà đi.
Mưa đã hết xối xả, nhưng không có dấu hiệu ngừng. Tôi trùm mảnh áo mưa rồi bước xuyên qua màn mưa đến điểm xe buýt. Đằng nào cũng ướt, nhưng ướt át quá thể mà bước lên xe buýt chắc chắn sẽ bị lườm nguýt, vậy nên tôi đành đặt hi vọng cả vào mảnh áo mưa ngắn cũn vốn thường dùng để bọc mấy chậu lan của chị Thùy Hương.
Trời lúc này chưa tối hẳn, con phố lên đèn mờ nhòa trong làn nước. Cái ánh đèn rực sáng mọi khi sao hôm nay hiu hắt ảm đạm, mà cái chân tôi vốn không quen đi nhanh dù là trong thời điểm chạy mưa này, thật ra cũng vì tôi coi cơn mưa là một sự hưởng thụ nữa.
- Này,
Từ sau lưng, một giọng nói cất lên.
- Này,
- Này,
Chỉ còn mấy bước nữa là đến điểm đợi xe buýt, bả vai tôi bỗng bị giật lại. Sau lưng lúc này là một cái bóng rất cao, màu trắng.
- Tại sao tôi gọi mà cậu không thèm quay lại?
À, hóa ra là gọi tôi.
- À, Hoàng Khánh, hay Hà Khánh gì đó, lớp 11B5?
- Sao cậu biết tôi? Cậu cho lão kia ô làm gì? Thích lo chuyện bao đồng à?
- Đàn em trong trường nên biết hot boy thì có gì lạ? Có việc gì? Cấm bao đồng à?
Cậu ta không có gì che chắn cả, ướt nhẹp như chuột lột. Nếu muốn đi xe buýt chắc sẽ hơi khó đấy, tuyến này có phụ xe khá khó tính. Ngay cả trong lúc chật vật vì mưa ướt, thì hot boy vẫn là hot boy, mặt mũi bừng sáng giữa khung cảnh nhá nhem, ánh mắt kiêu ngạo, dáng người cao áp đảo.
- Ông ta không chết đâu mà lo - Anh ta bỗng đổi giọng. Sao biết, lỡ ông ta cao huyết áp, có bệnh tim, tiền sử đột quỵ thì sao, tự tin quá rồi đấy.
- Nhà em ở đâu, có muốn đi nhờ về không? Dù sao cũng coi như cám ơn, giúp bọn tôi dọn dẹp lão ta.
- Không cần.
Tôi quay lưng. Sợ tôi đi buôn chuyện chắc? Tôi bước nhanh hơn một chút, có khi nào thấy không hối lộ được, anh ta lại đổi ý đấm luôn cả tôi không? Tôi cũng không muốn đời học sinh cấp ba của mình lại nhuốm màu sắc đỏ thắm của nắm đấm, hay tím bầm vì bạo lực học đường. Chỉ cần anh ta không đuổi theo, khá chắc đến mai sẽ chẳng còn nhớ mặt gương mặt phổ thông của tôi ở trường đâu.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top