Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành - Tranlamhp5

Số phận người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu

Trong cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Minh Châu đã dành nhiều trang viết về số phận người phụ nữ. Những tác phẩm của ông là sự cảm thông sâu sắc đối với mỗi số phận, đồng thời là một khúc ca về phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

So với một số nhà văn thuộc thế hệ mình, Nguyễn Minh Châu là người “chậm chân hơn” nhưng không phải là người đi sau. Từ sáng tác đầu những năm 60 đến sáng tác những năm 70 và đặc biệt là đến những năm 80 của thế kỷ XX, Nguyễn Minh Châu đã thực sự là một trong những cây bút tiêu biểu cho quá trình vận động, đổi mới của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Tài năng của Nguyễn Minh Châu được phát lộ, tỏa sáng ở giai đoạn sau 1975 với một loạt các tác phẩm:Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát...Vẫn những trăn trở, suy tư về con người nhưng nhà văn đã khai thác ở khía cạnh mới hơn, đưa ra những con người đời thường như nó vốn có. Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cảm hứng thế sự đời thường với “nỗi lo âu sao mà lớn lao và đầy khắc khoải về con người” trong sự khám phá tìm tòi về thế giới nhân tính, về cái chân, thiện, mỹ của “con người bên trong con người”.

Và, trong cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Minh Châu đã dành nhiều trang viết về số phận người phụ nữ. Những tác phẩm của ông là sự cảm thông sâu sắc đối với mỗi số phận, đồng thời là một khúc ca về phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Mỗi nhân vật với số phận của họ là một khám phá mới của nhà văn. Họ hiện lên rất riêng nhưng đều thể hiện cái nhìn ấm áp, đôn hậu của nhà văn đối với người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Đất nước có chiến tranh, người chồng, người con lên đường đi chiến đấu và có không ít người đã hi sinh, để lại trong lòng người phụ nữ một vết thương, một nỗi đau âm ỉ không bao giờ tắt. Có biết bao người phụ nữ Việt Nam đã phải chịu cảnh góa bụa, chịu đựng nỗi đau về sự mất mát hi sinh của những người mình thương yêu nhất. Mỗi con người một cảnh ngộ nhưng đều là những mảnh đời éo le, bất hạnh. Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã yêu Hòa bằng một tình yêu say đắm, nồng nhiệt, tôn thờ anh như một “thánh nhân” nhưng rồi chị thất vọng vì anh cũng chỉ là một con người bình thường như bao con người khác. Cái chết của Hòa đã làm Quỳ bị ám ảnh suốt đời. Đôi bàn tay “dấp dính mồ hôi” trước đây của Hòa làm chị ghê sợ thì giờ đây lại đem đến cho chị sự tiếc thương vô hạn. Đó là đôi bàn tay của một con người tài giỏi, vì vậy mà giờ đây Quỳ đau đớn thốt lên: “Dù có phải xông vào lửa đạn, dù có phải dùng hai bàn chân trần dậm lên vách tai bèo, dù có phải lặn xuống tận đáy bể khơi hay băng qua sa mạc cháy bỏng, dù có phải đi khắp cùng trời cuối đất, thì tôi cũng không từ nan, tôi cũng xông đi, nếu lấy về được để trả lại cho anh ấy đôi bàn tay luôn dấp dính mồ hôi”. Nhưng tất cả đã quá muộn, giờ đây trong Quỳ là sự “ngẩn ngơ thương tiếc” đến nhói đau. Khi chị cảm thấy yêu đôi bàn tay ấy thì cũng là lúc là nó vĩnh viễn không còn nữa và “trong tất cả sự mất mát thì mất một con người là không bù đắp được, không sao lấy lại được”. Quỳ đi tìm “thánh nhân” trong Hòa nhưng không gặp, khi chấp nhận anh ấy là “người thường” thì anh ấy đã không còn. Nước mắt chị không rơi, chị “nằm im mà tâm hồn vật vã” vì nỗi đau ấy quá lớn. Với Hậu, chị chỉ thấy anh là một “người thường” thì chính anh lại mang phẩm chất của một “thánh nhân” trong tình yêu. Cái chết của Hậu làm se thắt lòng người. Anh đã ngã xuống cho tình yêu, anh cho đi mà không mong nhận lại. Hậu không thể sống lại cho dù Quỳ “khóc đến khô kiệt giọt nước mắt cuối cùng” của mình. Làm sao mà Quỳ có thế quên được khi tận mắt chứng kiên cái chết của một người mình yêu và một người yêu mình. Người chết thì mãi mãi nằm xuống nhưng để lại vết thương khó liền sẹo trong lòng người đang sống. Cuộc đời Quỳ trớ trêu, éo le vậy đấy.

Đến Cỏ lau, Thai cũng hiện lên với cuộc đời đầy bi kịch. Chị phải xa người chồng mới cưới khi chưa có đủ một tuần hạnh phúc bên nhau. Thai đã vượt lên sự xa cách, nỗi nhớ thương để chăm sóc bố chồng, tham gia công tác xã hội và hoạt động cách mạng. Nhưng đau xót hơn là chị nghĩ mình đã tự tay chôn cất người chồng mà mình hết mực yêu thương. Nỗi đau ấy tưởng chừng như đã ngủ yên trong kí ức, Thai đã quyết định đi bước nữa với Quảng và có một gia đình đầm ấm. Trớ trêu thay, sau 24 năm xa cách người chồng mà chị tưởng như đã chết ấy nay quay trở về. Cuộc gặp gỡ đã đánh thức tình yêu tuổi trẻ của Thai và gieo vào lòng chị nỗi xót xa, ân hận. Chị mong muốn có thể xoa dịu vết thương mà chiến tranh để lại cho Lực (người chồng cũ), muốn bù đắp lại cho anh dẫu biết rằng điều đó gây khổ đau cho Quảng, cho con cái, cho cả gia đình bé nhỏ của mình. Nhưng số phận đã an bài, chị không dễ gì thay đổi hoàn cảnh éo le của mình

Huệ trong Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát lại là một số phận khác. Người con gái ấy quyết tâm đoạn tuyệt với gốc gác thị thành, gắn bó với mảnh đất do hai vợ chồng khai khẩn để làm ăn kiếm sống. Và giờ đây, “chính Huệ cũng đã trở thành một người đàn bà nông dân với cái tính ki cóp, chắt bóp, tham công tiếc việc, tham của thậm chí đôi khi còn lắm điều nữa”. Vì sao vậy? Vì Huệ đã trở thành cái "máy đẻ" để có người lao động sau này. Chị phải chăm lo cho đàn con, cùng chồng lao động để bảo vệ sự tồn tại của gia đình ấy. Bao nhiêu sức lực chị đã trút gần như cạn kiệt. Đôi bàn tay của người con gái thành thị xưa kia, giờ đây lao động vất vả đã trở nên “đen đúa và sứt sẹo”. Nhưng nếu trong lòng Huệ không còn khắc khoải về một người đàn ông thành thị xưa kia thì cuộc đời chị có lẽ cũng đã hạnh phúc. Đằng này chị luôn day dứt về quá khứ với một con người mà chị vừa thương hại, vừa căm giận nhưng vẫn yêu. Chị hiểu được nỗi đau của cuộc sống khi tách biệt với xung quanh nhưng chính chị chấp nhận lấy số phận cuộc đời mình làm phép thử cho điều ấy. Chị sống bằng niềm tin, hy vọng trong tương lai một thành phố nữa sẽ ra đời ngày trên chính mảnh đất này để đem đến sự đổi đời cho các con chị.

Có thể nói, Nguyễn Minh Châu đã viết về người phụ nữ trong nhiều tư cách khác nhau nhưng nhà văn đầy hào hứng và ưu ái khi viết về người đàn bà là mẹ, “người đàn bà luôn cảm nhận không chỉ bằng ý thức mà bằng bản năng thiên chức làm mẹ, người mẹ sinh ra và chăm sóc những người con, nguồn gốc và nền tảng của cuộc sống”. Thiên chức làm mẹ của người phụ nữ đã làm bệ đỡ đưa họ ra khỏi cuộc sống éo le. Quỳ đã thú nhận “…trong một lúc, tôi hiểu được thế nào là người đàn bà, tôi hiểu chính tôi bấy lâu nay. Tôi đã trông thấy, trong một phút, tất cả cái phần sâu thẳm như một thứ thiên phú riêng của tâm hồn những người đàn bà chúng tôi: đó là bản năng chăm lo, bảo vệ lấy sự sống của con người – do chính chúng tôi mang nặng đẻ đau sinh ra. Đó là tình thương người bẩm sinh của nữ tính – sợi dây thần kinh đặc biệt nhạy cảm của nữ giới chúng tôi”. Bằng tình yêu của mình Quỳ đã nâng đỡ, an ủi, đã đẩy lùi được cái chết đối với chiến sĩ bị thương ngoài mặt trận, gây dựng lại niềm tin cho người đang sống trong cảnh lao tù. Điều đó không chỉ đem lại ý nghĩa cuộc sống cho những người xung quanh mà còn cho chính bản thân Quỳ.

Cùng với Quỳ, Huệ trong Phiên chợ Giát và người mẹ trong Mùa trái cóc ở miền Nam cũng là những người luôn ý thức về trách nhiệm, thiên chức của mình. Cũng chính thiên chức làm mẹ, tình thương con vô bờ mà người mẹ trong Mùa trái cóc ở miền Nam lúc nào cũng sống trong sự dằn vặt, ân hận: “tôi vẫn thường thấy đau đớn trong lòng, lúc nào cũng đau tận trong cuống ruột, nghĩ rằng mình là người mẹ sa đọa, đáng bỏ đi, hơn thế nữa, một kẻ thù của con tôi, cái đứa con trai yêu quý nhất của mình. Có phải đấy là tội lỗi hay là số phận hả ông?”.

Có thể nói, phẩm chất cao quý đó có ở hầu hết các nhân vật của Nguyễn Minh Châu dù họ đã từng hay chưa từng làm mẹ. Các nhân vật nữ của ông với bề ngoài dịu dàng nhưng bên trong lại luôn mạnh mẽ, vượt lên trên sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Đó là đức hi sinh cao độ, lòng thủy chung vẹn nguyên và ý thức về thiên chức rất đẹp của người phụ nữ. Phẩm chất đó giúp họ trở nên cao cả hơn, làm nên nét riêng cho nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu./.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lahm