nên chúng ta chỉ có thể sa ngã mà thôi

  ***

Bức thư thứ năm

Ngày tháng năm

Tớ đã từng nghe chẳng thiếu những bài diễn thuyết trước điện Schonbrunn, trên sóng vô tuyến và qua dễ hàng chục bản chép tay chẳng biết đã nằm bao nhiêu thập kỉ trong viện bảo tàng. Được xướng giọng hoặc chấp bút bởi những ông hoàng, những ngài thống soái cũng như những nhà lãnh đạo cách mạng khắp nơi trên thế giới, luôn nhằm để tụng ca những cuộc binh biến đều là vì chính nghĩa, là cú phủ đầu trước họng súng địch quân đang kề vào thái dương của đám dân đen con đỏ. Rằng việc đâm lưỡi lê vào lưng một kẻ đồng sắc tộc không gì khác ngoài nghĩa cử được chứng thực bởi chúa trời; còn rằng những di chứng hậu chiến tranh, những cơn ác mộng dằn vặt lương tri về đôi tay nhuốm máu thì vinh hạnh thay, chính là vòng nguyệt quế trao tận tay vị anh hùng của dân tộc.

Và cùng lúc ấy, ở bên kia đại dương, mười vạn con người khác với màu quân trang khác, đến từ những thành phố khác, thuộc về những gia đình khác nhưng đều mịt mờ về tương lai sắp sửa. Họ cũng lại đặt chân lên chuyến tàu viễn chinh với cùng một niềm tin về sứ mệnh vệ quốc thiêng liêng trên vai mình... Oái oăm thay. Vậy đâu mới là chân lý? Cũng theo ấy ngày càng lớn là nỗi băn khoăn của tớ rằng liệu trên đời này thật sự tồn tại chính nghĩa chứ? Có điều gì hoàn toàn nhân danh lẽ phải chứ? Có niềm tin nào là tuyệt đối chứ? Lý tưởng tớ đang tranh đấu và sẽ tranh đấu cho tới hơi thở cuối cùng đây, những kẻ ngoài bức tường thành kia đều lẽ nhiên mặc định đó là một sự phản trắc, nghịch luân và cùng cực kinh tởm. Nhưng lý do gì để tớ tự phủ nhận lý lẽ của mình nếu đó là chỗ, dựa duy nhất khiến tớ biết rằng mình đang "sống", khiến tớ có thể tự chấp nhận cái tôi cô độc mà chẳng sớm thì muộn cũng sẽ chết yểu trước sự trừng phạt mạo danh thượng đế mà thôi. Thử nghĩ xem, tớ đang gào thét đến bật máu, tớ đang kề cổ lên vòng thòng lọng còn đàn quạ thì đã sẵn sàng tấu khúc cầu hồn, tớ đang đứng trên thảm đinh và đón nhận từng mũi gươm đâm thấu ngực mình; tớ đang trả một cái giá quá đắt đến vậy vì điều gì đây?

Chỉ vì một lẽ thôi, sự sống. Tất cả những gì tớ muốn chỉ là được phép tồn tại. Nhưng nếu sự có mặt của tớ lại là sự xúc phạm gì ghê gớm đến đức tin của cả một cộng đồng người, lại đe dọa đến khẩu vị và sức khỏe tinh thần của những kẻ hoàn toàn xa lạ mà ta nào có chức trách phụng sự, thì bạn ạ, tớ buộc phải ra đi thôi. Mà con người, như ta đã biết thì chẳng đời nào chấp nhận án tử một cách dễ dàng đến vậy. Thế nên tớ đứng lên, và chiến đấu. Tớ sẽ sống, và tớ sẽ cứu cậu.

***

Trí nhớ đưa tôi về với câu chuyện có lần được nghe trong giờ Triết thế này- khi mà cậu đã quá mệt mỏi với Aristoteles và cần làm gì đó để không gục xuống bàn. Rằng người chú của cậu mới trở về từ thủ đô sau vai trò luật sư biện hộ cho một ông bạn cũng nghề trạng sư vì tội ăn cắp bánh mì, đến là khốn khổ khốn nạn, mào đầu luôn là lời ca thán với bong bóng tài chính đang vỡ tung và đẩy dần quốc gia đến vách vực khủng hoảng, tôi nghĩ nếu đem hết những điều cậu luôn miệng lúc đọc báo hoặc trong tiết Kinh Tế học ra soạn thành sách thì đoan chắc nếu không trở thành nghị sĩ Thượng viện thì cậu cũng là một học giả với lượng luận văn làm số điện thoại được.

Một người đàn ông đáng thương!- Cậu kết thúc câu chuyện với một dấu chấm than rồi lại ngả ra bàn, nguệch ngoạc một hình ký họa lên mặt giấy mà chẳng hiểu sao lúc nào cũng là sơ đồ cấu tạo nguyên tử của đồng vị clo. Tôi dám chắc đến một ngàn phần trăm là cậu đang cho đứa ngồi cạnh cơ hội để duy trì cuộc hội thoại trước khi quay mặt sang bên đối diện và kệ xác tôi cho tới hết ngày vì "tại sao cậu chưa bị bướu cổ khi là cái thằng nhạt nhẽo đến mức này cơ hả". Dù cũng chắc bằng ấy phần trăm là cậu cũng sẽ chẳng trả lời cho tử tế, tôi cũng cứ đành lấy lệ mà tiếp lời dạng như tiền bạc có thể làm biến chất con người đại loại. Nhưng trái với mong đợi về giọng nói thều thào ngái ngủ đầy vẻ hài lòng với biểu hiện xuất chúng của đứa biết điều là tôi đây, cậu chỉ lẳng lặng chú mục vào chấm mực đang thấm xuống cuốn triết học cận đại mà rằng: "Tớ tự hỏi tại sao ông ta lại làm điều ấy." Vì đói, tất nhiên. "Tại sao ông ấy lại làm điều ấy mặc dù biết đó là phạm pháp, tại sao ông ấy không vin vào những khoản thế chấp, tại sao lại đi ngược với tôn chỉ của mình? Đó là điều tớ không tài nào hiểu nổi."

Tôi bỗng thấy khó mà thở được khi toát lên từ sau bộ dáng chán chường kia là một nỗi cô đơn vô định mà ngay cả khi cách nhau chưa đầy một gang tay thế này, tôi vẫn không cách gì chạm tới. Có lẽ- cậu tiếp- trong thời điểm chỉ đôi tích tắc khi ông ta quyết định đột nhập vào cửa hàng bánh, thứ luật lệ đã thâm căn từ trường đại học trong người đàn ông ấy đã thay đổi. Không còn những điều khoản được nhắc đi nhắc lại "trong thời khắc ấy, luật pháp của ông chỉ có một. Đó là gia đình ông. Là sống còn của vợ và con gái, và chẳng một tòa án nào có quyền bác bỏ điều ấy cả."

Giọng nói của cậu nhỏ dần trước khi chìm vào giấc ngủ trong tiếng giảng của vị giáo sư mà tôi chẳng nghe được thêm nổi một từ.

***

Bức thư thứ tư

Ngày 12 tháng 6 năm

"Ngày hôm nay quả là một ngày khó khăn khi những gì tớ nhận được là từng xe rau củ thối cùng những lời nguyền rủa từ những con người quá đỗi xa lạ.

Cậu có thấy kỳ lạ không? Khi mà một ai chưa từng biết tới tên ta, chưa một lần ta chạm mặt kể cả giữa những phiên chợ sầm uất nhất, chưa mảy may chung sống với ta dù chỉ một giờ, chưa chìa tay ra cho ta gì cả. Họ nào có biết gì về sinh quán của những anh bạn đây đến từ bờ nào của Thái Bình Dương, hay ngón harmonica điêu luyện của ban nhạc mà chúng tớ đã vinh dự được đón rước làm khách quý? Không, chẳng gì hết. Ấy thế mà những con người ấy lại đứng lên hàng đầu xối xả những tràng nhục mạ với đủ mọi lời lẽ mà đến những tay thợ may cục cằn nhất cũng không bao giờ cất ra khỏi miệng.

Mà họ cũng có biết đâu, rằng chính ngày hôm nay, một người đáng kính, người công dân chân thật bậc nhất trời Âu, một người con đã phủ tấm áo lông ấm áp nhất lên bia mộ vị thân mẫu đã ruồng rẫy mình, một người anh cả bao dung, một cựu quân nhân đã gửi đôi mắt lại chiến trường như bằng chứng cho tấm lòng ái quốc. Đau đớn thay, cứ hiểu rằng "đau đớn" tớ nói ở đây chẳng phải theo lối sách vở hay thấy vô tội vạ trong những tập tiểu thuyết diễm tình. Đau lắm, xót xa lắm, nếu cậu có phiền bởi nét chữ run rẩy của tớ thì đó là do tớ không cách nào ngăn mình không vùi đầu vào giữa hai vai mà nức nở- những tiếng nức nở tớ đã cố kìm nén suốt giây phút lâm chung của anh. Anh cả! Cái chết đến lạ thay chẳng chút bất ngờ mà vẫn nghiệt ngã đến mức không thể nhìn thẳng vào mà chấp nhận, tại sao lại như thế? Tại sao lại ra nông nỗi ấy, ở bên ngoài bức tường thành người ta rỉ tai nhau những gì, họ đã làm những gì, cậu có biết không?

Anh của chúng tôi? Anh đã làm gì?

Anh rời khỏi chốn an toàn duy nhất, anh đã bước ra từ phòng chơi poker, đội lên chiếc mũ cao bồi và đi đến nơi những họng súng kíp của chúng tớ không cách nào vươn tới. Bước chân anh vững vàng hơn mọi lúc dẫu cho đôi mắt có mù lòa, gia đình của anh ngoài đó, tình yêu và máu mủ của anh còn ở đó. Anh trở về nhà với niềm tin cuối cùng còn đặt lại nơi đồng bào, về con người và lòng bác ái, một ván cược cầm chắc phần thua đã điểm chỉ. Anh ra đi, và tối ấy chúng tớ được tin anh mất.

Sáng nay tớ nghe một tên râu quai nón hét lên rằng bên này bức tường chỉ rặt những kẻ bị Chúa bỏ rơi. Không, tớ có thể chẳng biết gì chỉ riêng điều này. Rằng Chúa chẳng hề ruồng bỏ anh. Chẳng có một vị chúa trời nào ngoài đó cả, là người khác đã giết anh bằng những viên đạn và báng súng săn. Tất cả những gì tớ biết chỉ có vậy.

***

Bức thư thứ ba

Ngày tháng năm

"Tớ chưa từng nghĩ nhiều về quãng đời mình đã sống và đang sống. Khi còn bé thì tất cả những gì chúng ta quan tâm là kẹo ngọt, bánh phủ sô cô la và chuyện uống lén rượu. Sách vở, những người bạn đầu tiên ở trường lớp. Cuộc đời khi ấy là khoảnh trời gói trong một vùng thung lũng với bốn mùa được định bằng thời gian trổ quả của nho Chadonnay, đơn giản, dễ dàng. Tớ không phủ nhận rằng mình muốn trở về lúc ấy hơn bất cứ khi nào,thời thơ ấu khước từ xu hướng mỹ lệ hóa quá khứ nhưng luôn có cách của nó để trở nên thật đẹp đẽ.

Lâu hơn đôi chút,tuổi dậy thì lấy đi của tớ hai năm trời để suy nghĩ một cách thực sự chín chắn. Hai mình đã có hơi thuốc lá đầu tiên trong đời ở một quán pub kiểu nửa Ai-len nửa Phổ, tất nhiên đó chỉ là đơn cử trong số ti tỉ thứ ngu ngốc ta rủ rê lẫn nhau trên những chuyến mãi lộ khắp năm châu. Cậu còn nhớ về căn nhà gỗ trên đồi đấy không? Đáng lẽ tớ phải nhắc cậu rằng nên dựng nhà ở sát bìa rừng chỗ khuất gió, nhưng cuối cùng lại quên khuấy đi mất.

Này, nếu cơn bão không đến và xô đổ căn nhà, tớ nghĩ mình có lẽ sẽ chẳng bao giờ để tâm về điều gì nữa cả.

***

Những bức tường thơm mùi nhựa thông vẫn thẳng hoặc trở về trong những cơn ác mộng mà một thời tôi phải tìm đến thuốc an thần để ép mình không còn nghĩ đến. Và khi thuốc ngủ hay rượu cồn khiến tôi nhận ra mình chỉ vừa bước từ lề này sang lề kia của cùng một con đường dẫn đến cái chết, thì tương lai gắn với cỗ quan tài cùng huyệt mộ lại chỉ càng như một lẽ dĩ nhiên. Nó rõ rệt đến mức nếu trong cơn loạn trí tôi có ra tay rạch những lưỡi kéo dọc theo bắp vế và mạng sườn, thì máu huyết xối xả đổ ra từ thân thể trần như nhộng cũng không khiến tôi kinh hoàng hay khiếp hãi. Nhưng cơn đau thì vẫn còn đó, tôi lấy làm mừng vì morphine không làm những xung thần kinh trong tôi trở nên nghiện ngập rồi chểnh mảng trong cái thiên chức phụng sự con người của chúng- cái thiên chức luôn sẵn lòng rỉ tai để nhắc tôi nhớ rằng mình không phải kẻ điên. Không phải một kẻ bệnh hoạn mê mệt bởi những vết thương hở miệng cùng niềm vui thú dị hợm khiến cả người phải giật nảy lên trong cơn sốt do nhiễm trùng. Tôi đớn hèn như một tay công chức thất nghiệp phải viện đến ma túy để gượng sống cho đoạn ngày, nào còn biết làm sao để thoát khỏi những ám ảnh như chầu chực ngay sau mí mắt, làm thế nào để nguôi ngoai mặc cảm tội lỗi xối xả quất lên đầu lên cổ tôi. Mà hơn tất thảy, làm thế nào tôi có thể quên đi bóng dáng của cậu một mình băng qua ruộng đá dăm cho đến khi đôi chân đầm đìa máu chảy?

Tôi náu mình trong đệm ấm trước đàng Thánh giá, tưởng tượng về hình ảnh đôi tay cậu buông thõng trước đống hỗn độn trơ trọi giữa một vùng giông tố mang theo cái rét lạnh của băng giá ngàn năm. Có gì đâu, chỉ một căn chòi ngả nghiêng giờ lại về với đất...

Mà lại khiến người đau đớn nhường này!

***

Bức thư thứ hai

Ngày tháng năm

Tớ đôi khi nghi hoặc rằng thời gian không phải là những con số xếp tròn trên tấm gỗ hay loài người lại có phương cách gì đo đếm được. Vì đôi khi với tớ, khi ở đây, ca hát nhiều hơn cả ngủ nghỉ, việc đi từ đêm này sang sáng nọ chỉ một ván Othello là đã xong.

Còn những lúc ngồi viết thư cho cậu như thế này, thời gian lại trôi chậm tới nỗi tớ nghĩ mình đã sống tiếp một kiếp người, cũng vui, cũng vùng dậy, cũng mang danh phản trắc, cũng ôm những kỷ niệm trong lòng tự biết là không thể có lại một lần nữa.

Cũng nhớ nhung, tớ cũng lại khóc nhiều hơn cả kiếp trước...

***

Cậu không phải một người mau nước mắt. Kể cả vào cái ngày cậu nói mình phải đi. Kể cả vào ngày căn nhà trên đồi bị gió cuốn tan tành. Kể cả khi nụ cười của cậu tắt lịm khi tôi lúng túng giật tay mình ra khỏi tay cậu, thì những gì tôi nhận được chưa bao giờ là những giọt nước mắt. Chỉ đôi khi vô tình thấy được ánh nhìn loáng nước của người, nhìn thấy những sự chán chường và thất vọng được che đậy một cách thản nhiên như đã luyện tập đến chẳng còn biết cách rơi lệ nữa, chỉ trong những khắc rất ngắn ngủi ấy tôi mới tự hỏi rằng đằng sau nụ cười và những suy nghĩ già trước tuổi, đằng sau những ly rượu mùi và những chiều dưới tán ô liu, con người ấy thật sự đã phải chịu đựng những gì. Đã trải qua những cơn ác mộng kể cả khi không ngủ ra sao . Đã cô đơn đến thế nào.

Vậy mà tôi lại khước từ lời khẩn cầu của cậu. Tôi lại đang tâm tổn thương trái tim đã hứng quá nhiều đau đớn của cậu. Tôi lại để người không còn cách nào khác ngoài rời xa tôi. Tôi đã bỏ mặc cậu những lúc cậu ấy cần tôi nhất, tôi thậm chí chẳng hề biết đến sự tồn tại của những lá thư hoen mực vì nước mắt cho tới hôm nay- khi mà tên nhát cáy là tôi cuối cùng cũng gom góp đủ can đảm cả một đời để chạy ra hứng đạn cho một đứa bé "phe địch". Để rồi nhận lại những lá thư gói kỹ trong tấm áo bạc màu từ một chàng con lai đang cơn hấp hối.

"Cậu là bạn của Newton đúng không? Tay ấy nhắc cậu suốt đấy..."

Newton à. Biệt danh hợp với cậu đấy, cụ non. Tôi không cản được mình phá lên cười mặc cho bụng trái quặn lên vì vết đạn vẫn không ngừng chảy máu. Ha, cuộc đời quả là một tấn bi hài, "kẻ địch" cái gì, chiến tranh cái gì, những con người ấy, họ là gia đình của cậu, là Narcissus cuối cùng cậu mong muốn soi mình đấy thôi.

Và giữa vòng tay mà tôi đã quá sợ hãi để trao năm nào, người tôi yêu nhất, cậu đã ra đi rồi.

Ra đi vĩnh viễn.

***

Bức thư đầu tiên

Ngày tháng năm

Tớ đang sống những ngày thanh thản nhất đời mình.

Ở đây, con người dường như chẳng phải lo nghĩ gì ngoài việc chưng diện, mời nhau những ly cocktail và thi thố điệu Alps. Mới chân ướt chân ráo vào cuối tuần trước, đến nay tớ đã quen thân được một nửa số anh chàng, nhiều hơn bè bạn ở trường cấp ba và đại học cộng lại. Họ chẳng thiếu một thứ người gì, từ thợ bánh đến thợ kim hoàn, người làm trò xiếc, nghiên cứu sinh y khoa, nhà báo,... Có những người rụt rè lúc đầu nhưng sau đó lại nhiệt tình nhất trong chiếu bạc. Có những người thoạt nhìn thì chẳng mấy nả sức nhưng cứ bằng vào việc thấy mấy chàng cao có 5ft6'' mà nắm trùm sòng vật tay ở đây thì cũng đủ hiểu là không thể trông mặt mà bắt hình dong. Có người chơi toàn những thứ nhạc cụ mà tớ cá từ giờ đến hai mươi năm sau cậu cũng không có dịp thấy. Có những người cả ngày chỉ ngồi soạn những lá thư gửi lên ngài chánh án, hội đồng thành phố và cả nhà thờ lẫn tòa tư pháp. Cũng lại có những người cả ngày chỉ biết ngồi hý hoáy hàng giờ rồi lại lén nhét mớ giấy gập tư xuống dưới gối...

Tớ tự hỏi, đây là cuộc sống khốn khổ của những kẻ phản đồ đấy chăng?

Không phải tớ muốn quay lưng lại với những người mà ta hay nói- thuộc về quê cha đất tổ, một phần máu thịt của chúng ta. Hay do tớ lại lựa chọn rời xa cậu, hay do chủ nghĩa cực đoan đã bằng cách nào đó khiến tớ mộng mị. Mà, con người ta, rồi sẽ một lúc mong tìm được một nơi chốn thuộc về mình. Lý do của tớ chỉ vậy thôi.

***

Cơn choáng do mất máu khiến tôi có ảo giác như mình đang cheo leo trên cành cao nhất của những cây thông mọc tựa vào vách đá mà chỉ cần sảy chân là tan xương nát thịt. Tai tôi ù đi, chẳng hiểu do sự vĩnh cửu của chính mình đang sắp sửa bắt đầu hay do gió mậu thổi tới từ bên kia triền núi. Tiếng reo hò của lũ trẻ mờ dần rồi lẫn vào những mảng chói của nắng cuối hạ lúc nào không hay, chiếc cổng vòm, mái hiên căn nhà gỗ, bầu trời, cả những trảng cỏ đang tan dần vào nhau, trộn lẫn với thứ bụi vàng trong không khí thấm dần vào da thịt. Thật hùng vĩ. Sự hùng vĩ lại đáng tiếc rằng tôi chỉ có thể đơn độc mà níu kéo trong giây phút cuối cuộc đời...

"Cậu vẫn có tớ ở đây cơ mà."

Tôi gắng rướn mắt lên tán lá rậm rì của cây ô liu có khi còn lớn tuổi hơn chính nước Áo. Cũng khuôn mặt như mãi mãi dừng ở tuổi hai mươi, cậu ở đó, người tôi yêu, cậu ở đó. Lạ thay, đôi mắt dường như mù lòa của tôi lại rõ mồn một nụ cười tinh quái tôi cứ ngỡ mình chẳng còn cách nào gặp lại...

Ich liebe dich.

Tiếng Đức nghe thật chẳng lãng mạn gì cả. Tôi nghĩ rồi nhắm mắt lại. Tiếng chim sơn trà dường vọng lại từ khe núi.

Có lẽ một mùa xuân nữa đang về.

_fin_

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top