Chương 1 (bản thảo)

Năm 2019, thế là tôi bước sang tuổi bảy mốt. Đường sá Hà Nội chẳng giống Hoàng Su Phì quê tôi ngày xưa, xe cộ thì chạy rần rần, khói bụi lửng lơ như màn sương đêm, còn đám thanh niên bây giờ ăn mặc hở đùi, hở nách, tóc xanh tóc vàng, móng đỏ móng đen... Nam thanh nữ tú tay trong tay giữa thanh thiên bạch nhật, thậm chí tay trong áo, trong quần vẫn cứ là... Chuyện thường ở huyện. Chúng nó táo tợn quá nhỉ, tự do quá nhỉ!
Nào như thế hệ 5x chúng tôi. Chuyện hôn nhân đại sự cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, cấm có cãi. Nếu cứ tự ý yêu nhau thì cả làng nó bêu rếu cho thối đầu, rồi dòng họ thì khinh bỉ, sỉ nhục, khối người treo cổ chết vì không chịu nổi. Mà người bị bêu rếu có phải là đàn ông đâu, không bao giờ là đàn ông, họ ngây thơ lắm, họ vô tội lắm, mọi ngọn ngành căn nguyên của tội lỗi đều do con đàn bà mà ra.. Bị cưỡng hiếp, là lỗi của thứ đàn bà không giữ ý giữ tứ, yêu nhau có bầu, bị bạn trai hắt hủi, cũng là lỗi của chúng tôi không đoan chính "Cho" nó ăn cơm trước kẻng, Đến quỳ lạy bốn phương tám hướng các ông, các bà, các cụ, nó đã muốn thì sức mấy nào cản được.

Tôi còn nhớ như in cảnh Thanh bị đánh chết đi sống lại, mình mẩy bầm dập thương tích. Thanh là cô bạn đồng chí những năm đầu chống Mỹ với tôi, cuộc đời cậu ấy khổ sở biết bao... Nào là bị lôi ra đình trói ở gốc cây, làng xóm hai họ không đánh đập thì cũng chửi bới ầm lên. Đám đông xung quanh vô cảm đứng nhìn, người ném rác rưởi hôi thối vào mặt cậu, người vác nồi vác xoong ra gõ inh ỏi. Họ nói Thanh ngoại tình, Thanh phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, nhưng tôi biết Thanh không ngoại tình. Thậm chí cả dân làng cũng biết. Sau một trận đánh tơi tả muốn sẩy thai, họ bắt đầu thực hiện cái bản án "Cạo đầu bôi vôi, thả trôi sông" như thời Trung Cổ. Thế mới biết lũ trẻ ngày nay sung sướng ra sao. Nghĩ thì cũng mừng cho chúng nó, nhưng tự do quá lại hóa vô phép tắc, con nít thành thị giờ mới tí tuổi đã ăn nói xấc xược tạo đủ thứ drama bon chen trên facebook, không thì suốt ngày đú đởn trai xinh gái đẹp, thả thính từ già tới trẻ bất chấp luôn giới tính, trong khi đó truyền thống cha ông đang bị thui chột từng ngày. Một mình tôi nuôi năm đứa con lớn lên, nhưng chẳng đứa nào tiếp nối tôi phát triển chèo và quan họ, cái Hạnh làm kỹ sư công trường, thằng Tân thích lắp ráp moto, cái Chanh đam mê múa bale, thằng trai Út Huy thì đi bộ đội chưa về (Tôi chẳng biết nó sẽ làm cái khỉ gió gì sau này nữa) còn con Thục theo nghiệp ca sĩ, nhưng nó toàn hát nhạc Tây, nhạc trẻ, nhạc bolero, thậm chí cả cải lương Nam Bộ nó cũng hát, nhưng hát quan họ thì không bao giờ. Mấy vở chèo hay như Thị Mầu lên chùa cũng dẹp luôn cho rảnh mụ.

"Thứ nhạc đó quá lạc lõng với thị hiếu thời nay rồi, bây giờ người ta chỉ thích phong cách Kpop thôi mẹ à."

Cầy với bóp cái gì chả hiểu nổi. Tôi thấy mình như một người thiên cổ đã xuyên không tới tương lai. Biết tìm lại nơi mô cơn gió nhẹ đầu xuân lướt qua cánh đồng, tiếng sáo diều buổi sớm mai đâu? Tôi rốt cuộc là cái gì trong thời đại này?

Tôi gọi cho thằng Út. Chưa kịp nói được chi, cô con dâu cứ sang sảng lên:

"Mẹ đừng có gọi nữa, đã bảo năm nay không về đâu. Đừng gọi nữa đấy!"

"Không về cũng được" - Tôi bất lực nói - "Tao chỉ muốn nghe tiếng bây là đủ rồi. Tết nhất thui thủi có một mình, hơi buồn con ạ."

"Thôi nói chuyện sau mẹ nhá, bọn con bận rồi."

"tít, tít, tít".

Thứ duy nhất có sự kết nối với tôi bây giờ, chính là u tôi. U đang ở trên bàn thờ, nếu bây giờ u còn sống, thì tôi có bảy mươi mốt tuổi cũng mặc kệ, tôi sẽ vùi đầu vào ngực áo bà khóc như trẻ con, rồi than trách, kể lể, nhõng nhẽo với bà. Rằng: "U ơi con cô đơn quá!" Để được bà vuốt ve âu yếm.

Di ảnh của bà mờ ảo trong làn nhang tỏa khói trắng, trên bàn thờ vẫn còn hai bức thư phủ đầy bụi có từ thời chống Mỹ. Bức thứ nhất là của u tôi, chỉ ngắn gọn một câu: "Lãn à, u nhớ con, con về đi."
Tôi đã không về. Tôi luôn để u phải sống trong chờ đợi, chờ đợi và sợ hãi. Bây giờ lại đến lượt con cháu mình, ừ thì chúng nó bận việc cả rồi, bà già như tôi suốt ngày rảnh quá không có chuyện gì làm nhỉ? Tôi đã hiểu ngày xưa mẹ khổ vì tôi như thế nào. Con với chả cháu...
Thôi nó không về cũng tốt, có về nhà thì cũng toàn ôm khư khư cái điện thoại thôi, đang nói chuyện mà tay cứ lướt lướt như mấy ông đồ viết thư pháp, tôi mắng thì lại bị nói là đồ lạc hậu.

Bây giờ không còn nữa những câu hò điệu ví, những làn điệu quan họ thấm đượm nghĩa tình, bọn trẻ nghe nhạc chi mà cứ "Anh yêu em... Em giận anh, yêu không yêu yêu nói một lời..." Nghe mà nhức đầu thật. Tôi không còn thuộc về thời đại này, nhưng tôi chẳng thấy mình già đi về tâm hồn chút nào, tôi vẫn còn rất trẻ, tôi vẫn cứ yêu cuồng nhiệt và sống hết mình được đấy thôi, lũ trẻ sẽ chẳng bao giờ biết yêu được như tôi.

Bức thư thứ hai...

"Quảng Trị ngày 25/5/1965, Hạ yêu dấu, anh nhớ em da diết, bèn vội tìm giấy bút viết thư cho em. Em biết không, anh sắp được làm sĩ quan rồi em ạ! Còn nữa nhé... (hai đôi giấy sau hắn toàn khoe láo chiến công, ngại đọc nên tôi bỏ qua).
Đấy, em tự hào về anh chưa, anh có được những thành tích ấy là vì răng? Vì yêu em chứ còn chi mô! Mình hẹn nhau ở Sài Gòn sau khi miền Nam giải phóng em nhé, ngày đất nước được thống nhất, là ngày hội ngộ của anh và em.
Kính thư: Nguyễn Văn Quang"

Lá thư này đem theo những kí ức sống động tuổi trẻ, đó là mùa hè oi bức ở Nghệ An năm 1965. Tôi rúc đầu trốn trong gốc đa ven rừng, ngồi đọc lén bức thư của ông anh gửi cho O Hạ mà cười ra nước mắt.

Tôi đọc xong xuôi bức thư dài hai đôi giấy rồi, O Hạ mới đuổi theo kịp. Cậu ta chạy có tí mà đã thở hổn hển, đầu tóc xù lên như lông nhím, chắc là định mắng tôi một trận té tát, khổ nỗi cứ thở phì phò như trâu. Tôi cười bảo:
"Hahaha, hồi ở nhà nhìn thằng anh tao khả nghi lắm, hóa ra chúng mày yêu nhau mà giấu nhá. Tao phải viết thư về mách thầy u, để các cụ cấm cửa chúng mày đi!"

"Răng mi nói rứa, trả cho tau!"

"Không trả."

Nó nhảy bổ vào tôi, nhưng tôi vẫn luôn nhanh hơn và khỏe hơn, chẳng mấy chốc O Hà đã nằm ngã ngửa ra, chỉ còn biết bưng mặt khóc rưng rức. Đến khổ, loại con gái như này không thích hợp tham gia chiến đấu, tôi nghĩ việc vào thanh niên xung phong là quyết định sai lầm của Hà.

"Tao đùa chứ có nói thật đâu, mày nhạy cảm quá rồi... Thôi mà, thôi... Nín đi nhá, tao xin lỗi nhá..." - Tôi dịu dàng đến bên cạnh, dỗ dành nó như dỗ em bé.

Khu rừng Đàn này hiểm trở nhưng thật đẹp, tuy không có thác nước hùng vĩ nép sau lưng chừng núi, không có cái mát lạnh, âm u, huyễn hoặc của vùng cao ẩm ướt sương mù như Hà Giang cơ cực mà chúng tôi vừa mới ghé thăm, mà sao... Sao mọi thứ nơi đây hiền hòa như đất mẹ. Tôi chẳng lý giải được sao mình lại yêu mến Nghệ An đến thế. Yêu là yêu thôi.

Chúng tôi bằng tuổi nhau, đều 17, nhưng vóc người O Hà nhỏ nhắn quá, trông như chưa dậy thì, sức khỏe thì yếu ớt, tâm hồn lại nhạy cảm, chúng tôi hay trêu O Hà là "Cô Lâm" phiên bản Việt.

Giờ giải lao trôi qua chóng vánh, chẳng còn đâu những tiếng cười con gái, tiếng khóc thút thít như trẻ con của O Hà vì bị cả tiểu đội trêu chọc. Chúng tôi

lại đến giờ toàn đại đội tập hợp ở căn cứ Truông Bồn.

chúng tôi đội cái nắng nóng bỏng rát của gió lào miền Trung, vượt Trường Sơn, lên thác, xuống ghềnh, đi núi về khe, vất vả bao nhiêu cũng chịu được. Nhưng cái nóng mùa hạ ở Nghệ An thực sự là 1 thử thách đáng sợ, cây cối rũ xuống, mặt đất nứt nẻ... Những giọt mồ hôi nhễ nhại rơi xuống giữa trưa hè nắng gắt. Khát nước, đói, sốt rét và nhớ nhà, tôi nhớ da diết những làn điệu quan họ.

Các O tới từ Hà Giang, Hà Nội, Bắc Ninh... Không chịu nổi thời tiết thất thường ở Nghệ An, họ gánh nước sông La đổ xuống nền xi măng, rồi lót một tấm nilong nằm ngủ để hạ hỏa.

đại đội thanh niên xung phong 317 Truông Bồn đứng thẳng tắp thành hai hàng dọc, quân phục, đầu đạn, súng ống đều đã sẵn sàng. Chính giữa lối đi là đại đội trưởng Nguyễn Văn Linh. Chỉ vừa ba nhăm mà tóc anh đã điểm bạc, đôi mắt anh sắc lạnh, chỉ liếc nhẹ một cái thôi cũng khiến chúng tôi sợ chết khiếp, vậy mà hôm nay anh ta dịu dàng rứa, chắc là chất chứa nhiều tâm sự lắm.

Anh bảo rằng anh thương chúng tôi rất nhiều, hỡi các chàng trai khỏe mạnh sắp đi vào lịch sử giải phóng miền Nam, hỡi các đóa hồng nhan tuổi xuân mơn mởn chuẩn bị đối đầu với một tương lai khốc liệt.

Tiểu đội 2 chúng tôi được lệnh bảo vệ huyết mạch giao thông ở cung đường 15A, nơi được mệnh danh là "Khu vực chết" nguy hiểm bậc nhất với hàng nghìn quả bom trút xuống mỗi ngày. Xác người mênh mông, chìm trong khói lửa, người chết nhiều tới mức, người ta buộc phải xây một khu chôn cất mang tên "Nghĩa trang liệt sĩ 15A", dành cho những cái xác không có gia đình đến nhận mai táng. Xương máu, da thịt họ thấm vào lòng đất mẹ Nghệ Tĩnh làm phân bón cho núi rừng, chẳng ai biết họ đến từ đâu, họ tên gì. Dẫu vậy, họ cứ mãi mãi nằm đây, để lại dư âm, hơi thở của mình trong không khí những người còn sống. Chiến tranh dài đằng đẳng, hàng trăm nấm mồ trống đang chờ chực người chết nhảy vào, và chúng tôi có thể là người tiếp theo nằm xuống để lấp đầy chỗ trống đó.

Thủ trưởng nghiêm nghị nói:

"Các đồng chí không được phép sợ hãi, không được phép bạc nhược, không được phép bán rẻ đồng đội. Dù có chết không toàn thây, thì vẫn phải quyết tâm, đoàn kết, bảo vệ mạch máu giao thông cho quân giải phóng. Các đồng chí rõ chưa?"

"Chúng em đã rõ!"

"Làm đẹp? Tơ tưởng chuyện trai gái? Phụ nữ? Dẹp, dẹp hết! Ở đây không có ai là phụ nữ, chỉ có chiến sĩ và chỉ huy, các đồng chí rõ chưa?"

"Chúng em đã rõ!" - Toàn đại đội 317 đồng thanh đáp lời. Tiểu đội 2 chúng tôi lẽ ra phải có 15 người, nhưng khi nãy điểm danh mới được mười bốn, vắng 1 người là O Hà.

Nấn ná chờ O Hà mãi không thấy đến, thủ trưởng ra lệnh cho tiểu đội chúng tôi lên xe quân đội.
O Cúc dè bĩu: "Tau ghét nhất cái bọn hèn nhát, bắn bỏ cũng nỏ oan."
"Đúng vậy, đồng đội ta nhiều người hi sinh anh dũng, mà hắn dám đào ngũ. Đã thế ban đầu còn viết đơn xin đi xung phong mần chi!"
Xe vừa nổ máy, lăn bánh được một vòng thì có tiếng la hét hồng hộc của con gái:

"Thủ trưởng! Các đồng chí đợi tôi với! Tôi là Vũ Thị Ngọc Hà đây!"

"Úi giời O Hà hắn ở đằng nớ kia kìa, các mi xem hắn ni, nhỏ con như rứa thì mần chi được!"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top