Chương 13: Khúc dạo đầu


Cùng với cơn đau buốt đến tận xương, ta lê đôi chân trần đen đúa trộn lẫn máu từ vết rách, chậm chạp tiến về phía trước. Đã ba ngày, kể từ khi ta rời khỏi Mạnh gia, cũng là kể từ khi ta không còn phải chịu đòn roi của mẫu thân nữa. 

Nhũ mẫu chỉ kịp dúi vào tay ta chút vụn bạc, nhặt cho ta vài cái bánh bao thừa cùng mấy bộ quần áo cũ kĩ để phòng thân. Bà nước mắt lưng tròng nhìn ta, chính câu nói cuối cùng khi ấy lại vô tình tạo cho ta động lực để bước tiếp. Bà bảo ta phải chạy thật nhanh, thật xa, nếu không sẽ không kịp nữa. 

Và thế là, ta rời xa nơi đó. Lúc đó ta đã nghĩ, liệu còn có thể quay về được không? Suy nghĩ yếu đuối khiến bước chân ta chậm dần. Kết thúc rồi... Bốn năm trôi qua như cơn gió thoảng trong thời niên thiếu, cũng đã đến lúc tỉnh giấc mộng. Ta mãi chẳng thể là Nhị tiểu thư Mạnh gia, mãi chẳng thể là một thành viên trong gia đình ấy. Mơ mộng được hòa nhập với mọi người, mơ mộng được đứng từ xa ngắm nhìn người đó, cuối cùng vẫn phải tỉnh. 

Lần đầu tiên ta gặp Mạnh Dĩ, huynh ấy mặc một bộ lục bào thanh nhã, đai trắng tinh khôi, tóc đen nhánh búi gọn gàng, mày rậm mắt sáng. Bóng lưng thẳng tắp, trên khuôn mặt trắng trẻo vẫn còn chút trẻ con lại ánh lên sự nghiêm nghị hiếm có. Ta từng gặp nhiều người, nhưng huynh ấy dường như là người đặc biệt nhất. Không thô lỗ cục cằn, không háo sắc, khinh khỉnh. Huynh ấy là người tử tế đầu tiên ta gặp từ khi có nhận thức đến giờ. Ta thậm chí đã quên mất mình phải nhìn ánh mắt của người khác mà sống, chậm rãi hướng mắt nhìn huynh ấy. Có lẽ ánh nhìn của ta khiến huynh ấy chán ghét chăng? Nhưng, huynh ấy vẫn giúp ta tránh được nữ nhân đang quát mắng kia. Thật tốt, nữ nhân này mang cho ta cảm giác rất bức bối.

Nhiều ngày sau đó, nữ nhân đáng sợ đó- đáng nhẽ sẽ là mẫu thân của ta, lại liên tục quát mắng, hách dịch với ta. Ta biết bà ấy ghét ta, hận ta đến nỗi còn tự kiếm lí do để đánh chửi ta. Ta biết phụ thân- người chỉ thỉnh thoảng đến thăm ta sau rất nhiều trận đòn nặng, người luôn cười xuề xòa với ta, hỏi thăm ta thực chất là một kẻ quái đản. Ta còn không rõ, rốt cuộc ông ấy muốn điều gì từ một nha đầu như ta. Các nha hoàn, gia nhân nhiều lúc vẫn hay nhìn ta với ánh mắt khinh khỉnh, thậm chí sau khi bị mẫu thân quở trách còn đi mắng ta. 

Chỉ có nhũ mẫu là thỉnh thoảng có đến giúp ta băng bó vài vết thương, cho ta vài miếng bánh bao thừa, còn an ủi ta. Và cả, Mạnh Dĩ nữa. Huynh ấy không khinh bạc ta như những người khác nhưng cũng chẳng giúp đỡ ta. Ta đối với huynh ấy, không biết nên miêu tả thế nào. Chỉ đơn giản là, ta thích cảm giác nhìn huynh ấy học cùng với phu tử. Mùi mực nồng hòa lẫn với mùi giấy mới, có tiếng phu tử giảng đều đều bên tai, có ánh nắng nọ khẽ chiếu xuyên qua hàng mi dày của Mạnh Dĩ, chiếu cả tới chỗ ta nấp. Đó là một khung cảnh đẹp và yên bình nhất trong những năm tháng ta sống ở Mạnh gia.


Ta mê man rất lâu mới hồi lại được ý thức, bên tai vẫn vang vọng tiếng gió rừng rít qua kẽ lá, tiếng vài con thú nhỏ lạo xạo trong lùm cây. Trời đang hửng sáng. Có lẽ trong lúc ngất đi ta đã ngủ được một giấc, tinh thần vẫn còn mơ màng nhưng cơ thể cũng đã đỡ mỏi hơn rất nhiều. 

Nhớ lại hồi ức được tái hiện trong giấc mơ, ta bần thần, bàn tay vô thức chạm vào những vết thương mới lành trên cánh tay. Những món quà này, tất cả cũng đều do mẫu thân tặng. Ngươi có biết, người luôn cười cười nói nói với Mạnh Dĩ, ngọt ngào với phụ thân, khi trở mặt quay đi, lại là một nữ nhân lòng dạ thâm độc, đáng sợ đến chừng nào. 

Chỉ đến khi Mạnh Dĩ đi đến Thanh Trúc đường rồi, kẻ làm "mẫu thân" ấy mới hiện rõ bản chất. Những chuyện "lặt vặt" mà trước đây mẫu thân thường đem ra mắng nhiếc ta, những thứ nhân nghĩa không hiểu từ đâu mà có vốn dĩ chỉ là thứ để che mắt. Bà làm thế chính là để Mạnh Dĩ tưởng rằng bà chỉ có thể làm đến mức độ ấy với ta, để che giấu với tất cả tâm tư sâu xa của mình. Mẫu thân muốn giữ hình tượng trước mặt huynh ấy một cách nhất định, chỉ đến khi huynh ấy rời khỏi, bản thân bà mới bộc phát. 

Dĩ nhiên bà hận ta, nhưng tại sao? Một đứa trẻ không người thân, không nhà không cửa, vô tình được nhặt về và nhận là con rơi như ta có gì khiến bà hận? Và cuối cùng ta cũng biết, trong trận đòn cuối cùng trước khi ta rời đi, về thân thế của mình.

Trong phòng chứa củi cũ kĩ, ẩm ướt và bẩn thỉu, mẫu thân tức giận, trừng mắt gào lên với ta:

"Còn nhìn ta? Ngươi và con tiện nhân đó giống nhau y như đúc! Mẫu thân nào con nấy, đúng là gia đình các ngươi chỉ gây họa cho ta!" 

Từ rất lâu trước, trong gia đình quan huyện nọ có vị đại tiểu thư nổi tiếng nhất vùng là xinh đẹp, thông minh, cầm kì thi họa đều vẹn toàn. Tới tuổi cập kê, trong phủ tràn ngập quà cáp, trang sức, lụa là do các vị công tử đưa đến lấy lòng tiểu thư kia. Nhưng trong đống quà ấy, lại có một cành hoa lan nhỏ không phải gửi đến cho tiểu thư, mà là dành cho nha hoàn thân cận của nàng ta. 

Lại nói đến nha hoàn kia, ngày trước gia đình cũng khá giả, được ăn học tử tế nhưng gia cảnh đột nhiên sa sút, cuối cùng cùng đường, phải bán thân vào phủ quan huyện để mai táng cho phụ mẫu. Nhiều năm lớn lên bên vị tiểu thư kia, nha hoàn này ngày càng bộc lộ nhiều tài hoa hơn cả chủ nhân của mình. Hiểu lễ nghĩa, xinh đẹp, tính tình tháo vát, đảm đang, lo tính chu toàn, rất được lòng cả quan huyện lẫn phu nhân. 

Còn vị tiểu thư nọ thì sao? Mặc dù nàng ta nổi tiếng giỏi giang, nhưng tính tình háo thắng, gian giảo, ích kỉ và hay đố kị. Nàng ta vốn dĩ rất thích một thư sinh nghèo làm nghề dạy học cho đám trẻ gia cảnh khó khăn ở làng bên, thậm chí còn nhiều lần lấy danh nghĩa giúp đỡ người nghèo để tiếp cận chàng thư sinh. 

Chuyện đến tai quan huyện và phu nhân, hai người hết sức ngăn cản vị tiểu thư kia, gợi cho nàng ta tương lai khó khăn như thế nào nếu lấy chàng và mang đến cho nàng ta tương lai về một cuộc sống giàu sang, phú quý nếu chịu nghe theo ý của phụ mẫu. Một vị tiểu thư luôn sống trong nhung lụa, được kẻ hầu người hạ từ bé như nàng ta, sẵn sàng từ bỏ mối tình mới chớm nở vì mục đích cá nhân của mình.

Nhưng khi vị tiểu thư kia biết đến cành hoa lan nhỏ mỗi ngày đều được lén lút đưa đến cho nha hoàn của mình, nàng ta vẫn nổi lòng ghen tức. Chàng thư sinh kia nhà rất nghèo, phụ thân mất sớm, trong nhà chỉ còn một mình sống với mẫu thân già yếu nhưng lại có nghề gia truyền trồng hoa lan rất tài, được lòng cả các gia đình quan viên, khá giả. Một cành hoa lan dù nhỏ nhưng hoàn mĩ này, chỉ có thể đến từ chàng ấy. Vị tiểu thư vô cùng tức giận, đem đánh nha hoàn thân cận của mình một trận nhừ tử. Phụ mẫu có hỏi lí do, nàng ta nói dối rằng nha hoàn nổi tính tham lam dám ăn trộm trang sức của mình để đi nuôi tình nhân.

Sau ngày hôm đó, vị tiểu thư nọ còn âm thầm sai người đổ nước sôi lên mặt và tay của nha hoàn kia, khiến nàng ta bị hủy dung nhan, một bàn tay bị bỏng nặng, không thể cử động. Chừng ấy là chưa đủ, một tháng sau, nàng ta bảo gia nhân đuổi nha hoàn ra khỏi phủ sau khi đã tước đoạt hết tiền bạc và đồ đạc. Nha hoàn kia đi rồi, đại tiểu thư nhà quan huyện hằng đêm lại bị ám ảnh bởi cơn ác mộng về những vết sẹo do bị bỏng, tinh thần hoảng loạn, suy sụp. Nàng ta lo sợ, sợ một ngày nha hoàn kia sẽ quay trở về báo thù, sợ mọi người biết những chuyện đáng sợ mà nàng ta đã làm. 

Một tháng sau, cùng lúc với tin hỉ của gia đình quan huyện, người ta không còn thấy bóng dáng của chàng thư sinh nghèo trồng lan đâu nữa.

Câu chuyện kết thúc, mẫu thân gương mặt vô cảm nhìn chằm chằm ta rồi đột nhiên bước tới, nâng cằm ta lên, bàn tay dùng sức đến mức cả gương mặt ta và của bà đều méo mó theo hai cách khác nhau. Bà lại tiếp tục hét lên:

"Chính là gương mặt này. Ngươi với con tiện nhân đó giống nhau y đúc! Các ngươi đều cướp mất những người mà ta yêu quý! Tất cả!"

Như một con thú hoang lên cơn dại, bà xô ta ngã. Thân hình gầy gò của ta nằm co ro trên nền đất, nhưng bà chưa thấy đủ, vẫn với đôi mắt hằn lên tia máu, tiến lại gần ta kèm theo một sát ý lạnh lẽo. Ta thấy sợ khi nhìn thấy đôi mắt ấy, nó tràn đầy sự hận thù mà trước đây ta chưa từng thấy. Ta biết bà hận ta, nhưng chưa bao giờ ta có cảm giác bà muốn ta biến mất hơn lúc này. 

Phía ngoài cánh cửa gỗ ọp ẹp có tiếng động hết sức nhỏ, một nha hoàn thông báo rằng phụ thân vừa trở về sau chuyến đi xa. Ta thấy con thú dữ trước mặt ta đứng khựng lại, sát ý biến mất nhưng đôi mắt kia vẫn hằn lên sự hận thù khó phai. Như chưa từng có chuyện gì, bà bước lên cầm lấy khăn tay từ nha hoàn, lau thật sạch những vết máu, vết bẩn trong lòng bàn tay. Bằng chất giọng trầm hẳn xuống, bà vừa nói vừa quay lưng đi: "Tiểu tử nhà ngươi cũng thật may mắn..."

Chẳng biết vô tình hay cố ý, phụ thân đã cứu ta một mạng.




Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top