Ngủ Dưới Vòm Cây | Trường An
Mười sáu tuổi, Diệp đã bắt đầu già đi.
Mười sáu tuổi, Thiên Thiên gặp được thiên thần.
Mười sáu tuổi, em chết.
Mười sáu tuổi, mẹ chôn đời mình vào vùng nước nổi.
Mười sáu tuổi, tôi nằm dưới bóng cây, nghe tiếng hát của thiên thần, ngắm nhìn búp bê rạn vỡ, chạm phải lời nguyền của cô đơn và yêu với tình yêu của một người mất trí.
PHẦN MỞ ĐẦU
Này, những trái tim, hãy lăn đi
Như những viên bi nhỏ
Thủy tinh trong suốt
Lãng quên ngập nắng
Này, anh có nghe thấy không? Bản Serenade đấy.
Thi thoảng, trong ánh nắng chói gắt của một ngày mùa hạ hoặc giữa cơn hanh khô của một buổi chiều, tôi lại nghe câu hỏi ấy vang bên tai. Cũng vô tình và thường xuyên như kiểu "Anh có thấy nóng không?" hay "Anh có khát nước không?". Nhưng ở đây là một người hỏi vô hình với câu hỏi duy nhất không đổi. Câu hỏi của nhiều năm trước, lúc tôi vẫn còn là một cậu thiếu niên mười sáu tuổi, ngồi dưới cầu thang gỗ uốn cong cong dẫn lên căn gác nhỏ, bên ngoài là một dãy lồng chim treo lủng lẳng ở căn nhà nằm cuối con hẻm vắng vàng màu hoa mai và nắng. Ngồi trên bậc thang, chống cằm lên tay, Diệp hỏi mà mắt chẳng nhìn ai.
Này, anh có nghe thấy không? Bản Serenade đấy.
Này, đừng hỏi tôi tại sao lại nhớ mỗi câu nói đó. Đem mô hình não ra đây nào, thấy chứ? Não có rất nhiều nếp nhăn, và có thể, có những điều đã rơi vào đúng trong một nếp nhăn sâu, thật sâu, sâu như vực núi hay một vết nứt tách của vũ trụ, thế là chúng bị mắc kẹt và không thể thoát đi đâu được nữa, phải nằm lại mãi mãi nơi đó. Qua rất nhiều năm rồi, cả khuôn mặt cô gái nói câu đó tôi cũng phải mất một lúc lâu mới có thể hình dung lại được, thế mà tôi lại nhớ như in con hẻm của buổi sáng hôm ấy, cả mùi không khí thơm thơm bụi phấn hoa. Tôi không nhớ rõ ràng ánh mắt hay dáng điệu cô ấy, thế mà tôi lại nhớ về đôi bàn chân mang đôi giày bít màu đỏ thả trên những bậc thang gỗ sơn xám tróc lở. Tôi không nhớ lý do hay hoàn cảnh, nhưng tôi nhớ tiếng cười khẽ khi cô ấy quay đầu nhìn nắng.
Nói dối, Thiên Thiên cười, vẫn nụ cười kiêu kỳ và tinh quái, có quên bao giờ đâu mà bảo rằng không nhớ. Đàn ông các anh, bảo rằng trái tim nhiều ngăn thì cũng đúng, nhưng cũng có loại chỉ theo đuổi một ảo ảnh đến suốt đời. Sao thế nhỉ?
Em đa nghi qúa. Chuyện đó cũ rồi, giờ thì anh yêu em.
Nói dối. Mà cũng chả sao. Em đâu có yêu anh.
Vâng, nhìn vào mô hình não lần nữa nào. Có thấy những vùng mô trắng trắng ấy không? Có thấy những dây thần kinh không? Thật là tinh tế và phức tạp- mà chỉ cần sai sót một chút thôi thì sẽ gây ra hỏng hóc. Một cỗ máy cồng kềnh và phức tạp nhưng lại dễ hỏng hóc. Như cái cô gái mang tên Thiên Thiên ấy, người vừa có thể ngồi trước mặt mình vừa xa hàng vạn dặm, y như cái nghề nghiệp phát thanh viên truyền hình của cô ta. Ấy thế mà cô ta cũng từng hỏi một câu y như bước ra từ qúa khứ xưa lắc trong con hẻm màu hoàng mai kia.
Này, anh có nghe thấy không? Bản Serenade đấy.
Cô ta đã hỏi câu ấy ngoài cửa một vũ trường, trong khi tai tôi còn ù đặc, váng vất hàng tấn tiếng ồn vừa mới thoát khỏi được. Cô ta say, phải vịn vào cửa mới đứng vững, nhưng cằm vẫn hất cao kiêu ngạo và đôi chân không chịu khụy xuống. Đột nhiên cô ta hỏi, hơi mỉm cười. Cô ta có nụ cười và đôi mắt đẹp, mà nói chung là cô ta đẹp- đủ để phát triển ở cái giới truyền thông xô bồ này, dù là cái đẹp để lên hình cho người ta ngắm nghía hay để đi đêm với các đại gia. Vậy mà trong nụ cười của cô ta lúc ấy, tôi chỉ thấy cô ta buồn. Buồn như một con bướm đêm.
Bướm đêm màu đỏ tím. Cánh to. Phất lên trong ánh đèn như vải lụa kết bằng sương.
Lần đầu tiên gặp tôi, Diệp cũng mặc váy sa đỏ dài đến gối, phủ bên ngoài là voan đen- cùng với cái quần jean xanh, cổ đeo lủng lẳng một xâu chuỗi hạt hình bướm. Tóc cắt ngắn ngang cằm, cài mái bằng cái kẹp nhỏ, tay lại ôm ngang một giỏ xách lớn, ngồi trên bậc cầu thang xoắn tróc lở, dưới những chậu cây nhỏ nở hoa đủ màu sắc treo lủng lẳng bên hiên cùng với những cái lồng chim, trông Diệp giống hệt một cô búp bê tóc đen mắt đen mà sau này tôi thường thấy trên mạng. Cả khuôn mặt Diệp cũng mang cái đường nét thanh tú, cái vẻ đẹp rất quen của búp bê- Cái vẻ mà ai gặp Diệp lần đầu cũng phải tự hỏi xem mình đã từng nhìn thấy cô ở đâu rồi.
Mình có quen nhau không nhỉ?
Tất nhiên, tôi hỏi, sau một hồi cố nhớ xem đã từng nhìn thấy cô gái này vào lúc nào, nhưng vô vọng. Diệp nghiêng đầu, trông cô lại càng giống búp bê hơn. Và đột nhiên, tôi nghĩ ra, cô giống như hình ảnh nào đó mà tôi từng thấy trong mơ, một giấc mơ cực kỳ xưa cũ đến mức tôi không chắc là mình đã từng có nó.
Anh không phải là người đầu tiên hỏi như thế.
Tất nhiên, tôi thầm nghĩ. Trên đời này qủa thật có vẻ đẹp được gọi là ký ức hay giấc mơ, và đó là cô gái đang ở trước mặt tôi. Không chỉ là sự kết hợp đơn thuần của đường nét, ở cô gái này có điều gì đó đủ sức khuấy động lên những thứ đã nằm sâu trong tiềm thức người khác, khiến ai đã gặp cô một lần thì vĩnh viễn không thể quên, khi nhận ra mình đã nhớ cô từ trước khi gặp gỡ.
Buổi chiều ấy, trước khi gặp Diệp, tôi đã có một giấc mơ rất kỳ quặc. Hai anh em tôi rủ nhau đi chơi game ở một con hẻm chật. Khi trò chơi mở lên, xung quanh tôi chỉ còn là một khoảng trống lù mù tối đầy tiếng nhạc trẻ con thường phát vào sau 7 giờ tối. Game thế nào thì tôi cũng quên rồi, nhưng hẳn là đơn giản, vì tôi đã hoàn thành màn một rất nhanh.
Nhưng rồi tôi lại không biết tắt game như thế nào để về, tôi cũng không biết phải ra khỏi căn phòng như thế nào.
Lúc bấy giờ, khi nhìn quanh, tôi thấy mình ở một nơi nào đó vừa giống như nhà kho, vừa giống như bể cá, vừa giống một căn bếp nữa- với cái bể nước đùng đục bên cạnh, chất đống dưới thành bể là những con sò vĩ đại đang mở vỏ, thò ra cái khoảng thịt hồng hồng bên trong, đồ đạc như gậy lau nhà, thùng sơn xếp gọn một góc.
Và rồi, có một loài sinh vật lạ từ từ bò vào căn phòng. Những sinh vật hình chữ nhật, to bằng bàn tay. Chúng bò vào miệng con sò đang mở kia.
Lớp thịt hồng rung nhẹ, quằn lên, quấn trọn lấy sinh vật lạ nọ. Khi tôi nhìn lại, lớp thịt hồng giờ đã hóa màu tím tái, sưng phồng và run bần bật. Nước từ bể cũng đang dâng lên và tôi nhận ra mình đang bị bao vây bởi những sinh vật hình chữ nhật. Game vẫn chưa tắt được.
Cũng như cái câu hỏi vô thưởng vô phạt kia, giấc mơ này lưu lại mãi trong tôi, hình như cũng chẳng phải vì nó là giấc mơ trước khi gặp Diệp. Mười sáu tuổi, tôi có những giấc mơ điên khùng đáng nhớ hơn thế, nhất là trong những giấc ngủ ngắn dưới bóng cây xoài giữa vườn.
Anh đã mơ giấc mơ của đất- Diệp nói, cười nhẹ- Khi ngủ dưới vòm cây, anh mơ được giấc mơ của đất, đôi khi, của bầu trời nữa.
Đất chơi game à?
Có chứ.
Từ năm mười sáu tuổi, tôi đã biết khôn ngoan thì nên tránh cãi nhau với con gái. Sau này, với cả Thiên Thiên và lý lẽ "Em không yêu anh" của cô ta cũng vậy, chẳng hơi đâu mà tôi cố tranh cãi. Chẳng được gì, nhất là với những người đàn bà coi làm khổ kẻ khác là niềm vui của họ.
Phải, ngay từ tuổi mười lăm, Diệp đã là một cô gái biết cách làm khổ người khác. Nhưng tôi thường không nghĩ đến chuyện đó, tôi chỉ nghĩ đến một câu hỏi bâng qươ và một vòm cây xanh thẫm để tôi đánh một giấc trưa no tròn đầy mộng mị. Đó là tất cả những gì năm tháng để lại cho tôi.
Như âm vang tiếng chân của Diệp chạy trên bậc thang khi cô líu lo hát vào tuổi mười lăm.
Này, những trái tim, hãy lăn đi
Dọc đường bụi mù như trải mật
Lăn, xước, nứt rồi vỡ nát
Thành bi ve trong suốt
Trong như lệ
Trong như nắng
1. Lời nguyền của qủa xoài - Đêm của kẻ duy nhất - Tango của người thiếu ngủ
Những năm học cấp 3, tôi sống trong ngôi nhà của ông bà- một ngôi nhà có sân vườn rộng nằm giữa trung tâm thành phố, một ngôi nhà phải đem vàng trải ra mới mua được trong cơn sốt nhà đất bây giờ, mà cũng có thể là đem kim cương mới mua được chứ chẳng chơi. Dù sao thì, khi bán ngôi nhà ấy đi, vì lý do không có ai chăm lo cho nó nữa chứ không phải vì cần tiền- gia đình tôi không bao giờ nhắc đến chữ "cần tiền"- thì số tiền đó đủ cho tôi đi du học năm sáu năm ở Mỹ mà không cần đụng đến một xu nào trong kho tàng của ba mẹ.
Ờ, mà tôi đang nói về ngôi nhà chứ không phải giá tiền của nó. Ngôi nhà rộng, được xây bằng đá trắng, sân lát sỏi. Khó mà nhìn từ bên ngoài vào được tận bên trong nhà bởi bức tường cây cao bao bọc xanh đen. Nó là một căn biệt thự được xây vào thời Pháp- nghĩa là to lớn, cũ kỹ đến mốc meo. Nhưng tôi thích ngôi nhà ấy lắm, thích từ không khí u ám rất đặc trưng của nhà cổ đến những câu chuyện ma quái xung quanh nó. Một ngôi nhà lâu đời thì từng viên gạch của nó sẽ đều mang truyền thuyết riêng, chuyện kể riêng. Tôi không mê lối kiến trúc của căn nhà ấy hay bản thân nó bằng những câu chuyện mà ông lão coi vườn già hơn cả ông tôi mấy chục tuổi kể lại. Ông ấy thường ngồi chính xác dưới cái gốc xoài ấy, gãi gãi mái tóc lơ phơ còn lại mấy cọng đen như nhuộm, vừa kể vừa gọt xoài. Cây có trái hầu như quanh năm, và thế là ông ấy có cái để gọt quanh năm. Ông chỉ gọt chứ không ăn, răng ông không chịu nổi vị ngọt cũng như vị chua của thứ trái đó nữa.
Mà tau cũng đã thề là không bao giờ ăn xoài trồng trong vườn này.
Tại sao?
Hồi xưa lắm rồi, lúc ông bà mày còn chưa đến căn nhà này, có một đôi vợ chồng người Pháp sống ở đây, cây xoài này là do họ trồng. Một đêm nọ, có một người đàn bà ghé qua vườn. Nhà cửa lúc đó đâu có kín cổng cao tường như bây giờ, cho nên người ta vào dễ lắm. Nửa đêm tau nghe có tiếng trẻ con khóc, chạy ra coi mà không thấy gì hết. Sáng hôm sau, người đàn bà đi mất mà vẫn còn nghe văng vẳng tiếng khóc đâu đây. Bà chủ người Pháp sai tau lấy cuốc xẻng đào xung quanh chỗ người đàn bà kia ngồi lên. Ờ thì tau đào, nhưng chỉ thấy có mỗi một qủa xoài mút dưới mấy lớp đất, đâu có phải là giống xoài nhà này. Tau đem trái xoài mút quăng đi thì tiếng khóc cũng hết.
Vậy mà từ đó có nhiều chuyện lạ xảy ra. Bà chủ người Pháp đến đêm là lại lên cơn mê sảng, hát hát nói nói- mà hát bằng tiếng Việt mới lạ nghen mầy.
À ơi, xoài gánh đường xa, xoài rơi xuống đất
Có ai trả lại cho tôi khúc nhặt
Mẹ tôi khát, nắng không bớt
Cha tôi đi, đường không trơn
Tại sao không ai trở về?
Thịt nát dưới nắng, ruột lấm đất bùn
Xác dạt bên lề, thân trơ cồi trắng
Tại sao không ai trở về?
Lời hát quái đản như vậy thì nghĩ coi ai mà không sợ? Hai vợ chồng đó đi thầy đi thuốc, đem cả thầy cúng về nhà nhưng mãi chẳng có tác dụng gì, đến lượt ông chồng đến đêm lại bị mộng du ra gốc xoài ngồi. Cuối cùng, chịu không nổi, họ bán nhà, trở về Pháp.
Rồi sau đó thế nào?
Trước khi ông bà mày dọn tới, một đêm, tau sực nhớ ra chuyện trái xoài mút hồi trước, vậy là lui cui dò đèn lại tìm ở góc vườn mà tau đã quẳng nó vào. Tau tìm thấy cái hột xoài còn trơ khấc, lấm lem bùn đất, bèn chôn nó lại chỗ cũ, ngay dưới gốc xoài này nè. Sau đó chẳng có chuyện gì với ông bà mày hết, không biết có phải chỉ là do cặp vợ chồng kia gặp xui ở đâu không... Nhưng mà tau cứ thấy ghê ghê, thế là thề không ăn xoài của cái cây này nữa.
Lão không ăn, nhưng tôi cứ ăn và đem cả cho Diệp. Nghe chuyện về trái xoài, thậm chí Diệp còn rủ tôi một hôm nào đó đào thử gốc lên xem. Chúng tôi đã làm thế thật, khi Diệp sang thăm tôi vào một buổi trưa nắng oi ả. Ngẩng lên nhìn cây xoài một lúc, Diệp búng tay, bảo tôi đem cuốc xẻng ra "thám hiểm".
Chúng tôi đã tìm thấy "nó".
Trắng khấc và lấm đất, đúng y như miêu tả, nhưng không phải là cái hột xoài.
Một mảnh xương tròn và dẹp. Chắc chắn là một mảnh xương.
Chúng tôi đã chôn nó lại như cũ, và cố không nhắc đến nó nữa. Tuy vậy, lời nguyền đã trở lại. Lão quản gia miệng móm của tôi lúc ấy đang bệnh nặng, ban đêm lại có thói quen thẩn thơ đi ra chỗ gốc xoài. Một đêm, tôi nghe bà tôi hát trong phòng.
À ơi, xương trắng thì cứ ngủ yên
Giật mình khóc trong đêm
Con la đòi mẹ rát hơi
Con khóc gọi cha bỏng cổ
Tại sao không ai trở về?
Khó mà mô tả được nỗi sợ đến lạnh cả chân tôi lúc bấy giờ. Tôi đã chạy nhào đi trong đêm, tìm Diệp. Cô đứng trên lan can treo những chậu cây hoa đủ màu, nhìn xuống tôi, cười mà không nói gì.
Em không sao chứ? Không sao chứ? Không sao chứ?
Hình như tôi đã nói trong một thời gian rất lâu, lâu lắm. Nói mà không biết mình đang nói gì. Sau đêm đó, tôi sốt nhẹ. Khi tôi hồi tỉnh, tất cả mọi chuyện đã trở lại bình thường, chỉ có ký ức là cứ trôi nổi trong đầu tôi tựa làn khói bốc lên từ một ấm nước đun sôi.
Trước khi rời khỏi nhà, tôi đã vác xẻng ra đào một lần nữa, nhưng "nó" đã biến mất. Biến mất như chưa từng hiện diện.
Ở một số vùng, người ta gọi đó là linh vật- Một lần, Thiên Thiên mơ màng nói- Bảo rằng nó là một vật mang theo lời nguyền cũng được. Anh đã bị nguyền rủa.
Nguyền điều gì?
Chia ly. Có những người đi mãi không bao giờ trở về.
Em lại có ý gì đây?
Chẳng có ý gì cả. Anh mới đúng là kẻ hẹp hòi. Có tật giật mình.
Vậy em bảo lời nguyền ấy là chuyện nghiêm túc à?
Tùy anh nghĩ sao cũng được. Nhưng em đã đi rất nhiều nơi, nghe nhiều chuyện về linh vật như thế rồi. Anh biết tại sao kẻ bị nguyền rủa lại là anh không?
Tại sao?
Vì anh là kẻ duy nhất không khóc trong đêm ấy.
Không. Diệp cũng đâu có khóc, tôi định nói, nhưng rồi lại thôi. Cô có khóc không thì tôi không thể xác định được, chỉ có cái nụ cười quái dị trên lan can ấy là in khắc vào trí nhớ tôi một nét ma mị kỳ quặc. Chắc chắn, trong đêm ấy, tôi là kẻ duy nhất tỉnh thức, và tôi cũng là kẻ duy nhất giữ được ký ức về nó.
Mà sao em biết chuyện đó?
Đáp lại câu hỏi của tôi chỉ là một khoảng lặng yên dài. Thiên Thiên nắm tay tôi, ngón tay vẽ lên lòng bàn tay tôi những hình loằng ngoằng.
Nói sao nhỉ? Vì em khác anh.
Là sao?
Em đang buồn ngủ muốn chết đi được mà anh cứ phải hỏi những chuyện đó sao?
Thiên Thiên đổi giọng còn nhanh hơn thời tiết miền Nam. Dựa lưng vào thành ghế sô pha, cô dụi mắt, chân gác ơ hờ lên thành bàn thấp. Tôi có thể thấy được cả mép chiếc vớ đen dưới rèm chiếc váy dài màu rượu chát.
Mấy ngày em chưa ngủ rồi?
Ba.
Khi trả lời tôi, Thiên Thiên hơi nghiêng đầu như tính toán. Tôi ngồi xuống cạnh, ấn nhẹ ngón tay mình lên thái dương cô. Thiên Thiên hơi ngả về phía tôi, cười nhẹ.
Làm việc cực thế này thì về nhà anh nuôi.
Đừng nói thế. Đã bảo em không yêu anh đâu mà.
Chẳng sao cả.
Cũng không được. Sống thế thì em chết mất.
Thế này thì em sẽ chết vì kiệt sức trước khi chết vì chán.
Thế cũng tốt. Em sẽ chết khi đang nhảy múa. Chết khi còn đẹp đẽ thì tốt hơn là chết già.
Em chẳng nghĩ cho anh gì cả.
Em không yêu anh, anh không hiểu à? Mà đã bảo rằng anh bị nguyền. Lời nguyền của qủa xoài. Anh sẽ cô đơn cả đời.
Em ác qúa.
Ừ, vậy đấy. Còn muốn yêu em nữa không?
Đâu phải cứ muốn là được.
Không đâu, công tử bột ạ. Muốn thì chắc chắn phải được. Đã bảo rằng em khác anh. Đời không cho em cái đếch gì cả, nên cái gì muốn thì em biết cách phải lấy cho bằng được. Còn anh, trong đời anh đã từng muốn có cái gì đó chưa?
Em làm cơn nhức đầu lây sang cho anh rồi đấy.
Thiên Thiên cười dài, đầu cô gục vào lòng tôi. Trước khi tôi kịp ôm lấy cô, Thiên Thiên đã thoát khỏi vòng tay tôi, bước đến bên kệ dĩa. Bỏ một cái dĩa vào máy, cô dang tay, quay theo điệu nhạc Tango rộn rã. Chiếc váy rộng tung lên, quấn tròn quanh đôi chân cô. Chân cô loạng choạng và động tác của cô thiếu mất sự tinh nhanh thường ngày, trở nên chậm chạp, uể oải một cách gợi cảm khủng khiếp. Kéo tôi đứng dậy, Thiên Thiên nép sát vào tôi, ngay cả giọng nói cũng mệt mỏi.
Này, anh sẽ cô đơn cả đời đấy. Vì anh không khóc trong đêm đó.
Ừ, biết rồi. Em tắt nhạc mà đi ngủ đi.
Em sẽ nhảy cho đến khi ngủ. Em sẽ chết trong lúc nhảy múa như thế. Còn anh, anh phải ở đây để đỡ em đấy nhé.
Ừ.
Vì anh đã không khóc trong đêm đó nên anh sẽ phải trả giá bằng cả cuộc đời mình đấy.
Ừ.
Cả đời mình, anh đã từng muốn có điều gì chưa?
Giờ thì anh muốn em yêu anh.
Ôi, ngốc qúa đi mất! Anh đúng là kẻ bị lời nguyền của qủa xoài mà. Anh sẽ cô đơn cả đời, cả đời đấy, biết không?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top