Ngủ dưới vòm cây 4
11. Đồng hồ không số - Kẻ hạnh phúc nhất thế giới - Cười với bầu trời
Hồng Hải trở về đúng lúc Liên Hoa ra đi. Ngay khi máy bay của Liên Hoa vừa cất cánh, điện thoại réo vang. Thằng bạn tôi cười hà hà bên kia, bảo rằng nó đang đứng trong sân bay. Nếu như ở trong một bộ phim tình cảm nào đó, tôi đã có thể tưởng tượng được cảnh có một thằng con trai dõi mắt nhìn theo cô gái vừa đi qua giữa một đám người đông đúc.
Nhưng đời chẳng phải là phim. Nhìn thằng bạn cười đón tôi hoàn toàn vô tư lự, tôi biết nó chẳng biết gì. Đời vẫn có những sự tình cờ, nhưng người ta vẫn đi qua nhau mà đến ông trời cũng chẳng níu kéo lại được. Có những thứ hiện diện mà cũng như không.
Mà đối với Hồng Hải, chuyện đó thực ra cũng chẳng có ý nghĩa gì. Một cô gái yêu thích nó cũng là chuyện bình thường như một đêm ghé vào quán trọ. Niềm vui khe khẽ chạm vào được hơi ấm một con người rồi cũng trôi qua trong cuộc hành trình dài. Có những người sinh ra để trôi đi. Họ ở đó, nhưng họ cũng đang mải miết đi hết từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác. Trong cuộc hành trình ấy, một ngôi nhà cùng một đám lửa không thể đủ. Không bao giờ là đủ. Không một cô gái nào đủ sức khiến họ dừng chân.
Đó là nói theo kiểu bao dung, một hình thức hình dung đẹp đẽ không gây tổn thương cho bất cứ ai, còn thực ra, biết rõ Hồng Hải, tôi có thể bảo rằng Liên Hoa đúng. Khao khát lớn nhất của nó là lật tung thế giới xung quanh mình thành những đống lộn xộn be bét. Chẳng có cao qúy mà cũng chẳng có thấp hèn. Chẳng có đúng mà cũng chẳng có sai. Chẳng có thiên đường cũng chẳng có địa ngục. Tất cả đều trộn lẫn, bề bộn với nhau trên sàn. Và nó nhìn quanh, mỉm cười thỏa mãn. Giống như một đứa trẻ chẳng hề biết được giá trị của những gì nó vừa đập vỡ. Trong sáng và lương thiện như một đứa trẻ.
Nó bao giờ cũng hớn hở, luôn luôn hạnh phúc và hài lòng. Nó chào tôi, nụ cười khoe hàm răng trắng. Trên người nó là một bộ đồ lạ lùng của một dân tộc xa lạ khiến người đi qua cái bàn kê trong quán cà phê của sân bay ai cũng phải ngoái nhìn. Nó đặt xuống trước mặt tôi một cái hộp gỗ bóng loáng.
Qùa. Nó nói, ngắn gọn. Cái hộp trượt qua mặt bàn đến bên tôi. Ngả người nghiêng qua một bên, nó nhìn khói thuốc bốc lửng lơ, vẻ hài lòng, mãn nguyện. Luôn luôn hài lòng, mãn nguyện. Như thể muốn chọc tức điên tất cả những sinh vật trên cõi đời này.
Mày chỉ muốn sống đổ đốn như thế này mãi sao? Tôi đã từng hỏi khi Hồng Hải bị buộc thôi học. Nó rời khỏi trường với một cái nhún vai, xách ba lô lên, đá cánh cửa phòng trọ khép lại mà bước xuống đường, ngẩng đầu nhìn trời.
Có chết ai đâu. Trên đời này thiếu gì người đàng hoàng. Nếu không có những người như tao, lý luận đạo đức làm gì còn đất sống, tình yêu chân chính sẽ chết chắc, người tốt đẹp sẽ cảm thấy mình xấu xí đi. Tao có quyền làm người xấu chứ, mày!
Và rồi nó sống đúng như thế. Tựa như muốn chọc điên tất cả những loài sinh vật hiện diện trên cõi đời này. Bước đi với điếu thuốc mua ở bất kỳ cửa hiệu nào đó vừa đi qua trên môi, khoác bất kỳ cái áo nào vừa kiếm được trong vùng trên người, huýt sáo bất kỳ bản nhạc nào vừa được nghe trong thời gian gần nhất, nheo mắt thưởng thức bất kỳ cảnh vật nào trải ra trước mặt. Ngày cũng đẹp như đêm, nắng cũng như mưa, cái chết cũng như sự sống, thậm chí cả đói khát và khốn khổ cũng có cái hương vị của riêng nó. Hút một điếu cần sa, ngủ với một vài cô gái bên đường, đánh nhau với một vài người, gây ra một vài sai lầm và làm tan nát một vài trái tim- Tất cả đều không mang dáng vẻ tội lỗi như đáng ra nó được dạy.
Đây là thiên đường. Có lần, nó bất chợt gọi điện cho tôi lúc nửa đêm về sáng, giọng khèn khẹt như ngợp khói. Sex công khai. Ma túy công khai. Nhảy múa trên phố. Cởi đồ đi trên phố. Xứ sở này là thiên đường!
Mày bao giờ cũng hớn hở vui vẻ thế thì chỗ nào chẳng phải là thiên đường, thằng khùng! Tôi đập máy, nghe rõ tiếng cười của nó trêu ngươi.
Tôi dám chắc, nếu đánh cá với tôi mười đô la, nó cũng dám cởi quần áo ra đường nhảy ngay tại đây, giữa sân bay này. Cũng có thể chẳng cần đánh cá, nếu nó thích, nó sẽ cởi quần áo ra đường nhảy. Và nó sẽ nói rằng tất cả mọi người đều có cái ý muốn như thế, chẳng qua là không ai dám làm mà thôi. Thậm chí không dám nghĩ. Thật là bất hạnh!
Thằng bạn tôi, chắc chắn- nếu không kể đến những người điên- là kẻ hạnh phúc nhất trên đời.
Món qùa nó tặng tôi là đồng hồ đeo tay. Một cái đồng hồ không kim, không số, không chữ, không tiếng động. Nói chung, mặt của cái đồng hồ tinh xảo sáng chói ấy là một khối vàng sáng chói, trơn tuột, bóng đến mức soi gương được.
Cái gì đây?
Đồng hồ dành cho người bận rộn. Tao mua được ở một cửa hàng nổi trên sông treo rèm cửa màu đỏ. Đúc bằng vàng khối, cẩn kim cương, do xưởng thủ công giỏi nhất nước chế tác ra một cái duy nhất. Ý nghĩa của nó là 'Mày đi đâu mà vội?'.
Cám ơn món qùa vô cùng ý nghĩa. Tôi nói, xếp lại cái đồng hồ vào hộp. Mười mấy năm rồi, thằng bạn chẳng còn khiến tôi bất ngờ được nữa.
Mày nên sử dụng nó. Ít nhất bây giờ mày nên dùng nó để thấy rằng cái đầu mày chải hôm nay hơi giống mấy con đường trong thành phố này- ngoằn ngoèo, muốn rẽ nhánh nào thì rẽ. Hôm nay mày tiễn ai với cái bộ dạng này?
Bạn. Liên Hoa, mày nhớ không?
Con bé con hay bám theo mày hồi ở bên đó hả? Tụi mày vẫn còn thân nhau à?
Ờ.
Cứ nghe mày nói "Ờ" kiểu đó là biết có chuyện mày không muốn nói. Hồng Hải nhếch môi cười. Và nó cũng chẳng hỏi tôi chuyện gì. Nó là kẻ hạnh phúc nhất thế giới, tôi tin chắc như thế.
Vẫn còn những ngày đầu hạ. Nắng uể oải ngả bóng trong cơn nóng ngốt bốc lên từ mặt đường nhựa. Tôi đưa chìa khóa cho Hồng Hải, bảo nó về nhà tôi mà ngủ. Gia đình nó ở ngoài Bắc, mà nó cũng chẳng muốn đi phủi bụi cái dinh thự được bỏ trống trong này. Tôi đến văn phòng, hạ cửa chớp bên ngách, nhìn xuống con hẻm bên dưới chìm trong nắng.
Tôi thích quan sát bên ngoài qua cánh cửa chớp này, không hẳn vì nó nhìn ra một khu phố thú vị dù khó có thể gọi là đẹp- một đầu ngõ hẻm lớn, có một cái gờ tròn cao phải đến 30 phân, bề ngang cả nửa mét nằm chắn ngang như một nấm mộ dài chẳng biết để làm gì. Có quán cà phê, quán ăn đầu hẻm như mọi nơi khác. Chỉ có điều, chủ quán cà phê, hẳn là một người thích đùa cợt, đã vẽ lên cái dù lớn một cái mặt cười đang le lưỡi nhìn lên bầu trời cùng dãy nhà cao xung quanh. Cái mặt cười ấy, khi ở trên đất thì không thể nào thấy được. Nó dành riêng cho bầu trời và những kẻ ở trên các tầng lầu cao. Dù màu vàng, khuôn mặt cười được vẽ bằng sơn đen, đỏ, giông giống cái smiley của Yahoo qúa quen thuộc trên mạng. Người vẽ ra nó hẳn còn trẻ.
Ngõ hẻm lớn, đông đúc, bao giờ cũng lao xao từ sáng đến đêm. Nhìn qua cửa chớp với những lằn gỗ cắt ngang như thể đang xem một bộ phim cũ với nhiều đường chỉ. Vừa đủ để tìm kiếm chút rộn rã mà cũng vừa đủ để yên bình. Giữa đám đông đi và đến ngày này qua tháng khác, cái mặt cười vẫn ở yên đó, toe toét cười. Như một cái đinh đóng ghim vào tường.
Ngoài khung kính rộng bên kia, dòng xe hối hả chạy đua trên đại lộ. Nhưng tôi thường chỉ ngồi quay lưng lại. Đôi lần nhìn sang, qua hai lần kính, khung cảnh chuyển động im lìm ấy giống như thuộc về một thế giới khác. Trong đêm, chỉ có thể thấy ánh đèn lướt qua như ma trơi.
Tôi thích quan sát cảnh tượng ở ngoài qua cánh cửa chớp bên hông.
Hôm ấy con hẻm vẫn chẳng có gì thay đổi. Chỉ có điều, bên cạnh cái dù hình mặt cười màu vàng, người ta đã để thêm một cái dù màu xanh. Cái dù xanh rất mới, sạch sẽ, mình vải cứng cáp, không có hình vẽ. Đặt hai chiếc dù bên cạnh nhau, nụ cười toe toét quen thuộc héo đi trong nắng.
Người đến quán đông hơn do đã có thêm một chiếc dù che nắng. Con hẻm vẫn lao xao.
Tôi đóng cánh cửa chớp, trở lại bàn làm việc. Cái hộp Hồng Hải đưa cho buổi sáng đang nằm trên bàn, trên khoảng tam giác đầy nguy hiểm của cái góc nhỏ. Tôi mở nó ra, nhìn vào mặt kim loại sáng bóng, trống trơn.
Đi đâu mà vội.
12. Qúa mỏng manh để chết - Tội lỗi của hoài nghi - Chuông điện thoại trong đêm
Thích thành phố. Có thể gặp gỡ rất nhiều người.
Đó là lời cuối cùng Hồng Hải nói với tôi trước khi bước ra đường. Nó nháy mắt, cười khoe hàm răng trắng bóng.
Đường phố nuốt mất nó. Trả lại cho tôi một thân xác nát tươm.
Chắc chắn không phải vì nó cởi áo đi trên phố, không phải vì nó bước ra khỏi lằn ranh vạch định hay làm bất cứ điều gì điên khùng hay trái quy tắc mà nó vẫn thường thích thú. Cái chết mang hình dáng của ngọn gió ngẫu nhiên thổi đến cắp nó đi. Người ta có thể chết chẳng vì bất cứ điều gì.
Nó rách bươm trong cái chết. Đến mức tôi đã phải ngăn mẹ nó nhìn con mình lần cuối.
Vậy mà, một đêm, trong đám tang quạnh quẽ, khi mọi người đã mệt mỏi ngả mình xuống quanh quan tài, có người đã đến, mở nắp quan tài, lật tấm vải liệm và nhìn chăm chăm vào mảnh xương thịt nát rời chắp vá kia. Liên Hoa trở về, nhìn chăm chắm vào xác chàng trai cô đã từng yêu. Khi tôi chợt tỉnh, cô đã đứng đó. Những giọt nước mắt đã khô thành vệt trên khuôn mặt. Đôi mắt sâu tối đi trong đêm. Tôi gọi tên cô. Cô quay lại. Mỉm cười.
Anh ấy trở về rồi. Liên Hoa đóng nắp áo quan lại. Cô ngồi xuống bên tôi, giọng nói dịu dàng. Đáng lẽ anh nên cho em biết.
Anh không muốn em nhìn thấy cảnh tượng này.
Có gì đáng sợ đâu. Trong những chuyến đi của mình, em đã thấy rất nhiều điều đáng sợ hơn, ác độc hơn, cay đắng hơn. Điều này chỉ đau đớn hơn thôi. Mà đau đớn thì không liên quan đến chuyện anh ấy đã chết thế nào.
Tôi im lặng. Chúng tôi im lặng. Có gì để nói về nỗi đau? Chẳng phải tất cả những từ ngữ đều trở thành vô nghĩa?
Anh ấy qủa thật quá mỏng manh. Sau một thời gian tưởng như kéo dài vô tận, Liên Hoa nói. Qúa mỏng manh để chết như thế.
Thế ư? Vẫn nhìn về phía cây nến trắng, tôi nói. Hồng Hải là một người đặc biệt, nhưng Liên Hoa cũng là một người đặc biệt để nhìn ra thứ mà chẳng ai thấy ở con người như thế.
Em yêu anh ấy, chuyện đó nói ra thì thật lạ lùng, đúng không? Vậy mà em yêu anh ấy. Chỉ sau một đêm. Chỉ sau một lần nói chuyện. Đêm ấy, chúng ta rủ nhau đi uống rượu ở cái quán bar có tên là Ảo ảnh của Lucifer, anh nhớ không? Cái quán bar có cách lắp đèn tạo thành ba số 6 đấy. Anh uống say, ngủ mất từ rất sớm, chỉ còn chúng em ngồi nói chuyện. Nói về anh.
Anh ấy kể lại chuyện các anh đã quen nhau như thế nào. Rằng anh ấy là người làm quen trước. Ngày đầu tiên vào trường, anh vứt phịch cái túi xuống bàn gần mình nhất, ngồi xuống và chẳng thèm nhìn đến ai trong lớp. Anh ấy bảo, anh rất thú vị.
Trước ngày gặp anh, anh ấy chỉ sống trong Trật Tự. Anh hình dung được một Trật Tự viết hoa không? Cái thế giới quay theo quy trình sẵn có, vận hành theo quy trình sẵn có. Bất cứ một sự lệch lạc nào cũng bị ném trở lại chỗ cũ, dù chỉ sai lệch một phân. Mọi người đều tin một điều và đều sợ một điều. Mọi người đều giống nhau. Mọi người đều như nhau. Theo tiêu chuẩn giống nhau. Nhìn người xung quanh. Sợ hãi người xung quanh. Ghen tị. Dòm ngó. So sánh. Sợ hãi.
Cái ngày ấy, khi nhìn anh bước vào một môi trường hoàn toàn xa lạ một cách chẳng hề bận tâm, anh ấy nhận ra rằng, thật ra, người ta có thể tồn tại bất chấp thế giới quay thế nào. Với nhận thức ấy, anh ấy giống như được sinh ra lần nữa. Rồi anh ấy thay đổi. Thành anh ấy bây giờ.
Nhận biết được sức mạnh bản thân là một điều vừa đáng mừng vừa đáng sợ. Được nhiều và mất cũng rất nhiều. Chẳng còn nơi nào mình có thể ở lại. Hoài nghi là một tội lỗi ngang bằng hoặc to lớn hơn phản bội. Có một lời nguyền ám ảnh lên những kẻ hoài nghi như Thượng Đế đã ném Lucifer xuống địa ngục. Họ chìm trong địa ngục của riêng mình.
Cho nên, anh là một người rất quan trọng với cả hai chúng em. Những ngày ấy thật vui, đúng không? Nếu như điều này là thật, em tin rằng anh ấy đã cảm thấy ngày tàn số phận của mình để trở về bên cạnh anh, chết nơi anh đang sống. Anh là người đã cho anh ấy một cuộc sống mới, anh ấy đã nói thế trong đêm đó. Và em nhận ra rằng, em yêu anh ấy. Em sẽ yêu anh ấy đến hết đời này. Em đã bị mắc bẫy, không thể thoát ra được nữa.
Như vậy, việc anh ấy tồn tại hay không tồn tại, còn sống hay đã chết, là bất cứ ai hay bất cứ hình dạng nào có quan trọng gì đâu.
Tôi nghe giọng Liên Hoa khô khan rơi vào đêm, để yên cho cô nói, thậm chí không cử động. Có quan trọng gì đâu, tôi nghĩ, thấy những từ ngữ ấy vang ong ong trong tai mình. Có quan trọng gì đâu việc một con người còn sống hay đã chết. Phụ nữ... Đàn ông thật là ngây thơ khi nghĩ rằng phụ nữ yêu mình. Những thành tích, niềm tự hào được phô phang hãnh diện về những cuộc chinh phục là thứ buồn cười một cách ngu ngốc. Phụ nữ, thứ họ yêu chỉ là tình yêu của chính họ.
Vậy ra, tôi- một cách vô thức- đã tạo ra con người quái dị này. Không biết đó là một lời cảm ơn hay là nguyền rủa. Tôi nhớ, lần đầu tiên xuất hiện trước mặt tôi, Hồng Hải còn mang chút dấu ấn nào đó của một đứa trẻ được chăm sóc kỹ càng. Tóc tai gọn gàng, áo bỏ ngoài quần nhưng thẳng nếp, móng tay sạch sẽ. Cậu ta ngồi xuống bên cạnh tôi, cười khoe răng trắng. Tôi đã nghĩ đến một con sâu trắng, mềm mềm, quấn quanh ngón tay tôi với những cái chân nhỏ xíu lành lạnh. Cái sinh mạng ấy, tôi có thể bóp chết một cách dễ dàng, nhìn dòng dịch trắng nhớp phọt ra dưới lớp da căng nhẫy. Đừng hỏi vì sao cái hình ảnh ấy lại xuất hiện trong đầu tôi.
Lâu dần, có thể là từ lần thứ hai, thứ ba gặp nhau, tôi không còn thấy nó giống một con sâu nữa. Nó là một đứa hạnh phúc và vui vẻ. Thậm chí nó sẽ vui vẻ khi phát hiện ra mình chết với một tấm thân nát bấy, be bét, y như những gì nó từng muốn làm với thế giới này. Có thể nó đã tìm thấy trong cơn đau khi xương thịt nát tan cái ánh sáng và niềm hạnh phúc mê ảo rực rỡ mà thuốc phiện cũng không đem lại được. Có thể nó đã nghĩ "Ồ, thật là đẹp!" khi bóng tối vĩnh hằng đổ ập lên mình. Cái chết, chẳng qua chỉ là như thế.
Cái chết, chẳng qua chỉ là như thế. Một lần, nó kể cho tôi nghe về vụ tai nạn mà nó từng gặp. Tao ngã xuống đường, rồi tỉnh dậy. Tao tưởng như chỉ nằm đó một khoảnh khắc rồi ngồi dậy ngay, nhưng hóa ra tao đã bất tỉnh cả tiếng đồng hồ. Người ta đã kéo tao lên lề, đã cãi vã, đã xét xử, đã gây lộn với nhau gần xong hết cả rồi. Vậy mà tao cứ nghĩ rằng mình chỉ nhắm mắt lại và mở mắt ra. Hẳn cái chết cũng chỉ là như thế.
Và rồi, nó càng lao vào những cuộc vui, những chuyến đi như thiêu thân. Nó không sợ cái chết, không ngần ngại bị tổn thương và cũng không xót thương. Có thể, nó đã đón nhận cái chết với một chút luyến tiếc, nhưng hạnh phúc như nó đã luôn luôn hạnh phúc. Trong thế giới lật ngược của mình.
Những người đó đã nghĩ cái gì nhỉ? Trong quảng trường mùa hạ, nó nheo mắt nhìn một bức tượng đồng đen. Lời nói cùng khói thuốc phả ra bốc lên trời hờ hững.
Ai? Tôi ném vụn bánh cho đàn chim bồ câu béo tròn, hỏi mà không quay lại.
Những vĩ nhân kia kìa. Lúc họ bắt đầu trở thành vĩ nhân, anh hùng thì họ cũng chỉ bằng tuổi bọn mình. Mà bọn mình, ít ra là cái thằng tao, chẳng biết rõ những gì mình làm là đúng hay sai nữa. Những người lớn tuổi hơn thì luôn luôn nói bọn mình chưa hiểu rõ để đánh giá được cái gì cả. Thế những anh hùng, vĩ nhân kia khi bằng tuổi bọn mình thì hiểu à? Nếu đợi đến khi hiểu rồi thì đời cũng chẳng còn mấy tí mà làm được cái gì nữa. Thế ra người ta trở thành anh hùng và vĩ nhân vì người đời sau chọn họ thành anh hùng vĩ nhân đấy chứ.
Thì đã sao? Ném nốt nhúm vụn bánh cuối cùng xuống sân, tôi nhìn sang bức tượng mà Hồng Hải đang quan sát. Ngày thường tôi vẫn đi ngang qua nó như đi ngang một cái cây. Cái cây còn khiến tôi thích thú tán lá thay màu mỗi mùa của nó, bức tượng thì không.
Phù phiếm. Thằng bạn tôi nhún vai, ném điếu thuốc xuống đất, lấy chân chà lên.
Tôi nhớ đến buổi sáng hôm ấy với cơn đau đầu ngày càng rõ dần bên thái dương. Trong im lặng, tiếng chuông điện thoại chợt reng lên. Chúng tôi vẫn ngồi yên, không ai vào phòng trong bắt máy. Từng hồi chuông rền rã kéo dài trong đêm. Nhói vào lồng ngực từng hồi.
Tưởng như nghe tiếng thúc giục từ bên kia đầu dây, từ đâu đó trên thế giới này, ở đâu đó trong khoảng không này. Có một người đang gọi.
Gọi mãi. Gọi mãi.
Những hồi chuông reo. Rồi im lặng.
Một lúc. Chuông lại reo.
Chuông lại reo.
Lại reo.
Điện thoại cứ reo. Reo mãi. Từng hồi.
13. Tỉnh táo và thối rữa - Căn hầm tối - Lời nói vô tình
Những giấc mộng đến với tôi ngày càng nhiều. Chúng khác nhau, nhưng dường như chỉ là những góc xoay của một khung cảnh không đổi, xuất hiện lặp đi lặp lại. Trong mơ, tôi thấy mình đi trong bóng đêm, thấy dáng hình lờ mờ của một căn phòng có vẻ rất quen nhưng tôi không thể nhớ ra được. Trong đêm có những tiếng lao xao, thì thầm rất khẽ. Chúng lan tỏa trong không khí tựa những đợt sóng đập vào trí não tôi âm âm. Những giấc mơ như thế để lại cho tôi cơn đau đầu khủng khiếp.
Tôi làm quen với những viên thuốc giảm đau cũng như làm quen với những cơn mưa ào ạt mùa hạ năm ấy. Hầu như ngày nào trời cũng đổ xuống một trận mưa trắng trời trắng đất. Mặt đường dường như chưa bao giờ khô nước. Chiếc dù vàng ở quán cà phê đầu hẻm nhỏ oằn một bên xuống dưới sức nặng của mưa. Nụ cười trở nên méo mó. Khách đến quán ít hơn, tiếng lao xao bị xóa nhòa trong mưa.
Đừng lạm dụng những thứ thế này. Thiên Thiên nói khi nhìn tôi bỏ viên thuốc vào miệng. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau, có lẽ ít hơn ngày xưa nhưng nhiều hơn một cặp bạn bè thông thường. Cũng chẳng có gì nhiều để nói với nhau ngoài những câu chuyện không đầu cuối. Nhưng thoải mái và thanh thản. Như một cái xe chạy bằng dây cót đang chậm dần lại trước khi dừng hẳn, cần có một khoảng yên lặng để quyết định nên đi tiếp hoặc rẽ sang nhánh khác. Không phải là chuyện tình yêu.
Em vẫn hay uống mà.
Anh khác. Anh bị mắc chứng mất ngủ, uống cái này thì càng có hại cho thần kinh của anh hơn. Dạo này có nhiều chuyện lắm phải không?
Tôi ngồi yên, không trả lời. Thiên Thiên thở ra, lắc đầu.
Anh bao giờ cũng lạm dụng bản thân.
Ai nói thế? Người ta chỉ bảo anh qúa dễ dãi với bản thân, từ cô giáo cấp một cho đến cô thư ký bây giờ. Tôi cười.
Anh qúa tỉnh táo. Trong ánh đèn của quán cà phê, mắt Thiên Thiên không rõ màu sắc.
Đó là điều tốt chứ.
Không. Ngày xưa em cũng vậy. Chẳng ai quan tâm đến cảm xúc của em. Tất cả những gì họ quan tâm là bảo em học, em làm việc, em ngoan ngoãn, thế này thế kia, nhưng không bao giờ bận tâm đến chuyện em buồn hay vui, em thất vọng hay buồn bã. Rồi em mất đi khả năng bộc lộ cảm xúc của mình. Lâu dần, những cảm xúc ấy thành một khối thối rữa ngay trong chính mình.
Cho nên em trở thành một người thất thường khó chiều như bây giờ. Tôi gật đầu. Mối quan hệ dễ chịu hiện tại cho phép tôi nói những lời ấy. Thiên Thiên nhếch môi.
Vẫn tốt hơn anh. Ở anh đang bốc ra mùi thối rữa.
Nghe như chợ cá, hả?
Không, giống xác chết trong một căn hầm kín, sâu trong lòng đất.
Chiếc ly trên tay tôi rơi xuống mặt bàn chỉ cách chừng một phân, lăn nghiêng, thứ nước bên trong tràn lênh láng. Cơn nhói buốt trong đầu dường như không thể chịu đựng nổi, phủ lên trước mắt tôi một màu trắng lóa. Tôi ôm đầu, gục mặt xuống bàn. Thanh âm lịm tắt trong vành tai.
Căn hầm kín... sâu trong lòng đất.
Tôi biết căn hầm ấy. Tôi biết rõ nó, căn phòng vẫn hiện ra trong những giấc mơ đến hàng đêm. Tôi nhận ra nó bây giờ. Nó nằm ngay dưới căn nhà tôi đang ở. Cánh cửa đã mất đi chìa khóa. Bên trong đầy những tác phẩm em tôi đã tạo ra. Khung cảnh mờ tối ấy đã trở đi trở lại trong giấc mơ tôi, mang theo cả hơi lạnh của đất và mùi cũ kỹ của thời gian.
Đó là nơi chúng tôi thường nấp tránh bà quản gia hung dữ trong những ngày còn rất nhỏ. Đó là nơi chúng tôi chơi đùa. Đó là nơi chúng tôi cất giữ những thứ bí mật của mình vào những góc tủ lắp san sát cạnh tường. Là nơi em đã trốn vào để khóc một mình lặng lẽ, mê đắm trong khói thuốc lặng lẽ, đốt cháy mình lặng lẽ.
Khi tôi có thể ngẩng lên, Thiên Thiên vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt không rõ màu sắc. Cô chỉ ngồi yên, đưa tay để lại cái ly lên bàn.
Em đã nói rồi, phải không?
Tôi nghe giọng Thiên Thiên như từ xa xăm vọng lại, trong một thoáng, cảm thấy rất mơ hồ. Cô đã nói rất nhiều chuyện, làm sao tôi biết cô đang nhắc về chuyện gì?
Anh mệt rồi. Để em đưa anh về.
Thiên Thiên gọi phục vụ đến thanh toán rồi đứng dậy, bước lại cạnh tôi, cúi mình xuống. Tôi nghe mùi nước hoa ấm dịu dàng phả vào khứu giác lúc cô thò tay lấy chìa khóa xe trong túi áo tôi. Tất cả những hành động ấy, cô làm với sự thân thuộc khiến tôi cũng cảm thấy lạ. Trên đường đi về, lúc ngồi trong xe do Thiên Thiên cầm lái, tôi cứ miên man nghĩ về cảm giác thân thuộc không biết đến từ đâu ấy. Sự khám phá ra căn hầm trong giấc mơ chẳng khiến tôi bận tâm. Đơn giản là nó ở đó, nó là thế. Tôi đã chấp nhận để qúa khứ đeo bám mình bằng những vết chân đầy bụi. Nó luôn luôn ở đó, chẳng còn cách nào khác được. Lâu dần, tôi coi cái bóng ma ấy là một người bạn, thỉnh thoảng chợt đến nhắc rằng ít ra tôi cũng đã từng tồn tại trên đời này như thế.
Tôi nhìn bàn tay Thiên Thiên đặt trên vô-lăng, những cái móng đã đổi màu sơn trắng ngà, làn da trắng. Một bàn tay đẹp, nhưng lạnh lẽo. Bàn tay Thiên Thiên bao giờ cũng lạnh, bất kể thời tiết như thế nào, bất kể tôi đã nắm tay cô bao lâu. Có nắm tay cô cả cuộc đời, có lẽ tôi cũng không đủ sức để sưởi ấm nó.
Cả cuộc đời... Những từ ngữ ấy vang lên, xa xôi, lạ lẫm như thể tôi không hiểu nổi ý nghĩa của chúng. Tôi không thể nào hình dung ra được. Thời gian ấy là bao nhiêu lâu? Đâu là khởi đầu và đâu là kết thúc? Không như chiếc xe đang chạy mà dù không biết đến mục tiêu, người ta vẫn có thể nhìn kim xăng và ước lượng được quãng đường, khoảng không mờ mịt đang ập đến này khiến ta sợ hãi. Ngay cả tình yêu và niềm vui cũng khiến ta sợ hãi.
Anh chuyển nhà đi. Vào trong nhà, pha cho tôi một ly nước, Thiên Thiên nói trong khi vẫn đang cầm cái muỗng nhỏ khuấy tròn nước trong ly. Mái tóc cô xõa xuống một bên vai.
Tại sao?
Ngôi nhà này yên lặng qúa.
Đâu phải lúc nào nó cũng như thế này. Anh đang định tìm một người quản gia.
Anh nên tìm một căn nhà có tiếng động mà không cần có người ở bên trong. Thiên Thiên nheo mắt, đẩy cái ly về phía tôi. Một ngõ hẻm, con đường đông đúc nào đó chẳng hạn.
Anh ghét ồn ào. Ở ngoài đường là đủ rồi.
Cứ ghét một cái gì đó cũng tốt. Cáu bẳn vì tiếng hai bà bán cá cãi nhau cũng được. Những lúc như thế trông anh dễ thương hơn bây giờ.
Ừ, biết rồi. Bây giờ anh đang bốc mùi. Tôi gật đầu, hớp chút nước trong ly. Vị chanh chua chua tê tê đầu lưỡi.
Anh đừng có đem mọi chuyện ra đùa rồi coi lời em như gió thoảng qua tai nữa được không? Giọng Thiên Thiên chợt gắt. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Cô đủ thất thường để thay đổi thái độ bất cứ lúc nào.
Tự dưng, tôi lại nghĩ đến căn hầm trong mơ. Giờ đây, khi cơn đau đầu dịu lại và cảm giác mà tôi đã thấy trong mơ trở lại một cách rõ ràng hơn những vệt lờ mờ trong trí nhớ, tôi nghĩ mình đã nghe thấy một hơi thở, rất khẽ, rung động trong không khí tối mờ, chạm đến tôi, lạnh ngắt. Một làn hơi duy nhất, tiếng động duy nhất, lan trong màn đêm. Nó đã nhòe nhoẹt đi trong tâm thức tôi cho đến bây giờ. Mà có phải thật sự tôi chỉ đang tưởng tượng ra?
Chợt nhớ đến Diệp cùng khả năng nghe được những âm động hầu như không hề có thật của cô. Tiếng nói trong đất, tiếng bản nhạc chiều vang trong hoàng hôn, cả tiếng gọi từ xa xăm của tôi một buổi trưa mùa hạ... Diệp, hình dáng và khuôn mặt như búp bê, thường ngồi lặng yên, đôi mắt to đen nháy, nghiêng đầu, lắng nghe. Cô bao giờ cũng như hiểu được những điều mà tôi không có khả năng diễn đạt ra. Cũng vì thế, cô đã để tôi đi mà không thử một lần giữ lại.
Em về đây. Thiên Thiên đứng dậy, với tay lấy giỏ xách và áo khoác.
Khuya rồi, sao em không ở lại? Tôi nói trước khi nhận ra mình nói gì. Đó là một thói quen. Tôi đã quen miệng nói ra câu ấy như thể những ngày còn yêu nhau. Thiên Thiên quay lại nhìn tôi, cau mày. Qua thái độ và ánh mắt cô, tôi nhận ra cô giận dữ thật sự.
Người như anh sao không chết đi cho rồi.
Trong ánh mắt Thiên Thiên là cơn giận dữ băng giá như muốn đâm thấu qua tôi. Môi cô mím lại sau câu nguyền rủa độc địa. Trong khi tôi vẫn chưa hiểu mình đã mắc tội gì đến mức như thế.
Anh cứ ở đây mà chết dấp với chúng đi!
Cánh cửa đóng sầm lại sau lưng Thiên Thiên, trong khi chiếc ly trên tay tôi mới chỉ vừa đặt xuống bàn. Thở ra, tôi nhắm mắt lại. Tôi muốn ngủ. Ý nghĩ ấy gào thét trong tôi với sự mời gọi ngọt ngào, ập đến ngay lập tức cùng với không gian vắng lặng vừa vây phủ. Bàn tay mềm mại của nó đang vuốt lên mi mắt tôi, nhẹ nhàng như đêm.
14. Búp bê thay đổi - Ác mộng di truyền - Bức họa
Với những giấc mộng đến ngày càng nhiều, dạo này, tôi càng nhớ đến Diệp thường xuyên hơn. Diệp mười sáu tuổi trong ký ức của tôi, hình bóng mờ ảo chỉ còn những nét phác mờ, tôi có thể mô tả lại bằng lời, nhưng không thực sự hình dung ra chính những gì mình nói. Ngôn ngữ, hình ảnh chỉ là cái vỏ ngoài bóng bẩy vô nghĩa và bất lực. Ngay cả nếu tôi giữ lại một tấm ảnh của Diệp cũng thế, những tấm ảnh không thể nào biểu hiện ra được những gì thực sự là Diệp mười sáu tuổi mà tôi biết.
Mười sáu tuổi, Diệp đã già đi. Không phải là chuyện xuất hiện nếp nhăn hay gầy gò, hốc hác đi- những thứ thuộc về vẻ bên ngoài, mà là nét mệt mỏi ngày càng rõ trong đôi mắt cô. Trong khung cảnh tươi sáng của bầu trời, khu phố ngập sắc hoa vàng, rộn rã tiếng chim, Diệp ngồi đó, nhìn mông lung. Áo sa đỏ, đôi giày đỏ, cả dây buộc tóc cũng đỏ, hình ảnh cô rực rỡ như đang bị thiêu đốt. Có một điều gì đó trong cô đang đi vào cõi chết. Rất chậm rãi. Không hay nó bắt đầu từ khi nào, nhưng đã biểu lộ rất rõ vào năm Diệp mười sáu tuổi.
Lần đầu tiên tôi nhận thấy ánh nhìn đó trên khuôn mặt Diệp khi cô ngồi làm mẫu cho một nhóm học hình họa. Cha cô là trợ giảng của lớp. Ông hay ngồi ngay trên đầu cầu thang, trước cửa căn gác kiêm lớp học để ghi thẻ ra vào của học viên, thi thoảng đứng dậy đi vòng quanh lớp chỉnh sửa bài. Khi ấy, thường người ta mới để ý rằng ông mất một chân. Tôi chưa từng hỏi Diệp lý do về cái chân của cha cô, một vấn đề riêng tư, theo tôi nghĩ. Vả lại, mất một bộ phận cơ thể nào đó cũng chẳng có gì là bất thường.
Hôm ấy, khi cha cô vừa chỉnh bài cho một học viên, anh giáo viên trẻ măng vừa đến đã giật tấm bảng gỗ trên tay ông lại. Làm gì mà dở thế? Anh ta càu nhàu. Lấy cục tẩy xóa hết những nhận xét của cha Diệp đi, anh ta ngồi xuống, nghuệch ngoạc chỉnh sửa lại từ đầu.
Chẳng ai để ý đến cảnh tượng ấy khi tất cả đang cặm cụi vẽ, trừ người học viên đang ngơ ngác và Diệp. Cô nhìn người cha im lặng trở về chiếc bàn quen thuộc của mình, chỉ có một thoáng đau buồn ánh lên rồi tắt lịm trong đôi mắt đen. Mênh mang sau đó là nỗi chán chường mệt mỏi in hằn trên khóe môi, đuôi mắt, làm cô như già đi thêm cả chục tuổi. Trạng thái ấy chỉ kéo dài trong thời gian mà người cha bước từ giữa phòng đến cánh cửa, nhưng cũng đủ làm tôi bàng hoàng. Trạng thái ấy chỉ âm thầm xuất hiện và biến mất, trong cái vẻ bất động của Diệp- người mẫu- ngồi như một bức tượng để người ta họa lại. Trong đám người ấy, không ai là thiên tài hoặc có được khả năng của thiên tài để vẽ được cô, không phải là vẽ cô như một bức tượng.
Ở một chỗ cổ xưa như thế, anh có thường hay mơ không? Hôm đó, khi tôi xuống dưới nhà ngồi cạnh cô, Diệp hỏi, như thể vu vơ.
Thỉnh thoảng. Nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt.
Dân gian gọi anh như thế là "nặng vía" đấy. Diệp cười. Nặng vía nên hồn ma không hù dọa được. Chẳng bù với em, từ nhỏ đến lớn toàn mơ thấy ma qủy. Xác chết đứt tay, đứt chân, không đầu, nát rời từng mảnh, thủng lỗ chỗ, tan nát không còn hình dạng gì... Đêm nào em cũng chỉ toàn mơ thấy những thứ như thế.
Em ở đâu? Vùng nào mà ghê thế?
Diệp im lặng. Nhìn ra cây mai vàng trước ngõ, thở dài.
Em chuyển nhà liên tục. Ba em không ở yên nơi nào qúa lâu được. Đó là giấc mơ của ba em. Chân của ba em mất ở chiến trường.
Vậy à?
Anh không hỏi ba em thuộc về phía nào sao? Khi hỏi câu ấy, Diệp khẽ nhếch môi. Lần nào em nói đến chuyện của ba, ai cũng hỏi như thế. Thật là quái lạ.
Ừ.
Tôi chỉ biết nói thế. Đó là cách đơn giản nhất để tránh những điều không nên nói hay không thể nói bật ra, tuôn trào và nhấn chìm bản thân. Tôi không thể nói ra ý nghĩ thoáng qua lúc ấy, rằng thật ra Diệp không cảm nhận được giấc mơ của cha cô. Tôi biết là có sự liên hệ của ý thức mơ hồ ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng không phải ở mức độ thường xuyên như Diệp miêu tả. Đó là sự liên hệ rất khác, như thể một khối ý thức đã được di truyền từ cha đến con. Những giấc mơ di truyền. Sự ám ảnh di truyền. Trong chính bản thân.
Điều đó nghe ra còn đáng sợ hơn tin rằng có những hồn ma nát bấy thực sự đang ở quanh mình.
Đó là lần duy nhất Diệp kể về cha cô. Những chuyện khác, tôi chỉ nghe được qua lời đồn đại. Cha Diệp đã có bằng kiến trúc sư trước khi ra chiến trường. Sau khi từ chiến trận về, ông đã đến đây dạy, công việc trong mấy chục năm chưa bao giờ thay đổi. Không ai nói đến mẹ Diệp, như thể bà đã không tồn tại, trước đó, hoặc hiện tại. Cách ăn mặc của Diệp rất khác so với những cô gái cùng lứa lúc bấy giờ. Hầu hết đồ cô mặc đều đã lạc mốt, màu sắc, kiểu dáng chỏi nhau kỳ quặc, nhưng kết hợp tất cả những thứ đó lại, Diệp trông rất đặc biệt. Thời trang chính là cô chứ cô không quan tâm đến thời trang- quan niệm ấy rất được những cô bé học viên hâm mộ.
Thật ra là vì ở nhà em có một ngăn tủ rất lớn đựng toàn đồ nữ. Thế là em chỉ việc lôi ra và mặc lại. Thời trang mà, chục năm sau lại quay trở về kiểu cọ cũ.
Tôi nhìn nụ cười của Diệp, lại nghĩ tới con búp bê và ngăn tủ trong ngôi nhà búp bê.
Nhưng Diệp không phải là búp bê. Từ năm mười sáu tuổi, thời gian đã chạm những bóng dáng của nó lên khuôn mặt, đôi mắt cô. Từ cái ngày mà lần đầu tiên tôi nhận thấy vẻ mệt mỏi chỉ có ở những người đã đi gần hết cuộc đời trên dung mạo Diệp, cô đã thay đổi nhanh chóng. Người lạ đến ít nhìn cô bỡ ngỡ hơn. Nét quen thuộc ở cô mờ dần, xa vắng tựa như một giấc mơ dĩ vãng. Người lạ không hỏi cô "Chúng ta đã từng gặp nhau chưa?" mà ngẩn ngơ nhìn, lặng im.
Mười sáu tuổi, trong khung cảnh chói sáng của nắng và hoa, Diệp như một đốm lửa đang đốt cạn dần mình. Thời gian đã dừng lại trong con hẻm ấy. Hoa vẫn nở và nắng vẫn vàng. Giây phút của đốm lửa rực sáng trước lúc lụi tắt cũng vẫn đứng yên tại chỗ. Trong thời điểm rực rỡ và đẹp đẽ nhất trước lúc héo tàn.
Mãi mãi, cảnh sắc ấy ở lại trong tâm trí tôi, an ủi sau những cơn ác mộng, đem đến nỗi ngậm ngùi những khi vui sướng hoặc buồn bã. Mãi mãi, nó ở lại trong nếp gấp sâu hoắm của bộ não mà không gì có thể chạm đến được, với nét của một bức tranh sơn dầu theo trường phái siêu thực- càng lại gần càng không thể hiểu được.
Những gì đã diễn ra với tôi năm mười sáu tuổi, tôi không biết phải bắt đầu kể từ đâu, như thế nào. Chúng là những vệt màu ram ráp đứng cạnh nhau, không hòa lẫn vào nhau, tạo thành một tổng thể vừa đau đớn vừa ngọt ngào, tươi sáng và đen tối, hứng khởi và u uất, hy vọng và tuyệt vọng. Những cảm xúc đó trộn lấy nhau, và chúng kêu lạo xạo, chà xát vào nhau trong ký ức tôi, tạo thành tiếng động khe khẽ, rợn rạo.
Mười sáu tuổi, cuộc sống của tôi đã bị xé tan thành nhiều mảnh, ghép lại trên khung tranh. Đôi lúc mảnh đời này lại xa lạ với mảnh đời kia như thể chúng không phải thuộc về một con người, chỉ chênh nhau một khoảng thời gian của bóng nắng mặt trời khuất sau núi mây.
Ban ngày, tôi nhìn nắng. Ban đêm, tôi nghe em đàn. Tôi có một khoảng sân hoa nắng. Tôi cũng có một góc hầm tanh mùi đất ẩm. Những điều như thế, thật lạ lùng, khi đặt cạnh nhau lại không hề có sự phân cách, tuy rất riêng biệt. Ngay cả lúc này, chìm trong những giấc mơ về căn hầm cũ, tôi vẫn nhớ đến Diệp, lòng mênh mông như xót thương, không rõ vì điều gì.
Trong lặng yên, qủa thật, tôi thấy mình đang rữa nát. Từng tế bào như đang muốn bóc tách khỏi thân thể, rơi xuống, bay lên, nhảy múa, héo tàn. Dòng máu chảy chậm đến mức tưởng như đông đặc, đọng vũng lại. Tâm trí hóa thành không khí, thành làn khói lờ đờ bã bời. Vậy mà, khi soi gương, trên khuôn mặt tôi vẫn không có nét mệt mỏi mà tôi đã từng cảm nhận thấy ở Diệp. Tất nhiên, so với khi mười sáu tuổi, tôi đã già đi, nhưng không có dấu in hằn của thời gian khớp kín như một cái mặt nạ trên bề mặt. Không có sự chán chường với cuộc đời và cảm giác tang thương ngay trong sự sống. Không có, ngay cả khi tôi đang rữa nát trong ác mộng, trong sự cô độc đến bải hoải cả người.
Diệp đáng thương của tôi đã cảm thấy gì với những cơn ác mộng di truyền khủng khiếp? Tại sao ngày ấy tôi chưa bao giờ hỏi? Có phải vì chính tôi cũng đã từng sợ câu trả lời? Sợ nó sẽ phá vỡ cả những gì còn lại?
Mười lăm tuổi, Diệp đi giày cao gót chạy trên cầu thang xoắn, hát líu lo.
Mười sáu tuổi, Diệp già đi với những cơn ác mộng có từ trước khi cô ra đời.
Và trong đêm dài, một ý nghĩ khủng khiếp đến trong tôi. Tôi tin, như một niềm xác tín, Diệp đã không còn trên cõi đời này nữa.
Tất cả những gì về cô mà tôi còn lại là bức họa tôi đã vẽ năm mười bảy tuổi. Dưới hầm nhà.
15. Mùi thuốc lá - Ước muốn và bật khóc - Đèn vẫn sáng
Hồi ức là một thứ dễ tàn phá con người. Nhất là những giấc mơ đến trong đêm, cắt nát giấc ngủ thành những khoảng tối dài. Chỉ sau ba ngày, đêm đó, tôi đã lên cơn sốt. Đầu chỉ hâm hấp nóng, nhưng ruột gan lại cồn cào, đôi lần nhói lên như xé. Tôi ngủ, vẫn mơ về khoảng sân nắng bên ngoài căn hầm tối, cơn mơ trượt dài thăm thẳm giữa những cơn đau. Đèn trong phòng vẫn sáng, để lại sau mi mắt khép những đốm lửa chập chờn đỏ quạch.
Nửa đêm, tôi tỉnh dậy, phát hiện ra có một chiếc khăn ướt đặt trên trán. Chăn cũng đã được kéo lên đắp ngang ngực tôi. Đèn trong phòng vẫn sáng, soi tỏ Thiên Thiên đang ngồi dưới sàn, cuối chân giường tôi, đầu gục vào hai bàn tay. Cô không ngủ, chỉ ngồi đó, mắt tỉnh táo nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Mưa đang rơi bên ngoài, hẳn là sau khi cô đến. Mái tóc cô không có một vệt ướt, xõa xuống lưng đen nhánh.
Em đấy à? Nghe tiếng tôi, Thiên Thiên quay sang, uể oải.
Ngoài em ra thì anh còn có ai nữa?
Cùng với cử động của Thiên Thiên, một mùi khét nhẹ phả đến. Mùi thuốc lá. Tôi lấy làm lạ.
Em hút thuốc à?
Không.
Thế...
Tôi im lặng. Giờ thì tôi nhận ra cả mùi nước hoa đàn ông và hơi rượu. Tất cả quấn lấy nhau thành vị tanh khét lợn cợn trong không khí. Thiên Thiên vẫn nhìn tôi, mắt trầm, đôi mi dài, đánh bóng nâu. Áo đỏ tím, thoáng qua trong đêm buồn vời vợi như một cánh buớm bay ra từ bóng tối. Khiến người khác nửa say mê nửa ngại ngần và rất nhiều e sợ. Mưa khe khẽ, khiến giấc ngủ của tôi cũng đang trôi tuột đi. Cơn sốt đã không còn nữa, chỉ cảm thấy mệt mỏi và nhức nhối.
Em không biết mình muốn gì nữa. Thiên Thiên lại gục đầu xuống hai cánh tay, nhìn ra cửa sổ. Giọng cô nhẹ như mưa. Trượt dài.
Đôi lần em muốn mình hoá thành tro bụi khi chết. Không phải là hỏa thiêu, mà em đứng đó, rồi hóa thành tro bụi, biến mất sau một cơn gió thổi qua, chẳng còn lại một vết tích nào trong thế giới này. Có lần em lại muốn mình chết khi đang rơi mà không có gì giữ lại. Rơi xuống từ một nơi cao, thật cao, đến mức có thể tận hưởng cảm giác rơi tự do đó đến chán thì mới chết. Có khi em lại muốn mình chết trong phòng kín, hơi ngạt hoặc thật nhiều cây. Lịm đi, không biết gì nữa. Em rất hay nghĩ đến cái chết. Điều đó có bình thường không?
Không. Tại sao lại thế?
Em chỉ nghĩ, thế thôi. Em biết là mình sẽ chẳng bao giờ làm. Nhưng mà, ngay cả cách chết em cũng không biết chọn, không biết mình muốn chết thế nào hơn nữa.
Em luôn cho rằng mình có qúa khứ rất khổ sở, nhưng thực sự có phải thế không? Em có một mái nhà, một gia đình, những người thân. Em đâu phải cù bơ cù bất, nhịn đói nhịn khát, chết đói chết khát như rất nhiều người khác. Đó chỉ là lý do để em bao biện cho việc làm của mình, nếu không phải như vậy thì tất cả những việc em đang làm có ý nghĩa gì? Tiền, em không cần nhiều đến như thế. Địa vị, em có thể lấy bất cứ một kẻ quyền lực nào cơ mà. Danh tiếng, em lại càng không cần. Em không biết mình muốn gì nữa. Giống như em đang chạy trốn cái bóng của mình. Bắt buộc phải chạy mãi, chạy mãi, chân không bao giờ chạm đến được đất. Nếu dừng lại thì em sẽ rơi xuống một khoảng đen ngòm, không thoát ra được nữa.
Em đã từng nói muốn biết rơi xuống khoảng đen ngòm đó như thế nào cơ mà.
Nghe tôi đùa, Thiên Thiên cười nhẹ. Cô lắc đầu, nhìn tôi.
Anh sẽ khiến em phạm tội đấy.
Tội gì?
Ừm, năm mười sáu tuổi, có một chuyện xảy ra khiến em vô cùng đau khổ, nên em đi tìm cái chết. À không hẳn, có chuyện xảy ra khiến em vô cùng căm ghét bản thân mình mới phải. Em không rõ nữa, nhưng đúng là em đã đi tìm cái chết. Em chết. Nhưng rồi em gặp một thiên thần. Bà ta bảo, con sẽ không bao giờ được siêu thoát vì tội lỗi con đã phạm phải. Nếu muốn lên thiên đường, con phải đi làm một việc tốt. Đằng kia có những người đang đi vào cánh cửa của địa ngục, con hãy chọn lấy một người để cứu thoát hắn ta. Cứu thoát được hắn ta, con sẽ trở thành thiên thần. Con sẽ biết tất cả về hắn ta và sẽ ở bên hắn ta. Nhưng con không được yêu. Thiên thần không bao giờ yêu.
Tôi bật cười. Thiên Thiên cau mày.
Anh mới là người không tin vào cổ tích đấy chứ.
Ừ. Nhưng mà anh cũng đang nhớ về một bộ phim dở ẹc có nội dung gần gần giống thế. Một cô bé làm rơi bánh bao rồi bà tiên hiện lên từ cái hồ.
À há, bảo với một con bé thiếu thốn và không được ai yêu thương rằng nó sẽ có tất cả, mọi người sẽ yêu thương nó, nhưng nó không được yêu ai.
Ừ. Tôi nói, rồi đột nhiên không còn biết phải nói gì.
Mưa vẫn rơi bên ngoài. Trong căn phòng, chỉ có sự lặng im ngự trị như đã có một sợi dây đứt phựt giữa lúc lời nói đang tuôn trào. Chẳng ai còn biết nói gì nữa. Không ai dám lên tiếng nữa.
Lặng lẽ, Thiên Thiên nhổm dậy, ngồi xuống bên tôi. Tôi kéo cô xuống. Môi chúng tôi gặp nhau. Vội vàng. Tay chúng tôi đan nhau. Siết chặt.
Mùi hương đàn ông xa lạ vẫn nồng lên trong không khí, quấn lấy tôi. Bóng ma của căn hầm và khoảng sân nắng hiện lên ngoài cửa chớp. Tất cả đều hóa thành nhòe nhoẹt. Bỏng cháy và nhòe nhoẹt. Nước mắt Thiên Thiên rơi xuống mắt tôi.
Gục đầu vào ngực tôi, cô khóc. Nức nở như một đứa trẻ đòi mẹ. Co quắp như một đứa trẻ. Rối tung như một đứa trẻ. Nấc lên, đau đớn và vô vọng như một đứa trẻ. Như em.
Em bé nhỏ, mới đưa từ bệnh viện về. Em bé nhỏ, còn xanh rớt sau một lần lên sởi. Em bé nhỏ, bị bạn ở lớp giành mất cuốn truyện yêu thích. Em gào khóc. Nắm tay bé xíu, ngón mềm oặt. Mặt lem luốc, mắt sưng đỏ. Tay nắm chặt, không vươn ra chờ ai nắm lấy. Mắt đỏ, nhắm nghiền, không đợi được nhìn thấy ai đến bên. Thân hình co quắp, thu lại như sinh linh nằm trong bụng mẹ. Gào khóc trong thinh lặng. Tiếng khóc vang vọng giữa bốn bức tường. Dội đập vào nhau. Nát vụn. Tan vỡ. Biến mất.
Từ bao giờ, em đã thôi gào khóc?
Ánh mắt buồn dưới mái tóc lòa xòa xõa xuống, nghiêng bên phím dây đàn. Gương mặt đẹp như tranh vẽ, trong sáng như chưa từng đau khổ. Từ bao giờ, em đã ngồi đó, dưới hàng hiên. Tôi đã không nhận ra em. Chúng ta ở bên nhau mà chưa từng nhận ra nhau. Chúng ta là những cái bóng trên bức tường trắng, soi lấy bản thân mình.
Tôi không có khả năng hiểu được nỗi đau của người khác. Tôi cũng không có khả năng an ủi. Tôi sợ nước mắt. Tôi không biết làm gì với nước mắt. Những lúc đối diện với nước mắt, tôi trở thành kẻ xa lạ ngay với chính bản thân mình. Tôi chỉ biết im lặng, nếu như không thể lảng tránh.
Tôi chỉ im lặng cho đến khi Thiên Thiên dịu xuống. Sự yên tĩnh lại trở về. Mưa đã ngừng. Nghe tiếng nước lác đác rơi, rì rầm chảy. Đêm lạnh. Bình minh sắp đến.
Xin lỗi. Thiên Thiên quẹt tay qua mắt, giọng nói nhỏ, khàn. Tôi đặt tay lên vai cô ngay lúc cô định nhỏm dậy. Chúng tôi lại hôn nhau. Lần này là dịu dàng và xa xót.
Em không yêu anh đâu. Thiên Thiên nói, hơi thở cô phả qua môi tôi, mái tóc đổ xuống, cọ vào vành tai tôi, thân thể nóng ấm của cô nép sát vào tôi.
Ừ.
Thật đấy.
Anh biết. Không người đàn bà nào khi yêu lại hành động như em.
Thiên Thiên thở dài. Nằm xuống bên tôi, quay lưng lại về phía tôi.
Rốt cuộc, có chỗ nào đã sai chứ?
Anh cũng không biết.
Tại sao chúng ta lại không thể yêu nhau?
Anh cũng không biết. Đó là câu anh đã từng hỏi em. Thôi, em ngủ đi, trời sắp sáng rồi.
Anh cũng ngủ đi. Anh vẫn còn bệnh đấy.
Ừ.
Cứ để đèn sáng thế này nhé.
Ừ.
16. Chia tay không nước mắt - Tan vỡ trước khi tồn tại - Chưa bao giờ
Cô đã từng đi phỏng vấn rất nhiều người, thế bây giờ tôi thử phỏng vấn cô nhé? Chúng ta thử chơi trò đổi chỗ cho nhau đi. Tôi sẽ là phát thanh viên và cô sẽ là văn sĩ. Nếu cô là nhà văn, cô muốn viết gì?
Tôi muốn viết về một cô gái không khóc khi chia tay.
Một cô gái không khóc khi chia tay?
Phải. Trong hầu hết những cuốn truyện tôi đọc, mọi cô gái khi chia tay đều khóc. Tôi không muốn thế.
Tại sao?
Tôi muốn thế, phải có lý do ư? Vì chia tay là một việc quan trọng và cần có sự quyết định. Tôi muốn cô gái của tôi là người quyết định, và như thế, cô ấy không cần phải khóc.
Điều này nghe có vẻ qúa tính toán và tỉnh táo?
À, có lẽ. Khi tôi còn học ở trường Báo chí, một thầy giáo của tôi đã nói: Các em có hiểu vì sao thế giới của các nghệ sĩ khác người thường? Vì để trở thành một người nghệ sĩ giỏi, họ phải mở rộng trái tim mình để nhìn, cảm nhận, phát hiện mọi điều trong cuộc sống và truyền tải chúng- Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc trở nên qúa nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nhà báo cũng là những người phải mở lòng để trở nên nhạy cảm với nỗi buồn vui của người khác, nhưng nhà báo bắt buộc phải gặp, đối diện với rất nhiều sự việc, con người, hơn người bình thường rất nhiều. Hãy học cách mở lòng mà không bị thương tổn. Điều đó có phải nghe ra là một điều bất khả thi hay không?
Đó là một sự tự chủ rất khó khăn...
Phải. Giống như chia tay và không khóc.
Những lời này được nói trong buổi ghi hình cuối cùng của Thiên Thiên với một nữ văn sĩ, chỉ được phát sóng sau ngày cô đi. Thiên Thiên chỉ nhắn tin cho tôi, ngắn gọn "Em có một chuyến tập huấn nước ngoài" và thậm chí không báo tôi đến tiễn. Tôi chỉ cảm thấy nghi ngờ khi trong một dịp tình cờ, cấp trên của Thiên Thiên nói rằng tất cả chương trình của cô đã được thay người.
Bao giờ cô ấy về? Tôi hỏi, với cái nhói nhẹ trong ngực.
Khóa học nửa năm. Nhưng chúng tôi đang cần người ở bên ấy. Tôi đã hỏi cô ấy có muốn ở lại bên ấy làm việc luôn hay không, cô ấy bảo rằng có thể. Đây là một cơ hội tốt, qúa tốt đối với một người mới như cô ấy.
Tôi gọi cho Thiên Thiên. Điện thoại im lặng. Im lặng ngập đầy bóng tối căn phòng.
Chia tay và không khóc. Chia tay và không ngoảnh lại. Thiên Thiên luôn muốn trở thành con người như thế. Muốn làm được những điều rất khó khăn, như thể đang tự hành hạ bản thân mình. Vì ham muốn qúa nhiều hay không có được thứ mà mình khao khát?
Những ngày mùa hạ qua nhanh. Mưa sũng sĩnh mặt đường, kéo ngày dài xám ngoét. Không khí lúc đặc lại trong hơi nóng ngốt, lúc ngột ngạt hơi ẩm gai người. Tôi hút thuốc nhiều hơn, phóng xe nhanh hơn trên những con đường vắng. Giờ đây, ngay cả những chương trình tivi cũng chẳng còn Thiên Thiên nữa. Liên Hoa thường xuyên cáo bận để đến ngồi vẩn vơ bên dòng sông chảy cắt qua thành phố, tưởng nhớ về những gì chưa từng tồn tại. Tôi biết, và cũng chẳng làm phiền cô. Tôi có thể làm gì? Chúng tôi như những con sâu đang ăn mòn phiến lá chông chênh dưới chân mình. Ngấu nghiến hồi ức để được trả lại nỗi trống trải đầy ắp. Khoét rỗng chính mình.
Mất một thời gian để tôi nhớ ra trước khi gặp Thiên Thiên tôi đã sống thế nào. Nhẩm tính lại, hóa ra cô là mối quan hệ lâu nhất của tôi. Đến mức tôi đã từng có ý nghĩ rằng, chỉ cần có sự hiện diện của cô quanh cuộc đời mình là đủ. Đó là một ý nghĩ gần giống như hy vọng. Và đó là một sai lầm. Tôi nhìn thấy điều ấy, thanh thản. Sự thay đổi và vô tình của người khác là chuyện đương nhiên, nó vẫn luôn xảy ra, chẳng có gì cần oán trách hay đau buồn.
À không, lần này thì tôi biết rằng mình buồn bã. Khi tiếng gọi rơi vào im lặng. Khi tiếng chuông điện thoại vang lên ở một nơi nào đó trên thế giới này không được đáp lại. Cuối cùng, tôi xóa số điện thoại của Thiên Thiên để không còn nhấn vào nó như một thói quen.
Sau một thời gian, tôi không còn chắc mình đã chưa từng yêu Thiên Thiên.
Những cảm giác của tình yêu trong tôi chỉ còn là cái bóng mờ thời niên thiếu. Những rộn ràng vui sướng bên cạnh Diệp. Những xôn xao dưới tán lá cây đầy nắng. Những mộng tưởng và hy vọng. Những gì tôi đã từng có trong tay và cũng chính tôi buông rơi, đập vỡ. Tôi không thể nào nhớ được thứ cảm xúc ấy bây giờ.
Tôi không thể nào hình dung ra được ký ức của sự đau khổ. Nó đã mất hút trong những ngày tháng ấy, từ khi tôi đứng nhìn theo những bước chân vội vã cùng bàn tay buông lắt lẻo như chỉ chực rơi xuống từ một thân xác lạnh. Nỗi đau đã tràn đến khi ấy, tưởng chừng khiến tôi có thể chết được, ngay lập tức, vĩnh viễn- rồi cũng tan mờ dần theo thời gian.
Tất cả, tình yêu và nỗi đau, chỉ để lại trong tôi những ám ảnh. Những cái bóng mà tôi chẳng còn có thể chạm đến bây giờ. Tôi chỉ nhớ những điều đã quên. Những hình bóng chợt đến trong đêm thâu hay giữa giây phút tình cờ chỉ là chớp sáng của ảo giác. Ký ức, là đôi điều mà tôi có thể mô tả lại chính xác, như thể cuộc đời của một người khác.
Tôi không thể nào nhớ ra được mình đã từng yêu như thế nào, không biết cả những gì tôi đang cảm thấy có phải là đau khổ. Cho nên, tôi chỉ đơn giản nghĩ là mình buồn.
Anh nói chuyện rất tức cười. Trong một lần hiếm hoi gặp tôi, Liên Hoa nheo mày. Nếu muốn gặp thì mua cái vé máy bay, đến đó mà tìm cô ta. Anh ở đây tự vấn thì có ích lợi gì?
Đến gặp để làm gì? Tôi hỏi, nhìn khói thuốc bay lửng lơ. Quán vắng, chỉ có một vài người phục vụ đứng vẩn vơ gần quầy. Cà phê nhạt. Thứ duy nhất khiến tôi thích đến đây là chỗ ngồi cạnh một khung cửa sổ nhỏ, nhìn qua hàng xà cừ đến một con đường ngắn, uốn cong như thể sắp nghiêng gãy. Ngày trời trong, những vạt nắng lan xuống bức tường dài, trải qua mặt đường màu vàng óng mềm mại như mật. Rất ít người qua lại con đường ấy, chỉ có hàng đàn chim sẻ mỗi ngày đến nhảy nhót, những chấm nâu nhỏ như hạt đậu rơi trên đường. Quán thường bật nhạc không lời, tiếng violin da diết như sông chảy. Ngồi nơi đây, thấy mình tan biến đi trong nắng. Ngay cả vị cà phê cũng chẳng để lại một chút đắng cay, chỉ có hơi nồng lên trong cổ.
Liên Hoa nhìn tôi, không nói. Cô nhìn theo ánh mắt tôi đến những tán xà cừ rung rinh ngoài khung cửa.
Hôm qua, em xem một bộ phim. Giữa tĩnh lặng, giọng Liên Hoa trở nên xa lạ. Trong bộ phim ấy, có những câu đối thoại thế này:
Cô ấy không muốn được hạnh phúc.
Mọi người đều muốn được hạnh phúc.
Những kẻ sầu não không muốn. Họ muốn được buồn bã để chắc chắn rằng mình sầu não. Nếu được hạnh phúc, họ không thể giữ được sự âu sầu. Họ sẽ phải bước ra ngoài cuộc sống, mà điều đó có thể đem đến sự sầu não.
Đổi "sầu não" thành những từ như "nghi hoặc", như "oán trách", như "buồn bã" thì có lẽ anh là thế. Điều duy nhất em không thể xác định được ở anh là nên để chữ gì vào. Chữ gì sẽ chiếm vị trí quan trọng nhất?
Anh thì thấy cả đoạn hội thoại đó gộp vào chỉ trong hai chữ "Sợ sệt".
Không hẳn thế. Dante đã từng bảo rằng ông nhìn thấy trên cánh cửa địa ngục có ghi hàng chữ "Kẻ bước qua đây hãy để lại tất cả những hy vọng". Anh đã từng thấy cánh cửa ấy chưa?
Cũng chẳng biết nữa. Tôi định trả lời thế, nhưng lại cảm thấy mơ hồ. "Anh đã từng khao khát điều gì đó chưa?", đó là điều Thiên Thiên đã luôn hỏi tôi. Hỏi đi hỏi lại. Chưa bao giờ tôi trả lời cô chân thành.
Tôi đã từng có điều gì để khát khao?
17. Mưa ngày Vu Lan - Ruột thịt - Lời nguyện cầu của mẹ
Tôi đến thăm mẹ ngày Vu Lan. Sân chùa sũng nước, những tán lá mệt mỏi rủ xuống trong hoàng hôn lạnh xam xám. Phòng của mẹ nằm ở dãy trong cùng, khuất sau bức tường gạch thấp. Không nắng, không gió, không cả ánh sáng hay bóng tối. Ngọn nến trong phòng sáng suốt ngày đêm.
Một ni cô bước đến khi tôi đang đi ngang khoảng sân ướt, trên tay bà ta là một giỏ hoa giấy nhỏ. Trước khi tôi kịp lên tiếng, bà ta đã đặt bông hoa màu đỏ lên ngực áo tôi.
Cám ơn. Nhưng không cần đâu. Tôi gỡ bông hoa xuống, nói nhã nhặn. Hẳn ni cô này mới đến nên không biết thói quen của tôi. Sau vài năm đầu, không còn ai đến gắn hoa cho tôi vào dịp lễ này nữa. Ni cô già nhìn tôi lạ lẫm. Tôi đặt bông hoa lại vào trong giỏ của bà, mỉm cười chào trước khi quay bước.
Mẹ tôi đứng trước cửa phòng bà, nhìn tôi đi đến. Trong bóng tối và dưới bộ áo nông sồng, trông bà nhỏ bé, mong manh, gò má cao hõm lại, tạo nên trên gương mặt một nét hốc hác tối tăm. Nếu đã nhìn thấy cử chỉ vừa rồi của tôi, mẹ cũng không biểu lộ điều gì. Bà mở cửa cho tôi vào, để tôi ngồi xuống chiếc ghế góc phòng, đặt xuống trên mặt bàn trước mặt tôi một ly trà. Tôi sẽ uống hết ly nước ấy, nghe bà tụng xong một bài kinh rồi đứng dậy cáo từ ra về, như mọi năm vẫn làm. Thỉnh thoảng mẹ nói chuyện với tôi, về điều gì thì tôi cũng quên rồi, nhưng hẳn cũng chẳng có gì đáng nhớ.
Vừa nghĩ, tôi vừa đưa tách trà lên môi, chờ đợi tiếng gõ quen thuộc đến chán ngán của hai mảnh gỗ đập vào nhau. Đó gọi là gì ấy nhỉ? À, mõ. Tiếng mõ đều đều lốc cốc như đá lăn.
Khi tôi đặt ly trà xuống, mẹ đã qùy trước bàn thờ. Nhưng bà không cầm mõ lên. Bà chỉ ngồi yên, chiếc lưng gầy hiện rõ trong tấm áo lùng thùng.
Con đã định lập gia đình chưa?
Tôi chớp mắt. Mất vài giây để tôi tin rằng mình đã nghe được câu hỏi của mẹ. Thêm vài giây nữa để tôi cảm thấy buồn cười.
Mẹ không cần phải quan tâm chuyện đó.
Câu nói ấy, tôi đã nói rất bình thường. Nhưng vai mẹ tôi giật nhẹ. Giọng nói của bà khẽ khàng như hơi thở.
Cần ư?
Mẹ cảm thấy cần phải quan tâm à?
Tôi bật nói ra mà không kềm lại được. Có sự buồn cười đến mỉa mai lớn dần lên trong tôi, với những câu hỏi của mẹ, với những cố gắng của bà. Những cố gắng để yêu thương chúng tôi, như bà đã luôn luôn thể hiện trong suốt những năm tháng ấy. Và thất bại như bà đã luôn luôn thất bại. Để lại trong tôi nỗi buồn cười chán chường và trong em tôi sự tổn thương sâu hoắm. Nhưng đã không một ai trong chúng tôi thể hiện ra điều mình nhận biết. Đó là một màn kịch hay một trò chơi được dàn dựng đến mức chán ngán. Chỉ có điều, nó đã được hạ màn sau cái chết của em tôi. Sau khi tôi ra đi và quay lại, mẹ không bao giờ còn tỏ ra sự cố gắng ấy nữa, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
Từ nhỏ, con đã là một đứa trẻ rất lạnh nhạt. Giọng mẹ tôi đều đều. Ngay từ lúc còn ở trong bụng mẹ, con đã chẳng mấy khi đạp. Lúc ấy, mẹ cho rằng con rất ngoan ngoãn. Nhưng rồi sau này mẹ lại nghĩ, chẳng qua vì con không muốn liên hệ đến ai. Con lớn rất nhanh, khỏe mạnh và cứng cáp rất nhanh, chẳng qua cũng vì thế.
Lần này, thực sự tôi đã bật ra tiếng cười.
Sinh ra trong dối lừa rỗng tuếch thì một là đủ ngu ngốc để tin, hai là đủ tỉnh táo để nhận biết- chỉ có thế thì mới không rơi xuống vực như em tôi đã từng. À, em đáng thương của tôi, đã cố gắng để tin vào sự cố gắng của người khác, đem những giả vờ làm hy vọng, đem những dối trá làm khát khao. Và rơi. Ngày càng sâu xuống đáy giếng không ánh mặt trời. Ngày càng tuyệt vọng và trống rỗng. Đem những mảnh vỡ cứa nát tâm linh lẫn thân thể mình.
Nghe tiếng cười, mẹ chậm rãi quay nhìn tôi. Trong ánh nến leo lắt, một nửa khuôn mặt bà tối lại, vết hằn của xương gò má chạy qua mặt như bức tượng sáp bị vạt đi một mảnh. Bà vẫn đẹp. Nét tinh anh đẹp đẽ vẫn còn đâu đó trong đôi mắt, nét ngài, đôi môi và bàn tay với những ngón mảnh, dài. Tôi không nghĩ cái cười của mình vừa rồi là chua chát. Tiếng cười ấy không làm mẹ đau lòng, bà chỉ ngạc nhiên. Có lẽ, ngạc nhiên vì sự thú vị rất bình thường của nó, như thể tôi đã cười một vai hề rất hay trên sân khấu, với sự dửng dưng của người ngoài cuộc.
Con có oán ta không?
Không.
... Và mẹ cũng đừng oán trách mình. Vì những điều ấy có nói ra hay không cũng đều vô ích, nên tôi đã không nói. Yêu thương không phải là một trách nhiệm, ngay cả với những kẻ cùng máu thịt. Yêu thương chênh lệch không phải là chuyện bất thường, đúng hơn, là đương nhiên. Không có sự công bằng trong tình cảm, ngay cả giữa bậc sinh thành và những người con. Đôi khi, từ đau lòng có thể sinh ra oán trách. Nhưng đó không phải là tôi.
Mẹ vẫn ngồi lặng yên như pho tượng. Tôi chờ đợi bà quay lại với chiếc mõ của mình, tụng xong bài kinh để tôi có thể ra về. Ánh nến lù mù và không khí nồng mùi nhang khói ở đây làm tôi cảm thấy nhức đầu. Hẳn ngoài kia trời đã tối, những đoàn thanh niên đã tụ tập ngoài cổng chùa, tay cầm hương hoa. Những vòng hoa nhài trắng. Những bông hoa đỏ hoặc trắng gắn trên ngực áo. Hoặc là trời đã mưa. Ngày Vu Lan cũng là ngày Ngưu Lang Chức Nữ, mưa dài dằng dặc như dòng sông ngân kết bằng nước mắt. Những cánh hoa đỏ trắng bã bời trôi theo mưa, mất hút vào bóng tối. Nơi ấy, sự tồn tại của "có" và "không" không là gì và cũng không có ý nghĩa gì.
Nơi đây, sự tồn tại của thời gian cũng không có ý nghĩa gì. Dù đêm hay ngày, dù nắng hay mưa, cũng chẳng còn có thể nhận biết được. Tôi thấy mình như bị chôn sống.
Con xin phép về. Tôi đứng dậy. Mẹ cau mày. Cái bóng mờ của sự sống thoáng qua trên gương mặt bà dưới dạng của một sự thất vọng sâu sắc. Vì điều gì, tôi tự hỏi.
Nếu như con không thể thay đổi, thì đừng lập gia đình, cũng đừng ràng buộc với bất kỳ ai. Con sẽ chỉ mang lại bất hạnh cho kẻ khác.
Mẹ quan tâm đến bất hạnh của kẻ khác hơn hạnh phúc của con?
Người như con không biết đến hạnh phúc.
Thế ra, trong cái căn phòng này, đó là tất cả những gì mẹ nghĩ được à?
Khi đã ra đến cửa, tôi đột ngột đứng lại. Cơn giận quặn lên trong lòng, nóng rực. Tay tôi chỉ muốn nắm lại, đấm vào cánh cửa gỗ dán hình hai ông la hán kia, những màu mè rực rỡ trên bức tranh bỏng cháy trong mắt tôi.
Mẹ của tôi, người đã sinh ra tôi. Và chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Chưa bao giờ chạm vào tôi mà không run rẩy. Đem nỗi bất hạnh của mình trút lên người khác. Đem cuộc đời mình biến thành một nỗi bất hạnh.
Tôi không khóc khi em khóc. Tôi không gục ngã khi em gục ngã. Tôi không đau buồn khi em đau buồn. Tôi không rơi xuống khi em đã rơi. Tôi không hạnh phúc khi em không hạnh phúc.
Tất cả những điều ấy, mẹ thấy được gì? Mẹ đã sinh ra chúng tôi, cho chúng tôi hình hài, cuộc sống này. Và bỏ chúng tôi lại vật lộn với chính cái bóng của mình. Em tôi đã tin, như trẻ con tin vào phép màu cổ tích. Em tôi đã đợi chờ, như đứa bé chờ qùa của ông già Tuyết. Em tôi đã nguyện cầu, như thể tin vào quyền linh của những vì sao. Nào phải cứ cố gắng là có thể làm được. Nào phải niềm tin sẽ được đáp trả công bằng.
Trong thế giới mênh mông xa lạ này, ngay cả người cùng máu thịt cũng không thể yêu thương chúng tôi, thì ai có thể?
Con không oán hận mẹ. Nhưng cũng không bao giờ tha thứ.
Tôi nói. Chậm rãi. Mở cánh cửa và bước ra ngoài. Đêm đã buông và trời đã mưa. Những giọt nước lạnh đáp vào mặt tôi, run rẩy trượt xuống trên làn da nóng. Tôi bước qua khoảng sân ướt đan dày cành lá đen thẫm trong đêm, nghe tiếng kinh nguyện cầu văng vẳng từ bốn phía dội về. Như ụp xuống từ trời cao, theo mưa lạnh.
Đừng cầu nguyện cho em, mẹ ạ. Cũng đừng cầu nguyện cho người anh không rõ hình hài. Em đã luôn tin tưởng, đã chịu đọa đày, đã yêu thương, đã thiện lương hơn bất cứ ai và đã ra đi về phía thiên đường. Nơi đó, em không còn đau khổ nữa. Người con ngày xưa của mẹ, hồn phách hẳn cũng đã thôi gào thét, đã bị đốt rụi trong tro tàn, đã tuyệt diệt và sẽ tái sinh.
Con mới là kẻ cần lời nguyện cầu của mẹ.
Điều đó, mẹ lại không bao giờ nghĩ tới.
18. Cô gái giống hoa dạ lý hương - Khóc giữa thế giới - Dưới bầu trời
Tôi gặp được chủ nhân của chiếc dù vàng, hay đúng hơn, chủ nhân của nụ cười trên chiếc dù vàng, vào một chiều mưa lâm thâm cuối mùa. Tuy quán cà phê tưởng chừng chỉ ở ngay cạnh cơ quan, mở cửa sổ nhìn xuống là thấy được, nhưng thật ra phải đi quành một con phố mới có thể tới. Trong cả mấy năm trời, chẳng bao giờ tôi nhớ ra để đến ngõ hẻm ấy. Chiếc dù vàng chỉ xuất hiện trong ý thức lúc tôi bước chân vào văn phòng và mở cửa sổ. Trong những giây phút còn lại, nó hoàn toàn mất hút như không hề tồn tại.
Buổi chiều hôm đó, tôi đã phát hiện ra có một cái cầu thang để bên cửa sổ tầng một nửa khép nửa mở. Hẳn công nhân lau chùi cửa kính ban sáng đã để nó lại. Ngần ngừ một lát, tôi mở hẳn cửa sổ, leo xuống thang. Và nhận ra mình đang đứng trong con hẻm vẫn nhìn thấy hàng ngày.
Đôi khi, nhớ lại, buổi chiều hôm đó, cái quyết định vô thức leo xuống cửa sổ kia vẫn giống như một giấc mơ. Chỉ có trong mơ, người ta mới có thể hành động mà không cần suy nghĩ. Và chỉ có trong mơ, cái nơi chốn không định trước mới có thể xuất hiện đầy ngẫu nhiên một cách không hề được chờ đợi như vậy. Ngay cả ánh sáng của chiều hôm muộn đã bao phủ con hẻm cùng với mưa rơi cũng mang đầy vẻ liêu trai của một điều có thể tắt bất cứ lúc nào. Hạt mưa rất nhỏ, hầu như là bụi. Lấm tấm bám đầy vai áo tôi. Chiều hoang vắng lạ kỳ. Vào giờ ấy, hầu như tất cả mọi người đã về nhà ăn tối hoặc tắm rửa. Cây dù vàng ở quán cà phê đầu hẻm rũ một nửa nụ cười xuống, màu đỏ đen nhòe nhoẹt trong mưa và bóng tối không rõ dáng hình. Quán vắng, chỉ có cô chủ ngồi sau cái quầy nước bằng sắt thấp, mái tóc xõa xuống vai khi cô ta cúi đọc một cuốn sách để trên đùi. Không rõ vì bóng đèn nho nhỏ để ngay cạnh hay vì đó là màu thực sự, làn da cô ta vàng một vẻ rất không tự nhiên. Giống như chiếc dù của quán, sắc vàng phai qua nắng mưa nhợt nhạt.
Tôi ngồi xuống bên một trong những chiếc bàn trống. Vẫn không ngẩng lên, cô gái ngồi sau quầy hỏi thức uống của tôi bằng giọng chẳng rõ vui buồn, không chán nản mà cũng chẳng miễn cưỡng. Sau câu trả lời của tôi một lúc, cô ta mới ngẩng lên. Nhìn thẳng vào tôi. Nheo mắt.
Đó là một khuôn mặt nhạt nhòa, ngoại trừ đôi mắt rất trong và sáng, hầu như có thể nhìn thấu người đối diện. Đôi mắt cũng không đẹp, khuôn mắt hơi lộ, chỉ trong. Khuôn mặt hầu như của một thiếu nữ. Thiếu nữ trong phòng kín, không ánh mặt trời, không yêu thương và cũng không buồn bực, vẻ lãnh đạm của một người không có gì để thích thú và nét chăm chú của kẻ rất quan tâm đến cảm xúc của riêng mình, chỉ của riêng mình. Khuôn mặt ấy giống một bông hoa dạ lý hương nở trong đêm. Màu trắng nhàu nhĩ, vẻ đơn giản của năm cái cánh nhỏ đến mức tầm thường, hình dạng dài nhẳng không ấn tượng. Chỉ có mùi hương là như thoảng từ đâu đó về, không phải do chính bông hoa tỏa ra.
Cô ta nhìn tôi đăm đăm một lúc lâu. Rồi im lặng cúi xuống pha cà phê như tôi đã gọi. Khi cô ta đặt ly xuống bàn, tôi chỉ vào chiếc dù vàng, hỏi.
Ai vẽ lên cái dù này thế?
Cô gái vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt trong veo đến lạ lùng. Im lặng kéo dài trước khi cô trả lời.
Chúng tôi. Tôi và Thiên Thiên.
Thiên Thiên?
Anh không nhận ra tôi à? Chúng ta đã từng gặp nhau ở trường quay.
Giọng cô ta nhỏ nhẹ, như là nói về một sự thật mà không hề có ý trách cứ, hoặc là đã quen thuộc với sự quên lãng của người khác. Tôi nhìn khuôn mặt không mấy ấn tượng càng nhòa nhạt đi trong bóng tối. Mất một lúc lâu để nhớ ra. Trong thời gian đó, cô ta kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi, chờ đợi.
Mộc Thảo.
Cuối cùng thì cái tên hiện lên trong trí nhớ tôi. Cái tên còn ấn tượng hơn con người. Có cái gì đó tạo cảm giác luôn luôn muốn đảo ngược lại, gọi chệch đi trong cái thanh âm này. Cũng có cái gì đó rất phi lý trong ý nghĩa của nó. Mộc Thảo. Nhà văn đã có buổi nói chuyện với Thiên Thiên vào buổi phát hình cuối, cũng như có đôi lần Thiên Thiên nhắc về cô ta.
Mộc Thảo chớp mắt thay cho cái gật đầu. Tay cô ta di lên vũng nước nhỏ đọng trên bàn, vẽ thành một vài hình tròn xoắn lấy nhau.
Tôi biết Thiên Thiên từ hồi chúng tôi còn ở chung cư. Mộc Thảo nói như giải thích. Sau này gặp lại, cô ấy thường đến đây chơi. Hôm mua cái dù này, Thiên Thiên bảo nó đơn điệu qúa. Sẵn tiện có ngôi nhà kế bên đang sửa, chúng tôi xin một ít sơn rồi vẽ lên nó. Anh ở tòa nhà nào đó quanh đây phải không?
Tòa nhà đằng kia. Tình cờ nhỉ? Vậy là Thiên Thiên hay đến đây mà tôi không biết. Chắc hai người thân nhau lắm?
Không. Không đâu. Nụ cười mơ hồ thoáng qua gương mặt Mộc Thảo. Chúng tôi thích nhau, vậy thôi. Hồi còn ở chung cư, tuy gặp mặt nhau hàng ngày mà chúng tôi hầu như không nói chuyện với nhau. À, phải nói là tôi nhìn thấy Thiên Thiên hàng ngày mới đúng, chứ cô ấy không mấy khi nhìn thấy tôi. Hầu như ngày nào cô ấy cũng ra khóc ở cầu thang, chếch cửa nhà tôi một chút, nhìn qua khe cửa là thấy.
Ngày nào cũng khóc?
Ừ, vậy đó. Từ hồi còn bé, chẳng nhớ là bao nhiêu tuổi nữa, đã thường xuyên thấy cô ấy ở cầu thang. Căn phòng của gia đình cô ấy rất bé, vậy là muốn yên tĩnh chỉ có cách ra cầu thang ngồi. Ở đó, tiếng động rất vang, người đi qua từ lầu một cũng nghe thấy tiếng chân để tránh bị nhìn thấy rồi. Cầu thang ấy dẫn lên sân thượng, lại càng ít người qua lại. Chỉ nghe thấy tiếng động dội lên. Giống như ngồi khóc giữa thế giới mà chẳng có ai để ý.
Lúc ấy, tôi nghĩ cái cách cô ấy khóc giống như một thiên thần ngồi khóc trên bầu trời. Mộc Thảo cười. Ý nghĩ đó ngây thơ một cách đáng ghét, phải không?
Thiên Thiên ghét cách nói đó lắm. Tôi gật đầu. Nhưng đó là một hình dung đẹp đẽ đấy chứ.
À, như sau này Thiên Thiên bảo tôi: Nỗi đau cũng giống như vết thương. Kẻ chiến thắng khoe khoang nó. Kẻ thất bại che giấu nó. Còn nhà văn khai thác nó như loài chim ăn xác chết.
Miệng lưỡi cô ấy thường độc địa như thế. Tôi cười. Nhưng Mộc Thảo nhíu mày. Khuôn mặt cô trông càng có vẻ trẻ con hơn. Tay cô ngưng lại khi vũng nước trên bàn đã gần khô hết. Cô nhìn xuống nó, như thể vừa nhận ra những vòng tròn mình đã vẽ. Chúng chỉ còn lại vệt mờ mờ trong ánh đèn.
Sau này, cô ấy vẫn thường tới đây ngồi khóc. Cô ấy rất hay khóc. Hôm vẽ cái dù, cô ấy bảo, sẽ không để ông trời nhìn thấy mình khóc.
Giọng Mộc Thảo vẫn nhỏ nhẹ. Tôi không còn biết phải nói gì.
Khi nhìn cô ấy khóc, tôi cảm thấy mình đúng là một loài chim ăn xác chết. Tôi đã thấy cô ấy khóc trong bấy nhiêu năm, vậy mà chưa từng ra an ủi. Cũng chưa từng tìm hiểu lý do tại sao. Bây giờ thì cô ấy không nói nữa rồi. Mà những lý do cũng không còn quan trọng, không có ý nghĩa gì nữa.
Mưa vẫn rơi lâm thâm, thoáng như bụi qua ánh đèn. Tôi thấy trong lòng dậy lên nỗi nhớ nhung hầu như là chua xót với một người không còn có thể gặp lại. Không, còn có thể, nhưng đã có sự trễ tràng. Thời gian đã trôi qua. Chợt nghĩ về mặt đồng hồ trơn chuội không số của Hồng Hải. Có những điều không có biểu hiện gì về mặt thực thể, nhưng lại hầu như là vô giá.
Bao nhiêu thời gian đã trôi qua trong cuộc đời tôi mà không thể nào quay lại được? Bao nhiêu con người đã đi qua? Bao nhiêu nước mắt đã rơi? Tại sao trong ký ức tôi chẳng còn lại chút gì? Hầu như tất cả đều giống với hình ảnh của nụ cười màu vàng kia, tôi chỉ nhớ ra sự hiện diện của chúng khi gặp gỡ. Thời gian của cuộc đời tôi đã ở đâu rồi?
Chỉ duy nhất một lần Thiên Thiên tìm đến tôi khi cô khóc. Nức nở trong đêm, hoàn toàn vô vọng, chẳng chờ đợi điều gì đến cùng với ánh sáng. Chẳng chờ đợi tôi nắm lấy tay cô. Tôi sợ nước mắt. Tôi đã lặng im. Luôn luôn, có những điều mà tôi không bao giờ biết.
Dưới bầu trời này, có một cô gái đã từng núp dưới nụ cười tròn, lặng khóc.
19. Nơi xa lạ - Những mối liên hệ - Cô đơn
Trước khi đi, Mộc Thảo để lại cho tôi chiếc dù vàng.
Tôi còn giữ quán nước này là vì sở thích thôi. Mẹ tôi đã từng buôn bán ở đây cho đến khi bà mất. Từ nhỏ tôi đã hay ngồi ở sau quầy, quan sát người qua lại. Nhưng rồi tôi không muốn ngồi mãi một nơi nữa. Ý nghĩ này có từ lâu rồi, đến tận bây giờ tôi mới có quyết tâm để thực hiện. Tôi muốn đến những nơi thật xa lạ.
Chiều tối hôm đó, trong cơn mưa lâm thâm, Mộc Thảo đã mỉm cười nói, sau khi bảo tôi có thể mang chiếc dù vàng ra về.
Ngoại trừ những nơi mình đã quen thuộc, nơi nào mà chả xa lạ? Tôi đặt ly cà phê đã uống cạn xuống bàn. Ánh sáng từ bầu trời đã tắt. Đèn sáng trắng loang trên mặt đường ướt mưa.
Ngoại trừ bản thân mình, ở đâu cũng là nơi xa lạ. Mộc Thảo chỉnh lại lời tôi, nụ cười vẫn vướng vất trên môi.
Vậy thì sao lại cần đến nơi xa lạ?
Phải đi hết những nơi xa lạ thì mới có cơ hội tìm được nơi mình muốn trở nên quen thuộc. Thật ra thì tôi cũng chẳng biết nữa. Ngày ở chung cư thì tôi luôn muốn thoát khỏi khu nhà ngột ngạt đó. Sau này chuyển nhà thì tôi lại muốn không phải ở chung với qúa nhiều người. Ngồi ở quán nước này thì tôi cũng nhanh chóng cảm thấy chán với nhịp điệu trôi chảy mỗi ngày. Có lẽ, vấn đề là ở tôi. Cho nên, tôi nghĩ: Thế thì thôi, đã đi thì nên đi thật xa.
Nhân tiện ở đây thì anh đem cái dù này về đi, nếu anh muốn. Ừ, vì anh là người đầu tiên tò mò vì nó cho nên tôi đem cho anh. Không chỉ có vật, mà cả con người cũng vậy, đôi khi chỉ cần một chút chú tâm và cơ hội như thế.
Mộc Thảo nhìn tôi, hơi nheo mắt. Mắt trong như thể có thể nhìn thấu tâm can người khác.
Khi tôi đứng dậy chào ra về, cô vẫn im lặng một lúc lâu trước khi đặt một tờ giấy vào tay tôi. Cử chỉ ngần ngừ như đang bỏ nó vào lửa.
Nick chat của Thiên Thiên. Nếu muốn nói chuyện với cô ấy thì gọi. Bảo rằng tôi đưa cho anh.
Tôi không biết có nên cám ơn Mộc Thảo hay không. Mấy ngày sau, khi chiếc dù vàng đã được đặt ở một góc sân nhà tôi, cái tên ghi trong giấy đã được đánh lên vài lần trên màn hình máy tính rồi lại bị xóa bỏ, tôi vẫn không gọi Thiên Thiên. Trong đêm, tôi nhìn mãi vào màn hình có nền xanh, rồi đóng nắp máy, đứng dậy đi ra ngoài hiên. Cái dù vàng đã được chỉnh lại cân bằng, nụ cười xoe tròn trong bóng tối.
Này, anh có nghe thấy không? Bản Serenade đấy.
Không. Tôi trả lời với đêm. Tại sao những cô gái lại luôn hỏi tôi câu ấy? Tại sao họ lại nghe được thanh âm mà tôi không cảm nhận thấy? Giờ đây, khi nhớ lại, tôi tự hỏi, cả tiếng của bản nhạc được phát trên loa hơi rè một ngày xa xưa nào đó, khi Thiên Thiên gọi điện cho tôi có thật hay không? Ảo tưởng, có khi nào lại rõ nét đến như thế?
Đó là cuộc điện thoại cuối cùng của Thiên Thiên trước khi cô nhắn tin chia tay tôi. Chẳng vì điều gì thật sự được gọi là lý do. Tôi chẳng biết cô đã nghĩ gì vào cái ngày hôm đó. Thiên Thiên đã nói gì nhỉ? Về một cuộc gặp với người không quen.
Nếu như đó là anh chàng ngày xưa...
Anh ta đồng ý gặp tôi dễ dàng khi tôi gọi theo số điện thoại trong danh thiếp. Ngồi trong khu hút thuốc của tầng ăn uống nằm trên lầu thượng tòa nhà cao nơi anh ta làm việc, anh ta đợi tôi đến. Khung kính trước mặt đầy nắng, làm nổi lên một vài nếp nhăn trên trán anh ta, cả một vết mờ trên khóe môi. Dấu của thời gian mà trước đây tôi đã không nhận thấy trong bóng tối. Đó chỉ là những đường nét mờ nhạt, nhưng đã được nắng làm sâu thêm, cùng với đôi mắt bao giờ cũng mang vẻ u uẩn không bao giờ dứt được.
Anh biết Thiên Thiên không? Tôi hỏi sau một lúc trò chuyện xã giao. Mắt anh ta vẫn tĩnh lặng.
Cô phát thanh viên trên tivi? Biết. Từ lâu rồi. Khi cô ấy xin vào làm thêm khi còn đang học cấp ba. Sao cậu hỏi thế?
Hôm anh gặp tôi, Thiên Thiên đã nói trước rằng tôi sẽ gặp một người "biết nhưng không quen".
Anh ta cười.
Phải rồi. Chính cô ta gọi tôi tới khu nhà ấy. Nhưng tại sao cô ta lại muốn cho cậu gặp tôi nhỉ?
Vì Diệp. Tôi nói như thở dài. Người bên cạnh tôi hơi cau mày. Anh ta đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi dài. Tôi không hiểu được sự liên hệ của Thiên Thiên và anh ta, cũng không hiểu tại sao cô lại biết về anh ta, tôi và Diệp. Dù tôi đã từng kể cho Thiên Thiên nghe một vài mảnh hồi ức nào đó, cũng qúa mơ hồ để có thể tìm hiểu được. Trừ phi...
Diệp đi rồi. Anh ta nói, chậm rãi. Anh ta không hỏi quan hệ của tôi và Thiên Thiên, cũng chẳng thắc mắc. Một ngày, cha Diệp bảo ông ấy đã nghỉ làm ở đó, rồi dẫn cô bé đi. Từ đó, chẳng ai còn nghe tin về cha con họ nữa. Sau đó thì Thiên Thiên tới lớp học ấy làm thêm, do tôi giới thiệu.
Tại sao cha con Diệp lại đi?
Không rõ. Ông ta không nói gì cả, chỉ bảo "Đến lúc phải đi rồi". Lần cuối gặp tôi, Diệp có nhắc đến cậu. Cô bé bảo rằng, có những cơn ác mộng không thể nào dứt bỏ được. Dù cậu có đi cùng trời cuối đất thì cũng không thể nào quên được. Vậy là đủ. Phụ nữ, ở một khía cạnh nào đó, thật sự rất độc địa.
Câu cuối cùng, anh ta nói với cái cười khẽ. Cái cười giống với Phật Tổ Như Lai khi thấy Tôn Ngộ Không viết chữ lên mấy ngón tay. Tôi im lặng. Tất cả mọi việc đã và đang diễn ra với sự tình cờ, những cơ duyên đến gần như phi lý. Mọi việc đang xảy ra giống như trong một giấc mộng, chỉ có trong giấc mộng mọi sự bất ngờ mới có thể đến như thể được xếp đặt sẵn trong ý thức như thế.
Cậu có nghe nói về những nghiên cứu về cá heo quẫy đuôi tạo ra sóng thần hay hồng hạc đập cánh tạo thành bão chưa? Đặt điếu thuốc đã cháy gần hết xuống cái gạt tàn, ấn đầu thuốc xuống để dập lửa, anh ta vừa nhìn cụm khói nhỏ bay lên vừa mỉm cười nhẹ. Thoạt đầu, ai nghe cũng thấy rất phi lý. Ai cũng tự hỏi, người nào mà lại dư thời gian đến độ đi nghiên cứu những thứ như thế?*
Tôi thì nghĩ, có thể, thật sự, tất cả mọi chuyện, mọi sự vật, con người trên thế giới này đều có liên hệ với nhau. Như cái bình đầy sỏi, chỉ cần một viên rung nhẹ một chút, tất cả sẽ chuyển động theo. Như thời gian tồn tại trong vũ trụ, những gì đã xảy ra thì sẽ không bao giờ mất đi. Qúa khứ, hiện tại, tương lai. Một viên đá lăn trên đường. Một tiếng động trong đêm. Một người gặp một người. Cái quẫy đuôi của cá heo hay cái vỗ cánh của chim hồng hạc. Những mối liên hệ như vậy, có thể chứ.
Tôi ấn lên thái dương. Cơn đau đầu lại trở về, nhoi nhói. Đằng sau chúng tôi, có ai đó đang mở cửa đi vào. Tiếng lanh canh huyên náo của nhà ăn buổi trưa lọt qua cửa xôn xao trong một quãng thời gian ngắn trước khi bị chặn lại. Lời nói của anh ta vang bên tai tôi, chợt trở nên xa xôi như những tiếng động ngoài khung kính. Anh ta nhìn xuống đồng hồ. Mặt trở lại nét lành lạnh như ngày đầu tiên tôi gặp. Tôi lại chợt nhớ ra người phụ nữ kia. Rồi lại quyết định im lặng.
Anh ta nhìn ra nắng đang đổ xuống thành phố phía dưới, như có điều gì đó định nói, nhưng cũng lặng im. Cô đơn. Cô đơn tràn đến bao phủ con người ấy chỉ trong một cái chớp mắt. Cái con người có thể nói rằng tất cả thế giới này đều gắn kết và liên hệ với nhau, nhưng lại bất lực không tìm được đường quay lại. Thành phố trải mênh mông, sáng lên trong nắng chiếu chiều thẳng đứng. Mây cuồn cuộn phía chân trời. Những con đường chằng chịt cắt qua nhau. Người xe như những chấm nhỏ li ti đang chuyển động.
Thành phố thay đổi nhiều qúa. Anh ta chợt nói. Lớp học ngày xưa chuyển đi rồi. Cả con hẻm ấy cũng trở thành ngõ buôn bán. Cậu không cần trở lại đó nữa đâu.
Tôi nghĩ về những lồng chim và chậu hoa treo lủng lẳng trước hiên nhà, bụi hoa sao và nắng đổ trên bức tường rêu phủ. Diệp, đôi chân đi giày đỏ nhịp khe khẽ trên cầu thang gỗ sơn xám tróc lở. Diệp, ra đi và không bao giờ trở lại. Hồng Hải, em tôi, cha tôi và bao nhiêu người khác, thân xác hóa tro tàn. Tất cả, chỉ còn lại trong tôi.
Ngoại trừ bản thân mình, ở đâu cũng là nơi xa lạ.
Anh sẽ cô đơn cả đời, cả đời đấy, biết không?
Và khi nhìn người đàn ông đang đốt cho mình một điếu thuốc, khi nhìn làn khói cuộn lên trong nắng chiếu xiên qua đôi mắt mang nỗi u uẩn không bao giờ kết thúc, lần đầu tiên tôi chợt nhận ra ý nghĩa của nỗi cô đơn. Lần đầu tiên, tôi chợt nhận ra- Tôi sợ.
20. Nỗi nhớ mùa đông - Dòng chảy - Kẻ đi lạc
Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng, chiều nay cũng bỏ ta đi
Nằm nghe xôn xao tiếng đời, mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy giờ đây cũng bỏ ta đi
Tôi thích giọng người ca sĩ này. Giọng Bắc, trầm, lặng. Ran rát như lưỡi lửa liếm qua bầu không khí lạnh đến tê buốt.
Tôi đã vô tình đưa ra lời nhận xét ấy vào cuối buổi ăn trưa hôm đó, khi quán bar của khu vực cho phép hút thuốc trên tầng thượng tòa nhà phát một bản nhạc không thường được nghe vào những năm tháng này. Anh ta chỉ im lặng, hầu như không nghe tôi nói gì. Điểm đến của ánh nhìn mất hút vào khoảng không mênh mang tiếng nhạc. Anh ta trở lại thành người thanh niên của chừng chục năm trước, trầm lặng đến mức lầm lì.
Hẳn anh nhớ mùa đông ngoài ấy lắm. Thành phố này làm gì có mùa đông. Tôi vẫn cố gợi chuyện. Sự biểu hiện trong đôi mắt anh ta khiến tôi nghĩ rằng anh ta đang nhớ về những hồi ức không mấy vui vẻ. Như đã nói, tôi rất lúng túng với nỗi buồn.
Có đấy chứ. Dù chỉ một vài ngày nào đó trong năm. Vẫn không nhìn tôi, anh ta lặng lẽ mỉm cười. Lần đầu tôi đến thành phố này đúng vào những ngày cuối năm. Sương giăng trên những ngọn cây cao, xanh ngắt, khoảnh khắc mà nó ánh lên trong nắng, bầu trời màu xám... hình ảnh ấy tôi không bao giờ quên được.
Cách nói của anh ta làm tôi thấy lạ. Sao lại phải quên hay không quên cái hiện tượng đến đều đặn trong mỗi năm? Tuy vậy, tôi không hỏi. Anh ta lại hướng mắt về tấm kính nhìn ra thành phố. Lạ, anh ta luôn tạo cho tôi ấn tượng về một cái cây đơn độc, dù những năm tháng ở thành phố này của anh ta có lẽ còn nhiều hơn cả tôi, vậy mà, anh ta cứ như không thể nào hòa nhập được với xung quanh. Không phải anh ta tách rời mình ra, chỉ là vẻ cô đơn. Với những người ở chốn thị thành này, sự cô đơn của họ là những khối nhà khép cửa, đóng chặt mình lại sau một lớp vỏ; vẻ cô đơn của anh ta lại trôi tản mác như mây trên bầu trời, như tán cây nghiêng xuống đổ tràn ánh nắng. Sự tự tại như thể đó là một phần bản thể của anh ta.
Nỗi buồn đau, do vậy, cũng trở thành một phần của cuộc sống, như không khí, như nước.
Làm sao về được mùa đông dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về
Cậu vẫn nhớ Diệp à? Anh ta hỏi, giờ đây đã quay sang tôi. Tôi chỉ gật đầu. Ngón tay anh ta gõ nhẹ lên thành gỗ của chiếc ghế. Có vẻ như anh ta muốn rút một điếu thuốc khác, nhưng cuối cùng lại không làm thế. Có vẻ như có những điều anh ta chỉ nói ra cùng với khói thuốc, như thể anh ta cảm thấy rằng có thể nhìn thấy nó, dù chỉ trong giây phút, thì dễ chịu hơn.
Cậu làm tôi nhớ đến một người, cũng chẳng biết mình muốn gì. Rồi cuối cùng từ bỏ chính bản thân mình. Luôn chống chọi lại với một điều gì đó không tồn tại. Giọng anh ta nhẹ nhàng.
Dạo này cậu gặp khó khăn?
Khó khăn? Tôi lặng im, suy nghĩ. Tôi có những giấc mơ quái dị- nhưng tôi đã quen với chúng từ lâu rồi. Tôi vừa chia tay một cô gái- nhưng tôi cũng đã quen với chuyện chia tay. Tôi vừa mất một người bạn- nhưng tôi cũng chẳng lạ lùng gì với mất mát. Tôi có những hồi ức lạ- nhưng đó cũng là chuyện đương nhiên phải thế. Cái đồng hồ không chữ số, chiếc dù vàng, vấn đề với mẹ, những cuộc gặp gỡ thoáng qua, cả cầu thang tối hay bản nhạc chiều- tất cả chỉ là những hình ảnh thường nhật như cảnh vật lướt qua hai bên lề đường mỗi ngày, vốn chẳng sinh ra và tồn tại vì cái ý nghĩa biểu trưng mà người ta gán vào chúng. Cả bản thân tôi, cuộc sống của tôi, cũng là những thứ tầm thường, trôi trong nhịp điệu bình thường chầm chậm. Do đó, khó mà nói rằng có sự bất ổn nào đang xảy đến. Vậy mà đúng là tôi cảm nhận được nó. Như thể thốt nhiên nhận ra rằng trái đất hình cầu mà mình đứng này đang quay, dốc ngược tôi xuống với hai chân vẫn dán dính vào bề mặt.
Anh ta vẫn nhìn tôi. Không có vẻ tò mò, chỉ như một người đang quan sát dòng nước đang trôi hay mặt trời đang lặn. Chờ đợi điều đang diễn ra với cặp mắt của người đã thấu hiểu nó. Khi tôi không nói gì, anh ta quay lại uống nốt ly rượu của mình, ngón tay vẫn nhịp nhẹ bên hông ghế. Giọng đều đều.
Có những người, trước đây, tôi nghĩ rằng chẳng có gì tác động được đến họ. Giống như dòng nước, cứ trôi thế thôi rồi sẽ ra đến biển, rồi thông đến các đại dương, ở đó thì chẳng còn gì quan trọng nữa. Nhưng mà, đến một lúc nào đó, tự nhiên họ lại đứt phựt một cái. Đứt thật sự, tệ nhất là gãy đổ, nhẹ nhàng nhất là họ cảm thấy cuộc sống trước đây, tình cảm, lối sống, mục tiêu... trở thành phi lý một cách đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân chính xác thì khó mà xác định được, như thể chỉ ngủ một giấc rồi thấy mặt trời tự nhiên mọc theo hướng khác. Điều đó lại thường hay xuất hiện ở dạng người có thể là hơi dửng dưng, thật vậy. Kiểu người có xu hướng hấp thu tất cả những việc xảy ra xung quanh mình, không phản kháng, thậm chí không phản ứng, dù chỉ bằng thái độ hoặc tình cảm. Những người như thế, thật ra luôn luôn phải dè chừng.
Anh có vẻ rất rành tâm lý?
Không. Nhưng tôi biết cảm giác của kẻ đi lạc. Tự dưng mình lại không ở chỗ mình nhắm tới. Tôi biết một người đã đi lạc liên tục trước khi không còn trở về được nữa. Như thể tâm thức bị gãy vỡ ra từng mảnh một, rất chậm, là cả một qúa trình dài.
Làm sao về được mùa đông, dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông. Mùa thu cây cầu đã gãy
Thôi đành ru lòng mình vậy vờ như mùa đông đã về.
Tôi vẫn im lặng, suy nghĩ. Thật lạ lùng khi nghe những lời này từ một người hoàn toàn xa lạ, một người hầu như chẳng biết tôi là ai. Anh ta cũng đang nhắc đến một người chắc hẳn chẳng liên quan gì đến tôi. Cả bài nhạc đang được phát cũng của một người tôi không rõ ngay đến cái tên. Về những hồi ức, kỷ niệm, nỗi lòng của một người khác. Đó có phải là vấn đề của tôi hay không, tôi cũng chẳng rõ. Tôi hầu như chẳng bao giờ đi lạc. Từ nhỏ, tôi đã quen với những ngõ ngách, khúc quanh, tự rèn luyện cho mình một ý thức không gian sắc bén đến mức có thể hình dung lại con đường đi qua mà không cần hỗ trợ nào của khung cảnh. Nhưng tôi đã đi lạc. Đi, và không trở về được nữa. Bây giờ, tôi chẳng còn nhớ về con đường đến ngõ hẻm ngày xưa, như thể nó đã bị xóa trắng trong trí nhớ tôi.
Ký ức tôi có những đoạn bị xóa trắng, tôi biết điều ấy, chỉ không rõ đó là do cố tình hay vô thức. Không phải như những ký ức bị kẹt đâu đó, thất lạc trên vùng não bộ mênh mông với hàng tỉ tế bào, nhưng vẫn có thể tình cờ bắt gặp khi có một điều gợi nhớ hay là trong giấc mơ, những khoảng trắng này đích thực không bao giờ trở về được nữa.
Anh ta lại nhìn đồng hồ. Không có vẻ sốt ruột, chỉ như một thói quen. Một người luôn có ý thức về thời gian và luôn muốn xác định rõ vị trí của mình. Ngay cả chục năm trước, khi anh ta đứng lơ vơ trong nắng, nhìn bóng đổ xuống những cành mai đang nở- đó cũng là một biểu hiện khác của thời gian. Kiểu người có giác quan rất nhạy, và do đó, ở trong tình trạng hầu như không bao giờ an tĩnh.
Vì sự nhạy bén đó, anh ta có thể đã nhìn ra vấn đề của tôi. Giọng anh ta đầy cân nhắc khi cất lời. Lần này, anh ta lại đốt thuốc. Như thể cảm thấy an tâm hơn với lời nói được hóa thành thực thể.
Thật ra, tôi cũng không hiểu lắm. Tôi không có thói quen suy nghĩ nhiều về cảm xúc của bản thân. Tôi đã gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng cũng giống như đập ngăn nước, vượt qua được thì lại mạnh hơn. Tôi nghĩ, sự đứt vỡ đó là do một ẩn ức nằm sâu dưới đáy, ở tận nguồn của dòng nước. Một ngày nào đó, nó đột nhiên làm nguồn khô cạn, hay là đổi dòng.
Có vẻ như anh đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi đưa ra lời nhận xét, một phần vì cái thói quen không thích nhắc đến chuyện riêng tư đột nhiên bộc phát. Tất nhiên, anh ta cũng nhận thấy. Trong cái nheo mắt nhẹ, tôi cảm thấy anh ta cười. Nhưng anh ta không nói nữa. Nhà ăn đã vắng dần người và tôi nghĩ cũng đã đến lúc phải trở về với công việc. Tôi đứng dậy, chào tạm biệt.
Thật vui khi được nói chuyện với anh. Tôi nói. Và để chữa lại lời buột miệng khi nãy, tôi nói thêm. Thật sự tôi rất khâm phục một người hiểu nhiều như anh.
Tôi có một vết thương. Và vết thương thì bao giờ cũng cực kỳ nhạy cảm. Đã bảo tôi là một người thực tế, thực dụng cũng được, tôi biết sử dụng ngay cả vết thương của mình. Anh ta bắt tay tôi. Cái cười vẫn ở trong mắt anh ta, chìm sâu trong nỗi u uẩn không đáy.
Tôi biết, mình vẫn không thể thích được anh ta. Tôi không thích nỗi buồn. Và tôi càng không thích thú nhận rằng, có nhiều khi, sự phòng vệ của tôi đâm thẳng vào nỗi buồn của người khác.
Nói chuyện với anh ta, tôi thấy cái lạnh tràn ứ lên trong lòng. Buồn thương vô hạn.
Buồn thương vô hạn.
Làm sao về được mùa đông, dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông. Mùa thu cây cầu đã gãy
Thôi đành ru lòng mình vậy vờ như mùa đông đã về.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top